Thơ, là gây ra một đám cháy trong hồn...
ĐỌC LẠI MỘT SỐ CÂU THƠ LUẬN VỀ THƠ CỦA CHẾ LAN VIÊN 1. Chế Lan Viên nói về việc chọn đề tài:
Thấy vạn sông hồ, thấy vạn trời mây
Rồi lui về chạm một cánh chim trên gác nhỏ
Đấy là cái trọng điểm giữa đất, trời mà anh chốt giữ
Chớ làm sao anh bao quát vạn đề tài
(Di cảo thơ, tập 1, NXB Thuận Hóa, 1992)
Từ vạn sông hồ, vạn trời mây của cuộc đời, nhà
thơ chọn cho mình một đề tài. Nhà thơ không nên ôm đồm khi chọn đề tài. Không phải
đề tài rộng rãi to lớn thì thơ hay. Có khi cái bé nhỏ như một cánh chim
trên gác nhỏ lại hóa diệu kỳ. Hãy chốt giữ một cái trọng điểm nhỏ nhẹ
thôi, nhưng hãy biết gọi về trùng lớp trùng lớp suy tưởng, ý nghĩa của đề tài,
làm cho mọi người thấy được những chân trời, đến được những chân trời. Và Chế
Lan Viên gọi cái trọng điểm giữa đất, trời là muốn nói: đề tài mang
cái tinh, chắt lọc, đồng thời mang cái bao la, phong phú của đời. Thơ đứng giữa
hai chiều biện chứng đó:
Lấy tinh binh thắng đa binh
Lấy hạt muối có khối hình, thắng mặt bể to, không kết tụ kết
tinh
… Nhưng cũng đừng tham một hạt muối con mà vứt bể
Vứt cả cái sóng gió xôn xao rất đỗi bể trời
Câu thơ nằm giữa bể sóng không yên và hạt muối chói ngời
Giữa hai mặt đối lập và thống nhất kia, chếch choáng câu thơ ở
giữa
(Đối thoại mới, NXB Văn học, 1973)
2. Chế Lan Viên nói về tính hàm súc của thơ:
Nhân loại đi xa chớ có vẽ bày
Từ ngữ kềnh càng, văn chương vô lối
Cả đời anh, anh thu nhỏ lại
Chỉ còn cái lõi
Cho nhân loại mang cùng, nhân loại cầm tay
(Di cảo thơ, tập 1, NXB Thuận Hóa, 1992)
Với thơ, nhân loại thường tránh dùng nhiều lời truyền đạt ít
ý, mà cố gắng thâu tóm được nhiều ý trong ít lời. Tứ tuyệt Đường thi chẳng hạn.
Thơ cần phải hàm súc. Nhưng không phải vì thế mà lược bỏ từ ngữ của thơ một cách
giản đơn, máy móc. Không nên gạt bỏ cái đáng lẽ mang lại ánh sáng trên toàn thể
câu thơ. Thơ không phải hàm súc, cô đặc đến mức thành một câu đố hóc búa. Chính
sự phong phú và sức mạnh của tư tưởng khiến cho thơ được biểu lộ một cách gãy gọn
và nhiều ý nghĩa. Còn lối diễn đạt cồng kềnh, dông dài thường đi liền với một sự
tối tăm mơ hồ của tư tưởng. Cái sâu trong thơ không đồng nhất với từ ngữ đao to
búa lớn, những lối diễn tả lạ thường, những câu thơ dài, khoa trương, chải chuốt:
Chỗ này sâu ư? Không - chỉ là nước đục ngầu
Chỗ này cạn ư? Không - chính nhờ nước trong nên ta nhìn thấy
đáy
Cái sâu cạn trong thơ là thế đấy
(Đối thoại mới, NXB Văn học, 1973)
3. Ai cũng biết thơ được viết bằng văn vần đầy tính nhạc. Thế
nhưng người ta có thể là nhà thơ khi viết văn xuôi và chỉ là một kẻ diễn thuyết
khi viết văn vần. Điều quan trọng và khó nhất trong thơ, cũng như điều để quyết
định anh có phải là thi sĩ hay không là việc tìm được những từ ngữ, hình ảnh tả
được cái đẹp muốn nói ra - những từ ngữ, hình ảnh vừa hết sức cô đọng vừa lại
thật gợi mở. Ngôn ngữ bao la trước hết là của cuộc đời. Người làm thơ lặn vào
trong bể ngôn ngữ để chọn nhặt cho mình những a, những b cần thiết. Rồi từ đó
qua cảm xúc riêng, ý tưởng riêng và cách trình bày riêng, ngôn ngữ của đời trở
thành ngôn ngữ của thơ, của nhà thơ, trở thành ngôn ngữ nghệ thuật. Đó là thứ
ngôn ngữ của cảm xúc, của ẩn dụ, của một tầng nghĩa khác không còn là lớp nghĩa
thông thường. Mà vẫn phải là thứ ngôn ngữ đong đầy cuộc đời. Chế Lan Viên viết:
Mỗi câu thơ là một lần lặn vào trang giấy
Lặn vào cuộc đời. Rồi lại ngoi lên
(Đối thoại mới, NXB Văn học, 1973)
là một lần nữa cũng có nhắc lại cái lao động nghệ thuật ngôn
từ của nhà thơ.
4. Người ta thường đến với thơ như một cuộc chơi. Thế nhưng
không thể phủ nhận tính lao động sáng tạo một cách nghiêm túc trong thơ. Tài
năng trời phú chưa đủ, còn phải lao động say mê nữa mới mong có thơ cho đời.
Thi hứng về rồi, nhà thơ đã nghe thấy tiếng thơ dâng lên rồi; trước trang giấy,
hãy viết đi, viết và cứ viết. Câu thơ thứ nhất chưa thành, hãy còn câu thứ hai,
câu thứ ba… Thơ vẫn chờ ở phía trước, chờ lúc ta chạm vào, lóe sáng lên. Hãy:
Đánh giáp lá cà trong trận chữ
Đừng lùi vào thế thủ
Bước đường cùng thì cũng phải đà đao
Cái nhát thiên tài lóe ở cuối câu
(Di cảo thơ, tập 1, NXB Thuận Hóa, 1992)
Một đêm ư? Phù du bay đến có muôn nghìn
Có phải con nào đến chết trước trang thơ đều đem thi tứ cả
… Trăm câu thơ xóa đi cho một câu khỏi ném vào trong gió
… Chữ được mùa; chữ ủ chua; chữ phóng xạ; chữ mùa trăng và chữ
đêm rằm; chữ lên men; chữ thành “gien”, mật mã; chữ đu bay, voi lồng…;
chữ hừng đông và chữ chớp đông; chữ ra đồng; chữ hồng huyết cầu, tế bào vỏ
não; chữ thụ phấn, thụ tinh sáng tạo…
Dù trăm thứ chữ kia để được gì nào?
Số phận chữ à? Là tan biến vào câu
Câu hay ư? Là câu không còn chữ nữa
Lửa cháy lên rồi, chỉ còn có lửa
(Ta gửi cho mình, NXB Tác phẩm mới, 1986)
Người làm thơ như chàng Prométe đi tìm lửa, thật gian khó mới
đến lúc gây ra một đám cháy trong hồn - mới tìm ra thơ.
Lê Quốc Sinh
Theo http://www.ninhhoatoday.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét