Thứ Bảy, 17 tháng 10, 2020

Bản giao hưởng số 7 của Beethoven: Cuộc truy hoan của nhịp điệu

Bản giao hưởng số 7 của Beethoven: 
Cuộc truy hoan của nhịp điệu
Giao hưởng số 7 của Beethoven được ghi nhận ngay tức thì sau khi ra đời, cả ở khía cạnh nghệ thuật lớn lao và khía cạnh được đại chúng yêu thích. Riêng chương II trong bản giao hưởng này thường được trích ra biểu diễn riêng và có lẽ đã từng là sáng tác cho dàn nhạc nổi tiếng nhất của ông.
Nhiều tác phẩm ngày nay được xem là có giá trị nhất của Beethoven, đặc biệt là các tác phẩm giai đoạn cuối sự nghiệp, ban đầu được khán giả đón nhận với một tâm trạng ngổn ngang phức tạp: ngợi khen, hoang mang, chống đối. Ngược lại, có những tác phẩm từng rất nổi tiếng nhưng ngày nay lại ít quen thuộc với khán giả – có thể kể ra trường hợp của Wellington’s Victory, oratorio Christ on the Mount of Olives, bản thất tấu và khúc tình ca tuyệt diệu Adelaide. Nhưng đôi khi tác phẩm của Beethoven lại được ghi nhận ngay tức thì, cả ở khía cạnh nghệ thuật lớn lao và khía cạnh được đại chúng yêu thích, như chương II trong bản Giao hưởng số 7, một chương nhạc thường được trích ra biểu diễn riêng và có lẽ đã từng là sáng tác cho dàn nhạc nổi tiếng nhất của ông.
Wagner gọi Giao hưởng số 7 là “sự thánh hóa vũ khúc” của Beethoven với hàm ý ngợi ca tinh thần phóng túng của tác phẩm. Và ta thấy cách nói này của Wagner thật xác đáng sau khi khảo sát nhịp điệu và vị trí của nó. Isadora Duncan, Léonide Massine cùng nhiều vũ công, biên đạo múa khác đã thử sức với những dàn dựng ballet trên nền nhạc Giao hưởng số 7. Khi nghe bản giao hưởng rạng rỡ nhất của Beethoven này, thật khó mà không nghĩ rằng ông hẳn đã viết nó trong giai đoạn bừng nở của tình yêu đôi lứa. Phải hơn một thế kỉ sau, các nhà âm nhạc học mới có thể chứng minh rạch ròi điều mà trái tim thính giả cảm nhận: sự thật là tác giả khi đó đang yêu. Beethoven hoàn thành Giao hưởng số 7 chỉ vài tuần trước khi viết các lá thư nổi tiếng gửi cho “người yêu bất tử” Antonie Brentano của mình vào tháng 7/1812. Giờ đây đã rõ là các lá thư đó cũng như bản giao hưởng này đánh dấu cao trào của một tình yêu song phương say đắm, ấp ủ trong nhiều năm nhưng rút cục không thể trọn vẹn do định mệnh.

Giao hưởng số 7 của Beethoven có độ dài từ 33 đến 44 phút, được đề tặng Bá tước Moritz von Freis. Tác phẩm gồm bốn chương:

