Trên đỉnh núi thiêng Bạch Mã
1. Rừng mưa nhiều nhất Việt
Nam
Các tài liệu thiên nhiên Việt Nam đều ghi: Bạch Mã là trung
tâm dải rừng tự nhiên còn lại của Việt Nam nối từ Biển Đông đến biên
giới Việt - Lào. Năm 1925, người Pháp đã có kế hoạch xây dựng nơi đây thành
khu bảo tồn thiên nhiên.Voọc chà vá chân nâu trên đỉnh Bạch Mã (Ảnh Lê Minh)Năm 1986, Chính phủ Việt Nam thành lập khu rừng cấm Bạch Mã -
Hải Vân và năm 1991 trở thành vườn quốc gia. Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên
(WWF) chọn Bạch Mã là một trong bốn vùng sinh thái ưu tiên bảo vệ của Đông
Dương.
Đây là khu vực có hệ động thực vật giàu có và đa dạng với những
khu rừng tự nhiên còn lại sau rất nhiều biến động về địa chất, thay đổi khí hậu
trên toàn cầu. Đây cũng là nơi trú ẩn của rất nhiều loài thú lớn đặc hữu nguy cấp
như sao la, mang lớn và được WWF tập trung nhiều hoạt động bảo tồn.
(Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên - WWF tại Việt Nam, 2015)
Tôi trở lại Bạch Mã vào một ngày mùa hè khi cơn nắng đang
thiêu đốt cả dải miền Trung. Người dẫn đường lần này là TS Nguyễn Vũ Linh, một
chuyên gia bảo tồn thiên nhiên và du lịch sinh thái vừa nhậm chức giám đốc Vườn
quốc gia Bạch Mã.
Lên đỉnh núi thiêng
Con đường lên đỉnh uốn lượn qua các sườn núi cho người ta được
ngắm thỏa thích các tầng thực vật khác nhau thay đổi theo độ cao tăng dần. TS
Linh cho biết Bạch Mã có hai kiểu rừng, phân bố theo độ cao. Rừng rậm thường
xanh nhiệt đới ưa mưa thuộc đai thấp dưới 900m với đặc điểm rừng phân tầng rõ rệt
và thành phần loài rất phong phú. Đi vào trong rừng đó bạn sẽ gặp những loài
cây quý như kiền kiền, lim xanh... Núi rừng Bạch Mã hùng vĩ, chứa đựng biết bao giá trị của
thiên nhiên - Ảnh: Trần Thiện. Rừng rậm thường xanh nhiệt đới gió mùa đai núi thấp trên 900m,
đó là vùng rừng trên những đỉnh núi cao quanh năm mây phủ. Rừng trên này có nhiều
loài cây quý như tùng Bạch Mã, pơ mu, sa mu, và hoa đỗ quyên nở rợp cả bờ suối.
Đặc biệt, trên đỉnh cao núi Mang 1.712m có các loài cổ thụ như sa mộc, hồng
quang, chổi sể mọc trên những tầng rêu dày bao phủ.
Con đường chuyển từ sườn đông sang sườn tây của ngọn núi, trước
mặt chúng tôi hiện ra khu rừng bạt ngàn và dày đặc các tầng cây. Chúng tôi bước
đi, những luồng gió mát lạnh và trong lành phả vào người khiến cho thân thể
mình trở nên nhẹ bỗng. Một nhóm du khách nước ngoài đang say sưa chụp ảnh. Thảm
rừng như bức tranh với đủ các sắc độ xanh, điểm xuyết những vệt đỏ của cây lôi
khoai, một loài cây lá đỏ như cây phong.
TS Linh cho biết địa hình Bạch Mã chủ yếu là các núi có độ dốc
lớn, một vùng rừng núi gần như nguyên vẹn, không bị chia cắt. Nếu nhìn từ vệ
tinh sẽ thấy một dải xanh chạy dài từ Biển Đông qua tận biên giới Việt - Lào,
và Bạch Mã là trung tâm của dải rừng tự nhiên ấy. "Vì vậy bảo vệ Bạch Mã
là bảo vệ được một hệ sinh thái rừng với diện tích rộng lớn và liên tục bậc nhất
của Việt Nam" - TS Linh nói.Rừng núi Bạch Mã - điểm nóng đa dạng sinh học của Việt Nam và
thế giới - Ảnh: M.TỰ Nơi mưa nhiều nhất Việt Nam
Con đường nâng dần độ cao lên hơn 1.000m, chạy hết các sườn
núi thì bẻ ngoặt bằng một khúc cua tay áo và hiện ra cảnh quan khác hẳn. Sương
mù phủ kín những rặng thông và tùng, thấp thoáng sau cánh rừng mù mịt sương
khói là những ngôi biệt thự với kiểu kiến trúc Pháp. Nếu ai đó ngủ quên mà tỉnh
giấc lúc này thì cứ tưởng mình đang lên Đà Lạt. Không khí bên ngoài không phải
là cái mát mẻ như ban nãy nữa, mà là lạnh, dù lúc này dưới chân núi đang là mùa
hè với cái nắng chang chang. Các cô gái trên xe xuýt xoa và lục tìm ngay áo ấm
để mặc.
TS Linh cho biết ở trên đỉnh núi thì cảm giác như mình đang ở
xứ ôn đới, nhưng Bạch Mã vẫn nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Ở xứ nhiệt
đới, nằm ngay cạnh đại dương, có một dãy núi cao chắn ngang hướng gió đông bắc,
nên mùa nào Bạch Mã cũng có mưa với lượng rất cao. Lượng mưa trên toàn vùng
bình quân là 3.440mm/năm, riêng khu vực đỉnh Bạch Mã lên đến hơn 9.900mm/năm,
có thời điểm lên đến hơn 10.700mm/năm (1998-2000). Nếu Huế là xứ mưa thì Bạch
Mã là trung tâm mưa của Huế và khu vực đỉnh Bạch Mã là nơi có lượng mưa lớn nhất
Việt Nam.Lượng mưa lớn đã tạo nên hệ thống suối thác hồ rất đẹp trên
khu vực đỉnh núi Bạch Mã - Ảnh: Trần Lưu Anh Tuấn Mưa nhiều, cùng với địa hình chia cắt và độ dốc cao nên hệ thống
sông suối Bạch Mã rất dày đặc. Đây cũng là nơi điều hòa nguồn nước cho các con
sông lớn trong vùng như sông Truồi, sông Cu Đê (Đà Nẵng) và nhất là sông Tả Trạch
- nguồn chính của sông Hương. Du khách khen nước sinh hoạt của Huế sạch và
ngon, thì chính là nước từ vùng rừng núi Bạch Mã nguyên sinh này.
Điểm nóng đa dạng sinh học
Sau thời gian đi bộ ngắm cảnh, chúng tôi đã lên đến Vọng Hải
Đài - một trong những đỉnh cao của Bạch Mã (1.450m). Chỉ cần đứng đây là có thể
nhìn thấy toàn cảnh núi rừng. Nhìn về phía đông là những cánh rừng nhiệt đới trải
dài xuống tận chân núi, nơi mà chúng tôi vừa đi qua. Nhìn về phía tây là những
cánh rừng á nhiệt đới với những ngọn núi cao nối tiếp nhau, trong đó điểm cao
nhất là đỉnh núi Mang thuộc địa phận huyện Đông Giang (Quảng Nam) với độ cao
1.712m.
