Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Những ngày xưa neo giữ

Những ngày xưa neo giữ
Lạc vào ngày xưa” là tập thơ thứ tư của bác sĩ, tác giả Phạm Việt Đức. Và, sau tất cả những gì đi qua của dặm trình thơ trước, có những nỗ lực đổi mới theo cách của mình, Phạm Việt Đức giờ bỗng lại “Lạc vào ngày xưa”. Ngày xưa ở đây chính là cái “nết” làng, phông văn hóa làng được bồi đắp bao đời ở miền sông nước sông Đà, trung du Thanh Thủy (Phú Thọ), đã trở thành những giá trị sống có ý nghĩa... trong tâm thức cộng đồng.
“Ngày xưa” của Đức không chỉ trên chất liệu quê làng khá đậm đặc, đó là những thi ảnh dòng sông, con đò, con đường rơm rạ, mùa hoa xoan, mùa ổi, cải vàng, vũ điệu cá rô, gạo quê, tháng Giêng... mà còn cả ở hình thức nghệ thuật, mang đậm nét truyền thống ca dao, dân ca đó là thể loại thơ lục bát. Tập thơ có đến 17 bài lục bát, gần một nửa tập thơ, dùng dằng dẫn vào cõi xưa. Và vì vậy, có thể nói Phạm Việt Đức không phải “lạc” một cách ngẫu nhiên, mà “chủ động”. Thực ra là hồn thơ còn lưu giữ quá sâu nặng “hồn làng” trong người thơ trung du này, đến nỗi đặt nó trong thời “hiện đại hóa” đang biến động và tác động cả tốt cả xấu, thì căn cốt văn hóa làng vẫn cứ thảng thốt âm vọng và “luyến láy” trong anh.
Thảng thốt và gợi bắt đầu từ hoa xoan, mùa hoa xửa xưa thân thuộc của làng trung du: “Thế là hoa xoan cũng nở/ Dập dìu cờ phướn hội đông/ Tháng Ba lặng lờ con nước/ Vắng ai lẻ cả dòng sông!”. Cái mùa hoa, cánh mỏng rơi từng cánh mỏng, “Mà hoa xoan tím nao lòng” (Hoa xoan). Hay tháng Giêng, vận trình của thiên nhiên, tháng khởi của năm, trong cái nhìn của Phạm Việt Đức, vẫn là cái duyên quê nền nã: “Mùa đi chạm cánh đào phai/ Lúng la lúng liếng mắt ai chưa chồng/ Chuông chùa ấm một miền không/ Khói hương cứ lặn vào trong muộn màng”. Để rồi: “Tháng Giêng như chuyến đò ngang/ Nối từ năm trước nối sang năm này/ Nối trời bằng sợi mưa bay/ Nối anh bằng nỗi nhớ này về em” (Tháng Giêng). Và ở đó là đất quê nghèo khó nhưng giàu thương mến. Nghèo khó và thương mến, đã trở thành giá trị “cổ điển” của quê làng trung du, thành gốc rễ của nghĩa nhân, nguồn cội: “Quê nghèo đất thắm mồ hôi/ Trượt trơn dốc sỏi ngã rồi còn thương/ Nón mê đội những mùa tương/ Giàn trầu nao nức nẻo đường chỉ tay...”. Đất quê ấy, đất sỏi ruồi và đá ong, những mùa sim chín, bằng giọng lục bát giản dị và trong sáng, không cố điệu đà luyến láy hay cấu trúc câu ngắt nhịp..., như nét quê bình dị dẫn những lời nhắn nhủ đừng quên “ngày xưa”, đừng quên nghĩa tình, dù thời gian phôi pha: “Trám bùi để nhớ đắng cay/ Sắn thơm để nhớ những ngày đói no/ Bến sông để nhớ con đò/ Trăng suông để nhớ tàu mo cuối vườn” (Làng đồi).
Nhưng làng đã đổi thay. Đó là ngữ cảnh tất yếu của của đời sống xã hội đang ngọ nguậy hiện đại; tất yếu của một nền sản xuất cũ, nền nếp của một làng quê cũ, dẫn dắt bởi một xã hội đang “chợ hóa”, kể cả đạo đức và lối sống nhiều tha hóa, đáng báo động khi người ta phải kêu lên về sự trấn hưng văn hóa. Thì cái “Phố làng” ở trung du khó cưỡng lắm thay: “Người làng lẫn với những ai/ Quần nâu, áo gụ đã phai lâu rồi/ Quán xưa thành quán bia hơi/ Nhà xưa nhà nghỉ thành nơi hẹn hò/ Bây giờ cổ tích cánh cò/ Bây giờ ai nhớ góc bờ ruộng xa...”. Phạm Việt Đức đã thốt lên “Làng vẫn làng đấy mà xa/ Bây giờ...”. Quả hồn thi sĩ vẫn cứ “mê điệu” quần gụ, áo nâu xa lắc. Liệu có còn không, những cuộc hò hẹn của lứa đôi dưới bờ tre trăng sáng, bờ đê gió lộng... lãng mạn quê làng một thời? Bây giờ đã là “Phố làng” rồi thì bờ tre xưa “gió mát trăng thanh” là cái nhà nghỉ, quán karaoke... mọc lên nhan nhản đấy thôi?!
Phố làng còn thế, đi xa hơn là phố thị thì sao? “Hàng tồn bán giữa chợ đêm/ Ế chồng lên ế, tồn thêm hàng tồn!/ Rằng thời dư dả phấn son/ Để đôi mắt liếc mãi còn đong đưa/ Lơ ngơ lẫn với lọc lừa/ Mình tôi lẫn với thiếu thừa đêm nay!/ Buôn đêm để trả lãi ngày/ Cầm lên cả những rủi may phận người/ Chợ đêm bán nói mua cười/ Bán thương mua nhớ, bán vui mua buồn” (Chợ đêm). Chợ đêm là một trong những bài lục bát hay, hay ở sự bình dị của ngữ nghĩa mà vẫn neo thăm thẳm nỗi người, trong những câu đối ngữ, đối trạng: hàng tồn - chợ đêm; dư dả phấn son - mắt còn đong đưa; mình tôi - thiếu thừa; buôn đêm - trả lãi ngày; bán nói - mua cười; bán thương - mua nhớ; bán vui - mua buồn... để nói cái bấp bênh đời chợ, đời người “Cầm lên cả những rủi may phận người”!
Yêu làng quê, yêu cái “ngày xưa”, nên dù thơ quan tâm về đời sống xã hội đang xáo trộn, hay thơ viết về tình yêu, thì vẫn giọng thơ nền nã, nhớ nhung quê làng ấy: “Anh về thăm lại ngày thương/ Tưởng tà áo trắng còn vương trong chiều/ Tưởng còn ngấn cổ ai kiêu/ Tưởng còn gió thoảng những điều bâng quơ/ Anh về thăm lại ngày thơ/ Tặng nhau quả ổi đến giờ còn thơm/ Làng mình lắm rạ nhiều rơm/ Nhà mình bố mẹ sớm hôm tảo tần/ Anh về thăm lại một lần/ Cơn mưa mùa hạ cho gần nhau hơn/ Để nghe tí tách dỗi hờn/ Để nghe những bước đường trơn ngại ngùng” (Lạc vào ngày xưa). Điệu thơ cứ thong thả, từ tốn trữ tình mà nói được bao niềm quê bẫng lẫng, se sắt, thấm cảm.
Tinh thần làng, tinh thần “ngày xưa” trong tư tưởng thơ của Phạm Việt Đức là lấy đất làm trung tâm. Đất sản sinh mùa màng, đất là con đường từ ấu thơ lẫm chẫm đến những bước đi xa, đất là con đường của tình yêu..., dù những điều ấy không mới. Anh chiêm nghiệm: “Cao cũng là đất/ Nối vào mênh mang/ Thấp cũng là đất/ Mở ra mùa màng/ Gần cũng là đất/ Một chuyến đò ngang.../ Nói bằng im lặng/ Sống bằng bao dung/Lòng ta chật hẹp/ Đất rộng vô cùng” (Đất). Khi bộc bạch tình yêu của tuổi bốn mươi, thì đất vẫn là nơi “sinh tình”, bày tỏ tình yêu của một thời trong trẻo: “Đất đâu kê được trời bằng/ Đời sống mang cả dùng dằng mà trôi/ Thơ tình tôi viết cho tôi/ Cho thời dại dột, cho thời trong veo” (Thơ tình tuổi bốn mươi).
Rõ ràng, đất là biểu tượng gốc gác của tinh thần và nhịp sống “ngày xưa” mà Phạm Việt Đức coi là nơi trở lại nguồn cội. Đến đời con cháu hiện tại vào đại học, nghĩa là, thế hệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà người ta đang nhắc đến, để không bị tụt hậu với thế giới thì nhà thơ vẫn khuyên con mình phải nhớ những điều này: “Đất thâm trầm/ Cho người biết bao dung/ Con thấy không/ Làng xóm khuất sau lưng/ Là thương mến cả đời ta mắc nợ/ Là tuổi thơ con ở đó/ Mảnh sân nhà/ Lẫm chẫm bước đầu tiên” (Tiễn con vào đại học).
Phạm Việt Đức rất được chú ý từ hơn chục năm trước, trong số rất ít những cây bút trẻ ở Phú Thọ. Nhưng có lẽ do công việc nghề y quá nhiều bận rộn, mà chữa bệnh không thể lơ đãng nên anh viết thưa ra. Và để dễ “nhập tâm” trong những khoảng thời gian không thể bám bàn, anh chọn làm thơ lục bát (Đức tâm sự thế). Phạm Việt Đức không xu thời chạy theo ngôn ngữ “tân kỳ”, cấu trúc lạ của một số người trẻ... Anh lấy cái giản dị, đằm thắm mà gợi, mà “chạm” vào những niềm quê, da diết nhớ thương - đấy là trục, là sợi dây xuyên suốt, kết nối những tâm sự về người, về “nết” làng, văn hóa cội rễ làng thấm sâu trong đất, trong cây, trong mùa, trong tháng, trong nắng, trong mưa... Và những nuối tiếc khi nó không còn những nét xưa nữa. Đó là cái thuận nhưng cũng có thể là cái thiếu của anh, bởi nếu không tìm được nội hàm phản ánh mới, sẽ dễ lặp những cái “ngày xưa” đã quen của người khác, hay của chính mình.
30/7/2019
 Trần Quang Quý
Theo http://vannghedatto.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...