Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2020

Vẻ đẹp của tiếng Việt trong Truyện Kiều

Vẻ đẹp của tiếng Việt trong Truyện Kiều
Truyện Kiều không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là một tập đại thành của văn hóa Việt Nam. Năm 2020 là năm thế giới và Việt Nam  tưởng niệm 200 năm ngày mất của Nguyễn Du. Đây là dịp để chúng ta hiểu sâu thêm Truyện Kiều và tầm vóc vĩ đại của Nguyễn Du trên mọi bình diện: văn  chương, chính trị và triết học. Là dịp để chúng ta chiêu tuyết cho ông và Truyện Kiều.
Mọi người đều chịu hạn chế của thời đại, nhất là các nhà phê bình. Khác với những người sáng tác, thiên bẩm nghệ sĩ, cảm quan cá nhân dẫn dắt họ trên con đường sáng tạo không giới hạn thì các nhà phê bình lại quan sát tác phẩm theo lăng kính và quan niệm thẩm mỹ theo khuôn thức của thời đại mà anh ta đang sống. Tóm lại, làm cái việc “bắt chân theo giày”.
Bởi thế, là một ông vua - Tự Đức từng nói, nếu Nguyễn Du còn sống, phải nọc ra đánh khi dám viết Triều đình riêng một góc trời; Dọc ngang nào biết trên đầu có ai… Chí sĩ Ngô Đức Kế, khi đặt mục đích cứu nước lên trên hết, năm 1924, viết trong tạp chí Hữu Thanh rằng, Truyện Kiều là một tác phẩm không có giá trị gì, hơn thế, làm cho các thanh niên “say đắm trong trời tình biển ái mà mềm nhũn cái lòng sắt đá, bỏ mất cái chí nguyện cao xa”. Thúy Kiều cũng chịu nhiều phê phán mà nặng nề nhất, khó hiểu nhất lại là của tài tử Nguyễn Công Trứ: Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa/ Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm.
Ngay một số nhà phê bình văn học hiện đại cũng có những nhận định chưa thỏa đáng. Chẳng hạn, Hoài Thanh trong “Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du” cho rằng, Nguyễn Du “đã cảm thông được một phần nỗi khổ chung của con người bị chà đạp” nhưng chỉ “cảm thông được một phần thôi” và “rốt cuộc Nguyễn Du vẫn là người của giai cấp phong kiến, của chế độ phong kiến”. Rồi Đặng Thai Mai trong “Đặc sắc của văn học cổ điển Việt Nam qua nội dung Truyện Kiều” đã viết: “Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du cố nhiên mới chỉ biểu hiện bằng những phương thức yếu ớt theo đạo lý chữ nhân của đạo Khổng, hoặc theo tinh thần hiếu sinh của đạo Phật, chưa phải là chiến đấu tính cho nhân đạo, cho con người”.
Hèn gì mà Nguyễn Du chẳng viết: Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như.
Còn phải nhiều công sức để tìm đến chân giá trị của Truyện Kiều và Nguyễn Du. Nhưng có hai nhận định có thể nhận được nhiều đồng tình nhất. Đó là của Mộng Liên đường Chủ nhân: “Tố Như dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời thì không tài nào có được bút lực ấy… Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thắm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột. Thế thì gọi tên là Đoạn Trường Tân Thanh cũng phải”.  Và của Chế Lan Viên: Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều đất nước hóa thành văn.
Với Truyện Kiều, thế giới biết hơn về một nước Việt nhân văn, biết hơn về một tiếng Việt lung linh, giàu sắc điệu, có thể diễn tả hết mọi cung bậc tình người và khả năng thu nhận, thuần hóa các thứ tiếng khác để tự làm giàu cho mình.
Bác học, bình dân, cổ kính và hiện đại
Tiếng Việt đến Truyện Kiều đã có một bước ngoặt. Dưới ngọn bút thiên tài của Nguyễn Du, Tiếng Việt trở nên trong sáng, giàu biểu cảm, nhuần nhụy giữa bác học và bình dân, cổ kính và hiện đại. Nó làm cho một câu Kiều ta đọc có thể hiểu ngay nhưng ngẫm ngợi cả đời chưa hết sự sâu xa.
Nguyễn Du xuất thân trong gia đình đại quý tộc. Song phần lớn cuộc đời, ông sống giữa những người cùng khổ, bản thân ông có lúc cùng khổ nhất trong những người cùng khổ. Thậm chí, khi làm quan mà nhà còn đói, các con mặt xanh tựa rau (Cố hương cang hạn cửu phương nông/ Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng). Điều đó tạo nên tính nhân dân trong tư tưởng, trong ngôn ngữ nghệ thuật. Nguyễn Du là người mạnh bạo và thành công nhất trong việc mở cửa cho ngôn ngữ bình dân bước vào, không chỉ bước vào mà còn làm chủ lâu đài văn học trước đây vốn chỉ có ngôn ngữ kinh sách, đầy tính tượng trưng, ước lệ.
Truyện Kiều là bộ Từ điển Bách khoa toàn thư về cuộc sống.
Trước hết, Truyện Kiều là từ điển về phong cảnh Việt Nam, làm cho ta yêu ta quý vô hạn đất nước này. Đó là mùa xuân Cỏ non xanh rợn chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa; là mùa hè Dưới trăng quyên đã gọi hè, Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông; là mùa thu Long lanh đáy nước in trời, Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng; là nhịp thời gian đi qua hoa lá cỏ cây trong quan sát của một người nặng tình người, tình nước Sen tàn cúc lại nở hoa, Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân.
Truyện Kiều là từ điển về đời sống phong tục, tâm linh của người Việt: Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh. Thế giới người sống, thế giới người chết, con người và thiên nhiên, không chỉ là hài hòa, mà được đồng hóa tuyệt đối: Trông ra ngọn cỏ, lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về…
Truyện Kiều là từ điển tâm trạng. Mã Giám Sinh ngồi tót sỗ sàng, là đứa mất dạy, Vương ông nhận ra ngay. Vậy mà vì con, ông phải nhún mình: Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân/ Tuyết sương che chở cho thân cát đằng. Nịnh nó, để nó bớt làm khổ con mình, đấy là tấm lòng của những người làm cha, làm mẹ Việt Nam. Tú Bà là một con buôn, mà là buôn gái, nghe Kiều bị Mã Giám Sinh đoạt tiết, thì mụ không kịp nghĩ, văng luôn ra: Màu hồ đã mất đi rồi/ Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma!
Trong Truyện Kiều, trùng trùng điển cố, trùng trùng các tầng văn hóa Việt Nam và thế giới. Nguyễn Du là một nhà “thuần hóa” điển cố, thuần hóa chữ Hán một cách thiên tài. Ông đã làm cho tiếng Việt có khả năng không chỉ đạt độ hàm súc ngang với chữ Hán mà còn có sự biểu cảm cao hơn, ít nhất trong cảm thụ của người Việt. Câu thơ của Thôi Hộ “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” mà chuyển thành “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” thì không có gì tuyệt hơn. Cả bài thơ liên khúc “Trường tương tư” nổi tiếng nhiều thời đại của Lương Ý Nương thời Vãn Đường được gói lại trong một câu lục bát của Nguyễn Du: Sông Tương một dải nông sờ, Bên trông đầu nọ bên chờ cuối kia.
Với Truyện Kiều, những lời ăn tiếng nói hằng ngày của bình dân bỗng trở nên văn chương nhất khi chúng lột tả thần tình tính cách nhân vật và trạng huống. Một kẻ dù khoác áo Giám sinh, chỉ sáu chữ Ghế trên ngồi tót sỗ sàng cũng đã vạch rõ sự nghênh ngang vô lễ, vô học.
Cái khó của nhà nghiên cứu ngôn ngữ Truyện Kiều là khó cho câu nào hay hơn câu nào. Một câu Kiều là một câu không thể viết khác, là một sự hoàn thiện. Nhưng dụng công, hoàn mỹ nhất là những câu tả về tình yêu, về cái đẹp, về mỗi niềm vui, hạnh phúc của Thúy Kiều. Khi Kiều gặp Kim Trọng, bắt đầu mối tình của tài tử - giai nhân thì cảnh vật trở nên lấp lánh Mảnh trăng chênh chếch dòm song/ Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân. Đêm Thúy Kiều băng tường đến với Kim Trọng cả trời đất như thực, như mộng, người trong hoa, hoa hóa nên người Tiếng sen sẽ động giấc hòe/ Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần. Vẻ đẹp thân thể của Kiều, trong con mắt trân trọng, tôn thờ mà đa tình của Thúc Sinh vừa linh giác thần thánh vừa thị giác, xúc giác trần thế Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên. Hai người này, mối tình này thật đời, thật người, thật hạnh phúc nên khi chia tay nhau, cây cỏ, núi rừng cũng nhuốm màu ly biệt, cũng ôm vô nỗi mong nhớ không cùng Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Độ mở và sức sống vô hạn của Truyện Kiều
Người Trung Hoa nói “Bất học Thi bất dĩ ngôn”, nghĩa là không học Kinh Thi thì không biết lấy gì để nói. Về phương diện này, Truyện Kiều không chỉ là quyển kinh của dân tộc ta, mà người nước ngoài cũng có thể vận dụng trong đời sống, trong cả những chuyện tối quan trọng của chính trị như quan hệ giữa các quốc gia.
Năm 2000, Bill Clinton, Tổng thống Mỹ đầu tiên sang thăm Việt Nam đã dùng câu Kiều Sen tàn cúc lại nở hoa, Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân để nói về triển vọng mới trong quan hệ Việt - Mỹ. Tháng 7-2015, khi tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Thủ đô Washington, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden lại mượn Kiều để hứa hẹn và diễn tả một khung cảnh mới mà nếu dùng hình thức khác thì phải tốn nhiều bút mực và thời gian hơn rất nhiều: Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời. Trong bài phát biểu trước trí thức, sinh viên Việt Nam tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia sáng 24-5-2016, Tổng thống Obama cũng kết thúc bài phát biểu bằng một câu Kiều Rằng trăm năm cũng từ đây/ Của tin gọi một chút này làm ghi.
Trong Lễ Kỷ niệm 250 năm Ngày sinh của thi hào Nguyễn Du tại TP Hà Tĩnh ngày 5-12-2015, bà Katherine Muller Marin - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam ca ngợi: “Tác phẩm của Nguyễn Du đã có mối liên hệ chặt chẽ với các lĩnh vực trọng tâm của UNESCO, tiêu biểu như: liên quan đến khát vọng hòa bình, chủ nghĩa nhân văn, giá trị gia đình, truyền thống văn hóa. Tác phẩm của Nguyễn Du còn có mối liên hệ với bình đẳng giới - lĩnh vực hoạt động của UNESCO. Và tầm vóc của Nguyễn Du không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn ở cả nhân loại”.
30/9/2020
Nguyễn Sĩ Đại
Theo https://vanhocsaigon.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...