TS Linh cho hay Bạch Mã là tọa độ của những sự giao lưu - hội
tụ. Là nơi giao lưu của hai luồng khí hậu bắc và nam, vùng chuyển tiếp giữa
hai đai khí hậu nhiệt đới gió mùa và nhiệt đới điển hình, nên cũng là nơi hội tụ
của hệ động thực vật từ bắc xuống và từ nam lên. Với địa hình chuyển tiếp từ
vùng núi thấp đến đai cao trên 1.700m nên Bạch Mã có cả sinh vật nhiệt đới
lẫn á nhiệt đới. Bạch Mã nằm giữa hai luồng ảnh hưởng giữa đồng bằng và rừng
núi, giữa khí hậu bắc và nam Việt Nam nên đã tạo ra sự đa dạng về sinh cảnh. Từ
những đặc trưng về địa hình, khí hậu đó, Bạch Mã là nơi có giá trị lớn về tài
nguyên thiên nhiên và cũng là điểm nóng đa dạng sinh học của Việt Nam và thế giới.Gà lôi lam mào trắng - loài động vật quý hiếm gắn liền với lịch
sử bảo tồn Bạch Mã - Ảnh tư liệu VQGBM Cơn mưa dông mờ mịt đất trời vừa tạnh. Mặt trời chiều ló ra
sau quầng hơi nước phía tây nhuốm vàng cả vùng rừng núi. Thẻ nhớ các máy ảnh đã
đầy ắp và tôi hiểu rằng lúc này tốt nhất là ngồi im lặng mới có thể cảm nhận được
vẻ đẹp hùng vĩ và bí ẩn của núi rừng Bạch Mã. Tôi ngồi im như thế trước không gian
thanh khiết và cảm nhận một nguồn năng lượng rất đặc biệt của đại ngàn đang
truyền dẫn vào mình...
Vườn quốc gia Bạch Mã có tổng diện tích 37.487ha, bao phủ
trên địa bàn hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Rừng tự nhiên chiếm hơn 86%
tổng diện tích (với hơn 31.845ha), trong đó rừng giàu chiếm khoảng 30% tổng diện
tích tự nhiên, là loại rừng có nhiều cây gỗ quý lớn.
Núi rừng Bạch Mã hùng vĩ, chứa đựng biết bao
giá trị của
thiên nhiên - Ảnh: Trần Thiện.
Rừng núi Bạch Mã - điểm nóng đa dạng
sinh học của Việt Nam và
thế giới - Ảnh: M.TỰ
Lượng mưa lớn đã tạo nên hệ thống suối thác hồ rất đẹp
trên
khu vực đỉnh núi Bạch Mã - Ảnh: Trần Lưu Anh Tuấn
Gà lôi lam mào trắng - loài động vật quý hiếm gắn liền
với lịch
sử bảo tồn Bạch Mã - Ảnh tư liệu VQGBM
Cho đến đầu thế kỷ 20, Bạch Mã vẫn là rừng núi hoang dã và bí
ẩn. Người Pháp đã phát hiện ra Bạch Mã như thế nào? Ai là người khai sơn?
2. Đánh thức khu rừng bí ẩn
Cho đến đầu thế kỷ 20, Bạch Mã vẫn là một vùng rừng núi hoang
dã và bí ẩn. Ngay cả khi khu nghỉ dưỡng Bà Nà được xây dựng trên đỉnh núi Chúa
năm 1919 thì Bạch Mã cách đó không bao xa vẫn là vùng rừng núi bí ẩn.Bản đồ trạm nghỉ dưỡng Bạch Mã Ai là người khai sơn Bạch Mã?
Cuối năm 1925, cái tên Bạch Mã bắt đầu được chú ý khi người
Pháp phát hiện ra loài gà lôi lam mào trắng và tòa khâm sứ Trung kỳ (cơ quan đại
diện của chính phủ Pháp tại kinh đô Huế) đã đệ trình Bộ Thuộc địa Pháp kế hoạch
thành lập khu bảo tồn thiên nhiên bảo tồn loài vật quý hiếm này.
Nhưng phải 7 năm sau đó, vùng rừng núi với độ cao 1.450m mát
lành mới lọt vào mắt xanh ông kỹ sư trưởng Sở Công chánh Trung kỳ, Michael
Girard, với nhiệm vụ tìm kiếm nơi để xây dựng khu nghỉ dưỡng cho quan chức Pháp
đang làm việc ở kinh đô Huế.
Trên đoạn đường dẫn lên đỉnh núi Bạch Mã hôm nay vẫn còn tấm
bia ghi bằng tiếng Pháp có nội dung: "Bạch Mã - trạm nghỉ mát trên cao được
phát hiện vào ngày 28 tháng 7 năm 1932 bởi kỹ sư trưởng M. Girard của
T.P.". Hai chữ T.P. là viết tắt của Travaux Publics tức Sở Công chánh, tên
đầy đủ là Sở Công chánh Trung kỳ (Département des Travaux Publics de l’Annam),
cơ quan của Pháp lo việc xây dựng công trình công cộng ở Trung kỳ bấy giờ.
Sách báo lâu nay đều ghi rằng M. Girard là người phát hiện ra
Bạch Mã và chỉ huy việc làm con đường lên đỉnh, mở đầu cho cuộc đánh thức vùng
rừng núi này. Nhưng ai là người trực tiếp tổ chức thi công con đường này? May
thay, trong tàng thư của Hội những người bạn của Huế xưa (ra đời năm 1914, mới
phục hồi hoạt động vào năm 1996), chúng tôi đã tìm được một số tài liệu rất
quý, cho hay người trực tiếp mở con đường lên đỉnh núi Bạch Mã và kiến thiết
nên trạm nghỉ dưỡng trên cao này là kỹ sư Raoul Desmarets - một cái tên mà sách
báo lâu nay hầu như không thấy nhắc tới.
Trong một tài liệu mang số hiệu "AP1660-Desmarets",
Jacques Desmarets - con trai của Raoul Desmarets - đã kể lại rất chi tiết cuộc
khai sơn Bạch Mã của cha mình. Jacques cho biết tháng 11-1932, ngài kỹ sư trưởng
thành phố Huế (tức M. Girard) đề nghị Raoul Desmarets quản lý toàn bộ hệ thống
đường sá, công trình công cộng ở tỉnh Thừa Thiên. Ngày 23-12-1932, Raoul
Desmarets đưa gia đình từ Gia Lai về sống ở Huế.
"Ngày 1-3 (1933), bố tôi lên đường để thu thập thêm
thông tin về một ngọn núi thuộc dãy Trường Sơn, tên là Bạch Mã, "núi ngựa
trắng", cao đến 1.450m, nằm cách Huế khoảng 42km về phía nam... Ngài khâm
sứ Trung kỳ và bố tôi mong muốn xây dựng một khu nghỉ dưỡng trên cao ngay tại
kinh đô Huế, giống như Đà Nẵng đã mở khu Bà Nà ở phía tây thành phố...
Bố tôi mở một con đường dẫn lên đỉnh núi, một khoảng thời
gian sau đó ông khám phá hết thắng cảnh nơi đây và quay trở xuống. Ông đã tìm
thấy những gì mình muốn. Bố tôi trình bản báo cáo lên ngài khâm sứ. Ngài khâm sứ
M. Grafeuil đã bị thuyết phục và giao cho ông ấy nghiên cứu dự án".
Ngày 5-5-1934, con đường dài chừng 20km dẫn lên đỉnh núi Bạch
Mã hoàn thành với sự tham gia của hơn 500 phu đường. Tuy nhiên, lúc này mới là
con đường mòn, chỉ có thể đi bộ hoặc bằng kiệu ghế có người gánh. Đến cuối năm
1935, những du khách đầu tiên đã lên đến đỉnh Bạch Mã bằng cách đó.
Raoul Desmarets tiến hành quy hoạch một khu đất trên đỉnh núi
để xây dựng khu nghỉ mát. Năm 1936, những ngôi nhà nghỉ đầu tiên ra đời trên
khu vực đỉnh Bạch Mã, trong đó có nhà của Raoul Desmarets.Ngôi nhà của kỹ sư R. Desmarets trên núi Bạch Mã - Ảnh:
A.A.V.H. Trạm nghỉ mát nổi tiếng của Đông Dương
"Nhà này ở đỉnh ngọn núi, nhà kia ở bên sườn đồi. Cái
thì xây trên nền đất đá, cái thì sàn bằng gỗ... Chủ nhân các ngôi nhà đó là những
quan chức người Pháp, người Việt của bộ máy chính quyền bảo hộ và của chế độ
Nam triều. Đa số ở Huế, một số đến từ các tỉnh lỵ lân cận. Họ đem gia đình lên
nghỉ cuối tuần ở Bạch Mã. Có gia đình ở cả mấy tháng trời".
