Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Hồi ký: Tôi đi học cấp 2 phổ thông

Hồi ký: Tôi đi học cấp 2 phổ thông
Lớp 6 (1980-1981)
Tôi vô lớp 6A2, lại được chuyển về trường cấp 2 Lê Quý Đôn, học buổi chiều. (Trường Lê Quý Đôn mở trở lại với cấp 2,3). [1]
Ban đầu lớp chúng tôi là lớp Anh Văn. Một hôm cô hiệu phó vô lớp hỏi có ai có yêu cầu chuyển sang lớp Pháp Văn hay không, nhân tiện tôi xin đổi lớp cho đúng sở trường đã “học trước”. Tôi được chuyển sang lớp 6P.
Sang lớp mới, môi trường mới, với đa số từ trường Mê Linh và Hai Bà Trưng chuyển qua. “Dân chợ” khu Tân Định là đông nhứt. Lớp học khá vui, quậy dữ dằn nhưng rất đoàn kết. Ai trong lớp bị ăn hiếp là anh em kéo ra bảo vệ nhau liền.
Chưa hết, tới giờ tập trung ngồi “truy bài đầu giờ”, mấy tay “xóm nhà lá” rủ nhau kể đủ chuyện đã chứng kiến: đi rình, coi phim chui, đọc sách cấm, kể chuyện tục... để cười chơi. Đầu óc chúng tôi bấy giờ tuy mang tiếng “đen tối trước tuổi” nhưng vẫn không ảnh hưởng gì đến học hành. Vẫn còn hồn nhiên như xưa! Chưa sao... [2]
Chúng tôi còn chơi một thú vui rất... độc hại: chơi mắt mèo ngứa. Số là trong trường có trồng cây đủng đỉnh mà chúng tôi gọi sai tên là cây mắt mèo. Trái tròn như trái nho, mọc thành chùm đen bóng khi chín. Chúng tôi lượm trái chín rụng và dùng bóp lấy nước màu vàng nâu bôi lên mình người khác. Gần như ai cũng bị ngứa ít nhứt một vài lần. Riêng tôi còn thí nghiệm trên tay mình coi ngứa ra sao. Dạo nọ cả trường rộ lên phong trào phá phách này làm hiệu trưởng phải đau đầu. Không biết có thầy cô nào bị chưa, chứ học sinh thì bị nhiều lắm. Mà riết rồi cũng quen. Có lần cây đủng đỉnh có ít trái bắt đầu chín, chúng tôi dụ anh L.M.H cùng lớp trèo lên cây hái xuống. Báo hại H. bị một trận ngứa hết mình mẩy. Giải pháp duy nhứt bấy giờ là ngồi chịu trận cho hết cơn ngứa. Không có chuyện hơ lửa cho hết ngứa như dân dưới quê đã dạy. Mãi khi chúng tôi học hết cấp 2, cây đủng đỉnh này vẫn chưa bị chặt!
Còn trò mất dạy nhứt “giải phẩu”: bắt đè lột quần. Ng.H.L. “lùn”  bị cả lớp bu lại thực hiện nhưng không thành. May là trò này chưa gây lớn chuyện đến tai phụ huynh.
Cũng không trách được khi mà quyển sổ đầu bài của lớp luôn tràn ngập lời phê xấu của các thầy cô.
Tôi lần đầu tiên biết... trốn trại. Hôm nhà trường làm lể mừng cách mạng tháng 10 Nga, tấm vách dựng sau lưng sân khấu bị gió thổi, hay sút dây làm sập bể hết các hình treo, bình hoa… Học trò thừa cơ làm mất trật tự, cười giỡn ồn ào. Tôi thấy cửa trường đang mở nên về lớp ôm cặp ra về luôn. Không ai biết.
Các thầy cô rất ngán lớp 6P vì tụi này gây ồn ào trong lớp đến nỗi nhiều người không thể nào giảng bài nỗi. Lớp tôi nổi tiếng ở trường, luôn bị cảnh cáo hôm thứ 2 chào cờ. Các thầy cô chủ nhiệm nối gót nhau thay thế và ra đi. Kỷ lục có 7 giáo viên thay phiên làm chủ nhiệm lớp 6P cho niên khóa 80-81:
– Cô Y.Th: dạy Sử, bỏ làm chủ nhiệm vì quản lý không nổi, thậm chí có lần bắt cả lớp quỳ gối trên ghế hết trọn tiết học.
– Thầy Ph.: dạy Toán, 1-2 tháng sau đó xin nghỉ, nghe nói đi về đạp xích lô.
– Thầy M.: dạy Toán, vài tuần sau xin nghỉ. (chưa rõ lý do).
– Thầy Tr.: dạy Toán, làm chủ nhiệm tạm thời.
– Cô Nh. T.: dạy Toán. Nghỉ việc vì vượt biên không thành. Cô có về thăm lại trường một lần. Gặp lại học trò cũ, cô mừng lắm.
– Thầy V.: hiệu phó, dạy Toán, làm chủ nhiệm tạm thời.
– Cô M.Ng.: dạy Sinh vật.
Vì không có chủ nhiệm nên chúng tôi thường nghỉ tiết sinh hoạt cuối tuần. Chưa kể có môn học, khi trời chuyển mưa là được nghỉ (Được biết có nhiều cô bận chạy mánh làm ăn để “cải thiện” lương,  một phần áp lực giáo án không căng thẳng nên dễ dạy bù vào tiết sau)
Tình trạng vô kỷ luật trong lớp khiến cô chủ nhiệm có lần phải mời hiệu trưởng xuống coi cho biết. Nhứt là hôm cô kẹt việc nên lên lớp hơi trễ... [3]
Cả lớp vốn làm biếng ham chơi, có lần học giảng văn, khi cô giáo ra lệnh ai không soạn bài thì tự giác đứng lên ra về. Cả lớp, sẵn dịp, hí hửng xách cặp ra một cái ào gần hết sạch! Bà Nh. hiệu trưởng nhìn thấy vậy hoảng quá yêu cầu chỉ cảnh cáo thôi chứ không dám cho về đông như vậy. Coi như huề tiền. Vô học tiếp!
Lần khác khi cô dạy hội họa (chúng tôi quên gọi là cô “Họa”) lên lớp trễ, cả lớp cố ý trốn về gần hết. Khi cô vào, lớp còn chưa tới 10 người. Vì tự ái, cô cho những ai còn ở lại được 10 điểm khỏi chấm bài nộp hôm đó. Ai trốn về đều bị 0 điểm. Tôi, vì còn ngồi lại, được 10 điểm khỏe ru! Dù vậy, trước đó, thằng bạn Ng.V.H. rũ tôi trốn và sẵn sàng đạp xe chở tôi về nhà luôn!
Môn Nhạc, với các nhạc lý căn bản cho cô H.V dạy. Vì đã học nhạc trước nên môn này không khó khăn cho tôi. Chúng tôi học môn Nhạc và Họa đến hết lớp 7.
Những năm này, có chiến dịch cấm học trò để tóc dài, hay bỏ áo ngoài quần rất gắt gao. Tôi bị phạt mỗi thứ một lần. Nhiều anh tóc dài bị đuổi về không cho vô lớp hoặc bị thầy nắm “pát” giật tới lui để cảnh cáo. [4] Tất nhiên cũng có một nhóm thầy cô vô từng lớp kiểm tra ai để tóc dài để bắt tự kiểm hay đuổi về nhà.
Có những hình thức kỷ luật học sinh mà tôi chứng kiến và cho là phản cảm [5]: Vừa tra hỏi vừa bạt tay đánh học trò liên tục, xách 2 tai học trò kéo lên kéo xuống, bắt học trò đứng nắng buổi trưa [6], tự tiện xét cặp học sinh vi phạm (dù chỉ là vi phạm kỷ luật lớp), giam học sinh qua đêm mà không thông báo cho phụ huynh, tịch thu vợt bóng bàn của học sinh (do cấm học sinh chơi bóng bàn ở bàn bóng bàn bỏ không trong hành lang), xét cặp toàn trường vì có phong trào tịch thu các chuyện tranh “bị gọi là” đồi trụy in bán ngoài cổng trường (mặc dù chỉ là chuyện cổ tích, truyện ma, truyện cười... không có đồi trụy, phản động, dâm ô, bạo lực như báo chí buộc tội, trái lại khá hấp dẫn). Các băng nhạc, sách truyện bị phát hiện trong cặp của học sinh đều bị tịch thu sạch. [7] Đôi khi lớp ồn ào, chúng tôi bị thầy V. hiệu phó bắt mỗi người lấy ra tờ giấy, viết một bài tự kiểm kèm theo cam kết theo lời đọc “mớm cung” của thầy, và cuối cùng là ký tên rồi đem nộp trở lại.
Các môn học đa dạng hơn hồi cấp 1. Các bài học, nhứt là môn văn, giảng văn, đạo đức, toán thấy cũng bớt màu sắc tuyên truyền lố bịch, đúng ra là nghe xuôi tai hơn. Lâu lâu có những bài giảng văn về chuyện cổ tích, thần thoại dân gian nên không khí đa dạng, thú vị, ít buồn ngủ.
Việc ra đề thi ôn tập cuối học kỳ khiến tôi để ý rằng câu hỏi bài thi luôn nằm trong đó. Nhiều lúc học sinh hỏi thêm thầy cô “trọng tâm” nào cần nhấn mạnh. Coi như vậy là biết rõ gần hết đề thi để mà nhắm chừng câu nào mà học “tủ”.
Bên cạnh chuyện trâu đánh Mỹ, ong đánh Mỹ. Còn có bài hát “Con mèo kháng chiến” do cô Th., dạy Địa lý, hát cho lớp nghe có câu: “Ngày xưa, nhà em có con mèo... đánh Tây nát đầu…” Quả là con vật nào cũng biết chiến đấu, căm thù như… người vậy. Ngoại trừ.. “con bò Phú Yên” như đã kể.
Môn thể dục lần đầu tiên tôi biết cái trò chép và thi lý thuyết môn thể dục! Bài dài mấy trang, cũng phải ráng học thuộc. Lâu lâu mới ra sân tập chút chút cho biết. Cô Ng. dạy thể dục cũng vốn không ưa gì lớp tụi tôi. Nhiều anh bị cô nhéo lỗ tay, bắt hít đất... mà ghê nhứt là trò “nhéo nách” rồi kéo lên cao khiến nạn nhân phải nhón chân hết cỡ, vừa bị bắt hứa đủ thứ.. rồi mới được về chỗ ngồi [8]. Một lần học bài nhảy dây, những ai quên dây ở nhà đều bị phạt một lèo tất cả các hình phạt trong suốt tiết học không nghỉ: hít đất, chạy và, chống nạnh nhảy cóc vòng quanh sân... khiến nhiều người hôm sau rã rời.
Bài đạo đức đầu tiên mà tôi còn nhớ là “yêu Đội”. Tiếp theo là những bài “yêu anh bộ đội”, “yêu lao động”, “Nhớ ơn các thương binh liệt sĩ”…
Điều kiện học năm lớp 6 khá tệ hại khi trong lớp chỉ còn một bóng neon đặt ngay bảng là còn hoạt động. [9]
Bảng điện mất hết các cầu chì, phải đắp giấy bạc hay buộc dây đồng thay thế. Có phòng, bảng điện sút tắc-kê treo lủng lẳng. Mấy tháng mùa mưa, trời tối đen, học trong bóng tối là thường. Có anh lợi dụng trời nhá nhem, lấy ná bắn rớt cầu chì cho cúp điện hẳn để khỏi học.
Quạt trong lớp xuống cấp, khô dầu gần hết, khi chạy nghe tiếng rột rẹc như (tụi tôi nói là) máy xay bobo hay dịch vụ “chà gạo miễn phí, sạch thóc, sạch cám”. [10] Có lần quạt vừa chạy vừa hú khiến cả lớp kinh hoàng không ai dám ngồi bên dưới quạt. Dần dần quạt bị gỡ đem đi đâu hết sạch, quạt mới chẳng thấy thay thế.
Kế hoạch nhỏ bắt chúng tôi nộp giấy vụn là chính. Có anh ăn gian nhét gạch đá để tăng ký. Tới khi phát hiện lại không tìm ra thủ phạm. Coi như lờ cho qua.
Ngoài trực lớp, hàng tháng có đi lao động quét sân một buổi sáng. Tôi nghe mấy bạn trường khác kể lại có khi đi lao động bằng cách đi cạo vỏ trúc xuất khẩu, nhổ cỏ mộ liệt sĩ, gom sắt vụn, hủ chao, ve chai.. tùy theo trường.
Những ai còn chưa vô Đội đều bị bắt đi học đối tượng Đội, trong thiểu số đó có tôi. Học thắt khăn quàng lần đầu không quen, thắt gút gỡ không ra khiến thầy phải gỡ giúp. Không biết sao, việc kết nạp này lại để chìm xuồng ngay sau đó. Và tôi may mắn không là Đội viên đến hết năm lớp 9 và không bị dính tới các phong trào nghi thức “vớ vĩnh” kèm theo ở trường.
Trường lâu lâu tô chức bán vé chiếu phim nhưng ngày chiếu lại có lúc đổi phim khác (!) Coi phim do trường bán vé chỉ khá hơn ở ngoài là được mua vé trước và không cần phải xếp hàng rồng rắn chờ mua vé vô rạp. Số là trong những năm này, từ ngày có chỉ thị cấm bán vé chợ đen trong tất cả các lĩnh vực: xe đò, đá banh, ca nhạc, coi phim... nên có lịnh bắt ai coi phim hay cải lương đều phải xếp hàng vô mua vé (không được mua giùm rồi ra ngoài dắt người khác vô coi. Chưa kể là khi đã vô rạp thì phải chờ hết phim hay hết tuồng mới được ra về, không được về sớm với bất cứ lý do gì. Cứ tưởng tượng là nếu gặp cảnh khủng bố đặt bom, liệng lựu đạn mà mình ở trong rạp thì coi như khán giả “chết chùm” cả ổ (!). Dù sao lý do chính để “ngán” đi coi phim là vì cảnh mất giờ xếp hàng cả ngày để mua vé. Càng về sau, khoảng 1984 trở đi thì quy định này được “quên” đi từ từ… Cũng nhờ là phim video tràn lan làm thị trường phim rạp không sống nổi.
Tôi học đạt loại khá, tiên tiến. Hôm sơ kết học kỳ 1, cô T. chủ nhiệm đem phần thưởng đến tận tay tôi thì tôi mới hay mình được tiên tiến. Một năm học rất thuận lợi, nhàn hạ (do nghỉ tiết quá nhiều). Kỳ sinh hoạt hè tương đối thoải mái do không có chuyện bị kêu réo tập thể dục sáng và tập nghi thức đội.
Trên truyền hình, thời gian này có trình bày đề xuất “chữ cải cách” cho lớp 1 năm sau. Nét dùng chủ yếu là nét sổ, còn nét vòng, nét đá bỏ hết khiến chữ viết không liên tục được do không nối với nhau! Có lẽ đây là chương trình cải cách đầu tiên. Người ta gọi là kiểu viết “cò mổ”. Chúng tôi mừng không phải học kiểu chữ phản thực tế mà sau này được âm thầm bãi bỏ hồi nào không biết... [11]
Tôi bắt đầu đi học thêm Anh văn. Văn phạm dễ hơn bên Pháp văn nhiều nhưng tôi vẫn chưa thích nghi với kiểu “phát âm mà không cần biết đánh vần”. [12]
Duy nhứt kỳ hè này tôi thấy sinh hoạt hè đỡ hơn khi mà người ta tạo điều kiện cho chúng tôi tập chơi bóng bàn thay vì phải tập thể dục buổi sáng và họp hành, nghi thức, nhảy nhót lung tung [13] như các lần khác. Tuy nhiên chỉ là “phúc bất trùng lai”. Nói chung mùa hè này tạm yên ổn.
Lớp 7 (1981-1982)
Tôi học lớp 7P buổi chiều. Cô Y.Th. dạy Sử, Địa làm chủ nhiệm.
Môn thể dục với môn chạy bền mấy vòng sân làm tôi sợ nhất. Càng về trễ, càng bị trừ điểm. Tôi bị trừ riết không còn điểm để trừ nên thường được ăn 1 điểm “an ủi”. Khi về mức, lỏng hai đầu gối, mặt mày tái xanh như tàu lá, thở không ra hơi. Rêm mình mấy ngày. Khác với hồi lớp 6, học lý thuyết mệt óc. Lớp 7, do thầy A. dạy,  thì thực hành quá sức mình, mệt xác. Bài chạy bền mỗi năm đều có, đến khi vô đại học cũng chưa dứt. Tôi lúc nào cũng thua trắng điểm. Thầy A. vẫn luôn cảnh báo cho các học trò các biện pháp phòng ngất xỉu khi chạy bền, đặc biệt luôn nhắc lại sự việc xảy ra hồi mấy năm trước: khi chạy vòng quanh hồ Con Rùa, nhiều người bày đặt ngừng lại uống nước dừa, rồi chạy tiếp để rồi khi về tới đích, té xỉu hàng loạt phải đi cấp cứu trong phòng y tế.
Môn Toán gặp thầy H. cực kỳ khó. Học trả bài lạng quạng không thuộc là ăn bạt tay với cú “rờ ve” sở trường của thầy. Mấy anh lười ăn đòn đến nổi có một anh sanh bịnh nhát đòn (hình như là Th.C.D.Ph.), khi “tưởng tượng” thấy thầy giơ tay là anh tự động sàng qua né đòn, anh em ở dưới thấy vậy cười nghiêng ngã, thầy tưởng bị giỡn mặt, ra tay đánh anh này một trận ra hồn. Riêng tôi không thích thầy vì thầy ưa cho điểm “kẹo” quá: làm bài đàng hoàng tối đa 7 điểm; riêng một thiểu số thì được 8 điểm. Không hiểu có phải là nhờ học thêm với thầy như lời đồn ?
Vì đồn rằng phải học thêm ở nhà thầy nếu không muốn bị “đì”. Nhưng việc “đì” ở đây chưa lộ liễu như sau này. Nên số người học thêm không đáng kể.
Đến nỗi trong trường có bài vè về mấy thầy nổi tiếng đánh học trò: “Nhứt Đ. Nhì V. Tam H. Tứ C.”
Trong môn toán, tôi thấy cách giải phương trình khá máy móc. Chính vì vậy, nhiều anh em học thêm ở ngoài (học thầy nào thì không biết) mặc dù giải đúng vẫn bị “ăn đòn” oan mạng do giải không đúng quy trình.
Điển hình là phép “chuyển vế”.
Chẳng hạn như: X + 30 = 100
(chuyển vế) ta được: x =100-30=70.
Khá đơn giản nhưng không được! Mà phải làm dài dòng như sau mới được cho là đúng:
X + 30 = 100
X + 30 – 30 = 100 - 30 = 70
Chỉ vậy thôi mà sinh đủ rắc rối nhứt là khi gặp nhiều bài phức tạp hơn.
Nhớ một lần, có một anh vừa giải theo cách “chuyển vế” xong, thầy hỏi: “Sao vậy?” Đáp: “Dạ, do phải chuyển vế…” Tức thì “bốp, bốp” tiếng bạt tai “rờ-ve” tới tấp… “Chuyển vế hồi nào? Bậy!”… Oan mạng cho nhiều người! Phía dưới lớp thỉnh thoảng còn nghe tiếng cười ai đó sằng sặc…
Thầy Đ. dạy Lý, có thời gian ngắn dạy thay 1, 2 tiết cho lớp chúng tôi nhưng chưa thấy thầy đánh ai dù thầy có vẻ nghiêm, ít cười. Thầy Q. hiệu phó đảm nhiệm dạy môn Lý của chúng tôi trọn năm.
Thầy V. trưởng bộ môn Toán, thấy chỉ có một lần sang lớp tôi nghiêm mặt bắt tại trận anh B.K.Tr cầm chân ghế gãy đứng giộng giộng bục giáo viên vừa làm trò. Thầy bắt K.Tr lên văn phòng kiểm điểm. Cũng chưa thấy thầy đánh ai. Bề ngoài thầy rất “sát khí” với cặp kính đen thường trực trên mặt nên ai cũng sợ.
Chung quy thầy H. vẫn là dữ đòn nhứt.
Thầy C. dạy Văn thì có nghe kể lại là đã kéo lổ tai một anh rách chảy máu. Nghe nói thầy dạy môn văn rất hay hơn cả cô T.Ch, trưởng bộ môn Văn...
Lớp chúng tôi bị một lần kỷ luật trong một ngày gần Noel. Do ồn ào, cô dạy Họa lên méc cô hiệu phó Ch. (cũng tên Ch.).  Cô này ra lịnh tất cả xếp hàng đứng ngoài hành lang trong khi tất cả học sinh đều đã ra về hết, coi như nhốt cả lớp không cho về tới tối. Bên trong anh em lầm bầm nguyền rủa. Bên ngoài phụ huynh bực tức phản đối mà không biết chuyện gì xảy ra bên trong. Mãi hồi lâu sau mới được về.
Khi cơ sở vật chất xuống cấp quá nặng, nhà trường có kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền hay vật chất để hổ trợ tái trang bị theo khả năng từng lớp. Tùy lớp giàu nghèo khác nhau mà trang bị mỗi khác. Kết quả lớp giàu lại quá thừa đèn sáng quắc với đèn neon lẫn đèn tròn. nhứt là các lớp học Nga văn. Đèn lớp chúng tôi chỉ vừa đủ do... tiền đóng góp khiêm tốn. [14]
Môn học hướng nghiệp với chương trình: nam học nghề mộc, nữ thì học môn gia chánh (nhưng lại được gọi là môn “dinh dưỡng”). Nhưng toàn là học lý thuyết suông. Chỉ thấy cô vẽ hình minh họa dụng cụ hay lâu lâu đem vô ít dụng cụ để giảng. Chúng tôi phải đi học vào một buổi sáng trong tuần.
Các phong trào bắt mua báo Đội để lấy điểm thi đua khá gay gắt, có tính ép buộc cũng như cái trò mời học sinh mua viết bi (núp bóng phong trào để trường kinh doanh thêm?). [15] Rồi sau này, dần dần nhiều trường còn công khai cho thuê mặt bằng để kiếm thêm tiền. [16]
Môn Pháp văn ban đầu thầy Ch. dạy, thầy hạn chế nói tiếng Việt tối đa trong lớp. Anh em theo chưa quen nên nhiều người nản học. Sau này mới biết cách dạy của thầy là rất thực tế. Nhưng ít lâu thì cô K.A thay thế thầy.
Lần đầu tiên chúng tôi được cô chủ nhiệm hỏi thăm dò phê bình các giáo viên khác. Anh Th.C.D.Ph. giơ tay nói luôn: cô K.A Pháp văn vô lớp chỉ lo đếm tiền. Kết quả là giờ học tuần sau, cô K.A tức giận hỏi: “Này! Tao hỏi, thằng nào nói tao vô lớp đếm tiền đâu?” Không ai dám trả lời vì... rét.  [17]
Tôi chơi với X.K từ lớp 6, và luôn ngồi cạnh nhau. Sở thích đọc sách giúp cả hai thân thiết và trau đổi sách với nhau. X.K. thiên về sách văn chương, sách dịch. Tôi bắt đầu thích thêm: chuyện ma. Bấy giờ chuyện ma còn bị cấm đoán, tôi vẫn đọc được ít quyển đặc sắc: Ai hát giữa rừng khuya (Tchya Đái Đức Tuấn), Chuyện tích đồng quê (Lâm thế Nhân) và đặc biệt là mục “Chuyện huyền bí” trong tạp chí Khoa học huyền bí. Đọc xong rồi kể cho bạn bè nghe. Dù lạnh lưng vì… sợ!
Văn của tôi đọc và văn của tôi làm bài chưa có “ăn nhập gì nhau”. Khi làm bài, văn của X.K lại thích hợp hơn và điểm trội hơn hẳn văn tôi.
Phần giảng văn học lớp 7 không để lại nhiều ấn tượng cho tôi ngoài bài “Viếng bạn” (Hoàng Lộc). Do sách giáo khoa chưa phát kịp nên cô Ng. phải đọc cho anh em chép trước khi bình giảng:
Hôm qua còn theo anh
Đi ra đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
Đắp cho người dưới mộ
Đứa nào bắn anh đó
Súng nào nhằm trúng anh?
Khôn thiêng xin chỉ mặt
Gọi tên nó ra anh!
Tên nó là đế quốc
Tên nó là thực dân
Nó là thằng thổ phỉ
Hay là đứa Việt gian?
Khóc anh không nước mắt
Mà lòng đau như thắt
Gọi anh chửa thành lời
Mà hàm răng dính chặt.
Ở đây không gỗ ván
Vùi anh trong tấm chăn.
Của đồng bào Cửa Ngăn
Tặng tôi ngày phân tán.
Mai mốt bên cửa rừng
Anh có nghe súng nổ
Là chúng tôi đang cố
Tiêu diệt kẻ thù chung.
Bài “Anh Hoàng Văn Thụ khi ra pháp trường”. Cũng là một bài về chủ đề anh hùng. Tôi cho rằng viết tình tiết không hấp dẫn bằng anh Trổi trong “Sống Như Anh”.
Một thể loại văn tự phát xuất hiện: thơ tình.
Viết thơ bỏ hộc bàn hay nơi quy ước để “đối tác” đến lấy thường xảy ra. Chuyện không lộ liễu, sỗ sàng như ngày nay. Xui xẻo một lần, lá thơ tình của hai anh chị trong lớp bị phát hiện, thằng bạn “can” lại bằng giấy than ra hàng chục bản dán đầy tường trong lớp ngày hôm sau. Anh em được phen cười đã đời! Thầy cô thỉnh thoảng có răn đe anh em “khoan yêu, học tập trước đã”. Nhìn chung, yêu còn ít nhưng phá nhau là nhiều. Chưa thấy tình trạng “giải quyết hậu quả” nào xảy ra.
Tôi thường bị bực bội trong lúc thi học kỳ, do lúc thi bị dời chỗ gần mấy tay “làm biếng”. Nhiều thằng đã không thèm học bài, khi mình đưa bài cho chép, đã không chịu chép xong cho rồi mà tới lúc đó còn thắc mắc hỏi tại sao phải làm thế này thế nọ. khiến giám thị chú ý vì làm “động ổ” cả đám. Có thằng khác, đã vậy còn cận thị, mỗi lần coi bàn là gí mắt sát bài của mình còn đọc chưa nên thân. Mình ở trong cuộc nhiều khi phát rét!
Khoảng vừa sau tết, phong trào chơi cục xoay Rubik rộ lên khắp nơi. Trong lớp nhiều anh chị mang trong cặp một cục. mằn mò nghiên cứu xoay chơi. Dần dần mấy thầy cô cũng khó chịu vì “mấy cục” đó làm nhiều người xao lãng trong giờ giảng.
Còn trong giờ chơi hay trước và sau giờ học, trò chơi đánh đáo ăn tiền trở nên rầm rộ. Mặc dù bấy giờ, trước cổng trường cũng như khắp thành phố, tệ nạn ăn cắp nắp cống tạo các lỗ sâu hoắm nguy hiểm cho nơi đông người, kể cả trường học. không hiếm tình trạng tiền xu rớt xuống cống rồi phải đành chịu mất oan uổng.
Tôi lâu lâu cũng nghịch tý cho biết. Số là một hôm đi học, thằng bạn rủ chui rào vô sớm vì phát hiện một chỗ hàng rào có khe song sắt làm rộng hơn mấy chỗ khác. Tôi thử chui một lần cho biết. Tôi chui lọt dễ dàng vì... bụng ốm. Ít lâu sau, ai cũng biết nên học trò chui rào cúp cua khá đông. Buổi chiều nọ mấy anh chui rào trốn học về bị phát hiện, một anh quýnh quáng kẹt bụng chui hoài không ra, đến khi thầy giám thị tới gần thì anh cũng vừa chui lọt được ra ngoài để rồi hôm sau phải viết kiểm điểm. Mấy ngày sau, hàng rào chỗ đó được quấn kẽm gai mấy vòng cho yên chuyện.
Tôi được học sinh tiên tiến cả năm, dù kết quả thua năm ngoái.
Cuối năm cô K.A dạy Pháp văn có nhờ tôi và X.K. lên trường cộng điểm vô sổ sách giúp cô. Chúng tôi được cô trả công hậu hĩnh bằng những buổi ăn sáng. Bấy giờ được ai mời ăn là thấy sung sướng lắm.  [18].
Lần đầu tôi biết thưởng thức thú nghe nhạc sau nhiều năm chỉ ròng đọc sách. Nghe băng nhạc BoneyM lần đó ở nhà thằng bạn thấy hay làm sao! Sau nhiều năm gần như quên hẳn nhạc “giựt gân, kích động” [19].
Trong mùa nghỉ hè này, cái trò sinh hoạt hè, tập thể dục sáng tiếp tục quấy rối tôi riết. Càng nguyền rủa nó, tôi càng bị nó đeo đẳng. Chưa kể nếu bữa nào minh không đi cũng không thể ngủ yên do bên phường đội tập thể dục quốc phòng buổi sáng với tiếng hét “Giết! Giết!” in ỏi tại động tác kết thúc bài tập thể dục. Mãi khi hết lớp 9 tôi lấy lý do luyện thi lớp 10 để không dính tới.
Tôi phải đi học thêm môn toán cho chắc ăn khi thấy kết quả toán học kỳ 2 không khả quan. Chỉ học thêm hai buổi trong tuần. Chưa học môn gì khác thêm. Môn Pháp văn được ông ngoại dạy tôi mỗi ngày ở nhà. 
Lớp 8 (1982-1983)
Tôi vô lớp 8P2, cô P.L dạy Hóa làm chủ nhiệm, học buổi sáng sau 7 năm toàn học buổi chiều.
Tôi bắt đầu được đi học bằng xe đạp một mình. Lúc này mới thấu hiểu nổi khổ “hàng dỏm hợp tác xã” bảo đảm “sáu tháng” (sáng tháo) khi chiếc xe đạp bị , xì vòi, xì lổ mọt, trật “con chó”, tuột gôm thắng, banh ta-lông… mà nhiều người đi xe đạp từng than vãn.
Coi như tệ nạn hàng dỏm tràn lan.
Cuối năm 82, Brejnev của Liên Xô chết, có hay thông báo cho cả nước ngưng vui chơi giải trí trong mấy ngày để chia buồn trước sự ra đi của “người bạn lớn của nhân dân Việt Nam” (tương tự sau này khi Andropov và Chernenko chết, cũng có chỉ thị “cấm ăn chơi” mấy ngày)
Đặc biệt tôi nhớ là tết năm nay tự nhiên bị đổi ngày cho “khác ngày với Tàu” khiến nhiều người suy diễn nhiều lý do khác nhau. Người thì nói là do đường đi mặt trăng thế nào đó vân vân... Người cho rằng vì đang “nghịch” với Bắc Kinh nên mới có chuyện như vậy. Chẳng hiểu thế nào…
Nhớ mắc cười là báo đăng một ông lãnh đạo nào đó tự hào rằng năm nay chúng ta ăn tết “bung”: ăn tết lớn hơn mọi năm vì kinh tế có bề ngoài khá hơn.
Lớp tôi có thêm gần 10 anh lưu ban nên có điều kiện quậy dữ hơn trước. Chừng hơn một tháng sau khai giảng, nhà trường chia lớp tôi làm 2, một nữa qua 8P1 (đổi tên thành 8P), một nữa qua 8N2 (sau đổi thành lớp 8NP). Tôi sang 8NP, cô S. dạy văn làm chủ nhiệm với phân nữa lớp học Nga Văn. Khi đến giờ ngoại ngữ thì chúng tôi sang phòng khác học Pháp Văn.
X.K. phải chia tay tôi để sang lớp 8P.  Tôi ngồi bên cạnh và chơi thân với D.Q.K. và H. “Sạc-lô” (vì H. đi xe đạp về chung đường với tôi mỗi ngày). Cả hai, lúc nghỉ tiết, ưa rủ tôi và vài người khác ra sân cát (tập nhảy xa) để dạy Nhu Đạo cho biết.
Ban đầu có sự phân biệt giữa nhóm “dân đen” lớp Pháp văn và “nhóm con cán bộ” bên lớp Nga văn. Nhưng sau đó, khi đã hòa đồng nhau thì tất cả đều quậy như nhau. Khi kết hợp với 8P trong giờ chơi, hai lớp trở thành “bầy quỷ dữ”.
Bức tường ngăn hai lớp chúng tôi có thủng một lỗ chừng ba ngón tay, bên này đưa miệng vô lỗ la hét qua bên kia trong giờ học. Một giờ chơi, cả hai bên hè nhau dùng chân ghế gãy đục một lổ khổng lồ gần đủ cho đầu người chui lọt rồi một bên đốt giấy châm lửa liệng qua bên kia trong giờ học.
Bãi xe đạp sát lớp học cũng không yên vì trong giờ chơi, do nhiều anh lớp tôi quậy hết cỡ bằng cách lấy xe nào không khóa để đạp càn lướt lên các xe khác để gần lớp. Nhiều xe bị tháo mất phụ tùng, khiến nhà trường phải cảnh cáo các lớp học sát nhà xe.
Ngoài ra, còn có chuyện để học trò không “cúp” sớm trong những buổi lể của nhà trường, giờ lấy xe ra cũng quy định ngặt nghèo hơn các ngày thường. Có một lần đầu năm, trong trường không tìm ra hộp thẻ xe để giữa xe, buộc lòng cho xe học sinh vào bãi mà không có thẻ. Đến lúc ra về, một thầy giám thị đứng ngay cổng, kiểm tra khóa xe của từng xe xem mỗi người có lấy đúng xe mình hay không. Ai không mang khóa xe thì có nước ngồi chờ ra về hết, không ai khiếu nại thì mới được đi về (!).
Vài năm sau, nghe nhiều bạn bè trường khác kể lại là (hình như) tại trường NTMK, khi tan trường buổi trưa, đúng 12h thì học sinh mới ra xe về. Chúng tôi liên tưởng trường này không dùng thẻ xe, đến lúc học sinh lấy xe, khi nào không có ai la làng là mất xe thì mới mở cửa cho xe ra.
Bàn ghế lâu ngày bị sút đinh khá nhiều, Tr.Ng.H. gỡ ra lấy tấm ván ghế làm xích đu. Xui xẻo vì còn cây đinh dính sót trên ghế móc rách hết một bên ống quần, xém lòi “của quý” khiến H. phải “cúp” về sớm.
Nhà trường cấm ăn hàng rong vẫn không ngăn chúng tôi lén ra hàng rào mua me, kem, ổi vô lớp ăn vụng thay vì đi ra căng-tin của trường mua theo quy định.
Chuyện đọc sách lén trong giờ học bắt đầu rộ lên dần. Chúng tôi lúc đó chuyền tay nhau đọc quyển sách vụ án đầu tiên được xuất bản mà bấy giờ được xem là một trong những cuốn ly kỳ hấp dẫn “Vụ án cướp tổng kho dược phẩm” [20].
Có anh bắt chước chị Quyên trong phim Nguyễn Văn Trỗi (do Hà Nội vừa sản xuất) lấy tay đập vô cửa ầm ầm vừa gào thét thất thanh “y như phim” để chọc giám thị và làm anh em lớp lân cận đang học cười chơi [21].
Rồi có một lần, không hiểu nguyên nhân thế nào mà gần như cả khối lớp 9 bày đặt không hát chào cờ. Đứa thì hát lè nhè hay không thèm hát. Bà Nh. hiệu trưởng bắt phạt cả lớp đứng ngoài nắng không cho vô học. Cuối cùng cũng huề cả làng bằng cách bà bắt cả lớp ấy viết kiểm điểm sau khi hù dọa vu vơ là chống đối, vô kỷ luật, ngoan cố... một trận cho hả giận [22].
Trò “xỏ lá tập thể” sang năm sau gây nhiều rắc rối cho ông hiệu trưởng mới. Từ từ sẽ kể... đừng ai sốt ruột.
Chuyện copy bài nhau càng trở nên phổ biến. Đầu tiên là môn ngoại ngữ do chương trình đi quá nhanh dễ gây mất căn bản. Kế tiếp sau này là môn văn, khi mà đi vào học thể loại văn nghị luận.
Đúng vậy, từ cách làm văn miêu tả thông thường chuyển sang văn nghị luận là điều không dễ. Mình không thể diễn tả hay thể hiện quan điểm theo ý riêng mình mà theo ý “chỉ đạo” của chương trình. Thường chủ yếu các đề bài đều có chủ ý bắt mình phải khen hay, đúng đắn, sáng suốt... là chính.
May cho tôi, thằng bạn hàng xóm có cô em họ (lớn hơn tôi hai tuổi) ở nhờ mấy tháng. Chị này là học sinh giỏi văn. Tôi có nhờ giúp làm một bài mẫu. Cũng từ đó, tôi cứ bám theo “prototype” để làm các bài văn sau này... Chị khuyên văn chứng minh là dễ nhứt và nên cho dẫn chứng càng nhiều càng tốt. Sau này có người bạn khuyên thêm là ráng chen thơ vào càng hay (trích từ sách đã đọc, thơ dịch từ tiếng nước ngoài cũng được). Rồi từ đó cứ theo mẫu rồi mắm muối chế biến ra dần… tùy theo “tình hình mới, nhiệm vụ mới” mà xoay trở.
Mẹo học văn trước mắt là viết cho nhiều thêm chữ (thì dụ: phong phú thì thành đa dạng phong phú nhiều mặt), viết chữ lớn và chừa lề sửa cho rộng (có thể phân nữa trang giấy) để làm sao cho bài có vẻ dài ra. Nếu gặp bài nghị luận về lời nói của “phe ta” thì cứ khen “à toute possibilité” (hết mình); Mọi cái gì của “kẻ thù” thì cứ chê, càng cường điệu sặc mùi căm thù, đấu tranh  thì cảng khó rớt. Sau này tôi học thêm nhiều “mánh” khác. Ấy là chuyện về sau..
Nếu cấp 1 có những bài tập đọc thì cấp 2, 3 không thiếu những bài giảng văn ấn tượng từ các tác phẩm:
– “Người mẹ cầm súng”: chị Út Tịch cùng “đồng chí” chồng cùng nhau “chia lửa” đánh giặc [23].
– “Một chuyện chép ở bệnh viện”: chuyện chị Tư Hậu. (có phim chiếu rạp ở ngoài)
– “Sống như Anh” viết về Nguyễn Văn Trỗi. (có phim như đã nói)
– “Vùng mỏ” (không nhớ rõ tác giả, hình như là Huy Thông)
– “Chú Lũy liên lạc” (trích từ “Xung kích” - Nguyễn Đình Thi)
– Thơ Tố Hữu, Giang Nam,... còn nhớ mấy câu trong “Giữ lấy màu xanh” mà cô đọc để làm dẫn chứng cho bài văn nói về tội ác chất độc màu da cam:
… Chúng nó giết người, giết cả màu xanh,
Từ búp măng non, từ mầm sống nhỏ.
Lúa Phước Tân gục đầu không dậy nữa
Cao su Long Thành run rẩy cánh tay xương… (Giang Nam)
Chúng tôi có học thêm văn thơ cổ: Chuyện Kiều, Lục Vân Tiên, thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương...
Môn toán, do học thêm lúc hè, nên học nhẹ nhàng hơn. Áp lực chương trình gần như không có.
Trước khi chia lớp, thầy H. (khác với thầy H. dạy lớp 7) dạy toán chúng tôi. Vào lớp thầy có thói quen lịch sự nghiêng mình cúi chào như võ sĩ Nhật trước khi giao đấu. Khi chuyển sang lớp 8NP, thầy Tr. dạy toán rất lôi cuốn. Thầy vẫn tiếp tục dạy Đại số lớp chúng tôi đến hết năm lớp 9.
Môn Vật lý, thầy Th. phụ trách. Giờ học khá vui vì thầy vừa giảng bài với phong cách chọc anh em cười chơi, với những câu nói hai nghĩa, ai hiểu sao thì hiểu! Thầy cũng dạy tụi tôi đến hết lớp 9 [24].
Môn Pháp văn cô K.A tiếp tục dạy chúng tôi. Tình hình anh em mất căn bản trong lớp trở nên cao dần. Do chương trình sách giáo khoa không hợp lý, đi quá nhanh gay ra mất căn bản. Từ đó điểm xấu trong lớp tăng dần khiến nhiều anh em nản chí. Chỉ có học thêm mới hy vọng theo kịp nhưng cô K.A không ưa dạy thêm (cô có công việc làm thêm ở ngoài như đã nói) mà giáo viên lúc đó cũng chưa nghĩ tới vì học sinh đa số còn nghèo [25].
Thầy S. dạy môn Địa lý có đặc điểm là không bao giờ mang sách vở gì đến lớp. Thầy liếc sơ sách giáo khoa tại chỗ rồi giảng theo cảm hứng. Học theo thầy như đi chơi, gần như chẳng cần học bài nhiều, không ai rớt.
Môn hướng nghiệp được đem vô lớp dạy trong giờ học bình thường thay vì học ngoài giờ như năm trước.  Khổ nổi lần này bắt nam nữ đều học nghề mộc. (lần này tréo cẳng ngỗng cho nữ trong khi hồi cấp 1 thì nam lại phải học nữ công!) Khá hơn năm trước là có đem cưa bào vô lớp rồi tới khi kiểm tra gọi lên tháo ráp bào để tính điểm. Chúng tôi hay cười khi thấy mấy bạn nữ lên bảng lọng cọng tháo ráp bào.
Bạn bè thỉnh thoảng nghỉ học bất tử mấy người. Ai nghỉ lâu mà điểm danh không thấy là bị xóa tên khỏi danh sách lớp. Đa số là do... vượt biên mà bỏ học [26]. Trường hợp ai đã có xuất cảnh đi nước ngoài theo diện chính thức, nếu trường biết được thì đương nhiên bị cho nghỉ học ngay. Mấy vụ này bạn bè giấu kỹ lẫn nhau, khi biết được thì sự đã rồi.
Cuối năm tôi được tiên tiến. Coi như ba năm liền tiên tiến. Cuối học kỳ 1 còn được trường tặng ít tiền học bổng.
Nguyên nhân khá hy hữu: trường cho rằng tôi là học sinh nghèo học giỏi vì bề ngoài ăn mặc bê bối và hơi... ở dơ. Không ngờ tôi vô tình đóng kịch con nhà nghèo khá đạt. (nếu đóng phim “nghèo” thì có lẽ đã nổi tiếng và ra trường sớm!). Trong khi đó em tôi ăn mặc tươm tất hơn, học chung trường mà không ai xem nó nghèo, mặc dù anh em với nhau thế nào thì ở trường ai cũng biết.
Cuối năm lại lãnh thêm một mùa hè chết tiệt đáng nguyền rủa với sinh hoạt hè và bị réo kéo đi tập thể dục sáng sớm.
Năm này lại thấy thêm trò sinh hoạt hè kiểu mới được ai đó rặn bụng chế ra: Tôi thấy đám con nít ở nhóm khác ngồi thành vòng tròn vổ tay, một đứa nói một câu gì đó rồi tùy theo câu nói đó mà mấy đứa còn lại vổ tay hỏi ”thấy cái gì, gì gì?” hay “biết cái gì, gì, gì?”… Chúng vừa vỗ tay vừa tụng ra rả như két suốt buổi như vậy. Riết thấy gì lũ chúng nó làm cũng thấy… GHÉT!!!!!.
Lớp 9 (1983-1984)
Nhóm học Pháp văn lớp 8NP của tôi nhập với lớp 8P thành lớp 9/5, học buổi sáng. Cô P.L dạy Hóa làm chủ nhiệm.
Các nhóm quậy lại nhập với nhau. Có thêm vài anh lưu ban lớn tuổi, hơn nữa, mấy anh giỏi văn, toán chuyển sang lớp 9/6 chuyên văn-toán làm lớp tôi hết sạch nhân tài. Cũng nhờ vậy mà tôi, H.T. và Th.Q. trở nên nổi trội trong lớp.
Lớp tôi ở trên lầu, lại ở đầu hành lang. Nên các lớp 9 khác đi qua đều bị tụi tôi phá phách, bất kể là ai. Nhóm “xóm nhà lá” như: Ng.Nh.S, Ng.V.S, Tr.Ng.H, Ng.H.T, D.Q.K, Ng.H.L, Ng.H,... Nhóm “nữ quái” Th.Q, “bà Tư Hù” B.V, Th.K, Th.Tr... nổi tiếng sang cả trường khác, ăn hàng, quậy phá, đánh lộn, cúp cua... chẳng ai chịu thua ai [27].
Lâu lâu có thêm trò lập sòng đánh bài ăn tiền trong lớp. Có anh (hình như là Nh.S.) tìm đâu một cuốn báo khỏa thân Playboy đem vô cho anh chị em cùng xem và bình luận với nhau. Cán bộ lớp như tôi cũng ngó sơ… cả cuốn cho biết. Trước mắt không coi... uổng phí của giời! Chưa kể nếu miệng nói không thèm coi , thì còn thêm mang tiếng đạo đức giả. Có anh bày đặt liếc liếc mà nói “ghê” không dám nhìn thẳng vì sợ xui bị bắt kiểm điểm.
Bên ngoài, lâu nghe tin học trò đánh lộn nhau giữa các trường. Nguyên nhân không ngoài việc... cua gái, giành gái là chính. Còn xích mích cá nhân với nhau cũng không phải là không có với cảnh lớp này kéo đi đánh lớp kia. Tuy nhiên chưa thấy vụ nào nổi trội
Riêng nhóm chúng tôi thường bày trận đánh lộn lẫn nhau trong giờ chơi. Có anh có võ còn dạy lại anh em khác để trau đổi ít nhiều. Đa số chỉ nhau Thái Cực Đạo và một ít Nhu Đạo. Tôi cũng được học vài thế hữu ích từ trò chơi “đánh lộn” này.
Tôi chơi “không kén” nhóm. Từ nhóm cán bộ lớp tới phe “nhà lá”, tôi chơi tuốt theo kiểu “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Có lẽ vậy nên sau này ra trường may mắn được anh em không ghét vì “chảnh”. nhờ vậy nên giữ liên lạc được với nhiều người.
Tôi được bầu làm lớp phó học tập. Nhưng vì phá phách một cách “khoa học” hơn nên ít bị phát hiện và không đến nỗi bị phê bình.
Vì là năm cuối cấp sẽ phải thi môn Văn, Toán cùng với hai môn mà Sở giáo dục không biết lý do gì mà luôn “bí mật” chưa công bố. Nên bắt buộc học nghiêm chỉnh Văn và Toán trước tiên.
Môn văn lúc gần thi vô lớp 10 tôi mới đi học thêm cho yên bụng. Dù sao tôi tự tin khả năng viết văn của tôi đủ để tồn tại qua truông “bĩ cực”.
Bên cạnh thầy Tr. dạy Đại số, thầy V. trưởng bộ môn phụ trách môn hình học cho lớp. Sự nghiêm khắc nổi tiếng của hai thầy khiến thiên hạ đồn thầy nằm trong hội đồng kỷ luật của trường. Nhứt là thầy V. chuyên làm giám thị hành lang trong ngày thi toán.
Tôi cảm thấy môn toán là bắt đầu có những cái khó thật sự. Không dễ như năm ngoái. Làm bài được 7 điểm khá chật vật. Nên học kỳ 2 tôi đi học thêm toán để cho chắc. Cũng nhờ công hướng dẫn của thầy V. mà tôi thi cử dễ dàng với điểm cao với kỳ thi vô lớp 10 sau này [28].
Nhà trường cho học sinh làm quen không khí thi cử trong các lần kiểm tra toán 1 tiết bằng cách chia phòng, lập phiếu báo danh. Sự có mặt của thầy V. khiến không ai dám quay qua lại chép bài với nhau. Nhờ vậy chúng tôi không bở ngỡ khi đi thi sau này.
Các môn còn lại, Sử, Địa, tôi chỉ đậu 6,7 không khá hơn. Chỉ lạ là môn sinh vật tôi học xuất sắc với điểm trung bình 9,8 cả năm.
Môn Hóa tôi học vừa đủ khá. Nhớ lần thực hành thí nghiệm ở bên trường Tân Định. Bài thí nghiệm với acetylene bỏ trong nước tạo khí cháy. L.M.H ngồi cạnh tôi chưa kịp nghe hướng dẫn, đã đong nước đầy ống nghiệm rồi bỏ liên tiếp mấy cục acetylene vô làm nước sủi bọt tràn ra lênh láng và mùi khí đá bay nồng nặc cả phòng khiến tổ tôi bị cấm tiếp tục thực hành.
Cô S. dạy Văn, không truyền cảm lắm. Nhưng tôi không quan tâm vì ấn tượng lâu nay là văn thì ai giảng cũng vậy vậy chưa chắc hấp dẫn mình được. Tôi tự tin có bí quyết làm văn của mình. Cái chính tập làm sao viết nhanh để viết.. dài tạo tâm lý chịu khó đào sâu suy nghĩ dù thực chất… rỗng tuếch ý tưởng.
Các chủ đề anh hùng vẫn luôn còn đó, điển hình là bài “bà má Hậu Giang” (Tố Hữu):
Trời Hậu Giang, tù và dậy rúc
Phèng la kêu, trống giục vang đồng,
Đường quê đỏ rực cờ hồng
Giáo lê sáng đất, tầm vông nhọn trời.
Quyết một trận, quét đời nô lệ
Quăng máu xương, phá bẻ xiềng gông!
Hỡi ôi! Việc chửa thành công
Hôm nay máu chảy đỏ đồng Hậu Giang
Giặc lùng, giặc đốt xóm làng,
Xác xơ cây cỏ, tan hoang cửa nhà
Một vùng trắng bãi tha ma
Lặng im, không một tiếng gà gáy trưa.
Có ai biết, ai ngờ trong đó
Còn chơ vơ một ổ lều con,
Đạn bom qua, hãy sống còn
Núp sau lưng rộng một hòn đá to.
Có ai biết trong tro còn lửa
Một má già lần lửa không đi.
Ở đây sóng gió bất kỳ
Má ơi, má ở làm chi một mình?
Rừng một dải U Minh tối sớm
Má lom khom đi lượm củi khô
Ngày đêm củi chất bên lò
Ai hay má cất củi khô làm gì?
Hay má lẫn quên vì tuổi tác
Hay má liều một thác cho yên?
Bỗng đâu một buổi mai lên
Trên đường quê ấy qua miền nghĩa quân
Một tán quỷ rần rần rộ rộ
Mắt mèo hoang, mũi chó, râu dê,
Súng trường nhọn hoắt lưỡi lê,
Khét nồng khí chết, tanh dề máu oan!
