Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Cảm thức về phái đẹp trong thơ Hàn Mặc Tử

Cảm thức về phái đẹp trong 
thơ Hàn Mặc Tử
1. Huỳnh Phan Anh trong “Hàn Mặc Tử hay là hiện hữu của thơ” đã băn khoăn với hàng loạt câu hỏi: “Trong ám ảnh của cái chết, trong thôi thúc của thời gian, trong khả hữu của hư vô toàn diện, đâu là cơ hội sau cùng của thi sĩ? Đâu là sự cứu rỗi cho phận số hữu hạn? Phải chăng đó là niềm tin ở một đấng? Phải chăng đó là phút huy hoàng mãnh liệt và đầy ắp? Phải chăng đó là sự kêu đòi hay nguyện cầu vô vọng?” (1)
Những trăn trở của Huỳnh Phan Anh muốn truy tìm cội nguồn cảm xúc thẩm mỹ trong thơ Hàn Mặc Tử cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng bởi lẽ thân xác “Người thơ” đã vĩnh viễn về cùng cát bụi nhưng “Hồn thơ” của ông đã sống một “cuộc sống” vô cùng mãnh liệt, đầy ẩn số mà bất cứ ai, ở thời đại nào khi nghiền ngẫm tiếp nhận đều có thể nhận ra những điều thú vị bất ngờ. Thời gian càng lùi xa, những vần thơ của Hàn Mặc Tử càng phát lộ hào quang vi diệu và có sức hấp dẫn đặc biệt. Vũ trụ thơ của Hàn là không giới hạn, thi nhân đã từng bộc bạch trong Quan niệm thơ: “Trong khi làm thơ Trí đã tận hưởng những phong vị của nhạc, của hoa, của trăng, của gái một cách vô tội…”(2). Đọc thơ Hàn thấy quả đúng là hàng trăm ngàn vũ trụ cũng chưa đủ cho thi sĩ sống kịp đời mình. Khi “định mệnh tàn khốc theo riết bên mình” (HMT), ở những giây phút tuyệt vọng nhất, Hàn Mặc Tử đã không từ chối bất cứ một cơ hội, một sự cứu rỗi nào. Thi nhân đã “tận hưởng” những gì tinh túy nhất, đẹp đẽ nhất của cõi trần ai để có thêm sinh lực sống và sáng tạo. Một trong những “đấng” cứu rỗi tinh thần cho Tử phải chăng chính là phái đẹp? Đọc thơ Hàn Mặc Tử, không thể phủ nhận một sự thật đó là những bài thơ hay, ám ảnh nhất là những bài thơ đều ít nhiều xuất hiện hình ảnh phái đẹp: Bức thư xanh, Thánh nữ Đồng trinh Maria, Gái đồng trinh, Gái ở chùa, Chưa biết yêu, Trên cầu Tràng Tiền, Đây thôn Vĩ Dạ, Nhớ nhung, Một đêm nói chuyện với gái quê, Nguồn thơm, Lời gái giang hồ, Phan Thiết! Phan Thiết!, Ghẹo cô bán chè bông cỏ, Kén chồng, Say chết đêm nay, Trường tương tư, Cô bán trầu, Thương, Trên dòng tiêu Kim Thủy, Huyền ảo, Mùa xuân chín, Tặng Mộng Cầm, Lưu luyến, Mơ hoa, Mơ duyên, Sáng trăng, Một miệng trăng, Một nửa trăng, Cưới trăng, cưới vợ, Những giọt lệ, Duyên kỳ ngộ, Tối tân hôn, Đàn ngọc, Nỗi buồn vô duyên…  có thể thấy tràn trề trong thơ Hàn Mặc Tử là cảm xúc của thi nhân dành cho phái đẹp - thứ cảm xúc thiết tha, da diết, phong phú  sắc màu, đa dạng cung bậc. Đằng sau những dòng tâm tư bất định đó phải chăng là cả một bầu trời cháy bỏng khát vọng yêu thương và vời vợi ước mơ về hạnh phúc, và trên hết là niềm ham sống, hướng về những giá trị nhân văn, nhân bản nhất dẫu cho cuộc sống thật phũ phàng! Với Hàn Mặc Tử, Đức Mẹ Maria đồng trinh, Mẹ, Chị, hoặc những bóng hồng mà Hàn yêu thương, đã ít nhiều ngang qua đời thi sĩ, và thậm chí những cô “gái quê”, hoặc những “nàng tiên” chỉ xuất hiện trong những giấc mơ bất chợt hắt lên từ tiềm thức đều là biểu tượng cho cái Đẹp, tình yêu và sức mạnh tinh thần cứu rỗi linh hồn, là niềm tin yêu, lẽ sống của cuộc đời thi sĩ. Ở bài viết này, chúng tôi muốn bàn đến cảm thức về phái đẹp trong thơ Hàn Mặc Tử như một phương diện mang giá trị thẩm mỹ sâu sắc, bởi bên cạnh nhiều phương diện khác như nhạc, hoa, trăng, hồn, máu… đã được các nhà nghiên cứu quan tâm luận giải thì phái đẹp trong thơ Hàn cũng là một trong những phương diện hé lộ nhiều thông điệp mang ý nghĩa sâu sắc về “con người bên trong con người” của thi nhân; và trên hết, nghiên cứu cảm thức về phái đẹp cũng là góp phần tiếp tục hành trình khám phá những ẩn số trong thơ Hàn Mặc Tử.
2. Luận giải về cội nguồn cảm xúc thẩm mỹ trong thơ Hàn Mặc Tử, Nguyễn Kim Chương dựa vào tri thức tâm lý học sáng tạo đã đưa ra nhận xét xác đáng và tinh tế: “Với Hàn Mặc Tử, đau thương mang một nội dung lưỡng giá: nó làm cho nhà thơ suy nhược thể xác nhưng làm lớn dậy tâm hồn ông” (3). Thực tế cho thấy, năm 1937, khi đó Hàn Mặc Tử mới 24 tuổi thì phát hiện mình mang bệnh hiểm nghèo. Với tất cả sự tự trọng và nỗi niềm đau khổ, choáng váng tột cùng thi nhân đã giấu bệnh và tuyệt giao với bạn bè. Căn bệnh nan y ập xuống số phận, tước đoạt tất cả, tuổi trẻ, tình yêu, khát vọng, khoái lạc…Tất cả đổ vỡ, rạn nứt, băng hoại… “Bệnh càng tăng, nỗi đau khổ càng ray rứt, thấm thía. Nỗi đau khổ càng ray rứt, thấm thía, thơ Tử càng thêm sức mạnh, càng thêm dồi dào và dào dạt phun ra những “luồng sóng điện nóng ran”, những “tia sáng xôn xao”, thoát ra những “tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú”... “Con trai bị hạt sạn hạt cát làm tổn thương cõi lòng, liền nhả tinh ba ra quấn lấy hạt sạn hạt cát cho êm dịu vết thương, mỗi ngày tinh ba mỗi tiết, lần kết thành ngọc trai” (4). Như vậy nguồn cảm hứng thơ của Hàn Mặc Tử xuất phát từ bi kịch bất hạnh, đau thương, xuất phát từ tận đáy tâm hồn đau khổ vô biên của một đời trai trẻ - tất cả như một dự phóng sáng tạo để Hàn Mặc Tử phát tiết ra thơ bằng tất cả tinh lực của mình, và ám ảnh những người đẹp trong thơ Hàn Mặc Tử cũng không nằm ngoài cội nguồn xúc cảm thẩm mỹ đó.
Thường khi gặp bi kịch, trắc trở trong cuộc đời con người tìm đến tôn giáo để cầu sự bình an, hóa giải sự phiền muộn. Hàn Mặc Tử đã nhìn thấy từ Đức Mẹ Maria vẻ đẹp khải huyền và sức mạnh cứu rỗi con người. Quách Tấn kể: “Một đêm Tử nằm mộng thấy Đức Mẹ Maria lấy nhành dương nhúng nước thánh rảy khắp mình Tử, Tử cảm thấy “mát đến ớn lạnh”. Cho nên khi cầm viết viết được, liền soạn bài Thánh nữ Đồng Trinh để tạ ơn Đức Mẹ” (5) Ave Maria được coi như một bài thơ xuất thần của Hàn Mạc Tử  đã làm xúc động và cuốn hút bao tâm hồn say thơ, kính Mẹ, không kể là lương hay giáo. Giọng điệu vừa dịu dàng vừa mãnh liệt của bài thơ như ru hồn người: Maria linh hồn tôi ớn lạnh!/ Run như run thần tử thấy long nhan/ Run như run hơi thở chạm tơ vàng…, trong cảm thức của thi nhân Đức Trinh Nữ Maria hiển hiện như một đấng cứu thế vô cùng thiêng liêng, cao quý, Đức Mẹ mang một quyền năng huyền bí nhưng không hề xa lạ, cao vời, Bà gần gũi và ấm áp biết bao, Bà trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho thơ, tiếp thêm sinh lực cho đứa con khốn khổ luôn mến yêu cung chúc Người ngay cả trong đau thương cùng cực:
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn/ Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi/… Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ/ Dòng thao thao như bất tuyệt của nguồn thơ/ Bút tôi reo như châu ngọc đền vua/ Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị.../ Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí/ Và trong tay nắm một vạn hào quang.../
Số phận đã nhận chìm thi sĩ tài hoa trong biển máu lệ cuộc đời, để chính trong đau thương vô biên ấy, có sự nâng đỡ của Thánh nữ “đầy ơn phước” thi sĩ đã được chạm vào các dấu đinh, vào vết đòng của Chúa Giêsu, phát tiết bao câu thơ huyền bí, thần nhiệm trong sự tôn thờ, mến yêu, cảm phục đến ngây ngất Thánh Nữ Đồng Trinh Maria - Mẹ của Chúa Giêsu tử nạn - Mẹ đã sinh ra Hàn Mặc Tử lần thứ hai trong cuộc đời:
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp/ Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập/ Cả Hàn giang và màu sắc thiên không/ Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng/ Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước.../
Hàn Mặc Tử đã sống với một đức tin mãnh liệt, chính vì vậy thơ của ông không hạn hẹp với những gì thuộc thực tại trần gian mà nó còn như một sự cảm nghiệm độc đáo về Đức Tin - Tình Yêu và về Thiên Chúa. Trong sự mong manh của kiếp sống, Đức tin và Tình yêu đó như một điểm tựa, như liều thần dược giúp Hàn vượt qua khổ đau về thể xác và tinh thần, giúp thơ Hàn thanh thoát, bay xa, và tiến vào đời sống tâm linh thăm thẳm. Trong mê cuồng hồn say,  đau nỗi khổ đau của bản thân mình và đồng loại, Hàn quì lạy trong thơ, cầu xin và ca tụng đấng siêu nhiên. Thi nhân dang tay hướng về phía Mẹ Maria với tất cả sự sùng kính và hy vọng: Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước/ Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm/ Thơ trong trắng như một khối băng tâm/ Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu…/Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu/ Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu...
Trong phần kết của bức thư gửi cho Hoàng Trọng Miên vào năm 1939 với tựa đề Quan niệm thơ, Hàn Mặc Tử viết: “Cho nên tất cả thi sĩ ở trong đời phải quy tụ, phải khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời. Thi sĩ không phải là một người thường. Với một sứ mệnh của Trời, thi sĩ phải biết đem cái tài năng ra ca ngợi Đấng chí Tôn và làm cho người đời thấy rõ vẻ đẹp của thơ để đua nhau nhìn nhận và tận hưởng. Những thi sĩ nào không biết đem tài ứng dụng vào chỗ tốt đẹp thì sẽ bị Đức Chúa Trời lấy lại một cách nhãn tiền! Thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ cảnh chiêm bao, giải thích bằng hai mặt: lạc quan và bi quan. Còn Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm Chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có” (6).
Như vậy, cùng với bài thơ Ave Maria tuyên ngôn thơ của Hàn Mặc Tử thêm một lần nữa khẳng định: đối với Hàn Mặc Tử,  Đức Chúa Trời mà đại diện là Thánh Nữ Đồng Trinh Maria có một vai trò vô cùng quan trọng - Mẹ Maria Đồng Trinh chính là “nguồn thánh thiện như tơ vàng trọng thể”, là “nguồn Trăng yêu mến”, là “nguồn Đau chầu lụy”, Bà tựa như ngọn hải đăng soi đường để Hàn Mạc Tử có thể mơ về một bến bờ neo đậu cho thân phận lưu đày chìm nổi của thi nhân, tìm thấy “nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu bi” - nguồn cảm xúc giúp tâm hồn Hàn bay lên ánh sáng khải huyền, tái tạo năng lượng và phát huy trí tưởng tượng sáng tạo phi phàm để từ đó hiến dâng cho đời những vần thơ vừa chân thực vút lên tự cõi lòng tan nát khổ đau, vừa thánh thiện tinh tuyền lộng lẫy từ trời cao phủ xuống. Từ cảm thức của Hàn về Mẹ Maria Đồng Trinh, chúng ta nhận thấy lý tưởng Thiên Chúa giáo với tất cả những gì nhân văn, nhân bản nhất có thể coi như một chỗ dựa tinh thần, một yếu tố tiên quyết, ảnh hưởng, chi phối sâu sắc thế giới quan, nhân sinh quan của Hàn Mặc Tử trong suốt quá trình sáng tạo thi ca của ông. Để rồi khi thân thể Hàn mãi mãi trở về cùng cát bụi, thơ của ông lại càng đến gần với Chúa hơn để góp phần cứu rỗi, an ủi những phận người mà sự sống mong manh như ảo ảnh.
Sinh thời, Hàn Mặc Tử không chỉ nổi tiếng về thi ca mà còn nổi tiếng với những bóng hồng đi ngang qua cuộc đời ông, với những mối tình đẹp và buồn của thi nhân. Cũng như các nhà thơ của phong trào Thơ mới, tình yêu là nguồn cảm hứng, là đường dẫn đến với “nàng Thơ” của Hàn Mặc Tử. Nhưng có lẽ không nhà thơ nào kể cả Xuân Diệu - người được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình”… lại có nhiều bóng dáng người tình trong thơ như Hàn Mặc Tử. Những cái tên giai nhân Hoàng Cúc, Mộng Cầm, Mai Đình, Ngọc Sương, Thương Thương đã gắn liền cùng những thi phẩm tuyệt bút của Hàn Mặc Tử: Đây thôn Vỹ Dạ, Lưu luyến, Trường tương tư, Người ngọc, Tiêu sầu, Phan Thiết! Phan Thiết! Những người con gái đã tạo nguồn thi hứng để nhà thơ bộc bạch bao khát khao, mộng tưởng hạnh phúc vừa ngọt ngào, đắng cay, vừa tuyệt vọng, hy vọng… Song dù thế nào, trong tiềm thức của Hàn, những người con gái Hàn yêu thương đều mang một vẻ đẹp dịu dàng, trong sáng, thánh thiện vô ngần:
Thu về nhuộm thắm nét hoàng hoa/ Sương điểm trăng lồng bóng thướt tha/ Vẻ mặt khác chi người quốc sắc/ Trong đời tri kỷ chỉ riêng ta (Vịnh hoa Cúc); Lệ Kiều ơi! Em còn giữ ý thơ?/ Trong đôi mắt mùa thu trong leo lẻo (trường tương tư); Với đôi tay nàng trút hết đê mê/ Dạ lan hương bừng nở cánh e dè (Đàn ngọc); Nghe tiếng gió ôm ngang lấy gió/ Tưởng chừng như trong đó có hương/ Của người mình nhớ mình thương(Muôn năm sầu thảm); Nhưng phép lạ! Có một vì tiên nữ/ Hao hao như nường Nguyệt cõi Đào Nguyên/ Ta đắm mê trong ánh sáng trần duyên… (Phan Thiết! Phan Thiết!); Đặc biệt, trong cuộc đời Hàn Mặc Tử, sự hiện hữu của nữ sĩ Mai Đình trong những ngày nhà thơ vừa lâm trọng bệnh, vừa bị phụ tình (Mộng Cầm chia tay Hàn Mặc Tử vì hoàn cảnh không thể chờ đợi và tiếp tục chung đường) là niềm an ủi lớn, phần nào xoa dịu nỗi đau nhức nhối tưởng chừng khôn nguôi trong lòng thi sĩ: Thơ em cũng giống lòng em vậy/ Là nghĩa thơm tho như ánh trăng/ Mềm mại như lời tơ liễu rủ /Âm thầm trong áng gió bâng khuâng/ Anh đã ngâm và đã thuộc làu/ Cả người rung động bởi thương đau/ Bởi vì mê mẩn vì khoan khoái /Anh cắn lời thơ để máu trào (Lưu luyến). Từ cuộc đời thực, cô gái có tên Mai Đình đã đi vào thơ Tử với tất cả sự đam mê mãnh liệt chân thành của một trái tim trai trẻ. Tình yêu tha thiết của Mai Đình đã khiến Hàn Mặc Tử rất cảm động, khi hai bên từ biệt nhau, Tử tặng nàng một bài thơ có nhiều câu thống thiết: Đây Mai Đình tiên nữ ở Vu Sơn/ Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt/ Nàng, ôm nàng hai tay ta ghì chặt/ Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay (Thắm thiết). Phải trân quý người mình yêu lắm, Hàn mới ví người mình yêu là “cả bài thơ êm mát”. Bởi vì đối với cuộc đời Hàn chỉ còn lại Thơ là lẽ sống thiêng liêng nhất.  
Mối tình với Ngọc Sương (chị gái của thi sĩ Bích Khê) chỉ là giấc mơ thoáng qua trong đời Hàn Mặc Tử, như bẩy sắc cầu vồng hiện lên trong khoảnh khắc sau mưa nhưng cũng đủ cho bạn đọc muôn sau thấy khát khao đến cháy lòng của một tâm hồn mong manh dễ tổn thương trong cuộc đời vốn nhiều chua chát: Ta đề chữ Ngọc trên tàu lá/ Sương ở cung thềm gió chẳng thôi/ Tình ta khuấy mãi không thành khối/ Nư giận đòi phen cắn phải môi (Người ngọc). Ngọc Sương trong thơ Hàn mãi mãi long lanh như một giọt sương mai hiền dịu, bao dung, nhân hậu.
Câu danh ngôn: “Không phải bạn sống bao lâu mà là cách bạn chọn sống cuộc đời mình” quả là đã ứng vào định mệnh của Hàn Mặc Tử. Trong hành trình ngắn ngủi của cuộc đời, bệnh tật nan y từng ngày tỉa rút từng hơi thở, ngăn giữa sự sống và cái chết chỉ là một đường biên mỏng mảnh, Tử đã lựa chọn, đã nhân lên gấp bội quỹ thời gian sống của mình bằng cách chắt chiu từng giây phút để sống có ý nghĩa, và thi nhân đã sống, đã yêu hết mình. Trong cơn đau tuy thân xác bị rỉa rói, hao mòn, nhưng chỉ với hình ảnh Thương Thương ấp ủ ngày đêm trong tưởng tượng, hư cấu mà Tử đã để lại cho đời sau tập thơ tình Cẩm Châu duyên, hai vở kịch thơ Duyên kỳ ngộ và Quần tiên hội. Những thi phẩm cuối đời của Hàn Mặc Tử vẫn in đậm dấu ấn của nàng Thơ mà thi nhân đắm đuối, yêu thương: Hương trầm bâng khuâng quyện mình hoa/ Nhịp nhàng nường đi theo nhịp đàn/ Âm thanh lên cao nhạc lừng ran/ Tôi lại gần bên ồ! Lạ thường! Nường trăng. Ô! Chính là Thương Thương (Tiêu sầu). Điều đó cho thấy nội lực phi thường của Hàn Mặc Tử…
Trong cơn mê thi nhân đã trải niềm đau - những mảnh vỡ tâm trạng qua những vần thơ cùng những cô gái mà Hàn quyến luyến bởi trăm tình yêu mến. Nhưng nếu biết rõ rằng trong đời thực những người đẹp bước vào thơ Hàn dường như Hàn ít hoặc chưa từng gặp, tất cả chỉ là sự tưởng tượng bay bổng của thi nhân, là cái cớ để Hàn giãi bày tâm trạng thì chúng ta càng thấm thía hơn nỗi thương đau của chàng trai trẻ đang ở độ tuổi đôi mươi với trái tim nồng nàn, tràn đầy khát vọng hạnh phúc, yêu đương. Trong cô đơn tuyệt vọng đến cùng cực có lúc Tử điên cuồng, gào khóc xót xa, đau đớn tự hỏi: Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?/ Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu?/ Sao bông phượng nở trong màu huyết/ Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu? (Những giọt lệ). Không có lời giải đáp, câu trả lời rơi vào hố thẳm khôn cùng của vũ trụ. Nhưng rồi, Tử vẫn tiếp tục bước đi trên con đường đầy tuyết trắng và máu…Trên hành trình nhọc nhằn của kiếp người, hình bóng những giai nhân ám ảnh, trở đi trở lại như một điểm tựa quan trọng để nâng đỡ, vực dậy tâm hồn đầy vết thương tâm của Hàn Mặc Tử, và thi nhân cứ tự tin bước về phía trước: “Tôi đang đi trên con đường sáng láng tìm lấy Chân lý ngàn năm, mà hào quang của tinh tú, của những ngọc ngà, châu báu, trời tuôn xuống không biết hằng hà sa số nào nữa…” (Chiêm bao với sự thực). Ở đây, cái Đẹp thực sự đã “cứu rỗi thế giới”, cái Đẹp cứu rỗi linh hồn, đọc thơ Hàn Mặc Tử chúng ta hiểu hơn rằng chính phái đẹp - “một nửa thế giới” chứ không phải bất kỳ điều gì khác đã cứu vãn một hồn thơ tài năng thuộc loại độc nhất vô nhị của thi ca Việt. Nhờ hình ảnh những người đẹp dịu dàng, bao dung, vị tha, hiền thục, bảng lảng như sương khói, lưu giữ trong tâm tưởng mà: “Hàn Mặc Tử đã có những câu thơ tình hay vào bậc nhất trong thi ca Việt Nam hiện đại. Những câu thơ như tiếng kêu tự đáy lòng, lời thơ như dính máu, dính hồn và nước mắt thi sĩ” (Chế Lan Viên).
Tình yêu và phái đẹp phải chăng muôn đời luôn là nơi nuôi dưỡng cảm xúc mãnh liệt để thi nhân chắp cánh cho thơ. Đối với Hàn nguồn năng lượng đó càng gấp nhiều lần giá trị - đó là nơi truyền lửa, là cứu cánh, tiếp thêm niềm tin để thi nhân tiếp tục ru hồn mình vào viễn mộng, sáng tạo nên những vần thơ bất tử… Những nàng Thơ hiện diện trong thơ Hàn Mặc Tử mãi mãi như biểu tượng của tình yêu, của niềm tin, lẽ sống trong đời. Có một dòng sinh lực như mạch ngầm dẻo dai, bất tận chảy trong thơ Tử, đối với thi nhân, tuyệt vọng không phải là chấm dứt mà tuyệt vọng để lại tiếp tục sống, yêu và sáng tạo… Càng tuyệt vọng lại càng như mong mỏi/ Càng xa nhau càng thấy được gần nhau/ Ai có dè hoa cỏ cũng thương đau/ Mở rộng cửa bốn phương trời ảo não/ Viết bằng chữ là thơ không kín đáo/ Giơ tay thề mà ai chứng lòng cho/ Anh yêu em không cần phải so đo/ Vì trinh tiết há là hương vạn đại?/ Không dò xét, mặc cho lòng giả dối/ Ta cười thầm tình ái dại vô song (Tràn đầy). Chiêm nghiệm những vần thơ bất tử của Hàn để lại cho đời, thấy quả đúng là “thân phận con người thì hư ảo và mong manh như sương khói mù khơi. Nhưng tình yêu của con người nếu biết nuôi dưỡng, tôn thờ sẽ là một giá trị hằng có của cái đẹp hiện sinh, góp phần nối dài ý nghĩa về sự hiện hữu vốn rất hữu hạn của kiếp người” (7).
Tiếp nhận ngọn gió tư tưởng từ phương Tây thổi đến để nhanh chóng trở thành “chủ soái” của “Trường thơ Loạn”, một vấn đề đặt trong thơ Hàn Mặc Tử đó là liệu ông có mắc vào một lỗi nghệ thuật mà nhiều nghệ sĩ phương Tây ở cuối thế kỷ XIX đã mắc phải: mượn hình bóng phụ nữ để giải phóng ức chế nhục thể và sự bất an của linh hồn từ đó có xu hướng trục xuất linh hồn ra khỏi thân xác người phụ nữ, đánh mất ý nghĩa nữ tính, tước đoạt chủ thể tính của họ? Khảo sát thơ Hàn Mặc Tử, chúng ta thấy tuyệt nhiên không có điều này. Trong thơ của Hàn Mặc Tử, phái đẹp luôn hiện diện với vẻ đẹp tinh khôi, đầy nữ tính từ tâm hồn đến thể xác. Thi nhân luôn ngưỡng mộ tôn thờ, coi phái đẹp như một hệ giá trị.
Trong ký ức của Hàn, người đẹp xứ Huế mơ mộng, diễm lệ Trên cầu Tràng Tiền: Biết bao cô áo tím/ Nước da trắng nõn nà/ Tà áo gió tung bay... trong Chiêm bao với sự thực Hàn đã so sánh: “Hỡi quý nhân, người có nghe thấy điều gì mới lạ, tinh khôi, reo lên, hiện lên, và sử linh tư tưởng của người? (…) Người thấy gì trong ánh sáng? Một chất cao quý thanh khiết, trắng hơn hàm răng của người gái đẹp?. Trong lung linh tinh khôi và sắc trắng thanh  khiết, thi nhân chỉ cần chấm phá, điểm xuyết một “hàm răng của người gái đẹp” cũng đã đủ tạo nên điểm nhấn có sức quyến rũ hút hồn người, điều này cũng giống như ca dao xưa có câu: Ta về ta nhớ hàm răng mình cười - chỉ một nụ cười duyên cũng khiến người đẹp có thể in dấu vĩnh hằng trong tâm thức bao thế hệ. Vẻ đẹp thanh tân, trong trắng của thiếu nữ được Hàn Mặc Tử coi như một vẻ đẹp lý tưởng, ở đó thi nhân gửi gắm bao cồn cào khao khát, mê đắm của một trái tim yêu đời, yêu người đến cuống quýt, khờ dại: Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự/ Tôi đều nhận thấy trên môi em/ Làn môi mong mỏng tươi như máu/ Đã khiến môi tôi mấp máy thèm/ Từ lúc bóng em bỏ trái đào/ Tới chừng cặp má đỏ au au/ Tôi đều nhận thấy trong con mắt/ Một vẻ ngây thơ và ước ao (Gái quê). Trong cái nhìn của thi sĩ, người thiếu nữ mới bắt đầu biết yêu đáng yêu làm sao! Sắc xuân, sức xuân, khí xuân dâng tràn... hiển lộ thành sắc màu, thành cử chỉ, thành hơi thở, thành hương thơm, thành tiếng hát của “Em”: Em tôi thì hổn hển/ áo xiêm lấm tấm vàng/ Em tôi đã hiểu chưa?/ Đó là khúc tình ca/ Nẩy theo hơi thở nhẹ/ ở trên làn dây tơ/ Của lòng em rộn rã... (Sáng trăng).   
Sáng tác với phương châm “Thi sĩ phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã tạo nên… và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho tinh sạch” (Quan niệm về Thơ). Chính vì vậy cho nên bên cạnh trăng, hoa, nhạc, hương thì “phong vị của gái” (từ dùng của HMT) đối với Hàn Mặc Tử cũng là “công trình châu báu của Đức Chúa”, sinh ra để cho người đời “tận hưởng”, và Hàn đã “tận hưởng” nguồn khoái lạc vô biên tuyệt đích đó một cách say sưa với những câu thơ bay bổng về một giấc mơ hướng đến thế giới thần tiên mà ở đó cảnh và người ngập tràn tự do và hạnh phúc: Ta cắp Nàng bay cao hơn tiếng nhạc/ Cho Nàng hớp đầy môi hương khoái lạc/ Cho hồn nàng dính chặt với hồn ta/ Tình đôi ta muôn kiếp gỡ không ra (Bức thư xanh); Em như trái đào tơ/ Đôi mắt còn ngây thơ/ Chưa biết say tình ái/ Đuổi trăng em nô đùa/… Em là nước ngọc truyền/… Em là bóng trăng thinh… (Chưa biết yêu).
Có thể nhận thấy rất rõ, trinh khiết trở thành vẻ đẹp phổ biến của những Nàng thơ trong cõi thơ Hàn Mặc Tử, gắn cùng hình bóng họ là sắc trắng tinh khôi, thanh khiết, lung linh nhất: Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang (Mùa xuân chín), Mơ khách đường xa, khách đường xa/ áo em trắng quá nhìn không ra…(Đây thôn Vỹ Dạ). Vẻ đẹp trinh khiết như là chuẩn mực cho cảm quan thẩm mĩ của Hàn Mặc Tử. Lấy vẻ đẹp của con người làm chuẩn cho việc định giá cái Đẹp, điều đó cho thấy tư duy thơ của Hàn Mặc Tử đã bắt kịp tư duy thơ hiện đại, bứt thoát khỏi những quy phạm cổ điển đã trở nên tẻ nhạt, đơn điệu, vươn lên tầm cao mới trong thời đại Thơ mới. Căn bệnh phong quái ác khiến chàng trai trẻ Hàn Mặc Tử phải sống trong mặc cảm bị kỳ thị, buộc phải cách biệt với cuộc sống đầy hương sắc, quyến rũ, phải chia cắt với những người thân yêu, tất cả điều đó là nỗi khổ tâm, hành hạ chàng hơn cả cực hình tra tấn đã khiến cho tâm lý của Hàn Mặc Tử rơi vào tình trạng bất ổn, thi nhân luôn luôn phân thân, mộng mị và thậm chí sống trong miền hoang tưởng. Hoàn cảnh buộc Hàn phải tìm đến một thế giới tưởng tượng, ru hồn mình trong một thế giới đầy ảo ảnh để tiếp tục sống và sáng tạo. Vì lẽ đó, đọc thơ Hàn chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trong cảm thức của thi nhân luôn có sự trộn lẫn giữa vẻ đẹp quyến rũ của mỹ nhân với vẻ đẹp của thiên nhiên: 
Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi/ Hoa lá ngây tình không muốn động/ Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi/ Trong khóm vi vu rào rạt mãi/ Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?/ Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm/ Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe/ Vô tình để gió hôn lên má/ Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm… (Bẽn lẽn). Vầng trăng trong tâm thức của Hàn không còn là một khối vật chất vô hồn mà đó là một vầng trăng đã bị “bóp méo” bởi trí tưởng tượng, là một ảo ảnh trăng trong hình hài thiếu nữ nóng bỏng, tràn trề sức sống,  đang độ khao khát yêu và được yêu. Có khi trăng lại có tâm hồn tinh tế, trang nhã như cô gái mới lớn: Mới lên trăng đã thẹn thò/ Thơm như tình ái của ni cô…(Huyền ảo). Có lúc thi nhân lại muốn: Em hãy nhập hồn em trong bóng nguyệt (Hãy nhập hồn anh). Khối hình hài vô tri vô giác được thổi hồn đến mê hoặc lòng người. Trăng hay thiếu nữ? Thiếu nữ hay trăng? Khó có thể phân định! Chỉ có thể cảm nhận đằng sau cặp đôi hòa quyện trăng - thiếu nữ là hình ảnh của một “Thi sĩ đồng trinh” đã dồn hết tâm lực còn lại, vượt qua nỗi đau thể xác để vươn đến cái kỳ vĩ, cái vĩnh hằng của khát vọng được tận dâng, tận hiến, được sống thật đến tận cùng bản chất Người của mình. Cho nên có thể xác quyết những màu sắc dục tính trong thơ Hàn rạo rực, say đắm nhưng không hề vẩn đục vì nó được Người khách lạ “dừng lại để hái những tinh hoa”. Tài năng của Hàn Mặc Tử là ở đó, thanh khiết, cao xa mà vẫn mang hơi ấm trần thế, trần thế nhưng lại có cả vạn sắc thiên đường.
Hàn Mặc Tử quan niệm “Thơ là tiếng kêu rên thảm thiết của một linh hồn thương nhớ, ao ước trở lại với trời, là nơi đã sống ngàn kiếp vô thủy vô chung, với những hạnh phúc bất tuyệt” (Quan niệm thơ). Chính vì vậy, trong cảm thức nghệ thuật của mình Hàn luôn bộc bạch trạng thái “chưa bưa”, chưa đã, chưa hả hê chút nào khi “nuốt khí thanh tao của mùa xuân ấm”, tận hưởng vẻ đẹp thanh tân của “nàng” trên cõi trần gian. Cho nên thi nhân vẫn khát khao vô tận, cứ muốn “hưởng cái thơ trên thơ khác nữa”, và vẫn mãi đi tìm... Bởi mong ước không bến bờ như thế, cho nên Hàn Mặc Tử đã vượt hẳn ra ngoài Hư Linh. “Thơ ông là sự trộn trạo của những dòng “tâm tư bất định”, những thi ảnh rực rỡ vượt tầm sự thực để hòa lẫn chiêm bao. Với Hàn, chiêm bao cũng là một sự thực”. Vì lẽ đó, đọc Chơi giữa mùa trăng chúng ta hiểu vì sao hình ảnh “Chị” lại được thi sĩ “tắm” trong một thứ ánh sáng vô cùng huyền bí, vi diệu: Chị tôi cười nả nớt, tiếng cười trong như thủy tinh và thanh khiết lạ thường/Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là đức tinh truyền chí thánh. Tôi muốn sốt sắng quỳ lạy mong ơn bào chữa. Nhưng trời ơi, sao đêm nay chị tôi đẹp đẽ đến thế này. Nước da của chị tôi đã trắng, mà vận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi (…) Chị tôi hí hửng như xuân, chạy nhảy xênh xang cơ hồ được dịp phát triển hết cả ngây thơ của người con gái mười lăm tuổi, tôi ngắm mãi chị tôi, và tự vui sướng trong lòng vô hạn. Có lúc tôi đã kiêu ngạo thay cho cái sắc đẹp nhu mì ấy, mà chỉ dưới trời thu đêm nay tôi mới biết thưởng thức. Những phút sáng láng như hôm nay, soi sáng linh hồn tôi, và giải thoát cái "ta" của tôi ra khỏi nơi giam cầm của xác thịt... Tôi bỗng rú lên một cách điên cuồng, và chực ngửa tay hứng một vì sao đang rụng (Chơi giữa mùa trăng).
Từ trong sâu thẳm tiềm thức, thơ của Hàn vút lên những tiếng kêu “trời ơi!”, và “rú” lên thảng thốt, điên cuồng. Đối diện thường trực với tai họa không lường trước được của cuộc sống, thơ Hàn phản ánh tâm trạng đối cực: bi quan và hưởng lạc, hạnh phúc và đớn đau. Thi sĩ phóng chiếu vào sáng tác của mình nỗi lo, sự sợ hãi và hoang mang khi ý thức được mọi cái đang dần dần rời xa tay với của mình, và sợ nhất đối với chàng là cái Đẹp dần dần tan loãng rụng rơi vào cõi xa xôi, đơn lạnh...
Thi giới Hàn Mặc Tử không phải là một thi giới dễ tiếp nhận. Đọc Hàn Mặc Tử người đọc cũng phải đắm chìm trong thế giới của trí tưởng tượng để “đồng sáng tạo” với thi nhân. Nói thơ của Hàn Mặc Tử là thơ có sức “vẫy gọi” là vì vậy! Tinh thần tự do trong tư tưởng, khát vọng kiếm tìm cái mới trong sáng tạo nghệ thuật khi phải sống trong nhức nhối, đau thương đến tột cùng của thân phận “lưu đày” giữa cõi trần ai… tất cả đã minh chứng cho thấy một nghị lực phi thường, một trí tưởng tượng ở đỉnh cao của trí tuệ mẫn tiệp, một tâm hồn phong phú, sâu sắc, giàu cá tính. Cảm thức về phái đẹp trong thơ Hàn Mặc Tử cũng không nằm ngoài “từ trường” sáng tạo đó.
Trong thơ Hàn Mặc Tử, cảm thức về phái đẹp đã vượt thoát khỏi hệ quy chiếu của quan điểm nam quyền vốn đã tồn tại từ lâu trong đời sống văn học. Tâm hồn thánh thiện và vẻ đẹp thanh tân của những “Em”, “Nàng”, “Chị” được Hàn Mặc Tử tôn thờ, nâng niu, trân trọng, coi họ là những “Ngọc nữ”, là biểu tượng của cái Đẹp kiêu sa, cao quý, là niềm kiêu hãnh của thi nhân. Dẫu họ chỉ hiện lên trong giấc mơ dằng dặc nỗi buồn của thi nhân nhưng cũng đủ để Hàn giữ vững niềm tin trên hành trình khó khăn khám phá chính bản thân, khẳng định sức mạnh nội lực của mình và trên hết là đóng đinh nhân vị của mình trên dòng chảy của dòng sông cuộc đời đầy nỗi oan khổ, đắng cay. Hàn Mặc Tử đã bay lên với những giấc mơ cùng người đẹp để phiêu lãng với những buồn, vui, hoặc tái tê trong hạnh phúc bình dị nhưng rất đỗi thiêng liêng, để được sống cuộc sống phong phú, muôn màu mà mình khao khát mơ ước, cuộc sống khác thực tại đau thương... L.Tolstoi đã từng viết: “Khó khăn hơn cả là yêu cuộc sống với những nỗi đau khổ của mình”, đọc Hàn Mặc Tử hôm nay, phiêu diêu và chiêm nghiệm cùng thi giới rực rỡ của thi nhân - một thế giới thiêng liêng của cái Đẹp và sự hướng thiện, chúng ta không thể không ngậm ngùi và cúi đầu cảm phục: Hàn Mặc Tử đã vượt lên hố thẳm của hư vô tuyệt vọng, vượt lên những mặc cảm nặng nề về thân phận hẩm hiu của một “con hủi” để sống và đi vào cõi vĩnh hằng với tất cả niềm hy vọng kiêu hãnh của một Con Người.
Yêu cuộc sống và con người một cách nồng nhiệt, cuồng si cho nên trong thơ của Hàn, chúng ta còn bắt gặp những trăn trở phận người mà Hàn chia sẻ cùng phái đẹp. Đây đó là ý nghĩ đau đớn, lo âu cho những bóng dáng yêu kiều mà sự đổi thay số phận rình rập ở đâu đó có thể đột ngột giáng xuống: Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời/ Bao cô thôn nữ hát trên đồi/ - Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi (Mùa xuân chín). Tài hoa đến lạ thường! Chỉ bằng một vài nét phác họa đơn sơ mà cả một bầu trời ly biệt hiện ra như tiền định. Có lúc thi nhân tiếc thương, than khóc cho những người con gái “đồng trinh” mà thân thể vẫn còn “thơm hơn ngọc” nhưng đã sớm phải lìa xa cuộc sống: Đêm qua trăng vướng trong cành trúc/ Cô láng giềng bên chết thiệt rồi/ Trinh tiết vẫn còn nguyên vẹn mới/ Chưa hề âu yếm ở đầu môi/Xác cô thơm quá thơm hơn ngọc/ Cả một mùa xuân đã hiện hình/ Thinh sắc cơ hồ lưu luyến mãi/ Chết rồi - xiêm áo trắng như tinh… (Cô gái đồng trinh). Hàn khóc cho những thân phận bọt bèo trôi dạt vào cõi hư vô hay khóc cho cái Đẹp mong manh bị phôi pha theo năm tháng? Khóc cho chính số kiếp đau thương của đời mình? Tất cả hòa nhập làm một trong một vũ trụ thơ bay bổng, có sức mê hoặc lòng người kỳ lạ, và có lẽ cũng không nên phân cắt rõ ràng mọi nhẽ khi chiêm nghiệm thơ Hàn, bởi lẽ mơ hồ nghĩa chính là nghệ thuật cao cường nhất của “loài thi sĩ” (HMT) và Hàn Mặc Tử là một thi sĩ đích thực luôn đạt tới đỉnh cao của sự cao cường đó.
3. Sinh thời, Hàn Mặc Tử từng ao ước: Tôi ước ao là tôi ước ao/ Tình tôi vô lượng sẽ dâng cao/ Như bông trăng nở, bông trăng nở/ Những cánh bông thơ trắng ngạt ngào… Gần 80 năm đã trôi qua, kể từ khi thi sĩ giã từ cuộc sống để đi vào cõi vĩnh hằng dường như chưa phút giây nào bạn đọc nguôi quên “những cánh bông thơ trắng ngạt ngào” của ông. Như mỏ vàng quý giá giàu trữ lượng, thơ của Hàn càng khai thác càng thấy phát lộ  hào quang huyền bí vi diệu đặc biệt. Trong nỗi đau tận cùng của bi kịch cuộc đời, giữa muôn màu cuộc sống, giữa vụ trụ bao la, Hàn Mặc Tử đã lựa chọn phái đẹp như một niềm an ủi, một chỗ dựa tinh thần để thi nhân lấp đầy khoảng trống vắng của cuộc đời cô độc, thiếu vắng tình thương và nhất là những mất mát trong tình yêu…Những ẩn ức cô đơn, bơ vơ, sự thèm khát hạnh phúc, tình yêu và hơi ấm của tình người đã trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi trong suốt một đời thơ Hàn Mặc Tử. Phái đẹp đã trở thành chuẩn mực thẩm mỹ, nguồn cảm hứng bất tận, nuôi dưỡng và tiếp lửa một trong những hồn thơ tài năng bậc nhất của thi đàn văn học dân tộc. Phái đẹp là một yếu tố không thể thiếu để bút lực Hàn Mặc Tử có thể thăng hoa “thấm nhuần những ý nghĩ cao cường, truyền sang bởi điện tinh truyền của trí tuệ” (HMT) và để “phơi lên mảnh giấy thanh sạch này những tình cảm nóng ran, tràn trề và thơm lựng” (HMT). Cảm thức về Phái đẹp trong thơ Hàn Mặc Tử là một hệ giá trị thẩm mỹ độc đáo mang giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc. Từ đây, nó hé lộ cho người đọc nhiều thế hệ hiểu hơn: vì sao thơ Hàn Mặc Tử không thể có phiên bản thứ hai và luôn tiềm tàng một sức cuốn hút mê hoặc lòng người, bất chấp dòng chảy nghiệt ngã của thời gian.
Người thơ phong vận như thơ ấy (Xuân đầu tiên), qua thơ có thể thấy Hàn Mặc Tử đã sống thật mạnh mẽ, chưa bao giờ nguôi ngoai khát vọng, chưa bao giờ mất đi tình yêu thương với con người. Thi nhân luôn tin ở cái Đẹp và lòng nhân ái của con người. Hàn Mặc Tử - Ngôi sao “Đồng trinh” chỉ xoẹt qua bầu trời thi ca Việt nhưng đã kịp cháy bùng, để lại một vầng sáng rực rỡ, dữ dội, lạ lùng. Những da diết khắc khoải khôn nguôi về con người, nỗi đớn đau, trăn trở về sự tồn sinh của cái Đẹp trong thơ Hàn đã, đang và mãi mãi thắp lên ngọn lửa ấm áp, nâng đỡ, an ủi trái tim bạn đọc. Và cũng như thi nhân, chúng ta tin tưởng và hy vọng vào một chân lý vĩnh hằng: Chỉ có trăng sao là bất diệt/ Cái gì khác nữa thảy đi qua/ Tây Thi nàng hỡi bao nhiêu tuổi/ Vẻ đẹp mê tơi vẫn nõn nà... (Thời gian).
CHÚ THÍCH:
(1). Huỳnh Phan Anh, “Hàn Mặc Tử hay là hiện hữu của thơ”, Văn, số 73-74, Sài Gòn, 1966, tr. 9.
(2). Nhóm tri thức Việt (tuyển chọn), Hàn Mặc Tử thơ và đời, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2016, tr. 125.
(3),(4),(6). Nhóm tri thức Việt (tuyển chọn), Hàn Mặc Tử thơ và đời, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2016, tr. 148, 75, 128.
(5). Quách Tấn “ Đôi nét về Hàn Mặc Tử”, Văn, số 73-74, Sài Gòn, 1966  tr. 81.
(7). Trần Hoài Anh, Đi tìm ẩn ngữ văn chương, Nxb. Hội Nhà văn Hà Nội, 2017, tr. 339.
(8). Nguyễn Đăng Điệp, Thơ Việt Nam hiện đại, tiến trình và hiện tượng, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2014, tr. 156. 159.
31/5/2019
Cao Thị Hồng
Theo http://vannghedatto.vn/

x

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ông già, sóc nâu và sấu sót  Nhiều lần ông toan cúi xuống nhặt một quả sấu, chùi vội vào vạt áo, đưa lên miệng. Nhưng ông đành kìm lại. ...