Đây là một đoạn hồi ức trong bài "Tìm lại Bạch Mã
xưa" của nhà thực vật học Thân Trọng Ninh, người gắn bó với Bạch Mã suốt
những năm từ 1940 đến 1945. Đó cũng là thời kỳ đỉnh cao vàng son của Bạch Mã. Tạp
chí Indochine ra ngày 16-9-1943 giới thiệu Bạch Mã là trạm nghỉ mát trên cao nổi
tiếng của Đông Dương.
Ông Ninh cho biết vào giai đoạn phồn thịnh này, trên núi Bạch
Mã đã có cả tòa nhà đại diện của chính phủ Nam triều (triều Nguyễn). Phía nhà
nước bảo hộ Pháp có nhà của tòa khâm sứ Trung kỳ, công sứ Thừa Thiên, Sở Công
chánh Trung kỳ, bưu điện, thủy lâm (kiểm lâm), hải quan, ngân hàng nông nghiệp...
Các quan Tây như chánh mật thám Trung kỳ Sogny, giám đốc các
sở nông lâm, công chánh Trung kỳ, các giáo sư người Pháp của Trường Khải Định
(Quốc Học) và Đồng Khánh, thương gia Imbert, ký giả De Laforge, cùng các quan
thượng thư Tôn Thất Quảng, Hồ Đắc Khải, quan tổng đốc Hà Đông Hồ Đắc Điềm, tuần
phủ Sơn Tây Thân Trọng Yêm, các thương gia Nguyễn Văn Lễ, Viễn Đệ... đều có nhà
nghỉ ở đây. Vào mùa hè, các quan Tây và Nam triều lên đây ở cả tháng trời để
tránh nóng...
Một đô thị trên đỉnh núi
Quan Tây và quan ta lên núi bằng xe riêng. Du khách thì lên
núi bằng chuyến xe xuất phát từ khách sạn Morin. Khách xa thì đi tàu hỏa đến ga
Cầu Hai dưới chân núi, có xe đợi sẵn đưa lên núi. Hai khách sạn Morin và Balny
dành cho du khách không có nhà nghỉ riêng. Hai cửa hàng tạp hóa Chaffanjon và
SOCOA cùng nhà hàng Morin Frères lo việc cung cấp thức ăn cho cả thị trấn nghỉ
mát.
Hằng ngày đều đặn có xe từ Huế mang lên núi bánh mì, bơ sữa,
thịt, rượu và trái cây. Rau tươi, trái cây bản địa và thủy sản do người dân từ
dưới núi mang lên. Ông Ninh kể rằng họ đi từng đoàn từ mờ sáng, phải đốt đuốc
và khua chiêng mõ để xua đuổi thú dữ, gồng gánh đủ thứ tôm, cá, cua, ghẹ, chuối,
mít, thơm, nhãn... lên núi họp chợ mỗi ngày...
Theo TS Trần Đình Hằng (Phân viện nghiên cứu văn hóa - nghệ
thuật Việt Nam tại Huế), sau khi vua Bảo Đại ra đạo dụ công nhận quyền sở hữu bất động
sản tại Bạch Mã, đã có 60 lô đất trên đỉnh núi được bán đấu giá. Tháng 5-1939,
chính phủ bảo hộ Pháp đã ban hành nghị định thiết lập khu nghỉ dưỡng Bạch Mã
theo quy chế đô thị.
Tính chất đô thị còn được thể hiện rõ nét trong bản quy chế
an ninh cho khu trung tâm đô thị Bạch Mã, theo quyết định của tòa khâm sứ Trung
kỳ. Từ năm 1940-1944 là thời kỳ phồn vinh nhất của Bạch Mã, không chỉ là khu
nghỉ mát mà nơi đây còn là "thủ đô mùa hè" của chính phủ Nam triều và
nhà nước bảo hộ Pháp.
Bạch Mã với dòng thời gian
Năm 1932: kỹ sư trưởng M. Girard phát hiện khu vực Bạch Mã.
1933-1934: kỹ sư Raoul Desmarets khảo sát con đường và quy hoạch
khu nghỉ dưỡng trên đỉnh núi.
1934: hình thành một lối đi bộ từ chân núi lên đỉnh, du khách
lên núi bằng ghế kiệu.
1935: những khách du lịch đầu tiên lên đến đỉnh núi.
1936: xây dựng các ngôi nhà đầu tiên trên đỉnh.
1937: đường lên núi được trải nhựa một đoạn.
1938: đường nhựa lên đến km19 gần đỉnh núi.
1939: Khâm sứ Trung kỳ ra nghị định thành lập khu nghỉ dưỡng
Bạch Mã theo quy chế đô thị.
Năm 1943: 139 biệt thự được xây dựng ở trung tâm đô thị Bạch
Mã.
Tháng 3-1945: quân Nhật chiếm Bạch Mã và người Pháp rời bỏ
nơi này.(Nguồn: Vườn quốc gia Bạch Mã)
Ngọn linh sơn đó là trường học thiên nhiên vĩ đại mà Liên hội
hướng đạo Đông Dương đã chọn làm trại huấn luyện từ năm 1937, nơi tụ hội nhiều
anh hào nước Việt.
3. Ngôi trường đặc biệt trên đỉnh linh sơn
Khai sơn vào năm 1937, hoàn tất vào tháng 7-1938, trại trường
Bạch Mã được xây cất dựa theo hình mẫu của trại trường quốc tế Gilwell Park
(Anh quốc) và trại trường Chamarande (Pháp), có đủ hội trường, thư viện, trạm y
tế, sân lửa trại...Bạch Mã linh sơn là ngôi trường thiên nhiên của Nghĩa Dũng
karatedo và cũng là biểu tượng tinh thần của võ đường này - Ảnh: M.TỰ "Những giá trị tâm linh bao giờ cũng được hun đúc trên
những ngọn núi cao!". Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết như thế về Bạch
Mã trong bút ký "Ngọn núi ảo ảnh".
Ngọn linh sơn đó là ngôi trường học núi rừng của người thầy
thiên nhiên vĩ đại, mà Liên hội hướng đạo Đông Dương đã chọn làm trại huấn luyện
từ năm 1937. Sau đó, võ đường karatedo Nghĩa Dũng (Huế) cũng đã chọn vùng núi
cao rừng thẳm này làm nơi để rèn luyện tâm pháp cho võ sinh của mình.
"Ngồi giữa thiên nhiên Bạch Mã, bạn sẽ cảm nhận một nguồn năng
lượng đặc biệt tỏa ra từ rừng núi, đất trời. Vì vậy, Bạch Mã là nơi để tĩnh
tâm, nhưng cũng là nơi để nghĩ ngợi, để bàn bạc những việc lớn. Ngôi trường của
người thầy thiên nhiên vĩ đại chính là nơi để giáo dục thanh thiếu niên về tình
yêu thiên nhiên, yêu đất nước, về cách hành xử cho ra con người. Đó là lý do mà
Nghĩa Dũng karatedo đã chọn Bạch Mã làm biểu tượng tinh thần của võ đường".
Võ sư Nguyễn Văn Dũng (người sáng lập Nghĩa Dũng karatedo)
Ba năm khổ luyện không bằng ba ngày leo núi
Đó là câu cách ngôn của Nghĩa Dũng karatedo mà bất cứ võ sinh
nào khi gia nhập võ đường này cũng biết đến. Bước vào võ đường ở số 8 Trương Định,
Huế hay bất cứ phân đường nào của Nghĩa Dũng trên toàn quốc và cả tận nước
ngoài, cũng bắt gặp hình ảnh các võ sinh luyện võ trên đỉnh Bạch Mã.
Theo quy định của võ đường, qua ba năm rèn luyện, nếu chuyên
cần và phẩm hạnh tốt, võ sinh sẽ được tham dự kỳ thi lên huyền đai (đai đen).