Chúng rảo bước. Lính quan nện gót
Mắt nhìn quanh lục mót dạng người
Đồng không, lạnh vắng, im hơi
Chỉ đôi bóng quạ ngang trời loáng qua .
Ách là! Thằng quan ba dừng bước
Rút ống dòm, và ngước mắt nheo
Xa xa, sau lớp nhà xiêu
Một tia khói nhỏ ngoằn nghèo bay lên…
Hắn khoái trá cười điên sằng sặc
Nhe hàm răng sáng quắc như gươm,
Vẫy tay lũ tớ gườm gườm
Như bầy chó đói chực chồm miếng ăn.
Rồi lặng lặng bước chân hùm sói
Tiến dần lên tia khói, vây quanh…
Má già trong túp lều tranh
Ngồi bên bếp lửa, đun cành củi khô
Một mình má, một nồi to
Cơm vừa chín tới, vùi tro, má cười…
Chết! Có tiếng gì rơi sột soạt?
Má già run, trán toát mồ hôi
Chạy đâu? Thôi chết, chết rồi!
Gót giày đâu đã đạp rơi liếp mành.
Một thằng cướp, mắt xanh mũi lõ
Đốc gươm dài tuốt vỏ cầm tay
(Chi tiết này sai vì Pháp không bao giờ mang gươm như lính Nhựt bổn!)
Rung rinh bậc cửa tre gầy
Nghênh ngang một ống chân đầy lối đi!
Hắn rướn cổ, giương mi, trơn mắt
Như hổ mang chợt bắt được mồi
Trừng trừng trông ngược trông xuôi
Trông vào bếp lửa: Một nồi cơm to.
Hắn rống hét: “Con bò cái chết!
Một mình mày ăn hết này sao?
Đừng hòng che được mắt tao
Khai mau, du kích ra vào nơi đâu?
Khai mau, tao chém mất đầu!”
Má già lẩy bẩy như tàu chuối khô
Má ngã xuống bên lò bếp đỏ
Thằng giặc kia đứng ngõ trừng trừng
Má già nhắm mắt, rưng rưng
“Các con ơi! ở trong rừng U Minh
Má có chết, một mình má chết
Cho các con trừ hết quân Tây!”
Thằng kia bỗng giậm gót giày
Đạp lên đầu má: “Mẹ mày, nói không?”
Lưỡi gươm lạnh toát kề hông
“Các con ơi! Má quyết không khai nào!”
Sức đâu như ngọn sóng trào
Má già đứng dậy, ngó vào thằng Tây
Má hét lớn: “Tụi bay đồ chó!
Cướp nước tao, cắt cổ dân tao!
Tao già không sức cầm dao
Giết bay, có các con tao trăm vùng!
Con tao, gan dạ anh hùng
Như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm!
Thân tao chết, dạ chẳng sờn!”
Thương ôi! Lời má lưỡi gươm cắt rồi!
Một dòng máu đỏ lên trời
Má ơi, con đã nghe lời má kêu!
Nước non muôn quý ngàn yêu
Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang…
Cuối năm còn học thêm bài thơ viết về chị Trần Thị Lý để làm dẫn chứng luyện thi:
Em là ai? Cô gái hay nàng tiên?
Em có tuổi hay là không có tuổi,
Tóc em đây là mây hay là suối?
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm đông
Thịt da em là sắt hay là đồng?… (quên một đoạn)
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung,
Không giết được em, người con gái anh hùng…
Cùng với bài “Ê mi ly, con”:
Ê mi ly, con đi cùng cha
Sau khôn lớn con thuộc đường, khỏi lạc…
– Đi đâu cha?
– Ra bờ sông Pô tô mác
– Xem gì cha?
Không con ơi, chỉ có Lầu ngũ giác.
Ôi con tôi, đôi mắt tròn xoe
Ôi con tôi, mái tóc vàng hoe
Đừng có hỏi cha nhiều con nhé!
Cha bế con đi, tối con về với mẹ…
Oa sinh tơn
Buổi hoàng hôn
Ôi những linh hồn
Còn, mất
Hãy cháy lên, cháy lên Sự thật!
Giôn xơn!
Tội ác bay chồng chất
Cả nhân loại căm hờn
Con quỷ vàng trên mặt đất.
Mày không thể mượn nước son
Của Thiên Chúa, và màu vàng của Phật!
Mác Na ma ra
Mày trốn đâu? Giữa bãi tha ma
Của tòa nhà năm góc
Mỗi góc, một châu.
Mày vẫn chui đầu
Trong lửa nóng
Như đà điểu rúc đầu trong cát bỏng.
Hãy nhìn đây!
Nhìn ta phút này!
Ôi không chỉ là ta với con gái nhỏ trong tay
Ta là Hôm nay
Và con ta, Ê mi ly ơi, con là mãi mãi!
Ta đứng dậy,
Với trái tim vĩ đại
Của trăm triệu con người
Nước Mỹ.
Để đốt sáng đến chân trời
Một ngọn đèn
Công lý.
Hỡi tất cả chúng bay, một bầy ma quỷ
Nhân danh ai?
Bay mang những B 52
Những na pan, hơi độc
Từ tòa Bạch Ốc
Từ đảo Guy am
Đến Việt Nam
Để ám sát hòa bình và tự do dân tộc
Để đốt những nhà thương, trường học
Giết những con người chỉ biết yêu thương
Giết những trẻ em chỉ biết đi trường
Giết những đồng xanh bốn mùa hoa lá
Và giết cả những dòng sông của thơ ca nhạc họa!
Nhân danh ai?
Bay chôn tuổi thanh xuân của chúng ta trong những quan tài
Ôi những người con trai khỏe đẹp
Có thể biến thiên nhiên thành điện, thép
Cho con người hạnh phúc hôm nay!
Nhân danh ai?
Bay đưa ta đến những rừng dày
Những hố chông, những đồng lầy kháng chiến
Những làng phố đã trở nên pháo đai ẩn hiện
Những ngày đêm đất chuyển trời rung…
Ôi Việt Nam, xứ sở lạ lùng
Đến em thơ cũng hóa thành những anh hùng
Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ
Và hoa trái cũng biến thành vũ khí!
Hãy chết đi, chết đi
Tất cả chúng bay, một bầy ma quỷ!
Và xin nghe, nước Mỹ ta ơi!
Tiếng thương đau, tiếng căm giận đời đời
Của một người con. Của một con người thế kỷ
Ê mi ly, con ơi! Trời sắp tối rồi…
Cha không bế con về được nữa!
Khi đã sáng bùng lên ngọn lửa
Đêm nay mẹ đến tìm con
Con sẽ ôm lấy mẹ mà hôn
Cho cha nhé
Và con sẽ nói giùm với mẹ:
Cha đi vui, xin mẹ đừng buồn!
Oa sinh tơn
Buổi hoàng hôn
Còn mất?
Đã đến phút lòng ta sáng nhất
Ta đốt thân ta
Cho ngọn lửa chói lòa
Sự thật.
Tôi có học trích đoạn từ tập thơ “Theo Chân Bác” của Tố Hữu. Cũng khá hay. Có điều dài quá không thuộc nỗi nên phải chép lại từ mạng vào đây minh họa thêm:
… Anh dắt em vào cõi Bác xưa
Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa
Có hồ nước lặng sôi tăm cá
Có bưởi cam thơm, mát bóng dừa.
Có rào râm bụt đỏ hoa quê
Như cổng nhà xưa Bác trở về
Có bốn mùa rau tươi tốt lá
Như những ngày cháo bẹ măng tre….
Nhà gác đơn sơ, một góc vườn
Gỗ thường mộc mạc, chẳng mùi sơn
Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối
Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn.
Máy chữ thôi reo, nhớ ngón đàn
Thong dong chiếc gậy gác bên bàn
Còn đôi dép cũ, mòn quai gót
Bác vẫn thường đi giữa thế gian…
Bụt mọc dầm chân đứng đợi ai
Quanh hồ thấp thoáng bóng hôm mai
Ngọn đèn kia thức bên ai đó
Mà dạ hương còn phảng phất bay!
Ô vẫn còn đây, của các em
Chồng thư mới mở, Bác đang xem
Chắc Người thương lắm lòng con trẻ
Nên để bâng khuâng gió động rèm…
Con cá rô ơi, chớ có buồn
Chiều chiều Bác vẫn gọi rô luôn
Dừa ơi, cứ nở hoa đơm trái
Bác vẫn chăm tay tưới ướt bồn.
Ôi lòng Bác vậy, cứ thương ta
Thương cuộc đời chung, thương cỏ hoa
Chỉ biết quên mình, cho hết thảy
Như dòng sông chảy, nặng phù sa.
Như đỉnh non cao tự giấu hình
Trong rừng xanh lá, ghét hư vinh
Bác mong con cháu mau khôn lớn
Nối gót ông cha, bước kịp mình.
Ta vào thăm Bác, gặp Lê-nin
Trán rộng yêu thương, dõi mắt nhìn
Người đến cùng ta, ngồi với Bác
Như hình với bóng, một anh linh…
Hay hơn hết về nội dung lẫn nghệ thuật, vừa dễ thuộc là bài “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh:
Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống dòng sông ấm áp
Chẳng biết nước có giữ ngày giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy.
Bạn bè tôi túm năm tụm bảy
Bầy chim non bay lượn trên sông
Tôi dang tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ.
Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến.
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông…
Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc.
Hai tiếng thiêng liêng hai tiếng miền Nam
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết.
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới.
Quê hương ơi, lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không ghềnh thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ đến nơi tôi hằng mong ước.
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương.
Các dòng văn hiện thực phê phán trước 45, hầu như được chương trình tóm tắt là: còn hạn chế, tư tưởng tự phát, tiêu cực, các nhân vật chưa có lối thoát vì chưa có được sự lãnh đạo đúng đắn của ĐCSĐD soi đường. Và câu này trở thành khẩu quyết kinh điển cho các bài văn có nội dung tương tự (thậm chí những bài lịch sử từ thời Hai Bà Trưng (!) có liên quan tới các cuộc khởi nghĩa thất bại).
Tôi lâu lâu bày ra trò “văn học chế” để rồi chế biến nội dung chuyện “Tắt đèn”, “Hòn Đất”, “Chí Phèo” để anh em cười chơi. Thậm chí mắm muối các bài trong sách giảng văn bằng cách kết hợp thêm mấy câu thơ “tục” lấy từ cuốn “Tục ngữ phong dao” (Nguyễn Văn Ngọc) chen vô làm anh em tưởng tôi có khiếu làm thơ vậy [29].
Bài “Vè trong ngục” trong sách văn học nào đó thấy vui vui nên có lần tôi cũng ráng chêm ít câu vô bài văn cho “lạ”, “có phong cách”, nhứt là tạo tâm lý cho thấy mình có tham khảo thêm sách ở ngoài:
Mình đi vào khám như công chúa vào lầu
Mặc áo không bâu như mình mang giáp trụ
Càn rừng lướt bụi như thái tử đi săn
Cuốc giá lăng xăng như Trương Phi thi võ
Chúa Nhựt ngồi nhổ có như Khương Thượng điểm binh
Lặn lội dưới sình như Uất Trì tắm ngựa
Sáu giờ trịch cửa như Hà Tôn Hiến lập trận Trường Xả
Nắm cổ kéo ra như Địch Thanh trấn ải
Mười giờ tựu lại như hương sĩ nhập tràng
Cơm dọn hai hàng như làng ăn trùng cửu
Ăn rồi đi ngủ như Lưu Bị viếng Khổng Minh
Trống đánh ình ình như La Thông tảo Bắc
Mưa tuôn ướt mặt như rưới nước Cam lồ
Quần áo không khô như Hoàng Cô tắm gội
Gẫm mình bị tội như Phật Tổ mắc nàn
Áo quần chiếu rách lang thang như Mỵ Nương nằm trướng ngọc
Trối mây vô óc như roi đả trung thần
Đêm ngủ không quần như phượng hoàng ấp trứng
Tứ bề chết đứng như Tiết Nhơn Quý xuống hang
Còng sắt hai hàng như Lê Huê đeo kiềng cẳng
Nghĩ mình tội nặng như đức hoàng đế đi tu
Ở mãn năm tù như Cù tu ba năm mới dậy
Ra về vừa đi vừa nhảy như nước chảy qua đèo
Bà con cô bác mừng reo như pháo nổ ba ngày tết
Vợ con mất hết nhà cửa cũng không
Miệng vái Quan Công, mãn khóa này xin thêm vài khóa nữa.
Tôi may mắn được cô Th.K dạy Pháp văn. Cô dạy rất hay. So với các thầy dạy ngoại ngữ mà tôi đã được học, tôi thấy cô dạy hay hơn cả. Qua học kỳ 2 cô sinh con nên phải nghỉ dạy, thầy H.T.T, với dáng người “Ngũ đoản” vào thay thế. Thầy khá mệt mỏi vì đám học trò quậy của lớp 9/5.
Môn đạo đức chính trị do cô K.A hiệu phó dạy. Ban đầu chưa quen với các thuật ngữ chính trị nên điểm tôi quá “ẹ” dưới trung bình nên có lần cùng với hai anh bạn nữa thuộc dạng “ưu tiên một” để báo giáo viên chủ nhiệm. Những năm sau đó, khi biết áp dụng “mẹo” môn văn và nên tôi khá môn chính trị hơn dần. Còn nhớ đã học mấy nội dung trở thành khẩu quyết: “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, “liên minh công-nông”, “Miền Bắc có 3 thành phần kinh tế, miền Nam còn tạm thời duy trì năm thành phần kinh tế”, “công nghiệp hóa mà công nghiệp nặng làm then chốt”, “Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết”… Những nội dung này được học lặp đi lặp lại nhiều lần đến hết đại học nên không ai có thể quên được.
Một lần thấy cô K.A. viết bảng, mà chúng tôi bắt đầu để ý chữ y được thay thế dần bằng i từ hồi nào không biết: lý lịch, giặc Mỹ, đăng ký... Do khi cô viết, có một anh phát biểu góp ý kiến là cô viết “sai chính tả” làm cô đỗ quạu vì tự ái.
Năm 1984, có phong trào “em yêu chiến sĩ Điện Biên” kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Lần đó nghe đồn ông hiệu trưởng Đ.Q.H. mới chuyển về (thay thế bà Nh.) bị cấp trên “dũa” vì lý do sau:
Trong ngày 7-5, các trường tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, và có chỉ thị bắt các học sinh đeo lá ngụy trang tua tủa đầy mình như bộ đội khi đi đến trường. Nhứt là bắt buộc tất cả phải đi dự lễ đầy đủ.
Không hiểu như có đồng lòng trước, các lớp 9 đàn anh rủ nhau trốn gần hết ba lớp (tổng số 6 lớp). Có lớp chỉ có một anh vô cắm bảng tên lớp rồi biến nên ban đầu tưởng là có mặt đủ, khi đến tận nơi thì chỉ có một bảng tên lớp trơ trọi với lác đác mấy trò nghiêm túc. Còn chúng tôi thì cứ đổ thừa là đến nơi không thấy ai nên đi về gần hết sạch (!)
Chúng tôi rút kinh nghiệm lần này là rủ nhau gởi xe bên ngoài, hay nhờ một số đứng giữ xe ở ngoài, số còn lại vô trường thăm dò tình hình, gặp thuận tiện là trốn đi về. Vì mỗi khi trường làm lễ, xe đạp gởi vào trường chỉ được phép lấy ra khi buổi lể kết thúc [30].
Mấy hôm sau, ông hiệu trưởng tức tối lên lớp tôi (vì dạy môn đạo đức chính trị cho lớp tôi ở học kỳ 2), bỏ hết hai tiết dạy để rầy la đến hết giờ. Vừa hít hà tức giận, hăm dọa buộc tội chúng tôi chống đối, vô kỷ luật, không có tinh thần tập thể... và  bắt tất cả ai đã vắng mặt về làm kiểm điểm kèm chữ ký ­phụ huynh. Dễ ợt! Với lý do “đi vô trường không gặp ai” giúp chúng tôi lấy được chữ ký phụ huynh dễ dàng. Tờ tự kiểm gởi lên đầy đủ và sốt sắng khác hẳn tinh thần buổi lể hôm trước.
Tuy đã bị hiệu trưởng bắt làm tự kiểm trước cho thầy đỡ tức, chúng tôi tiếp tục cùng với các anh em lớp khác bị cô K.A hiệu phó (chúng tôi hay nói cô này đẹp mà dữ trời thần! Với cái nhìn quạu quạu kiểu nghệ sĩ Thanh Nga trong phim “Xa lộ không đèn”) ra lệnh những ai vắng mặt phải vô hội trường vào buổi chiều thứ năm để cô “thuyết” một trận nữa. Coi như chúng tôi lãnh “đòn thù” liên tục từ các cấp ban giám hiệu. Gì thì gì, mọi chuyện cũng qua hết. Buổi lể chẳng bao giờ lặp lại nữa. Có ai ngon chờ 10 năm nữa tính tiếp…
Chưa hết, trường hô hào tổ chức “trò chơi lớn” như đánh trận giả, chia hai phe. Bên lớp 9 làm phe Pháp (do bự con hơn ?), bên lớp dưới làm phe Việt. Bên lớp dưới phải rượt tấn công bên kia. Không dè lớp trên dùng sức giựt mất cây cờ và leo tuốt lên nóc nhà. Đám đàn em chỉ còn đứng ngó. Cuộc chơi phải đành hủy vì hoàn cảnh khách quan bất lợi làm bể kế hoạch và kết quả dự tính! Nghe kể là một em trong lớp dưới (đóng vai “phe ta”) bị tự kiểm vì vô tư tuyên bố “Tây thắng, ta thua” trong trò chơi lớn này.
Cuối năm mới biết thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở có thêm môn Sinh và Sử. Trường tăng giờ học 2 môn này để ôn tập.
Tôi được tiên tiến cả năm, coi như đạt 4 năm liền tiên tiến. Có nhiều môn xuất sắc.
Trường tôi năm nay có một chị H.M.Ph. thi tiếng Nga quốc tế đoạt giải, được nhà trường ký đặc cách lên thẳng lớp 10. Ngoài ra có chị T.H.Đ bên lớp 9/6 chuyên văn và toán đậu cao nhứt trường 38/40 điểm.
Tôi đậu tốt nghiệp phổ thông cơ sở 28  điểm: Toán 9, Văn 3, Sinh 10, Sử 6.
Tôi có đăng ký học thêm văn và toán cho chắc ăn.
Do có khả năng học thuộc lòng, tôi ráng học “gạo” một số bài toán được cho là quan trọng. Ngoài ra tôi tập giải đi giải lại nhiều bài toán đã học thêm cho quen (vì không có nhiều bài tập để làm), thuộc lòng được thì tốt. Biết rằng có lợi dù cách học này không chính thống.
Riêng môn văn thì chỉ còn có nước ôn lại một số dẫn chứng chứ không biết phải làm gi khác hơn ngoại trừ... học thêm. Cô T.Ch. trưởng bộ môn Văn [31] dạy thêm cho chúng tôi. Tôi học ì ạch, bài của tôi có lần được đọc cho cả lớp nghe làm gương vì... dở quá. Mà đúng vậy, do tôi đả bám bài mẫu của cô S. dạy từ hồi lớp 8 tới giờ không bao giờ biết viết khác hơn. Mặc dù số tôi có may mắn được nhiều thầy giỏi dạy nhưng tôi vẫn không khá nổi môn văn trong thời điểm này. X.K. bạn tôi vốn giỏi văn, lại là học trò cưng của cô T.Ch., được tuyển thẳng vô lớp 10 như hầu hết các bạn lớp 9/6 chuyên văn toán.
Sau 3 tháng lo luyện thi Toán, Văn, ngày 1-8-1984, kỳ thi tuyển vô lớp 10 diễn ra và kết quả tuần sau tôi đạt 14 điểm (Toán 9, Văn 5). Thở phào thoát nạn! Anh em thi rớt không đáng kể. Có anh Ng.H.L vượt biên không thành, bị bắt và may mắn được thả ra với cái đầu bị cạo trọc gần sát ngày thi. Ng.H.L.cũng đậu vô được lớp 10 cùng với chúng tôi.
Suy nghĩ lại thấy tôi được huấn luyện lòng máu anh hùng, lòng căm thù, tư tưởng bắn giết, ý chí chiến đấu, tinh thần tự hào... quá nhiều và rất kỷ lưỡng thay vì học về những cái hay hơn: lòng nhân ái, ý thức công dân... Kết quả sau khi chúng tôi ra trường vài năm, hiện tượng trò đánh thầy, phụ huynh đánh giáo viên rộ lên dần. Mở màn là chuyện “cô giáo ở Bảo Lộc bị phụ huynh tát tai” được đăng tải trên các báo. Và tiếp tục nhiều nữa…
Những năm về sau, từ khi video “phim Tàu” tràn lan, phim xã hội đen ăn sâu nhiều năm vào tiềm thức giới trẻ thì tình hình tội ác càng nghiêm trọng. Hơn nữa bên cạnh đó còn có phim tình cảm xã hội ướt át, với hình ảnh hào nhoáng trong phim khiến cho giới thanh thiếu nữ sanh chứng “mê chồng ngoại”. Khi phim Đài loan tràn lan nhiều thì có nhiều cô gái quê nghèo cưới chồng Đài Loan qua “cò”, không chừa cả những ông chồng tàn tật, quê mùa, thô lổ. Sau đó, đến trào lưu phim Hàn Quốc, việc lấy chồng Hàn Quốc lại thịnh hành… Chắc sẽ có thêm trào lưu phim Campuchea hay Phi Châu không chừng …
Tội ác có anh hùng của nó, Sai lầm có tử sĩ của nó (Voltaire)
Phẩm chất hàng đầu là phải biết yêu thương,
vì nghề giáo là tiếp xúc với con người (đặc biệt là thanh, thiếu niên).
Một đứa trẻ không được lớn lên trong yêu thương thì không thể lớn khôn được.
Phải có yêu thương thì mới dạy tốt được học trò,
phải có yêu thương thì mới chăm được cho đời những chồi non…
Để làm được một thầy giáo, trước tiên phải biết yêu thương, sau đó rồi mới nói.
(Thầy Văn Như Cương)
Tạm gọi là tôi đã trải qua thời kỳ đầu “trưởng thành trong lửa đạn”, và “phấn đấu vượt qua gian lao, thử thách” với điểm số học tập của tôi được in dấu từ 0 đến 10.

Chú thích:

[1] Khi trường mở trở lại, quang cảnh hoang tàn rêu phong khắp nơi. Thỉnh thoảng rắn lục trên cây cao rớt xuống giữa sân bất ngờ và học trò phải dùng gạch liệng để giết rắn. Thỉnh thoảng thấy nhà trường thanh lý kho sách với rất nhiều tài liệu, dụng cụ dạy học từ thời Pháp còn để lại.
[2] Nghe mấy bạn bè cũ sau này kể lại là người bày đầu mấy vụ là anh D.Q.K., dân chợ Bến Thành. Tuy bộ vó D.Q.K. nhỏ thó nhưng tội kể chuyện “đầu độc” thì rất lớn.  D.Q.K có thời gian chơi rất thân với tôi, do có lúc ngồi cạnh nhau. Sau  này D.Q.K đi Mỹ, mất liên lạc.
[3] Tôi nhớ bửa đó, bà Nh. hiệu trưởng mặt tức giận đi vô lớp. Cô T. than thở mới mấy câu, bà Nh. rầy la một chập rồi định bước khỏi lớp…
Cô T. nói bằng giọng Bắc cực kỳ dễ thương: “ Chị ơ… i… i…i…, chưa hết đâu...” rồi cô than tiếp...
Bà Nh. la tiếp trận nữa…
Cô T. tiếp: “Chị ơ… i…i… i…, chưa hết đâu...” rồi cô điểm mặt: anh này... làm thế này... anh này... làm thế này... thế này...
Bà Nh. kêu từng anh lên bảng. Riết nữa lớp bị mời đứng lóc nhóc khoanh tay trên đó.
Bà Nh. rầy la và hăm dọa mời phụ huynh vô trường nói chuyện.
Cô T. tiếp nữa: “Chị ơ… i… i… i…, chưa hết đâu...! Anh H. này mới ác này! Chị biết không, người ta vừa kể tôi nghe là ảnh đã “vái trời cho cô T. bị xe cán chết bữa nay để lớp mình được nghỉ… (!!!). Chị thấy ghê chưa?”
Cô vừa nói vừa chỉ H. đang đứng khoanh tay trên bảng.
Bà Nh. đùng đùng tức giận ra lịnh đuổi học lập tức tất cả. Có mấy anh khóc.
Lúc này cô T. mới năn nỉ xin tha cho “chúng nó” một lần và bắt từng anh viết tờ cam kết đưa phụ huynh ký…
Chúng tôi, dù là học trò cưng của cô, đều xanh mắt vì thấy bị bắt lên bảng nhiều quá.
Lần khác trong giờ sinh hoạt, Cô T. bực bội có hỏi cả lớp: “… Vậy chứ ở nhà ba má có dạy mấy em không?” Phía dưới có anh H. buộc miệng nói tỉnh bơ: “Dạ thưa cô,… không!”. Cả lớp cười rần. Cô tức giận đuổi thẳng H. khỏi lớp. Tuần sau H. bỏ học luôn.
[4] Chuyện cấm tóc dài diễn ra ở các cơ quan, trường học, kể cả ngoài đường. Người ta hay kể việc đi xe đò bị chận đường bắt hớt tóc rồi mới được đi tiếp... Dù sau cũng đỡ hơn trước đó 5-6 năm, có cảnh bị chận đường bắt chích ngừa.
[5] Trước các hình thức kỷ luật phản cảm trên, sự bất mãn của tôi càng thêm bị ức chế vì mình không thể làm gì được. Ở nhà má tôi lúc nào cũng khuyên “có gì ráng chịu khó nhận lỗi cho yên thân, đừng cãi; làm chuyện gì, cứ người ta sao mình vậy cho yên thân...” Khiến lâu ngày như có sợi dây thòng lọng vô hình siết hết tay chân đầu cổ làm mình trở nên hèn nhát, kèm thêm cảm giác sờ sợ vu vơ vô cớ. Cái hèn này đã dai dẳng đeo đuổi tôi nhiều năm trước khi được “sáng mắt” do va chạm với thực tế. Mừng khi thấy mình còn biết ý thức cái cách giáo dục sai lầm để mà thoát. Mà không dễ gì ai cũng biết rõ điều này.
[6] Tôi bị là nạn nhân một lần khi nhà trường bắt mỗi người mua cây kiểng đem vô trường làm vườn cảnh cho lớp. Tôi đem một bụi bông mười giờ đem vô thay vì xin tiền nhà đi mua. Ông V. hiệu phó không chịu vì bảo không đạt yêu cầu. Tôi bị phạt đứng nắng trưa hai tiết cùng với khoảng 20 anh chị em khác (gần nửa lớp). Hôm đó chúng tôi bực tức nguyền rủa cái chính sách nhà trường cùng thằng cha ông hiệu phó... “trời đánh”.
Ông V. hiệu phó này đã từng tra hỏi đánh anh Ng.H.L. (biệt danh L. lùn) tơi tả trước lớp của chúng tôi và sau đó giam luôn anh này qua đêm trong nhà kho. Chúng tôi đã dấy một nỗi căm hận mà sau này khi thấy cảnh trò đánh thầy thì chúng tôi cho là “cá ăn kiến thì cũng có ngày kiến ăn cá”.
[7] Phong trào “bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy” đã tiêu hủy không chừa nhạc nước ngoài, nhạc không lời, kể cả sách tự điển, hay sách khoa học kỹ thuật các loại. Chuyện chưởng của “con mụ” Kim Dung (như lời một cán bộ thông tin văn hóa tuyên bố) bị cấm do đã “đầu độc giới trẻ” bên cạnh các chuyện tranh “Tiểu Lưu Manh”, “Chú Thòong”… Tất nhiên tất cả các sách vở “cựu trào” cũng không thoát khỏi số phận bi đát, ngay cả các chuyện tranh lành mạnh dành cho thiếu nhi, sách khoa học kỹ thuật, tự điển… Sách ngoại văn càng bị tiêu hủy dữ hơn. Nhiều cuốn sách bị hủy hay bị xé trang chỉ vì trong đó có in cờ Mỹ hay cờ “ba sọc” của VNCH.
Khoảng 1987, có bộ phim Việt Nam “Bài hát không chỉ là nốt nhạc” (Th.L đóng vai chính) có đoạn nhắc đến nhạc “đồi trụy ngoài luồng”. Đoạn này đại ý kể một ông khoe bạn băng nhạc “cấm” vừa có được: chỉ là bài Gimmie của Abba! (trong phim là đoạn không lời).
Trong một tờ báo xuân năm 82 hay 83 gì đó, có một bài thơ lục bát đả kích tình trạng lan tràn nhạc ngoại “chui”,  còn nhớ hai câu sau:
“… Hát bài Cách Mạng, họ la,
Hát “Dít cô”, nhún “Xăm ba”, bằng lòng”…
[8] Tôi không làm lạ việc này khi có tin một cô giáo dạy thể dục ờ trường M.C nhéo ”chỗ hiểm” của nam sinh trong giờ học. (theo website Báo Công An Nghệ An ngày 27-3-2010). Sự việc không nghiêm trọng nhưng thiên hạ thổi phồng để tạo dư luận.
[9] Nghe đứa bạn kể lại chuyện ở trường H.B.Tr.: Một anh chơi bóng chuyền trong lớp làm bể bóng đèn phải bắt đền. Anh em khác bày cách cho anh này sáng sớm vô lớp đem bóng đèn chết tráo vô bóng đèn trong lớp còn đang hoạt động. Lát sau, trước mắt ai cũng thấy anh đã bồi thường bóng đèn khác cho lớp đàng hoàng. Bóng đèn kia của lớp thấy không cháy, được xem là mới bị hư (!). Câu chuyện này tôi may mắn được anh Ng.K.Th. là người trong cuộc, sau khi đọc bản thảo hồi ký này, đã nhắn tôi lại để đính chính và kể lại chi tiết câu chuyện.
[10] Thời ấy gạo bán ra có quá nhiều sạn, thóc, bông cỏ nên mới có dịch vụ “chà gạo miễn phí” mở ra. Lợi nhuận thu được nhờ chủ tiệm giữ lại phần cám xay ra, nên mới không tính tiền chà gạo. Tuy nhiên trong mỗi nhà vẫn phải có người ngồi lựa tách thóc, sạn, bông cỏ trước khi nấu ăn. Nhiều người hư răng cũng vì nhai phải sạn nhiều quá.
Việc “chà gạo” và “vé số” tạo câu chuyện tiếu lâm đại khái như sau:
“Đoàn chuyên gia Liên Xô sang Việt Nam thấy chế độ miễn phí đã thực hiện tại trường học, nhà thương… Khi đi gặp “chà gạo miễn phí” thì đoàn ngạc nhiên hơn nữa vì trên thế giới chưa từng thấy. Gặp nhiều người đang “dò vé số”, hướng dẫn viên bí quá nói là “dạy toán miễn phí cho quần chúng hàng ngày”. Các chuyên gia phải thú nhận là Việt Nam đã tiến bộ hơn Liên Xô xa quá!”
[11] Chỉ biết mấy năm sau, báo chí có đưa tin là “chương trình cải cách đã không thành công, nếu không muốn nói là thất bại”.
[12] Đã lâu lắm, tôi có nghe một người đã tuyên bố rằng “Nền giáo dục Mỹ phiếm diện vì dạy cho dân  không biết đánh vần. Anh em có học thì nên học tiếng Anh chứ đừng  thèm học tiếng Mỹ (!)”.
[13] Lúc đó tôi còn nhớ một bài hát như sau: “Kìa con ngựa trắng. Kìa con ngựa vàng. Nhong nhong, nhong nhong, ngựa phi ra biên giới. Em là chú bộ đội, là công an biên phòng. Diệt quân bành trướng, đời em lập chiến công. Nhong nhong, nhong nhong…”
[14] Nhớ lại thêm: năm đó, nghe kể cô hiệu phó  Ch. và người em (làm bảo vệ) làm thất thoát tài sản trường và bỏ trốn. Chú Năm bảo vệ nghe bạn bè kể lại là bị lãnh đủ oan mạng.
[15] Bữa đó nhớ vào tiết dạy lý của thầy Q.,(lớp 7) thầy  giới thiệu viết bi do trường bán, ai có nhu cầu mua thì lên chỗ bàn thầy mà mua. Tổ trác bửa đó viết bán ra cây nào cây đó đều bị nghẹt mực, hay mẻ bi. Học trò la làng, ban đầu còn xin đổi cây khác, riết hết viết để đổi làm thầy quê và đổ quạu! Một phần cũng do giấy tập học trò thời đó quá tệ, khi viết đầu bi bị tơ giấy xoắn làm nghẹt hết mực, phải thường xuyên ra ngoài nhờ mấy ông thợ bơm mực viết bic sửa. Mà giấy không gây “tơ xoắn” thì hút mực viết máy y chang giấy thấm (papier buvard), viết 1 trang, mực thấm 2,3 trang khỏi viết tiếp trang sau (như truyện rắn báo oán: máu thấm qua 3 trang giấy ngay chữ “Đại”: điềm báo Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, nghĩ thấy... ớn).
Thời ấy có được một cây viết bic tốt không dễ. Nhiều khi có viết cũng chưa chắc xài yên ổn do giấy xấu làm nghẹt mực. Bạn bè tặng mình cây viết cũng là phải quý mình lắm mới tặng. Vì mỗi năm mỗi nhà chỉ được quyền lãnh hàng nước ngoài không quá 3 lần nên bạn bè dư dả giúp nhau là rất hiếm. Một lần lãnh phải tốn nhiều thủ tục kèm sổ lãnh hàng phải ghi danh sách kèm địa chỉ của người gởi bên kia. Nếu nhận hàng mà không đúng danh sách hay địa chỉ người gởi thì phải đi làm thủ tục điều chỉnh (cũng mấy ngày) kèm theo đóng góp tiền bạc (như đóng công trái) thì mới xong hết thủ tục rồi mới đi lên lãnh đồ được. Đi lãnh phải xếp hàng chầu chực thật sớm như cảnh chầu chực mua vé bến xe. Tiền đóng thuế cao, nên phải đem tiền nhiều chuẩn bị; nếu thiếu tiền thì sẵn có cò mồi bên ngoài cho vay lấy lãi để đóng thuế. Lãnh hàng xong, ra ngoài lại có nhiều cò mồi đi theo gạ gẫm xin mua lại hàng, hay lợi dụng giựt dọc... Chính vì vậy lại phải cần thêm người nhà đi theo hộ tống, nhưng khi vô lãnh phải cùng hộ khẩu mới được vô chung. Lãnh hàng cũng không dám nói ra vì sợ người khác biết và tới nhà xin đồ, thậm chí... bị ăn cướp. Thơ từ gởi đi phải mất 3,4 tháng mới tới tay người nhận. Mãi đến sau 1988,  lịnh này được âm thầm bãi bỏ khi chính sách mở cửa cho phép Việt kiều về nước đầu tư và chuyển tiền về hợp pháp. Tuy vậy, cảnh cò mồi làm phiền bằng cách đi theo về tận nhà năn nỉ gạ mua thuốc tây, đổi tiền... vẫn kéo dài thêm một thời gian nữa. Ấy là chuyện về sau ngoài phạm vi hồi ký…
Vào thời gian này, có nhiều bạn xin nghỉ phép với lý do đi… lãnh đồ.
Trở về chuyện bán bút bi, theo thông tin gần nhất tôi biết, khoảng 2004, nhiều trường còn vẫn ép giáo viên tự bỏ tiền mua bút bi để rồi bán lại cho học trò. Nếu học trò không mua coi như thầy cô “ngậm hàng” lãnh đủ và bị trừ điểm thi đua. Mà không mua thì lại bị đánh giá tư tưởng, đạo đức (không hiểu cái gì không vừa ý cấp trên cũng đều có thể bị quy lỗi vào tư tưởng đạo đức, cũng như là chụp mũ tội chống đối; phê bình thẳng thắn quá thì lại bị nói là không có tinh thần xây dựng; mà tinh thần xây dựng thì có nghĩa là nói lên khuyết điểm không đáng kể, nghe xuôi lổ tai… (!?)  cho đúng bài bản hội họp…)
[16] Sau khi chúng tôi học hết cấp 2, nghe kể trường còn cho một cơ sở sản xuất thuốc lá thuê mặt bằng trên một tầng lầu. Khi thấy thợ đội thúng thuốc lá xuống lầu, học sinh đi phía sau bốc ăn cắp thuốc để đem về bán và… vấn hút với nhau. Trong khi nhà trường lại khuyên học trò không nên hút thuốc có hại.
[17] Thiệt ra cô K.A dạy chúng tôi đàng hoàng. Chỉ vì lương thấp nên nghe nói cô phải đi buôn vải kiếm thêm. Lâu lâu tranh thủ lúc lớp làm bài tập thì cô lấy sổ sách tiền bạc kiểm lại. Vì Th.C.D.Ph học mất căn bản bị cô rầy hoài nên nổi hứng phát biểu bậy bạ chơi khiến cô bị mang họa oan. Có lẽ cô bị hiệu trưởng khiển trách vì “sai chính sách, mất lập trường….” Cũng phải trách chương trình dạy không đúng phương pháp nên ít ai theo kịp.
K.A có tật lâu bực quá “chửi sảng”. Có nghe người lớp trên kể là cô có lần giận học trò thế nào đó mà chửi là “sau này đứa đó” sinh con không có lổ đ.!”
Khoảng năm 1976, tại trường trung học Ph.Th.G ở Cần Thơ, có một thầy chán nản do lương dạy học thua tiền bán cà rem. Thầy đã nghỉ dạy và ôm thùng kem đứng bán trước cổng trường cho bỏ ghét. Học trò bu mua đông khiến hiệu trưởng phải ra năn nỉ thầy đi chỗ khác vì sợ mất mặt trường. Thầy tuyên bố làm ăn lương thiện không có gì là nhục! Một thời gian ngắn sau, thầy bỏ đi đâu mất tích.
Chuyện này thảm hơn: thầy hiệu trưởng trường Ng.B.L phải đạp xích lô ngoài giờ để kiếm thêm tiền. Tôi biết chuyện này khi một người bà con đi xích lô do thầy chở đến ghé nhà tôi hồi năm 1980. Nhân tiện người này nhờ thầy chạy giùm hồ sơ cho đứa con vô trường của thầy để học tiếp sau hơn một năm bỏ học vì vượt biên không thành.
Năm đó, lớp tôi có anh L.M.Tr. một mình vô trường từ giả bạn bè và rút hồ sơ xin thôi học, nói thẳng là mẹ bịnh nặng, nhà nghèo không đủ tiền đi học. Thơ rằng:
Bán kem, thầy giáo đứng đường,
Hiệu trưởng nhà trường phải đạp xích lô.
Cô thì chạy mánh giữa giờ,
Trò nghèo bỏ học, tiền đồ tả tơi.
Dù sao mấy thầy cô trên vẫn “sạch”, không có “hút máu” học trò của mình để trục lợi  như nhiều giáo viên khác ngày nay.
Chuyện “hút máu” đầu tiên tôi biết: một cô dạy Pháp văn ở trường H.H.T bắt học trò học thêm đóng tiền (đóng mà không học cũng được) nếu không muốn bị “đì”. Việc đổ bể sau vài tháng, cô này bị đuổi việc (khoảng 1984-1985).
[18] Thường nghe kể nhiều người sẵn dịp được mời đi ăn còn dắt thêm cả người nhà, bạn bè, bồ bịch... “đi ăn theo” khiến người mời khốn đốn vì không đủ tiền trả. Chưa kể khách tới nhà mình thăm rổi đòi ăn cơm bất tử. Còn đám cưới gặp khách không mời kéo đến nhà là thường.
Tình trạng suy dinh dưỡng bắt đầu xảy ra. Khoảng năm 80, truyền hình có quay cuộc phỏng vấn một tiến sỉ về dinh dưỡng. Khi được hỏi về tình hình dinh dưỡng tại Việt Nam, thì ông này né với câu nói: “Việc này xin hãy hỏi mấy bà nội trợ thì sẽ rõ.”
Dù vậy, nhiều người lớn kể lại trong các buổi học tập chính trị, vẫn được nghe báo cáo rằng: hàng năm nước Mỹ có bao nhiêu (…) trẻ em nghèo bị suy dinh dưỡng, ngoài ra còn nói thêm: số lượng xe tăng, máy bay Mỹ là bao nhiêu (…) ít hơn so với Liên Xô là bao nhiêu (…). Nói chung cái gì tệ hại thì Mỹ cũng phải có không ít thì nhiều. Thậm chí khi báo chí đăng về số nước còn nợ tiền Liên Hiệp Quốc là bao nhiêu (…) cũng phải ráng ngoéo bằng câu thòng cuối cùng: “… trong đó có Mỹ”. Nói chung thì Mỹ phải “thua” Liên Xô và kèm theo nhiều tệ hại của “xã hội tư bản”.
[19] Mấy năm sau, tôi có đọc truyện ngắn “Những nguồn âm thanh vẫn đục” (không nhớ tác giả chỉ trích các dòng nhạc giải trí nước ngoài và nhạc “Ngụy”) thì mới biết là bấy giờ là tôi đã nghe nhạc “chui” vì thời đó còn cấm nhạc nước ngoài và nhạc trước 75.
[20] Tôi nhớ trong đó có đoạn kể sau khi chánh án “đanh thép lập luận” và tuyên án tử hình Út Đoàn vừa xong, quần chúng tham dự phiên tòa vổ tay “hoan hô nhiệt liệt” như sau màn trình diễn văn nghệ kết thúc. Thấy khác hẳn so với các không khí phiên tòa trang nghiêm trong phim cũng như ngoài thực tế.
Sau này, đọc thấy trong: http://quanvan.net/ có thêm tình tiết quá khác với những gì sách đã in.
[21] Cuốn phim này được viết có những tình tiết thêm vào, khác với những gì chúng tôi đã học! Có mấy đoạn chị Quyên đến bót bị lính không cho vô. Chị đứng dập cửa la: “Anh Trỗi, anh Trỗi…” suốt cả buổi. Thêm đoạn tên cai ngục giựt trái cam từ tay thằng nhỏ gần đó bỏ túi đem đi. Thằng nhỏ năn nỉ đòi lại. Thấy vậy đám tù nhân trong xà lim phản đối dữ dội khiến hắn phải móc trái cam ra trả lại. Các đoạn: anh Trỗi hùng hồn tự bào chữa như một luật sư chính hiệu khiến phòng xử im phăng phắc; cảnh tù nhân nổi loạn đánh nhau với cảnh sát trong khám… Đặc biệt là phim toàn giọng Bắc, không có nét gì là miền Nam.
Cuốn phim đầu tiên có pha “tươi mát 50%” và đấu võ tương đối hấp dẫn được chiếu ngoài rạp là “Vụ án viên đạn lạc” do Th.T và B.L đóng được anh em đồn đại và rủ nhau xem.
[22] Tôi cũng một lần trốn chào cờ. Hôm đó bà hiệu trưởng ra lịnh đám “Sao Đỏ” đi rà vô từng lớp bắt những ai không chào cờ lên văn phòng kiểm điểm. Khi Sao Đỏ rà gần tới lớp tôi, tôi làm bộ ôm bụng chạy một mạch vô nhà vệ sinh gần chỗ lớp tôi xếp hàng. Chừng vài phút sau tôi ra khỏi vệ sinh đi vào xếp hàng tỉnh bơ. Chỉ mình tôi thoát hôm đó.
[23] Truyện ký này của Nguyễn Thi có nhiều đoạn hay giai thoại đáng suy nghĩ:
– “Năm 1959, Tam Ngãi (Trà Vinh) đói, Khoai tháng bảy cũng không đủ ăn. Nhà không còn hột gạo”. Chuyện này nhiều người đặt nghi vấn vì khoảng thời điểm đó miền Nam không bao giờ có nạn đói đến nỗi như vậy.
– Trận lấy bót Tám Thế, Út tổ chức buổi nhậu ở một nhà cạnh bót, nhờ Tám thế kêu hết bọn lính ra nhậu (?). Khi tất cả lính đều say, chỉ còn thằng lính gác trên chuồng cu. Út dụ nó leo xuống và Út bất thần giằng mạnh giựt súng và ra hiệu cho anh em vô lấy bót không tốn một viên đạn (!)
– Út Tịch có bầu tháng thứ bảy còn đi đánh bót Đường Trâu, vừa mang bụng, vừa mang đạn, cũng rút quân lội sông với anh em (!).
– Trận Rạch Cách, vợ chồng Út Tịch và tốp du kích dùng cạc bin bắn hạ trực thăng (!)
(Tôi nhớ lại tại Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng, năm 2005, còn treo tấm bảng hướng dẫn ghi như sau: “… bộ đội ta dùng súng cối bắn rơi 19 máy bay địch” (!))
– (Chương XI) Út tịch có bầu bảy tháng, đi chiến đấu, bắn một phát xỏ xâu 3 thằng (!). Khi bị vây, dùng cục đất giả làm lựu đạn để ném và tranh thủ lặn trốn qua sông an toàn (!).
– Trận bót Bà Mi, Út dùng mấy cái lon con nít kêu roong roong để làm giặc giật mình nhảy lung tung rớt xuống hầm chông như ếch tháng bảy (!)
– Có cảnh: “Hàng ngày, tiểu đội nữ vác súng tự tạo lên bắn “chình…phà…” để dụ bọn ác ôn ra rượt để du kích nam tiêu diệt (!)”
– Cảnh vừa chiến đấu chạy về cho con bú: “Súng giặc nổ lai ra ngoài xa. Vú căng sữa quá, Út chạy về cho con bú. Nửa chừng, nghe súng nổ gần, chị đặt con xuống chạy sang” (!) Với một trận đánh kỳ lạ: ”Trên một trăm thằng giặc  bị tiêu diệt ngay loại đạn đầu tiên. Cả hai cánh, nó đều giơ bụng đi vào giữa họng súng cho ta nổ” (!)
– Và cuộc rút chạy không giống ai: “Đánh một chập nữa, giặc nhốn nháo chạy. Cả một trung đoàn liệng nón, liệng đạn, chạy bỏ xác”. (!)
– Một trang bị kiểu Út Tịch: “Út lận trái lựu đạn lên đầu tóc, choàng khăn đi tìm giặc”.
– Một suy nghĩ táo bạo của chị Út: “... nghe người ta nói đàn bà đi đái không khỏi ngọn cỏ không đánh giặc được, tôi tức mình leo tuốt lên ngọn dừa đai xuống coi bi cao cho biết”.
[24] Học trò ở trường biệt danh thầy là Th.”bánh bò” vì thầy có người nhà bán bánh bò cho học sinh lúc giờ chơi. Thầy thỉnh thoảng quảng cáo khéo bánh bò bằng cách khuyên học sinh đừng mua quà bánh ở ngoài mà nên mua ở cantine trường. Có anh chơi xỏ lá dám hỏi thầy “Có bán bánh bò không thầy?” Thầy đáp tỉnh bơ: “Có bán chớ, anh chị cứ ra mua”.
Sau này gặp lại, có đứa kể là ai hay có tật mua thiếu chịu bánh bò mà xui xẻo thầy biết mặt là... bị đì te tua. Chuyện này, tôi chưa chứng kiến.
Năm sau học Vật lý tới phần đơn vị điện lượng, thầy Th. được thêm biệt danh thêm là Th.“Cu lông” (Coulomb).
Thầy Th. cũng ưa nói móc nhiều chuyện khi thấy chướng tai gay mắt. Có lần thầy “khen khéo” hai anh em Tr.Tr và Tr.D năm nào cũng được lên lớp rất dễ dàng do chỉ cần ông bố lên “nói một tiếng” với hiệu trưởng. Cả hai học lớp tôi và học hành rất dở, phá phách có tiếng.
[25] Có bữa cô K.A đi vắng ra ngoài khoảng 15 phút, Tr.Ng.B “bầu” liều mạng mở sổ điểm để sửa điểm cứu anh em. Phi vụ trót lọt vài lần. Lần cuối cùng việc suýt bại lộ nhưng chưa có chứng cớ rõ nên B. chỉ bị cảnh cáo rồi cho qua.
[26] Có anh bạn chơi thân với tôi, H.” Sạc-lô”, nghỉ một mạch trên 10 ngày. Ai cũng tưởng H. chết do bị chìm ghe vượt biên ở cầu chữ Y (4-1983). Mãi đến hôm thi thấy H.đờ đẫn xách cặp vô, mặt xanh như tàu lá. Mới biết H. vừa khỏi bịnh. Mừng bạn còn sống!
[27] Có lần cả nhóm này cúp cua đi coi phim. Bấy giờ có phim “Cân Bằng” của Liên Xô nổi tiếng với những pha “cấp 3” tươi mát gây tò mò câu khách, dành cho người trên 16 tuổi. Khi cả nhóm vô mua vé, chỉ có nữ được vô coi, đám con trai bị soát vé không cho vào vì thấy mặt con nít quá (!).
[28] Tôi nhớ thầy V. có thói quen ăn phở buổi sáng ngay tiệm phở đầu dốc căn hẻm ngoằn ngoèo gần góc Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lý Chính Thắng. Thầy dùng phở gần như đều đặn mỗi ngày.
[29] Nghe kể lại chuyện về hậu quả của “văn chế” ở trường bạn: một em thi giỏi Văn cấp thành phố bị “trên” kỷ luật do sơ ý ghi nhầm:
Giặc bắn chết em rồi quăng mất xác
Đáng đời em là du kích em ơi. (nguyên văn: chỉ vì...) - (Bài Quê Hương của Giang Nam)
[30] Nghe kể lại bên bà hiệu trưởng T.Ng bên trường M.C. lại ra lịnh bắt buộc tất cả học sinh đi học phải gởi xe tại trường, không ai có quyền gởi xe bên ngoài dù gởi tại nhà người quen. Ai vi phạm thì sẽ bị mời phụ huynh vô nói chuyện. Và thói quen của bà là hễ động gì một tý cũng ưa mời phụ huynh.
[31] Chúng tôi nhớ cô T.Ch. có một phong cách mà D.Q.K bạn tôi hay nói là giống “đặc công” khi thấy cô bệ vệ ngồi trong phòng giáo viên hút thuốc lá 555 khói nghi ngút hay khi thấy cô ngồi ăn bánh mì “như cọp”. Năm 1988 sau này, tôi có đi với X.K. thăm cô trong bệnh viện Thống Nhứt một lần cũng như đi đám ma của cô vài tháng sau đó.

Cổ Minh Tâm
Bắt đầu viết ngày 20 tháng 9/2009
Viết xong sơ bộ ngày 6 tháng 10/2009
Theo https://tamcominh.wordpress.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...