I. Poco sostenuto - Vivace.
II. Allegretto.
III. Presto - Assai meno presto (trio).
IV. Allegro con brio.

Giao hưởng số 7 phải đợi một năm rưỡi sau khi hoàn thành mới được công diễn lần đầu. Thời kỳ đó, các cuộc chiến tranh do Napoleon phát động đã diễn ra một thời gian dài. Giữa tháng 10/1813, chiến thắng quyết định của liên minh sáu nước trong Trận Leipzig, Đức, đã đảo chiều cuộc chiến. Sau thất bại trong Trận Leipzig, quân đội của Napoleon bắt đầu rút lui khỏi Đức về Pháp. Ngày 30/10, các quân đoàn của Áo và Bavaria tìm cách chặn đường rút lui của quân Pháp tại Hanau, cũng trên đất Đức, nhưng bất thành do quân Pháp được tiếp viện. Ngày 31/10, quân Pháp đã nắm quyền kiểm soát Hanau và mở được đường rút lui. Tại Vienna mùa thu năm đó, Johann Nepomuk Mälzel, người phát minh ra máy đánh nhịp và dàn nhạc cơ khí có tên panharmonicon, đã thuyết phục Beethoven cho mượn danh tiếng và âm nhạc của ông để tổ chức một buổi hòa nhạc từ thiện, giúp những binh lính người Áo và Bavaria bị thương trong trận Hanau.
Buổi hòa nhạc được tổ chức vào ngày 8/12/1813 tại Đại học Vienna. Với mục đích tốt đẹp, Beethoven đích thân chỉ huy; các nhạc công sáng giá nhất Vienna (Johann Hummel, Antonio Salieri…) ngồi trong dàn nhạc cùng bầu không khí mang hương vị chiến thắng đang đến gần và phòng hòa nhạc náo nhiệt, chật kín người nghe. Chương trình hòa nhạc chắc chắn là rất thích hợp: toàn bộ Giao hưởng số 7 giọng La trưởng của Beethoven, các hành khúc của Dussek và Pleyel do “kèn trumpet tự động” mà Mälze chế tạo chơi cùng phần đệm của cả dàn nhạc, và tác phẩm Wellington’s Victory (Chiến thắng của Wellington) hay còn gọi là Battle Symphony (Giao hưởng chiến trận) mang tính chương trình vốn được Beethoven sáng tác cho panharmonicon nhưng lại được dàn nhạc thật trình diễn trong dịp này. (Battle Symphony rất nổi tiếng vào thời đó nhưng ngày nay được xem như một sáng tác “tình thế” trong số các sáng tác viết cho dàn nhạc thời kỳ thành thục của Beethoven).
Đúng như mong đợi, buổi hòa nhạc thành công vang dội. Sau mười năm kể từ lần công diễn bản Piano Concerto số 3 với rất nhiều đổi thay, Giao hưởng số 7 được khán giả đón nhận nhiệt liệt. Thành công này chắc chắn có sự góp phần của dàn nhạc được luyện tập kĩ càng hơn mức bình thường. Franz Glöggl, người được Beethoven cho phép có mặt tại các buổi tập, kể lại chuyện các nhạc công violin từ chối chơi một đoạn nhạc mà họ than rằng quá khó. Beethoven đã năn nỉ họ mang phân phổ về nhà để luyện tập thêm. Glöggl thuật lại: “Trong buổi tập ngày hôm sau, đoạn nhạc đó được chơi một cách xuất sắc và các quý ông nhạc công đã hân hoan trước việc họ đã khiến Beethoven hài lòng.”
Trong số các nhạc công violin còn có nhà soạn nhạc Ludwig Spohr (1784-1859), người đã sửng sốt trước phong cách chỉ huy của Beethoven. Spohr chú ý tới cách Beethoven sử dụng “mọi cách thức cử động khác thường của toàn bộ cơ thể. Khi đến một đoạn sforzando [thuật ngữ chỉ cách chơi với cường độ mạnh và có nhấn], ông xoạc mạnh đôi cánh tay trước đó bắt chéo trên ngực với một sự mãnh liệt lớn lao. Tới đoạn piano [cường độ nhẹ] ông cúi người xuống càng lúc càng thấp hơn để thể hiện mức độ êm ái. Khi bắt vào đoạn crescendo [cường độ mạnh dần] ông lại vươn người lên dần dần và tới một đoạn forte [cường độ mạnh] thì ông nhảy dựng lên không trung.”
Ta có thể dễ dàng hình dung ra cách chỉ huy của Beethoven ngày ấy phải sinh động đến cỡ nào với một tác phẩm như thế này. Bản giao hưởng có phần mở đầu (introduction) chậm rãi trau chuốt nhất đồng thời dài nhất của Beethoven. Nhưng trên cả việc báo trước các yếu tố chủ đề của phần Vivace, phần mở đầu Poco sostenuto còn hàm chứa hình mẫu điệu thức cho toàn bộ bản giao hưởng. Phần mở đầu này kết thúc bằng một khoảng lặng dài trước khi chủ đề của phần Vivace vang lên, giống như việc về tới nhà và kể lại toàn bộ cuộc phiêu lưu ngay lập tức với nhịp 6/8 một cách hồ hởi.

Chương II – Allegretto gồm một chủ đề siêu việt cùng các biến tấu trên nền một nhịp điệu trì tục toàn bộ chương nhạc: dài-ngắn-ngắn-dài- dài (nốt đen-nốt trắng-nốt trắng-nốt đen-nốt đen). Jeffrey Kahane, một nhà nghiên cứu về Hy Lạp cổ, đưa ra giả thuyết rằng cơ sở của nhịp điệu này được lấy cảm hứng từ kiểu nhịp thơ dactylic hexameter thường được sử dụng trong nhiều sử thi Hi Lạp và La Mã (như Odyssey của Homer và Aeneid của Virgil). Cuốn sách yêu thích của Beethoven là Odyssey và trong nhật ký của ông rõ ràng có một mục ghi “dactylic hexameter”. Một dòng thơ ở thể dactylic hexameter gồm 6 ô nhịp (foot), mỗi ô nhịp là một dactyl, mỗi dactyl gồm 3 âm tiết trong đó âm tiết đầu là âm tiết dài (nhấn - mạnh) còn hai âm tiết sau là âm tiết ngắn (không nhấn - nhẹ). Ô nhịp thứ sáu của dòng thơ thường không phải là một dactyl mà được thay bằng hai âm tiết nhấn. Vì thế hai ô nhịp cuối của dòng thơ tạo thành kiểu nhịp nhấn: dài-ngắn-ngắn-dài-dài. Có thể coi bản giao hưởng này là Odyssey bằng âm nhạc của Beethoven.
Trong những năm đầu sau buổi công diễn đầu tiên, khán giả luôn yêu cầu được nghe dàn nhạc trình bày lại lần nữa chương Allegretto. Trong thời đại của các thiết bị nghe nhìn tối tân hiện nay chương nhạc này cũng thường xui khiến người nghe nhấn vào nút Repeat trên chiếc điều khiển từ xa. Chương nhạc gây ảnh hưởng một cách khác thường lên các nhà soạn nhạc thế hệ sau như trong các chương chậm của Giao hưởng giọng Đô trưởng và bản Piano Trio giọng Mi thứ của Schubert, Giao hưởng “Nước Ý” của Mendelshohn, “Harold in Italy” của Berlioz và nhiều tác phẩm khác.

Khúc scherzo tốc độ Presto trong chương III càng làm lộ rõ diện mạo vũ khúc của tác phẩm. Tiếp theo là một trio được chơi đến hai lần như trong một số tác phẩm khí nhạc khác của Beethoven.

Chương kết Allegro con brio ở hình thức sonata tràn đầy năng lượng và hứng khởi. Đoạn coda dài hơn cả phần trình bày và phần phát triển với những hợp âm được chơi với cường độ cực mạnh (fff). Trong suốt bản giao hưởng, có một bè âm thanh đặc biệt do cách sử dụng kèn horn của Beethoven. Tác phẩm được viết ở giọng La trưởng, điều đã tạo ra vẻ rực rỡ không thấy có trong các bản giao hưởng trước đó của ông.
Tuy nhiên không phải không xuất hiện những ý kiến trái chiều về kiệt tác giao hưởng này. Friedrich Wieck, một thầy dạy piano nổi tiếng thời bấy giờ, người có mặt tại các buổi luyện tập cho lần công diễn đầu tiên, đã thuật lại, các nhạc công và những người không chuyên đều nhất trí rằng Beethoven hẳn đã soạn bản giao hưởng trong trạng thái say xỉn. Carl Maria von Weber nhận định rằng bè trầm hòa âm ở đoạn coda trong chương đầu chứng tỏ Beethoven “đã đến độ vào nhà thương điên”. Đến thế kỷ 20, nhạc trưởng Thomas Beecham tỏ ý khắt khe với chương III, ông nói: “Anh biết làm gì với nó đây? Cứ như là cả đám bò Tây Tạng nhẩy xồ ra.” Còn chính tác giả, ngay trong buổi đầu công diễn tác phẩm đã khẳng định: “Trong những tác phẩm hay nhất của tôi, tôi có thể tự hào chỉ ra bản giao hưởng giọng La trưởng”.

Sáng tác thời gian này là Giao hưởng số 7 và Giao hưởng số 8 được viết trong vài tháng tại Tceplitz năm 1812: Cuộc truy hoan của nhịp điệu và giao hưởng hài hước, các tác phẩm mà có lẽ ông đã tỏ ra tự nhiên nhất và như ông nói, “thả cửa nhất” (aufgeknoepft) với những luân chuyển giữa đùa vui và cuồng nộ, những tương phản bất ngờ, những chớp lóe rối mù và hùng vĩ, những bùng nổ nhận chìm Goethe và Zelter trong kinh hãi và khiến ở miền Bắc Đức có ý kiến cho rằng Giao hưởng giọng La trưởng là tác phẩm của một kẻ say xỉn. Quả thực tác phẩm là của một người say song có sức mạnh thiên tài. Beethoven nói: “Tôi là thần Bacchus ép được thứ rượu tiên ngon tuyệt cho loài người. Chính tôi trao tặng con người tinh thần cuồng nhiệt thiên tiên.” Wagner viết: “Tôi thật không rõ liệu Beethoven có muốn miêu tả một lễ hội Thần rượu ở chương cuối hay không. Tuy nhiên tôi nhận thấy trong kermesse (1) hăng say này dấu ấn Flandre (2) được di truyền của ông, cũng như tôi nhận ra gốc gác của ông trong sự tự do táo bạo về ngôn ngữ và phong cách, thứ lạc lõng một cách kiêu ngạo ở xứ sở của kỉ luật và lòng thần phục. Chẳng ở đâu sức mạnh tự do và bộc trực hơn trong Giao hưởng giọng La trưởng. Đó là sự tiêu hao điên rồ thứ năng lượng siêu phàm mà không có mục đích nào khác ngoài để cho vui, một thú vui của con sông tràn bờ và gây ngập lụt. Trong Giao hưởng số 8, sức mạnh có kém phần hùng vĩ hơn song lại lạ thường hơn và đặc trưng con người hơn, kết hợp bi kịch với hài kịch, kết hợp một sức mạnh của Hercule với những trò chơi và những ý thích thất thường của con trẻ.”

Romain Rolland, Cuộc đời Beethoven.

Chú thích:
1. Kermesse (tiếng Hà Lan) là tên một ngôi làng thuộc vùng Flandre (ngày nay thuộc lãnh thổ ba nước Bỉ, Pháp, Hà Lan). Tiếng Anh và Pháp đã vay mượn từ này và dùng với nghĩa “lễ hội” (ND).
2. Ông nội của Beethoven là người gốc vùng Flandre. Ông đã theo học trường dạy hát của Bỉ và đến năm 1732 thì đến cư trú tại Đức (ND).
6/10/2020
Nguồn: TẠP CHÍ TIA SÁNG
Theo http://redsvn.net/

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...