Vòng 1 thi với ba nội dung: quyền thuật, công phá, thi đấu.
Sau khi vượt qua vòng 1, võ sinh phải mang balô đi bộ lên đỉnh
núi Bạch Mã, vừa để kiểm tra thành quả luyện tập của ba năm, vừa tự kiểm tra lại
ý chí và sức khỏe, vừa hòa mình vào thiên nhiên để hấp thu linh khí của đất trời
trên ngọn núi thiêng. Phải vượt qua hết mọi thử thách đó, võ sinh mới được sư
phụ thắt cho chiếc đai đen với sự chúng kiến của núi rừng Bạch Mã.
Năm giờ sáng 1-7, đoàn võ sinh "dự bị tân huyền
đai" 2019 đã tập kết dưới chân núi Bạch Mã. Sư trưởng Nguyễn Văn Dũng dặn
dò đôi lời và phát lệnh lên núi. Trong ánh bình minh, đoàn trai tráng tay gậy,
lưng balô, bước hăm hở, mắt hướng lên đỉnh núi. Hôm nay, họ phải vượt qua chặng
đường 16 cây số, từ độ cao khoảng 200m ở chân núi lên đến đỉnh núi với độ cao
1.450m.
Đi khoảng 1/3 đường thì mồ hôi đã ướt đẫm lưng áo, nước trong
người đã cạn, và một dòng suối trong vắt từ trên vách đá giội xuống như món quà
của rừng núi dành sẵn. Ngọn gió mát rượi từ rừng cây xanh ngút ngàn thổi qua
làm tan biến hết mệt mỏi.
Đoàn võ sinh lại lên đường, nhưng vừa đến đèo Phượng Hoàng
thì trời đổ mưa. Áp thấp nhiệt đới ngoài khơi vịnh Bắc Bộ nhưng Bạch Mã luôn là
nơi bị ảnh hưởng mưa rất lớn do mây dồn tụ về. Những cô cậu võ sinh tuổi chừng
đôi mươi vẫn can trường rảo bước dưới màn mưa mờ mịt và gió lạnh rú liên hồi.
Mười hai giờ trưa thì những võ sinh đầu tiên đã đến cắm trại khu vực gần đỉnh
núi và nổi lửa nấu cơm.
Hòa vào cái đẹp vô nhiễm của đất trời!
Sau bữa cơm trưa "ngon chưa từng thấy" trên đỉnh
núi, đoàn võ sinh ngủ say trong bầu không khí thanh khiết của núi rừng. Võ sư
Dũng lay nhẹ chúng tôi: "Dậy thôi, lên đỉnh ngắm hoàng hôn". Chúng
tôi đi bộ theo con đường mòn dẫn lên đỉnh cao có ngôi nhà bát giác Vọng Hải
Đài. Đứng ở đây có thể ngắm toàn cảnh đồng bằng, đầm phá, và Biển Đông bao la.
Nhìn về phía tây là một kỳ quan hùng vĩ của núi rừng Bạch Mã.
Rừng xanh tiếp nối nhau điệp trùng với đủ hình cây dáng núi. Gió từ biển thổi
lên cuốn đi từng đoàn mây vào góc núi. Mặt trời hiện ra trên vũng mây sáng rực
một màu vàng do những đám hơi nước vẫn còn khá dày trong không khí.
Một chiếc cầu vồng mọc lên giữa biển mây và núi rừng nhuốm một
màu vàng rực. "Tuyệt vời quá!". Bây giờ thì tôi hiểu vì sao Nghĩa
Dũng đã chọn Bạch Mã để luyện võ sinh. "Để cho tuổi trẻ không vô tâm,
vô cảm, vô trách nhiệm; để cho tuổi trẻ biết yêu thương, biết dâng hiến, biết sẻ
chia; thì cách tốt nhất là cho họ hòa mình vào cái đẹp vô nhiễm của đất trời!"
- lời của sư trưởng Nguyễn Văn Dũng vang lên trong không gian tĩnh lặng Bạch
Mã.Một cảnh đẹp của tuyệt tác thiên nhiên Bạch Mã - Ảnh: MINH TỰ Trại trường Bạch Mã
Hình ảnh đoàn võ sinh Nghĩa Dũng khiến người ta nhớ về đoàn
hướng đạo sinh Việt Nam năm xưa ở Bạch Mã. Trại trường Bạch Mã, nơi huấn luyện
huynh trưởng của Liên hội hướng đạo Đông Dương, được xây dựng từ năm 1937, ở
khu vực gần đỉnh núi, nơi bây giờ có chiếc cầu mang tên cầu Hướng Đạo bắc qua
suối Hoàng Yến.
Tài liệu của Hội hướng đạo Việt Nam và hồi ký của các huynh
trưởng chủ chốt Liên hội hướng đạo Đông Dương năm xưa đã ghi lại rất rõ hình ảnh
của trại trường Bạch Mã. Từ đề nghị của vị huynh trưởng người Pháp tên là
Raymond Schlemmer, vua Bảo Đại đã đồng ý cấp cho Liên hội hướng đạo Đông Dương
một khu đất trên núi Bạch Mã để xây dựng trại.
Khai sơn vào năm 1937, hoàn tất vào tháng 7-1938, trại trường
Bạch Mã được xây cất dựa theo hình mẫu của trại trường quốc tế Gilwell Park
(Anh quốc) và trại trường Chamarande (Pháp), có đủ hội trường, thư viện, trạm y
tế, sân lửa trại, hoa viên, vườn rau...
Theo hồi ký của vị huynh trưởng có tên hướng đạo là Sếu Siêng
Năng, trại trường Bạch Mã còn đẹp hơn Gilwell Park vì có cảnh núi rừng cao rộng,
thâm nghiêm.
Đọc những trang tư liệu của trại trường Bạch Mã, mới hay ngọn
núi này đã từng là nơi tụ hội của những anh hào Việt Nam vào những năm trước
khi diễn ra cuộc Cách mạng Tháng Tám - 1945. Họ là những huynh trưởng xuất sắc
của hướng đạo, đồng thời là những người tài ba đã trở thành nhân vật của một
giai đoạn lịch sử oanh liệt đất nước như Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu...
Có một cuộc hội ngộ rất đặc biệt tại hội nghị Geneve (1954) của
ba nhân vật đều từng là huynh đệ trên đỉnh núi Bạch Mã. Sau khi rời ngọn núi Bạch
Mã, hơn mười năm sau một vị huynh trưởng với cái tên của hướng đạo là Chồn
Fennec đã trở thành thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu, người đại diện cho
phái đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa ký hiệp định Geneve...
Truyền thuyết kể rằng ngày xửa ngày xưa, các vị tiên thường
cưỡi ngựa trắng xuống núi đánh cờ, bởi cảnh trần đẹp chẳng kém chốn bồng lai.
Khi các tiên ông ngồi đánh cờ thì đàn ngựa mải mê tìm cỏ non. Đợi ngựa không được,
các tiên ông phải bay về trời. Đàn ngựa ngơ ngác, lang thang khắp núi, hóa
thành những đám mây hệt như bầy ngựa trắng, quanh năm quấn quýt ngọn núi. Tên gọi
Bạch Mã bắt nguồn từ đó.
Càng đi sâu vào dải rừng tự nhiên Bạch Mã càng như lạc
vào khu vườn kỳ hoa dị thảo. Những hoa thơm cỏ lạ ấy không chỉ tạo ra
phong cảnh độc đáo mà còn là bao vị thuốc quý hiếm.
4. Lạc vào đại ngàn kỳ hoa dị thảo
Càng đi sâu vào đại ngàn Bạch Mã càng như lạc vào khu vườn kỳ
hoa dị thảo. Những hoa thơm cỏ lạ ấy không chỉ tạo phong cảnh độc đáo mà nhiều
loài còn là vị thuốc quý hiếm.Tán đỏ của cây lôi khoai khiến cho khu rừng trở nên rực rỡ - Ảnh:
M.TỰ Con đường dẫn lên đỉnh núi chạy giữa bốn bề rừng xanh điệp
trùng. Ở đoạn cây số 14, tôi nhìn thấy một vạt rừng màu đỏ nổi bật lên giữa thảm
xanh, vừa như màu hoa phượng vĩ lại vừa đỏ như lá phong.
Cây lá đỏ giữa vùng rừng thường xanh
TS Nguyễn Vũ Linh, giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã,
cho xe dừng lại và giới thiệu: "Đó là cây lôi khoai. Màu đỏ lá cây nhưng
nhìn xa cứ như màu hoa. Cây này có giá trị cảnh quan rất cao. Nếu trồng ở thành
phố thì tạo ra một phong cảnh rất độc đáo".
Mùa hè 2020, tôi trở lại Bạch Mã thì nhìn thấy cây lôi khoai
trong vườn thực nghiệm của VQG ở ngay cửa rừng dưới chân núi. Tán lá đỏ nổi bật
giữa khu vườn xanh. TS Linh cho hay cây lôi khoai trên núi cao mát mẻ đã được
đưa xuống thấp và thích nghi với điều kiện tự nhiên của vùng đồng bằng nắng mưa
gay gắt. Lá vẫn đỏ rực vào độ đầu hè, từ tháng 4 đến tháng 6 dương lịch.
Cũng tán cây lá đỏ như thế nhưng là một loài cây khác, thường
đỏ rực vào mùa xuân trên đỉnh núi Bạch Mã khiến du khách ngất ngây. Nhiều người
nhầm tưởng đó là cây phong lá đỏ.
Cây phong chỉ mọc ở xứ ôn đới và đổi màu lá đỏ vào mùa
thu. Còn loài cây này tên là thích bắc bộ (tên khoa học là Acer tonkinenis
Lecomte, thuộc họ thích - Aceraceae), là cây gỗ cao 5-7m, hoa mọc thành chùm,
quả có cánh, lá đổi màu đỏ rực vào mùa xuân. Ngọn lá đỏ ấy không chỉ tạo phong
cảnh ngoạn mục mà còn là vị thuốc chữa bệnh dạ dày.
Hoa rừng - rừng hoa
Có thể nói Bạch Mã là một rừng hoa. Nhiều loài trong số 2.420
loài thực vật ở VQG này đều nở hoa và luân phiên cho hoa đẹp quanh năm. Các
loài hoa thân mộc như lôi khoai, thích bắc bộ, ngô đồng đỏ thường nổi bật lên
giữa rừng xanh với màu đỏ rực rỡ và thân cây vươn cao.
Các loài phong lan thì mang vẻ đẹp riêng, dù ở giữa đại ngàn
thâm u vẫn kiêu sa, đài cát. Riêng những loài hoa thân thảo, cây bụi, dây leo
thì mang vẻ đẹp hoang dại như những sơn nữ rừng xanh.
Theo hướng dẫn của trưởng Phòng khoa học và quan hệ quốc tế của
VQG Bạch Mã - Trần Thiện Ân, tôi chỉ cần để mắt một chút bên đường là đã gặp
ngay hoa rừng Bạch Mã. Từ lưng chừng núi đã bắt gặp những thảm vàng của hoa bướm
bạc, loài dây leo có sức sống cực kỳ mạnh mẽ.
Cây diệp xoan có hoa vàng nở cả chuỗi như phong lan dù nó là
một loài cây bụi. Đẹp nhất trong nhóm hoa vàng có lẽ là hoa vông vang. Hoa dại
thường bông nhỏ, nhưng hoa vông vang bông to, cánh dày, màu vàng có chấm nâu ở
giữa. Câu ca dao "đêm vông vang mặc áo vồng vàng" chính là loài hoa
này đây.
Màu trắng có đủ các sắc độ trắng, gồm cả cây thân mộc, thân
thảo, cây bụi, dây leo. Nổi bật nhất là màu trắng của hoa dẻ. Tháng 5 hoa dẻ nở
trắng rừng Bạch Mã. Đứng trên Vọng Hải Đài nhìn về phía đỉnh núi Mang, thấy một
màu trắng nhẹ như sương phủ khắp tán rừng.
Có hai thứ dây leo hoa trắng bông nhỏ, đến gần thì hiện ra những
bông hoa đẹp như vẽ, đó là hai loại dây leo có tên ngồ ngộ là mắm nêm và dương
đào.
Hoa màu trắng có lẽ chiếm số lượng đông nhất, làm nền cho các
"sơn nữ" khoe sắc. Trong các "sơn nữ" Bạch Mã, tôi đặc biệt
thích vẻ đẹp độc đáo của hoa ngọc nữ treo, riềng đẹp, rum thơm, khôi tía, viễn
chí ba sừng...
Những cái tên nghe rất hoang dại nhưng sắc đẹp thì chinh phục
ngay cả người khó tính. Và đặc biệt nhất trong rừng Bạch Mã chính là loài "thất
diệp nhất hoa", dân gian gọi là cây "bảy lá một hoa". Một loài
cây thân thảo, mọc lẩn khuất dưới tán rừng, rất khó tìm thấy, nhưng là cây thuốc
cực kỳ quý hiếm.
Đây là loài cây quý hiếm đã đưa vào Sách đỏ Việt Nam.
Đó là mới nói đến hoa dại của Bạch Mã ít người biết đến. Còn
họ phong lan với 193 loài cùng với họ đỗ quyên năm loài đặc sắc của Bạch Mã thì
phải viết một cuốn sách ngàn trang mới tả hết.Hoa dẻ nở trắng rừng Bạch Mã - Ảnh: M.TỰ Cây chổi sể trên đỉnh cao 1.712m
Từ tháng 1-2008, VQG Bạch Mã đã mở rộng diện tích sang phía
Quảng Nam. Vì vậy, núi Mang là đỉnh cao nhất trong VQG Bạch Mã, 1.712m, nằm ở
phía huyện Đông Giang (Quảng Nam), chứ không phải là đỉnh Bạch Mã với độ cao
1.450m như lâu nay mọi người vẫn biết.
Sau khi tiếp quản diện tích mở rộng, tháng 4-2008, một đoàn
khảo sát của VQG đã tiếp cận khu rừng này.
"Đó là chuyến đi rừng không thể nào quên, thu nhận được
nhiều thông tin khoa học quan trọng, đặc biệt là những phát hiện rất thú vị"
- anh Trần Thiện Ân cho biết.
Sau một tuần cắt rừng, trèo núi, đoàn khảo sát lên đến đỉnh
núi Mang. Đến một khu rừng có mặt bằng khá phẳng trên đỉnh, tất cả sững sờ khi
nhìn thấy một rừng cổ thụ già nua, thân phủ đầy rêu. Đoàn người cùng reo
lên sung sướng, không phải vì nó là thứ cây gỗ quý như gõ, kiền, lim, mà độc
đáo ở chỗ là cây chổi sể.
Loài cây bụi thường mọc trên vùng gò đồi khô cằn mà người ta
thường cắt về làm chổi quét nhà và gọi là chổi sể. Nó thường mọc chung với sim,
mua, tràm, để làm nên bộ cây cảnh "tứ bần" (bốn loài cây nghèo). Vậy
mà tại đây, nơi đỉnh cao 1.712m quanh năm mây phủ, sương giá lạnh buốt này, lại
có loài chổi sể.
Nó chính là loài chổi sể Baeckea frutescens, họ sim
(Myrtaceae), chỉ khác lạ là chổi sể trên núi Mang có chiều cao từ 3 - 7m với đường
kính thân từ 30 - 40cm, dáng cổ thụ, thân phủ đầy rêu, tuổi đời phải hàng trăm
năm.
Cũng tại khu rừng trên núi Mang này, đoàn khảo sát còn phát
hiện sự có mặt của các loài hạt trần như thông Đà Lạt, pơmu, mà trước đó chỉ được
xem là loài cây được di thực đến trồng trên đỉnh Bạch Mã chứ không phải là loài
bản địa.
