Thứ Hai, 19 tháng 10, 2020

Thơ trẻ - Độ chênh giữa cái tôi cá nhân và cái ta cộng đồng

Thơ trẻ - Độ chênh giữa 
cái tôi cá nhân và cái ta cộng đồng
I. THƠ HẬU CHIẾN - MỘT NIÊN BIỂU "ĐÊM HÔM TRƯỚC" CỦA THƠ TRẺ
Nền văn học nào cũng phát triển theo qui luật kế thừa giữa các thế hệ nhà văn. Mỗi một thế hệ thơ có tính công dân của nhà thơ do lịch sử của dân tộc đó quy định. Cách tân, sáng tạo là quy luật muôn đời của văn chương, thơ ca được tạo dựng theo lý tưởng thẩm mỹ thời đại đó. Thơ không phải trên trời rơi xuống, không phải lúc nào cũng cậy nhờ vào sự “xuất thần”, mà là kết quả sự trải nghiệm, sự đam mê sáng tạo, tài năng bẩm sinh, được thắp sáng bằng lý tưởng Cái Đẹp của thời đại với mục đích cuối cùng là sự đón đợi của Bạn Đọc. Sau lớp nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ chống Mỹ là một thế hệ thơ ca hậu chiến với đông đảo nhà thơ trưởng thành, nhất là từ thời kỳ Đổi Mới trở đi, với nhiều tập thơ có giá trị. Trong khoảng 30 năm qua, đời sống tinh thần của xã hội được cởi mở hơn. Trong văn học - nghệ thuật, đề tài được mở rộng, những rào cản đề tài thuộc “vùng cấm” bị tháo bỏ; tư duy lý luận và phê bình được dân chủ hóa; lý thuyết thơ ca được mở rộng đường biên. Đội ngũ nhà thơ đông đảo hơn; hàng năm có tới hàng trăm tập thơ ra đời. Nhiều người dè bỉu cho là thơ được “sản xuất” theo kiểu hàng xén. Nhưng nếu không có mặt bằng sáng tạo kia thì làm sao có những đỉnh cao?!. Tên tuổi của hàng trăm nhà thơ nổi lên qua các giải thưởng địa phương và trung ương với thể thơ niêm luật và phá thể, trường ca và thơ tứ tuyệt, thơ tự do và thơ văn xuôi, thơ lục bát và thơ Đường… Có thể kể đến Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Bình Phương, Lò Ngân Sửng, Y Phương, Inrasara, Nguyễn Hữu Quý, Hoàng Trần Cương, Trần Quang Quý, Lê Thành Nghị, Nguyễn Hồng Vinh, Lê Văn Ngăn, Đỗ Doãn Phương, Mai Văn Phấn, Mai Quỳnh Nam, Trần Anh Thái, Phạm Đình Ân, Văn Cầm Hải, Trần Thu Hà, Vi Thùy Linh, Đinh Thị Như Thúy v.v… Nhiều nhà thơ trẻ không chịu đi theo con đường mòn của các thế hệ trước, ráo riết đi tìm cách diễn đạt mới, từ ngữ mới, hình tượng lạ. Một số nhà thơ không còn trẻ, nhưng vẫn nhiệt tâm chạy đua với thời gian, với lớp trẻ để những ý thơ hay, vần thơ đẹp tìm đến sự đồng cảm của người đọc. Đề tài biển đảo quê hương được coi là cảm hứng dồi dào của họ. Nhiều thập kỷ trước, chúng ta đã có Thơ viết ở biển của Hữu Thỉnh; Sóng, Thuyền và biển của Xuân Quỳnh, Thơ tình người lính biển của Trần Đăng Khoa v.v… Những năm gần đây, tôi được đọc những câu thơ lạ, với ý tưởng xanh rờn nói về nổi lòng của biển, thân phận con sóng, thật ra là nói số kiếp con người:  chìm nổi, đa đoan...: Con sóng ném xác mình lên bờ đá/ Không có sóng/ Không hiểu được nổi lòng của biển (Nỗi đau của bờ) hay: Nhớ về cố hương không hở sóng?/ Vổ mênh mông khắc khoải triền miên/ Gió dữ chồm lên tung bọt trắng/ Bảo tan rồi, xác sóng chẳng còn nguyên (Sóng biển quê đâu?). Đó là những câu thơ của Hoài Quang Phương, một nhà thơ, nhà giáo người Quảng Trị, tuổi xấp xỉ thất thập, nhưng tâm hồn nhìn đời vẫn trong trẻo. Những tập thơ được giải của Hội nhà văn Việt Nam từ Sự mất ngủ của lửa (Nguyễn Quang Thiều) cho đến mấy tập gần đây (2011): Hoan ca (Đỗ Doãn Phương), Bầu trời không mái che (Mai Văn Phấn) v.v... đều có những câu thơ hay, lạ, ý thơ mới, nhưng không nhiều, nhiều đoạn khó hiểu.
II. THƠ TRẺ - KẾ THỪA VÀ CÁCH TÂN
Quy luật kế thừa trong tự nhiên, trong xã hội, trong lịch sử không phải của riêng ai. Những giá trị của thời đại trước thường được lưu giữ và phát huy nhờ quy luật này. Nó có hai đặc điểm: Một là, kế thừa trong tự nhiên, trong sinh học thường đơn giản hơn nhiều so với quy trình kế thừa trong lịch sử. Những giá trị trong các thời đại trước thường được đời sau đánh giá khác nhau, vì ở đó có những lôgic của nhiều giá trị: cái đúng, cái sai và xác suất (vừa đúng vừa sai). Hai là, cách tân trong văn chương, thơ ca là phương tiện, là thao tác kỷ xảo, tìm kiếm bút pháp, lật trở những lớp sắc màu ngôn ngữ. Tôi nghi ngờ thơ là “trò chơi ngôn ngữ”. Sỡ dĩ người ta gọi thơ 1932 - 1945 là Thơ mới, vì các nhà thơ ở nhiều cung bậc tài năng khác nhau đều cách tân từ đầu đến chân như ảnh hưởng của giao lưu văn hóa với các nước đầu thế kỷ XX, quy trình cách tân Thơ mới đến với đông đảo bạn đọc, nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên ở đô thị. Trong thơ ca Nga thời đại Xô Viết, Maiakôpxki là nhà thơ cách tân vĩ đại, nhưng đừng tưởng ông chỉ dừng lại ở thể thơ leo thang, từ chối những ngôn từ khoa trương đập phá, tắc tỵ của chủ nghĩa vị lai v.v… Đối với ông, cách tân trước hết là nhiệt tình cách mạng trong những bài thơ đả kích bọn quan liêu, thái độ hóng hách với Dân: Hổ và Mèo, Những người bạn họp, Nổi kinh hoàng của giấy tờ; những vở kịch châm biếm: Diệu pháp trò hề, Nhà tắm, Con rệp. Maia không chống việc học tập A.Puskin, chỉ chống việc đưa Puskin ra làm mẫu mực cho văn học hiện đại. Trong tuyên ngôn: Cái tát vào thị hiếu xã hội, nhóm nhà thơ vị lai kêu gọi “vứt những nhà văn cổ điển ra khỏi con tàu hiện đại”, còn Maia thì dõng dạc tuyên bố: “Tôi phải viết theo nghị quyết trái tim”. Cái tôi của nhà thơ lớn cách mạng đã tôn cao Cái ta cộng đồng. Ngược lại, cái ta cộng đồng đã nâng tầm tài năng, là động lực của cái tình nhà thơ. Viết về sự kế thừa, cách tân trong thơ ca đương đại thì có nhiều. Chỉ xin dẫn hai ý kiến có sức ám ảnh. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo cho rằng, “cách tân thơ không phải là mục đích… mục đích của thơ ca là truyền cảm, làm rung động lòng người… Kẻ bất tài dù cách tân mấy cũng không có thơ hay… bất tài không phải là cái tội. Tội lớn nhất là đánh tráo sự bất tài thành thiên tài trong các bài phê bình kiểu lợi ích nhóm để lừa lớp trẻ” [1].
Nữ nhà văn Lê Khánh Mai trong bài: Thơ của người đang trẻ có dòng tít đậm Cái tôi trong nổi băn khoăn tìm kiếm nhận diện chính mình, với câu hỏi: Tôi/ Ta là ai? Câu hỏi lớn muôn thu của kiếp người. Với người trẻ, câu hỏi này càng thường trực và bức sốt hơn… Người trẻ không nhốt mình mãi trong cái sự “không hiểu”. Cuộc sống với những vòng tay khổng lồ, luôn tạo nên những va đập tác động lên con người. Bớt đi những nôn nóng tìm lời giải đáp, những ngộ nhận, những tuyên ngôn to tát về lẻ sống, thơ trẻ cũng dần dần đắm lại, bình tĩnh và sâu hơn những trải nghiệm… Thơ trẻ hôm nay có những nổi buồn, những dằn vặt và phát hiện đời sống với một chiều sâu văn hóa rất đáng để người đọc suy ngẫm [2]. Ý tưởng thừa nhận Cái được của thơ trẻ của bà đáng trân trọng. Những từ đó cho đến đích nhập cuộc với cái Ta còn một khoảng cách, đòi hỏi sự dấn thân, sự lao động nhọc nhằn, con tim đa cảm đối với những nổi đau, niềm hoan lạc v.v… của đồng loại mới bớt đi độ chênh giữa Cái Tôi và Cái Ta. Từ chối lối mòn, tìm đến cách nói “lạ hóa” không chuẩn, những biểu tượng “con rắn trong em trườn qua xác chết, trườn qua hết thảy mọi định kiến…”, coi tình dục là một giải pháp để giải phóng phụ nữ v.v… thực sự không thuyết phục được tâm thế của nữ giới. Trong thơ tình hiện đại tôi tìm thấy hàng chục bài thơ có hiện tượng “lạ hóa” về tứ thơ rất hiện đại dung dị và chân thật tối đa. Bài Trái mùa của Nguyễn Thị Hồng Ngát, Những phút xao lòng của Thuận Hữu là vài ví dụ. Thơ là dấu ấn của cá tính, là thái độ sống, là trái tim không yên ả một ngày… Vì vậy cách tân thơ đòi hỏi sự nhập cuộc, tầm bay của sức tưởng tượng, hiệu ứng của sự trải nghiệm cá nhân. Và khi tâm thế cá nhân trùng khít với những đồng tâm của điều thiện và sự phản cảm trước cái ác, với những nổi đau nhân thế v.v… thì sáng tạo của nhà thơ trở thành cái chung.
THƠ TRẺ - ĐỘ CHÊNH GIỮA CÁI TÔI CÁ NHÂN VÀ CÁI TA CỘNG ĐỒNG. TẠI SAO?
LÝ TƯỞNG SỐNG MƠ HỒ, LÝ TƯỞNG XÃ HỘI CHƯA RÕ NÉT.
Người xưa có câu nói thiếu công bằng “Trẻ người non dạ”. Người lớn thường nhìn họ bằng cặp mắt hoài nghi và tâm trạng bất an. Đó là một sự thật nghiệt ngã. Nhưng trong thơ ca thế giới và ở nước ta, các nhà thơ lớn đều trưởng thành và có tác phẩm nổi tiếng ở tuổi 20 - 35: Puskin, Lecmontov, Blốc, Maiakopski, Esênhin ở Nga; Goethe ở Đức; Bairon ở Anh; Petophi ở Hungari là những ví dụ. Cũng vậy, Cristô Bôtép (1848 - 1876) trong thơ Bungari, lúc tuổi mới ngoài 20, đã viết về mối tình đầu - một nữ danh ca mà anh yêu say đắm, nhưng rồi anh từ chối. Bôtép nghĩ và làm khác, một thanh niên cách mạng có “trái tim bọc kín hận thù” ấy đã nói thẳng với người yêu những lời nhức nhối, đau lòng: Giọng của em trong, tuổi em còn trẻ/ Nhưng em có nghe tiếng hát của rừng?/ Em có nghe người nghèo nức nở/ Tâm hồn anh khao khát nghe tìm/ Lòng anh gọi, anh về xứ sở/ Nơi máu người đang chảy loang (Gửi mối tình đầu).
Trở lại thơ trẻ đương đại. Bên cạnh một số cái được nhờ nổ lực tìm kiếm tứ thơ, ngôn ngữ mà có lần chúng tôi nói đến, còn nhiều khoảng trống, khoảng cách giữa thơ trẻ với người đọc, chưa thấy ánh hồng của “mặt trời chân lý chói qua tim” (Tố Hữu), ít thấy những “vần thơ có ích” (Chế Lan Viên) v.v… Làm thơ là sáng tạo, sáng tạo cần tài năng. Ngày xưa các bậc thức giả thường chia thơ ra hai loại: loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Muốn trở thành văn gia đại bút trước hết phải có ba điều bất hủ: lập đức, lập ngôn, lập công. Đức mà người xưa muốn nói là lý tưởng sống, lý tưởng xã hội: Viết cho ai? Viết để làm gì? Hai câu hỏi tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải ai cũng trả lời suôn sẻ. Gần đây vài nhà văn trẻ, ít thôi, hung hăng tuyên ngôn: “thơ tôi không dành cho bạn”, “thơ là sự biểu hiện không cần cho ai cả”. Cả hai câu có vẻ quá tự tin đều sai từ đầu chí cuối. Ngay cả khi anh (chị) làm thơ để thù tạc, để cho người thứ hai thôi, thì thơ đã mang tính xã hội: chia sẻ nổi đau, niềm vui của đôi bạn, không thể không liên quan đến người thứ ba, thứ bảy, cả tập thể và hàng triệu người bắt nguồn từ chuyện chỉ của hai người. Tôn trọng vai trò chủ thể trong văn chương là quan niệm chuẩn xác, nhưng từ đó cường điệu nó, coi đó là tất cả, là chuyện nhảm nhí. Lý tưởng sống, lý tưởng xã hội là mục đích sáng tạo thơ, là đưa thơ đến với mọi nhà. Thời nào cũng vậy, nước nào cũng vậy, những nhà thơ thiên tài, tài năng là do ánh sáng lý tưởng thường soi sáng cho đường thơ. A. Puskin đề cao vai trò lý tưởng và trí tuệ trong thơ: “Lịch sử nhân dân thuộc về nhà thơ” và chính ông được những chính khách đương thời gọi là “Prômêthê mới”, là “mặt trời thi ca Nga” bởi toàn bộ thơ ca trữ tình, trường ca, tiểu thuyết, văn xuôi của ông là sự cộng hưởng giữa cái riêng và cái chung, giữa tự do thi ca và lý tưởng của cách mạng tháng chạp (1825), mà ông là thành viên. Hai câu thơ để đời trong Người tù cápcadơ: Ôi tự do trong thế giới hoang vu / Anh vẫn riêng kiếm tìm Ngươi mãi. Chữ Ngươi ở đây cũng có thể hiểu là Tự do, đồng nghĩa với lãnh tụ cách mạng tháng chạp Pesten - một trong nhưng trí tuệ độc đáo nhất đầu thế kỷ XIX. Ông có nhiều ký họa chân dung Pesten - Ông hiểu sâu con người này: “Quả tim tôi là duy vật, nhưng trí tuệ tôi lại phủ nhận điều đó” [3]. Puskin thường nói đến vai trò của lý tưởng, trí tuệ. “Trí tuệ muôn năm”, nhưng chưa bao giờ nhà thơ thiên tài Nga xa rời khát vọng, cảm hứng, ngọn lửa bên trong.
-  THƠ TRẺ HẨNG HỤT PHÔNG VĂN HÓA
Có lần, Albert Einstein - nhà vật lý vĩ đại nói rằng, trên đời này có hai cái vô cùng, đó là “vũ trụ và sự ngu dốt”. Khái niệm sau có nghĩa ẩn dụ: Kiến thức bù đắp cho sự ngu dốt. Kiến thức chất đầy trong tự nhiên, xã hội và phân bại. Trong văn hóa khoa học nói chung và thơ ca nói riêng, kiến thức mênh mông như biển rộng, như trời cao. Các bậc văn gia đại bút nước ta thường dạy: “Bản chất của văn chương vốn từ học vấn mà ra, học vấn uyên bác thì văn mới hay. Có lẻ nào văn chương làm cho người ta kiêu căng!”. Câu này của Lê Quý Đôn (1726 - 1784) được chép trong Vân đài loại ngữ. Những học giả khác trong văn chương thời trung cận đại cũng có những ý niệm tương tự. Phan Huy Chú (1782 - 1840) nói đại ý: Để có thể vừa là trước tác, vừa là nhà thơ thì phải có đủ các uyên bác, lại có nguồn cảm hứng bay bổng… Nhữ Bá Sĩ (1788 - 1867) “thường coi đức hạnh và học thức là cái gốc văn chương” [4]. Ở thời đại chúng ta, nhà văn hóa lớn Phạm Văn Đồng, mỗi lần đến với văn nghệ sĩ, thường có một đề tài nóng: Đó là tài năng trẻ. Ông nói, đội ngũ ta lớn mạnh là nhờ lực lượng trẻ, mới, gắn bó với sự nghiệp cách mạng hơn ai hết. Phải công phu trong việc trau dồi hình thức, cần coi trọng chất văn. Làm văn nghệ phải có khiếu, có tài… Thậm chí cần phải trau dồi ngoại ngữ v.v…[5]. M.Gorki là nhà văn bậc thầy, quan tâm hàng đầu tới những nhà thơ trẻ. Ông không chỉ khuyên họ đọc nhiều, hiểu rộng, mà còn chỉ ra vật cản trên đường sáng tạo của bạn trẻ là: học thức kém cỏi, nhưng lòng đầy tự mãn, khát vọng trí thức ở họ ít phát triển, chủ nghĩa sinh hoạt vặt vãnh thường lấn át tiềm năng trí tuệ. Trong văn chương, thơ phú trên thế giới hay ở nước ta thường có một định đề này: triết học nghệ thuật, tôn giáo thường tạo nên hình tượng thơ ca để đời. Nhà thơ không chỉ có kiến thức về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội mà không quên những triết thuyết tiền Marx, chủ nghĩa Marx, phi Marx, các kinh Vệ đà của Phật giáo, Tân ước, Cựu ước của Thiên chúa giáo. Thơ và âm nhạc, thơ và vật lý, thơ và hội họa v.v… đều là láng giềng của nhau. Có người bảo: Thơ là một loại tôn giáo. Đúng, vì ở đó có Niềm tin, Cái Đẹp và ý nghĩa triết lý. Thơ xưa đã biết vận dụng vẻ đẹp tốt cách tự nhiên làm biểu tượng cho nghệ thuật: Hổ, báo tượng trưng cho quyền uy, trùng bách nói lên lòng ngay thẳng, mây khói, liễu yếu đào tơ tượng trưng cho thiếu nữ kiều diễm… Có người lý sự: Đó là những mô thức cũ. Thì hẵng đi tìm những biểu tượng mới đi! Ai bảo câu thơ của Lý Bạch là không hiện đại: Người chẳng thấy/ Sông Hoàng Hà tuôn nước lưng trời kia/ Đổ xuôi ra biển chẳng quay về. Thơ sống được là nhờ sức tưởng tượng kỳ diệu.
Kiến thức rộng chỉ biến thành hiệu ứng thơ hay, thơ có ích khi nhà thơ hóa thân vào những cảnh đời của đồng loại. Ai đó nói rằng, thơ hay thường thiên về nổi buồn. Tôi không phản đối, nhưng chưa đủ. Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống xâm lược, nền thơ ca chúng ta có nhiều bài thơ hay vừa có ích trước hết là trường ca - sử thi. Sự chuyển dịch từ sử thi anh hùng ca sang những đề tài mới, thi pháp mới để chuyên chở cái tôi, cảm hứng cá nhân, không phải là từ chối cái trước, mà chỉ làm giàu cho thơ ca trẻ, hiện đại. Những chuyến đi, những vùng đất thân thuộc, đời sống công nghiệp, tình yêu lớn, tình dục - một nhu cầu của con người chứ không phải nhục cảm, chuyện trong phòng ngủ v.v… đều là những đề tài cho thơ trẻ. “Dấu chân thực tiễn” của nhà thơ đi liền với “sức đẩy của hình thức”, nhất định thơ trẻ sẽ có thơ hay.
- LÝ TƯỞNG THẨM MỸ CỦA THƠ TRẺ CÒN XA LẠ VỚI BẠN ĐỌC
Lý tưởng thẩm mỹ là ý thức về Cái Đẹp trong nghệ thuật, là tiêu chí cao nhất để đánh giá một tác phẩm. M.Gorki thường khuyên các nhà thơ trẻ hãy sáng tác sao cho cái mình “xé thịt đẻ ra” có triệu quả xã hội, được người đời đón đọc bằng Cái Đẹp. Ông phân biệt nhà thơ và người thợ thơ. Người thứ nhất quan tâm đến “tâm lý sự kiện”, tính đa nghĩa của tứ thơ, sự tìm tòi ngôn ngữ. Người thứ hai thường bắt chước, háo hức muốn cách tân nhưng “dục tốc bất đạt”, thích làm dáng, cường điệu, tâm lý ăn non, khi quả chưa chín. Tệ hơn nữa là do lý thuyết sai, định đề thẩm mỹ lầm lẫn dẫn đến sáng tác chệch hướng, mất lòng ở bạn đọc, khi họ không hiểu, thì làm sao biết thơ hay hay dở. Thơ là phi lý tính, có khi là siêu thực, là nhận thức và cảm thức, trí tuệ và bản năng. Trong thơ không có chuyện đúng - sai v.v… nhưng dù phi lý đến đâu, siêu thực đến độ nào thì cũng phải nhờ tài năng, hình tượng thơ mới ra đời, tình cảm của nhà thơ mới được thăng hoa, dồn nén một năng lượng Tinh, Khí Thần, ngôn ngữ thơ đa sắc, có khi chỉ một chữ một câu… làm sáng cả bài thở để đời. Lê Đạt là nhà thơ sớm có ý thức đổi mới cách làm thơ. Trong bài Thơ và Vật lý [6] ông phê phán sự cứng nhắc, bảo thủ của thơ đã ngự trị trên thi đàn, rồi đưa ra định nghĩa: “Thơ là hành vi phát nghĩa”, coi cấu trúc gián đoạn là nền tảng của thơ hiện đại, phá vỡ cấu trúc liên tục (thơ cũ), nhưng khi vận dụng lý thuyết này vào bài Hoa mười giờ thì thật vất vả để người đọc tìm ra được nghĩa của câu thơ: Hoa em đền hoa má/ Thơ má hoa mười giờ/ Mưa rửa đền hoa tuổi trắng lau quên. Các nhà thơ trẻ cần giữ vững bản lĩnh khi tìm cái mới, cái lạ. Nhạc sĩ F.Schubert có lần khuyên lớp trẻ: “Các tác phẩm của anh có nhiều cái hay, cái mới. Tuy nhiên cái hay thì không mới, còn cái mới thì không hay”. Cái trước là bắt chước, còn cái sau là sự bất lực của tài năng. Mà trò đời, đã bắt chước mà giống như người ta là sự ngu ngốc. Một họa sĩ Đức ví von rằng, vẽ một con chó mà giống hệt như nó, thì anh có hai con chó, chứ không có nghệ thuật. Thơ trẻ tự nhận rằng, vào mươi, mười lăm năm nay, dù có những thành thật trong thơ, dù có suốt ruột trong tìm kiếm tứ thơ, sự lật trở ngôn từ… vẫn không tránh khỏi khuyết tật, vẫn không lấp được khoảng cách giữa thơ trẻ và bạn đọc. Chính Đỗ Doãn Phương, nhiều năm trước, có sự đánh giá thẳng thắn: “Trong mười năm trở lại đây, đời sống thơ ca hiện đại ồn ả, loạn xạ và đôi khi cũng ngầu bụi vì những dòng thơ phô bày những thú vui xác thịt và bất xứng với những dòng thơ thanh cao; nhiều khi lại được tôn vinh như những kỳ tích đã vén cả tấm chăn cá nhân lên cho thiên hạ cười”. Thật vậy, trong thơ hiện nay không có vùng cấm. Anh, Chị có thể viết nhiều đề tài bằng nhiều thi pháp khác lạ, nhưng muốn cho thơ phả được hơi thở cuộc sống muôn màu của cây đời, tạp chất của bụi đời vào những vần thơ của mình v.v… đòi hỏi chỗ đứng, cách nhìn, tính công dân của nhà thơ hiện đại. Ở lĩnh vực này có sự tự do và tinh thần trách nhiệm của người viết, lòng tự tin và sự lựa chọn thông minh của người đọc. Vài câu thơ dẫn ra sau đây nghiêng về phía bất thành, bất đạt khi nhà thơ chạy theo đề tài tình dục: Vú nóng/ Người đàn bà dán thân vào thể nâu bóng vào nỗi đợi/ Ngày thức 22 mẩy căng, phỏng rộp/ Nhớ… (Lam Hạnh: Ngày thứ 22). Thật ra, Thơ về đề tài tình dục vốn có truyền thống trong nghệ thuật cổ điển ở nước ta. Những mô típ giao hoan nam - nữ trên mặt trống đồng. Vẻ đẹp nàng kiều trong thơ Nguyễn Du, thơ trào lộng của Hồ Xuân Hương, thơ mới của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê v.v… Tất cả họ dùng thi pháp khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở một điểm, đó là: tính văn hóa, tính nhân văn, sự tôn thờ và ngưỡng mộ cái đẹp, cái kiều diễm, cái cao thượng của người phụ nữ Việt Nam. Vấn đề còn lại đối với thơ trẻ là cách nói như thế nào? Có ai đó nói tình dục đối với thơ trẻ là đề tài mới. Nhưng không nên mở tầm thường, suồng sả trong lối sống hiện đại, yêu hiện đại… Tôi dẫn lại đoạn thơ do nhà thơ Lê Khánh Mai ghi trong bài Thơ của những người đang trẻ và đồng tình sự phê phán của tác giả về “sự tự vấn lương tâm” sau những lần vấp ngả, sai lầm, trả giá cho sự tự do cực đoan: Những đứa trẻ không được chào đời/ Nó vẫn là những bào thai ngày hai tháng tuổi/ Cuộc sống xoay vần vòng tuần hoàn sám hối/ Em bán tình yêu đổi lấy một nhúm tro/ Anh, tuổi trẻ dại khờ. (Thiên thần vỡ - Hà Thị Hằng). Định Thị Như Thúy cũng có một ý thơ dễ đồng cảm mang chất triết lý thời sự trong bài: Một vị trí buổi chiều: Chiều có giới hạn/ Thủ đoạn, xảo trá, vô hạn/ Đêm có giới hạn/ Kiểu cọ, vênh váo vô hạn/ Biển có giới hạn/ Nông cạn, dốt nát vô hạn… Chỉ tiếc, những bài như thế không nhiều.
Tôi tin thơ trẻ sẽ mở rộng vòng tay cách tân, sáng tạo đúng hướng, đúng độ của tâm thức văn hóa, của tâm hồn lộng gió, bớt đi những cái kỳ quặc, thô kệch của dòng thơ nhập từ bên ngoài, những suy tư bệnh hoạn, những ngôn từ rối rắm và xoàng xỉnh, cách diễn đạt thô thiển, gượng gạo, mô phỏng vờ vĩnh về mọi đề tài. Nhất định thơ trẻ là nơi gặp gỡ giữa thơ với đời, giữa cái Tôi và cái Ta. Hãy đập vào trái tim mình, nơi đó chính là tài năng thơ trẻ .
Chú thích:
* Trích trong sách "THƠ TỪ CUỘC ĐỜI
THƠ ĐẾN MỌI NGƯỜI"
(Hợp tuyển tiểu luận, phê bình về thơ 1963 - 2013) của Hồ Sĩ Vịnh do NXB Dân Trí xuất bản.
[1] Đẩy thi ca Việt Nam lên đoạn đầu đài? T/c Văn hiến Việt Nam, số 6/2012, các tr. 10, 11.
[2] Tạp chí Nhà văn số 2 -2009, tr.47, 48
[3] Tiếng Pháp trong nguyên văn: “Mon coeurest matherialiste, mais ma raison s’y refuse”
[4] Từ trong di sản, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1988, tr.100, 147
[5] Dẫn theo: Về văn hóa - văn nghệ, NXB Văn hóa, 1972, tr. 368, 370, 375
[6] Báo Văn nghệ số 25 đặc san thơ, 2005
Hoàng Cầu 16/3/2014
Hồ Sĩ Vịnh 
Nguồn: Hợp tuyển tiểu luận, phê bình về thơ 1963 - 2013)
của Hồ Sĩ Vịnh do NXB Dân Trí xuất bản.
Theo http://vanhien.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...