Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Hồi ký: Tôi đi học cấp 3 phổ thông

Hồi ký: Tôi đi học cấp 3 phổ thông
Lớp 10 (1984-1985)
Tôi vô lớp 10P2. Học buổi chiều trở lại. Cô Ng.Th.H dạy Pháp văn, làm chủ nhiệm.
Lớp 9/5 năm trước chỉ có một anh Ph.H.T. và “bà Tư Hù” B.V phải đi qua 10P1. Chẳng hiểu sao.
Tôi mừng được học lại chung với bạn học cũ X.K., học sinh chuyên văn của lớp 9/6 được tuyển thẳng vô lớp 10.
Mới đầu năm mấy anh “dân quậy” bắt đầu phải kiêng dè ông surveillant biệt hiệu là “ông già Rossi”. Riêng lớp chúng tôi thì lại ngán “bà chằng” Ph., một bà giám thị gầy đen như con mắm nhưng thần mắt tràn trề sát khí.
Số là hôm đó nghỉ tiết, đám “nữ quái” ra ngoài cửa sổ đứng trên terrasse mái đón cười giỡn, nhăn răng cười ha hả làm náo động xung quanh. “Bà chằng” đi thẳng vô lớp chỉ mặt Th.Q., H.H. và Th.H. và kêu cả 3 đứng lên để rầy la một trận,  quở  nào là tóc tai lỏa xỏa như gái phòng trà, cười ha hả như “bị ai bóp cổ” (!), nhảy nhót như ở RỪNG, ở RÚ (bà nói gằng giọng la-sát). Cả lớp bữa đó  vừa bấm bụng cười thầm mà ngoài mặt thì ai cũng rét như ai. Để rồi sau này dù đang quậy ồn ào cách mấy mà thấy bóng “bà chằng” là tất cả ù té trốn đùng đùng một mạch về lớp.
Cô B.Tr. “Batman” dạy vật lý, với cặp kính đen xếch trên mặt như Người Dơi. Cô này nổi tiếng bắt học trò copy trong lớp khi cô làm giám thị hành lang.
Chúng tôi kính phục bà hiệu trưởng L.A. Một người nhỏ thó khắc khổ nhưng hiền từ như bà soeur không như bà Nh. hồi xưa vốn ưa ăn nói ào ào hách dịch. Số là sau khi chào cờ, trước khi nói chuyện với học sinh, cô thong thả đề nghị các học sinh lựa chỗ mát mà ngồi tránh nắng trước khi cô nói. (Khác với thầy hiệu phó H. sau này, khi học sinh than trời nắng, thầy còn nói là trường ở Duyên Hải còn nắng hơn nhiều, sân trường ở đây là mát lắm rồi!)
Ngày Noel, cô cho phép cho học sinh nghỉ dù trường khác vẫn bắt đi học. Mùng 6 tết cô mới cho học sinh đi học trở lại thay vì mùng 5 như Sở giáo dục quy định.
Sự việc bị phát hiện vào năm sau. Có công văn bắt học sinh phải tiếp tục đi học từ trên Sở gởi xuống ngay sau khi hay tin cô cho học sinh nghỉ Noel như năm trước.
Tiếc rằng sang niên khóa 1986-1987, cô L.A về hưu để cô Th. thay thế.
Cũng vì sự kiện này, tôi mới để ý là từ lâu nay, thường khoảng thời điểm Noel, các trường thường tổ chức thi học kỳ, nhứt môn toán. Có nhiều lần vào ngay ngày 25-12. Có lẽ là có chỉ thị ở trên bắt phải làm như vậy. Tuy nhiên, nếu không có thi cử, nhà trường vẫn không cho nghỉ học, chỉ có một vài năm, tôi thấy bất quá thì chỉ những anh em đạo Công giáo mới được nghỉ mà thôi.
Vấn đề học phí manh nha xuất hiện dưới danh nghĩa là “tiền bảo trợ”. Anh nào gia đình chính sách hay có cha mẹ làm nghề dạy học thì được miễn đóng. Tôi nằm trong trường hợp sau cùng. Số tiền ban đầu đóng tuy không lớn nhưng cũng làm nhiều người khó chịu và… ghét. Tôi cứ nói mãi rằng nó giống như tiền thuế thân, tiền đóng “sưu” mà anh Dậu (trong “Tắt đèn” của Ngô tất Tố) phải è lưng đóng.
Chúng tôi phải tham gia “tuần lễ lao động”. Tùy theo trường ký hợp đồng với cơ quan nào mà mình phải đi lao động xa hay gần. Có trường học sinh phải từ sáng đạp xe cả chục cây lên nhà máy xi măng Hà Tiên làm, chiều đạp xe về. Trường khác cho học sinh đi cạo sét vỏ tàu ở Ba Son… Lớp tôi may mắn chỉ đi cuốc đất nhỏ cỏ ở Dinh Độc Lập. Sáng làm cỏ, lợi dụng lúc vắng, nhiều anh đi hái trộm mận chín trong khuôn viên về chia nhau. Trưa chúng tôi ngồi nghỉ ở nhà Vọng Nguyệt trên đồi. Sẵn có sân cỏ lý tưởng cho đá banh, rượt bắt hay chơi “u” khi rảnh.
Lần đó chơi “u”, tôi đã dùng thế võ vật bạn nữ Ng.H to con hơn tôi một cách dễ dàng như vật trâu làm anh em ngạc nhiên. Trong khi đó, L.Q.P nhỏ con thì lại có thói quen liều mạng nhảy vô ôm chân đối thủ bất kể là ai. Một lần đá banh “lừa”, D.Q.K. đi chân không vô tình dẫn banh lọt vô bãi gai mắc cở, lãnh đủ chịu trận. Đúng là thời đó nam nữ hồn nhiên chơi chung với nhau chưa có “tà ý”. Coi như đi cắm trại. Trong khi học sinh nơi khác phải làm nặng nhọc như lao động khổ sai.
Lần lao động năm đó, lớp 10P2 chúng tôi đã có xích mích với lớp 10P1. Nguyên nhân ban đầu do chúng tôi không ưa cho chủ nhiệm 10P1 xưa nay vốn ưa “nhai, càm ràm” chúng tôi vì không ưa “đám quỷ 10P2”, đã vậy chúng tôi còn ra mặt phá phách anh em lớp bên kia vì “giận cá chém thớt”. Khi anh em lớp kia dùng lá dừa gom cỏ khô gần đến khu vực lớp chúng tôi thì vài bạn lớp tôi lấy cuốc chặt đứt cuống lá dừa khiến bên kia không làm ăn gì được. Cô L.B. gặp cô Th.H. mắng vốn. Tội nghiệp cô Th.H. lảnh đủ và năn nỉ chúng tôi đừng phá nữa.
Mỗi tháng một lần chúng tôi phải vô trường lúc 5h sáng để làm lao động quét sân. Việc thay phiên từng lớp từ lớp 10 đến lớp 12.
Có một lần học sinh bị bắt nộp sách để làm thư viện trường. Tôi có sẵn cuốn “Gió vĩnh cửu” của một tác giả Liên Xô tên dài ngoằn: Xec-gây Giê-man-chi-xơ của ai đó tặng, định đem nộp nhà trường phứt cho xong vì sách đọc dở ẹc mà bìa quá… đẹp! Biết vậy, X.K, vốn sưu tầm sách, hay tin, bèn mua một cuốn sách mà tôi thích (mặc dù giá rẻ hơn nhiều) để đổi lấy quyển sách đó.
Tôi để ý từ năm lớp 10, học sinh không cần hát chào cờ như trước. Nhà trường mở băng cassette bài Quốc ca, học sinh đứng nghiêm cho hết bài. Việc đơn giản khiến trường không mất công canh chừng và khiển trách học trò hát bê bối như mấy năm ở cấp 2.
Trường có tổ chức khám sức khỏe toàn trường, vào 2 tiết chót của một ngày thứ bảy giữa năm. Nhiều người e ngại khi nghe đồn là có chuyện “cởi đồ cho y tá khám”. Thêm tin đồn mắm muối là có thêm chuyện “đè ra để khám của quý” khiến không ít anh chị cúp cua về, có người viện lý do đi về phường khám cho chắc ăn. Một phần vì nhát chưa dám cúp về sớm, một phần tò mò coi khám ra sao cho biết, tôi vẫn đăng ký... Tới công đoạn khám của quý với cái tên mỹ miều “khám da liễu”, từng nhóm 5 người được kêu tên vô phòng khám. Khi nhóm chúng tôi vào, tất cả được lịnh đứng úp mặt vô tường. Ai được kêu tên thì quay mặt ra cho y tá khám. Anh đầu tiên bị sờ soạng khám khá lâu… Tới phiên tôi người thứ nhì. Khi nghe yêu cầu “xem phía trước”, tôi bình tĩnh tới thật sát rồi bất thần sổ sàng “dí hàng” sát mặt y tá. Bị “tấn công” bất thần, cô này né người rồi liền yêu cầu cho xem phía sau. Phản ứng nhanh tương tự của tôi và lập tức: “xong rồi, người kế tiếp, em…” Chúng tôi được phen cười một trận vì tôi được khám mau lẹ hơn ai hết và cả nhóm được đuổi ra sớm!
Chúng tôi phải học hướng nghiệp bên trường Lê Thị Hồng Gấm mỗi sáng thứ ba, môn hàn điện. Năm này phần lý thuyết và thực hành dạy bài bản hơn hồi cấp 2. Nữ học may thêu ở lớp riêng.
Bài tập thể dục giữa giờ hơi khác so với cấp dưới. Sang năm 12 thì có thay đổi một cách quái đản, như một trò hề. Sẽ kể sau…
Trong lớp, tổ của tôi được sắp xếp như sau (và năm 12 may mắn được bố trí lại y chang):
Phía trước mặt tôi là bộ ba: Ph.Th.Q.L., Ng.Ng.M.A., L.D.Tr.
Phía sau tôi: “chị Tư” Đ.K.P, H.Th.Th.T, V.Th.Ng.L. với “Chị Tư” làm tổ trưởng.
Bên trái tôi là lớp trưởng X.K., bên phải là thủ quỹ Th.Q. và tôi làm tổ phó. Coi như một bàn đều là thuộc hàng “chức sắc”, với cái gọi là “cán bộ lớp” mới hợp thời. Tôi là thằng sinh sau đẻ muộn nhất trong nhóm. [1]
“Chuyện ba người” chúng tôi (Th.Q, X.K. và tôi) liên kết nhau trong học tập, đúng ra là phân công giúp nhau trong thi cử theo kiểu “hợp tác 3 bên cùng có lợi”. Tuy học bài đàng hoàng nhưng vẫn có thỏa thuận cho copy nhau trong giờ kiểm tra để tạo tâm lý an toàn, nhân tiện “cứu” luôn cả mấy bàn lân cận. Tôi ngồi giữa làm trung gian cho các bên và được hưởng lợi từ hai phía. Tuy nhiên, hậu quả việc hợp tác này có mặt trái của nó khi nó tạo ra việc ỷ lại người bên cạnh. Trong kỳ thi học kỳ 2 môn Pháp văn, xui xẻo tất cả đều bị đổi chỗ. Xui hơn hết là nhóm học dở lại bị vô tình xếp ngồi chung với nhau. Cảnh “đò nát đụng nhau” không ai có thể giúp ai gì được nên điểm dưới trung bình rất đông. Khi cô Th.H. đọc điểm thi từng người, L.Q.P và Th.Q (ngồi thi cạnh nhau do tên trong danh sách gần nhau) đều bị điểm thấp. L.Q.P. đã vọt miệng quở Th.Q: “Đ." má! Ngồi gần con nhỏ đó xui thấy mẹ!” Anh em được trận cười rần để... an ủi.
Q. tính tình rộng rãi hay mua quà bánh khao anh em. Cái bao tử tôi nhờ Q. mà không phải lo co giật cồn cào chống lại cơn “tự diễn biến tiêu hóa” vào tiết 4,5 cuối buổi. Q. cũng nắm ít mánh vặt để tiếp tay tôi trong thi cử. Có điều tật “phát ngôn bừa bãi” của tôi khiến Q. không ít bực bội và quen tay vổ đầu tôi như  vổ đầu… thằng em út trời đánh không chết!
Q. cũng quậy tôi một trận oan mạng. Số là hồi lớp 9, anh em trong lớp  rủ nhau đi chơi núi Bửu Long (không có tôi, mà tôi cũng không biết gì về cuộc đi chơi hôm đó). Vài hôm sau có tin đồn là có anh nào đi chung đã rình xem bạn nữ thay đồ. Tin đồn kiểu “tam sao thất bổn” lan ra với nội dung là Q. đã cho anh nào chụp hình khỏa thân hôm đó (!). Câu chuyện này đã đến tai má Q. và Q. bị kêu để hỏi cho ra lẽ! Ác một chỗ là có thêm chuyện: do thằng Tâm kể lại! Để rồi Q. tưởng tôi là thủ phạm và chửi tôi một trận tan nát. Đến khi Q. biết tôi bị oan mạng thì tôi cũng… nghe chửi đã lổ tai. Cuối cùng huề tiền, cười trừ cả đám!
X.K., một tay chuyên văn, giúp tôi làm văn bằng cách dạy tôi ban đầu cứ thỉnh thoảng liếc thấy X.K. làm ý nào thì bám ý đó theo mà khai triển chế biến. X.K. viết chữ lớn và có khiếu viết “tràng giang đại hải” nên nộp bài 5 tờ giấy đôi không chừa lề là thường. Tôi chỉ bám chừng một phần tư ý của X.K. là chắc ăn trên trung bình.
Hơn nữa, X.K. bày tôi là ngay cả môn sử, địa cũng theo kiểu đó mà làm, tất nhiên là cũng phải theo kiểu ca ngợi là chính, như cách làm văn nghị luận. Tuy nhiên phải chê bai đối với những gì thuộc “phe địch”. Để rồi mấy bài này không còn gì là bài Sử, Địa thuần túy. Vậy mà cách viết bài như vậy lại đạt yêu cầu mới là kỳ lạ!
Bí quyết này giờ tôi mới biết! Dân yếu văn như tôi mà gặp X.K. còn như bắt được vàng huống chi người khác. Khó nhứt làm sao ý tưởng mình tuôn trào ồ ạt như “Tào Tháo”, nhanh tay để viết cho dài mà không cần suy nghĩ mất giờ.
Nhờ X.K. không dấu nghề và tận tình giúp nên điểm bài làm của tôi cao hơn lúc trước đáng kể. Tuy vậy mỗi khi làm văn, tôi cũng chưa hoàn toàn tự tin trong thời gian dài.
X.K. cho rằng văn phong của tôi giống sách “hồi xưa” quá. Cái này thì không có nói chuyện “người ta sao mình vậy” được, mình phải là mình rồi. Có điều tôi chưa đủ trình độ để tự khẳng định mình.
Giờ kiểm tra bài soạn môn giảng văn, nhờ ngồi kế X.K. khi cô đến bàn kiểm bài, cô đọc bài K. khá lâu.. sau đó vì sợ hết giờ nên liền qua bàn kế để kiểm bài tiếp. Vì vậy cô thường “quên” kiểm tra bài tôi. Nên dù lâu lâu không soạn bài, tôi chẳng bao giờ bị phát hiện. Mà năm nào, lần nào cũng vậy. Coi vậy mà nhiều bận cũng… rét!
Phải nói, X.K. trong 3 năm cấp 3, đã cứu tôi thoát “họa văn chương”. Và tôi “không khả năng chi trả” món nợ này.
Môn Pháp văn được cô Ng.Th.H. dạy theo cách riêng biệt. Cô cũng thường dạy xé rào chương trình để bổ sung các khiếm khuyết của sách giáo khoa. Thay vì bắt kiểm tra trả bài, cô phân công cho tôi và X.K. đánh dấu số lần phát biểu của các anh em. Cô ra quy định là ba lần phát biểu đúng thì được 1 điểm, và cứ thế cộng điểm dần tới cuối học kỳ. Cuối năm, vài anh em chúng tôi “dư điểm” và âm thầm “sang điểm” cho một số anh em chưa đủ điểm.
Cô Ng.Th.H. đã đề nghị nhà trường đưa tôi vào danh sách thi học sinh giỏi Pháp văn. Cô dạy “bồi dưỡng” cho tôi và Th.Ng.T. cùng lớp với Ng.B. (học trong lớp chuyên văn) hàng tuần. Trước ngày thi, nhà trường gởi cho mỗi chúng tôi một tờ 30 đồng để bồi dưỡng ăn sáng trước khi thi. Tóm lại chúng tôi được thầy cô ưu đãi nhiều. Nhóm chúng tôi thi đâu đậu đó.
Trước ngày thi học sinh giỏi, tôi có hỏi cô Ng.Th.H nhờ dịch cho ít từ ngữ có tính “đương thời” đề phòng khi bài thi có đề cập thì mình có thể ứng phó. Cô lắc đầu chịu thua khi phải dịch chữ: “Quan liêu bao cấp” và “Hạch toán kinh tế”. May là hôm thi không đến nỗi khó như tôi tưởng. Bửa đó thầy N. (dạy Lý lớp chúng tôi) gác thi cùng với hai cô giáo trường khác đến. Thầy tán chuyện làm hai cô cười liên tục tưởng chừng như hai cô quên cả việc gác thi. Anh em trong phòng thi nói là thầy đánh lạc hướng giám thị để cứu anh em (?).
Môn toán do thầy V.H.B. và thầy C. dạy. Đặc biệt môn lượng giác tôi học hơi chật vật. nhiều người khuyến cáo chúng tôi nên học kỹ để hy vọng có cơ hội gỡ điểm  trong kỳ thi đại học. Vì đề thi đại học luôn có câu tự chọn, mà trong đó, phần lượng giác rất dễ nhằm nâng đỡ các học sinh hệ 10 năm của miền Bắc. Tôi chỉ được vài lần điểm 10 môn toán trong cả năm. Điểm 10 đầu tiên của tôi làm cả lớp cười lăn lộn. Số là hôm đó thầy V.H.B. chấm bài kiểm tra 1 tiết tại lớp và đưa cho cả lớp xem bài của tôi với chi chít những vết bôi xóa đen thùi trên giấy. Vì thấy bài làm đúng, thầy cười nói: “Thôi thương tình cho 10 điểm!” Hú vía!
Hai thầy có hai tính trái ngược mà chúng tôi hay cười: đối với Q.L. ngồi trước mặt tôi, thầy B. hay tỏ vẻ ga lăng và thỉnh thoảng chúng tôi thấy thầy nhìn Q.L. cười mỉm trước khi ra khỏi lớp. Trong khi thầy C. thì ra mặt không ưa Q.L. Thầy hay quở trách “con nhỏ này mà…, lạng quạng tui đuổi cổ ra khỏi lớp” khi Q.L. lên trả bài hay có vẻ lơ đãng trong giờ học.
Môn Lý chúng tôi học thầy Th. Thầy dạy đủng đỉnh, tiếc rằng không có chuyện vui đặc sắc nên không viết ra đây.
Môn Địa lý, chúng tôi nhớ bà cô (không nhớ tên) có giảng bài liên quan tới học thuyết Malthus [2] mà sách giáo khoa luôn cho là “học thuyết phản động”.
Môn thể dục, nhứt là mấy môn lấy thành tích như ném tạ, nhảy xa, chạy bền luôn là mối kinh hoàng cho những thằng ốm yếu như tôi. Lần đó, thầy L. cho từng nhóm 10-15 người chạy bền năm vòng sân. Đến khi về đích sẽ có một bạn phát thẻ ghi số thứ tự để tính điểm. Dĩ nhiên những số đầu thì được điểm cao, số cuối bị điểm xấu. Tôi chạy ỳ ạch gần hết vòng thứ 4 trong khi mọi người đã chạy sang vòng thứ 5 và bắt đầu qua mặt tôi. Tôi ráng sức chạy nhập lẫn chung với nhóm để rồi được nhận thẻ về đích như người ta và may mắn được nằm trong những người đậu trên trung bình và được luôn 10 điểm ngọt xớt. Có người hỏi tôi được mấy điểm, tôi “phóng đại” vẻ mệt mỏi của mình mà né tránh luôn việc gian lận trên! Coi như “mệt quá, hết biết gì nữa”.
Cô H. chủ nhiệm không bao giờ ép chúng tôi “chạy đua” theo phong trào như các thầy cô lớp khác. Đó là điều may cho chúng tôi. Cô lại cai quản thành công cái lớp vốn từng bị cho là bất trị trong nhiều năm.
Nhưng cũng không tránh được tai tiếng. Vì năm đó, có một vụ đánh lộn lớn với trước cổng trường L.Q.Đ làm hai người ở trường khác bị đâm máu me đầm đìa phải chở xích lô đi nhà thương. Chánh phạm không ai khác hơn L.M.T lớp chúng tôi cùng với thêm ít tòng phạm ở lớp khác. T. sau vụ đó bỏ học nhưng vẫn lảng vảng vô trường để quậy một thời gian. Việc phải nhờ công an phường 6 gần đó can thiệp nhưng không ăn thua. Việc này lớp tôi lại tái nổi tiếng cá biệt.
Ngoài ra, các vụ cúp cua, nhứt là trốn tiết đi trễ thì coi như không ai kiểm soát nổi. Số là nhà trường có tổ chức đội bóng rổ cho học sinh nên những anh em đang ký đội bóng thì ngoài buổi học có thể tự do vô trường để tập; từ đó, nhiều anh lợi dụng để đi học trễ, khi bảo vệ chận hỏi thì lại nói là đi tập bóng rổ nên riết đều đặn như vậy bảo vệ không để ý hỏi nữa. Nhóm của H.L, Ng.H,  H.T. chuyên môn chơi trò này. Có người  thỉnh thoảng viện cớ xin xuống y tế xin thuốc uống để cúp tiết.
Chúng tôi cũng góp một sáng kiến là tổ chức chương trình nhạc cổ điển trong lớp, đem đàn vô hòa tấu chơi trong giờ sinh hoạt cuối tuần. Lần đầu tiên diễn cho cả lớp nghe với X.K., tôi bị “tổ trác” quên mất một đoạn! X.K. trách tôi quá cở vì bị một số anh em cười. Một lần tổ chức văn nghệ đêm ngoài trời ở trường, chương trình nhạc cổ điển lớp chúng tôi cùng với nhiều chương trình khác xui xẻo bị hủy vì trời mưa dữ quá. Vào năm lớp 12, tôi còn trình diễn một lần trước toàn trường trong một buổi lể (không nhớ là lể 30-4 hay là 20-11), coi như là lần cuối cùng xuất hiện.
Ở các trường, bên cạnh các vụ học trò hút thuốc, nghiện cần sa, nhen nhúm chuyện chơi “xì-cọt” hay phê thuốc an thần Imenoctane (nói chung mua lại thuốc an thần quá date để dùng), nhớ giá lúc đó 30 đồng/viên so với giá gởi xe đạp là năm hào.
Các biện pháp ngăn chận của trường không thấy rõ rệt. Thông báo miệng có hay không thì tôi không được biết.
Tôi ngoài giờ đi học vẫn học Pháp văn do ông ngoại dạy kèm ở nhà và học thêm với cô B.Th.L., một cựu giáo sư Pháp văn của trường Marie Curie.
Vô Đoàn thì không bắt buộc [3] nhưng nghe nói sẽ được ưu tiên vô đại học theo tiêu chuẩn lý lịch. Có mấy anh “cán bộ lớp” gương mẫu được vô Đoàn trước, lúc nghỉ hè được giới thiệu lên trường Đoàn Trung ương I hay II gì đó ở Thủ Đức để học bồi dưỡng công tác thêm. Nghe Th.Ng.T đi học về kể lại ngủ đêm trên đó bị rệp cắn sưng vù mình mẩy. Chưa biết học được cái gì hay ho không mà phải ì ạch đạp xe xa xôi lên đó ở nội trú. Khi về T. khoe đã học mấy điệu nhảy đầm trá hình dưới cái tên “múa hữu nghị” hay “vũ quốc tế” dùng trong những buổi sinh hoạt theo xì tin sinh hoạt hè có sẵn để fantaisies thêm cho kịp thời đại [4].
Tôi được tiên tiến cả năm học niên khóa 84-85.
Mùa hè này tôi thoát được sinh hoạt hè lần nữa. Cô B.Th.L. bày cách giúp tôi bằng cách “chạy” cho tôi tờ giấy xác nhận đi làm trong cơ sở sơn mài của chồng cô trong dịp hè. Tôi nộp tờ này cho trường đầu năm lớp 11. Có nghe răn đe là không có giấy sinh hoạt hè thì không được vô lớp. Chưa biết thiệt giả làm sao. Chứ thiệt ra nếu đi sinh hoạt ở phường thì càng quê, khi mà ờ phường không còn đứa nào trạc tuổi mình thèm đi sinh hoạt, chẳng lẽ một mình lại phải sinh hoạt chung với đám con nít? Đúng là tôi nghe nói rõ là cấp 3 vẫn còn phải sinh hoạt hè. Trước mắt là phải bị réo đi tập thể dục buổi sáng. Thường trên lầu cao tôi thấy luôn có một công an đứng canh chừng một nhóm sinh hoạt hè tập thể dục sáng. Không biết mức độ gì quan trọng vậy? Khó hiểu.
Lớp 11 (1985-1986)
Tôi học lớp 11P2. Học buổi sáng. Cô Đ. chủ nhiệm dạy môn văn.
Lần đổi tiền cuối cùng năm 1985 với 10 đồng cũ lấy 1 đồng mới với tối đa mỗi hộ chỉ được đổi không quá 2000 đồng tiền mới. Nếu quá số tiền trên thì thế nào tôi cũng không được biết vì nhà tôi ngày hôm ấy vét hết cũng không tới 18000 đồng, tức là 1800 đồng mới! Hiện tượng tiền lẻ khan hiếm làm nhiều giao dịch đình trệ. Ai có tờ 50, 100 đồng coi như khỏi cục cựa mua bán gì được do người bán không đủ tiền lẻ thối. Đây là thời điểm đánh dấu sự cáo chung chính thức của “chế độ quan liêu bao cấp, chuyển sang thời kỳ hạch toán kinh tế” [5].
Lâu lâu có nghe chuyện kiểm kê nhà, nhưng không biết thiệt giả ra sao…
Th.Q bấy giờ làm thủ quỹ cho lớp. Những ngày sau đổi tiền, tôi phải chạy tìm Q. để đổi tiền lẻ về xài [6]. Thời gian này các hoạt động liên quan tới tiền bạc của lớp bị ảnh hưởng. Chưa kể cảnh hiểu nhầm “đồng cũ, đồng mới” rồi gây cãi lộn nhiều nơi. Đến nỗi khi giao dịch phải thỏa thuận rõ là “giá đồng mới hay đồng cũ ?” Đặc biệt lần này có tờ giấy bạc 30 đồng xuất hiện trên thị trường. Đây là lần thứ hai trong lịch sử Việt Nam. Tờ giấy bạc chưa từng “đụng hàng” cho đến ngày nay. (Tờ 30 đồng đầu tiên trong lịch sử, có lẽ cả trong lịch sử nhân loại, vào thời nhà Hồ (1400-1407) - theo Quốc Sử Đính Ngoa của Lê Văn Hòe) [7].
Riêng tôi đi học mang rất ít tiền, thậm chí có bữa không đồng tiền dính túi lâu ngày nên ít lo lắng.
Tôi bắt đầu đi học luyện thi đại học. Vì định thi vô kiến trúc nên phải luyện thi Toán, Lý, vẽ mỹ thuật. Môn Lý tôi ban đầu nhờ ông anh họ dạy kèm, chưa đi học vội.
Tôi học “lò” thầy C.A.H một thời gian trước khi học nhóm theo thầy Ng.V.
Phải công nhận luyện thi đại học như là một kỹ nghệ. Các trường ngoài giờ học và các trung tâm đua nhau mở ra để thu hút học sinh đăng ký học. Do diện tích giới hạn, hay nói đúng ra là không bao giờ đủ nên khi trong lớp, một bàn học, thay vì bốn người ngồi, đã được nhồi nhét tối đa lên sáu người hay hơn, miễn sao thu lợi nhuận tối đa. Mấy lớp luyện thi mà tôi theo học, thường khoảng 200 người, ngồi chen chúc như trại tập trung, viết bài cũng không đủ chỗ để tay mà viết.
Vì không thi Hóa nên tôi nhẹ gánh hơn anh em khối A. Học luyện thi môn vẽ có yêu cầu luyện “nội lực” trước nên thầy Tr.V.Ng. bắt phải ký họa một vật gì đó 15 phút/ngày. Cứ tưởng tượng trước khi ăn, ký họa cái chén, trước khi ngủ ký họa cái giường, trước khi tắm thì vẽ.. nói chung nên ký họa nhiều khi rảnh tay. Vì nếu không luyện kỹ, biết trước đề cũng chưa chắc đậu. Tôi quen với Tr.Đ.Tr. bên lớp 11A2, cùng học vẽ chung ba buổi chiều/tuần.
Đầu năm, nhà trường có đưa ra vài câu hỏi để hỏi ý kiến học sinh. Đại khái các câu: ban thích môn nào hơn hết? Môn nào bạn cho là cần cố gắng? Môn nào bạn khá nhứt? Vì sao lại học khá?… Tôi ghi thẳng vô trong giấy là môn ngoại ngữ học khá nhứt với nguyên nhân: do học thêm ở noài trước. Chuyện chẳng đi tới đâu. Nhưng nếu với “quan điểm Đoàn viên” thì có lẽ tôi cũng bị đưa ra kiểm điểm không chừng.
Nhập học chừng vài tháng, chúng tôi phải trải qua “tuần lễ lao động”. May mắn lần này lại tiếp tục đi nhổ cỏ ở Dinh Độc Lập. Coi như chơi là chính, y chang năm ngoái.
Trước đó có tin đồn học sinh phải khăn gói đi lên Lê Minh Xuân, hoặc Củ Chi, Duyên Hải khiến chúng tôi, nhứt là nữ, hoang mang vì không biết điều kiện ăn ở trên đó thế nào. Nên cô chủ nhiệm cũng phải trấn an cho tất cả yên lòng [8].
Trong năm, lâu lâu có đợt lao động XHCN. Chúng tôi lần nọ phải đi phát quang cỏ dại trong khuôn viên đại học Bách khoa. Các cán bộ lớp, nhứt là các cán bộ Đoàn, đứng chỉ tay đốc thúc tiến độ theo chỉ tiêu và gây bất mãn cho anh em. Anh V.H.Th đã bỏ việc phản đối và nói thẳng: “Đ.m. làm không công, mà đòi dữ vậy? Nghỉ! Đ. làm nữa”. Nghe nói mấy cán bộ Đoàn có dự định đưa Th. và vài người nữa ra kỷ luật vì “tư tưởng xấu” nhưng vì số người phản đối quá đông, kể cả mấy Đoàn viên khác, nên vụ việc phải lờ đi [9].
Các anh em trong lớp bàn bạc nhau lập kế hoạch tìm cách đưa thêm một số người vô Đoàn để giúp nhau hy vọng có thêm tiêu chuẩn vô đại học nếu được. Và vài người chúng tôi phải có mặt trong lớp học đối tượng Đoàn mấy buổi cho đúng “thủ tục”.
Ngày họp xét duyệt, lớp tôi có sự tranh cãi lớn do Tr.H.G không đồng ý cho kết nạp X.K. chỉ vì X.K. theo đạo Công giáo [10]. Chúng tôi phải dùng đa số để ủng hộ X.K. Cuối cùng chúng tôi thành công mặc dù H.G. luôn buộc tội X.K. là “phản động” cũng vì lý do vô lý trên. Tôi thấy ngứa tai khó chịu vì sự kỳ thị và cung cách “chụp mũ” của H.G.
Buổi kết nạp Đoàn diễn ra chớp nhoáng. Lời thề Đoàn viên được V.H.H đại diện đứng ra đọc, anh em khác lè nhè  “x..x… i… in… th... ề… ề… ề…” cho qua chuyện. Miễn đúng thủ tục. Rồi cũng vô Đoàn như đã sắp xếp. Lúc đó chúng tôi chưa có “bệnh” liên hoan vì tiền bạc eo hẹp.
Từ đó cứ vài tuần có thêm việc Đoàn viên ở lại họp hay sinh hoạt sau hai tiết học ngày thứ 5. Tôi không mấy thiện cảm vì không được ra về nghỉ ngơi như anh em khác. Tất nhiên không tránh bị làm trò “khỉ đít đỏ Trường Sơn” nhảy nhót ca hát tung tăng. Thứ mà tôi ghét cay ghét đắng xưa nay. Mà cũng tại vì còn bị yếu hèn nên tôi chưa dám phản đối ra mặt.
Việc la làng vì bị nhà trường “xin tiền” hay “kêu gọi đóng góp”, cũng như nhắc tới “tiền công lao động”, “làm chùa”, “đi học là học cho bản thân mình trước”  là điều nhạy cảm mà tư tưởng đạo đức phải né tránh (?) [11]. Tư tưởng “mê đi nước ngoài, không muốn ở lại phục vụ” hay “vô đại học để né nghĩa vụ” còn tội nặng hơn nữa. “Tinh thần tập thể” phải thể hiện cao độ qua “mình vì mọi người”. Đoàn viên lại càng phải biết đi đầu làm gương.
Tinh thần ‘đạo đức giả” được thể hiện ra mặt ở một số Đoàn viên. Đây là chuyện mà tôi thấy không phục và coi thường, chẳng hạn:
– Một buổi học đạo đức chính trị, cô H.Ch. có đề cập đến việc hạn chế yêu đương linh tinh để tránh dẫn đến tự tử  đáng tiếc như trường hợp có thật vừa xảy ra ở một trường nào đó. Chỉ vậy thôi mà bữa sau nghe cô bực tức kể là có anh Đoàn viên nào đó trong lớp đã tố cáo lên hiệu trưởng để rồi cô bị khiển trách vô lý. Oan mạng cho cô! [12].
– Đoàn viên H.G có để ý.Tr.K.L.Th trong lớp, có tâm sự đại khái là sau này đi bộ đội xong về sẽ cưới Th. (!??) Chuyện nghe tưởng không có gì nhưng kết cục sau này H.G. đăng ký thi đại học hàng hải chứ không phải đi bộ đội như đã từng tuyên bố. Hơn nữa giờ H.G. đã sang Mỹ hồi nào không biết, tới giờ không còn tin tức [13].
– Bí thư Đoàn Th.Ng.T tỏ ra sốt sắng thi đua phong trào,... cũng không ngoài mục đích bon chen mong được lên tiêu chuẩn lý lịch để thi đậu vô đại học. Sau này khi được du học Liên Xô. T. đã đi luôn không về,  trong khi trước đây mồm luôn ra rả nói là học tốt để “phục vụ” người khác.
“Anh em hãy coi chừng men Pha ri sêu giả, tức là thói đạo đức giả.
Không có gì che dấu mà sẽ không bị lộ ra,
không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết.”
(Lu ca 12, 1-2)
Mừng chưa bị ai hỏi và bị buộc phải trả lời “láo” trái với sự thật để rồi có ngày tôi bị lòi tẩy. Mà nếu nói thẳng nói thật chắc chắn sẽ bị kiểm điểm, hạ bậc đạo đức,… bị buộc tội mất quan điểm, lập trường hay những gì khác tệ hơn. Trước mắt, mấy đứa bon chen môi miếng dẻo quẹo lại được trọng dụng hơn người khác.
Có câu đối truyền miệng rằng:
Thật thà, thành thật thường thua thiệt,
Lọc lừa, lương lẹo lại lên lương.
Phong trào “ba môi trường, bốn phẩm chất” được trường kêu học sinh đăng ký và ký tên cam kết như là bảng đang ký  “gia đình văn hóa” tại địa phương [14].
Nhà trường có tổ chức đi tham quan bảo tàng ở Dinh Gia Long và Nhà Rồng. sau đó chúng tôi về viết bài thu hoạch nộp lên chấm điểm. Tất nhiên phải dùng mẹo văn mà viết cho đầy giấy [15].
Nhân dịp lễ kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga, trường có tổ chức buổi lể trong hội trường, có mời một số học sinh Liên Xô tham dự. Chúng tôi có tò mò đến gần hội trường xem thế nào. Đám “Sao đỏ” bắt gặp và “mời” chúng tôi đi ra xa không được bén mảng gần đến các “bạn Liên Xô”, tưởng chừng sợ chúng tôi “ám sát” không bằng (!!??) [16]
Môn hướng nghiệp chúng tôi phải tiếp tục học ờ trường Lê Thị Hồng Gấm chiều thứ ba. Có điều năm nay dạy môn hàn điện thế nào không biết mà chúng tôi bị bắt dọn kho sắt vụn mấy tuần liền mà không bao tay bảo hộ gì ráo, cũng như chẳng thấy cầm cây cọ hàn bao nhiêu. Chúng tôi chán và âm thầm rủ nhau nghỉ học không thông báo. Đến khi công văn báo cáo cuối học kỳ 2, gởi về trường và tuyên bố xóa tên thì chuyện đã rồi. Khi bị cô chủ nhiệm hỏi thì chúng tôi viện cớ là phải học luyện thi đại học. Trước số đông như vậy, nhà trường đành bỏ qua [17].
Môn giảng văn năm này tôi chỉ nhớ duy nhứt một bài “Đồng chí” (Chính Hữu) vì đã nghe thuộc bài hát này từ nhiều năm trước:
Quê hương anh đất mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Anh với tôi đôi người xa lạ
Từ phương trời chẳng hề quen nhau
Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ
Đồng chí
Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước, gốc đa nhớ người ra lính
Anh với tôi đã từng cơn ốm lạnh
Rét run người vầng trán đẫm mồ hôi
Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười, buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay
Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo!
Môn Văn của tôi được X.K. chỉ vẽ thêm nhiều thứ. Quan trọng là khen chê đúng chỗ. Không riêng gì văn, các môn nào có sự phân biệt ta địch thì phải “khen ta, chê địch”, “ta thắng, địch thua”... với các công thức đại khái như sau:
– Ta: yêu hòa bình cùng với nhân dân tiến bộ các nước; lập luận đanh thép trên mặt trận ngoại giao; Kiên quyết bám đất giữ làng; Kiên cường chống trả; Thất bại là tạm thời, chỉ là cuộc tổng diễn tập cho chiến thắng gì đó sau này; thành công là tất yếu; hoàn cảnh khách quan thuận lợi cho ta; ta càng đáng càng hăng; chiến thắng giòn giã như chẻ tre; trước sự phản công của địch, ta rút lui an toàn mặc dù có nhiều tổn thất do lực lượng địch còn mạnh (không bao giờ thấy số liệu thiệt hại của ta là bao nhiêu kèm theo, trong sách cả mấy chục năm nay chưa từng thấy ghi), cuộc chiến thắng thần thánh của ta là kết quả của 3000 ngày chiến đấu không nghỉ…
– Địch: hiếu chiến bám đuôi lũ sen đầm quốc tế; lý luận với luận điệu sặc mùi phản động; ngang ngược dồn dân lập ấp chiến lược; ngoan cố điên cuồng chống trả; thất bại là tất yếu; cuộc chiến gây cho địch hoang hoang; tinh thần chiến đấu suy sụp; địch càng đánh càng thua; có nơi chưa đánh đã tan rã; quân địch lũ lượt kéo nhau ra hàng; máy bay thù lần lượt rụng như sung; địch tổn thấy nặng nề với xxx quân vừa chết và bị thương, yyy vũ khí bị thiệt hại và phần lớn rơi vào tay quân ta… (bộ sách giáo khoa mới nhứt mà tôi được đọc lại “mất” luôn cả số liệu thiệt hại của địch)
– Về cách xưng hô: Ta: Chú, bác, ông, anh… (có tôn ti trật tự). Địch: lão, gã, mụ, tên, hắn, y,.. đặc biệt là “THẰNG” tuốt tuồn tuột, chẳng chừa một ai, bất kể tuổi tác: Thằng Mỹ, thằng Ních-xơn, thằng Thiệu, thằng Kỳ,… và thằng Hương (nhìn năm sinh 1902 của ông Hương thì quả là quá hỗn xược!); nhứt là thỉnh thoảng còn nghe nói cả THẰNG… TRỜI! [18]
Sau này lên lớp 12, X.K. còn giúp tôi ít cẩm nang để tự tồn qua các kỳ thi liên quan đến văn khác [19].
Nói vậy chứ tôi cũng phải giúp X.K. trong một vài môn khác nếu cần, coi như giúp lẫn nhau để đôi bên cùng có lợi mà cùng tồn tại [20].
Môn Địa lý thế giới là môn mà tôi theo cách hướng dẫn của X.K. để áp dụng. Khi làm bài so sánh kinh tế các nước với nhau. Cứ chê mấy nước Nam Triều Tiên, Thái Lan,... nghèo nàn, phát triển què quặt, không đồng bộ do nền kinh tế quân sự hóa, thiên về lợi nhuận, công nhân bị bóc lột tận xương tủy do các tập đoàn kinh tế độc quyền của các nước đế quốc lũng đoạn, các dịch vụ trong nước đều do các tư bản độc quyền nắm… Khen các nước Bắc Triều Tiên, Cuba,... giàu mạnh, kính tế xuất nhiều hơn nhập, cân đối toàn diện do không thiên về lợi nhuận, Cộng hòa dân chủ Đức là tiền đồn XHCN bất khả xâm phạm… Cứ bám đúng theo sách, phăng đúng theo “bài” là ăn chắc và... không bao giờ rớt.
Tất nhiên môn Sử lại càng phải bám sát quy luật trên hơn nữa và chịu khó nhớ thêm các năm, tháng ngày giờ mới được. Cũng đừng ngu dại phăng ý hay chép lại kiến thức chép từ sách “ngoài luồng” mà rớt oan mạng [21].
Ban đầu thầy L. dạy Pháp Văn cho lớp chúng tôi. Nhưng vì ít kinh nghiệm nên khi giảng bài, nên thầy lọng cọng khiến mấy mình mệt mỏi theo. Thỉnh thoảng thầy cũng sơ ý sai lỗi chính tả hay văn phạm. Chúng tôi phản ảnh qua giấy nhận xét giáo viên gởi lên bộ môn khiến cô H. trưởng bộ môn phải dự giờ liên tục hai buổi liền để xác minh [22]. Sau đó, thầy Nh. được bổ nhiệm thay thế.
Cách dạy của thầy Nh. [23] quá kinh điển theo kiểu xưa, và cũng phải xé rào chương trình để bổ sung căn bản nên tôi dù đã học trước mà vẫn “đu” theo mệt mỏi, kể cả hơi... buồn ngủ! Có điều sau một thời gian thì căn bản rất vững. Tôi vẫn được đi thi học sinh giỏi Pháp Văn và đậu cấp thành phố do công của thầy dạy “bồi dưỡng” thêm. Tuy nhiên điểm trung bình trong năm môn Pháp văn lại thấp hơn năm trước. Tuy vậy, việc học thêm với cô B.Th.L. thì vẫn như thường lệ.
Một lần cuối học kỳ 1, tôi bị thầy Nh. bắt về nhà tìm lại một bài kiểm tra trước đó để thầy so sánh với sổ điểm. Số là Th.Ng.T. tự nhiên khiếu nại với thầy là thầy đã cho lộn điểm của tôi với của T. Cuối cùng là tôi đã tìm được bài để thầy xem. Chẳng hiểu tại sao T. không khiếu nại điểm cho riêng mình cho rồi mà phải kéo tôi vào cuộc một cách lãng nhách. Rủi mình mất bài coi như mất điểm oan mạng. Mà nếu thật sự T. có ý chơi xấu thì quả là một đòn ganh tỵ quá tiểu nhân.
Nhà trường có lần đưa mấy câu hỏi nhận xét về môn học. Trong đó có câu: “Môn nào bạn học thấy hiệu quả nhất? Lý do vì sao?”. Tôi không ngần ngại ghi thẳng: Môn ngoại ngữ, lý do: đi học thêm. Không biết mấy người khác ghi thế nào. Nhà trường cũng chẳng mất công kêu lên hỏi lý do làm chi cho mệt.
Môn Hóa tôi học lận đận. Được điểm trên trung bình chỉ đạt 5, 6 hay 7. Tôi không dám đòi hỏi cao hơn. Trong lần thi học kỳ 2 môn Hóa, khi giám thị yêu cầu học sinh để toàn bộ cặp sách trên bảng, tôi phát hiện quên bảng tuần hoàn Mendeleev trong cặp sau khi chép xong đề. Trong cái rủi có cái may, tôi nhanh trí xin lên bảng mở cặp lấy bảng tuần hoàn. Tôi lục tập Hóa lấy bảng tuần hoàn và nhân tiện liếc sang bài mà không ai thấy. Nhờ vậy tôi làm bài thành công mà không ai để ý tại sao!
Môn Sinh vật, do cô L. dạy. Môn học cơ thể người làm tôi chán học vì khó nhớ quá nhiều chi tiết. Đã vậy cả lớp hay cười cách phát âm của cô. Cô đọc với các âm bời rời nhau: “a-xít-a-dờ-rê-na-lin” (acide adrenaline), “Phờ-rúc-tô-giơ” (fructose)… [24] Tôi mất tiên tiến học kỳ I vì điểm trung bình này dưới 5 điểm (điểm thi bị 3 điểm). Kết quả thi năm nay coi như tệ nhứt trong đời học sinh của tôi. Để rồi tôi bị chọc thi rớt vì “coi lỗ, khổ ba năm”. Số là tối thứ bảy nọ, tôi dạy kèm thằng em họ rồi ngủ luôn ở nhà nó. Khuya, thằng em buồn thức dậy lén leo qua nóc nhà hàng xóm tìm chuyện phá chơi. Thấy phòng ông hàng xóm mở đèn, mở nhạc Cumparsita xập xình, cửa che rèm hờ, với…  cảnh phòng the của “chủ nhà + đối tác”. Nó ngoắc tôi bò qua “thưởng thức” lấy hên, giải sầu.
Pha cụp lạc “người thật, việc thật” được kể lại gây một bước nhảy vọt đột phá “sinh lý giáo dục tự phát” ở lớp, tạo thứ mới lạ cười chơi. Tất nhiên không ai dè một cán bộ lớp ngây thơ và gương mẫu như tôi lại quỷ quái chủ xị khóa “bổ túc văn hóa đồi trụy” như vậy.
Nhưng lý do thi rớt lại chỉ vì tôi ngán và không thích học bài hôm ấy. Tôi không những không ngu mà thấy mình càng học càng sáng, quán triệt đúng theo tinh thần khẩu hiệu “ta càng đánh càng hăng”... Tất nhiên là phải được học cái mà mình thích.
Lớp chúng tôi năm đó có tin sốt dẻo... đã rồi. Cô G.T.T.G trong lớp được biết đi lấy chồng sau nhiều ngày vắng mặt rồi vô học lại. Có người còn chọc là G. mang sắc mặt xanh như tàu lá vô thì học hành sao nỗi. Khi ấy cả lớp tò mò mượn mấy cuốn album hình màu đám cưới coi cho biết. Chuyện tưởng gây xích mích, hiểu lẩm do lần đó một cuốn album xém bị thất lạc. Quả thật thời đó chụp phim màu khá tốn kém. Ai cũng thông cảm cho bạn. Mà “đời chỉ có một lần” vừa là “lần đầu tiên trong đời” nên mới như vậy. May thay cho tôi, chưa Đoàn viên nào có ý tưởng tố cáo tôi đã kể đầu độc “chuyện ấy” khiến G.T.T.G nghe xong rồi “chịu không nỗi” phải đi lấy chồng, mê xuân tình bỏ bê việc học...
Học kỳ II tôi lấy lại danh hiệu tiên tiến. Tôi vẫn chưa bị xúi quẩy học ngu như ông bà từng quở.
Môn toán cả năm không đến nỗi căng thẳng. Thầy C., đặc trưng với hình ảnh ông giáo già, mặt chữ Điền, đội cái nón cối trắng “colonial”, xách cái cặp da, đi chiếc xe đạp sườn ngang cọc cạch, hàng ngày vui vẻ lên lớp giảng tận tình và sôi nỗi. Khổ cho thầy với mấy anh chuyên toán lâu lâu cắc cớ hỏi thầy mấy bài toán luyện thi hóc búa làm thầy lúng túng.
Có lần ai đó nói đề thầy ra nghi ngờ là bị in sai đâu đó (!?). Thầy liền tuyên bố như đinh đóng cột:
“Tôi nói các anh chị biết nhé! Đồng hồ Liên Xô (thầy nhấn mạnh)… có thể thua đồng hồ Nhật, [25] nhưng toán Liên Xô in ra… (thầy nhấn mạnh tiếp) không bao giờ sai! Cứ tin tôi như thế.”
Một trận cười như ong vở tổ. thấy vậy thầy cũng cười theo [26] khá thân thiện.
Môn Lý tôi chưa phải đi học thêm và kết quả học cũng đạt loại khá. Học kỳ 1 tôi may mắn được duy trì điểm trung bình loại khá chỉ là do kết quả chung cả học kỳ. Bài thi học kỳ của tôi bị 4 điểm do đêm hôm trước quên học bài do mải mê coi một pha đánh ghen “spectaculaire’ (ngoạn mục) ở nhà hàng xóm. (năm này tôi được xem khá nhiều trận đánh ghen khác, nhưng may là không bỏ học bài như trước).
Môn học mới: kỹ thuật nông nghiệp với phần trồng lúa, phân bón. Cả lớp thấy chán nản nên nói chuyện không nghe giảng là thường. Riêng tôi thấy cần thiết vì có trồng cây kiểng tại nhà nên học được ít nhiều kiến thức.
Chúng tôi tới tuổi được nhận giấy gọi bắt buộc phải “tình nguyện đăng ký nghĩa vụ quân sự”. Tờ xác nhận đăng ký nghĩa vụ là một trong những giấy bắt buộc phải có trong hồ sơ đăng ký thi đại học.
Nhiều anh trong đám con trai chúng tôi, nhằm ngay bữa kiểm tra bài cũng phải nghỉ học đột xuất một buổi để đi ra ban chỉ huy quân sự phường đăng ký [27].
Có một lần, khi có tin kể lại một anh trường bạn bị đâm chết vì đánh lộn, thầy H. hiệu phó (khác với thầy H. hiệu phó dạy môn Hóa) tập trung học sinh sau giờ chơi để răn đe, vừa thêm thắt câu chuyện là sau khi bị đâm bằng loại dao “đặc biệt” khiến ruột gan phèo phổi bị tuôn ra hết trơn hết trọi… (???) Một phần nguyên nhân trong thời gian này, chuyện học trò đánh nhau xảy ra nhiều thêm…
Giai đoạn này nguồn “sách báo cũ” bắt đầu cạn kiệt. Ai tìm được ít cuốn báo “Thời nay” cũng là quý lắm. Tôi luôn có cái may là tìm đọc được nhiều sách báo quý hiếm, kể cả mấy cuốn báo lá cải “Tân Học” (chuyên đề XXX). Thằng bạn hàng xóm đã phải năn nỉ tôi cho mượn đọc lèn cho kỳ hết trước ngày nó lên máy bay xuất cảnh qua Pháp. Mấy thứ này làm đầu óc tôi trở nên thêm “quỷ quái” trước tuổi mà tôi không hề để ý!
Các tập chuyện tình ái chép tay Cô giáo Thảo, Chú Kim… được phổ biến lén trong lớp. Tôi có đọc sơ qua nhưng thấy không thấm vào đâu so với thực tế mà tôi đã “khai nhãn”.
Bù lại, nguồn băng nhạc nước ngoài trở nên phong phú làm hấp dẫn chúng tôi với các ban nhạc Modern Talking, C.C.Catch, Scorpion, Europe, Pet Shop Boy... Cộng thêm với các băng nhạc hải ngoại Asia, Dạ Lan, Quê mẹ, AVT, cùng với nhiều nhạc dịch lời Việt, nhạc “sến”… Bạn bè thường săn lùng băng nhạc mới và sang băng để trao đổi nghe chơi. Mấy Đoàn viên cũng ưa dùng mấy băng “nhạc ngoại” này để sinh hoạt “múa hữu nghị” với nhau. Việc cấm nghe nhạc ngoại được nới lỏng hồi nào không biết. Phong trào chiếu video cũng rộ lên từ từ. Các rạp bên ngoài đầu tiên chiếu bán vé các phim tình cảm của Tàu, phim Mỹ cũng như vài phim xưa trước 75. Tất nhiên ban đầu thì video còn hạn chế và phải do nhà nước quản lý, cho phép. Càng về sau này thì... tự do và nhiều vô kể hồi nào không biết!
Kỳ nghỉ hè là lúc học luyện thi căng thẳng. Ngoài các trung tâm học thêm ở khắp nơi, còn có nhóm các học sinh hùn tiền thuê thầy dạy theo nhóm tại nhà hay nơi nào thỏa thuận. Các thầy nổi tiếng tính tiền trọn khóa dạy đến 1-2 chỉ/người, nói chung là tính thẳng thừng học phí theo giá vàng, trả trước. Ai lỡ vừa đóng tiền mà chưa kịp học và đổi ý không học coi như mất hẳn học phí. Cho dù đưa người khác vô học thế tên mình cũng không được hoàn trả học phí. Mà một lớp học nhóm trung bình 5-10 người. Còn các lớp dạy ở trung tâm (thực tế là ở các trường phổ thông ngoài giờ học), học phí rẻ hơn, thì ngồi chen chúc trên 100 người/lớp là thường. Thầy nào cũng dạy liên tục không nghỉ từ sáng đến tối trong suốt mùa thi [28]. Các bãi giữ xe thừa cơ hốt bạc thả cửa.
Theo tôi còn nhớ, có mấy thầy nổi tiếng:
– Toán : thầy C.A.H [29], Ng.V.
– Lý: thầy Ng.Th.L., thầy Ng.Th.V. [30],
– Hóa: thầy Th.
– Và nhiều thầy khác…
Tôi học toán: thầy Ng.V, lý: thầy Ng.Th.V và thầy Ng.Th.L., Vẽ mỹ thuật: thầy Tr.V.Ng.
Môn Toán, Lý người ta dặn thêm tôi nên chú trọng chương trình lớp 10. Lý do vì bài thi đại học nào cũng có phần đề tự chọn. mà một trong đó luôn có phần chương trình lớp 10, khá dễ, nhằm ưu tiên “cứu” giúp cho thí sinh hệ 10 năm ở Miền Bắc. Nó là kẽ hở để cứu nguy gỡ điểm cho nhiều người. Nhưng ít ai để ý tới.
Do vậy việc học ôn lại chương trình lớp 10 chiếm thêm thì giờ ngoài giờ học trong lớp.
Bên cạnh là một nghịch lý kèm theo: phần đề tự chọn còn lại thường là rất khó. Nó hay nằm trong phần cuối sách giáo khoa, mà cuối năm, ít thầy nào còn thì giờ để dạy. Hơn nữa, có lúc đề thi nằm vượt ngoài phạm vi của sách giáo khoa mà chỉ có các thầy dạy luyện thi có kinh nghiệm mới biết rõ cái gì “thêm vào” để mà dạy. Đây là một trong những lý do hay gọi đúng hơn là mầm mống của “dịch” học thêm.
Đến đây tôi thoát vĩnh viễn sinh hoạt hè. Đúng ra quy định bắt tôi phải chuyển sinh hoạt Đoàn về địa phương. Quá 3 tháng không sinh hoạt coi như bị đuổi khỏi Đoàn. Mà lúc ấy không ai dám nhắc vì phải lo luyện thi tự cứu mình trước. Vĩnh biệt sinh hoạt hè. Tạ ơn Allah đã phù hộ cho nhà ngươi cút đi cho rảnh mắt ta, vất luôn cả cái công cụ trung kiên nửa điên nửa khùng  “son đố mì” chết tiệt!
Lớp 12 (1986-1987)
Tôi học lớp 12P2 vào buổi sáng với cô chủ nhiệm V.H dạy môn Sinh vật.
Lớp chúng tôi điểm lại, đa số học chung với nhau từ hồi lớp 6P (niên khóa 80-81). Có một vài anh bạn xin rút hồ sơ khỏi trường phổ thông để chuyển sang hệ thống bổ túc văn hóa. Do chương trình học bên bổ túc văn hóa nhẹ nhàng hơn vì bớt nhiều môn phụ nên thì giờ học luyện thi đại học sẽ có nhiều hơn. Tuy nhiên mấy anh này vẫn rớt đại học như thường.
Sáng chúng tôi học ở trường, chiều đi học thêm, tối học bài và ôn luyện thi. Giờ giấc bắt đầu kín kẽ.
Chưa kể ban đêm phải thức khuya học ôn lại chương trình lớp 10, 11 tới 1,2 giờ sáng là thường. Riêng môn lý, tôi học lại chương trình cũ và các bài quan trọng mà nhà trường không dạy bằng cách đọc sách giáo khoa thiệt kỹ, sau đó tự mình viết lại các ý chính của bài để rồi khi đi học thêm, nhờ thầy Ng.Th.L. xem và sửa lại.
Nghịch lý trước mắt, mà ai cũng thấy mà không dám lên tiếng hay làm gì được, là chương trình thi đại học có nhiều điểm mà trường phổ thông không hề dạy, thậm chí sách giáo khoa nếu có cũng ghi rất mơ hồ. Nên đó là lý do bắt buộc phải đóng tiền học thêm mới có thể nắm rõ chương trình thi. Nhiều người phải tìm học luyện thi với thầy dạy tại trường đại học mà mình đăng ký dự thi cho chắc ăn. Còn ai đó nói là tự học mà thi đậu đại học (thậm chí đậu cao), đối với tôi cho tới ngày hôm nay, chỉ là chuyện không tưởng.
Tôi vẫn còn ít thì giờ học thêm Pháp văn. Cô B.Th.L bắt đầu “nâng cấp” tôi bằng chương trình cuốn “Stylistique Francaise”. Quá khó!
Tất cả chúng tôi cật lực học, nhiều anh lý lịch “có vấn đề” thì càng ráng học hy vọng tới đâu hay tới đó. Một số khác, biết chẳng thi tới đâu vì tương lai mịt mù chờ đón nên không thèm học, ăn chơi quậy phá “cùi không sợ lở”.
Buổi họp phụ huynh đầu năm đã có trận cãi lộn về vấn đề lý lịch này. Người nhà đi họp về kể lại: có phụ huynh đưa ra lý do vì lý lịch xấu nên con mình chán không thèm học vì thi đại học cũng rớt, vậy xin nhà trường giải thích thế nào về chuyện này. Một phụ huynh khác nói là chế độ thi rất công bằng, làm gì có chuyện kỳ thị lý lịch đó. Rồi hai phụ huynh cãi nhau khiến cô chủ nhiệm phải giảng hòa.
Trong lớp có đề nghị kết nạp thêm mấy anh em vào Đoàn mà mục đích thâm sâu là hy vọng cứu lý lịch thêm người nào hay người đó.
Trong năm, đợt kiểm tra chất lượng Đoàn viên bằng cách tổ chức thi tìm hiểu về Đoàn. Mỗi anh thực hiện “hái hoa dân chủ” (bốc thăm câu hỏi và trả lời). Tôi bị phê là không đạt yêu cầu. Ban đầu còn sợ bị phê xấu trong lý lịch nên hơi lo. Anh V.H.H, bị nhận xét không đạt yêu cầu, khiếu nại kịch liệt. X.K. đã rỉ tai tôi không nên phản đối, cứ nằm yên chờ đó vì nghi ngờ Th.Ng.T sẽ nhượng bộ rồi “đâm sau lưng” hồi nào không biết. “Tao sẽ tính, dàn xếp đâu vô đó, đừng lo!”. Quả thật vậy, thi thì thi, chỉ là hình thức phong trào cho đúng chủ trương mà thôi.
Tuần lễ lao động năm nay được thay thế một ngày đi lột sò điệp ở xí nghiệp Cầu Tre. Một số lớp khác được đi lao động cho nhà máy thuốc lá MIC. Tôi cho rằng nhà trường dùng chiêu bài thi đua bắt chúng tôi làm việc với hợp đồng nhà trường đã ký với xí nghiệp nhằm thu ít lợi nhuận cho quỹ nhà trường.