Anh Trần Thiện Ân nhấn mạnh: "Tìm thấy loài chổi sể cổ
thụ, trên núi cao 1.712m là một phát hiện độc đáo và rất quan trọng. Nó đặt ra
một câu hỏi ngược lại: phải chăng loài chổi sể vốn là loài thực vật phân bố
trên đỉnh núi cao, sau đó di chuyển dần xuống vùng gò đồi?".
Câu hỏi thú vị này vẫn đang chờ các nhà khoa học tìm câu trả
lời. Nhưng cây chổi sể cổ thụ núi Mang thì đã được khẳng định là một thứ kỳ hoa
dị mộc của Bạch Mã...
Bạch Mã là nơi giao thoa của khí hậu hai miền Bắc và Nam, vì
vậy cũng là nơi hội tụ các loài động thực vật của cả hai miền.
Đây là nơi cư trú của 2.420 loài thực vật và 1.715 loài động
vật. Bạch Mã có 204 loài thực vật đặc hữu của Việt Nam, 74 loài thực vật có tên
trong Sách đỏ Việt Nam và 20 loài trong Sách đỏ IUCN (Liên minh quốc tế bảo tồn
thiên nhiên), cần phải bảo vệ.
Có 585 loài là cây thuốc, trong đó 27 loài quý hiếm, có nguy
cơ tuyệt chủng; 65 loài cây thuốc mới phát hiện, chưa có trong Từ điển cây thuốc
Việt Nam.
(Nguồn: Vườn quốc gia Bạch Mã)
Sau một ngày đêm đi theo tiếng chim rừng Bạch Mã cùng hướng dẫn
viên tour Birding Vietnam, tôi hiểu vì sao người ta có thể bỏ ra vài ngàn USD
và ròng rã cả tháng trời để ngắm chim.
5. Rừng chim đặc biệt
Sau một ngày đêm đi theo tiếng chim rừng Bạch Mã cùng hướng dẫn
viên tour du lịch Birding Vietnam, tôi mới hiểu vì sao người ta có thể bỏ ra
vài ngàn USD và ròng rã cả tháng trời chỉ để ngắm chim.Hoét xanh - Ảnh: NHƯ PHƯƠNG Tại vùng rừng núi với sinh cảnh đa dạng này, bạn sẽ gặp nhiều
loài chim đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương hiện chỉ còn xuất hiện một vài
nơi.
Lên núi ngắm chim
Lê Quý Minh là hướng dẫn viên kỳ cựu của Birding Vietnam - một
công ty du lịch chuyên thực hiện các tour ngắm chim ở Đông Dương, đồng tác giả
cuốn sách Birds of Vietnam. Trước đó, Minh là kiểm lâm viên của Vườn quốc
gia Bạch Mã, nên rất rành rõi vùng rừng núi này.
Xuất phát từ một ngôi làng dưới chân núi, Minh lái xe đưa tôi
lần lượt đi qua các vùng sinh cảnh từ đồng bằng chân núi lên đỉnh núi. Minh cho
hay mùa hè là mùa ít mưa của miền Trung, nên thời điểm này hằng năm là mùa ngắm
chim Bạch Mã.
Từ cửa rừng, Minh chỉ cho tôi xem cái logo của Vườn quốc gia
Bạch Mã có hình một con chim đuôi dài: "Chim
trĩ sao đấy. Nó là loài đặc hữu của Đông Dương, và Bạch Mã chọn làm biểu
tượng cho mình, vì đó là loài đặc sắc của khu hệ chim Bạch Mã. Trong 12 loài
trĩ hiện có ở Việt Nam thì Bạch Mã đã có 7 loài".
Minh cho biết trong họ chim trĩ này, có một loài đã khiến cả
thế giới quan tâm đến Bạch Mã từ gần 100 năm trước, đó là "gà lôi lam mào
trắng". Cu rốc họng vàng chụp ở Bạch Mã - Dù dì Nepal, loài chim thuộc họ cú mèo, ở Bạch Mã - Ảnh: LÊ
QUÝ MINHLoài chim quý hiếm và đầy bí ẩn
Năm 1922, khâm sứ Trung Kỳ đã mời nhà thám hiểm đồng thời là
nhà nghiên cứu chim người Pháp Delacour thực hiện cuộc khảo sát toàn diện đầu
tiên về các loài chim của Đông Dương. Delacour đã thực hiện bảy chuyến thám hiểm
đến những nơi xa xôi nhất của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trong các khu rừng của Thừa Thiên và Quảng Trị, ông đã thu thập
64 mẫu gà lôi lam mào trắng. Sinh cảnh cực nam của nó là vùng đèo Hải Vân và
chân núi thuộc dãy Bạch Mã, trong đó có vùng Thừa Lưu.
"Đó là một sinh vật nhút nhát, bí mật, hiếm khi xuất hiện
trong môi trường sống ưa thích của nó là những sườn núi ẩm ướt, phủ đầy bụi cây
và dây leo". Delacour mô tả trong bản công bố của ông về loài chim
Edwards’s Pheasant - gà lôi lam mào trắng, tên khoa học sau này là Lophura
edwardsi.
Từ phát hiện của Delacour, năm 1925, khâm sứ Trung Kỳ đã đệ
trình lên Bộ Thuộc địa Pháp kế hoạch thành lập vườn quốc gia rộng 50.000ha ở
vùng rừng Bạch Mã - Hải Vân để bảo tồn loài gà lôi lam mào trắng. Vì chiến
tranh nên kế hoạch này không thực hiện được.
Minh cho hay đó là một loài chim đặc hữu, quý hiếm, đang
trong tình trạng nguy cấp tuyệt chủng trên toàn cầu. Vào tháng 5-1998 tại khu vực
vùng đệm của Vườn quốc gia Bạch Mã đã phát hiện một cá thể gà lôi lam mào trắng.
Từ đó đến nay hầu như không còn thấy.
"Tôi đi khắp rừng Bạch Mã từ khi còn làm kiểm lâm cho đến
khi đưa khách đi tour ngắm chim, nhưng chưa từng bắt gặp nó trong vùng rừng
này. Đây là loài chim nổi tiếng nhất và cũng bí ẩn nhất của Bạch Mã" -
Minh kể.Gà lôi lam mào trắng - loài quý hiếm Diều Ấn Độ (con non) chụp tại Bạch Mã, 10-2018 - Ảnh: Vietnam
WildlifeVào thế giới chim
Chúng tôi dừng lại dưới một tán rừng nằm giữa thung lũng để vừa
ăn trưa vừa ngắm chim. Minh nói thung lũng, bờ suối là nơi có nhiều chim vì ở
đó mát mẻ, có nhiều thức ăn. Chim Bạch Mã thường hoạt động nhiều vào đầu buổi
sáng, cuối buổi chiều và một số loài ăn đêm, nên dân ngắm chim cũng hoạt động
theo giờ giấc đó.
Đang giữa trưa hè nắng gắt, nhưng thời tiết Bạch Mã luôn mát
mẻ nên chỉ vài phút im lặng là đã thấy tiếng chim ríu rít ở tán cây trên đầu.
"Suỵt"- Minh ra hiệu im lặng rồi đưa ống nhòm cho
tôi.
Trong ống nhòm hiện ra một con chim có bộ lông sặc sỡ như có
bàn tay họa sĩ vẽ nên: toàn thân là màu xanh lục như lá cây, đầu và gáy có màu
đen, hai bên gáy viền một vệt vàng nhạt, mặt, họng và vòng cổ màu vàng nghệ.
Lông đuôi dài màu xanh da trời phía trên, đen ở dưới, và nét nổi bật là cái mỏ
rộng.Gà lôi trắng ở rừng Bạch Mã Đại bàng Mã Lai chụp ở Bạch Mã 9-2017Ảnh: Vietnam Wildlife"Nó là con mỏ rộng xanh, một loài chim thường sinh sống ở
Himalaya và Đông Nam Á. Tại Bạch Mã, họ mỏ rộng chỉ có duy nhất một loài
này" - Minh nói.
"Wow, wow, con chim gì mà nó cứ hót suốt từ sáng đến giờ?"
- tôi hỏi. Minh cười: "Nó là con cu rốc họng vàng đấy, loài này hiện còn
khá nhiều cá thể ở Bạch Mã, nên lên đỉnh núi là bạn sẽ nghe tiếng nó hót".
"Wow, wow" - Minh giả tiếng hót của con cu rốc cái,
và chỉ vài phút sau, một chú cu rốc đực đã bay đến đậu ngay trên đầu chúng tôi.
Con này cũng có bộ lông màu xanh lá cây, trán đỏ, đỉnh đầu vàng, một mảng vàng ở
cổ kéo xuống đến ngực và họng.
Minh nói họ cu rốc ở Bạch Mã có 6 loài và loài có tiếng hót
to nhất này là cu rốc họng vàng Trung Bộ, một loài chim đặc hữu của Việt Nam.
Chim này thường dùng mỏ để đục thân cây làm tổ trong đó, nên còn có tên là gõ
mõ.
Mặt trời chếch về hướng tây, tán rừng Bạch Mã trở nên mát lạnh
và chim hoạt động nhiều hơn. Minh chỉ cho tôi xem những cái lỗ tròn trên thân
cây thông, đó là tổ của chim cu rốc.Sâu đầu đỏ - Ảnh: NHƯ PHƯƠNG Hóa ra, cùng tên gọi là chim cu, nhưng cu rốc thuộc họ cu rốc
mà cu ngói, cu gáy lại thuộc họ bồ câu. Trong khi đó, chim bắt cô trói cột, bìm
bịp, tu hú lại thuộc họ cu cu, châu Âu gọi là cúc-cu (cuckoos). Lại có một họ
khác, curucu, loài chim nuốc bụng trắng.
Tương tự, chim cút khác với chim cun cút, càng không phải là
chim cuốc. Cút tức là loài chim cay, thuộc họ trĩ. Chim cun cút thì thuộc họ
cun cút, và chim cuốc thì thuộc họ gà nước. Điều tuyệt vời là tất cả các họ và
loài chim ấy đều có trong rừng Bạch Mã...
Chúng tôi xuống núi khi trời đã tối hẳn. Chiếc xe bật đèn chạy
chậm rãi trên con đường khuất giữa rừng đêm đầy bí ẩn. Minh nói giờ này các
loài chim ăn đêm bắt đầu hoạt động, chỉ cần dừng xe, rẽ vào rừng là có thể bắt
gặp họ nhà chim cú trên những tán cây.
Rừng chim Bạch Mã còn quá nhiều kỳ thú...Đi xem chim Bạch Mã cùng hướng dẫn viên Birding Vietnam Lê
Quý Minh - Ảnh: M.TỰ Đến nay, đã ghi nhận được 363 loài chim tại Bạch Mã, chiếm
40% tổng số loài chim của Việt Nam. Trong đó có 16 loài nguy cấp đã ghi trong
Sách đỏ Việt Nam. Tại Bạch Mã có 15 loài động vật đặc hữu của Việt Nam thì chủ yếu tập
trung vào lớp chim (chiếm đến 13 loài), điển hình có các loài: gà lôi trắng, gà
lôi lam mào trắng, gà so Trung Bộ, gà so họng hung...
Do tầm quan trọng quốc tế trong công tác bảo tồn các loài
chim, Bạch Mã được công nhận là một trong số các vùng chim quan trọng tại Việt
Nam, là một trong những thành viên của chương trình hành động bảo tồn gà lôi
lam mào trắng.
(Nguồn: Vườn quốc gia Bạch Mã)
Tháng 5-2020, báo chí trong nước và thế giới liên tục đưa tin
phát hiện loài mới ở Bạch Mã - Việt Nam. Có ít nhất 25 loài sinh vật mới được
phát hiện lần đầu tiên tại vùng rừng núi này.
6. Những phát hiện mang tên Bạch Mã
Những cái tên khoa học bachmaensis, bachmana chính là tên của
loài mới phát hiện đầu tiên tại Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã, vùng rừng đặc dụng
trải từ Thừa Thiên Huế vào Quảng Nam.Phạm Thị Thành Đạt - người vừa phát hiện loài mới thu hải đường
Bạch Mã - Ảnh: NVCC Tháng 5-2020, báo chí trong nước và thế giới liên tục đưa tin
phát hiện loài mới ở Việt Nam, trong đó có một loài ve sầu được đặt tên là
Sogana bachma na Constant & Pham, 2019 và một loài hoa thu hải đường Begonia bachmaensis Y.M. Shui
& T.T.D. Pham sp. nov.
Những cái tên khoa học bachmaensis, bachmana chính là tên của
loài mới phát hiện đầu tiên tại Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã,
vùng rừng đặc dụng trải từ Thừa Thiên Huế vào Quảng Nam.
Đến nay, đã có ít nhất 25 loài sinh vật mới được phát hiện lần
đầu tiên tại vùng rừng núi này, vinh hạnh mang tên bachmaensis, bachmana.
25 loài sinh vật mang tên bachma
Con số 25 này sẽ làm nhiều người ngạc nhiên, vì trong các tài
liệu của VQG Bạch Mã chỉ ghi nhận 5 loài thực vật cùng 2 loài côn trùng (ong)
được phát hiện đầu tiên tại Bạch Mã.
Đó là: côm Bạch Mã (Elaeocarpus bachmaensis Gagnep.), chìa
vôi Bạch Mã (Cissus bachmaensis Gagnep.), bọt ếch Bạch Mã (Glochidion
bachmaensis Thin), lá nón Bạch Mã (Licuala bachmaensis Henderson, N.K.Ban &
N.Q.Dung), mây Bạch Mã (Calamus bachmaensis Henderson, N.K.Ban & N.Q.Dung).
Trong đó, ba loài côm (cây gỗ), chìa vôi (dây leo), bọt ếch
(cây cỏ) Bạch Mã được công bố vào năm 2003, hai loài lá nón (cây cho lá để làm
nón) và mây (dây leo làm vật liệu đan lát) Bạch Mã công bố năm 2007.
Cũng trong các tài liệu đó, có ghi hai loài ong: Spinaria
bachmana Long & van Achterberg, 2007 và Vietorogas bachmana Long. spec.nov.
công bố năm 2007.
TS Huỳnh Văn Kéo, cựu giám đốc VQG Bạch Mã, người đã có hơn
20 năm gắn bó với khu rừng cấm này, cho biết để thành lập VQG, nhà nước và các
viện khoa học quốc gia đã tiến hành các cuộc điều tra quy mô về khu hệ động thực
vật Bạch Mã.
Hằng năm có hàng chục đoàn nghiên cứu của giới sinh học, lâm
học Việt Nam và thế giới sục sạo khắp vùng rừng núi này trong suốt mấy chục năm
qua, và năm nào cũng phát hiện thêm nhiều loài mới.
"Bạch Mã là một hiện trường vô tận cho giới nghiên cứu
thiên nhiên. Người đam mê nghiên cứu mà bước chân vào Bạch Mã là không dứt ra
được" - ông Kéo nói.
Theo lời hướng dẫn của TS Kéo, tôi sục sạo tìm kiếm ở các tạp
chí chuyên về sinh học trên thế giới, nơi thường xuyên công bố những loài mới
phát hiện, và nhận lại một kết quả quá thú vị. Không phải là con số 7 mà có 25
loài mới mang tên bachma đã được công bố trong khoảng 20 năm trở lại đây. Trong
đó, có 12 loài côn trùng, 11 loài thực vật, 1 loài cá, 1 loài bò sát.Một cặp Orestes bachmaensis ở Bạch Mã - Ảnh: Wikipedia Thu hải đường Bạch Mã
Đó là loài thực vật vừa mới phát hiện tại Bạch Mã, được đặt
tên: Begonia bachmaensis Y.M. Shui & T.T.D. Pham sp. nov., thuộc họ thu hải
đường (Begonia).
Người phát hiện ra loài hoa thu hải đường Bạch Mã này là một
nữ sinh viên khoa sinh học Trường đại học Sư phạm Huế: Phạm Thị Thành Đạt, hiện
đang làm việc tại phòng thí nghiệm vi sinh học của Công ty liên doanh
Bio-pharmachemie và cộng tác với Viện phát triển ứng dụng - Đại học Thủ Dầu Một.
Thành Đạt tìm thấy loài thực vật mới này khi cô đang là sinh
viên năm cuối ở Huế.
Một ngày hè tháng 6-2016, cô sinh viên Thành Đạt lên núi Bạch
Mã cùng với một nhóm du khách. Xuống đến chân thác Đỗ Quyên, trong khi mọi người
ngồi ngắm cảnh thì thói quen khám phá thiên nhiên đã khiến Đạt cầm máy ảnh đi
xuống chân thác.
"Tôi nhìn thấy những lùm cây có hình dáng như thu hải đường,
nhưng rất lạ, vì nó cao đến cỡ 1,6m, khác với các loài thu hải đường vốn thấp
bé", Đạt kể. Vì phải rời đi ngay nên Đạt chỉ kịp chụp ảnh và đánh dấu vị
trí phát hiện.Bông hoa thu hải đường Bạch MãẢnh: PHẠM THỊ THÀNH ĐẠT Một năm sau, từ TP.HCM, cô nữ sinh viên đã tốt nghiệp quyết
quay lại Bạch Mã, thu thập đầy đủ mẫu vật, rồi về phòng thí nghiệm để hoàn tất
việc nghiên cứu.
Bài báo của T.T.D. Pham và các đồng nghiệp về hai loài thu hải
đường mới, trong đó có loài Begonia bachmaensis Y.M. Shui & T. T.D. Pham
sp. nov. phát hiện đầu tiên tại núi Bạch Mã, đã được công bố trên tạp chí
Phytotaxa tháng 7-2019.
Đến tháng 5-2020 thì Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam công bố thông
tin trong mục Phát hiện mới, và sau đó các báo liên tục đưa tin.
Thành Đạt cho biết thu hải đường Bạch Mã nở hoa từ tháng 4 đến
tháng 7. Lá xanh mướt, cuống hoa màu tím, bông hoa hình trái tim màu hồng phớt,
nở lung linh giữa rừng xanh và gửi cho tôi một chùm ảnh để nhìn thấy rõ hơn vẻ
đẹp của thu hải đường Bạch Mã.
Cô cho biết vẫn đang theo dõi một số loài mới trên vùng rừng
núi trùng điệp này. Và một ngày không xa sẽ tiếp tục có thêm những loài mới với
cái tên bachma được công bố với toàn thế giới.Mô tả loài mới phát hiện: thu hải đường Bạch Mã - Ảnh: PHẠM
THỊ THÀNH ĐẠT Vẫn còn rất nhiều loài bachma
ThS Nguyễn Việt Thắng ở khoa sinh học Trường đại học Khoa học
Huế cũng là nhà nghiên cứu lâu năm về thực vật ở VQG Bạch Mã.
Ông cho biết những cái tên khoa học có tiếp vĩ ngữ
bachmaensis, bachmana là những loài mới cho khoa học và đương nhiên là loài mới
cho khu hệ động thực vật ở VQG Bạch Mã đã được các hội nghị đặt tên về động thực
vật trên thế giới công nhận.
Để được công nhận là loài mới của Bạch Mã, đòi hỏi tác giả
nghiên cứu phải thực hiện một quá trình công việc rất công phu. Khi bài báo
công bố loài mới được các tạp chí có uy tín trên thế giới đăng, tức là đã được
các chuyên gia xác định đúng.
Những loài này chưa là đặc hữu của Bạch Mã, nhưng đã xác định
đây là nơi đầu tiên phát hiện ra nó. Sau đó, nếu loài này được phát hiện ở một
vùng rừng núi nào khác trên thế giới thì tên loài của nó vẫn là bachmaensis,
bachmana.
Riêng hai loài cây chìa vôi Bạch Mã, bọt ếch Bạch Mã là hai
trong 19 loài thực vật đặc hữu, phát hiện đầu tiên tại đây và chỉ có ở Bạch Mã.Cây lá nón Bạch Mã Licuala bachmaensis - Ảnh: M.Tự Cứ mỗi lần công bố loài mới phát hiện tại Bạch Mã là giới
nghiên cứu sinh học, lâm học trên thế giới lại đổ về vùng rừng núi này để quan
sát tận mắt loài mới và lại lao vào cuộc khám phá những bí ẩn của thiên nhiên Bạch
Mã.
Trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế của VQG Bạch Mã - Trần
Thiện Ân cho hay những phát hiện loài mới mang tên bachma là minh chứng cụ thể
cho giá trị đa dạng sinh học rất cao của Bạch Mã. Vì vậy, Bạch Mã đã trở thành
địa điểm nghiên cứu hằng năm của các viện khoa học, trường đại học, bảo tàng
thiên nhiên trên thế giới.
Thêm một loài mới được công bố là cho thấy còn rất nhiều loài
chưa phát hiện. Và các nhà thám hiểm thiên nhiên lại bị hấp dẫn và cuốn hút vào
vùng rừng núi bí ẩn với muôn loài kỳ hoa dị thảo này.Cá Schistura bachmaensis Freyhof & Serov, 2001 - Ảnh:
my-fish.org Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, VQG Bạch Mã là điểm dừng
chân và hội tụ của hai luồng động, thực vật bắc - nam. Năm 2003, công bố kết quả
nghiên cứu tài nguyên đa dạng sinh học của VQG Bạch Mã, chúng tôi thống kê được
2.067 loài thực vật, 1.493 loài động vật.
Đến năm 2016, con số đó đã tăng lên: 2.420 loài thực vật,
1.715 loài động vật. Chỉ sau 13 năm, đã phát hiện thêm 353 loài thực vật, 222
loài động vật. Điều đó cho thấy giá trị đa dạng sinh học cũng như tài nguyên rừng
Bạch Mã là vô cùng phong phú và đa dạng.
Điều đó cũng cho thấy Bạch Mã vẫn còn rất nhiều loài động, thực
vật đang chờ các nhà khoa học tìm kiếm, phát hiện.
Mai Văn Phô
Bản đồ trạm nghỉ dưỡng Bạch Mã
Ngôi nhà của kỹ sư R. Desmarets
trên núi Bạch Mã - Ảnh:
A.A.V.H.
Bạch Mã linh sơn là ngôi trường thiên nhiên của Nghĩa Dũng
karatedo và cũng là biểu tượng tinh thần của võ đường này - Ảnh: M.TỰ
Một cảnh đẹp của tuyệt tác
thiên nhiên Bạch Mã - Ảnh: MINH TỰ
Tán đỏ của cây lôi khoai khiến cho
khu rừng trở nên rực rỡ - Ảnh:
M.TỰ
Hoa dẻ nở trắng rừng Bạch Mã - Ảnh: M.TỰ
Hoét xanh - Ảnh: NHƯ PHƯƠNG
Gà lôi lam mào trắng - loài quý hiếm
Gà lôi trắng ở rừng Bạch Mã
Sâu đầu đỏ - Ảnh: NHƯ PHƯƠNG
Đi xem chim Bạch Mã cùng hướng dẫn viên
Birding Vietnam Lê
Quý Minh - Ảnh: M.TỰ
Phạm Thị Thành Đạt - người vừa phát hiện
loài mới thu hải đường
Bạch Mã - Ảnh: NVCC
Một cặp Orestes bachmaensis ở Bạch Mã - Ảnh: Wikipedia
Bông hoa thu hải đường Bạch Mã
Ảnh: PHẠM THỊ THÀNH ĐẠT
Mô tả loài mới phát hiện: thu hải đường
Bạch Mã - Ảnh: PHẠM
THỊ THÀNH ĐẠT
Cây lá nón Bạch Mã
Licuala bachmaensis - Ảnh: M.Tự
Cá Schistura bachmaensis Freyhof
& Serov, 2001 - Ảnh:
my-fish.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét