Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Những thăng hoa tình Phim đôi tình tự chậm

Những thăng hoa tình Phim đôi tình tự chậm
Phim đôi - tình tự chậm không chậm những cách tân, đổi mới mà chỉ chầm chậm, dẫn dụ, mê hoặc lòng người.
Dấn thân vào mê lộ của thi ca, trong cuộc kiếm tìm và thử nghiệm, Phim đôi - tình tự chậm[1] song hành với khoảng lặng của điện ảnh-hội họa đã khẳng định được gương mặt của nó. Đó là những thước phim đầy tình tự, lãng mạn của một trái tim không ngừng yêu. Đó cũng là tập thơ khẳng định sự thành công khi chuyển hướng sang góc độ thơ-điện ảnh-hội họa. Ít nhiều, Vi Thùy Linh cũng đã thêm một lần làm mới mình và làm mới chiếc áo thơ trẻ hiện nay. Những yếu tố góp phần làm nên thành công của tập thơ không chỉ thuộc về kỹ xảo mà còn có sự tham gia của các lớp động từ trong tập thơ.
Động từ có hai lớp: động từ độc lập và động từ không độc lập (theo Hoàng Văn Thung, Lê Đinh Tư, Lê Biên[2]). Trên cơ sở đặc trưng, phân loại động từ, các lớp động từ đều có những giá trị và hiệu quả nghệ thuật riêng. Động từ không chỉ tạo lớp lang “động” mà còn làm thơ ấn tượng hơn nhờ vào giá trị nghệ thuật mà chúng mang lại. Phim đôi - tình tự chậm đậm đặc động từ. Các lớp động từ ấy phần nào giúp người đọc tiếp cận với một cây bút thơ trẻ - Vi Thuỳ Linh đầy đam mê, say đắm, mãnh liệt. Sự điêu luyện trong cách sử dụng động từ, thơ Vi Thuỳ Linh mang đến hơi thở của tình yêu mới, nóng chảy trong lòng bạn đọc. Bài viết này căn cứ cách phân chia động từ của Lê Biên để tìm hiểu giá trị động từ trong tập thơ Phim đôi - tình tự chậm.
Trong hai nhóm động từ, nhóm động từ độc lập sử dụng khá nhiều trong Phim đôi - tình tự chậm. Đáng chú ý là những nhóm sau: Nhóm động từ tác động: tước đoạt, đày đọa, giày vò, xâm chiếm, kìm hãm, đâm, dồn, đánh, đẩy, vượt, xoáy… Nhóm động từ mang nghĩa trao nhận: dâng hiến, đan, cởi, mang, khâu, xâu,… Nhóm động từ gây khiến: chặn, ngập, xây xước, quệt, tù, chèn,… Nhóm động từ cảm nghĩ - nói năng: đắm đuối, thắt, run, chắt chiu, chạm, nhớ, rũ bỏ, sợ, rùng,… Nhóm động từ tư thế:ngước, cúi, ngậm, giang, xoải, tựa, gồng, ôm, ngồi, nằm,… Mỗi nhóm động từ mang lại những giá trị nhất định.
Ở Phim đôi - tình tự chậm, động từ tác động thể hiện rõ bản lĩnh nữ, cá tính nữ của Vi Thùy Linh. Chị hoàn toàn tự chủ, quyết định tình yêu và các cung bậc tình yêu theo cách nhìn riêng của mình, không bị lệ thuộc, không ngại một vấp ngã nào. Người nữ trong Phim đôi - tình tự chậm yêu mãnh liệt, cảm xúc riết nóng, sẵn sàng chiếm giữ, bảo tồn tình yêu. Đối với chị, cuộc sống là tình yêu. Sự “đan” thân, “đan” môi là hệ quả của một tình yêu đẹp, của một khát vọng đẹp:
Quý giá mỗi giờ tịnh nguyên
Cả đời chỉ muốn Yêu - Yên
Từng giây đan thân đan môi
Ngủ ngoan trước bình minh tới
Theo lũ sơn ca đua hót ngoài vườn
       (Thái Bình Dương)
Vi Thuỳ Linh là người giàu bản ngã. Chị không ngại khi tuyên ngôn kiểu yêu của mình: “Tỏ tình với Vi Thùy Linh không cần hoa hồng/ Chỉ cần môi thơm lời thật/ Chỉ cần đúng Anh!...// Nên yêu tất sức sống để vô tận đời mình” (Phiên hoa). Không phải chị chơi trội với thơ, với mọi người mà đó là một Vi Thùy Linh đúng nghĩa: chân thành. Sự chân thành này mang vào thơ chị những đam mê, những nội lực của tình yêu.
Chị tinh tế ngay trong từng cử chỉ với người mình yêu. Cái nhìn của Anh thôi cũng đủ chị xem đó là lực đẩy, tạo khoảng cách giữa hai người. Nó khiến lòng chị vỡ/tan nát/nhức nhối. Vì thế, chị đòi hỏi ở Anh một tình yêu đích thực: “Cài then tiếng khóc em bằng đôi môi Anh/ Đưa em vào giấc ngủ nồng nàn, quên đi những đêm chập chờn, trĩu nặng…// Về đi Anh!/ Cài then những ngón tay trầy xước của em bằng Anh/ Về đi Anh!/ Cài then em/ Bằng Anh!”(Người dệt tầm gai). Tình yêu bỏng cháy, cuồng nhiệt hơn nhờ cách sử dụng/đặt động từ đúng chỗ/hợp lí. Nhất là khi các động từ lặp đi lặp lại cùng với kết cấu lặp cấu trúc, sự nồng nàn, khát yêu của chị càng có cơ hội bùng phát. Sự lặp lại động từ “cài” như nhân thêm khát khao của chị. Đối với chị, tình yêu đích thực phải được khóa bằng sự tan chảy của em và Anh.
Yêu và khát khao được giải bày thuộc trạng thái tâm lí chung của con người. Giải bày như thế nào để chiếm lĩnh người tình, có được tâm hồn người tình là điều quan trọng. Vi Thuỳ Linh không yêu kiểu thụ động, chờ đợi mà chị muốn hét lên, phô bày cho cả thế giới biết vị ngọt tình yêu kiểu Link. Chị khắc tình yêu Anh ở khắp chốn: Roma, Hà Nội, Tokyo, Paris… Chưa đủ, chị còn muốn nổ tung cả khối chữ có sẵn trong mình - khối chữ được đun nóng bằng nhiệt độ của hơi thở tình yêu, để cất lên 3 thanh âm tuyệt vời: Em yêu Anh. Động từ “muốn” (động từ tình thái) kết hợp với động từ “nổ” (động từ tác động) vừa kích hoạt đỉnh cao của nỗi nhớ vừa thể hiện sự khát khao bày tỏ:
Em muốn nổ khối chữ trong mình
Thành lời: Em yêu Anh!
   (Em - bí mật)
Rất nhiều người đón nhận thơ Vi Thùy Linh và cho rằng: thơ Linh đề cập nhiều về vấn đề tình yêu, ít nói đến các vấn đề nhạy cảm, thiết thực của lịch sử, xã hội. Thực ra, trong tập thơ Phim đôi - tình tự chậm, các vấn đề ấy được cất giấu, lộ phát dưới góc độ của tình yêu. Ở đây, không chỉ là “tình yêu trong tình yêu” mà còn có cả “tình yêu trong tình yêu văn hóa”. Cách Vi Thùy Linh cảm về Hà Nội, Long Biên rất lạ. Đó là vẻ đẹp gợi tình của người thiếu nữ:
Kìa cây cầu, kết bằng trăm thiếu nữ đùi nối nhịp mỹ kiều
Lồng lộng nude sức sống
Lịch sử thở ngực cầu vồng
Lịch sử nóng bỏng Thăng Long
Cầu Long Biên tuổi yêu
   (Link Long Biên)
Không nói về những chặng đường lịch sử của cầu Long Biên nhưng chị đã thể hiện được tình yêu của mình đối với Hà Nội. Nhịp cầu là những đùi thon của thiếu nữ đang độ xuân thì. Những động từ “kết” (động từ tác động), “thở” (động từ chỉ sự vận động di chuyển) kèm với các tính từ gợi cảm “nude”, “nóng bỏng”, tạo ra các vòng cung gối nhau, trải dài, liên hoàn như sự gắn kết tuyệt đẹp các chi tiết trên cơ thể của nữ giới. Một kiểu yêu và một cách nhìn mới, lạ. Nhờ thế, hình tượng cầu Long Biên trở nên gợi hơn, đẹp hơn, sức sống hơn. Với Việt Trì, chỉ một cử chỉ cúi xuống “hôn” Việt Trì thôi cũng khiến Việt Trì trở thành một người tình mạnh mẽ, cuốn hút: “Ngỏ tình dọc Hùng Vương đại lộ/ Bốn hướng bốn phương dồn vũ trụ/ 4000 số nhà 4000 ngày thiết tha 4000 năm tình sử/ Đại lộ dài như một cơn hôn/ Tóc gọi gió về Phong Châu miền gió/ Sang sông bằng mắt/ Qua cây cầu cổ tích - tương lai với cơ thể thanh tân/ Gió thổi tung mất tuổi” (Hôn Việt Trì). Ngay cách ngợi ca, tôn thờ giá trị truyền thống cũng rất riêng. Không khí tết đầy sắc non, ấm cúng cũng được cảm nhận qua cử chỉ  “Anh đan vào em đi giữa mọi người ngắm Sao Mai hạnh phúc” (Bàn tay). Để tôn vinh người nghệ sĩ khởi xướng phong trào Jazz đầu tiên ở miền Bắc, Vi Thùy Linh cũng kéo vào mỗi dây đàn, mỗi thanh âm hương vị tình yêu: “Cất khát khao bay vô tận nốt/ Cất âm thanh của lần đầu dậy thì/ Love Story đắm đuối…/ Tiếng kèn hoan mê không vết xước/ Truyền tới tận chân da/ Cơn cơn mơ chồi non mọc” (Jazz cho anh và em). Cách Vi Thuỳ Linh “vén được bức màn bí ẩn về sự sống” qua lăng kính của kẻ đang yêu cũng là một trong những thành công của chị. Cuộc sống xung quanh trở nên có hồn hơn, tươi hơn, quyến rũ hơn.
Động từ trong Phim đôi - tình tự chậm cũng mở ra các tư thế yêu, các khía cạnh yêu của Vi Thùy Linh. Hình ảnh người nữ“quỳ trong đêm, em cởi mình” đã tạo nên cái thế, cái dáng không thể lẫn được vào bất cứ ai của Vi Thùy Linh. Tư thế yêu tự do, chủ động.
Chỉ trong sự chủ động ấy, tình yêu mới thăng, mới đạt đến đỉnh cao của đam mê: “Giang tay xoải chân rạng rỡ/ Vang lộng phương phương tiếng Nàng/ Em yêu Anh/ yêu Anh/ yêu Anh…/ Vít lưng trời ập đất, theo Anh/ Ghì bao la nhập nước phồn sinh/ Ôm giữ nhau, cho mọi biên giới tan chảy dưới đôi mình” (Venise in ViLi). Với tư thế “xoải”, “vít”, “ập”, “ghì”, “ôm”, cả hai nhân vật trữ tình đã chạm khắc vào bầu trời, vào thơ ca bức tượng tình-yêu-tự-do. Đất trời chỉ là nền, là bình phong tôn vinh vẻ đẹp ngất ngây, đắm say yêu của họ. Và tất nhiên, hệ quả của nó là sự tạo tác của một tư-thế-Đế-chế-Yêu:
Anh ôm em bay giữa bầu trời Ý
Vào giây 2763, mình lên đỉnh Pisa
Vẫn thèm hôn như chưa bắt đầu
Quyện nhau thành tháp nghiêng trên tháp
Dáng nghiêng hôn nhau quên thời gian vẫn in lên nền trời Rome
Một Đế chế Yêu vĩnh cửu!
      (Yêu ở Rome)
Động tác “ôm”, liên tưởng, thăng hoa thành Pisa thứ hai. Hình ảnh hai người mở ra một không gian khác: không gian Pisa tình. Pisa này không bao giờ mất đi, bởi ở đó, cử chỉ “quyện” nhau đã trở thành tác phẩm nghệ thuật đóng đinh muôn đời trong trái tim của kẻ đang yêu.
Như vậy, những động từ mang tính nhục cảm như “hôn”, “đan”, “thăng”, “cài”, “quyện”, “phóng”…  tạo nên giọng thơ riêng, chất riêng, đầy nữ tính của Vi Thuỳ Linh trước những rào cản của then chốt Á Đông. Những đòi hỏi và khát vọng trườn khắp tập thơ. Người đọc như chìm đắm trước những nụ hôn dài, trước sự hoà quyện tuyệt đẹp mà thượng đế đã mang đến cho con người:“Xoáy môi đóng dấu lời bằng hôn”, “Đôi ta thăng giữa vũ trụ không lời”, “Những ngón tay phóng qua luồng mắt đói”, “Lồng ngón tay lần lượt ngậm môi”… Với động từ mạnh, mang sắc thái tính dục, Vi Thuỳ Linh đã ít nhiều tạo được “thương hiệu” riêng cho thơ của mình.
Thơ Vi Thùy Linh có hay không tính triết lý, thế sự? Trong tậpPhim đôi - tình tự chậm, tôi vẫn tìm được những trở trăn của chị về cuộc sống này. Những tàn dư, những trò chơi đối nghịch muôn đời vẫn hiển nhiên hiện tồn: “Thế gian thì thế/ Mưu kế diệu kế/ Mở vào khóa ra/ Kiếp sống ngắn quá/ Tính gần hay xa”(Lốc). Hành động “mở”, “khoá”, “vào”, “ra” ngược chiều, lặp đi lặp lại là bước chân đã được định vị vị trí của thế gian. Mưu kế tồn tại ngay trong mỗi con người: “Trong mỗi chúng ta, đều có một chiến binh hiếu thắng trên trận tuyến mưu cầu dục vọng/ Quá tham vì không biết đủ/ Bỏ đồng quê ra thành phố/ Đồng loạt nông thôn đô thị hoá” (Sốt chiều)… Tuy nhiên, ý tưởng này còn mờ nhạt, bị lấn át bởi trường tình cảm và chưa có sự đột phá.
 "Bài thơ là một lượng thông tin lớn nhất trong một diện tích ngôn ngữ nhỏ nhất" (Ôgiêrốp). Thơ cần sự tinh xảo, chắt lọc. Trong thơ, càng nhiều ám dụ thơ càng có sức thu hút người tiếp nhận. Ở thơ Vi Thuỳ Linh, chất tình, men tình không bao giờ ngưng, luôn ngùn ngụt cháy. Cách vận dụng và xử lý những động từ mạnh, gợi sex cao cũng là một trong những yếu tố làm tăng hàm lượng cảm xúc, góp phần làm nên thành công của tập thơ. Điểm này là một thế mạnh của thơ chị. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật lý giải rằng: “Sự vận động cảm xúc là nhân tố phát triển của hình tượng thơ. Nếu cảm xúc không đổi, đơn điệu thì mọi bài thơ dưới hình thức nào cũng không mới mẻ thêm lên, trái lại nó gây nhàm chán mòn cũ”[3]. Sự vận động và bùng nổ cảm xúc bao giờ cũng mang đến nguồn nhiệt năng tuyệt diệu cho người nghệ sĩ. Đấy là sự tươi nguyên của dòng chảy vô thức trong thơ Vi Thùy Linh. Nhưng sáng tạo nghệ thuật cần có sự chủ động tiết chế của cảm xúc, cần có sự tác động và chi phối của lý trí. Bên cạnh những câu thơ hay, những hình ảnh đầy liên tưởng mới, một số câu thơ trong Phim đôi - tình tự chậm còn ít dụng công, bộc trực. Tuy nhiên, người đọc có thể quên ngay khi đọc xong tập thơ. Bởi, ở đó, những thăng-hoa-tình miên man đưa chúng ta trở về với những gì tinh khôi, đẹp nhất, thánh thiện nhất của một tình yêu vĩnh cửu.
Phim đôi - tình tự chậm không chậm những cách tân, đổi mới mà chỉ chầm chậm, dẫn dụ, mê hoặc lòng người.
[1]. Vi Thuỳ Linh, Phim đôi - tình tự chậm, NXB Thanh niên, 2010.
[2]. Hoàng Văn Thung (Diệp Quang Ban, Hoàng Văn Thung, Ngữ pháp tiếng Việt, Tập 1, NXB Giáo dục, 2000) phân loại động từ thành các nhóm con. Ở nhóm động từ không độc lập có: động từ tình thái, động từ quan hệ. Ở nhóm động từ độc lập có: động từ độc lập phân loại theo phụ từ đi kèm, động từ phân loại theo các thực từ đi kèm. Lê Đinh Tư (Lê Đình Tư, Động từ tiếng Việt,http://ngnnghc.wordpress.com) phân chia làm nhiều nhóm nhỏ hơn. Về nhóm động từ độc lập có: động từ biểu thị hành động/ hoạt động vật lý, động từ biểu thị hoạt động hoặc trạng thái tâm lí. Về nhóm động từ không độc lập có: động từ tình tháiđộng từ biểu thị sự tồn tạiđộng từ quan hệLê Biên (Theo Lê Biên, Từ loại tiếng Việt hiện đại, ĐHQGHN, Trường ĐHSP, Hà Nội, 1996) cũng chia làm nhiều tiểu loại. Nhóm động từ độc lập gồm: chỉ tác động, mang nghĩa trao nhận, động từ gây khiến, biểu thị cảm nghĩ – nói năng, chỉ vận động di chuyển, biểu thị sự tồn tại, biểu thị tư thế. Nhóm động từ không độc lập gồm: chỉ ý nghĩa quan hệ, động từ tình thái.
[3]. Hoàng Vũ Thuật, Văn chương tìm và gặp, NXB Văn học, 2008, tr 159.
 Hoàng Thụy Anh
Theo http://nhavantphcm.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...