Thứ Năm, 1 tháng 10, 2020

Chợ hoa đêm Quảng Bá

Chợ hoa đêm Quảng Bá
Chợ hoa đêm Quảng Bá là nơi mua bán hoa tươi lớn nhất Hà Nội. Những chàng trai đang yêu thường có mặt tại đây từ 3 giờ sáng… Dậy sớm đi chợ hoa không chỉ có thể chọn cho mình những bông hoa vừa ý nhất, mà còn là một sự trải nghiệm thú vị. Đến chợ hoa đêm Quảng Bá, đón ánh bình minh hé rạng giữa rừng hoa e ấp hơi sương, ta mới cảm nhận được hết vẻ đẹp tươi nguyên nơi thế giới các loài hoa.
Chợ hoa Quảng Bá thuộc quận Tây Hồ là chợ hoa đêm duy nhất ở Hà Nội và cũng là đầu mối cung cấp hoa tươi cho cả thành phố. Ngày nào cũng vậy, cứ vào khoảng 2 giờ sáng, những chiếc xe tải lớn chở hoa từ ngoại thành Hà Nội và cả từ Đà Lạt xa xôi mới chuyển về đã đỗ trước cửa chợ. Chỉ hơn một tiếng sau, chợ đông nghịt người. Những bó hoa nhiều màu sắc lần lượt được xếp cẩn thận trên sạp hàng, chờ người mua đến chọn.
Bà Nguyễn Minh Hạnh, phó ban quản lý chợ quận Tây Hồ cho biết: Chợ Quảng Bá có nguồn gốc từ một cái chợ xép họp tự phát tại nơi ngã ba phường Nhật Tân, hình thành do nhu cầu tự sản tự tiêu hoa của bà con vùng Nhật Tân, Quảng An và một số xã trong huyện Từ Liêm.
Mãi tới năm 1996, khi quận Tây Hồ được thành lập, người ta mới di chuyển cái chợ hoa đêm ấy về Quảng An, và chợ họp ở đấy cho đến bây giờ. Chợ hoa Quảng Bá là điểm đến của những người mua bán hoa không chỉ trong vùng, mà cả từ các tỉnh khác, thậm chí từ Trung Quốc xa xôi.
Từ 2 giờ đến 4 giờ sáng là khoảng thời gian dành cho việc bán buôn hoa. Hoa từ bốn phương đổ về trên các xe ô-tô tải, xe thồ, xe máy đời cũ hay xe đạp… Hoa nằm e lệ trên các sạp tre đan, gọn gàng trong các bao tải hay ngoan ngoãn trong những cái xô nhựa.
Hoa từ Trung Quốc và Đà Lạt đổ về chợ, chủ yếu là các loài hoa như: hoa ly, sa-lem, ba-by, cẩm chướng, tuy-líp…, đều đã được ướp trong phòng lạnh. Những loại hoa này ở Việt Nam rất hiếm, nên phải nhập từ xa về để làm phong phú thêm cho chợ hoa.
Những người buôn hoa từ Trung Quốc hay Đà lạt về, phải đánh theo từng chuyến hàng lớn, rồi cho vào phòng lạnh bảo quản và bán dần. Vì thế, hoa nhập ngoại tuy là những loại hoa hiếm nhưng độ tươi không được như hoa cắt từ các làng lân cận.
Chị Hà, người mua hoa, tâm sự: “Tôi thích hoa nội hơn, vì nó có cái đẹp dịu dàng, nở và tươi cũng lâu hơn hoa nhập ngoại”.
Những người kinh doanh hoa nhập từ Trung Quốc hay Đà Lạt về, phải bảo quản kỳ công, nếu để quá lâu mà không bán được hết, thì đành phải bỏ vì sức sống của hoa không bền như hoa mới cắt từ vườn.
Những người bán hoa từ các làng xa của huyện Từ Liêm phải dậy từ rất sớm. Chị Linh, người Từ Liêm, tâm sự: “Nhà tôi làm nghề trồng hoa và bán hoa đã 20 năm nay. Ngày nào cũng phải cắt hoa giữa đêm hôm khuya khoắt, rồi gói sẵn để đấy. Thức dậy lúc 1 giờ sáng, hai vợ chồng đèo hoa ra chợ. Cực nhọc lắm, cô ơi!”
Khi tôi nói đùa “thế sao chị không đổi nghề đi, đừng bán hoa nữa!”, chị đáp rất nhanh: “Vất vả, nhưng đó là sinh kế của cả nhà tôi đấy, cô ạ!”
Tôi lại hỏi “sắp đến Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 rồi, chồng chị có thường tặng hoa cho chị không?”, chị cười: “Bọn chị thì lúc nào cũng đọc cho nhau nghe hai câu vè hơi chua chát:
Mang hoa đi bán cho người,
Phận mình thôi chỉ ngậm ngùi làm ngơ!”
Nơi đây tập trung đủ các loài hoa. Giản dị như hoa thược dược, cao sang như hoa lay-ơn, vi-ô-lét, păng-xê, nhiều màu là hoa cúc, e ấp là hoa hồng…
Hoa cúc có đến hàng chục loài: đại đóa vàng, bạch cúc, hoàng mi, bạch mi, tòng châm, hoàng kim tháp, cúc tím, cúc đỏ, cúc chi, cúc vạn thọ, cúc ngũ sắc… Một tán cúc khẽ lay động trong mưa bay xuân sớm, gợi cho người chơi hoa một ý niệm thanh cao của phương Đông huyền bí. “Tùng, cúc, trúc, mai” là bốn loài thảo mộc trượng trưng cho người quân tử thời xưa.
Riêng hoa hồng, hoàng hậu của các loài hoa - theo quan niệm của người phương Tây - luôn mang một nét đẹp sang trọng, thanh tao. Chợ đêm thường không nhiều hoa hồng. Ai muốn mua từng bó lớn hoa hồng thì phải đến chợ thật sớm, khoảng 2 giờ khuya. Quả như đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”. Vào Ngày Valentine hay Ngày Quốc tế phụ nữ, những chàng trai đang yêu phải “đánh đường tìm hoa” từ sau giờ tý!
Chị Liên (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự: “Tôi làm nghề bán hoa dạo đã 18 năm nay. Hầu như đêm nào tôi cũng lên chợ Quảng Bá để lấy hoa tươi về bán. Vào các ngày lễ như Ngày Quốc tế phụ nữ, Ngày Tình yêu, Tết Nguyên đán…, muốn mua được những bó hồng thật tươi, thì phải đi từ lúc tinh mơ. Thực ra, có thể dậy muộn hơn một chút, rồi lấy hoa từ các điểm bán lại, nhưng tôi không muốn thế, mà luôn cố gắng lên tận chợ Quảng Bá thật sớm, để lấy được những bó hoa tinh khôi roi rói”.
Ở chợ hoa đêm còn có hoa phong lan, sen cạn, huệ trắng… Mỗi loàì hoa mang một màu riêng, hương lạ.
Anh Nguyễn Kim Anh, tổ trưởng tổ quản lý chợ hoa Quảng Bá, chia sẻ: “Chợ không chỉ dành cho người bán hoa, mua hoa, mà còn là điểm tham quan trong chương trình của nhiều công ty lữ hành ở Hà Nội. Tầm 4 giờ sáng, nếu lên chợ hoa Quảng Bá, ta sẽ gặp nhiều khách du lịch nước ngoài tới xem hoa, chụp ảnh…”.
Vào dịp lễ tết, đây là nơi tốt nhất để người mua có thể tìm thấy những bông hoa đẹp mà giá lại “mềm”.
Ngay cả ngày thường, người đến đây mua hoa cũng rất đông. Khách mua hoa ở chợ này không chỉ là dân buôn hoa, những người bán hoa rong, mà còn là nhiều bạn trẻ. Những nhóm bạn bốn, năm người hẹn nhau từ sáng sớm lên chợ ngắm hoa, đón bình ánh minh ngày mới. Họ thong thả dạo bộ qua chợ, ngắm nghía, chọn vài bó hoa đẹp, cảm nhận hương thơm ngào ngạt giữa âm thanh ồn ào của phiên chợ sớm. Tiếng cười rộn rã cả một góc trời đêm.
Chợ hoa Quảng Bá nhộn nhịp trong bóng tối. Người mua, kẻ bán nhận ra nhau và chuyện trò rôm rả không phải nhờ vào ánh đèn điện vàng vọt, mà là qua sự “quen hơi, bén tiếng”.
Chợ hoa đêm nào cũng diễn ra, nhưng không đêm nào giống đêm nào. Bao giờ cũng tìm ra một nét mới nào đó khiến những ai đa cảm phải say lòng…
Theo http://vsl.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...