Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Dân ca dân nhạc Việt Nam - Dân ca Nùng

Dân ca dân nhạc Việt Nam - Dân ca Nùng
Dân tộc Nùng (các nhóm địa phương: Nùng Xuồng, Nùng Giang, Nùng An, Nùng Lòi, Nùng Phàn Sình, Nùng Cháo, Nùng Inh, Nùng Quy Rịn, Nùng Dín) thuộc nhóm ngôn ngữ Tày-Thái của hệ ngôn ngữ Thái-Kadai sống tập trung ở các tỉnh đông bắc Bắc Bộ như Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang v.v (chiếm tới 84%). Hiện tại, một lượng lớn đã di cư vào các tỉnh Tây Nguyên (11 %), chủ yếu tại Đắk Lắk. Người Nùng có quan hệ gần gũi với người Tày và người Choang (Zhuang) sống dọc biên giới với Trung Hoa. Tại Trung Hoa, người Nùng cùng với người Tày được xếp chung vào dân tộc Choang.
Nguồn gốc tộc Nùng ở Việt Nam
Người Tráng hay người Choang (Chữ Tráng Chuẩn:Bouxcuengh, /pou˦˨ ɕueŋ˧/; Chữ Nôm Tráng: 佈壯 bính âm:Bùzhuàng; Chữ Hán giản thể: 壮族, phồn thể: 壯族, bính âm:Zhuàngzú; Chữ Thái: ผู้จ้วง, (Phu Chuang) là một nhóm dân tộc sống chủ yếu ở khu tự trị Quảng Tây phía nam Trung Hoa. Ngoài ra một số sống ở các tỉnh Vân Nam, Quảng Đông, Quý Châu và Hồ Nam. Họ được xếp vào một trong số 55 dân tộc thiểu số được Trung Hoa chính thức công nhận. NgườiTráng hiện nay là dân tộc thiểu số lớn nhất Trung Hoa.
Các ghi nhận lịch sử sớm nhất về người Tráng được khám phá cho đến nay là Bích họa Hoa Sơn (花山壁画), có từ thời chiến quốc (475–221 TCN).
Có rất ít các ghi chép tiếng Hán trước khi người Hán xâm nhập vào khu vực người Tráng, sự ám chỉ đơn giản đến vùng đất phía nam sông Trường Giang là “Bách Việt” (百越). Những cuộc xâm lấn phương nam của Tần Thủy Hoàng được trình bày trong sử ký của Tư Mã Thiên. Cuộc tấn công lúc đầu vào vùng Lĩnh Nam đã tỏ ra thảm bại, với sự thất bại của tướng Đồ Thư trong trận đánh năm 218 TCN, nhưng công binh của ông, Sử Lộc đã hoàn thành việc xây dựng kênh Linh nối liền hai con sông Tương Giang và Ly Giang. Năm 214, Triệu Đà và Nhâm Ngao quay trở lại và bình định tộc người Tây Âu, khai phá Quảng Tây và phía nam với sự nhập cư của hàng trăm nghìn người Hán.
Một thập kỷ sau sự sụp đổ của Nhà Tần, Triệu Đà sử dụng vị trí của mình với tư cách là Quận úy Quận Nam Hải, lập nướcNam Việt và đặt thủ đô ở Phiên Ngung. Với giải pháp quy thuận và độc lập khỏi sự kiểm soát của Nhà Hán, vương quốc này đã mở rộng sự thực dân và Hán hóa bằng chính sách “Hòa hợp Bách Việt” (和集百越) cho đến năm 211 TCN nhưng không được sự ủng hộ của người Tráng.
Bản đồ phân bố tỷ lệ phần trăm người Tráng tại Quảng Tây, châu tự trị Tráng-Miêu Văn Sơn (Vân Nam) và huyện tự trị Tráng-Dao Liên Sơn (Quảng Đông).
Nhà Hán đã giảm bớt quyền lực địa phương và lập các căn cứ quân sự ở Quế Lâm, Ngô Châu, và Ngọc Lâm. Cuộc nổi dậy ở Giao Chỉ do Hai Bà Trưng lãnh đạo bị tướng Mã Viện đàn áp năm 42, Mã Viện được ghi nhận với tư cách giúp bình định những vùng này bằng việc cải thiện hệ thống tưới tiêu và nhiều điều luật Hán. Cuộc di cư của Người Dao từ vùng gần Trường Sa, Hồ Nam tới Quảng Tây ngày nay đã làm đảo lộn khu vực này.
Dưới thời Đường, người Tráng chuyển sang ủng hộ vương quốc Thái là Nam Chiếu ở Vân Nam, nước này đã đẩy lui hai cuộc tấn công của quân Đường năm 751 và 754. Quảng Tây khi ấy được chia thành hai vùng: một là vùng thuộc thế lực của người Tráng phía tây Nam Ninh và một là vùng thế lực của người Hán phía đông Nam Ninh.
Sau khi Nam Chiếu sụp đổ, Lưu Nghiễm thành lập nước Nam Hán. Nước này hầu như không thể kiểm soát được người Tráng, sau đó Nam Hán bị Tống đánh chiếm và sát nhập năm 971.
Bị quấy rối bởi cả Tống lẫn Đại Cồ Việt, lãnh đạo Tráng tộc là Nông (Nùng) Trí Cao (智高) đã chỉ huy cuộc nổi dậy năm 1052, vì điều đó mà ông vẫn được người Tráng tưởng nhớ. Họ Nông được ghi chép lại trong Tống Sử là giàu có về vàng, đông đúc về dân số “để tóc dài, cài áo sang phía trái. Chúng thích chiến đấu và xem nhẹ cái chết”. Quân Nông càn quét sang phía tây, chiếm Nam Ninh, bao vây Quảng Châu 57 ngày, và giết các chỉ huy của năm đội quân Trung Hoa được cử đi đánh họ. Cuối cùng họ bị đánh bại và nhiều thủ lĩnh bị giết. Các dòng họ không tham gia vào cuộc nổi dậy tham vọng này trở thành mục tiêu đồng hóa của Trung Hoa. Một số tàn quân nổi dậy tẩu tán về quê cũ nơi họ bắt đầu cuộc khởi nghĩa. Một số khác lẩn sâu vào vùng đồi núi. Các bộ tộc mang họ Nông và tự nhận là con cháu của quân nổi dậy định cư quanh vùng biên giới giữa Việt Nam-Quảng Tây-Vân Nam. Một bộ phận khác vẫn mang họ Nông và ghi nhớ cuộc nổi dậy qua các câu chuyện truyền miệng sinh sống ở Sipsongpanna, Lanna (miền bắc Thái Lan), và Dehong.
Người Tráng ở Trung Quốc cũng chính là người Nùng và người Tày ở Việt Nam.
Bản đồ phân bố ngữ hệ Tai-Kadai: ‘Vàng’ Tai Bắc-Tráng Bắc cộng Bố Y – ‘Đỏ’ Tai Trung Tâm-Tráng Nam – ‘Cam’ Tai Tây Nam + Các ngôn ngữ Thái.
Nùng Trí Cao tức Nông Trí Cao, thủ lĩnh người Nùng ở châu Quảng Nguyên xưa thời Lý nay là Cao Bằng, là người lập ra nước Nam Thiên Quốc sau đổi là Nam Việt rồi bị nhà Tống diệt. Lo sợ bị nhà Tống trả thù, nhiều người Nùng chạy sang Ðại Việt lánh nạn và định cư luôn tại miền thượng du các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Người Kinh gọi các nhóm này là người Thổ (người địa phương), trong khi họ tự nhận là người Thái. Với thời gian, các nhóm này đổi tên thành người Thày (đọc trại từ chữ Thái) rồi Tày để phân biệt với các nhóm người Thái đã có mặt từ trước và cũng để phân biệt với người Nùng, cùng hệ ngôn ngữ, còn sinh trú ở Quảng Tây và Quảng Ðông. Từ thế kỷ 13, các nhóm Nùng không chịu nổi chính sách phân biệt đối xử của nhà Nguyên (Mông Cổ), sau đó là nhà Minh (Hán) và nhà Thanh (Mãn Châu), đã từng đợt di cư vào Việt Nam, hội nhập với các nhóm Tày và Thái cùng hệ ngôn ngữ đã có mặt từ trước, họ vẫn giữ tên gọi riêng là Nùng.
Trong thực tế, các nhóm Tày, Nùng và Thái tại Việt Nam chỉ khác nhau chút ít về cách ăn mặc và cách xây dựng nhà cửa, về văn hóa thì hoàn toàn giống nhau. Cộng đồng người Tày, Nùng hay Thái được các triều đình Việt Nam dành cho qui chế tự trị để tranh thủ sự ủng hộ, chính sách này có tên “kềm cương phụ đạo”, nghĩa là tranh thủ cảm tình các vị thủ lãnh vì những người này có uy tín lớn trong cộng đồng của họ.
Hình vẽ Nùng Trí Cao.
Nùng Trí Cao (chữ Hán: 儂智高; chữ Tráng: Nungz Cigaoh, 1025-1055) là thủ lĩnh địa phương ở Cao Bằng, lãnh đạo một phong trào tự trị của người Tày-Nùng ở vùng biên cương giữa Đại Việt và nhà Tống giữa thế kỷ 11, thời vua Lý Thái Tông và Tống Nhân Tông.
Nùng Trí Cao là người Tráng ở châu Quảng Nguyên (ngày nay là tỉnh Cao Bằng), và là con của thủ lĩnh địa phương Nùng Tồn Phúc và bà A Nùng.
Năm 1038, Nùng Tồn Phúc nổi dậy ở phía bắc nước Đại Việt, tự xưng là Chiêu Thành hoàng đế, đặt quốc hiệu là Trường Sinh quốc rồi đem quân đi đánh phá các nơi.
Tháng 2 năm 1039, vua Lý Thái Tông thân chinh đi đánh Phúc. Phúc đốt sào huyệt rồi cùng vợ con chạy vào núi trốn. Vua cho quân đuổi theo, bắt được Phúc và con là Thông đem về Thăng Long, rồi sai quân san phẳng thành hào, chiêu dụ tộc loại còn sống sót, vỗ về yên ủi rồi rút quân.
Tháng 3 năm 1039, vua chém Phúc và Thông ngoài chợ. Vợ Phúc là A Nùng cùng Nùng Trí Cao tập hợp lực lượng để trả thủ.
Năm 1041, Nùng Trí Cao cùng mẹ là A Nùng tập hợp lực lượng trở về lấy châu Thảng Do (gần châu Quảng Nguyên) lập ra một nước gọi là nước Đại Lịch (大曆). Lý Thái Tông sai tướng lên đánh, bắt được đem về Thăng Long. Nhưng vua nghĩ trước đã giết cha và anh, nay thương tình không giết, tha cho về và lại phong cho làm Quảng Nguyên mục. Sau đó Nùng Trí Cao vào triều yết kiến, được vua Thái Tông gia phong cho tước Thái bảo.
Năm 1048, Trí Cao lại nổi dậy, chiếm giữ động Vật Ác (phía tây Cao Bằng). Lý Thái Tông sai Quách Thịnh Dật đi đánh, Trí Cao lại đầu hàng. Tuy nhiên, theo giai thoại của người Tày – Thái địa phương, khi quân Lý tới nơi, ông nói với Quách Thịnh Dật đừng tiến quân, ông sẽ không gây hấn với nhà Lý nữa mà sẽ tiến sang phương Bắc.
Năm 1052, Nùng Trí Cao lại nổi dậy lần nữa, tự xưng là Nhân Huệ hoàng đế (仁惠皇帝), đặt quốc hiệu là Đại Nam. Để tăng thêm thanh thế, ông xin phụ thuộc vào Trung Quốc, hoàng đế Nhân Tông nhà Tống không cho. Trí Cao bèn đem quân sang đánh Trung Quốc. Được sự hậu thuẫn của các thủ lĩnh người Thái – Tày ở Quảng Tây là Nùng Trí Trung, Nùng Kiến Hậu, thanh thế Trí Cao càng thêm lớn mạnh. Ông đánh lấy Ung châu, rồi sau đó chiếm cả thảy được 8 châu ở đất Quảng Đông và Quảng Tây, bao gồm: Hoành châu, Quý châu, Cung châu, Tầm châu, Đằng châu, Ngô châu, Khang châu, Đoan châu.
Ảnh vẽ Vua Tống Nhân Tông (Renzong).
Nhà Tống lo sợ. Lý Thái Tông dâng biểu sang Trung Quốc xin mang quân phối hợp đánh Nùng Trí Cao. Khi quân Đại Cồ Việt sắp vào biên giới, tướng nhà Tống là Địch Thanh (狄青) can Tống Nhân Tông rằng: “Có một Nùng Trí Cao mà đất Lưỡng Quảng không khống chế được, lại phải nhờ quân ngoại quốc vào đánh giúp. Nếu có ai nhân đó mà nổi loạn, thì làm thế nào?” Vua Tống nghe lời bèn sai các tướng Dư Tĩnh và Tôn Miện đi đánh Nùng Trí Cao và sai sứ nói với Lý Thái Tông rằng không cần quân Lý giúp. Dư Tĩnh đánh mãi không được, nhà Tống lấy làm lo.
Nhân khi Trí Cao dâng biểu xin lĩnh chức Tiết độ sứ Ung châu và Quý châu, vua nhà Tống đã toan thuận cho, Địch Thanh lại can không nên chấp thuận và xin đem quân đi đánh.
Đầu năm 1053, Địch Thanh ra hợp quân với Dư Tĩnh và Tôn Miện đóng ở Tân châu (Liễu châu tỉnh Quảng Tây) rồi hội các tướng lại cấm không cho ra đánh nhau với Trí Cao. Bấy giờ có quan Kiềm hạt tỉnh Quảng Tây là Trần Thự trái tướng lệnh đem quân đi đánh bị thua, Địch Thanh đem chém đi, rồi lệnh cho quân nghỉ 10 ngày. Quân đi thám biết chuyện về báo Trí Cao biết. Trí Cao tưởng là quân nhà Tống không dám đánh, bèn không phòng giữ. Địch Thanh đem quân đến cửa Côn Lôn (gần phủ Nam Ninh) đánh Nùng Trí Cao. Lúc đang đánh nhau, Địch Thanh đem quân kỵ đánh hai bên tả hữu áp lại, quân của Trí Cao tan vỡ, tướng dưới quyền là Hoàng Sư Mật 57 người tử trận[1]. Quân Tống đuổi theo giết hơn 2.200 quân của Trí Cao. Ông đốt thành bỏ chạy.
Tháng 10 năm 1053, Trí Cao sai thủ hạ là Lương Châu đến cầu cứu Đại Cồ Việt. Lý Thái Tông sai chỉ huy sứ Vũ Nhị đi tiếp ứng cho Trí Cao. Nhưng quân Lý chưa tới nơi thì Trí Cao lại bị Địch Thanh đánh bại, phải chạy trốn sang nước Đại Lý. Quân Lý rút về.
Năm 1055, thời vua Lý Thánh Tông ở Đại Việt, đô giám nhà Tống là Tiêu Chú lại theo đường Đặc Ma (Vân Nam) đánh úp, bắt được mẹ Trí Cao là A Nùng, em Trí Cao là Trí Quang, con là Kế Phong. Quân Tống lại mộ những người cảm tử vào đất Đại Lý để lùng tìm Trí Cao.
Quân cảm tử chưa tới thì người nước Đại Lý ngại gây hấn với nhà Tống đã bắt Nùng Trí Cao chém chết, mang đầu đem nộp nhà Tống. Nhà Tống giết luôn gia quyến của Trí Cao.
Hiện nay còn di tích thành Nà Lữ, nơi ông đóng quân, ở gần thị xã Cao Bằng. Đền Khâu Sầm (Kỳ Sầm) đại vương thờ Nùng Trí Cao vẫn còn ở Cao Bằng, lễ hội đền Khâu Sầm vẫn được tổ chức hằng năm vào ngày 10 tháng giêng.
Tượng vua Lý Thái Tông.
Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Nùng ở Việt Nam có dân số 968.800 người, là dân tộc có dân số đứng thứ 7 tại Việt Nam, có mặt trên tất cả 63 tỉnh, thành phố. Người Nùng cư trú tập trung tại các tỉnh: Lạng Sơn(314.295 người, chiếm 42,9% dân số toàn tỉnh và 32,4% tổng số người Nùng tại Việt Nam), Cao Bằng (157.607 người, chiếm 31,1% dân số toàn tỉnh và 16,3% tổng số người Nùng tại Việt Nam), Bắc Giang (76.354 người), Đắk Lắk(71.461 người), Hà Giang (71.338 người), Thái Nguyên (63.816 người), Bắc Kạn (27.505 người), Đắk Nông (27.333 người), Lào Cai (25.591 người), Lâm Đồng (24.526 người), Bình Phước (23.198 người).
Người Nùng dùng chữ Hán hay chữ Nôm Nùng (được phát triển khoảng thế kỷ 17) để ghi chép thơ ca và truyện cổ dân gian.
Người Nùng thờ cúng tổ tiên trong nhà. Bàn thờ tổ tiên có bài vị, lư hương và được đặt vào nơi trang trọng nhất. Ngoài ra, mỗi nhà còn thờ bà mụ Mẹ Hoa (Thần bảo hộ trẻ nhỏ), mẹ cửa (thần trông nhà). Vào những ngày đầu tháng, ngày rằm họ thường đốt hương. Ngày lễ, tết có cúng chè, rượu và các món ăn. Người Nùng cúng ma sàn (pi thang sàn) và các cô hồn đầu ngõ vào dịp tết nguyên đán. Những gia đình cùng một dòng họ thì cùng chung một miếu thờ thổ công, thổ địa. Cácthầy tào, thầy mo theo ý tưởng từ xưa họ có khả năng tiếp xúc với các loại ma thần nên được gọi là “cân thả hụng” (người mắt sáng). Họ hành nghề cúng bái, cầu sự tốt lành cho người dân. Vì thế họ được mọi người kính nể.
Nguồn sống chính của người Nùng là lúa và ngô. Họ kết hợp làm ruộng nước ở các vùng khe dọc với trồng lúa cạn trên các sườn đồi. Người Nùng còn trồng nhiều cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm như quýt, hồng… Hồi là cây quý nhất của người Nùng, hàng năm mang lại nguồn lợi đáng kể. Các ngành nghề thủ công đã phát triển, phổ biến nhất là nghề dệt, tiếp đến là nghề mộc, đan lát và nghề rèn, nghề gốm.
Người Nùng thường ở nhà sàn và nhà nửa sàn nửa đất, trong đó nhà sàn là kiểu nhà truyền thống ưa thích của họ. Nhà thường khá to, rộng, có ba gian, vách thường bằng gỗ và lợp ngói máng. Nhà đất hiện nay là hiện tượng khá phổ biến ở vùng người Nùng.
Nhà của người Tày – Nùng có những đặc trưng riêng không giống các cư dân khác trong cùng nhóm ngôn ngữ Tày-Thái. Bộ khung nhà Tày-Nùng cũng được hình thành trên cơ sở các kiểu vì kèo. Có nhiều kiểu vì kèo khác nhau, nhưng chủ yếu là bắt nguồn từ kiểu vì kèo – ba cột. Để mở rộng lòng nhà người ta thêm một hoặc hai cột vào hai bếp vì kèo ba cột để trở thành vì kèo năm hoặc bảy cột. Song không có vì kèo nào vượt quá được bảy cột.
Nói đến nhà Tày-Nùng có lẽ không nên bỏ qua một loại hình nhà khá đặc biệt, đó là “nhà phòng thủ”. Thường là có sự kết hợp gữa nhà đất và nhà sàn (đúng hơn là nhà tầng). Tường xây gạch hoặc trình rất dày (40–60 cm) để chống đạn. Trên tường còn được đục nhiều lỗ châu mai. Có nhà còn có lô cốt chiến đấu. Loại nhà này chỉ có ở Lạng Sơn gần biên giới phía bắc để phòng chống trộm cướp.
Trong gia đình, quan hệ giữa cha chồng, anh chồng với nàng dâu có sự cách biệt nghiêm ngặt. Theo phong tục Nùng, dù là con anh, con em, con chị… ai nhiều tuổi hơn được gọi là anh, là chị. Người Nùng có thói quen ít khi gọi thăng tên người ông, người cha mà thường gọi theo tên của đứa cháu đầu, con đầu của họ. Khi đặt tên con phải tuân theo hệ thống tên đệm của dòng họ.
Triệu Thị Hà, dân tộc Nùng, tỉnh Cao Bằng, 
trong cuộc thi Hoa Hậu Dân Tộc năm 2011

Triệu Thị Hà, dân tộc Nùng, tỉnh Cao Bằng, 
đăng quang Hoa Hậu 2011
Việc dựng vợ, gả chồng do bố mẹ quyết định trên cơ sở môn đăng hộ đối giữa hai gia đình sự ưng thuận của con cái và lá số của đôi nam nữ… Sau ngày cưới cô dâu chưa ở hẳn bên nhà chồng, mà chỉ có mặt khi nhà chồng có công việc bận rộn, lễ tết. Và phải có người sang đón nàng dâu về nhà chồng giúp việc. Tình trạng này kéo dài cho đến lúc sắp có con. Người phụ nữ khi đã đi lấy chồng xem như hoàn toàn phụ thuộc nhà chồng. Nếu ly dị, đi lấy người khác thì phải trả lại tiền cưới, để lại của cải hồi môn và con cái…
Nam, nữ đến tuổi trưởng thành đều bịt một chiếc răng bằng vàng ở hàm trên và như thế được xem là làm đẹp, là người sang trọng. Phụ nữ mặc áo năm thân và cài một hàng cúc bằng nút vải phía bên nách phải. Tùy từng nhóm Nùng địa phương mà áo dài, ngắn, rộng, hẹp khác nhau, nhưng ở đoạn cổ tay và lá sen bao giờ cũng đắp một miếng vải và bốn túi áo không có nắp. Nam, nữ đều mặc một loại quần nhuộm màu chàm, cạp to, ống rộng, dài tới tận mắt cá chân. Phụ nữ Nùng thường đeo tạp dề trước bụng, khi gồng gánh còn mang thêm miếng nệm vai. Điểm khác nhau giữa các nhóm, một trong những biểu hiện là cách đội khăn và các loại khăn trang trí khác nhau đôi chút. Người Nùng có 13 nhánh và mỗi nhánh lại có ngôn ngữ cũng như trang phục khác nhau (Nên rất khó để xác định một trang phục nào là trang phục chuẩn cho người Nùng.
Người Nùng ăn cơm tẻ là chủ yếu. Món ăn độc đáo và được coi trọng như sang trọng của người Nùng là “Khau nhục”. Tục mời nhau uống rượu chéo chén có lịch sử từ lâu đời, nay đã thành tập quán của người Nùng.
Lễ hội nổi tiếng thu hút được nhiều người, nhiều lứa tuổi khác nhau là hội “Lùng tùng” (“Lồng tồng” còn có nghĩa là hội “Xuống đồng”) được tổ chức vào tháng giêng hàng năm.
Hát Sli
Tộc Nùng có nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, được thể hiện qua nhiều mặt của đời sống văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần, và qua các quan hệ xã hội… Họ có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và có nhiều làn điệu dân ca đầy màu sắc.
Tiếng Sli giao duyên của thanh niên Nùng Lạng Sơn hòa quyện vào âm thanh tự nhiên của núi rừng gây ấn tượng sâu sắc cho những ai đã một lần lên xứ Lạng. Người Nùng thường Sli với nhau trong những ngày hội, ngày lễ, ngày chợ phiên, thậm chí ngay trên tàu, trên xe.
Hát Soong Hao được tiến hành chủ yếu vào mùa xuân, từ những phiên chợ đầu năm đến những phiên chợ cuối cùng của tháng ba âm lịch. Hát Soong Hao ở Lục Ngạn đông vui nhất vào những ngày mùng tám. Then là làn điệu dân ca tổng hợp có lời, có nhạc, có kiểu trang trí, có hình thức biểu diễn đã làm rạo rực tâm hồn bao chàng trai Nùng khi ở xa quê hương.
Dưới đây mình có các bài:
– Cuộc Đấu Tranh Chống Bắc Thuộc Đầu Tiên Của Người Tày-Thái (Đây là một bài có những móc nối thời gian lịch sử & sự kiện liên hệ của các dân tộc hay nhất xưa nay mà mình biết. Bài này mình tìm thấy trong kho “Tài nguyên số” trên trang web “Đại Học Quốc Gia Hà Nội”. Tuy vậy, bài này có hai vấn đề: (1) Trên internet hoàn toàn không có thông tin gì về tác giả Vương Hùng. (2) Bài này không có một ghi chú nào chỉ dẫn nguồn tài liệu nào cho mỗi dữ kiện lịch sử mà tác giả nêu ra)
– Dân ca Nùng – những nét độc đáo
– Các hình thức sinh hoạt âm nhạc dân gian dân tộc Nùng
– Troong – Nhạc cụ họ màng rung của người Nùng – Lạng Sơn
– Hát Sli Giang – Nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Nùng.
– Tiếng hát Soong hao của người Nùng Phàn Xình
– Lễ hội cầu mùa của đồng bào Nùng, Lạng Sơn
– Lễ cúng Thần rừng của người Nùng ở Hà Giang
– Lễ khao tổ của người Nùng, Bắc Giang
– Phong tục rửa bàn thờ đón giao thừa của người Nùng, Cao Bằng
– Độc đáo phong tục “Trọng vợ” trong Ngày Tết của người Nùng ở Lào Cai
– Trang phục dân tộc Nùng
– Nét văn hóa dân tộc Nùng Phúc Sen
Cùng với 20 clips tổng thể văn hóa của dân tộc Nùng/Tráng/Choang, một trong 54 dân tộc nước Việt để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.
Mời các bạn.
Túy Phượng
(Theo Wikipedia)
Người Nùng ở Việt Nam
Văn hóa đặc sắc của người Nùng An ở Pác Rằng
Lễ Hội Quảng Uyên – Dân tộc Tày-Nùng
Lễ cấp sắc của người Tày – Nùng
Lễ Hội Chọi Bò Của Dân Tộc Nùng 
Ở Xã Mã Ba-Hà Quảng-Cao Bằng
Tết Thanh Minh Của dân tộc Tày, Nùng
Hát Then, Tày- Choang (Zhuang)
Quảng Tây, Trung Hoa
Hát Then, Tày- Choang (Zhuang) 
Quảng Tây, Trung Hoa
Múa truyền thống dân tộc Choang (Zhuang)
Múa dân tộc Choang (Zhuang)
Dân ca Choang (Zhuang)
Dân ca Nùng/Choang (Zhuang)
Dân ca Nùng/Choang (Zhuang)
Múa Sư Tử của người 
Nùng Phàn Slình thôn Nà Sla
Múa Lân trong lễ hội Lồng tồng 
của người Nùng ở Bình Gia – Lạng sơn
Hát Sli Soong Hao – Dân tộc Nùng
Hát Sli – Bac Soi Cham
Hát Soong Hao – xã Tân Hoa – 1
Hát Soong Hao – xã Tân Hoa – 2
Hát Soong Hao – xã Tân Hoa – 3
Hát Then – dân tộc Nùng
Theo http://dotchuoinon.com/







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...