Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

Tuyển tập về nhà thơ Bùi Giáng 1

Tuyển tập về nhà thơ Bùi Giáng 1
Bùi Giáng là một hiện tượng nổi bật của văn học miền Nam nói riêng, cả nước nói chung gần nửa thế kỷ qua. Ông được biết đến không chỉ ở tài thơ lẫy lừng, sự quảng bác, trí năng quán thế của mình, mà còn ở chính con người, đời sống phiêu hốt đến kỳ bí có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Tên tuổi Bùi Giáng gắn liền với những giai thoại, vô số những giai thoại, chắc chắn nhiều thế hệ sau này sẽ còn nhắc đến.
Ngày 17 tháng 10 năm 1998, thiên tài thơ ca lạ lùng ấy vừa từ giã trần gian, sau cơn tai biến mạch máu não.
Bùi Giáng ra đi, thơ ca Việt Nam cận đại mất một nhà thơ lớn.
Tám năm qua, tòa soạn Hợp Lưu nhận được không ít thơ đề nghị nên thực hiện một số báo đặc biệt về Bùi Giáng. Chúng tôi ghi nhận đề nghị ấy với nhiều hứng khởi. Nhưng do vài lý do ngoài ý muốn, số báo chưa thể ra đời.
Nay, Bùi Giáng ra người thiên cổ, chúng tôi hiểu rằng không thể chần chờ lâu hơn. Ðiều bất ngờ: tuy thực hiện gấp rút, nhưng số báo lại được đáp ứng nồng nhiệt từ hầu hết những ngòi bút & nghệ sĩ Việt Nam uy tín hiện đang sống rãi rác khắp năm châu: Mai Thảo, Huy Tưởng, Cung Tích Biền, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Nguyên Nhuận, Võ Ðình, Ðinh Cường, Huỳnh Hữu Uûy, Huệ Thu, Thường Quán, Thụy Khuê, Kim Cương, Trần Tuấn Kiệt, Trịnh Công Sơn, Huy Cận, Bùi Chí Vinh, Nguyền Lương Vị, Phạm Thiên Thư, Thận Nhiên, Nguyễn Hoàng Vân, Ngô Cang, Khiêm Lê Trung, Huỳnh Ngọc Chiến, Y Ù Nhi, Bùi Vĩnh Phúc, Phạm Văn Hạng,... Thêm một khích lệ nữa cần được ghi  nhận, trước cái tang của Bùi Giáng, khoảng cách địa dư và mọi e ngại đã bị xóa bỏ, bằng minh chứng cụ thể: những đóng góp của các bạn văn trong nước đến với Hợp Lưu nhanh và nhiệt tình vượt ngoài ước mong của tòa soạn. Nhân đây, chúng tôi gởi lời cám ơn chân thành đến một vài văn hữu và bằng hữu hiện sống tại Sài Gòn. Không có sự tiếp tay của các bạn, số báo này không thể đến với độc giả sớm và tương đối hoàn chỉnh như đã.
Lời cảm ơn cũng xin được gởi đến các ông Bùi Vịnh, Bùi Như Hải, đã cung cấp khá đầy đủ mọi tư liệu chúng tôi cần, như Sổ Tang, hình ảnh, thủ bút... của thi sĩ Bùi Giáng.
Gần một thập niên, Hợp Lưu được đánh giá tốt qua những số báo chủ đề đặc biệt về các văn học: Hoàng Xuân Hãn, Văn Cao, Phan Khôi, Mai Thảo, Tạ Trọng Hiệp, Tô Thùy Yên. Chúng tôi hy vọng với số báo này, một lần nữa, Hợp Lưu không phụ lòng độc giả. 
Cận kề cái tang lớn của văn học Việt Nam chúng tôi vừa đề cập bên trên, giới làm và thưởng ngoạn nghệ thuật cũng vừa mất đi một tài năng khác: họa sĩ Nghiêu Ðề từ trần hôm thứ Hai ngày 9 tháng 11 vừa qua tại San Diego, USA, sau 5 tháng chiến đấu với căn bệnh nan y. Chúng tôi sẽ nói nhiều về Nghiêu Ðề trong số báo sau. 
Ngoài phần đặc biệt về Bùi Giáng, Hợp Lưu cũng giới thiệu đến độc giả những chuyện ngắn rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Hương, Trần thị Ngh...., và một chuyện vừa (đăng trọn) của một tác giả nổi tiếng tại miền Nam Việt Nam trước 1975, nhưng vì lý do ngoài ý muốn, phải tạm dấu tên. Phần thơ ca, cũng đặc sắc không kém, với những thi phẩm mới nhất của Huy Tưởng, Thường Quán, Du Tử Lê, Ðỗ Trung Quân, Phan Nhiên Hạo...
Riêng với các tác phẩm lẽ ra sẽ đi trong số này nhưng phải gác lại, đồng thời vài mục thường xuyên như Phỏng Vấn, Tin Văn Học... cũng cùng chịu chung số phận, vì giới hạn số trang. Chúng tôi thành thật xin lỗi các tác giả và độc giả. 
Sau cùng, chu kỳ của Hợp Lưu rơi đúng vào tháng 12 của năm cũ và tháng 1, năm mới, nên, như mọi năm, số báo này được xem là số Xuân Kỹ Mão 1990, Hợp Lưu trân trọng chúc độc giả và văn hữu một tân niên an bình và hạnh phúc.
Hợp Lưu
Vĩnh Biệt Bùi Giáng
Thi sĩ Bùi Giáng tạ thế vào 14 giờ ngày 7/10/1998 (nhằm ngày 17/8 Mậu Dần) tại Sài Gòn, hưởng thọ 73 tuổi.
Trong những năm gần đây, dù sức khỏe  héo cạn, sau một thời gian dài tinh thần phân tán, điên đảo điêu linh, ông đã lấy lại phong độ phiêu bồng và hùng hậu, dành nhiều thời gian cho việc sáng tác, giảm thiểu tối đa việc “hí lộng ta bà” cùng “giảm tửu” đến mức thấp nhất, làm việc miệt mài với nhiều hứng khởi.
Từ giữa tháng 9/1998, sức khỏe ông đột ngột suy giảm nhanh chóng. Trong đêm 23/9, ông thức khuya, có uống lại chúc rượu để gây hưng phấn, trong lúc đang làm việc thì bị ngã quỵ tại nhà riêng (số 482/29 Lê Quang Ðịnh, Bình Thạnh).
Thân nhân đưa ông vào bệnh viện Chợ Rẫy, chụp Scanner và phát hiện ông bị đứt mạch máo não, tụ huyết hôn mê sâu. Sau cùng ban giám đốc bệnh viện quyết định giải phẫu vào lúc 21 giờ ngày 25/ 9 và hoàn thành vào lúc 23 giờ 30 cùng ngày. Từ ngày 26/9 đến 6/10, ông vẫn hôn mê, tuy đôi lúc có những dấu hiệu khả quan (mở mắt, co duỗi và phản xạ...) nhưng đến ngày 7/10 ông đột nhiên suy yếu nhanh chóng, và đến 14 giờ thì tắt thở trong trạng thái thanh thản nhẹ nhàng.
Thi hài ông được quàng tại phòng tang lễ chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, sau đó được an táng tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Ðức, vào ngày 11/10/1998 (nhằm ngày 21/8 Mậu Dần).
Trong thời gian thi sĩ Bùi Giáng lâm trọng bệnh cũng như lúc nằm xuống, ông đã được nhiều thân hữu, nhân sĩ và người hâm mộ quan tâm, chăm sóc với hết lòng trọng vọng và thân ái đối với đấng tài ba.
Bùi Giáng, kẻ tận hiến
Lời đọc trước mộ
Huy Tưởng
Kính thưa anh Bùi Giáng,
Việc anh dứt áo ra đi hôm nay, theo lẽ biến dịch của vạn hữu, là như nhiên, và đã được chính anh cũng như tất cả chúng tôi ở đây, cùng những ai yêu quí thơ ca Việt Nam trên cùng khắp mọi miền thế giới, đã chuẩn bị trước. Ấy vậy mà, tin anh qua đời, chúng tôi vẫn cứ bị choáng váng, lòng đầy nhớ tiếc và đau đớn tột cùng. 
 Thưa anh Bùi Giáng.
 Ngợi Ca và tuyên xưng anh, dù với lời lẽ lộng lẫy hay hàm súc đến đâu chăng nữa, trong hạn hữu một bài viết và ngay cả những số báo đặc biệt về anh, có lẽ cũng khó lòng với tới tới chốn cao vợi và quảng bác mà anh đã dày công hàm dưỡng và đắm đuối vun đắp nên. Có phải vì lẽ đó đã khiến cho tôi luôn ngần ngại đẻ nói hay để viết về anh (?) Cho dù tôi vẫn thầm hứa trước lòng kỳ vọng anh dành cho, dù vẫn muốn ôm được anh riêng cho mình. Tôi cứ phải thức tỉnh rằng, vốn sống, vốn chữ nghĩa và cảm thức của mình vẫn chưa thể hứng chờ nổi chiếc bóng lồng lộng, đa âm sắc và linh hoạt của anh. Có phải, càng viết nhiều thì càng bày lộ sự thiếu sót trầm trọng của mình trước thiên tài bát ngát nơi anh? 
Anh Bùi Giáng,
Mấy lời biện bạch vụng về và hàm hồ như vậy, chẳng biết anh có tạm bằng lòng mà lượng thứ cho tôi?
Xin hãy để cho lòng nhân thế dịu lại sau cái mất mát lớn lao này, nén cơn xúc động, bình tâm để được gần gũi anh một cách chân thật và sâu sắc hơn, từ tốn trước một gia tài độ sộ của thông tuệ và tài hoa ngất trời điên đảo mãi tỏa sáng.
Ngoài những tư tưởng và chũ nghĩa mà anh Bùi Giáng để lại, đã làm giàu có đáng kể cho kho tàng tiếng Việt, anh còn thật sự ghi đậm lên tôi một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, rằng anh là một sinh thể luôn bị lay động và bị cấu xé bởi ánh sáng và lửa tịch mịch, điêu linh với những ám ảnh về lẽ sinh tử không cùng, dấn mình một cách hiên ngang và khốc liệt vào cõi thơ ca. TẬN HIẾN hết cả đời mình  cho duy nhất - thơ ca – Từ buổi sơ ngộ đầu đời đến những giây phút cuối cùng về nơi chốn lâm chung – Tận hiến mà không hề nhận lại một sự bù đắp đối đãi nào của nhân thế, trút gửi hết thảy xương máu và hồn phách, lưu lại ở đời như vậy tạm một hình cốt mong manh bi thiết và mộng mị. Với riêng tôi, hình ảnh đắm chìm của tận hiến hung hiểm đó chính là một tượng đài vĩ đại đến khủng khiếp của thiên tài thơ Bùi Giáng.
Nói đến sự Tận Hiến, tôi chợt nhớ ai đó đã nói, đại khái: “Nếu người không chết trong cuộc tại thế, thì người sẽ mất tích, sau khi qua đời”. Và hôm nay, chúng tôi ngậm ngùi kính cẩn tiễn đưa anh – Kẻ Tận Hiến. Kẻ, đã chết trong cuộc tại thế này sang bên kia thế giới, cũng có nghĩa rằng, xin được thay cho người mai hậu, đón chào đấng tài hoa của thế kỷ trước ngàn sau bát ngát...
Trong khung cảnh thiêng liêng và đầy cảm động hôm nay, tôi không dám rậm lời, chỉ xin nói lên một vài cảm nghĩ  tận đáy lòng liêm kính của mình để bái biệt anh, xin như góp một chiếc đinh nhỏ cùng nhau treo bức chân dung kỳ vĩ của anh lên khoảng tường lớn trong căn nhà Thơ ca Việt Nam.
Trong ngàn ngàn châu báu anh để lại, tôi có nhớ được một bài thơ anh viết đã từ lâu, tôi quên mất tựa đề, như một lời tạ từ với trần gian cố quận.
Anh Bùi Giáng,
Không có gì hơn bằng chính lời anh, xin được thay anh, tôi đọc bài thơ ấy để anh được ngỏ lời chia biệt với cõi người ta:
Rồi Mai đi về xứ nào chẳng biết
Ðỗ Quang ơi và có lẽ Quyên ơi
Ði lìa xa xứ sở của mặt trời
Thì chuyện cũ cũng như từng biết
Tôi nào biết cội nguồn tôi ly biệt
Dấu tiên nga và ngấn tích tiên sa
Bờ dạt bèo hay bến lạnh trôi hoa
Ngày ngóng mộng hay đêm ngờ máu chảy
Xuân thơ dại hay đông tàn thu gãy
Chút tình xưa Ðông Á mất đâu rồi
Rồi mai đi về xứ nào chẳng biết
Những người em hãy ở lại bên đời
Nô hay đùa xin cứ mỉm hai môi... 
Xin vĩnh biệt anh Bùi Giáng yêu kính. Cầu cho hồn anh được siêu sinh tịnh độ, nương theo mây trắng mà về lại với quê nhà, tiếp tục rong ruổi vui chơi trên cõi trời đâu suất...
Huy Tưởng
11/10/98
Ông nhớ con
Bùi Giáng
  Ông nhớ con như nhớ một trăng tròn
  Và trăng khuyết cũng tấm lòng từ đó
  Ông tự hỏi với ngàn sao lấp ló
  Ở nơi nào còn có áng mây bay
Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng
Mai Thảo
Cả hai đều đã ra đi
LTS:
Thuở sinh tiền, khi nói đến thơ, nhà văn Mai Thảo thường nhắc nhiều đến Vũ Hoàng Chương và Bùi Giáng. Mỗi người một phong cách, nhưng theo Mai Thảo, đó là những “ngôi sao Bắc Ðẩu trên vòm trời thơ ca của ta”.
Chúng tôi cho đăng lại bài viết này (Văn, số 26 tháng 8/1984, USA) như một hình thức tưởng nhớ đến một người yêu thơ rất mực: nhà văn Mai Thảo, và một người làm thơ tài hoa cũng rất mực: thi sĩ Bùi Giáng.
Cả hai đã ra đi.
Bên kia thế giới, có lẽ nhà văn Mai Thảo lại có dịp mời thi sĩ Bùi giáng một chai bia lớn, và lại sẽ được nghe ông nói, bằng chất giọng Quảng Nam đặc sệt: “vui thôi mà”, như độc giả sẽ thấy, trong bài viết dưới đây.
Hợp Lưu
Thủ bút của Bùi Giáng
Nhiều buổi chiều Sài Gòn, tôi chẳng còn có thể nhớ đích xác vào những năm nào, đâu như năm 1962, đâu như năm 1965 (nếu sai, nhờ hai anh Cung Tiến, Phạm Công Thiện nhớ lại dùm cho), tôi thường được mời tới những họp mặt ăn nhậu trên căn lầu ngăn nắp, thoáng mát của thầy Thanh Tuệ ở đường Lý Thái Tổ. Mỗi họp mặt vớiù Thanh Tuệ, hồi đi là giám đốc của nhà xuất bản An Tiêm và còn là nhà sư trẻ tươi tắn chưa cởi áo hồi tục, thường vì một cuốn sách. Một cuốn sách mới, vừa in xong chưa ráo mực. Và trước khi gởi sách vào nắng mưa đời, họp mặt An Tiêm với thân hữu là một tiệc rượu lạc thành cho sách.
Những họp mặt vì sách và do sách đó thường có tôi, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Công Thiện, đôi khi Nguyễn Ðình Toàn, Dương Nghiễm Mậu, Doãn Quốc Sĩ, và đương nhiên nhân vật chủ chốt là tác giả sách là Bùi Giáng. Tôi chỉ kể tới Bùi Giáng, bởi suốt thời kỳ đó, có thể nói, thầy Thanh Tuệ vì một tấm lòng liên tài đặc biệt, chỉ mê thích thơ văn Bùi Giáng, chỉ in Bùi Giáng, dành trọn phương tiện cho ưu tiên xuất bản trưóc mọi tác giả khác. Và giai đoạn có thể đặt tên là giai đoạn Bùi Giáng này, An Tiêm đã in đêm in ngày, in mệt nghỉ, vì những năm tháng đó chính là những năm tháng đánh dấu cho thời kỳ sáng tác kỳ diệu sung mãn nhất của Bùi Giáng, cõi văn cõi thơ Bùi Giáng bấy giờ ào ạt vỡ bờ, bát ngát trường giang, mênh mông châu thổ, Bùi Giáng bấy giờ mỗi tuần viết cả ngàn trang khiến chúng tôi bàng hoàng khiếp đảm, ngôn ngữ và tư duy của Bùi Giáng bấy giờ hiển lộng tới không bền không bờ, vô cùng vô tận, và tài năng ông cũng vậy.
Bùi gíang chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương. Vậy mà mỗi lần gặp thi sĩ hồi đó, cảm tưởng bao giờ cũng giữ được là đã gặp một Bùi Giáng rất nhàn rỗi, rất rong chơi. Bước chân vào nhà Thanh Tuệ chúng tôi đã thấy Bùi Giáng ngồi trước đó, tươi cười, ung dung, trong cái phong thái của một người nhàn nhã nhất thế giới, chẳng có một dấu vết nào của một người viết đang gió táp mưa rơi trên ngàn ngàn trang sách. Có như Bùi Giáng trước sau vẫn đang chập chờn với đời như một cánh bướm, lững thững với đời như một áng mây. Có như Bùi Giáng, cái áo vải cũ, râu tóc để mặc, điếu thuốc trên tay, chén trà trước mặt, vẫn chỉ ngồi chơi thảnh thơi ngày ngày với An Tiêm như thế. Sau này, sống với Bùi Giáng nhiều hơn, tôi cũng chỉ thấy Bùi Giáng như hồi đầu thấy ở An Tiêm. Trong một phiêu hốt, một ung dung chưa từng thấy. Có như, trọn một đời cái đầu của thi sĩ không một chút nào dành cho suy nghĩ, bàn tay thi sĩ không một phút nào dành cho cây bút. Có như trang giấy trắng, mặt bàn viết là những vật thể xa lạ chẳng bao giờø ông biết tới. Vắn tắc là Bùi Giáng chẳng làm gì hết, chẳng ai một lần nhìn thấy Bùi Giáng đang làm gì hết. Mà hoàn toàn phiêu bông, hoàn toàn rong chơi.
Vậy mà cái sức viết hồi đó đến như Bùi Giáng là tột đỉnh, là không tiền khoáng hậu. Vậy mà cái lực viết đến như Bùi Giáng và thấy Bùi Giáng là ngàn người không một, là phi phàm, là vô địch rồi.
Một lần, tôi đem cái điều khó hiểu này ra hỏi một người cũng làm thơ thật nhiều, cũng làm thơ rất đều tay là Thanh Tâm Tuyền. Tác giả Liên Ðêm Mặt Trời Tìm Thấy lắc đầu cười: “Chịu không giải thích được. Chỉ biết Bùi Giáng khác. Với tôi. Với hết thẩy. Là cái chỉ có một. Với tôi là từng bài thơ. Nói đến từng bài thơ Bùi Giáng, bài thơ này bài thơ kia của Bùi Giáng lại là chuyện tức cười lắm lắm. Bùi Giáng là cái hiện tượng dị thường của một suối thơ ăm ắp không ngừng. Ðọc thơ Bùi Giáng cũng phải đọc như thế. Ðứng trên đơn vị từng bài. Bùi Giáng đặït tựa cho từng bài là ngắt thơ ra, ngắt chơi ra vậy thôi. Nói đến mấy ngàn bài thơ Bùi Giáng là đúng. Mà nói thơ Bùi Giáng chỉ có một bài, vô tận vô cùng là đúng hơn. Ngủ ra thơ, thở ra thơ, đi ra thơ, đứng ra thơ. Chứ không phải nghĩ ra thơ, làm thơ. Ta cứ tạm hiểu cái trạng thái thơ kỳ lạ khác thường ở Bùi Giáng là như vậy.”
Sự ngược nghịch giữa cái rong chơi một đời của Bùi Giáng với cái lực thơ, cái số thơ, cái lượng thơ khủng khiếp làm ra, tôi đem hỏi thêm nhà xuất bản hằng ngày sống cùng Bùi Giáng, rồi đến chính thi sĩ, cũng không được sáng tỏ gì hơn ngoài suy diễn có tính chất phỏng đoán của Thanh Tâm Tuyền. Thầy Thanh Tuệ cũng chỉ lắc đầu cười. “Tôi cũng lấy làm kỳ”, Thanh Tuệ nói. “Anh lang thang suốt ngày, chẳng thấy lúc nào ngồi viết hết. La cà hết nơi này đến nơi khác, uống rượu say ngất rồi về lầu lăn ra sàn ngủ, nhiều ngày bỏ cả bữa ăn. Ðêm cũng không thức, chỗ nằm tối thẳm. Tôi in không kịp, nói ảnh tạm ngừng thì ảnh ngừng. Nói có máy, có giấy, nói buổi sáng buổi chiều ảnh đã tới ném bịch xuống cả năm, bảy trăm trang. Cứ thế đem sắp chữ thôi, đâu có thì giờ đọc. Ðiều kỳ lạ là không riêng một thể loại mà thể loại trước tác nào anh cũng có ngay sách, dễ dàng và nhanh mau vô tả. Từ thơ đến văn. Từ một cuốn tiểu luận về Camus đến một cuốn tiểu luận về Nguyễn Du. Từ dịch thuật tiểu thuyết đến phê bình triết học. Tất cả như đùa như chơi vậy.”
 Nhà An Tiêm suốt mấy mùa sách, hầu như không thở được nữa trước cái viết tràn bờ của Bùi Giáng, điều này ai cũng biết.
Rồi tôi rủ Bùi Giáng tới quán. Ðãi ông uống rượu. Vặn hỏi chính thi sĩ. Ðể cũng chỉ được Bùi Giáng cười cười thích thú trước tìm hiểu có vẻ ngớ ngẩn của tôi. Ông không chịu giải thích, chừng như ông không có gì giải thích, sự thành hình tác phẩm nơi Bùi Giáng cuối cùng vẫn là một bí ẩn hoàn toàn trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái chớp mắt đã là của nó. Cười cười, ông đốt điếu thuốc, cầm lấy ly rượu: “Vui thôi mà”.Ừ vui, ba chữ “vui thôi mà” là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng trước mọi tìm hiểu của lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông, cõi thơ vô bờ của ông trăm phương nghìn ngã mênh mông và chính ông là hiện tượng thân của mênh mông nghìn ngã trăm phưong ấy. 
Bùi Giáng nói vui thôi mà. Quả vậy, thơ ông vui cực kỳ. Con châu chấu, con chuồn chuồn. Cơn chuồn chuồn, con châu chấu. Rừng Marylyn. Biển Brigitte Bardot. Ngành Novak. Ðóa John Keats. Ngành Mật niệm. Ðóa U Linh. Hồng Lĩnh Hạc Lâm. Quỳnh Lai Thị Xứ. Thơ đốt pháo bông, ngôn ngữ triệu triệu, như chữ thần diệu:
Người nằm ngủ thấy gì
Thấy rất nhiều nắng lạ
Giấc ngủ đầy nắng, đầy nắng lạ. Bùi Giáng nói vui thôi mà. Thơ ông vui thật. Từ cánh tay áo rộng, thơ bay. Từ trí tuệ gió lộng, thơ phất. Nghìn thu cổ lục. Ngày Hy Nga. Ðêm bé chị. Mọi trên ngàn. Sóng Hồng Hoang. Thềm dục vọng. Thơ ghé thăm đá, thăm bàn ghế, thăm bún bò, thăm lá.
Ghé thăm trái mận ban đầu
Bình minh bắt gặp nguyên màu ban mai 
Tiếng thơ sáng rỡ, chói lọi, kỳ ảo, cánh rừng ngôn ngữ ấy suối reo, chim hót, hoa nở, cây ào ào sóng vỗ, sóng từng từng xanh cây, beo gấu rởn nghịch, con chuồn chuồn hóa thân, con châu chấu suy tưởng, những môi nhỏ hằng ngày, gì cũng là thơ, thảy đều biến dạng. Thơ Bùi Giáng vui thật. Một vĩ đại vui. Hãy đọc thơ ấy, như cùng ông đi vào một trận vui lồng lộng. Ðừng cần tìm hiểu. Ðừng cần giải thích. Hãy đọc lại Mưa Nguồn, Bài Ca Quần Ðảo: 
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa Xuân phía trước, miên trường phía sau 
Sẽ thấy cái vẫy tay chào lấp lánh của thi sĩ. Cái sự “vui thôi mà” trước sau ông chỉ nói vậy, ba chữ này tôi ao ước được thấy khắc vào mộ chí ông khi ông mất đi, ông và giữa con đường vui, không dưới không trên, không đầu không cuối gì hết. Giữa và mùa xuân phía trước, miên trường phía sau. 
Thơ là người. Ngoài đời Bùi Giáng cũng thật vui. Thời kỳ Thanh Tuệ chấm dứt, nhà xuất bản An Tiêm tạm ngừng hoạt động, Bùi Giáng gặp lại Thanh Nam, viên Linh, Vũ Khắc Khoan và tôi ở toà soạn tuần báo Nghệ Thuật và những kỷ niệm chúng tôi có với thi sĩ thời gian này vẫn là những kỷ niệm vui. Lúc này, thần thái ông ấy không còn được rạng rỡ như mấy năm về trước. Cuộc phiêu bồng qua đời sống của ông kỳ dị và tận cùng hơn. Mái tóc ông đổi màu. Mấy chiếc răng cửa bị gãy, nụ cười trẻ thơ vừa móm mém. Cặp ma-sát sâu hóm xa khuất dần với mọi hình hài thực tế. Những con đường trên đó ông đi, cái túi vải thơ nào, những ngã tư ông ngừng lại, tách thoát với nhân thế, tất cả ở Bùi Giáng phơi hiện dần dần một hủy hoại khô khốc, ấy là tôi chỉ biết nhìn thấy ông một cách “hình hài” như vậy, nhưng “vui thôi mà” thì vẫn là rất vui. Ông vào tòa soạ, ngồi xuống ghế, nhìn mọi người, cười trẻ thơ, thường nói khát quá và xin một chai bia uống. Ông uống từng ngụm nhỏ, nói thích chai bia lớn vì uống được nhiều hơn, châm thuốc hút, những ngón tay vụng về lóng ngóng. Uống cạn chai bia, cái túi vải đeo lên và bỏ đi. Ðó là cái đến cái đi êm ả của Bùi Giáng. Nhiều lần không thế. Ông ra tắm ở cái máy nước trước tòa soạn, thản nhiên trước người qua kẻ lại, quần áo lướt thướt đi qua đường, một đám con nít tròn mắt đi theo. Một lần khác, chúng tôi đi ra ngoài một lát trở về, thấy ông nằm ngủ ngon lành trên hai cái bàn viết kê liền lại. Giấc ngủ dài, quên đời, quên hết, mặc hết, phải đánh thức dậy. Những lần đó, ông ngồi im lặng, bất động, thầm thì “vui thôi mà” rồi lặng lẽ bỏ đi, cái bóng dáng gãy đổ, gầy guộc trong chiều xuống. 
Chính là trong cái tình trạng suy nhược đã trầm trọng quá chừng và tiều tụy quà thể này của Bùi Giáng mà chúng tôi bắt đầu cảm thấy quan tâm thực sự đến thi sĩ. Ðến sức khỏe ông, ngày mỗi cạn kiệt. Ðến cách sống ông ngày mỗi tiều tụy. Ðến tâm thức ông, ngày càng bất định. Cuộc vui của ông Bùi Giáng tuyệt vời nhưng chẳng thể phiêu bồng mãi mãi. Phải làm một cái gì về ông. Ðể ghi nhận lại. Về thế nào là cái tiếng thơ trác tuyệt của Bùi Giáng, cõi ngôn ngữõ đạt tới hoang đường kỳ ảo của Bùi Giáng. Trong khi còn gần ông. Trước khi ông chẳng gần, chẳng chịu sống cùng ai nữa.
Số biệt về thiên tài thi ca Bùi Giáng phải chờ đến hơn một năm sau, tờ Nghệ Thuật đình bản, tôi sang trông coi tờ Văn chung với Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện được. Cũng nhờ số Văn này mà tôi mới nhìn thấy và hiểu được sự không hiểu của tôi nói ở trên là sự ngược nghịch giữa Bùi Giáng tháng ngày rong chơi với Bùi Giáng mộ tuần lễ cả ngàn câu thơ, cả ngàn trang sách. Số Văn ấy, phần nhận định nhờ Thanh Tâm Tuyền, Ninh Chữ, Tuệ Sỹ, Trần Tuấn Kiệt... viết. Bài phỏng phấn Nguyễn Xuân Hoàng thực hiện. Phần giới thiệu những bài thơ mới nhất là tôi. Chưa biết kiếm tìm Bùi Giáng ở đâu, thi sĩ bất ngờ ghé thăm tòa soạn. Ông ấy chỉ còn là da bọc xương trong quần áo thùng thình, mái tóc dài đạo sĩ, cái túi vải còn thêm cây gậy. Kéo ông ra trước báo quán chụp chung tấm hình làm kỷ niệm rồi tôi hỏi xin ông những bài thơ mới nhất. Ông gật. Tưởng lấy ở túi vải ra. Hoặc nói về lấy, hoặc nói hôm sau. Tất cả đều không đúng. Ông hỏi mượn một cây bút, xin một xấp giấy, một chai bia lớn nữa, đoạn ngồi xuống, và trước sự kinh ngạc cực điểm của chúng tôi, bắt đầu tại chỗ làm thơ. Ông không chép lại thơ đã làm. Ông làm thơ tại chỗ. Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng viết, thoăn thoắt, vùn vụt, nhanh không thể tả. Như thơ không thể từ đầu, từ tim chảy xuống, lâu quá, mà ngay từ ngọn bút từ đầu ngón thôi. Làm thơ ứng khẩu, làm thơ tại chỗ, nhiều người cũng làm được. Nhưng là thơ thù tạc, và chỉ năm bảy câu một bài thôi. Bùi Giáng khác. Chai bia còn sủi bọt, ông ngồi viết không ngừng, tự dạng nắm nót chỉnh đốn, chỉ một thôi đã xong hơn hai mươi bài thơ, chúng tôi cầm lên coi, thấy bài thơ nào cũng khác lạ, cũng thật hay, cũng đích thực là từng hạt ngọc của cái thơ thượng thừa Bùi Giáng. Lần đó, tô đã hiểu tại sao Bùi Giáng cừ cánh bướm rong chơi, cứ phiêu bồng lãng du mà vẫn có ngay nghìn câu một buổi. Ðúng là ngủ ra thơ, thở ra thơ, uống la-de, hút thuốc lá ra thơ. Mà thơ không ai sánh bằng, thơ không ai đuổi kịp. Ông uống cạn chai la-de, lập lại ba tiếng bất hủ “vui thôi mà” rồi đứng lên từ biệt. 
Mấy tháng cuối cùng trước biến cố 1975, tôi không thấy Bùi Giáng trong đời sống tôi nữa. Chỉ tỉnh thoảng nghe thấy ông vẫn lang thang đây đó, một quán này, một bãi hoang kia, ngủ bất cứ ở đâu, dưới trời sao, ở một gầm cầu, dưới một mái hiên. Có lúc thấy nói ông đeo một xâu chuỗi toàn dày dép và quần áo phụ nữ quanh cổ như một vòng gai quái dị, đám con nít reo hò chỉ trỏ người điên, người điên. Có khi nghe thấy, ông ẩn lánh ở ngôi chùa vùng ngoại vi thành phố, ăn chay niệm Phật cả ngày không nói. 
Ở trình trạng này, anh em chúng tôi, những bạn bè một thời thân thiết với Bùi Giáng, từng đã chén thù chén tạc với Bùi Giáng bao lần trên căn gác đường Lý Thái Tổ của nhà xuất bản An Tiêm, nhận sách tặng của Bùi Giáng, ở với ông và trời thơ trác tuyệt của ông, chúng tôi biết chúng tôi chẳng làm gì cho Bùi Giáng được nữa. Chẳng phải bỏ ông. Ông cũng không bỏ. Chỉ là ông đã đi khỏi, đi xa, vào một trời đất khác.
Hai câu thơ hay tuyệt hay vào tập cho tập Mưa Nguồn:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau 
Ðã mang một ý nghĩa khác. Lời chào như một xa cách vĩnh viễn. Một bỏ đi. Một vĩnh viễn. Cái kho tàng chữ nghĩa phong phú vô tận ở đó Bùi Giáng vừa tạo dựng nên cái thế giới ảo huyền của mình vừa phá hủy tan tành cái thế giới ấy, kho tàng ấy thi sĩ không thèm sử dụng nữa, và chúng tôi chẳng còn con đường nào tới được với ông. (.....) 
Bùi Giáng đã đem lại cho cuộc đời biết bao nhiêu châu ngọc. Bằng tài thơ trác tuyệt. Bằng cõi ngôn ngữ ảo diệu, không tiền khoáng hậu. Có ông, thi ca mới đích thực có biển có trời. Từ ấy, thi ca mới không cùng không tận. Ðọc lại Mưa Nguồn, đọc lại Ngàn Thu Rớt Hột, Bài Ca Quần Ðảo, tôi còn muốn bật cười với thơ Bùi Giáng. Vui thôi mà. Ðúng vậy, vui thôi, có khác gì đâu. Mất Bùi Giáng , thơ ta lại trở về với cái hữu hạn đời đời của thơ. Nhiều người bảo ông chỉ là một thằng điên. Tôi chỉ muốn nghĩ thầm cho tôi là nếu có thêm được ít người điên như Bùi Giáng, thơ ca ta văn học ta còn được lạ lùng được kỳ ảo biết bao nhiêu.
Ði tu tâm niệm
Bùi Giáng
Ði tu em nhớ một lời
Ðừng bao giờ trở lại đời làm giai nhân
Ðừng đẹp đẽ đến vô ngần
Chỉ cần chút đỉnh đẹp tần ngần tu (đi)
Thử phác họa đôi nét về cõi thơ Bùi Giáng
Huỳnh Hữu Ủy
Một ngôi văn tinh kỳ dị, lạ lùng, quái đản vừa rụng trên bầu trời văn học. Chỉ cần nói như vậy thì có lẽ bất kỳ ai cũng biết ngay là thi sĩ Bùi Giáng vừa qua đời.
Trong vòng nửa thế kỷ vừa qua, chưa có nhà thơ nào tạo được một bóng dáng lồng lộng trên vòm trời thơ như Bùi Giáng. Ông làm được thơ, viết văn, bàn luận về văn học, triết học, chuyển dịch nhiều tác phẩm văn chương của thế giới sang Việt ngữ. Tất cả đều theo một thể điệu riêng biệt của ông. Văn nghiệp của Bùi Giáng vô cùng đồ sộ. Nội chuyện làm một bảng thư mục Bùi Giáng cũng đòi hỏi chúng ta mất nhiều thì giờ và công phu lắm, chứ chưa nói đến vấn đề gì khác.
Bùi Giáng có một sức đọc và viết vô cùng kinh khủng. Viết liên tu bất tận, ngưng viết thì đọc, ngưng đọc thì viết. Dịch sách Tây, sách Tàu, Ðức ngữ, Pháp ngữ. Cái lạ lùng vô cùng quí báo mà Bùi Giáng mang lại cho chúng ta chính là sự uyên bác, tài hoa, thâm trầm, bí ẩn của ông, tất cả đều nhào biến một cách vô cùng tự nhiên rồi hiện ra trong một vẻ giản dị tài tình của một tâm hồn và ngôn ngữ Việt. Trước bế tắc tư tưởng của Phương Tây cùng sự tràn lan của chủ nghĩa hư vô, ông đã trở về ngọn nguồn phương Ðông nhất thể, trở lại với cái hài hòa của đạo tự nhiên, đạo vũ trụ, mộc mạc, sơ nguyên, ẩn mật nơi tư tưởng vô cùng trầm trọng. Ông gom hết mọi chuyện lại rồi đưa đẩy tuôn trào thành một chuyển động tư tưởng bát ngát, một dòng thơ yêu kiều, thâm thúy.
Tư tưởng và chất thơ cổ kim đông tây tuôn chảy qua tâm hồn Bùi Giáng, biểu hiện thành một dòng thơ độc đáo và tuyệt vời nhất mực. Tinh thể thi ca di động qua một vài đỉnh núi chon von cô độc như Nguyễn Du, Holderlin, Heidegger, Nietzsche, càng bát ngát hơn khi chuyển động qua hồn thơ mênh mông của Bùi Giáng. Mỗi chữ, mỗi lời, từng câu từng tiếng đều là thơ. Lời nói thiệt  với tinh thể ngôn ngữ là thơ, mà lời nói giỡn dưới chiếc áo dùng dằng của ngôn ngữ cũng là thơ. Ði, đứng, nằm, ngồi, cười khóc, vui đùa đều là thơ. Lúc không điên là thơ, mà lúc điên vẫn cứ là thơ. Ði cho tới cùng cái sâu thẳm nhất của ngôn ngữ, tới đỉnh cao chót vót của nó, sống với nó trong từng mỗi giây mỗi phút, trong từng mỗi sát na, xưa nay có lẽ chỉ mới có Bùi Giáng là một. 
Từ Nguyễn Du đến Bùi Giáng, đường bay của thơ thực là kỳ diệu, mênh mông, vô lượng. Ông là chiếc bóng của Nguyễn Du, hay chính ông đã đẩy Nguyễn Du đến cùng thể tính của thi ca, làm lồng lộng, chất ngất một hồn thơ nước Việt.
Sống với thơ, giỡn chơi với ngôn ngữ để tạo nên thơ. Chữ nghĩa của Bùi Giáng lúc nào cũng có một điều gì đó rất dị thường. Ông chỉ cần sắp đặt những đề tựa tư mục lục một tập thơ của một tác giả khác thì đã mang lại cho chúng ta một bài thơ tuyệt đẹp. Nhưng sắp đặt và xô đẩy chữ nghĩa phải là theo cách của ông, chớ không thể của người nào khác được. Hay ông ngắt câu, ngắt đoạn từ bài thơ lục bát của một người làm thơ khác, biến đổi hình thức thành một bài thơ tự do, tức thời bài thơ ấy sẽ trở nên kỳ dị và đẹp đẽ lạ lùng. Rất nhiều người làm thơ đã biến đổi thể lục bát 6/8 thành 3/3/2/6, 4/2/6/2/ hay2/4/8, hay 6/4/4, hay còn biến đổi nhiều hơn nữa thành 1/2/3/2/2/2/2 thì có lẽ là đều bắt nguồn từ cách giỡn chơi của Bùi Giáng
Cuộc đời của Bùi Giáng và thơ của ông, ngay từ khởi đầu dường như đã có nhiều điều bất thường:
Lỡ từ lạc bước chân ra
Chết từ sơ ngộ màu hoa cuối cùng
Gần đây, thân nhân Bùi Giáng xuất bản tập thơ “Chớp Biển”, kỷ niệm Bùi Giáng vừa đúng 70 tuổi, giúp cho chúng ta nhiều dữ kiện để hiểu biết ông hơn. Hiểu một tác giả qua cuộc đời và hoàn toàn sống của tác giả ấy như phương pháp phê bình của Saint Beuve vẫn còn là một trong những cách thẩm thấu với văn chương rất thông tình đạt lý. Bà Bùi Giáng qua đời cách đây nửa thế kỷ, cảnh ly tan đó đã xô đẩy Bùi Giáng đến những đổ vỡ cùng cực. Bóng dáng người nữ ám ảnh ông suốt đời, để rồi từ đó ông sẽ nghiệm ra được một cách vô cùng sâu thẳm về tính nữ, về nguyên lý mẹ. Nói như Nguyễn Xuân Hoàng ai cũng cần một bà mẹ. Bà mẹ đó cũng có thể hiện ra trong một bóng dáng khác là người chị, cô em gái nhỏ hay chính là đứa con gái của mình. Tất cả cái thiêng liêng và tục lụy của mẫu người nữ đã biến hiện chập chùng qua hình ảnh người vợ, để rồi chuyển động nhiều hơn mà trở thành bà mẹ uyên nguyên của đất trời. 
Nhiều lúc ông kể lễ nghiêm trang, đạo mạo, có lúc lại đùa giỡn, cười cợt với hình bóng các mẫu thân, tuy vẫn có pha đôi chút ngậm ngùi: 
Mẹ về trong cõi người ta
Một hôm mẹ gọi con ra bảo rằng
Trần gian vui sướng lắm chăng
Hay là đau khổ hỡi thằng chiêm bao. 
Giữa những vần thơ điên của ông, dôi lúc chúng ta sẽ tìm thấy những câu thơ vô cùng kỳ diệu nói về bà mẹ thiêng liêng ấy, tất cả đều như rạo rực, sinh sôi, triển nở.
Một hôm nào em mở cửa đầu khe
Và bữa đó đến bây giờ cỏ rạ
Thi nhau mọc mặt trời lên lả tả
Bông lúa chín trong rừng kêu tiếng lá
Chóc chim xanh đòi đẻ trứng bây giờ 
Nhắc đến các hình ảnh mẫu thân của Bùi Giáng, tôi cũng muốn nhân đây chép thêm mấy câu thơ rất đẹp của ông về cô em gái nhỏ, mà đọc lên hẳn rằng chúng ta dễ liên tưởng ít nhiều đến người vợ cũ năm xưa đã chia lìa với ông quá sớm, khi họ cùng mới nhau bước chân vào đời. Dĩ  nhiên, cô em gái nhỏ ấy cũng có thể là một trong những người nữ Bùi Giáng tiếp tục gặp về sau: 
Em là em anh đợi khắp nẻo đường
Em có nụ cười buồn mây mọng
Em có là mi khép lá cây rung
Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng
Hồ gương ơi! Sao sóng lục vô chừng!...
Em ở lại với đời ta em nhé
Em đừng đi cho ta nắm tay em
Ta muốn nói bằng thơ bay nhẹ nhẹ
Vào trong mơ em mộng rất êm đềm
Ta sẽ đặt mười ngón tay lên mắt
Ðể nhìn em qua khe hở du dương
Vòng theo máu hai vòng tay khép chặt
Ồ thưa em ta thấy mộng không thường 
Cái tang bà Bùi Giáng đóng đinh suốt đời ông. Rồi cùng lúc, ông gặp nhiều điều bất ưng ý giữa một thời đại mà bạo lực là phương tiện hàng đầu của con người. 
Thời kháng chiến, ông đi chăn bò giữa những đồi sim ở một vùng đồi núi nào đó giữa miền Trung đất nước, để tự thấy mình là một thứ Tô Vũ của thời đại. Ông kết những vòng hoa dại đeo vào cổ bò, cổ dê, và đùa giỡn suốt ngày với đàn thú hiền từ. Cho mình là Tô Vũ, có lẽ đó cũng là một cách Bùi Giáng nói cho chúng ta biết ông là người bị lưu đày ngay chính nơi quê nhà của mình chứ không cần biệt xứ nơi đâu. Sau này, thỉnh thoảng ông cũng nhẹ nhàng vẽ lại cho chúng ta thấy đôi chút cảnh quan rùng rợn, tang thương của những ngày ấy: 
Hãi hùng bi kịch đồi tranh
Trùng quan vó ngựa tế nhanh trong mù
Thây người nát ở phía sau
Nhìn thu khép mắt khổ đau khôn hàn 
Rồi hòa bình được lập lại, nhưng Bùi Giáng không còn thể nào trở lại sống cuộc đời bình thường như chúng ta nữa, Những chấn động dữ dội của thời tuổi trẻ đã góp phần dồn đẩy ông tới bờ vực chon von. Ðịnh mệnh đã chọn ông là một thiên tài điên của dân tộc, đẩy ông bước theo Nguyễn Du, để ông kết bạn với Gerard de Nerval, Saint Exupéry, Khuất Nguyên, Tô Ðông Pha, Apollinaire, André Gide, Camus, René Char, để đôi khi nghiêm trang đàm đạo với Khổng Tử, Heracleitus, Parmenides, để sống cuộc đời quỉ khốc thần sầu cũa một cuồng sĩ ngoài chợ, và tuyệt vời nhất vẫn là để viết lại cho đất nước những dòng thơ kỳ diệu độc nhất vô nhị.
Cuộc đời Bùi Giáng và thơ Bùi Giáng chỉ còn chập chùng lên nhau giữa những giấc chiêm bao, phù du, mộng mị. Ông sống ở đời lúc tỉnh lúc điên: lúc tỉnh đã là chiêm bao nhưng lúc điên thì càng là chiêm bao quá cỡ. Trước năm 75, thỉnh thoảng ông mới lên cơn điên nhưng sau 75 cơn điên kéo dài lâu quá. Bà Irina, một phụ nữ người Nga có nhiều liên hệ mật thiết với Việt Nam, khi gặp Bùi Giáng, đã lặng lẽ tuôn chảy những dòng lệ nóng hổi cho một thiên tài mà bà nhìn thấy như hình bóng một Diogenes thời đại, cầm cây đuốc đi giữa ban ngày để tìm chân lý. Chân lý đã bị khuất lấp cả hai mươi thế kỷ rồi, chứ phải đâu chỉ là những ngày trước mắt. Vậy nên, nơi chiếc bàn viết lữ thứ, khi cầm bút viết lại để sống đời của một nhà văn lưu vong, Mai Thảo nhắc đến Bùi Giáng, phác thảo đôi nét về Bùi Giáng rất hay, sống động và tài tình, nhưng tôi cho là Mai Thảo rất nhầm lẫn khi qui tội điên của Bùi Giáng cho những nguyên nhân thời đại: 
Và ở Sài Gòn vẫn còn Bùi Giáng
Tối tối về chùa đêm làm thơ
Ngày ca múa khóc cười giữa chợ
Kẻ sĩ điên thế kỷ mù rồi
(Mai Thảo, Viết văn trở lại) 
Hãy thử đọc lại vài câu thơ Của Bùi Giáng tự nói về mình. Ông gần như sống giữa một lớp sương mù dày đặïc của những giấc mộng chồng chất. Ông sống như một ông đạo, như một trích tiên, như ma quỉ, hay như một đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ cùng cực: 
Ði về với gió phù du
Mở trang mộng mị cho mù sa bay 
Quê nhà chỉ còn là giấc mộng đã qua, thân thế cũng chỉ là một nỗi đời hư huyễn:
Hỏi tên, rằng biển xanh đâu
Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên, rằng một hai ba
Ðếm là diệu tưởng, đo là nghị tâm! 
Ông đã tự hỏi tự đáp về tên tuổi và quê hương thực của mình:
Hỏi tên? – Cổ lục phong trần
Hỏi quê? – Mộng tưởng tiền trình bơ vơ
Ông luôn lập đi lập lại ý tưởng ấy khi có dịp:
Hỗn mang về giữa hiên nhà
Bây giờ cố quận  tên là chiêm bao 
Cái thế giới chiêm bao mộng mị ấy, có lúc ông chợp bắt được thành những câu thơ rất đẹp: 
Ta gọi chiêm bao về mộng mị
Chắp ân tình cho nghĩa rộng tinh sương
Về tuế nguyệt bước ngao du tận mỵ
Người có nghe tang hải réo vô thường? 
Sống và mơ giữa thế giới đó, ông vác cần đi câu cá hư vô ngoài biển đông: 
Tôi làm Nam hải Ðiếu đồ
Ngồi câu con cá hư vô giữa trời 
Ông yêu mến, quí trọng từng đốm nhỏ li ti của trời đất và sự sống, từng cây cỏ dại, từng cánh bướm, cánh chuồn chuồn: 
Xin yêu mãi và yêu nhau mãi mãi
Trần gian ôi! Cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn. 
Khi tỉnh táo mà viết được Tôi nói điệu điên rồ/ Ấy là vui vậy thì quả là ông đã thoát ra khỏi mọi phiền trược của cuộc đời, chẳng còn câu chấp chi cả, ông sống hoang hỉ như một đứa trẻ với một nguồn thơ tinh khôi, hồn nhiên, đầy hoan lạc.
Ðọc thơ Bùi Giáng để cảm cái tình và ý của nó, để sống cái thâm diệu của tư tưởng đã hé mở và như luôn hứa hẹn một cõi mênh mông bát ngát dị thường sau đó. Ðọc thơ ông cũng là để thưởng thức chữ dùng cực kỳ tài tình của ông. Có những chữ rất thông tục, tầm thường, nhiều khi chúng ta không muốn sử dụng vì không được nhã, nghe hơi nặng tai. Vậy mà khi những chữ ấy rớt vào tai họ Bùi, không cần tỉa gọt, trau chuốt gì cả, chỉ xô đẩy tự nhiên như hít vào thở ra, thì nó sẽ trở thành thơ. Hãy đọc thử bốn câu thơ sau, chúng ta sẽ thấy ngay cái tài hoa lạ lùng của Bùi giáng khi biến đổi một chữ tầm thường thành chữ của thơ như thế nào. Ông phả vào những cái tài hoa ẩn mật của hồn thơ để mang lại cho nó một sức mạnh vô cùng ký bí :
Người con gái lội qua khe
Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau
Nỗi niềm tưởng lại xưa sâu
Bàn chân với nước cùng nhau lại đè
Chữ khe, rồi lại chữ đè thực là đắc địa. Dùng chữ đến như vậy thì không còn là viết văn, làm thơ nữa, mà đã là thợ trời của chữ. Ngay khi ông lên cơn điên, nhưng chưa điên quá độ, mà mới chỉ trôi nổi giữa những cơn điên nhẹ, ông cũng mang lại cho chúng ta những câu vần vè quàng xiên rất vui vẻ. Nhớ lại những ngày đi chăn bò chăn dê giữa núi rừng, thời trai trẻ, rồi liên kết với việc làm thơ và một số hình ảnh khác, tức thời những hình ảnh và các con chữ sẽ xô đẩy nhau. Ông viết mấy dòng sau, như một bức tranh của trẻ con vẽ, không đầu không đuôi, không luật tắc, thấy và thích thì cứ quẹt bừa, cứ bôi bác bừa những vệt màu và đường nét, vậy mà sẽ mang lại cho người xem nhiều điều lý thú.
Làm thơ như thể chăn trâu
Chăn bò, chăn ngựa, ngõ hầu chăn dê
Chăn hùm thiên mệt chán chê,
Chăn beo, chăn gấu, nghiệp nghề chăn voi. 
Ði vào cõi thơ Bùi Giáng, bên những cơn điên dài của ông, giữa những cơn chiêm bao mộng mị, đôi lúc thấy ông điên vậy mà nhìn kỷ lại thì ông chẳng điên chút nào. Vậy nên, có nhiều người cho là Bùi Giáng không điên, như Viên Linh cho rằng ông chỉ chọn một thái độ sống như vậy mà thôi. Trước thế giới Bùi Giáng, chúng ta như đứng nơi một ngã ba đường, hay những lối mòn trong rừng thẩm mà cần phải chọn một hướng đi, mỗi người phải tự định hướng cho riêng mình.
Riêng tôi, lúc nào tôi cũng thấy Bùi Giáng là một thiên tài điên. Ðiên nhưng rất hiền hòa, rất thơ mộng, điên như thánh. Giữa những cơn điên kéo dài lâu quá, ông như không còn phân biệt cái thực và hư. Có một bữa, ông đòi tôi chở về một căn nhà nào đó bên miệt Phú Nhuận để ông cho vịt ăn, vì nhiều ngày quá rồi ông chưa trở về chắc là vịt đói lắm. Trên căn gác tôi đưa ông về, ông rào một chuồn vịt khoảng mấy thước vuông, ông ném gạo cho vịt ăn, nói nói cười cười, rất hoan hỉ, nhưng đàn vịt ấy chỉ toàn là một bày vịt bằng nhựa. Trước năm 75, tôi gặp ông rất thường vì mỗi buổi chiều rảnh rỗi tôi thường ghé Ðại học Vạn Hạnh viếng thăm thầy Tuệ Sĩ rồi cũng tạt qua thăm ông. Lúc nào cũng thấy ông làm việc. Nằm ở một góc nhà, chung quanh đẩy sách vở, đọc đọc chép chép không ngừng nghỉ. Ngoài những cơn cuồng, Bùi Giáng rất lặng lẽ, ghét chuyện thị phi, tranh chấp ô trọc. Tôi còn nhớ khoảng năm 1971, tuần báo tìm hiểu của cô Phan Lâm Hương (con gái út cụ Phan Huy Quát) có thực hiện một cuộc nói chuyện với Bùi Giáng rất hay và nghiêm trang, có thể giúp cho người đọc chia sẽ được nhiều điều với Bùi Giáng. Nhưng sau đó thì có vấn đề, vì bài báo ấy mà một thi sỉ khác, cũng là loại cô phong đỉnh của vòm thơ Việt hiện đại gây hấn với Bùi Giáng quá cỡ.  Bùi Giáng sau đó rất sợ mấy nhà báo. Ông than phiền hoài, cho rằng mấy ông làm báo đã kéo Bùi Giáng vào việc thi phi ở đời, từ đó ông không còn muốn gặp mấy người ký giả, viết báo thường thích gây chuyện chộn rộn ở đời.
Bùi Giáng tránh né việc thi phi, và ông rất ghét bạo lực, bạo động, bạo quyền. Hơn 25 năm trước, tôi thấy ông nuôi một đàn chó nhỏ, đi đâu cũng dẫn theo làm chúng sủa vang các hẻm đường, có lúc ông cho luôn hết vào bao bố và vác trên vai  làm chúng cũng muốn ngất ngư, ngộp thở, chỉ còn kêu hục hục trong bao. Có lần ông để quên đàn chó ở nhà bà Bé Ký cả tuần lễ làm Bé Ký phải nuôi ăn và chăm sóc rất mệt, hở tay ra là chúng sủa vang nhà không ai chịu nổi. Ðàn chó này, mỗi con đều có tên, và tôi rất kinh hoàng thấy ông gọi con chó xấu xí, nhếch nhát nhất trong đám bằng tên nhân vật số 1của lịch sử hiện đại. Và sau năm 75, chẳng lạ gì khi mà cứ những chổ đông người, chợ búa xô bồ, cuồng sĩ họ Bùi thường đứng diễn thuyết hùng hồn.
Tôi cũng còn nhớ, có lần nói chuyện với ông, tôi mới chỉ lỡ lời nhắc đến các nhà nho cách mạng đất Quảng, hai cụ Phan Tây Hồ, Huỳnh Thúc Kháng, thì ông rất tức giận, rồi lên cơn điên ngay, chộp lấy cổ áo tôi, gần như muốn xô tôi xuống từ lầu ba trường Vạn Hạnh.
Qua mấy câu chuyện nhỏ này, tôi cảm thấy rằng, Bùi Giáng chỉ muốn sống với mọi người trong một thế giới thái hòa, an lạc. Ðua tranh rồi bạo động chỉ là mầm mống của phân ly, mất quân bình và rối loạn. Ông yêu thích cuộc sống lặng lẽ tự nhiên, như một đôi lần tôi thấy ông len lén chào mấy người đệ tử của ông Ðạo Dừa với một vẻ hỉ hoan bất tận bộc lộ ra trên khuôn mặt. Ông chào rất kính cẩn mấy ông đạo này, những người đã tự phát nguyện tịnh khẩu vài ba năm, có người quyết tịnh khẩu cho đến khi nào hỏa bình được lập lại mới sẽ mở miệng, cất tiếng với đời.
Bên trên là vài giai thoại về Bùi Giáng bởi vì đề cập đến Bùi Giáng mà không nhắc qua các giai thoại dính dáng đến ông thì quả là thiếu sót. Mới đây, trên việc báo kinh tế số ngày 17 tháng 10 năm 1998, ông La Toàn Vinh, cựu sinh viên trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh nhắc lại vài hình ảnh Bùi Giáng mà ông bắt gặp ở Sái Gòn trước đây, đọc rất vui. Ðọc đến chổ Xuân Diệu diễn thuyết trong khuôn viên trường Mỹ Thuật, ông đi tới đi lui ngoài cổng trường và chửi đổng “Mẹ mày Xuân Diệu...Mẹ mày Xuân Diệu”, tôi đã phải cười phì và nhớ ngay đến dáng đi điệu nói, tiếng cười của ông.
Có thể không cần đọc Bùi Giáng, mà chỉ cần nghe những giai thoại về ông thì cũng là đủ để sống được chất thơ và đời thơ của Bùi Giáng. Những giai thoại như thế, nếu cất công đi ghi chép lại nơi bạn hữu, thân nhân của Bùi Giáng và trên khắp đường phố Sài Gòn thì có lẽ chúng ta  sẽ có cả một quyển sách dày như tự điển, góp phần phong phú đời sống văn học đất nước trước mắt và cho cả mai sau.
Chúng ta vừa đi qua một vài nơi giữa khu vườn bát ngát mênh mông của cõi thơ Bùi Giáng. Khi viết bài này, chúng tôi rất tiếc là không có trong tay tài liệu gì về Bùi Giáng, chỉ đành nhặt nhạnh mấy câu thơ nới các bài báo gần đây, tuy nhiên cũng hy vọng là đã vẽ phác được đôi nét về ông, làm sống lại đôi chút hình ảnh một thiên tài của dân tộc.
Bùi Giáng là thiên tài nhưng là một nhà thơ điên, vì vậy ông viết quàng xiên nhiều quá. Nhưng cũng chẳng hề gì, mấy ngàn trang sách của ông chỉ cần lọc lại  thành một tập thơ nhỏ, rồi với tập thơ ấy chỉ cần tinh lọc thêm một lần nữa để chỉ còn lại chừng mươi bài, thì với mươi bài thơ ấy ông cũng đã là một nhà thơ lớn bậc nhất của thời hiện đại, một vì sao lấp lánh rạng rỡ mãi hoài trên vòm trời thơ của dân tộc Việt. 
Tái bút: Bài viết trên đây đã gởi đi để kịp chuẩn bị sắp chữ và lên khuôn trong số báo tới vì tình cờ tôi vừa tìm lại được tờ Tạp Chí thơ số ra mắt vào mùa xuân 1994 có in một bài viết rất hay của Thanh Tâm Tuyền về Bùi Giáng cùng với hai bài thơ của Bùi Giáng. Tôi chẳng thể nào không viết thêm mấy giòng tái bút này, dù biết có làm phiền hà tòa soạn trong việc sắp xếp lại trang báo trước khi đưa đi in, để trích lại ở đây một đoạn văn của Bùi Giáng mà Thanh Tâm Tuyền đã trích dẫn cùng một bài thơ của Bùi Giáng mà Tạp Chí thơ đã chọn để in lại.
Ðây là bài thơ Bao Giờ của Bùi Giáng:
Bằng bút chì đen
Tôi chép bài thơ
Trên tường vôi trắng
Bằng bút chì trắng
Tôi chép bài thơ
Trên lá lục hồng
Bằng cục than hồng
Tôi đốt bài thơ
Từng giờ từng phút
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe cười khóc có ngờ chi không 
Quả là một bài thơ tuyệt đẹp với những hình ảnh tự động xô đẩy đuổi bắt nhau. Những hình ảnh chuyển động trên một đường biên của hữu thức và vô thức. Ảnh tượng và sắc màu rất cụ thể mà rõ ràng là vô thực và đầy mộng mị. Tất cả là để dẫn đến một dấu hỏi về cuộc đời và ý nghĩa nhân sinh, đầy khúc mắc và nhẹ nhàng, tế nhị, và vô cùng bao dung. Có thể nói đó là một bài thơ siêu thực hiện đại mà vẫn chứa chấp một cái hồn cổ kính thơ mộng.
Và đây là mấy ý kiến về thơ của Bùi Giáng mà Thanh Tâm Tuyền đã dẫn:
“Thơ là một cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn thì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phác động một trận mưa rào, một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện sự đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác.
Người xưa am hiểu sự đó, nên họ chỉ vịnh thơ chứ không điên rồ mà bàn luận về thơ. Người đời nay trái lại. Họ buộc phải luận thơ có mạch lạc luận lý không được “bốc đồng”, vịnh lăngnhăng cái chỗ ngu si đó là điều bất khả tư nghị vậy”.
Thơ tôi làm chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Ði vào giữa trung tâm bão dông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vay áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu, chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian cho chuồn chuồn mang trên cánh bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng một vong hồn bát ngát, rồi quay về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu.
... Trong chiêm bao thơ về lãng đãng thì từ đó vẫn bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao”
Có lẽ chưa từng có ai bàn về thơ với giọng điệu dị thường như vậy. Ông mở ra một cõi mênh mông, thăm thẳm, mà mời gọi ngưòi ta bước vào. Và tôi hết sức đồng ý cũng như thích thú với mấy lời của Thanh Tâm Tuyền:
“Ðừng có nghĩ, hãy buông mặc theo ông, như ông đã từng buông mặc trong trận đồ kẻ trước. Ông luôn luôn nhắc nhở nơi ông là những bóng vang ai khác. Và ta hãy là bóng vang của ông”.
Xin cảm ơn thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, chỉ với bài viết “Bùi Giáng, một hồn thơ bị vây khốn”rất ngắn của ông, đã soi sáng cho tôi nhiều điều về cái sâu thẳm không cùng của nhà thơ Bùi Giáng. Vậy thì, hãy bước vào cõi thơ Bùi Giáng bằng cách trút bỏ tất cả hệ lụy, vứt bỏ những phân tích phê bình, lý luận để mà hít thở và mơ mộng cùng ông, để phiêu bồng cùng ông qua những chân trời không cùng của thơ.
Bùi Giáng: Một vùng đất hẹp và một thế giới 
Nguyễn Hoàng Vân
Nhớ lại cái lần ngược dòng sông Thu năm ấy. Cái lần lạc về đầu rú khe truông mà lòng cứ vẩn vơ mơ về những thị thành thấp thoáng trời xa. Thuyền qua Trung Phước; một bên là Đại Bình với những vườn cam đỏ ối, một bên là chợ que một sớm mai náo nhiệt. Rồi núi Cà Tang sừng sững trước mặt. Dòng sông đã xanh mà hai bờ cũng xanh. Xanh với những bãi ngô, dâu và những rặng tre già lặng lẽ soi mình. Thuyền ngược nữa, ngược nữa. Mỏ than Nông Sơn thấp thoáng bờ xa với những mái ngói nhấp nhô sườn đồi, chói chang dưới ánh tà huy. Và cậu thanh niên mới lớn nhưng lắm mơ mộng phải nhíu mày để hình dung cho ra những phố xá kinh kỳ dọc theo Danube đôi bờ, con sông xanh mơ mộng với những điệu luân vũ rập rờn sóng nước mây chiều…
Rồi cái đêm hôm ấy, cùng người bà con trên chiếc ghe neo dọc triền sông. Ngược lên phía trên, về phía Mưa Nguồn, là Dùi Chiêng, Trà Linh, là Hòn Kẽm, Đá Dừng; những cái tên đã đi vào ca dao: Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi. Không gian trầm lại, thoang thoảng mùi rượu nếp chua chua. Tiếng cá quẩy nước. Làn gió vi vu trên những giọt trăng lấp loáng đùa sóng. Khung cảnh êm đềm quá, êm đềm như thể lạc lối thiên thai. Nhưng lòng Lưu Nguyễn vẫn còn vướng nợ trần, không chút tha thiết với cảnh trăng nước bồng lai, cứ mơ tưởng về phía ánh sáng kinh kỳ chốn trời xa; những đại lộ tân kỳ náo nhiệt hay những mái ngói rêu phong già hằng thế kỷ, những tháp chuông cổ kính dọc theo hai bờ con sông xanh chảy qua bảy nước… 
Đã mười mấy năm rồi kể từ ngày ấy. Cái ngày mà mái đầu hãy còn xanh ngắt với tâm hồn luôn ấp ủ giấc mơ về đôi cánh bay lên và những phương trời thật xa… Nhưng lúc đó, và cả trước đó cũng như bao nhiêu năm sau đó nữa, có một đôi mắt hun hút chiều sâu, một tâm hồn si dại những hoài niệm luôn hướng về về mãnh đất có con sông mang tên Thu Bồn chảy qua ấy. Thân xác đã phiêu bạt ở một góc trời cách xa. Tâm thức còn phiêu bồng xa hơn nữa. Người ấy đã cùng cậu hoàng con của Exupéry la đà bay qua những tinh tú chi chít trên giải ngân hà. Đã chấp cánh sang tận vòm trời tư tưởng Aâu Châu để băn khoăn cùng những Hiedegger, Holdeline hay Camus v. v…Trong cõi thơ, người ấy đã lui về hai trăm năm trước để thổn thức cùng Tố Như, đã lấn bước về phía trước, vượt lên những bước chân của thời đại khi giờ đây người ta cố công đào xới với những cái nhìn vượt qua khuôn khổ của ý thức hiện đại. 
Người đó là Bùi Giáng. Con người với đôi mắt và nguyên khối tâm hồn đăm đăm về nơi đầu rú khe truông; nơi dêm nào cậu trai mới lớn cảm thấy tù túng mà mơ tưởng về những chân trời góc bể xa xăm: 
Những trận nào Trà Linh qua Đá Dừng Hòn Dựng
Dùi Chiên về Phường Rạnh ngược Khe Rinh
Bao lần anh cùng chúng em lận đận
Bôn ba băng rú rậm luống rùng mình 
Những bận nào Quế Sơn Rù Rì con suối ngược
Nước trôi nguồn nước lũ cuốn phăng phăng
Những bận nào mịt mùng mưa gió ướt
Đẫm thân mình co rúm lạnh như băng
(Nỗi Lòng Tô Vũ) 
Mảnh đất đó gắn chặt với Bùi Giáng đến nỗi nửa thế kỷ Sài Gòn không hề làm loãng đi chất giọng Quảng Nam Doáng bô nhiêu tuổi Doáng già. Nơi một Doáng trẻ đã từ giã và một Doáng già đau đáu nhớ nhung: 
Nhắm mắt mơ màng thấy viễn vông
Thấy tình rộng biển nghĩa dài sông
Vu vơ khắp ngã nghe chim hót
Ca khúc phì nhiêu đất ruộng đồng
(Nhắm mắt) 
Đó, mảnh đất của tình biển nghĩa sông mà nhà thơ đã: 
Non nửa thế kỷ xa quê
Mà chưa có dịp về quê một lần
Bảy mươi mốt tuổi tần ngần
Nước non Nam Việt chiếm gần trọn tim
Về Trung biết chốn nào tìm
Lại ngôi nhà cũ láng giềng đã qua?
Giật mình lúc chợt nghĩ ra
Rằng toàn thân thuộc đã qua đời rồi…
(Tâm Sự) 
Non nửa thế kỷ với biết bao là phù du dâu bể, biết bao là tử biệt sinh ly? Nhưng quê nhà vẫn đợi đứa con lưu lạc Sài Gòn quyến rũ tôi chưa chịu về: 
Gió trăng sông núi đợi ta
Chờ sương nhị nguyệt màu hoa dâng mùa
Một mình vào núi đợi mưa
ĐợÏi nghe chớp biển xế trưa mưa nguồn
Phồn hoa co nhớ đèo truông?
(Nhớ Mông Lung) 
Đèo truông vẫn có đó, trong lòng người phồn hoa. Và cả gió trăng, gió trăng vẫn đợi; nhưng người đi cứ mãi chần chờ:
… Trút đi bất tuyệt triền miên cõi bờ
Thị thành tiên cổ thành thơ
Thôn làng thiên lý chần chờ chiều hôm
Một hôm bất chợt một lần
Rụng rời ký ức bậc tần rong rêu
(Rong Rêu) 
Chần chờ bởi cứ mãi nâng niu niềm vui hạnh ngộ, như thế nâng niu như một thứ gì quý giá. Bởi sợ nó sẽ tan biến, sẽ mất đi:
- Ủa! Anh Sáu Giáng! Anh về lúc nào?
- Mới vừa về một phút
- Ở Sài Gòn về chơi, anh đi bằng phương tiện gì? Xe đò? Tàu Bay?
- Anh đi bộ. Đi bằng hai chân
- Đi trong bao lâu mới tới?
- Ròng rã suốt hai tháng trời
- Sao anh không đi xe đò cho chóng tới nơi?
-Anh muốn tư từ thong thả. Vừa đi vừa ngắm phong cảnh
dọc đường. Và cũng cố ý kéo dài để dành?
- Để dành cái chi?
- Để dành cuộc gặp gỡ sau nhiều năm xa nhau. Đừng gặp vội…
(Thôn Nữ - Chuyện chiêm bao) 
Và thế, ngày về Bùi Giáng cũng chỉ là những hẹn hò, những đính ước cùng biển nước mây trời:
Ngày nào có nắng gió mưa
Anh về trở lại làng xưa tỉnh nhà
Gặp em như mới hôm qua…
(Anh Sẽ Về Thăm)
Bao giờ mới có nắng mưa? Khác nào Hồ Dzếnh với những hẹn hò lần lữa “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé?” Khác nào khúc nhãc dạo cho bản romance một đời người mà những tiểu thư đài các ngồi mơ màng chờ đợi bên cửa sổ? Cái ngày về để dành lần lữa ấy cũng chờn vờn và siêu thực khác nào mộng mị chiêm bao? Khác chăng, là đoạn prelude mở đầu cho khúc romance một đời người của các tiểu thư bao giờ cũng ướt đẫm những hương hoa và loạt soạt những xiêm váy lụa là; với Bùi Giáng, giấc chiêm bao ấy trở nên cụ thể, mộc mạc và chân tình. Mộc mạc và chân tình như chính những đứa con của mảnh đất Quảng Nam: 
Đi về làng xóm năm xưa
Viếng thăm quê cũ người chưa quên người
Người hỏi tôi: Từ đâu ông đến đây?
- Thưa cô thôn nữ từ đây tôi về
- Ủa phải anh Sáu Giáng đó không?
- Và cô có phải là cô Bông năm nào?
- Anh còn nhớ rõ ôi chao!
Vợ chồng tôi cũng lúc nào nhớ anh
Anh điên mà dzui-dzẻ thập thành
Chúng tôi tỉnh táo mà đành buồn hiu.
(Đi về làng xóm) 
Trong Bùi Giáng, quê nhà vẫn còn nguyên vẹn. Nguyên vẹn như ngày mới cất bước ra đi cho dù bể đời phù du đã đầy vơi mấy chặng. Nguyên vẹn như tấm lòng của vợ chồng cô Bông “cũng lúc nào nhớ anh”. Nguyên vẹn với những địa danh gắn chặt với tình yêu ban đầu: 
Điện Bàn Đại Lộc Duy Xuyên
Xiết bao tình nghĩa thần tiên mộng đầu
Vĩnh trinh Lệ Trạch Thanh Châu
Thi Lai Hà Mật nhìn đâu dáng người
Người đầu tiên đã mỉm cười
Nhìn tôi tưởng thấy niêm vui vô cùng…
(Ký Ức) 
Vọng về nẻo quê xưa, ấy cũng là vọng về cái thời trẻ dại đã đánh mất: 
Xuân xanh về khóc giữa giòng
Tuổi già quá cỡ, tấm lòng quá vui
Chần chờ tôi bước thụt lùi
Tới bao giờ gặp lại thằng tuổi thơ…
(Bé già nua khóc) 
Và quê hương đâu chỉ có hình ảnh bến nước cây đa hay tuổi thơ đánh mất? Quê hương còn gợi nhớ cái thuở ban đầu lưu luyến. Một Bùi Giáng thanh niên hay một Bùi Giáng trung niên có thể cười cợt hoang tàn với một Bardot chênh vênh đồi núi, một Monroe ẩn khuất khe mương. Nhưng ở chốn sâu thẳm nhất của tâm hồn đó hẳn phải là hình ảnh người thôn nữ… Chết bên bờ lúa/ Để lại một dấu mòn/ Một dấu chân bước của/ Một bàn chân bé con. Cái chết của người vợ trẻ hẳn đã để lại một vết hằn không thể nào xóa nhòa để rồi ở một Bùi Giáng lão niên, những ký ức dồn nén từ trong sâu thẳm tâm hồn ấy có dịp thăng hoa. Thăng hoa thành những day dứt triền miên bất tận trong lứa tuổi xế chiều (1).
Mỗi giây phút mỗi bất ngờ
Mỗi đêm tưởng tượng thẹn thò cùng em
Tình em bao xiết êm đềm
Tình tôi như thể chênh vênh lạ thường…
(Thôn Nữ) 
Đó, là người thôn nữ yểu mệnh đã đi thiêm thiếp trong cõi sa mù. Đi biền biệt. Gặp lại chăng, chỉ là những thoáng chiêm bao “suốt cứ sơn khuê lâm tuyền”. Nhưng khác nào những mộng mị “trông vời quê cũ”, hình ảnh hư ảo dồn nén trong ký ức ấy cũng là những gì dể vỡ, dễ đánh mất: 
Bất ngờ gặp lại người quen
Từ muôn năm đã từng quen biết rồi
Giật mình tỉnh giấc than ôi
Trùng phùng trong mộng muôn đời tiếc thương…
(Chiêm Bao) 
Khi đã đánh mất, khi đã tình giấc than ôi; còn biết làm gì hơn? Thôi thì lặng lẽ một mình: 
…Nàng đi vô tận thời gian
Nàng đi mất hút cuối miền thời gian
Tôi ngồi khóc lóc hoang mang
Một mình cô độc muôn ngàn tương tư…
(Một nàng tiên) 
Nếu đã chắt chiu dành dụm ngày về đến cả nửa thế kỷ thì cái cảnh tử biệt sinh ly lúc tuổi chỉ mới chớm đôi mươi ấy còn gắn chặt vào tâm hồn kia si dại kia đến là nhường nào? Năm mươi năm trời đằng đẳng với bao nhiêu chuyện chớp biển mưa nguồn, bao cảnh phù du dâu bể; nhà thơ vẫn lẽo đẽo bên mình một hình bóng. Âm thầm. Lặng lẽ. Và chung thủy: 
Gặp em từ ấy tới giờ
Năm mươi năm chẳn như tờ lặng yên
Biết bao dâu biển nổi chìm
Đôi lần con mắt lim dim nhớ gì
Bảy mươi tuổi quá nặng nề
Còn em đã sáu tám rồi em ơi
Ngày mai vĩnh biệt cõi đời
Trùng lai có lẽ cuối trời biệt ly
(Tặng Gái Quê) 
Như thế, giờ đây Bùi Giáng hẳn đã thực sự ra đi để trùng lai trong cảnh cuối trời sinh ly. Còn sống, người ta đã nói nhiều về ông. Ra đi, người ta càng nói nhiều hơn nữa. Người ta thi nhau vẽ những giai thoại mà không ai có thể đoan chắc tính chất xác thực. Họ thi nhau kể những kỷ niệm gặp gỡ. Chỉ có một số ít e dè về cách cảm thụ thơ Bùi Giáng. Và ít hơn nữa với những người ra công khai phá để tìm kiếm từ khối ngôn ngữ thơ Bùi Giáng những hạt kim cương lóe nên ánh mới.
Dẫu vậy, Bùi Giáng mà chúng ta được biết, dầu còn mơ hồ, đâu chỉ là một chú hoàng con la đà trên những tinh tú? Đâu chỉ là một tâm hồn vượt qua những biên giới quốc gia? Tâm hồn ấy, khối tri thức ấy còn bước hẳn lên trên những nhịp chân thời gian so với cùng thế hệ.
Tôi nhớ lại những tranh cãi văn chương mới đây, những tranh cãi xoay quanh gốc và thế giới. Cái thiếu và cái thừa. Những tranh cãi mà người ta cứ vô tình lẫn lộn thế giới và phong cách thế giới. Như thể thế giới luôn luôn ngụ ý đoạn tuyệt và vong bản. Nhưng một Bùi Giáng lang thang trên vỉa hè Sài Gòn, đau đáu những nhớ nhung về mảnh đất hẹp Quảng Nam mà vẫn có thể đem triết học Đông Tây về với ca dao lục bát; vẫn có thể quàng vào thân thể của Bardot hay Monroe những xiêm y của Xuân Hương; vẫn thản nhiên đưa thơ vượt qua những rào cản của thú ngôn ngữ mà chưa một quy phạm chuẩn mực nào hình thành là gì? Người đó chẳng đã đường đường tự tại một phong cách rất là thế giới nhưng vẫn không xa rời gốc đó ư? Với mảnh đất chật hẹp cuối cùng quê ấy, Bùi Giáng có cả một vũ trụ dệt nên từ những hoài niệm về thuở ban đầu. Trong một thế giới rộng lớn để thả hồn rong chơi, Bùi Giáng có một mảnh đất đầy kỷ niệm gắn bó để chiêm bao mộng mị. 
Và nhớ về cái đêm trăng sông nước bồng lai trên thượng nguồn của dòng sông Thu năm ấy, dòng sông chảy qua, mảnh đất trong chiêm bao mộng mị của Bùi Giáng; tôi cứ hình dung và nhớ thơ trong phút giây Trùng lai có lẽ cuối cùng biệt ly với người thôn nữ độ nào. Mà không hẳn chỉ là mảnh đất ấy. Nhà thơ sẽ nắm tay cô thôn nữ năm xưa, thung thăêng rong chơi cùng những Hiedegger, Holderlin, Exupéry…La đà bay qua những tháp chuông cổ kính rêu phong hai bên dòng sông Danube hay những vì sao rực rỡ trên dải Ngân Hà: 
Mai sau còn dự hội nào
Ngó nhau từ kỷ niệm đầu bão giông… 
Chắc là vậy…
(1) Riêng tập Đêm ngắm trăng do NXB Trẻ phát hành tại Sài Gòn, bao gồm 227 bài thơ mới nhất của ông trong đêm 1997, đã có đến 9 bài thơ thực cảm động với tựa đề Thôn Nữ; chưa kể những bài thơ khác tựa đề nhưng cùng phảng phất một hình bóng.
Thân tình gửi anh Bùi Giáng
Huy Cận
Đôi lời thăm bạn thơ
Thăm tấm lòng tri kỷ
Bao giờ đến bây giờ
Tình thơ không hoen rỉ
 Ở chùa
Ngô Cang
(Kính gởi Đại lão thi sĩ Bùi Giáng)
Con về mượn áo chùa quê
Kính thưa Sư Tổ Bồ Đề Đạt Ma
Ngồi thiền suốt chín năm qua
Cứ đêm tâm tỉnh, sáng ra… động lòng
Cỏ lau thầy vượt biển Đông
Con bơi bơi mãi vẫn không thấu bờ
Gạo tiền cơm áo vật vờ
Thưa thầy, nghỉ, đã tới giờ thọ trai
Ngước lên mắt sáng Phật đài
Xem trong thiên hạ chẳng ai giống mình
Thõng tay vào túi u minh
Con tiêu đến hết đồng chinh cuối cùng
Giấc mơ hóa cội cây tùng
Mở ra công án một vùng cỏ hoa
Con về mượn áo thiền gia
Kính thưa Sư Tổ Đạt Ma Bồ Đề
Bùi Giáng Bốn Mùa
Phạm Thiên Thư 
Ta thấy anh là - con dế điên
Cả mùa xuân - hát giữa thanh thiên
Mùa xuân hoa cỏ vương đầy sách
Anh ném thơ ca - xuống võng thiền
Ta thấy anh là - con dế què
Suốt mùa hạ thẫm - hát im nghe
Anh chưa nhảy khỏi bờ nhân ngã
Lại ném tồn sinh tím vỉa hè.
Ta thấy anh - là dế sương mù
Hát ca ẩm ỉ suốt mùa Thu
Anh mơ hồ cả đêm xòe nguyệt
Vàng cả Kim Cương mở lối tu.
Ta thấy anh là dế nội đồng
Lẫn vào hương cỏ hát mùa Đông
Anh sai ngôn ngữ như phù thủy
Ngôn ngữ đè anh xuống cõi không
Ta với anh – cùng Dế Đá trời
Thượng đế cầm râu ngoáy ngoáy chơi
Chọi với hư vô đầu trụi tóc
Tìm trong đá tảng – cái chơi vơi
Trích “Sổ tang”
LTS: Những trang sau đây được trích từ Sổ Tang viết bởi văn thi hữu, nghệ sĩ các ngành, đại diện cơ sở báo chí, tôn giáo và quần chúng ái mộ đến vĩnh biệt thi sĩ Bùi Giáng tại chùa Vĩnh Nghiêm (Sài Gòn) 
Bùi Giang Bàng Dúi Bùi Giáng
Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không
Lỗ không trời đất ngỡ ngàng
Hóa ra thi thể là ngàn hư vô
Nhớ  thương vô cùng là từ
Là từ vô tận ứ ừ viễn vông
Trịnh Công Sơn 1998
Hành trình của hạt cát
Tặng Bùi Giáng
Ban sơ là hạt cát vùi
Dưới lòng biển cả muôn đời ngủ yên
Rồi một hôm bỗng trồi lên
Bay bay bay mãi tới miền Bộ châu
Thõng tay đánh cuộc bể dâu
Hòa tan thành lệ nhỏ vào thiên thu
Chảy qua sa mạc thâm u
Qua vùng gió xoáy mịt mù tử sinh
Xác trai hồn khách biên đình
Hóa thân làm gã ăn xin cõi đời 
Ngàn năm say ngủ bên đời
Coi như chưa đã một thời viễn du
Báo GIÁC NGỘ số 181  
Tạm Biệt Bùi Giáng
Ra đi từ vô thỉ
Điểm hẹn là vô chung
Ôi! Mệt nhoài cuộc lữ
Này đây, phút tạm dừng
Bích Nhãn Hồ 
Chùa Vĩnh Nghiêm 09.10.1998
Bạn từ trên ấy xuống đây
Bay theo có một nét mây ngang trời
Nay về nắng chẳng còn tươi
Người đi kim cổ sáng hoài dáng ai
Ngũ Hà Miên
Nguyễn Văn Hàm 
Ngõ ban sơ hạnh ngân dài
Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua
                  Bùi Giáng
Tôi nghĩ cái hình ảnh bầm dập của trang tài tử đời nay là anh, quả thật khiến người ta phải cẩn thận coi lại công lực của mình trước khi quyết định dan díu với Cái Đẹp.
Thành kính tưởng niệm  Lê Nguyên Đại  
Bái biệt Bùi Giàng Giáng tiên sinh
Tôi nghe danh rồi quen biết Bùi Giáng tiên sinh từ những năm tôi còn ngồi trên ghế nhà trường. Lúc bấy giờ ông đã rền tiếng trên thi đàn nửa nước Việt.
Về con người văn nghệ Bùi tiên sinh, ai đã hơn một lần đọc thơ ông ắt biết về “thi sĩ trung niên” kiêm họa sĩ chuyên vẽ tranh, làm thơ tặng những nàng thiếu nữ bên bờ cỏ Phi châu và châu chấu, chuồn chuồn… này. 
Bẵng đi một thời gian dài với bao hưng phế. Rồi những năm 80 tôi gặp lại “trung niên thi sĩ” – bây giờ là lão thành thi nhân – dưới mái chùa Già Lam cạnh Xóm Gà, Gia Định, nơi thi sĩ đang ẩn am. Trong lần tái ngộ ấy, bậc thi sĩ đàn anh hân hoan viết vào sổ tay tặng tôi mấy câu thơ chữ Hán và đoạn lục bát:
- “Bỗng nhiên tao ngộ bao giờ?
Quãng Nam cố quận bây giờ là đây
Nghiêng vai chúc tụng thiên tài
Trăm năm dâu bể một ngày phục sinh!”
Viết xong câu thơ thứ tư trên, “trung niên thi sĩ” giựt mình nói nhỏ:“phục sinh”! thôi thì “tái sinh” vậy! 
Rồi thế đấy! Với bao dòng nước chảy qua cầu… và sau này đây “trung niên thi sĩ” của chúng ta sẽ nằm yên trong lòng đất lạnh, nằm an nghỉ để đợi ngày tái sinh (phục sinh) cho chính mình và trong ký ức của những người mến mộ cuộc đời và sự nghiệp văn chương trác tuyệt có một không hai của thi đàn nước Việt. Người có một cái tên bất tuyệt “Bùi Giàng Búi là người ngụ xóm gà Gia Định” như thi sĩ đã tự khai sinh. 
Với “trung niên thi sĩ”, ai cũng nghĩ ằng nhà thơ đã đi đúng nghiệp văn chương, nên ông chẳng bao giờ màng tiếng thị phi. Lúc nào “trung niên thi sĩ” cũng là người trượng phu, vẫn lạc quan yêu đời như phong cách của một thiền sư thi sĩ luôn thấy được bản lai diện mục mình. Với ông, dù lúc đáng bi lụy mà chẳng bao giờ vướng lụy ngay cả khi nhà thơ đang nghĩ về thế giới… bên kia, như ông viết:
“Và mai sau tôi xuống suối vàng vẫn mong rằng các vị… sẽ ban ân huệ mưa móc xum xuê trên nấm mồ mọc cỏ những giọt sương trần gian sẽ giỏ hằng ngày xuống đáy huyệt cô đơn”
Chẳng phải như ông, chúng tôi vốn là những người mang nhiều hệ lụy của một kiếp nhân sinh trần tục nên chân thành khóc thi sĩ: 
“Đời như hiu quạnh nghĩa trang không
Sự thể vùi trong nấm cỏ đồng]
Tro giấy bay thành hồ điệp trắng
Lệ rơi máu đỏ đỗ quyên hồng” 
Trước khi bái tiễn Bùi tiên sinh về cõi thọ, xin mượn câu thơ ông huơ bút năm nào tặng tôi mà tôi mường tượng rằng đây là lời Bùi Giàng Búi đại ca tự tặng mình thì có lẽ đúng hơn: 
“Phương cảo phù du vân cẩm đoạn
Tòng giao sất luyện tả thu quang”
Như văn chương tuyệt thế của ông
Xin bái biệt “trung niên thi sĩ”
Ngã Ba Ông Tạ - tiết mưa dầm
Gia Định 11-10-1998
Nguyễn Q. Thắng
Nhớ người Phụng Hiến
Ngày sẽ hết tôi sẽ không trở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Sẽ đi từ chốn quay về
Hồn du mục, cỏ Nhà Quê ngậm ngùi
Lời sương ý tuyết chia đôi
Đất ngâm ngấm lạnh bên trời mây bay
Sẽ đi từ cuối chân ngày
Từ đêm vô lượng ngón tay vô ngần
Mưa Nguồn, Chớp Bể hòa âm
Ngàn Thu Rớt Hột nẫy nầm chiêm bao
Sẽ đi từ một điệu chào
Khóc cười náo nhiệt, nháo nhào tử sinh
Bài thơ muối mặn rùng  mình
Gừng cay úp mặt tận tình tri âm
Sẽ đi từ một chỗ nằm
Đá vang tiếng ngựa, gió cầm tin loa
Rưng rưng vũ trụ sáng lòa
Hài nhi khép mặt mưa qua ngàn trùng
7/10/1998
Nguyễn Lương Vỵ
Kính viếng
Những dòng thư ngắn
trong kỷ niệm với Bùi quân
Một ngày lập đông, năm Đinh Mão (1987), thi sĩ Bùi Giáng đến quán cà phê đường Bà Lê Chân, Tân Định để gặp và “khoe” với Huy Tưởng một “lá thư” bằng phiên âm chữ Hán của một tiên sinh tự xưng là đang ở tận một nơi xa gọi là “viễn phố”, xa hơn cả nửa vòng trái đất, và gọi Bùi trung niên thi sĩ là cháu. Bức thư vỏn vẹn có mấy dòng nhưng đã bày tỏ được mối tương hệ rất sâu đậm cùng sự thấu cảm nhau một cách tinh tế đầy ẩn mật đối với một thiên tài không sao định nghĩa được (génie indéfinissable) bằng thứ ngôn ngữ tưởng như là “vu vơ”. Nói năng bông lơn mà lại hàm dưỡng một công phu bề thế, bận bịu vô song giữa các vạn vật nhất thể ở khởi nguyên chưa phân ly thì còn hàm hổn nhưng tràn đầy sức sống, như có kẻ luôn tự vấn: làm sao nối lại non xanh và biển rộng giữa cát và bờ? Làm sao chuẩn bị cho một cuộc đối thoại tái hợp nhất thiết phải có giữa Đông và Tây? Làm sao bắt lại nhịp cầu tương giao giữa Thi Ca và Tư Tưởng, hai lãnh vực hoạt động theo quy luật riêng, cách nhau cả vực thẳm, mà lại có mối quan hệ tàng ẩn thắm thiết ở cội nguồn? 
Nay bất chợt tìm thấy trong mớ kỷ niệm hỗn mang mà đầy hứng khởi, những dòng khơi mở ngắn ngủi vô cùng thi vị ấy, không ngăn nỗi phải nhắm mắt “liều lĩnh một phen” chuyển và phóng dịch cho thỏa cơn mộ chữ. 
 Xin rất biết ơn những ai - đó, như trúc có lòng, nở cho nụ cười hoan hỉ.
Huy Tưởng
Viễn phố, 27/11/87
Bùi Tần Thân lão điệt nhã giám!
Nhĩ ký ngã vô lượng thi + thơ, tổng thị tiếu đề diệc vận, nùng đạm tương nghi…
Độc thậm khoái hoạt, như du du tại Hoạn hỉ địa chi gian
Ngô viên tự hữu, vô tâm chi trúc, tự nhĩ lai thời, kiêm hữu trường lử chi nhân, khả phát nhất tiếu, nhiên nhi vu vơ chi vũ mạc đình phóng túng hình hài, ngang tàng tính mệnh, phất vi dã!
Ngã kim tại Viễn phố, sa mạc hồi khan, trùng trùng tâm cảnh. Triêu chỉ kiến thiền vu, mộ hồ sơn ứng mộng.
Hàm tình vô phiến, ký nhĩ Hô-đơ-gây* phiêu bồng di ảnh cộng sổ hàng ẩn ngữ ninh vi phỉ thuý lục ngạn hành từ.
(Nguyên tác bằng chữ Hán – bút tự của BG – Rất tiếc những đoạn trích trong Sổ Tang này được chuyển từ trong nước qua đường email, người gửi không có máy scan, nên buộc phải âm ra chữ Việt) 
Dịch: 
Viễn phố, 27/11/87
Gửi Bùi lão điệt vô cùng thân thiết!
Cháu gửi ta thi thơ vô lượng, khóc cười ứng hợp, đậm nhạt hài hòa. Đọc rất hứng thú, như lảng đãng trong vùng hoan hỉ.
Vườn ta như trúc có lòng, từ khi cháu đến, nay có người dặm dà rong ruổi, nở được một đóa cười. Nhưng mưa vu vơ chẳng tạnh, phóng túng hình hài, ngang tàng tính mệnh không làm đâu!
   Nay ta đang ở bến xa, trông về sa mạc, tâm cảnh chất chồng. Sáng chỉ thấy Thiền Vu, chiều chiêm bao bờ núi. Tình chan chứa lặng thinh không nói một lời!
Gởi cháu di ảnh “Heidegei”* phiêu bồng, cùng bao la ẩn ngữ thà làm phim phỉ thuý thơ thẩn bờ xanh.
*Hơ-đơ-gây (nói lái của Martin Hiedegger)
Vĩnh biệt anh Bùi Giáng
Bùi huynh! Trung Phước đợi anh về
Đồi cũ mong người thuở “giữ dê”
Giọt giọt “mưa nguồn” rơi chằng ngớt
Sài Gòn xa vọng tiếng mưa quê!
Tường Linh
(Trung Phước)
Thấp cao nào thuộc về chân cẳng
Có trèo lên mấy chục tầng lầu
Và nằm phục xuống như con rắn
Núi đời thành thị vẫn nương dâu
Thấp cao vậy chắc là trồi sụt
Trồi quỉ ma và sụt thánh hiền
Cái gì ở ranh cao thấp
Một ÔNG BÙI giáng giữa thanh thiên!
Bùi Chí Vinh
“Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”
Đã chơi thì mặc xác luân hồi
Phạm Thiên Thư 
Hơn bảy mươi năm lạc cõi đời
Chỉ là chớp mắt một trò chơi
Có không không có ông hằng rõ
Sinh tử hề chi chuyện nhỏ thôi 
Nguyễn Đăng Trình
Thoắt nhanh một trận say dài
Tóc bay trắng thác đổ ngoài hư không
Vĩnh biệt anh
Nguyễn Thụy Kha   
Con kính viếng hương hồn của thầy
“Cổ kim hậu sự thiên nan vấn
Nghe một lần vĩnh viễn gặp hư không” (BG)
Con, người học trò thơ của thầy
Trần Tuấn Kiệt
Hợp Lưu
Theo http://www.tuvienquangduc.com.au/tho/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...