Khối 10 của em tôi đi làm lao động trước. Khi em tôi về nhà với mùi sò ốc tanh rình trên mình làm vài người nhăn mặt! Tôi “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”, chưa ớn...
Tuần sau đến khối 12 chúng tôi đi lao động. Công việc nặng nhưng tiến độ đã ép chúng tôi làm cật lực với số lượng sò điệp định sẵn tối thiểu cho mỗi lớp phải lột trong ngày. Điểm thi đua tùy thuộc năng suất từng lớp, từng tổ.
Khi vô xí nghiệp, mùi hôi làm chúng tôi ngộp lúc ban đầu, riết mải mê lao động nên cái lổ mũi tự khắc phục mà quên đi hồi nào không biết... Một số anh em chúng tôi đã dùng dao cắt đôi cục thịt con sò điệp thay vì giữ nguyên. Chúng tôi nghĩ thà không đạt chất lượng như vậy thì mình còn được hưởng. Đem xuất khẩu hết sạch thì mình chẳng còn cái để ăn. [31] Buổi trưa mỗi người phải tự túc đồ ăn đem theo. Tôi, cũng như mọi người, thủ sẵn một lo “gô” (hộp sữa Guigoz) đựng cơm theo ăn.
Khi về nhà thì ôi thôi! Thấy quan tài đổ lệ đầm đìa! Mới bước vô nhà thì mới biết mình có mùi tanh dữ dội. Ông bà cha mẹ có đầy đủ ở nhà đều bị lảnh đủ mùi hết và mạnh ai nấy la làng! Tôi tức tốc đi tắm. Tắm, kỳ cọ tới nước xà bông thứ 3 mới thấy tạm “thơm tho”. Áo quần đem ngâm giặt lập tức... Tới ngày nay, chưa từng tái ngộ “cái hôi hôm ấy”.
Chỉ có các lớp đi lao động ở nhà máy thuốc lá được trả ít thù lao. Còn đám chúng tôi thì không có một đồng “húp cháo sò”.
Một lần đặc biệt nhà trường yêu cầu bí thư Đoàn đi vận động anh em mua vé số để ủng hộ phong trào. Lần nọ vé số bán ế thê thảm trong lớp tôi. Tôi có dịp đi theo bí thư Đoàn lớp lên văn phòng báo cáo tình hình. Thầy H. bí thư Đoàn trường lạnh lùng ra lệnh: bảo mỗi bạn đóng 2 đồng (bằng giá một tờ vé số). Nhưng kết quả không thành.
Lần đầu tiên tôi được xuất hiện lên truyền hình do đạt học sinh giỏi cấp thành phố. Hôm đó là buổi lể phát thưởng học sinh giỏi cấp thành phố của năm trước (niên khóa 85-86) do Sở Giáo Dục tổ chức tại nhà hát thành phố. Xui khiến bữa đó trời nóng nực mà bên trong nhà hát không mở máy lạnh kể cả quạt. Nhóm lớp tôi đang mệt mỏi vì mấy bài diễn văn dài ngoằn gặp thêm lúc nóng mà không bật máy lạnh, tôi và mấy anh bạn nữa cởi nút áo và ngồi nghiêng ngả. Bất thần đèn rọi máy quay phim chiếu ngang qua, chúng tôi cũng không thèm để ý. Sáng hôm sau, có mấy tụi bạn vô lớp kể lại là thấy truyền hình chiếu chúng tôi ngồi “la liệt” trong đó!
Cách bố trí chỗ ngồi trong tổ của tôi lần này y chang như hồi lớp 10 với ba bàn như đã kể.
Chúng tôi may mắn gặp nhiều thầy dạy hay, tận tình nhưng mỗi thầy mỗi tánh.
Môn Toán được thầy L. hướng dẫn. Bài thầy cho làm kiểm tra thường khá dài, đa số làm không kịp. Bài ít khi được trả về nên chúng tôi chỉ hay ước chừng mình làm bao nhiều phần trăm rồi tự lượng sức. Chỉ biết cuối năm những anh khá được điểm 10 khá nhiều (dù biết rằng mình làm không hết). Việc biết được do có một anh lén đọc sổ điểm thầy rồi kể lại [32].
Môn Lý được thầy N. dạy. Thầy dạy lâu lâu ưa ngoéo qua so sánh đồ Liên Xô thua đồ Mỹ. Hễ như vậy thì anh em cười rần và khi nhìn ra phía sau thì luôn thấy anh Đoàn viên trung kiên H.G sa sầm nét mặt nhưng chưa thể tố cáo thầy lên ban giám hiệu như ai đó đã từng tố cáo cô H.Ch. năm ngoái. Lần đầu vô lớp dạy, thầy khẳng định nửa giỡn, nửa thiệt rằng môn học của thầy quan trọng cho các anh em khối A (Toán Lý Hóa) bằng câu vè: “Nhứt Y, Nhì Dược, tạm được Bách Khoa, Nông nghiệp xê ra, Sư phạm... cút!” [33]. Làm anh em trong lớp cười ồ! Mà sự thật bấy giờ cũng quá hiển nhiên, không ai chối cãi. Thầy N. nổi tiếng với bài toán mẹo khá đơn giản. Bài tập không có tính cạm bẫy hay gây áp lực cho anh em.
Có điều anh nào hay phát biểu linh tinh thì hay bị thầy mời lên trả bài “nắn gân”. Mà tôi là một. Tôi là người bị thầy kêu trả bài đầu tiên trong năm, sau ngày lao động ở Cầu tre. Khi thầy hỏi xem cả lớp có học bài hay không. Tôi “nói leo” một câu làm cả lớp cười: “Học gì nỗi thầy? Mắc lột sò Cầu Tre mệt quá!” Thầy liền răn đe bằng cách gọi tôi lên trả bài. May là tôi thuộc bài nên không sao.
Thầy Ph. dạy Hóa quá nghiêm khắc. Thầy thường ra đề khó. Nhứt là hay đì mấy anh mà thầy biết sẽ thi khối nào mà không có môn Hóa. Tôi nằm trong số đó nên bị kêu lên bảng làm bài tập thường xuyên. Rốt cuộc thêm áp lực học Hóa hồi nào không biết. Ở lớp bạn (12A2) do thầy Ph. chủ nhiệm, Tr.Đ.Tr dự tính thi kiến trúc như tôi nên cũng hay bị thầy đì bắt lên bảng làm bài tập, y chang tôi bên này.
Có nhiều kỷ niệm về môn Hóa “oan nghiệt này:
Bài kiểm tra chất lượng do thầy Ph.đưa ra đầu năm khó đến nỗi cả trường gần như rớt sạch. Có người bỏ giấy trắng. Tôi bị 2 điểm. Ì ạch cả học kỳ cũng không khá hơn.
Thầy Ph. ra bài kiểm tra 15 phút bằng cách đọc một câu, làm 5 phút. Hết 5 phút đọc tiếp câu kế. Cứ thế cho hết ba câu. Kiểu này anh em lỡ không kịp thì coi như thua trắng.
Đến thi học kỳ 1, tôi may mắn được 7.5 điểm, làm tròn lên 8 điểm. Với tình hình cả trường điểm xấu, có lịnh ở trên yêu cầu cộng mỗi người thêm 1 điểm nên tôi được lên 9 điểm ngọt xớt. Và kết quả trung bình học kỳ của tôi leo lên được 5,6. Thoát nạn!
Một tai nạn nhỏ trong phòng thí nghiệm Hóa khi dùng đến phenol: H.M ngồi bàn sau táy máy thế nào úp cả ống nghiệm phenol lên lưng H.H. khiến H.H. la làng làm lớp náo động. Thầy Ph. phải dàn xếp và cảnh cáo.
Tôi tiến bộ từ từ môn Văn nhờ mẹo X.K dạy. X.K chỉ tôi một bài mẫu có thể áp dụng vô các bài văn, bên cạnh việc liếc ngang ăn cắp ý của X.K. để khai triển bài. Nếu X.K viết 10 tờ, 9 điểm thì tôi cũng được 4 tờ, 7 điểm. Có lần nhờ ông anh họ hổ trợ làm bài giúp, tôi được điểm 8 gần bằng với X.K và được cô đọc làm bài mẫu cho lớp nghe (dù bài ngắn hơn bài của X.K.). Phong cách văn “xé rào” pha trộn cảm xúc “giả tạo” y như thật theo chương trình đề ra đã làm tôi thành công [34].
Một chuyện lạ được tôi phát hiện ở cô giáo dạy văn lớp tôi…
Bài X.K. được cô cho điểm cao, phê là giỏi... nhưng thật ra cô không đọc hết. Nguyên nhân tôi biết: Lúc nộp tôi thấy X.K sơ ý để một tờ lật ngược trang. Khi bài trả về, tôi có mượn để đọc lại một tý và thấy trang lật ngược còn y nguyên như không ai đụng tới!
Tôi cũng “sanh chứng” chế văn thơ chọc cười chơi khi chán học. Một lần gặp bài giảng văn “Dọn về Làng” của nhà thơ N.Q.C với câu vần quá khó nhớ. Vì không biết hay chỗ nào nên ghét không học bài luôn. Tôi chế câu cuối thay vì:
… Giặc Pháp, giặc Mỹ còn cướp của giết người trên đất nước ta,
Đuổi hết nó đi, con sẽ về thăm mẹ.
thì thành:
… Hàng Pháp, hàng Mỹ còn khan hiếm trên đất nước ta,
Tới Cali, con gởi đồ cho mẹ.
Hay là, ở một bài khác (không nhớ tác giả), câu:
Đời ta đó hôm nay mở cửa,
Như cửa hàng bách hóa của ta...
hóa thành:… Như đường Huỳnh Thúc Kháng của ta. (khu chợ trời bấy giờ ở Sài gòn).
Anh em nghe và cười khúc khích mà cô không hiểu sao. X.K. vẫn luôn nhắc chừng tui coi chừng bị đám đoàn viên sau lưng tố cáo ẩu.
Tôi duy nhứt một lần bị môn Văn “hớp hồn” đến nổi miệng há hốc khiến anh em cười chọc quê. Cô Tr.Th.V. trưởng bộ môn Văn (sau này làm hiệu trưởng rồi bị mất chức năm 2007 do bị cáo buộc tham nhũng cùng với mấy người khác [35]) dạy thay thế cô dạy Văn của chúng tôi một buổi. Phải công nhận cô giảng hấp dẫn hơn tôi tưởng và cũng vừa tiếc rằng mình mê Văn cũng quá muộn với một trong những lý do là đã học không đúng thầy lâu nay.
Môn Pháp văn chúng tôi học cô H. trưởng bộ môn đứng lớp. Cách dạy của cô khá sôi nổi. Cũng nhờ đó mà nhiều anh em thích xung phong lên trả bài. Cô cũng xé rào dạy theo ý riêng mình không ít. Mà cũng phải, sách giáo khoa in ra, dạy với tốc độ quá nhanh. Nếu bám đúng chương trình thì mất căn bản như chơi!
Có lần tôi bị cô gọi lên trả bài “Le Cinema” với câu hỏi cuối cùng là “nếu làm đạo diễn phim “Ba người lính Ngự Lâm”, bạn chọn ai trong lớp để đóng vai các nhân vật?” Tôi chọn anh này làm Athos, anh kia làm Aramis… và cuối cùng tôi chọn Th.Q. vai Milady khiến cho anh em cười lăn lộn. Th.Q. lúc đó trợn trừng “đôi mắt mang hình viên đạn” vào tôi. Cô H. cười ngất, tôi được 10 điểm về chỗ. Th.Q vừa cười vừa vổ đầu thằng tôi mấy cái cho đỡ tức! Cũng vui!
Chính cô trực tiếp dạy “bồi dưỡng” cho tôi và Ng.B để thi học sinh giỏi. Bên cạnh đó, chúng tôi và mấy anh em học sinh giỏi Pháp văn trường bạn cùng theo học lớp luyện thi toàn quốc của Sở Giáo dục (thầy Tr.dạy). Kỳ thi tòan quốc tôi đậu hạng 3. Ng.B hạng 2. Riêng hạng nhất... không có! Việc dạy luyện thi học sinh giỏi này vẫn chưa theo kiểu nuôi “gà đá độ” như ngày nay. Nói chung cô H. đã ưu ái nâng đỡ tôi nhiều mặt [36].
Thầy Th. dạy Sử giống thầy S. hồi lớp 8 ở chỗ là không bao giờ cầm sách dạy. Thầy giảng bằng cách đọc lòng vanh vách cả cuốn sách nếu ta mở sách dò theo thì biết rõ. Nét “hầu tướng” của thầy khiến có anh gọi thầy là “người tiền Sử”. Thầy có thói quen quấn tập giáo án bằng tờ báo. Bài kiểm tra làm xong, không bao giờ thầy phát trả lại. Coi như cho anh em đậu hết, khỏi lo. Lúc sau khi thi học kỳ 2, thấy anh em xao lãng không thèm học cho hết chương trình, thầy rất tự ái. Thầy đã tức giận xé nát cuốn tập của một bạn (khi phát hiện bạn này đang lèn làm bài môn khác của tiết sau) rồi quăng hết ra cửa sổ.
Môn Địa lý với chương trình địa lý Việt Nam do thầy Đ. dạy. Thường chúng tôi hay ngạo thầy vì thầy có thói quen nói câu gì thì một hồi cũng đệm chữ “... hé!… Hé…” Đó là chưa kể chọc ghẹo hay nói leo trong khi thầy giảng [37]. Bài giảng thì quá nhiều chi tiết mà tôi cho rằng khó nhớ hết. May là chưa học luyện thi khối Văn Sử Địa. Tôi nhớ là đã tạo ra cái công thức làm bài như sau:
Môn Địa: nơi vùng rừng núi hiểm trở nhiều thác ghềnh lý tưởng cho phát triển hàng chục nhà máy thủy điện và khai thác gỗ quý, khoáng sản; đồng bằng phù hợp cho nông nghiệp, chăn nuôi; 3000km bờ biển cho nguồn cá và dầu mỏ gần như vô tận thúc đẩy nền kinh tế phát triển toàn diện với xuất nhiều hơn nhập; nền công nghiệp nặng được ưu tiên với tiềm năng phát triển hàng trăm nhà máy nhiệt điện (!?) trong cả nước sẽ dần nắm then chốt trong kinh tế quốc gia…
Môn Sử: các chính quyền phong kiến nhằm phục vụ giai cấp thống trị nên bóc lột giai cấp nông dân lao động. Nhà Hồ với chính sách hà khắc làm cho nhân dân không ủng hộ nên bị nhà Minh xâm chiếm. Triều Nguyễn với chính sách phản động và ươn hèn trước quân xâm lược Pháp. Các cuộc khởi nghĩa đi đến thất bại do không có sự lãnh đạo đúng đắn và có tính tự phát. Các phong trào nổi dậy tuy bị đàn áp và thất bại nhưng là tiền đền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa giành độc lập sau này. Nhất là các phòng trào xưa nay không được ĐCS sáng suốt lãnh đạo…
Cái môn kỹ thuật nông nghiệp oan nghiệt cho chúng tôi với chương trình dạy nuôi heo suốt năm do cô H. giảng. Thầy đánh rớt trò vì lười, trò bực bội vì môn phụ bị quan trọng hóa. Cô bị đặt biệt danh là bà “Yorshire”. Tôi lãnh thẹo lai rai suốt năm [38]. Đến nổi cuối năm, trong lần thăm dò nhận xét các môn học, tất cả đồng tình yêu cầu bãi bỏ môn này cho đàn em nhờ. Tuy nhiên, cũng có nhiều anh viết nhận xét rất là vô văn hóa, không nghiêm chỉnh khiến cô chủ nhiệm phải lên tiếng điểm mặt trách móc.
Bài thể dục giữa giờ năm đó, không biết trên Sở có ai sáng kiến đề xướng đổi thành bài thể dục nhịp điệu. Lúc giờ tập, cả trường nghe theo nhạc mà múa may đủ thứ như bầy khỉ. Cô học sinh làm mẫu cho chúng tôi tập theo thì coi còn được được do mình mẩy, nhan sắc xinh đẹp hơn hẳn chúng tôi cũng như uốn éo đúng điệu hơn. “Bầy Khỉ” chúng tôi múa máy quay cuồng cho hết bài, vừa cười giỡn chế biến tư thế. Vô duyên nhứt là động tác giơ ngang hai tay cùng lúc với giơ cẳng ngang ngang như... chó đái! Lúc hạ cẳng xuống thì hai tay lại bắt chéo che hạ bộ, và cứ thế với hai lần tám nhịp…
Tôi được tiên tiến học kỳ 1. Được thưởng ít tiền học bổng. Với nhu cầu ít xài vặt nên tôi cho số tiền là lớn và… đỡ khổ! Vì được ăn hàng lai rai… cứu đói.
Ngày 26 tháng 3 là ngày thành lập Đoàn. Ngày Chủ Nhựt gần đó, nhà trường tổ chức cắm trại toàn trường. Chiều hai giờ có cuộc thi vẽ tranh biếm họa. Tối có vũ hội hóa trang theo từng nước đã phân công để cho học sinh “khiêu vũ thoải mái tới khuya”. Tôi nhớ lớp tôi được chỉ định hóa trang nước Ấn Độ. Riêng lớp chuyên văn thì hóa trang nước Việt Nam. Anh em lớp tôi chọn bài nhạc Alibaba và tập với điệu nhả Chachacha! Tôi không biết nhảy chỉ ngồi trơ mắt ngó.
Nghe cô chủ nhiệm nói buổi tối được “ôm nhau nhảy” tưng bừng, ai cũng khoái rần rật hai cẳng [39].
Tôi bị phân công vẽ tranh biếm họa dù tôi đã báo trước là không có khả năng sáng tác, chỉ biết vẽ theo mẫu có sẵn như trong bài luyện thi mà thôi. Áp lực các Đoàn viên và cô chủ nhiệm gài tôi vô thế kẹt. Tôi có ý định trốn về cho bỏ ghét, kệ ra sao thì ra [40].
Trưa hôm đó, tôi trốn đại về nhà để đi học luyện thi Toán. Tối tôi không thèm quay về trường.
Mà chiều tối hôm đó trời đổ mưa lớn và trường bị cúp điện. Màn khiêu vũ bị hủy bỏ. Coi như cứ đổ thừa “hoàn cảnh khách quan và chủ quan đều không thuận lợi cho ta” cho anh em đỡ tức.
Hôm sau tôi bị trút những trận đòn thù bằng lời khiển trách, cằn nhằn đủ thứ do “trốn trại” khiến Ph.Tr.B đã bị chỉ định thay thế tôi thi vẽ để rồi… rớt. Riêng vũ hội hóa trang được dời qua sáng chủ nhật khác để xoa dịu anh em. Lần này thành công vì điều kiện khách quan thuận lợi: trời nắng. Các lớp, với nhóm khoảng 15-20 người hóa trang theo dân tộc từng nước thay phiên lên nhảy biểu diễn khoảng 15 phút để trường chấm điểm. Không biết sao lớp tôi không tham gia bữa đó. Cái không khí xập xình nhạt nhẽo ngoài mong muốn vì khiêu vũ lúc gần trưa ở ngoài trời nắng gắt, nhưng ít ra đỡ ngứa cẳng cho một thiểu số. Tất nhiên ôm nhau nhảy trong đêm tối vẫn “thú” hơn nhiều!
Nhà trường tổ chức cho các học sinh nộp hồ sơ thi đại học. Bảng tiêu chuẩn ưu tiên lý lịch được niêm yết. Chúng tôi thất vọng vì Đoàn viên bình thường như chúng tôi không được ưu tiên gì thêm như dự tính. Ngoại trừ Đoàn viên xuất sắc - khó khả thi với nhiều người! Chúng tôi thuộc diện đối tượng ưu tiên 10: gia đình công nhân viên chức. Trong khi các đối tượng cao hơn loại “Ba đời cùng thi làm gì chẳng đỗ” được ưu tiên nhiều điểm, thậm chí được tuyển thẳng vào đại học (anh hùng lao động hay anh hùng quân đội). Các anh đối tượng 11, 12 kể như tuyệt vọng, muốn thi cho biết, đỡ buồn thì cứ thi, kết quả rớt đã dành sẵn. Nhiều anh chị không thèm làm đơn, chán nản cầm cự cho qua kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học [41].
Tất nhiên sinh hoạt Đoàn bị chúng tôi bỏ hẳn, bất chấp quy định phải chuyển hết hồ sơ sinh hoạt Đoàn về địa phương, chưa kể nếu không sinh hoạt quá ba tháng coi như bị đuổi ra khỏi Đoàn. Coi như chúng tôi “kệ mẹ” Đoàn. Một phần lúc này cũng sáng mắt là quyền lợi chẳng thấy đâu mà nghĩa vụ thì lúc nào cũng không hết [42].
Quy định chỉ cho nộp đơn một trường và một nguyện vọng 2 khi không đủ điểm. Nếu phát hiện nộp đơn vào hai trường đại học, thí sinh đương nhiên sẽ bị loại cấm thi.
Tôi có sẵn cái phao cứu sinh mà không dùng: luật tuyển sinh cho phép học sinh giỏi cấp toàn quốc như tôi được tuyển thẳng vô Sư Phạm nếu muốn. Thầy Nh. dạy Pháp văn đã tận tâm làm giùm tôi giấy xác nhận của Sở Giáo dục. Thầy đã tận tâm giúp học trò mình tới nơi tới chốn. Dù rằng đến nay tôi chưa dùng tới tờ giấy xác nhận này.
Anh em mỗi người tốn thêm ít thời gian đi về địa phương xác nhận hồ sơ để cho nhà trường nộp lên Ban tuyển sinh. Lúc này cô V.H khá bực bội do nhiều người chúng tôi làm phiền xin về sớm để lo “chạy giấy tờ” [43]. Một phần cũng do có nhiều phường làm khó dễ đủ kiểu trong việc tới lui xác nhận hồ sơ nên nhiều người bị ảnh hưởng.
Tất nhiên trong hồ sơ dự thi phải bắt buộc kèm bản sao giấy đăng ký nghĩa vụ quân sự (đối với nam sinh) mới đủ thủ tục.
Nhắc lại chơi vài chuyện khác đỡ buồn...
Không nhắc đến học phí trá hình mang tên “tiền bảo trợ” (mà tôi lại gọi là “thuế thân” của nhà trường đánh vào học sinh) là một thiếu sót.
Tôi đột nhiên bị bắt đóng tiền trong khi hai năm trước đều được đã miễn đóng trong khi có giấy xác nhận cha làm nghề giáo. Cô chủ nhiệm nói lả trường chỉ chấp nhận khi phụ huynh làm giáo viên phổ thông mà thôi. Trường hợp ba tôi là giảng viên đại học không được giải quyết. Trong khi em tôi học cùng trường thì vẫn còn được miễn phí (?)
Tôi có lần kể với thầy Ng.V trong buổi học luyện thi. Thầy cười nói: chú mày phải ghi bố làm giáo viên, đừng ghi làm giảng viên nữa là được miễn đóng tiền chứ gì!
Sang học kỳ 2, Tôi làm theo, quả đúng như thầy Ng.V. nói, tôi được miễn tiền bảo trợ. Trong khi em tôi bị cô chủ nhiệm phát hiện ba tôi không phải là giáo viên phổ thông, nên lại phải đóng tiền mặc dù có giấy xác nhận y như tôi (!?) [44].
Bấy giờ báo đăng một em viết thư xin Thành ủy (hình như là gởi cho “chú” Võ Văn Kiệt) can thiệp cho khỏi “bị” đi theo gia đình xuất cảnh với bài tựa là “Vấn đề đi - ở”. Bí thư Đoàn yêu cầu tập thể lớp tập trung nghe đọc bài báo và sau đó ngồi thảo luận. Ngồi nghe qua chuyện rồi bỏ, không ai thèm để ý cũng như chẳng thèm và chẳng thấy gì đáng thảo luận. Chuyện cũng cho qua dù có anh phát ngôn nói ngạo là “sợ mình phải chuẩn bị “đi ở (ở đợ)” trước để có tiền sống, nghèo quá rồi!”. Vì ngày thi gần kề, ai cũng sốt vó, kể cả các Đoàn viên gương mẫu. Càng gần ngày thi, hết ai dám “sung độ” bày trò sinh hoạt kiểm điểm nhăng nhít.
Trong trường có vài vụ đánh lộn giữa đám COCC (con ông cháu cha) với nhau. Nhưng được tự dàn xếp nội bộ êm thấm do các phụ huynh đã từng quen biết nhau từ trước. Và nhà trường đỡ mất công xử lý kỷ luật [45].
Nhóm “nhà lá” lớp chúng tôi được tăng dân số do có nhiều người biết thi đại học cũng rớt vì lý lịch [46] nên không thèm học gia nhập nhóm quậy cho bỏ ghét.
Kinh tế lúc này thay đổi khá hơn trước. Trong trường, có một hai người đi học bằng xe gắn máy. Đi chiếc “Dame” đã là có thớ lắm. Thấy B.L. lớp 12A2 lái “dame” đi học là anh em nể lắm rồi. Xe “Cub” còn trong mơ, chưa ai dám rớ vì còn mắc.
Nói tới tuổi mới lớn mà không nhắc chuyện tình học trò là một thiếu sót để tạo hấp dẫn câu khách. Tôi cũng ráng thử nhét vô cho đổi gió một tý theo phong cách báo lá cải. Dù rằng chưa tạo được tin giựt gân thu hút dư luận.
Chuyện cáp đôi với nhau thì vốn xưa nay đã được anh em chọc ghẹo với nhau. Có cặp chỉ giỡn chơi, có cặp “cặp” nhau thiệt. Đặc biệt phong trào “Đôi bạn học tập” do trường đề xướng coi như vô tình tiếp tay tạo điều kiện thuận lợi giúp “đôi trẻ” luôn được bên nhau. Mà theo chủ trương thì ai cũng phải tìm bạn học tập của mình rồi đăng ký cho lớp trưởng biết.
Bàn của tôi được “tăng cường” L.L.Th. ngồi cạnh X.K. Gánh nặng “chia lửa” trong giờ kiểm tra bài ở lớp tất nhiên phải tăng lên và chia đều cho bốn người. và như vậy thì tôi phải “bắt cặp” với Th.Q. Một thằng bạn ưa chọc đây Th.Q là “vợ cả” của tôi (!!!!)
Cặp K. - Th ban đầu tôi không để ý. Khi anh em thầy cô đồn đại nhiều thì tôi mới để ý 2 người thường đạp xe song song nắm tay nhau lúc đi học và về. Thấy vậy mới ít nhiều thấm thía khi nghe bài “Môi Tím” (bấy giờ tôi nhớ là do Thy Vân hát trong băng Asia 8):
Tình mình là tình đẹp nhất đó anh,
Tình tuổi học trò mực tím áo xanh,
Kỷ niệm lần đầu hẹn nhau hai đứa
Vui say sưa dắt nhau đi ngoài mưa…
Mừng cho bạn! Mừng hơn là tôi “khôn hồn” chưa yêu sớm để rồi thi rớt như nhiều ai khác. Nếu tôi liều mạng thích Th. thì cuộc nội chiến “huynh đệ tương tàn” khó tránh khỏi. Thêm “vợ cả” ghen thì... kinh lắm (!) [47].
Lâu lâu có nghe nhắc tới mấy vụ ghen tương bên các lớp bạn. Chuyện “cáp đôi” lớp trưởng này với lớp trưởng thường làm thầy cô chú ý và hay chọc quê các lớp trưởng khi lên lớp. “Cặp người yêu” với lớp trưởng của chúng tôi và lớp trường bên 12A2 được bà “Yorshire” đưa ra làm đề tài chọc cho cả lớp cười một trận vỡ chợ.
Chuyện “bí mật thi cử” cũng giống như năm lớp 9, nhưng lần này chỉ là một môn được giữ kín đến giờ chót bên cạnh ba môn đã biết: Văn, Toán, Ngoại ngữ.
Khi nghe tin thi môn thứ 4 là môn Hóa, tôi hơi lo vì bị “ăn thẹo” lâu nay.
Kỳ thi học kỳ của chúng tôi diễn ra suông sẻ.
Tôi bất mãn với cách xét hạnh kiểm. Chỉ có Đoàn viên mới được hạnh kiểm tốt. Tất cả ai khác chỉ là loại khá là hết cỡ. Với tư cách Đoàn viên, lúc đó tôi cho là sự phân biệt đối xử bất bình đẳng.
Có một trường hợp của H.Th.Th.T khi xét điểm học tập nằm ở mức học sinh trung bình cũng không, mà lại cao hơn mức yếu. Chúng tôi đề nghị chọn mức trung bình cho rồi. Nhưng cô V.H. chọn mức yếu vì nói là mức trung bình chưa đạt. Thấy kỳ cục với kẽ hở trong quy định này.
Tôi mất tiên tiến học kỳ 2, coi như mất tiên tiến cả năm do nhiều môn được thả nổi (vừa đủ lấy trung bình) nhằm tranh thủ học kỹ các môn thi đại học. Cách này người ta gọi là “học lệch”.
Riêng tôi đã có cách riêng để thoát hiểm các môn không cần thiết...
Cái gọi là “chiến tranh hiện đại” của tôi là những phương pháp cọp-pi để thoát hiểm khi làm bài kiểm tra “các môn tào lao”:
– Tôi dùng viết chì vẽ mềm loại 3b, 4b (cho dễ xóa bằng... tay không) ghi lại bài trên bàn gỗ tại vị trí ngược sáng. Khi ánh sáng chiếu phản xạ từ bàn lên, tôi có thể đọc được những gì tôi chép nhưng thầy cô đứng theo chiều ánh sáng xuôi không bao giờ phát hiện chữ. Khi làm xong tới đâu, tôi làm bộ vươn vai, dùng tay (có dính ít mồ hôi càng tốt) chà lên những gì đã viết và xóa sạch chữ. Dùng trong trường hợp khi mình không bị đổi chỗ trong giờ kiểm tra.
– Dùng “microfilm”: viết chữ trên giấy “đi cầu” loại mỏng (vì thời đó khăn giấy còn hiếm) rồi xếp nhỏ trên tay. Bị phát hiện thì cho thẳng vô miệng... nuốt phi tang. Cách này có nhược điểm: ai bị đổ mồ hôi tay, coi chừng chữ lem hết sạch! Chưa kể nuốt không trôi, ói ngược ra càng chết lẹ!
– Lấy tập học thêm ngoại ngữ ghi bằng ngoại ngữ những gì sợ bị quên trong đó. (có thể nguệch ngoạc nét viết đỏ lên trên cho giống tập đi học thêm như nét bút của... thầy sửa bài). Nếu giám thị hỏi thì lấy lý do bàn sần sùi nên phải lót tập để viết cho êm. (sau này bàn viết hết sần sùi như xưa, cách này hết dùng).
Các cách trên của tôi thời đó chưa từng bị phát hiện. Ngoài ra còn thêm cách viết tốc ký đã được tôi nghĩ tới, nhưng không có điều kiện học và áp dụng.
Nhà trường tổ chức ôn tập cho tốt nghiệp bằng cách tăng thời gian học bốn môn thi.
Trong cái rủi có cái may khi mà tôi luôn bị thầy Ph. dạy Hóa đì bằng cách bắt lên bảng làm bài tập riết. Chưa kể thầy Ph. vốn ưa ra đề khó. Vì vậy đề thi tốt nghiệp thấy dễ hơn bài thi kiểm tra trong lớp quá nhiều. Hầu hết chúng tôi đạt điểm môn Hóa trên trung bình thậm chí là tuyệt đối. Dù sao môn Hóa vẫn là cơn ác mộng với tôi đến ngày nay.
Chưa từng thấy những bài làm văn  “rợn tóc gáy” xảy ra như cơm bữa như ngày nay. Càng chưa từng thấy ai than phiền về kết quả tệ hại của môn Sử [48].
“Không đọc lịch sử thì không đủ tư cách nói chuyện chính trị”. (Kissinger)
Ðể hiểu hiện tại và dự đoán được tương lai,
người ta phải biết đủ về quá khứ,
đủ để có được cái hiểu về lịch sử của một dân tộc.
(Lý Quang Diệu,  ngày 20-1-1980)
Học sinh không thích học Sử, học Văn, ta phải mừng vì sách Sử, sách Văn hiện nay quá lôm côm.
(Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần)
Chúng tôi mừng vì đã may mắn không bị mang tiếng “dính” vào những chuyện đó [49].
Sự thật là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học không khó khăn, dễ là đằng khác vì nó theo tiêu chuẩn chung của học sinh cả nước. Xưa nay rất ít thấy rớt đến nỗi người ta nói đậu dễ mà rớt khó. Cả nhà có tỏ ý lo lắng cho tôi. Tôi đã mạnh miệng tuyên bố: tôi mà rớt thì khỏi có ma nào đậu.
Kết quả kỳ thi khả quan đúng như bài bản xưa nay là tỷ lệ đậu trên 95%. Không biết trường nào dám tuyên bố như vầy chưa: tỷ lệ đậu 99.99%, rớt 0.01% vì duy nhứt một anh do đột ngột bị giựt kinh phong (hay bị Tào tháo “vật”) phải bỏ thi (!).
Tôi đậu với 35 điểm (Toán: 9, Văn: 6, Ngoại ngữ: 10, Hóa: 10).
Với số điểm đậu là loại giỏi nhưng kết quả chứng nhận trong văn bằng chỉ là loại khá vì người ta viện lý do kết quả học trong năm của tôi là trung bình (!)
Từ đây, tất cả lo ráo riết học luyện thi Đại học…
Thi Đại học.
Tôi nhớ ngày thi là 2 và 3 tháng 7-1987. Không khí ngày thi là một áp lực lớn cho các phụ huynh do nỗi sợ “bị bắt nghĩa vụ đi qua Campuchia” nếu thi rớt đại học.
Bên Kiến trúc của chúng tôi năm đó có tỷ lệ chọi 1:67. Quá thấp so với đại học khác (nghe nói đại học Y là 1:250). Nhưng chắc rằng mức độ thức khuya học bài thì ai cũng như nhau.
Năm đó đề thi Toán bị “ngựa về ngược”. Phần hình học là hình học phẳng (thay vì hình học không gian như mọi năm). Đa số chú tâm hình học không gian nên lần này không ít người bối rối. Hầu hết bị bí từ câu a. Rồi sau đó kẹt bỏ luôn phần còn lại.
Riêng tôi, tôi bỏ qua câu a, và chấp nhận dữ kiện của nó để làm tiếp các câu kế.
Khi trục trặc ở bài giải tích, tôi dùng phép khảo sát hàm số đơn giản để giải quyết dù mất nhiều thời gian hơn phương pháp khác. Nói chung tôi dùng các phép “dở nhứt” miễn là làm xong được. Chiêu này do thầy V. dặn dò trước khi thi để phòng khi gặp đề khó giải.
Riêng phòng thi của tôi, buổi đầu tiên đã bỏ cuộc khá đông. Giám thị lắc đầu ngao ngán khi gọi mấy tên mới có một người bước vô. Vắng mặt đến nỗi tôi ngồi giữa, ở bàn đầu, hai bên trống vắng; cả bàn phía sau: trống phốc!. Tôi bị cách ly với xung quanh. Ít ra nhờ vậy ít bị người khác quấy rầy hỏi bài.
Buổi thi Lý chiều hôm đó thì tình hình tệ hại hơn với thêm nhiều anh bỏ cuộc.
Như có linh tính báo, mà cũng như là một phép lạ khi sau khi về ăn trưa, tôi sực quên bài “sóng giao thoa” nên lấy tập ôn lại ngay lập tức để rồi buổi chiều phần lý thuyết có nội dung na ná. Tôi lên tinh thần và làm trọn bài thi nhanh chóng. Nói chung bài khá dễ. Tiếc rằng đáp số bị sai vì ghi thiếu dấu phẩy!
Sáng hôm sau, môn vẽ lại dễ dàng với chúng tôi. Thấy có thêm vài người nữa bỏ cuộc.
Trong thời gian chờ kết quả, chúng tôi đi chơi cho thả sức bù lại lúc gian nan học thi. Tuy nhiên cũng lo lắng không biết đậu rớt thế nào. Cả tháng sau mới biết kết quả.
Tôi đậu 19 điểm (Toán 5,5; Lý: 7,5, Vẽ: 6). Thủ khoa là anh Ng.Đ.H ở Đà Nẵng được 19,5 điểm (Toán: 6; Lý: 8; Vẽ: 5). Điểm chuẩn giờ chót đưa ra là 15,5.
Có người nghi ông già tôi đã “chạy điểm” cho tôi trước vì ít thấy ai thi lần đầu mà đậu cao. Hơn nữa, lúc đó, vì có thêm vấn đề cân nhắc ưu tiên lý lịch nên ban tuyển sinh hay giữ bí mật kết quả trúng tuyển giờ chót mới công bố. Năm đó nhiều người rớt lãng nhách vì đề dễ hơn mọi năm. Ai cũng chú tâm vô bài quá khó, gặp dễ quá, cứ tưởng bài có cạm bẫy nên suy nghĩ lung tung rồi lạc đề luôn [50].
Tất nhiên với tỷ lệ chọi 1:67 như trên vừa nói là quá thấp so với các trường “Nhứt y nhì dược, tạm được Bách khoa..” (đúng ra đại học hàng hải mới khó vô vì đòi hỏi lý lịch cao, ra trường dễ… buôn lậu làm giàu) [51]
Vào những năm cuối thập niên 90 thì người ta thi vào đại học qua câu “Nhứt Anh, nhì Tin, tam Kinh, tứ Luật” cũng như sau này khi giàu lên thì đi “xế hộp” (xin lỗi, từ “ôtô hòm, ôtô con” xưa rồi”) theo “Nhứt Mẹc, nhì Bi, tam Ri, tứ Nis” [52]. Tất nhiên khi đi làm còn phải “Nhứt Thân, nhì Quen, tam Chen, tứ Xếp” mới chắc ăn thêm.
Sau mỗi kỳ thi, ai cũng thấy nhiều người bất tài hãnh diện với lý lịch tốt mà sẵn sàng “chấp điểm” vẫn thi đậu dễ dàng cùng vô số kẻ có tài phải ôm hận vì lý lịch xấu mà bị phân biệt đối xử không được đi học.
Sau khi vô đại học, tôi gom hết tập vở cũ, thẻ Đoàn, kể cả giấy khen,... đem xé bỏ sạch với tâm trạng cực kỳ sung sướng và thanh thản! Ít nhiều cũng vơi được nổi ám ảnh về học thêm, thi cử, sinh hoạt hè, phong trào,... đã đày đọa tôi trong 12 năm. Chỉ còn học bạ và bằng tốt nghiệp bắt buộc phải giữ lại.
Đồng thời, tôi phải làm thủ tục cắt tiêu chuẩn “công nghệ phẩm” từ địa phương chuyển về trường đại học. Trong khi các sinh viên ở tỉnh phải làm thêm thủ tục cắt hộ khẩu ở tỉnh để chuyển về hộ khẩu ký túc xá của nhà trường.
Đời học sinh là giai đoạn đẹp nhất, theo văn chương hay ca ngợi, chỉ là một lý thuyết sáo rỗng (ít ra là) đối với riêng tôi.
Cái lý thuyết sáo rỗng vừa nói ở trên được thay thế bằng dòng “văn học hiện thực phê phán học đường” thì hợp lý hơn nhiều.
Tự kiểm thảo thấy mình học thiếu cái hay và thừa cái dở.
– Thiếu: lòng nhân ái, ý thức công dân bị xem nhẹ.
– Thiếu: kiến thức tổng quát do chương trình không hợp lý.
– Mất: phản biện do bị áp đặt suy nghĩ nhiều mặt. Lâu ngày mất xét đoán và tinh thần tự chủ mà không hay.
– Thừa: giả dối do bị buộc thể hiện điều mình không thích, không biết và không có.
– Thừa: thời gian lãng phí vì các hoạt động sinh hoạt đoàn đội, hay phong trào một cách vô bổ.
Để rồi NIỀM TIN tôi SỤP ĐỔ trước mâu thuẫn giữa SỰ THẬT và những gì đã học.
Đầu tiên, các thầy cô, trường lớp hãy dạy cho họ
– Những người trẻ tuổi, trẻ lòng ấy 

– Ý thức phấn đấu vươn lên, không nản lòng trước khó khăn, vấp váp.
Trên cơ sở này, họ sẽ hình thành được một thế giới quan tích cực,
nhận thức được những giá trị chân - thiện - mỹ để bước tới.
Cái đích cuối cùng là giúp cho họ luôn có ý nghĩ:
Kiến thức là quà tặng chứ không phải là nhiệm vụ ngán ngẩm.
Thứ hai, điều mà sinh viên chúng ta vẫn còn rất thiếu
và cần phải khắc phục sớm là
họ thiếu đi một tư duy phê phán và phản biện.
Giáo dục nhồi nhét thì dẫn đến “vô văn hóa”,
không hữu ích, không có hiệu quả.
Để tránh điều này, tại sao chúng ta không dạy sinh viên cái nhìn phê phán để tư duy có thể va đập mà ngộ ra chân lý?
Có không ít sinh viên Việt Nam thường làm ngơ trước những điều mình chưa hiểu?
Thứ ba, không kém phần quan trọng,
chúng ta hãy khuyến khích khả năng sáng tạo độc lập của người học.
Xét trên nhiều khía cạnh đây là cách tối ưu để đổi mới phương pháp học theo hướng tích cực hóa người học”.
(Giáo sư vật lý Vũ Văn Hùng)
Nhưng học trò ngày nay lại khổ hơn tôi:
– “Tiền lệ” đóng tiền học thêm, học trước chương trình với thầy cô của mình.
– Nhồi nhét bài vở từ sáng tới tối.
– Làm bài theo khuôn mẫu. Mất sáng tạo và suy nghĩ theo ý riêng.
– Đổi tuổi thơ “thực” lấy thành tích “ảo”.
– Đóng học phí và khoản ép thu “tự nguyện” theo “lệ trường”.
– Làm “vật thí nghiệm” cho các chương trình cải cách, sách giáo khoa sai, thậm chí trở thành “thí sinh thí nghiệm” cho các đề thi sai.
Có người vì “bức xúc” nên đã cải biên câu nói của Kennedy:
“Đừng đòi hỏi nhà trường sẽ dạy kiến thức gì cho bạn, mà hãy tự hỏi bạn phải đóng góp lợi nhuận bao nhiêu cho trường?”
Học gì mà từ khi mới lẹt đẹt vô mẫu giáo mà cũng bắt đầu manh nha nghe chữ “học thêm” dưới hình thức “đi gởi” cô giáo. Rồi từ khi vô lớp 1 thì sáng học, tối về nhà cũng tìm cô giáo để cô dạy thêm. Ai cứng đầu không đi học thêm rủi bị thầy cô đì ráng chịu.
Rồi khi học cao hơn,… vô cấp 2, rồi cấp 3... đến lúc học luyện thi thì cái chuyện học thêm là cơm bữa. Nhiều đứa học sáng trưa chiều tối lúc nào cũng học, chẳng thấy nghỉ ngơi chơi đùa gì hết trọi. Có đứa buổi sáng ông bà già chở đi học mà còn phải nằm ngủ trên xe, tới trường mới thức dậy. Nhiều em “teen” xinh gái xui xẻo đụng gia sư hàng “thứ dữ” thì được nạp chữ không những vô đầu mà còn vô luôn “đầy bụng”, hậu quả khôn lường khiến phải cầu quốc mẫu Từ Dũ cứu khổ! Đi học mà cực hơn công nhân làm cho Đài Loan, Hàn Quốc. Còn mấy ông bà già phải vào cuộc chạy đủ thứ: chạy tiền học lẫn chạy trường, chạy thầy, chạy xe đưa đón con hộc máu... tối về có khi tranh thủ làm bài giúp con cái. Coi như một dịp quý báu để  thể hiện tinh thần vì con em mai sau cho người ngoài khen ngợi tý cho mát ruột. “Hy sinh đời bố củng cố đời con” được cả xã hội ai cũng làm, chức quyền càng cao thì thực hiện càng triệt để. Đám dân ngu khu đen còn lâu mới có cửa so sánh nhau chuyện ấy. Trước mùa thi đầy áp lực từ mọi phía thì cha mẹ chỉ còn nước chửi ra oai cho đỡ tức: “Mày rớt thì chết với tao”. Mà trong bụng thì: “Mày đậu thì tao chết với mày” vì… tốn tiền lo cho con đi học tiếp! [53]
Học gì học dữ vậy, mà học cũng hơn gì ai đâu?
Đi thi mong vô được đại học cái đã rồi tính, vô đó học lề mề cỡ nào cũng được lận cái bằng giắt dảy lưng quần ra trường. Thấy học trò học kém vậy thì thầy có dịp dạy chúng nó để mà lãnh lương sống rồi cho nó ra trường, nó cũng sẽ chẳng hơn gì mình để mà giựt mối mình, thậm chí còn cám ơn mình nữa. Đánh rớt vô tư thì trường bị thất thu ngân sách và  thầy cũng bị khiển trách là dạy dở. Thôi mình không cứu chúng thì “phao” cũng cứu chúng, ai cứu cũng vậy! Mà trước mắt tụi nó tìm mình học thêm, mình không dạy thì thằng khác cũng dạy. Của dưng tận miệng thì... bỏ uổng của giời!
Chương trình học thì thật rậm rì rậm rịch mới chứng tỏ là chương trình cao cấp, phong phú về nội dung. Bao nhiêu tinh hoa đều ẩn núp kỹ trong các chỗ kín, kín đến nỗi học cho đến khi ra trường vẫn chưa biết nằm chỗ mô. Các giáo viên với thể chất “very impotent” do lương thấp không đủ ăn luôn cho rằng môn học của mình “very important”, cho dù đó là môn “trò không thèm học, thầy không muốn dạy”. Cộng thêm cái trò giáo dục kiểu thời đại kim tiền này thì chẳng ma nào dám đẻ nhiều con hết trọi. Khi biết tiền học của con cao hơn tiền nuôi con thì muốn đẻ cũng bị “dội đạn” trở lại, đẻ không “ra” nhiều như xưa. Nên tốt nhứt ai nấy tự mình biết khôn mà tránh thai cai đẻ.
Ta khen ai đã nghĩ ra cái chiến thuật nghi binh cho kế hoạch hóa này hay thiệt nghe! Khỏi phải tốn tiền trả lương cho mấy “thống chế đặt vòng” chỉ đạo thực hiện. Đỡ xót tiền dân. Mà hiệu quả cao. Đáng hoan nghênh! Nhưng dù sao thì tại đường G.P. tại thủ đô ngàn năm văn vật (xin lỗi suýt lỡ bút viết lộn thành ngàn năm dâm dật) đã sẵn chợ “nạo hút thai” cho ai có nhu cầu giải quyết hậu quả! (theo báo Tiếp Thị Gia Đình và docbao.vn ngày 3-11-2009). Biết đâu có ngày “chợ nạo hút thai” lại nâng cấp thành “siêu thị nạo hút thai” cũng không chừng!
Cái chính vẫn là tiền theo kinh tế thị trường chi phối. Bằng cấp cũng theo đó mà ra. Có tiền mua tiên cũng được, có vàng mua bằng cũng xêm xêm! Bảo đảm bằng thứ thiệt chính hiệu con lừa vàng, cứ đưa tiền rồi nằm ngửa ở nhà, ngày thi có người thi giùm, thi xong có bằng cấp giao tận nhà. Sướng chưa? Với điều kiện có… TIỀN. Bằng không thì nhiều tiền cũng sẽ mua được.
“Cái gì không thể mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền.”
“Trên đời này cái gì mua chẳng được, chỉ có điều trả đúng giá hay chưa mà thôi!”
(Năm Cam)
Từ cái kinh tế thị trường với cung - cầu tồn tại cùng lúc nên trường tư nhan nhãn mở ra. Ngoài những trường thông thường, đã nảy sinh thêm những trường chuyên thu nhận các học sinh “bị trường khác chê” cũng như những trường dành cho quý tử của đại gia đương thời. Cái quan trọng là có tiền để thoải mái lựa trường mà học [54].
Có bài “văn tế sống môn Văn” mà ai đó đưa trên mạng năm 2005 nói lên một phần thực trạng (thời điểm xuất hiện bài văn “lạ” [55] của em Ph.Th. ở Hà Nội):
Văn tế sống môn Văn
Hỡi ôi!
Báo đăng rần rần, người người cùng tỏ.
Mười năm công đèn sách, chưa chắc thành danh nổi tợ phao;
“Thi văn giỏi” lạc đề, tuy là rớt, tiếng vang hơn mõ.
Nhớ khi xưa:
Kính thầy như cha, thương cô như mẹ.
Chưa quen văn mẫu, đâu có học thêm;
Chỉ biết dạy hay, chỉ quen học tốt.
Tập hát, tập đàn, nhảy dây, đánh đáo… tay vốn quen làm;
Chit chat, học đòi, siêu nhân, hip hop… mắt chưa từng thấy.
Tiếng “cải cách” phập phồng hơn thập kỷ, trông đổi thay như trời hạn trông mưa;
Mùi nâng cao thấm thoát đã dăm năm; Chờ thí điểm lại thêm dài cổ.
Bữa thấy thằng em đeo cặp sách muốn đi học thay;
Ngày xem đứa cháu học thuộc lòng, dạ càng ngao ngán.
Một rừng quan văn đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu;
Cả chồng bằng cấp chói lòa, đâu cần kẻ bên ngoài dạy dỗ.
Cứ đợi người đòi kẻ bắt, mới họp nhau ra sức sửa sai;
Sách gì sửa tới sửa lui, sao không thống nhất cho dân đỡ khổ!
Khá thương thay!
Vốn chẳng phải thần đồng, kỳ nhân có thể thông cầm, kỳ, thi, họa;
Chẳng qua là cha mong, mẹ đợi, ép ngày đêm đàn, vẽ, toán, tin…
Hầu hết trò chơi trẻ nhỏ, không thể nếm qua; Hàng trăm môn học lớn bé, xếp giờ học hết.
Mới có dăm ba tuổi đầu thôi, có lớn lao chi mà phải chịu;
Tay non còn trói gà chưa chặt, đại học gì đã định từ lâu.
Thầy bắt xung phong giờ thao giảng, chuông reng trễ lấn cả giờ chơi;
Cô bảo giơ tay tiết dự giờ, không hiểu cũng giơ cho “sinh động”.
Cực nhọc vác xác đi tới trường, dạy nhiều, hiểu chẳng bao nhiêu, con chữ nhảy lung tung;
Khô thân lê gót học thêm, “trọng tâm”, đề thi sắp tới, cứ cắm đầu mà luyện.
Thầy dạy xuôi, cô dạy ngược, làm cho học trò hết vía hồn kinh;
Người ra đề, kẻ chấm thi, ai hiểu thế nào thì hiểu.
Ôi! Mênh mông biển học, “tiên học lễ” nào ai chịu quan tâm?
Trăm năm vẫn mãi “hậu học văn”, nào đợi đến ngày sửa đổi?
Đoái sông cửu Long, học trò lớp 5 chưa biết đọc;
Nhìn xứ Sài Thành, chạy đua trường điểm toát mồ hôi.
Chẳng phải cửu vạn bốc xếp nhà ga mà cong lưng vác cặp cho cam tâm;
Cũng không phải xe thồ, xe ôm mà suốt ngày đón đưa cho đáng số.
Nhưng thiển nghĩ: Con chữ, bài văn dạy cách làm người cho con trẻ nhà ta;
Sức khỏe bạc tiền dẫu bao nhiêu cũng đâu dám tiếc.
Vì ai khiến, em gái ta khó nhọc, ăn vội ngủ vàng;
Để ai xui, em trai người còm nhom, suốt ngày đeo kính.
Cải cách làm chi mà khổ rứa, sáng học thêm, chiều học bớt, tối học bù;
Nâng cao làm chi cho quá tải, trưa làm toán, tối làm văn, cả đêm mơ toàn chữ.
Thà học ít mà học chi hiểu đó, nhẹ nhàng đầu óc thảnh thơi;
Còn hơn nhồi nhét búa xua rồi “tẩu hỏa nhập ma” thêm khổ.
Ôi thôi thôi!
Trường tiễu học trăm phần trăm khá giỏi, mặt thầy cô sáng tựa trăng rằm;
Thi tuyển sinh đại học rớt ầm ầm, công cha mẹ trôi theo dòng nước đổ.
Đau đớn thay! Cha già ngồi làm toán, ngọn đèn mờ leo lét trong đêm;
Não nùng lắm! Mẹ yếu phải dò bài, cơn nắng gắt dật dờ giữa Ngọ
Ôi! Một trận thi văn, nhiều điều sáng tỏ.
Sách học ấy hãy còn nhiều cứng nhắc, đâu là sự sáng tạo học sinh?
Thầy dạy văn còn bắt đọc chép, ai cứu đặng trái tim biết cảm?
Học mà trả thầy cô rồi nợ, còn giữ gì ngoài bằng cấp giấy khen?
Học mà luyện văn mẫu thuộc lòng, sau ra đời sao viết đơn xin việc?
Thức cũng học, ngủ cũng học, ăn uống không thể rời tập, suốt ngày miệng lầm rầm cos, sin;
Học nhờ tủ, thi nhờ phao, giám thị ngó lơ chẳng biết, mặc học trò làm loạn chốn trường thi
Đổi thay tận gốc, giảm tải liền, đừng hoài bàn bạc thêm nữa;
Soạn sách cho khoa học, thôi giáo điều, để người người thở phào nhẹ nhõm.
Hỡi ôi thương thay!
Có nghe xin hiểu.
Ta cũng nên xem qua bài “văn lạ” của em Ph.Th. để hiểu thêm thực chất vấn đề:
Đề thi: Em hãy giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc…
Bài làm:
Nói đến Nguyễn Đình Chiểu, người ta thường nhớ đến một thầy giáo mù yêu nước, có tài thơ văn nhưng cuộc sống gặp nhiều bất hạnh. Nguyễn Đình Chiểu sáng tác khá nhiều, nổi tiếng là tập thơ Nôm “Lục Vân Tiên” và trong văn học lớp 11, chúng ta được làm quen với tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Bài tế được Nguyễn Đình Chiểu sáng tác để tưởng nhớ những chiến sĩ, những người nông dân đã hy sinh trong phong trào Cần Vương khi thực dân Pháp tấn công Gia Định, Sài Gòn.
Đề bài thi học sinh giỏi năm nay là “Giới thiệu vẻ đẹp của tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” nhưng thực sự em không hề thích tác phẩm này, như vậy em có thể viết hay được không? Em có thể chắc chắn rằng trong số 10 học sinh như em thì có 9 người cũng không thích tác phẩm này. Đơn giản bởi vì bọn em không sống trong thời chiến tranh, bọn em không thể rung động trước một bài tế khi mà thực sự bọn em đang sống trong thời bình. Bọn em không quay lưng với lịch sử, nhưng có nhiều cách để bọn em hiểu về lịch sử dân tộc hơn là phải học những bài tế khô khan, khó hiểu như thế này…
Em không thích tác phẩm này vì nó quá cứng nhắc, khó hiểu. Em đọc xong mà không hề có một chút xúc động hay xót thương, như vậy là lỗi tại em hay tại nhà văn không truyền tải được đến người đọc?… Chúng em và các cô - tức là những người ra đề - là hai thế hệ rất khác nhau; các cô không hiểu chúng em thì trái lại, chúng em cũng không hiểu những tác phẩm viết về cái thời các cô cũng chỉ bé như bọn em bây giờ…
Em nghĩ, đứng trước một tác phẩm văn học bao giờ cũng có ý kiến trái ngược khen - chê, hay - dở nhưng dường như học sinh bọn em chỉ có quyền thích, chỉ có quyền khen hay mà không có quyền nói lên chính kiến của mình, và việc phê bình văn học hình như chỉ là việc của các nhà phê bình. Phải chăng vì tư tưởng bảo thủ này mà suốt 63 năm qua, văn thơ của chúng ta chưa được “mới”?. Nhìn ra, chỉ ra cái hay của một tác phẩm văn học đã khó, nhưng chỉ ra cái hạn chế, thiếu sót của tác phẩm ấy còn khó hơn nữa, vậy mà chưa bao giờ bọn em được tỏ rõ chính kiến của mình trong một bài thi cả, tất cả chỉ vì áp lực điểm số.
Em biết bài viết này của em là hoàn toàn lạc đề, em không chỉ ra được cái đẹp, cái hay của tác phẩm bởi em không thấy nó hay, không thấy nó đẹp. Em cũng biết bài văn này cũng không được điểm nào, nhưng em chỉ muốn nêu lên chính kiến của mình trước tác phẩm, cũng như những bức xúc của một học sinh, khi phải học một chương trình không phù hợp. Em không muốn phải viết những lời khen sáo rỗng về một tác phẩm mình không thích. Và em hy vọng các thầy cô sẽ linh hoạt hơn trong việc ra đề để bọn em tự do bày tỏ chính kiến, tự do yêu ghét một tác phẩm nào đó“.
Tôi nhận xét: Bài văn hay và “có can đảm”. Thời tôi đi học không ai dám nói và viết như vậy vì có thể bị buộc vào bất cứ tội gì qua sự suy diễn linh tinh của người buộc tội mình.
Học xong phổ thông, tôi vẫn ráng tự hào:
“Ta vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác!”.
Chú thích:

[1] Q.L, vốn là con gái ca sĩ Th.L., lấy chồng lúc khoảng hè năm 1985 và nghỉ học luôn; M.A và D.Tr. sau này đi Pháp; X.K., Th.T. đi Mỹ; Ng.L. đi Canada; K.P đi Úc; chỉ còn Th.Q và tôi ở lại.
Tôi còn nhớ M.C.Đ. có nói: làm con rễ hay con dâu của ca sĩ khó xưng hô quá! Vì mình xưa nay hay có thói quen gọi ca sĩ là “con” hay “thằng”. Giờ đổi qua xưng “ba, má” không được quen miệng (!?).
[2] “Theo quy luật tự nhiên thức ăn trên thế giới tăng (theo cấp số cộng) chậm hơn nhiều so với dân số (tăng theo cấp số nhân), do đó không thể tránh khỏi tai họa đói nghèo, trừ phi có sự giảm dân số do chiến tranh, nạn đói, dịch bệnh hoặc có sự hạn chế sinh đẻ“. (Malthus)
[3] Đây là cái mâu thuẫn đáng chú ý: vô Đội thì bắt buộc mọi học sinh phải đi vô, trong khi tới lúc vô Đoàn lại không bắt buộc gì hết.
[4] Bấy giờ, báo chí có chỉ trích nhà văn hóa Lao Động tổ chức kinh doanh bán vé “vũ quốc tế”. Dưới 18 tuổi vẫn được mua vé tự do. Báo khác lại khen khiêu vũ là bộ môn giải trí lành mạnh: vì khiêu vũ sau ngày làm việc mệt nhọc sẽ giúp cho ngày hôm sau mình đi làm thoải mái với năng suất lao động tăng (!)
Khác với nhiều năm trước, nhảy đầm từng bị cấm vì bị xem là văn hóa trụy lạc do tàn dư Mỹ Ngụy để lại, nếu phát hiện có thể bị bắt bỏ tù.
[5] Chính sách “giá lương tiền” gây ít nhiều xáo trộn trong đời sống khiến một cô H.C dạy chính trị sau này cho chúng tôi có nhắc đến trong bài giảng và gọi nó thành “tiền lương giá”. Lần đó thấy Đoàn viên H.G nhìn cô vẻ mặt hầm hầm như định tố cáo cô vì tội gì đó.
[6] Mà khi đó, lợi dụng việc khan hiếm tiền lẻ, tuy giá gởi xe là 5 hào/lần, nhà xe viện cớ không có tiền thối (!) để lấy luôn 1 đồng/xe.  Chúng tôi cũng ngu sao lúc đó không kêu tính tiền xe luôn cho xe nào đó bên cạnh để cho đỡ tốn, vừa giúp nhau một phần.
[7] Trong sách “Quốc sử lớp Nhì” của Bộ Quốc Gia Giáo Dục của VNCH (in năm 1965), trang 131-132,  có bài đọc như sau:
Công cuộc cải cách kinh tế của nhà Hồ.
1. Muốn làm giàu công khố, Quý Ly đặt ra cách làm tiền giấy phát hành cho dân tiêu:
* Giấy 10 đồng vẽ cây rêu bể.
* Giấy một tiền vẽ đám mây.
* Giấy ba tiền vẽ con lân.
* Giấy một quan vẽ con rồng.
* Giấy 30 đồng vẽ cái sóng.
* Giấy hai tiền vẽ con rùa.
* Giấy năm tiền vẽ con phượng.
Dân phải đổi tiền đồng lấy tiền giấy tiêu, có cố ý tích trữ, ẩn nặc bị tội như vẽ giấy tiền giả. Vẽ giấy tiền giả bị tội chết chém.
Đó là phương pháp tài chánh mục đích làm cho nước giàu và làm dễ dàng việc mậu dịch trong nước, phương pháp ấy các cường quốc Âu Mỹ ngày nay đều thực hành.
2. Trái với các luật lệ nhà Trần, Quý Ly lập lệ rằng, trừ những bậc vương hầu ra, những thường dân dầu là người tôn thất hoặc hoàng phái, cũng không được có trên 10 mẫu ruộng, ai có thừa phải nộp cho quan, ai có tội có thể lấy ruộng mà chuộc tội.
Phương pháp này có mục đích làm cho nền kinh tế trong dân gian khỏi bị quá ư chênh lệch.
Lê Văn Hòe (Quốc sử đính ngoa).
[8] Ở một số trường, học sinh phải đi lột vỏ sò điệp ở xí nghiệp Cầu tre như trường M.C. Một  thầy giáo Anh văn tên Ph.Nh.L hôm đó đã hòa đồng với học sinh mình bằng cách mặc áo bà ba, đội nón lá, đi xe đạp theo tinh thần lao động XHCN thầy đã học. Việc này không hiểu sao khiến bà hiệu trưởng T.Ng gọi thầy lên trách mắng vì cho rằng thầy xuyên tạc, bêu riếu nhà trường. Thầy tức quá nghỉ dạy luôn.
[9] Lúc đó mấy Đoàn viên đã định nghĩa cho chúng tôi như sau: lao động XHCN là lao động không tính tiền công, còn lao động CSCN là có tính tiền công mà mình tự nguyện không nhận vì lợi ích chung.
[10] Bấy giờ chủ nghĩa lý lịch có quy định bất thành văn là thí sinh đạo Công giáo (kể cả Cao Đài, Hòa Hảo) đương nhiên không được vào Sư Phạm dù có thi đậu.
[11] Tôi nhớ có lần, khi thấy nhiều học sinh xao lãng học hành, thầy B. ở lớp khác đã bực tức nói: “Mình phải học là học cho mình trước, bắt mình học cho người khác hưởng thì ai thèm học làm gì cho mất công!”
[12] Chuyện trên vẫn còn đỡ hơn chuyện một thầy dạy Sử ở trường Saint-Exupéry (không biết tên mới là tên gì) hồi năm 1976, chỉ vì phát âm “Bún-cà-ri” (Bulgary) mà đám Đoàn viên đã tố cáo lên ban giám hiệu bắt thầy làm kiểm điểm trước hội đồng trường. Thầy tuyên bố thà nghỉ dạy chứ nhứt định không chấp hành bản án kỷ luật vô lý trên.
Khoảng những năm này, nhiều đoàn viên còn dám mạnh miệng khiển trách thầy tại lớp nếu thầy nào “lỡ miệng” nói đụng chạm những vấn đề “nhạy cảm”.
Hiện tượng có “ăng ten” theo dõi và tố cáo anh em không khác chuyện trong tù được bạn bè nhiều lần rỉ tay cảnh báo với nhau. Nhưng không ngờ thầy cô luôn là những nạn nhân đầu tiên.
[13] Có người kể lại sau này có gặp H.G ở Mỹ, G. có ý sám hối về những suy nghĩ của mình ngày trước và xác nhận rằng sang Mỹ rồi mới thật sự “sáng mắt” được nhiều thứ. Nghe vậy chúng tôi cũng tha thứ cho G.
[14] Ba Môi trường: Nhà trường, gia đình, xã hội; bốn phẩm chất thì tôi không nhớ (nhờ anh em bổ sung)
[15] Lần vào dinh Gia Long, khi đi ngang một căn phòng được hướng dẫn viên nói là đường xuống hầm bí mật, tôi âm thầm xé lẻ chui xuống dưới coi sao. Xuống một hồi, thấy mùi cống nồng nặc, sau đó không xuống được nữa vì thấy cầu thang trước mặt tôi ngập nước cống đen ngòm. Đành chịu phải quay lên.
[16] Bấy giờ việc tiếp xúc “người nước ngoài”vẫn còn bị cấm và phải xin phép như luật bất thành văn. Có nghe nói là làm thông dịch viên phải có giấy phép của bộ nội vụ.
[17] Cuối cùng chỉ duy nhứt anh Ng.Tr.Đ. bên lớp 12P1 chịu khó đi theo học đến hết học kỳ 2 và được trường Lê Thị Hồng Gấm cấp chứng chỉ thợ hàn bậc 1.
[18] Có nghe một câu ca dao như sau:
Thằng Trời hãy ghé lại đây,
Để xem thủy lợi làm thay thằng Trời.
[19] Có một lần X.K, sau khi đi học bồi dưỡng học sinh giỏi văn, đã đưa tôi xem một đề thi vừa mới học: “Hãy nói lên hình ảnh người phụ nữ Việt Nam qua câu nói “còn cái lai quần cũng đánh” của chị Út Tịch”. Tôi tự nghĩ là nếu gặp bài này thì chắc đành chịu thua trước vì nó không nằm trong “cẩm nang” được bạn trao truyền. Một phần tự an ủi rằng “người biết thua thì không chết”.
Coi như chúng tôi dự tính sẽ đụng những đề văn có yêu cầu “tréo ngoe” bắt mình phải tự ngụy biện sao cho hay, cho phù hợp.
[20] Việc này khác hẳn với học sinh ngày nay trở nên ích kỷ không dám giúp đỡ nhau, thậm chí còn không cho bạn mượn chép bài khi bạn bị bịnh ở nhà, chứ đừng nói là sẵn sàng chép bài giùm bạn khi bạn nghỉ học như chúng tôi bấy giờ.
[21] Có lần bài kiểm tra môn Sử có câu: “Phân tích nguyên nhân thất bại của phòng trào Cần Vương, Văn Thân”.
Sau khi ghi hết ý trong sách giáo khoa, vì thấy bài còn ngắn, tôi rảnh tay ghép thêm ý lấy từ “Việt Sử” lớp đệ nhất của nxb Tao Đàn (1960-1961) đoạn như sau: “Khuyết điểm của phong trào chỉ thiên về quân sự, bỏ rơi công tác chính trị và theo chủ trương tôn giáo hẹp hòi. Thay vì đoàn kết các tầng lớp chống Pháp thì lại tàn sát giáo dân. Không thể vì một thiểu số theo giặc mà coi cả giáo dân như thù địch. Do vậy, nhiều giáo dân chống lại nghĩa quân để bảo vệ tài sản tính mạng, nhất là lòng tính ngưỡng”.
Bài bị cô giáo gạch bỏ hết đoạn này. Cũng không phê lý do tại sao... Tôi nghĩ là vì ý “ngoài luồng, ngoài sách” có thể gây “mất đoàn kết” (???) nghiêm trọng.
[22] Tôi và vài anh em khác đã “chơi xấu” bằng các ghi: “Không hiểu gì cả”. Trước mắt cũng vì tức khi thấy nhiều bạn không hiểu gì mà vẫn ráng ghi: “Hiểu  một ít”.
[23] Thầy Nh. có đặc điểm khác thầy cô khác: lau bảng sạch sẽ trước khi đi về. Điều này đến nay tôi chưa từng thấy ở bất cứ giáo viên nào.
[24] Đây là cái bịnh phát âm sai phổ biến du nhập từ miền Bắc vào, nhứt là khi có chủ trương “Việt hóa” tất cả các từ. Việc khiến cho nhiều khi tra tự điển, không biết phải tra tên thiệt ra làm sao. (Alexandre = A-lếch-xăng-đờ-rờ; Bill Clinton = Biu Cờ-lin-tơn; Napoléon Bonaparte = Na-pô-lê-ông Bô-na-pác-tơ… !!!)
[25] Sau này còn biết bài thơ như sau của Việt Phương:
“… Người ta dạy tôi:
Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ,
Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ,
Tôi đã sống một phần hai thế kỷ,
Để hôm nay làm đĩ với tâm hồn…” 
[26] Sau này học luyện thi, trước các bài tập của quyển “toán sơ cấp” của Liên Xô, tôi thấy câu nói thầy là đúng. Với nhiều bài toán khó giải trong đó, nhiều người khẳng định ai giải nỗi cuốn đó coi như đạt cử nhân toán Việt Nam!
[27] Anh ĐVK trong lớp bị phường bắt đi đăng ký nghĩa vụ ngay ngày kiểm tra một tiết môn Pháp văn. Thầy Nh. có quy ước với cả lớp hồi đầu năm rằng ai vắng mặt hôm kiểm tra coi như lấy điểm thấp nhất của bài trong lớp bửa đó là điểm của mình. Nên hôm đó K phải chịu điểm thấp không khiếu nại gì được.
[28] Thời điểm đó có thầy đã sắm xe hơi dễ dàng sau mùa thi. Tệ lắm cũng sắm xe honda “cub” mới.
[29] Nhớ thầy C.A.H hay nói: tao chỉ thích những thằng học loại “trâu” (chăm học, lì lợm trước bài khó); xem lớp chúng tôi là lọai “heo” (học thua một bậc). Lớp khác tệ hơn thì là hạng “gà vịt” không đáng kể đến. Thầy cũng hay tự hào thằng con mình là vận động viên Thái Cực Đạo. Còn đá banh thì khỏi nói, ai bàn tới thì thầy bình luận… quên cả dạy.
Thầy có lần cũng nói câu để đời: “Nếu thầy nào thích làm giàu thì tốt hơn nên đi buôn. Buôn hàng nhà nước cấm càng tốt (!)”.
[30] Thầy Ng.Th.V. thì hay mắng yêu học trò “Thằng thô bỉ nào…”
Giống như thầy Q. dạy Toán cho tôi ở đại học sau này lại hay quen cười gọi học trò là “thằng cha, con mẹ”, “mày, tao”. Có điều thầy không bao giờ đì ai. Kỳ thi lại lần hai đều được thầy cho qua hết. Thầy hay nói nửa giỡn nửa thiệt: “Tao dạy mà tao còn không hiểu huống hồ chi tụi bây học!”. Nghe kể một anh ghé nhà thầy để xin đề thi thi lại cho ngày mai. Thầy nghe réo không ngủ được bèn đứng trên lầu cao đọc: ”Câu 1:…” Lát sau nghe réo tiếp không ngủ được, thầy đọc tiếp: “Câu 2:…” Rồi lát nữa.. “Câu 3:…” cho đến hết đề thi để anh nọ đi về cho rồi!
[31] Cái thời bao cấp làm chúng ta không bao giờ quên cảnh ngăn sông cấm chợ khắp nơi mà bấy giờ, món nào xuất khẩu được đều được quy là hàng “quốc cấm”: hột điều, tôm càng,  tôm khô,,.. Ai vận chuyển mà bị phát hiện có thể bị bắt bỏ tù.
[32] Có anh chơi phá thầy bằng cách nhờ thầy giải bài tích phân vô hạn ∫xx. Khiến thầy suy nghĩ cả buổi quên dạy. Khi giải không ra thầy hỏi có phải là bài do ông C.A.H đưa ra hay không? Hễ thiên hạ thấy bài khó cứ tưởng đề do thầy C.A.H đưa ra!
[33] Có người nói “Bỏ qua Sư Phạm”.
[34] Đến khi vô năm cuối đại học, tôi đã tiến bộ đến mức là đã dùng nhiều dữ liệu “ma” một cách “khoa học và lô-gích” gắn liền với cơ sở biện chứng chặt chẽ kết hợp với  văn chương “làm sẵn” khiến thầy, vốn từng là Phó tiến sĩ, phải mờ mắt và cho tôi điểm cao nhất lớp. Cũng nhờ vậy tôi dám tự hào là học khá môn chính trị trong lớp.
Ngược lại, năm 2005, em Ph.Th. ở Hà Nội đã “thật thà, dũng cảm” thể hiện cảm xúc thật của mình qua bài văn “lạ” khiến cho làng giáo xôn xao. Em đã dám phơi bày Sự thật mà tất cả thầy trò chẳng ai dám nói ra. Xin được nghiêng mình khâm phục lòng can đảm của em Ph.Th.! Tôi tự cho tôi ngày xưa đã quá hèn nhát không dám làm được như vậy.
Năm 2006, em Ng.T.Tr tại Pháp viết bài “Thư gởi bộ trưởng Giáo Dục” đăng trên trang BBC tiếng Việt. Bài rất hay gây xôn xao dư luận,  tới ngày nay đọc lại thấy vẫn còn hay. (xem: http://www.bbc.co.uk/)
[35] Thầy V.H.B. dạy toán lớp 10 của chúng tôi ngày trước đã tố cáo việc này. (http://vietbao.vn/)
Năm 2009, nhân vụ “thầy giáo bắt học sinh thụt dầu” khiến thầy bị thôi việc trái pháp luật. Coi như thầy bị “bọn xấu” trả thù một cách đê hèn.
http://www.nld.com.vn/
[36] Cô H. có lần ưu ái tặng tôi và Th.Ng.T mỗi người một vé coi video phim “Cléopâtre” (E.Taylor đóng) tại rạp chiếu phim tư liệu ở Phan Kế Bính. Vì là phim hay trong thời video chưa được tự do sử dụng (và phải đăng ký giấy phép), tôi cúp học luyện thi để đi coi. Một phần ba tôi hồi xưa coi hụt phim này nên cũng đồng ý cho con mình cúp cua đi coi cho… đỡ tức.
Khi video chưa phổ biến, những nhà gần khu nhân viên ngoại giao Liên Xô có thể rà TV bắt đài Liên Xô coi cho biết. Thỉnh thoảng cũng có được nhiều phim hay chương trình ca nhạc hay.
Chừng ít lâu sau, video tràn lan kèm theo những tệ nạn “xóm video đen”, “xóm phim sex” ở Tân Sơn Nhứt, Gò vấp. Bạn bè lâu lâu có người lén thuê đầu video và phim “ngoài luồng” về coi rồi kể lại cho lớp. Phim bộ Hồng Kông (chưởng, tình cảm, xã hội đen) và “phim lẻ” của Mỹ được ưa chuộng. Phim càng bị cấm càng quý (bấy giờ anh em hay lùng tìm Rambo 2 do S.Stallone đóng, sau này vài năm còn có thêm “Yêu tiếng hát Việt Nam” do Lưu Đức Hòa đóng). Lâu lâu nghe công an đi ruồng bắt những nơi chiếu video không xin phép hay sử dụng đầu máy video không đăng ký. Ấy là chuyện sau này...
[37] Tôi xém bị tự kiểm lần nữa khi thầy Đ. hỏi: ích lợi nào của việc xây dựng các thành phố lớn? Tôi nói leo: “Xây nhà hàng, quán nhậu”. Thầy trố mắt nhìn và cười ngất . Lớp cười theo. X.K đá tôi ra dấu cho biết là mấy cán bộ Đoàn đang gườm tôi phía sau lưng. Một phần ai cũng biết là thầy Đ. hay đi nhậu với thầy Th. dạy Sử cùng với mấy thầy khác gần trường sau giờ dạy học.
Lần khác có dự giờ, thầy có hỏi người Kinh nguồn gốc từ đâu. Anh Đ.V.K bên bàn dưới đã nói leo: “Bắt nguồn từ… Bắc Kinh!” Khiến cả lớp cười khúc khích. Còn cô hiệu trưởng ngồi ở bàn chót tỏ vẻ bực bội vì câu nói “nhạy cảm” trên.
[38] Người trả bài môn này đầu tiên trong năm là tôi. Cô hỏi các bộ phận trên cơ thể heo. Tôi trình bày đầu tiên nhơ: “cái đuôi, (cả lớp cười rần) kế tiếp là v.v... mà chưa đủ. Cô hỏi riết là còn cái gì nữa? tôi bí quá nói “hậu môn”. Thầy trò cười nghiêng ngả. Tôi về chỗ với 7 điểm. Nghe nói kể lại sau này là nếu cô vui được là mình được điểm đậu!
Lần kiểm tra 15 phút, tôi bị rớt dưới trung bình. Giờ sinh hoạt cuối tháng đầu tiên của năm học, trong phần nhận xét các môn học, Tôi đứng lên phản ảnh sự “kỳ cục” của môn này cùng với cách “đòi hỏi quá đáng” mất thì giờ của một môn không cần thiết. Mỗi khi tôi kết thúc câu, phía bàn của M.C.Đ vừa cười đồng thanh hô: Thưa cô, đúng!…Thưa cô, có!… làm cả lớp cười rộ từng đợt.
Cô H. tuần sau vô lớp có vẻ tức về vụ này. Vẫn chưa biết chính tôi đã lên tiếng phản ảnh.
Khi học bài học về sán lãi heo, cô có gợi ý là thấy con nít sán lãi thế nào thì heo bị sán lãi sẽ thế đó. Tôi vọt miệng nói: “Bụng bự!”. Cả lớp cười ầm. Tôi ngó kỹ mới biết là cô đang... có bầu mấy tháng!
Bài thi trắc nghiệm cuối học kỳ 2, tôi vừa đủ điểm đậu. Trong bài có hỏi ngày heo đẻ khi gieo nọc ngày… tôi tính không ra nên ghi đại 8/3 cho bỏ ghét. Cô gạch bài và cho 0 điểm câu đó (chắc cô cũng bực lắm!)
Tôi thấy Th.Ng.T liên tục khiếu nại các điểm thi ngay cả những môn phụ như môn này. Mục đích không ngoài tham vọng đạt Đoàn viên xuất sắc toàn diện để ưu tiên lý lịch vào đại học.
Mà gặp giờ học mấy môn phụ này thì Đ.V.K. lớp tôi “đi Đà Lạt” miết! Tức là ngủ gục trong giờ học. Lâu lâu nhìn ra bàn sao bảo đảm sẽ thấy K nằm lăn trên bàn ngủ tỉnh queo. Vì tầm nhìn bị khuất nên nhiều cô không để ý để mà khiển trách. Trái ngược với Th.Ng.T. cứ kèo nèo từng điểm, Đ.V.Kh. học cho lấy có, miễn sao đủ điểm không bị cấm thi đại học rồi tính tiếp.
[39] Năm này các chương trình trào văn nghệ của trường đã thấy xuất hiện trình diễn hát nhạc nước ngoài. Một nhóm anh em lớp 11 lần nọ biểu diễn thành công với bài Hello (của Joy) khiến cả trường vổ tay vang dội. (hình như là nhóm của cô L.K.S.)
[40] Bức tranh biếm họa “Đôi bạn học tập”: điếu thuốc lá cùng cây viết đặt song hàng giấu trong cuốn tập học trò hôm đó được giải nhứt cuộc thi vẽ tranh hôm đó và báo Tuổi Trẻ Cười đã trích đăng. Không nhớ tranh của tác giả nào. Ý tưởng hay!
[41] Theo quy chế khoảng thập niên 80, các đối tượng thì sinh chia làm 4 nhóm:
1. Nhóm 1: đối tượng 1 đến 4.
2. Nhóm 2: đối tượng 5 đến 8.
3. Nhóm 3: đối tượng 9 đến 11.
4. Nhóm 4: đối tượng 12.
Vì gần ¼ thế kỷ nên tài liệu chi tiết về 4 nhóm trên không còn tìm ra được. Chỉ nhớ mang máng là đối tượng 10: gia đình công nhân viên bình thường; đối tượng 11: gia đình không công nhân viên, buôn bán; đối tượng 12: gia đình có người đi tù, đi “học tập cải tạo”, hay vượt biên, đi nước ngoài.
Đến 2009, các đối tượng ưu tiên chỉ còn như sau (theo tin247.com):
Nhóm ưu tiên 1 (UT1) gồm các đối tượng:
– Đối tượng 1: Công dân Việt Nam có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số.
– Đối tượng 2: Công nhân trực tiếp sản xuất đã làm việc liên tục 5 năm trở lên trong đó có ít nhất hai năm là chiến sĩ thi đua được cấp tỉnh trở lên công nhận và cấp bằng khen.
– Đối tượng 3: Thương binh, bệnh binh, người có “Giấy chứng nhận người được hưởng chính sách như thương binh”; Quân nhân, công an nhân dân tại ngũ được cử đi học có thời gian phục vụ từ 12 tháng trở lên tại khu vực 1; Quân nhân, công an nhân dân tại ngũ được cử đi học có thời gian phục vụ từ 18 tháng trở lên; Quân nhân, công an nhân dân hoàn thành nghĩa vụ đã xuất ngũ có thời gian phục vụ từ 18 tháng trở lên.
– Đối tượng 4: Con liệt sĩ; Con thương binh mất sức lao động 81% trở lên; Con bệnh binh mất sức lao động 81% trở lên; Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh“, làm suy giảm khả năng lao động 81% trở lên.
Con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng, con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động; Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 hoặc con của người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học là người được ủy ban nhân dân cấp tỉnh công nhận bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt, học tập do hậu quả của chất độc hóa học.
Nhóm ưu tiên 2 (UT2) gồm các đối tượng:
– Đối tượng 5: Thanh niên xung phong tập trung được cử đi học; Quân nhân, công an nhân dân tại ngũ được cử đi học có thời gian phục vụ dưới 18 tháng không ở khu vực 1.
– Đối tượng 6: Con thương binh mất sức lao động dưới 81%;Con bệnh binh mất sức lao động dưới 81%; Con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh“, làm suy giảm khả năng lao động dưới 81%.
– Đối tượng 7: Người lao động ưu tú thuộc tất cả các thành phần kinh tế được từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW (gọi chung là cấp tỉnh), Bộ trở lên công nhận danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, được cấp bằng hoặc huy hiệu Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; Giáo viên đã giảng dạy đủ 3 năm trở lên thi vào các ngành sư phạm; Y tá, dược tá, hộ lý, kỹ thuật viên, y sĩ, dược sĩ trung cấp đã công tác đủ 3 năm trở lên thi vào các ngành y, dược.
Lưu ý: Thời hạn tối đa được hưởng ưu tiên đối với quân nhân, công an phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành dự thi là 18 tháng kể từ ngày ký quyết định xuất ngũ đến ngày dự thi; Người có nhiều diện ưu tiên theo đối tượng chỉ được hưởng một diện ưu tiên cao nhất.
[42] Sau này vô đại học chẳng ai thèm hỏi đến lý lịch Đoàn của tôi. Thậm chí có một thằng em bạn sẵn sàng làm lại liền cho tôi một bộ hồ sơ Đoàn mới để nhà chơi cho vui nếu tôi thích. Phong trào Đoàn coi như xẹp hẳn. Có đứa còn nói thẻ Đoàn không đủ giá trị để thế chân để thuê video phim sex thì không việc gì phải “vô”!. Khoảng cuối năm 90, có một thầy bí thư Đoàn trường mới vừa được chuyển về trường chưa bao lâu thì bị trường trục xuất. Lý do thầy đã tặng cái bầu cho một em sinh viên trường bên cạnh và cô này đã đến trường kiện. Báo Thanh niên có đưa tin, nếu không lầm, với tựa là “Hậu quả một mối tình”. Từ đó phong trào Đoàn trường trong những năm tôi ở đại học cũng đi dần vào quên lãng…
[43] Có quen một anh bạn tên H. lớp 12A5 không thể dự thi vì hộ khẩu ở Hà Nội nên không thể về Hà Nội xác nhận hồ sơ được. Phải bỏ đăng ký thi đại học.
[44] Sang năm sau, việc đóng học phí tại .trường phổ thông được chính thức đưa ra, kèm theo các quy định về đồng phục, áo dài... rồi thêm các khoản thu bị ép “tự nguyện” đóng. Chúng tôi mừng vì đã ra trường! Từ đó, những thế hệ đi sau chúng tôi lãnh đủ mọi cải cách và thí nghiệm kèm nhiều hệ lụy khác.
Khi điểm lại chi phí ăn học, trong anh em chúng tôi, tôi học ít tốn kém nhứt, tới thằng em út thì tốn kém hơn hết, đến nổi lên đại học cũng phải tìm mấy thầy dạy môn học của mình đóng tiền học thêm thì mới thi đậu.
Đến ngày tôi làm bài tốt nghiệp (1992), chi phí làm bài của tôi chừng 100 ngàn mà không nhờ vả ai khác làm giúp. Lệ phí tốt nghiệp cũng không. Trong khi thằng em làm bài (1996) thì vừa tốn kém, vừa phải nhờ người nhà cùng bạn bè hè nhau giúp sức. Chi phí làm bài và lệ phí tốt nghiệp lên tới bạc triệu.
[45] Có lẽ cũng là vụ đánh lộn mà nạn nhân là một anh học bên lớp Nga văn tên Ph., phải nhập viện cấp cứu do bị một chai thủy tinh đập vào mặt.
[46] Trong khoảng năm này, báo Tuổi Trẻ Cười có chuyện tiếu lâm như sau: Người anh đi lính Ngụy, người em theo Cách mạng. Sau khi cải tạo ra, người anh đi làm được thăng tiến liên tục trong khi người em không thể ngóc đầu thăng tiến nỗi. sau này mới biết lý do: lý lịch người anh ghi là: “Có em đi theo Cách mạng”, đồng thời lý lịch người em là: “Có anh là lính Ngụy”.
[47] Câu chuyện K. - Th kết thúc dang dở lãng nhách. Nghe X.K. kể là có người đâm sau lưng mình và châm dầu vô lửa bằng cách bịa câu chuyện để ba má L.L.Th. hiểu lầm X.K. và đẩy cho L.L.Th. đi “hợp tác lao động” bên Đông Đức cho dứt mối quan hệ.
… Em, giờ hai đứa mình xa nhau rồi.
Đường em đi mây giăng đẹp lối.
Đường anh. về gió mưa tơi bời.
Em, anh xin em kỷ niệm ngày xưa,
Dù hun hút tựa như giấc mơ
Đừng bôi xóa đừng quên nhé em.
Thôi, mình “Nhìn nhau lần cuối” đi em
Mai xa cách rồi, chừng nào thấy nhau…
(Nhìn nhau lần cuối - Nhật Trường)
Tôi không biết tiếp chuyện sau đó… Buồn và thông cảm cho cả hai bạn, cũng ứa gan vì thấy bạn bị chơi xấu. Sau khi nước Đức thống nhứt, nghe kể rằng bà con của Th. bảo lãnh Th. Sang Úc. Từ đó L.L.Th cũng mất liên lạc với chúng tôi. Bài hát trên được ghi lại vì nó đã thấm thía đúng tâm trạng bạn tôi lúc bấy giờ.
[48] (trích từ bài “Bàng hoàng môn Sử” trong http://chuyentrang.tuoitre.vn/
“… Bốn trường mà chúng tôi chọn để thống kê này đại diện cho bốn vùng miền khác nhau. Tính chung cả bốn trường này có 23.588 TS dự thi khối C thì chỉ có 2.296 TS đạt điểm môn sử từ 5 trở lên, tỉ lệ là 9,73%.
Bắt đầu từ ĐH Sư phạm Hà Nội, khối C của trường này có 5.399 TS dự thi thì lượng TS đạt trên 20 điểm/3 môn chỉ có 358 TS, từ 15 điểm trở lên/ 3 môn là 1.411 TS. Trong đó, môn lịch sử thì sao? Toàn trường chỉ có 103 TS đạt từ 8 trở lên, 804 TS đạt từ 5 trở lên, 985 TS đạt từ 4,5 điểm trở lên. Nếu thống kê số TS có điểm bài thi từ 3 điểm trở xuống thì có đến 4.048 TS; từ 2 điểm trở xuống có 3.541 TS và 1 điểm trở xuống có 2.828 TS. Làm bài toán giản đơn ta sẽ thấy số TS đạt điểm trung bình môn lịch sử chỉ có 14,9% (số liệu đã làm tròn).
Thế nhưng con số tỉ lệ trung bình của ĐH Sư phạm Hà Nội còn được xem là an ủi. Vì ngay như ĐH Sư phạm TP.HCM có 9.008 TS dự thi khối C mà cũng chỉ có một TS đạt 22 điểm/3 môn; 14 TS đạt 20 điểm/3 môn và nếu lấy ở mức điểm trung bình là 15 điểm/3 môn thì chỉ có 398 TS. Trong đó, môn lịch sử chỉ có 5 TS đạt từ 8 điểm trở lên và nếu lấy 5 điểm trở lên thì trường này chỉ có vỏn vẹn 308 TS, lấy 4,5 điểm trở lên chỉ có 426 TS.
Nếu tiếp tục thống kê theo chiều đi xuống lại càng khủng khiếp: số TS có điểm bài thi từ 3 điểm trở xuống có đến 8.102 TS, từ 2 điểm trở xuống có 7.269 và từ 1 điểm trở xuống có 5.856 TS. Chung cuộc trường này chỉ có 3,41% TS đạt điểm trung bình môn sử.
Trong khi đó ĐH Đà Lạt khối C có 7.807 TS dự thi, có 13 TS đạt 20 điểm trở lên/3 môn thi, 361 TS đạt 15 điểm trở lên/3 môn thi. Nếu xem ở mức 1 điểm trở xuống, môn lịch sử có 4.650 TS, 2 điểm trở xuống có 6.022 TS và 3 điểm trở xuống có 6.812 TS. Còn 4,5 điểm trở lên có 521 TS và điểm trung bình 5 điểm trở lên của môn này chỉ có 372 TS, tỉ lệ đạt điểm trung bình là 4,76%.
Còn ở ĐH Sư phạm Đồng Tháp có 1.374 TS dự thi khối C thì chỉ có 4 TS đạt 8 điểm trở lên ở môn lịch sử, 126 TS trở lên đạt mức sàn 5 điểm trở lên và 177 TS đạt mức 4,5 điểm trở lên. Số còn lại đều chia đều cho tốp dưới, vì có đến 486 TS đạt từ 1 điểm trở xuống, 801 TS đạt từ 2 điểm trở xuống và 1.052 TS đạt từ 3 điểm trở xuống. Trung bình ĐH Sư phạm Đồng Tháp có 9,17% số TS đạt điểm trung bình…” (hết trích).
Theo http://1nguoiviet.wordpress.com/ghi lại một cuộc phòng vấn của M.V.H. với nhà Sử học H.V.Th., ông này nói thẳng như sau:
“ Tôi nói thật với chị, lịch sử Việt Nam hiện đại, chỉ có 30% sự thật, 70% giả dối. Đó là điều rất đau lòng. Ví dụ, đánh nhau 30 năm, với Pháp và Mỹ mà Việt Nam không thua trận nào là không thể chấp nhận được. Hay như Lê Văn Tám ấy, châm lửa rồi chạy. Làm sao mà chạy được, 5m là gục xuống liền. Hay Tô Vĩnh Diện  lấy thân chèn pháo. Quả pháo nặng hàng tấn, nó đè cho dập nát, chèn thế nào được. Nhiều vô cùng những chuyện như thế, chị ạ. Sự dối trá đó làm sinh viên không thích sử nữa. Thấy sử là bịp bợm, chán quá! Tôi đã viết trên báo Lao Động năm 2005, “Lịch sử theo trang sách học trò”, tôi vạch rõ. dậy sử mà suốt ngày phải nói dối, điều đó đau lòng lắm…”
Trước đó, theo http://thethaovanhoa.vn/ ông có nói: “… người viết bài này đang ăn lương của Bộ GD-ĐT nên hiểu rất rõ hậu quả sẽ như thế nào một khi không đỡ nổi gánh nặng ngàn cân của cuộc đời. Tuy nhiên, vì mong muốn có một sự công bằng, thỏa đáng hơn trong thi tuyển sinh nên buộc phải nói ra những điều mà mình nghĩ là đúng. Vì vậy, để đảm bảo lẽ công bằng của sự đối chất, xin phép Bộ GD-ĐT trả lời mấy câu hỏi nhỏ:
1. Đáp án môn Sử năm nào cũng sai. Tại sao cứ sai triền miên như thế mà không thấy ai chịu trách nhiệm và Bộ cũng không hề đưa ra bất kỳ một lời giải thích nào?
2. Cách đặt vấn đề của Công văn xem ra đang chệch đường ray vì cố tình cá nhân hóa vấn đề. Nếu tôi sai chỉ mình tôi chịu. Và, tôi sẵn sàng chấp nhận điều đó. Nhưng, đáp án sai thì hàng vạn người phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc nhất từ lỗi lầm không đáng có của một vài người. Bộ GD-ĐT giải thích ra sao về chuyện này?
3. Hãy giải quyết mọi sai lầm theo con đường hướng tới điều tốt đẹp nhất có thể. Có phải là kết quả chấm thi “ngẫu hứng”, “vận dụng”; do việc làm đáp án không có trong SGK đã gây ra sự đảo lộn khủng khiếp trong cách chấm hay không? (xin dẫn chứng: Có ai tìm thấy từ “sắt và máu” trong SGK nói về trường hợp của Nguyễn Thái Học hay không?…).
Theo http://www.shcd.de/ thì theo ông, một phần nguyên nhân “nhà dột từ nóc” là:
“Nói là bồi bút cũng phải, không sai đâu. Thế nhưng, cần phải lật ngược vấn đề rằng có ai ăn lương hiện nay mà đã không từng một lần “bồi bút”? CNXH khoa học sai nhiều như thế, ai nói?”
“Còn nói dối? Không có một nhà giáo dạy KHXH nhân văn nào không nói dối để, nhận lương!”
“Xin các quý vị hiểu biết lịch sử đúng như nó cần phải được hiểu như thế!”.
[49] Đặc biệt khi mà ngày nay do ảnh hưởng nặng phim Tàu, có học sinh viết:
– Quách Tĩnh là anh hùng dân tộc chống quân  Nguyên;
– Tây Thi là người đẹp nước Việt Nam; v.v…
– Còn bài “Đèo Ngang” được Bà Huyện Thanh Quan cảm hứng sáng tác vào lần cuối qua đèo trước khi đi nước ngoài (?)… Còn nhiều nữa không thể kể hết cười chơi.
– Bài “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận: “Thuyền ta lái gió giữa buồm trăng, đậu giữa mây cao với biển bằng...”, có anh lại viết rằng tác giả ám chỉ một cuộc làm tình thơ mộng của đôi trai gái ngoài trời (!)
Chưa kể đặt dấu câu sai chỗ do học văn kém: “Các chiến sĩ giựt sập cầu tiêu, diệt hàng trăm tên địch”.
Mà nói thẳng ra thì hình như thời nào học trò cũng có những cái lỗi ngớ ngẩn, chỉ khác nhau nhiều hay ít. Trước mắt thì thấy bây giờ hơi “bị”… nhiều quá xá ể!
Vấn đề tệ hơn khi hiện nay hầu hết học sinh hiện nay dốt cả Văn lẫn Sử. Như thế thì hiệu quả dạy chính trị hay tư tưởng đã thành công…  cốc!
[50] Mấy thầy dạy luyện thi sau này gặp lại học trò mình trách việc này dữ lắm.
[51] Anh em bạn bè chung lớp rớt khá đông, nhiều người không thèm thi vì biết chắc không đậu. Riêng lớp tôi chỉ có chừng 10 người đậu.
H.G thi đậu nhưng không học, không rõ lý do, để rồi năm sau thi trường khác.
Th.Ng.T được tiêu chuẩn đi du học Liên Xô. T. được học tiếng Nga một năm, năm sau đi du học.
Sau này vô đại học bị bắt học tiếng Nga, tôi phải năn nỉ T. làm giúp cho tôi một bảng văn phạm tóm tắt để dễ học. Tôi mừng vì khi đó nếu được đi du học chắc tôi cũng bỏ chạy. Tiếng Nga khó nuốt!
Nghe kể tiếp là T. bị người bạn học cũ, cùng du học chung, vì “ghét người khác hơn mình” rồi chơi trò tố cáo bậy. Khiến T. bị cảnh sát câu lưu mấy ngày để điều tra. May là T. được thả sớm, kịp chuyến bay đi du học.
Sau hơn 20 năm, tôi điểm “tàn quân 12P2” chỉ còn lại: Ng.Ng.M.A, Ph.Tr.B., M.C.Đ., Ph.Th.H.H., Ng.H., Ng.Th.H., Tr.Ng.H., Đ.V.K., Ng.X..K., Ng.H.L., L.Ch.Th.Q., Ng.Q.S., Ph.Nh.S., H.Th.Th.T., V.H.Th., L.D.Tr., D.Th.T., Ng.T.B.V, Tr.Th.V.X. (19 người và tôi).
Năm 2010, nhân dịp X.K. về Việt Nam chơi, chúng tôi họp mặt và gặp thêm: H.Th.H.Tr.
[52] “Mẹc”= Mercedes; “Bi” = BMW; “Ri”= Toyota Camri; “Nis” = Nissan.
[53] Một chuyện tiếu lâm kể: một cậu ấm học bài ra rả như cuốc kêu. Con bò buồn rầu bỏ ăn, con gà vẫn vui vẻ ăn uống cho mập xác. Con bò than thở: “Thằng nhỏ đi thi thì mày chết. Nó thi đậu về thì tao chết. Sao mày không sợ bị làm thịt trước?” Gà đáp: “Nó học như anh mà nó viết như tôi thì đi thi còn chưa đi được. Cớ chi mà anh lo buồn?”
[54] Trường tư I.S tại L.X. là trường thu nhận học sinh “hàng dạt” từ các trường công, có một lớp biệt danh là “hoàng gia” được trang bị đầy đủ tiện nghi cho con nhà giàu loại hơi bị… quậy.
Có một câu chuyện kể lại tại một lớp trong trường này như sau: Một em nam sinh xin đi vệ sinh mà chưa được phép vì cô đang giảng phần quan trọng của bài. Em nữ sinh bên cạnh nói leo: “Cô cho nó đi đi cô. Con cu của nó em làm nó cứng ngắc nãy giờ. Cô phải cho nó ra ngoài đi mới được!” Việc này cho thấy học trò coi thầy cô không ra gì.
Gần đó một trường tư khác Ch.B.L. thu nhận các học sinh “hàng đạt” từ các trường công lẫn tư khác đổ về. Do đó, trường này có những lớp “đặc trị” với các tên gọi đúng với chức năng của nó: lớp mất căn bản toán, lớp mất căn bản Lý, lớp mất căn bản ngoại ngữ… như là một đối trọng với các lớp chuyên toán, lý... mà ta từng thấy trước giờ.
Đám học sinh trường này thường kháo nhau: rủi bị hiệu trưởng la thì ráng nhịn, vì nếu ống đuổi mình thì không trường nào khác dám chứa tụi mình nữa!
[55] Từ "LẠ" càng ngày càng bị lạm dụng. Nhứt là nó lại dùng để thay thế, ám chỉ một nước mà người ta kiêng cử không dám gọi thẳng tên do bị sợ “incident diplomatique” cũng như “phạm húy” trong khi chờ đợi “ở trên từ từ giải quyết êm thấm bằng đường ngoại giao”. Điển hình là các tin như: “Tàu lạ đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam”, “Hiểm họa tàu lạ nơi biển Hoàng Sa”… xảy ra liên tục. 

Cổ Minh Tâm
Bắt đầu viết ngày 20 tháng 9/2009
Viết xong sơ bộ ngày 6 tháng 10/2009
Theo https://tamcominh.wordpress.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...