Núi Bạch Mã và là Vườn Quốc gia nằm ở độ cao 1450m so với mực
nước biển, có khí hậu như Sa Pa, Tam Đảo hay Đà Lạt. Ở đây thực vật phong phú,
tươi tốt quanh năm, động vật cũng đa dạng và vô số các loài chim. Ngọn núi nổi
tiếng bởi có những con suối và nhiều ngọn thác ngoạn mục.
Năm 1932, Bạch Mã được ông Girard - một kỹ sư người
Pháp phát hiện, để rồi sau đó, một hệ thống gồm 139 biệt thự, khách sạn, bể
bơi, đường giao thông… được xây dựng, nhằm phục vụ việc tham quan, nghỉ dưỡng của
giới quan chức người Pháp và người giàu có thời bấy giờ.
Trên tờ Tuần báo ảnh Indo-chine (Đông Dương) số 159
ra ngày 16-9-1943 có một bài báo viết về việc người Pháp đã tiến hành xây dựng
nơi đây thành một địa điểm nghỉ mát nổi tiếng (Bản dịch của Tôn Thất Hanh):
“Năm 1932, Girard, kỹ sư trưởng Cầu Cống với ý định tìm một địa
điểm thuận tiện để thiết lập một nơi nghỉ trên núi cao gần Huế, đã thăm dò rặng
núi Truồi và khối núi Bạch Mã gần quốc lộ 1, đối diện với biển, giữa Huế và đèo
Hải Vân.
Sự xa cách của Đà Lạt, những chi phí đi lại và ăn ở tốn kém tại
nơi này làm cho những dịp nghỉ hè khó thực hiện đối với nhiều gia đình trung
lưu định cư ở Huế và các tỉnh lân cận.
Một nơi nghỉ trên vùng cao khá nhỏ bé, Bà Nà, đã được thiết lập
trên vịnh Hàn, nhưng vì lối đi lên khó khăn và nhất là phải vượt qua đèo Hải
Vân để đến đó, làm cho nơi nghỉ này ít thuận lợi đối với dân Huế.
Trong các cuộc thám sát được thực hiện trong hai ngày 28 và
29-7-1832, Girard đã dứt khoát chọn núi Bạch Mã, quần sơn cao 1.450m chế ngự đầm
Cầu Hai, ở về phía Nam Huế 40km.
Từ năm 1933, khu Công Chánh Trung Kỳ đã xây dựng tại Bạch Mã
một nhà gỗ đơn giản để có thể đến tạm nghỉ vào mùa hè. Điều này có thể xác chứng
được. Khí hậu Bạch Mã chắc chắn là một trong những khí hậu dễ chịu nhất của những
nơi nghỉ trên vùng cao của Đông Dương. Nhờ gần biển, nhiệt độ không bao giờ vượt
quá những giới hạn sau: lạnh nhất mùa đông +4 độ C, nóng nhất mùa hè +26 độ C.
Từ tháng 2 đến tháng 5 Dương lịch, vũ lượng thấp nhất. Độ nhiệt mát mẻ chứ
không lạnh. Nó biến thiên từ 10 độ đến 22 độ. Không một thời kỳ nào khác trong
năm mà rừng đầy hoa; có thể đẹp hơn và khí hậu có thể ôn hòa hơn.
Từ tháng 6 đến tháng 9, các buổi ban mai đầy ánh nắng thật rực
rỡ, thỉnh thoảng vào các buổi chiều, có vài cơn mưa dông ngắn ngủi. Độ nhiệt trở
nên êm dịu hơn, người ta ghi nhận 18 độ vào buổi sáng và về đêm.
Những trận mưa lớn chỉ bắt đầu vào cuối tháng 9 và kéo dài 3
tháng phù hợp với chế độ mưa của miền trung Trung kỳ.
Năm 1934, một con đường ghế kiệu có thể đi qua, được thực hiện
trong một thời gian dài, là bảo đảm độc nhất cho lối đi lên nơi nghỉ mát. Những
khó khăn này không làm lùi bước cư dân Huế, đã bị những viễn cảnh về tương lai
Bạch Mã quyến rũ. Nhờ đầu tư, bền chí và liên tục cố gắng, họ đã lôi kéo chính
quyền quan tâm đến hoạt động của họ và tham gia tích cực vào việc quy hoạch nơi
nghỉ mát. Đức tin của những người đi tiên phong vào tương lai Bạch Mã đáng được
nêu cao.
Năm 1936, 17 nhà gỗ đã có mặt trên đường đỉnh chóp. Năm 1937,
một đường ô tô chạy được đã thông tuyến cho đến độ cao 500m; hoàn thành vào năm
1938, đường này góp phần vào sự phát triển mau lẹ của nơi nghỉ mát, 40 nhà gỗ mới
được xây dựng thêm. Năm 1942, nhịp độ tăng nhanh, 45 nhà gỗ mới mọc lên. Năm
1943, mặc dầu việc cung cấp vật liệu gặp khó khăn, 30 nhà gỗ mới đang được xây
cất, đưa tổng số nhà gỗ kiến thiết lên đến 130 nhà.
Nơi nghỉ mát chiếm một diện tích 900 hec ta; 300 lô được đề
nghị chỉ mới chiếm một phần nhỏ bé vùng đất rộng rãi này và chỉ liên quan đến một
phần mười diện tích tổng thể.
Về phía mình, quân đội (chỉ quân đội Pháp - người dịch) biến
cải lô đất 12 hecta dành riêng thành một trung tâm nghỉ mát để đón nhận một
quân số quan trọng (300 người Âu).
Việc tiếp phẩm dồi dào được bảo đảm tại chỗ nhờ các hiệu buôn
Huế và một chợ địa phương với mặt hàng đa dạng.
Trong một tương lai gần, trang trại ở thung lũng Kim Qui
(Vallée de la Tortue) đóng góp phần mình với những sản phẩm của các chuồng trại
và vườn cây ăn quả vào sự sung túc của nơi nghỉ mát.
Nhà bưu điện và một tổng đài điện thoại cho phép những người
đi nghỉ hè liên lạc bình thường với bên ngoài.
Một con đường thông suốt cho tất cả các loại xe ô tô phô bày
một hành trình ngoạn mục dài 19km ở vùng núi, nối liền Huế với thời gian 1giờ
15 phút. Ga Cầu Hai ở dưới chân rặng núi. Một dịch vụ ô tô đều đặn bảo đảm
chuyên chở hành khách, bưu phẩm và hàng hóa.
Một hồ bơi, đặc biệt dự kiến cho trẻ em, ở gần cạnh một sân
quần vợt. Cuối cùng, ở trung tâm Bạch Mã, trẻ em có thể nô đùa trong an toàn
tuyệt đối trên những bãi cỏ của công viên “Đá Reo” (Pare de la
Pierre-qui-Chante), được phác họa để phục vụ chúng. Nhiều nơi dạo chơi, mà mọi
người có thể tham gia, ngang dọc khắp chốn. Trong số đó, một trong những nơi đẹp
như tranh là thung lũng Mo-rang với những thác nước hoang dã, các hồ nước thiên
nhiên tuyệt đẹp, với dòng suối quanh co và chậm chạp, uốn quanh trên hàng cây số,
khúc khuỷu trong một khu vườn thiên nhiên đích thực với các loại cây dương xỉ
(đuôi chuồn), tùng, thông, các loại phong lan hiếm kế cận nhau để rồi đẩy nước
xuống thành một thác hùng vĩ từ độ cao 600m. Nhờ khí hậu, các nơi dạo chơi, vẻ
duyên dáng quyến rũ, Bạch Mã với những tài nguyên vô tận tự khẳng định là một
trong những nơi nghỉ mát đẹp nhất của Đông Dương” (trích từ Huế X&N,
3/1993, tr 18).
Gần đây, một thiền viện Phật giáo đã được xây dựng cũng trên
ngọn núi này. Chuyến qua phà giữa lòng hồ Truồi sẽ đưa mọi người đến thiền viện
Trúc Lâm Bạch Mã. Để đi lên cổng tam quan, phải bước lên 172 bậc tam cấp sừng sững
giữa núi rừng.
Bạch Mã thực sự là một báu vật mà thiên nhiên đã ban tặng, một
trong những khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn của đất nước, được đông đảo du
khách trong và ngoài nước tìm đến tham quan.
11/4/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét