Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc đầu tiên của người Tày - Thái

Cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc 
đầu tiên của người Tày - Thái
Theo chính sử Trung Quốc, các dân tộc cư trú ở phía nam Trường Giang được gọi bằng tên chung là Bách Việt. Bách Việt sau tách rõ hơn chỉ các khu vực khác nhau: Đông Việt (Triết Giang), Mân Việt (Phúc Kiến), Dương Việt (Giang Tây), Nam Việt (Quảng Đông), Âu Việt (Quảng Tây), Lạc Việt (bắc Việt Nam).
Âu Việt hoặc Tây Âu, Tây Vu là đất cổ người Tày – Thái, Lạc Việt là đất cổ người Việt – Mường. Hai tộc Việt này sống gần kề, mối giao hòa có từ lâu.
Sử ta chép rằng: Thời Hồng Bàng thị – Kinh Dương Vương từ hồ Động Đình (nay thuộc Hồ Nam – Trung Quốc) xuống cai quản phương nam. Con Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân lấy Âu Cơ mà thành tổ chung của dân tộc ta. Đó là ghi chép theo tục truyền; suy ra Lạc Long Quân tiêu biểu tộc Lạc Việt, Âu Cơ tiêu biểu tộc Âu Việt, giao hòa với nhau.
Kể từ đó, cha truyền con nối, các vua Hùng tiếp nhau làm vua nước Văn Lang. Đến đời Hùng Vương 18, vua không có con trai. Các lạc tướng, lạc hầu bất đồng với nhau về người kế vị, bèn đồng thuận ủng hộ Thục Phán (thuộc Âu Việt) lên làm vua.
Thục Phán dùng tên hai cộng đồng tộc Việt = Âu Việt và Lạc Việt đặt thành tên nước Âu Lạc (257 – 208 TCN).
Thời Thục Phán, nhà nước Âu Lạc đã có cuộc chiến quy mô rộng chống lại sự bành trướng của phương Bắc, chiến sự diễn ra trên đất Âu Việt.
Tần Vương Chính – tức Tần Thủy Hoàng sau khi hoàn thành thống nhất Trung Hoa, bắt những người trốn tránh, người ở rể, người đi buôn (tức là những tội phạm, những người không có ruộng đất) cả thẩy 50 vạn người, năm 214 TCN, giao cho tướng Đồ Thư chinh phục phương Nam. Đoàn quân này theo dòng Tây Giang, xâm lấn đất Nam Việt (Quảng Đông), Âu Việt (Quảng Tây). Quân Tần tràn đến đâu, tàn sát hết trai tráng địa phương, hiếp đoạt phụ nữ, chiếm nhà cửa ruộng đất, lập thành hương quận trực thuộc Thiên triều, đồng hóa tức khắc các dân tộc bản địa theo phong tục phương Bắc.
Tình thế buộc Âu Lạc phải kiên quyết chống lại. Dưới sự chỉ huy của Thục Phán, tổ chức du kích, ngăn bước tiến quân Tần.
Sách Hoài Nam tử viết: “Những người Âu Việt lánh vào rừng để ban đêm ra đánh, đại phá được quân Tần. Họ áp dụng chiến thuật giáp binh, đòi hỏi lòng dũng cảm, đồng loạt nhanh chóng tiếp cận đối phương và sử dụng thành thạo vũ khí trong tay”.
Tuy nhiên, trước đội quân xâm lược hơn hẳn về quân số, trình độ tổ chức và vũ khí, người Âu Việt không thể bảo toàn đất đai, phải lui dần về thượng nguồn. Những chi lớn của Tây Giang, thuận tiện đường thủy: Tầm Giang, Uất Giang, Ung Giang, Hồng Thủy Hà, Hữu Giang… lần lượt bị các lâu thuyền của địch chiếm cứ. Quân Thục Phán lui về giữ được Bằng Giang, Kỳ Cùng thượng nguồn của Tả Giang. Năm 209 TCN, Tần Thủy Hoàng chết, cuộc Nam chinh bị bỏ dở, nhà nước Âu Lạc vẫn đứng vững.
Thục Phán kiên quyết dũng cảm trong chiến đấu, song lại ngờ nghệch cả tin nên mắc mưu xảo trá của Triệu Đà.
Triệu Đà, vốn người huyện Chân Định, nước Hán (nay là huyện Chính Định tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) một tướng trẻ trong đội quân Nam chinh của nhà Tần. Nhân nhà Tần sụp đổ, nhà Hán lên thay. Triệu Đà liền khoanh vùng đất phương nam vừa chiếm được, thành lập nước Nam Việt, tuyên bố không thần phục nhà Hán. Ông ta lấy vợ người địa phương, sinh hoạt theo phong tục địa phương, tự xưng là “Man di trưởng lão”. Vì những đàn ông trưởng thành ở đây đã bị tàn sát trong cuộc chiến, dân của ông ta đều là những trẻ mới lớn, nên được gọi là đồng tộc (quan thoại đọc là tóng, bạch thoại đọc thồng), người địa phương gọi trại thành nồng hoặc nùng. Sau này người ta nói đấy là chữ Choang viết theo cổ tự.
Như vậy thời đó hình thành hai nước Việt. Nước Âu Lạc Việt của Thục Phán và nước Nam Việt của Triệu Đà.
Thục Phán chống xâm lăng phương Bắc, nay thấy ông láng giềng mình tuyên bố chống Hán, ngỡ rằng hai nước Việt có thể liên minh kết bạn, nên mới gả con gái yêu của mình cho con trai Triệu Đà để thành thông gia. Ngờ đâu Triệu Đà trở mặt tiêu diệt Thục Phán. Âu Lạc bị Nam Việt thôn tính.
(Sự nhầm lẫn này không riêng Thục Phán, các sử gia nước ta tới thời cận đại vẫn mắc).
Sau khi Thục Phán mất. Năm 111 TCN, Tây Vu Vương dòng dõi An Dương Vương Thục Phán đã nổi dậy khởi nghĩa chống ách đô hộ nhà Triệu. Đây là cuộc khởi nghĩa được ghi ở dòng đầu cuốn Almanach – Những sự kiện lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, H.1999), chương 2: Những cuộc khởi nghĩa.
Tây Vu Vương dịch xuôi sát nghĩa là Pùa Pựt Tày – vua Pựt Tày.
Cuộc khởi nghĩa này sớm hơn cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng tròn 150 năm (40 – 43). Như vậy đây là cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc sớm nhất của người Tày – Thái được ghi trên sử sách. Thời đó nước Âu Lạc bị chia thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân thuộc quyền cai trị của Triệu Vũ Vương; để rồi 97 năm sau mới thuộc về nhà Tây Hán.
THỜI KỲ PHONG KIẾN TỪ THẾ KỶ X ĐẾN XVII – SỰ KIỆN NÙNG TRÍ CAO
Nùng Trí Cao là một nhân vật lịch sử sống vào nửa đầu thế kỉ XI. Theo Đại Việt sử kí toàn thư, Trí Cao là con Nùng Tồn Phúc, thủ lĩnh châu Quảng Nguyên. Quảng Nguyên thời đó ở giữa lưu vực Bằng Giang, tức đất các huyện Hoà An, Hà Quảng, Thông Nông, Nguyên Bình, Thạch An, Quảng Uyên, Phục Hoà của tỉnh Cao Bằng hiện nay.
Năm 1039, hoàng đế Lý Thái Tông nghe tin báo Tồn Phúc tiếm hiệu xưng vương, bèn thân chinh cầm quân lên bắt. Gia đình Tồn Phúc 5 người bị đem chém ở chợ kinh đô.
Nùng Trí Cao và mẹ là A Nùng trốn thoát. Năm sau, 1040, mẹ con quay trở lại giữ châu Quảng Nguyên. Vua sai tướng lên dẹp bắt sống Trí Cao giải về kinh sư. Vua Lý nghĩ lại tha tội, lưu cho đi học 3 năm, rồi thả Trí Cao về quản đất cũ của cha, còn cấp thêm 4 động và cả châu Tư Lang nữa (tức Thượng Lang, Hạ Lang sau này).
Năm 1043, vua sai Nguỵ Trưng đến châu Quảng Nguyên ban Nùng Trí Cao đô ấn, phong tước Thái bảo.
Năm 1048, Nùng Trí Cao chiếm động Vật Ác, ngoài biên. Vua sai thái uý Quách Thịnh Dật đi đánh. Tới nơi Nùng Trí Cao hàng ngay không chống cự.
Năm 1052, Nùng Trí Cao tự xưng Nhân huệ hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Nam, dẫn 5000 quân tràn sang đất Tống, phá trại Hoành Sơn, hãm các châu Ung, Quý, Đằng, Ngô, Củng, Tầm thuộc tỉnh Quảng Tây và Khang, Đoan thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Có Hoàng Sư Mật người bên ấy, vận động quần chúng nổi dậy nội ứng, nên lực lượng tiến công phát triển nhanh chóng, số người kéo theo lên đến hàng vạn.
Hoàng Sư Mật vốn là cháu bên mẹ của Nùng Trí Cao. Mẹ Trí Cao quê ở Vũ Lặc, bờ Tả Giang, ngược sông lên trú tại bến Kim Pha (Cao Bằng). Hoàng Sư Mật đỗ tiến sĩ ở Quảng Châu, nhưng không ra làm quan với nhà Tống, chuyên đi dạy học. Có lẽ Sư Mật không phải là tên thật, mà là hiệu gọi ông thầy bí mật họ Hoàng.
Quân Nùng Trí Cao đến đâu liền phá nhà tù, mở các kho của quân Tống phát cho dân. Dân khắp vùng hưởng ứng, thế lực ngày càng mạnh. Trí Cao điều quân xuôi theo sông tiến hành vây hãm thành Quảng Châu, đồng thời đòi vua Tống cắt đất chia dân. Thấy dân đều theo Trí Cao, Tống Nhân Tông lo sợ họp triều thần định đáp ứng yêu sách, song vì Địch Thanh dâng biểu xin đi đánh nên thôi. Địch Thanh là một tướng kiêu dũng vừa được gọi từ Thiểm Tây về.
Vây hãm Quảng Châu gần 2 tháng, không hạ được thành, quân Trí Cao núng thế. Trong thành kiên trì cố thủ, vòng ngoài Địch Thanh tiến đánh, Nùng Trí Cao bị kẹt ở giữa, nên phái Lương Châu về cấp báo Thăng Long xin hoàng đế Lý Thái Tông cho quân cứu viện.
Được hoàng đế chuẩn y, nhưng khi 2 vạn quân của tướng Vũ Nhị lên đến nơi thì quân Nùng Trí Cao đã bị vỡ sau trận quyết tử ở phố Quy Nhân (Tông Quỷ). Hoàng Sư Mật cùng thủ hạ, tức bộ tham mưu nổi dậy, 57 người và 2200 quân Tày Nùng bị chết tại trận. Vũ Nhị không thể làm gì hơn, chỉ còn đàm phán phân định địa giới với Địch Thanh, đoạn hai bên lui quân về nội địa. Nùng Trí Cao thu gom tàn quân, cùng gia đình rút về phía tây men dọc biên giới Đại Việt – Đại Tống sang Đại Lý (Vân Nam) mưu đồ tiếp tục sự nghiệp. Nhưng nhà Tống vẫn theo dõi hành trình, kiên quyết phục thù. Năm sau, 1053, doanh trại quân Nùng tạm đóng ở đấy bị quân Tống tập kích lúc nửa đêm, cả gia đình Nùng Trí Cao bị bắt, riêng bản thân Nùng Trí Cao biệt tăm không còn xuất hiện.
Cuộc chiến do Nùng Trí Cao khởi phát diễn ra trên đất Tống từ năm 1048 đến năm 1053, là một sự kiện lớn, xôn xao cả kinh đô Khai Phong. Giới sử học Trung Quốc và Việt Nam đã bỏ nhiều công sức để tìm hiểu nguyên nhân, động cơ của sự kiện này.
Văn bia bên Tống ghi: “Nùng Trí Cao có mối thù với Giao Chỉ, muốn phụ thuộc vào Tống, xin được cai quản châu Ung, nhưng vua Tống không cho nên mới nổi loạn”.
Sử bên ta cho rằng: Cuộc nổi dậy của Nùng Trí Cao thực chất là một hiện tượng cát cứ của tù trưởng miền núi khi chính quyền trung ương chưa dủ khả năng khống chế. Nó không khác xa so với các cuộc nổi dậy khác thời thế kỉ X-XI ở nước ta. Sử gia Lê Văn Hưu bình: Sự kiện này xảy ra là do thái độ dung dưỡng của Lý Thái Tông đối với Nùng Trí Cao. Thưởng phạt không nhất quán, mê hoặc bởi cái thuyết từ ái của Phật mà tha cho bày tôi phản nghịch thì lòng nhân ấy trở thành nhu nhược.
Thực ra sự kiện Nùng Trí Cao có nguyên nhân tiềm ẩn và thời điểm bột phát.
Nguyên nhân tiềm ẩn: Lưu vực sông Hồng là địa bàn cư trú của người Lạc Việt (Kinh, Mường cổ). Lưu vực Tây Giang là địa bàn cư trú của người Âu Việt, (Tày Thái cổ). Thời Tiên Tần (221 TCN) người phương Bắc gọi khu vực này là Văn Lang và Nam Cương. Đó là tiếng của họ, thời ấy chưa biết chữ hán.
Văn Lang có nghĩa vùng đất có những chàng trai xăm mình.
Nam Cương có nghĩa vùng đất biên cương phía nam.
Chưa có tín sử, chuyện tương truyền như vậy đã in đậm trong kí ức dân gian. Nam Cương hợp nhất với Văn Lang thành Âu Lạc, rồi Âu Lạc bị phương Bắc thôn tính, phải sống dưới chế độ Bắc thuộc nghìn năm.
Mãi tới thế kỉ X, thời Ngũ đại, phong kiến phương Bắc khủng hoảng, trong vòng nửa thế kỉ, năm triều đại liên tiếp bị đổ. Tình thế đó tạo cho người Nam giành được quyền tự chủ và tiến tới độc lập sau trận đánh tan quân Nam Hán của Ngô Quyền (938).
Triều Bắc Tống thiết lập năm 960, vẫn coi nước ta như một quận của họ, hễ có dịp là đem quân xâm lược. Thời nhà Đinh (968-980), nhà Tiền Lê (980-1009), nhà Lý (1010->) nguy cơ bị xâm lược luôn luôn thường trực. Các vua Đại Việt cần duy trì những tù trưởng mạnh ở biên giới, kết thân với họ, dùng họ làm phên giậu. Người Tày, Nùng, Choang ở lưu vực Tây Giang ấp ủ khôi phục lãnh thổ Nam Cương xưa, ước mơ có lại vị trí của mình thời Âu Lạc.
Vua Lý Thái Tông biết rõ điều này nên có thái độ nên có thái độ xử lí co duỗi mềm dẻo sát với thực tế. Tống Nhân Tông cũng biết nên khi khắc bia phủ định ý chí đòi độc lập của phong trào, cho rằng cuộc nổi dậy đó xuất phát từ tham vọng cá nhân Nùng Trí Cao, không đại diện cho lợi ích cộng đồng dân tộc mình.
Thời điểm bộc phát
Nhà Tống diệt xong các nước nhỏ, lập được triều đình ổn định, nhưng rất sợ đụng độ với nhà Liêu ở phương Bắc. Hiệp ước Thiền Uyên – giữa Tống và Liêu – qui định hàng năm Tống phải nộp cho Liêu 20 vạn tấm lụa và 10 vạn lạng bạc. Vừa phải cung phụng triều đình, vừa phải đóng góp cống nước ngoài, gánh nặng đó đè lên vai nhân dân. Nhất là ở biên cương phía Nam, các chỉ huy sở càng sách nhiễu tệ, sự đóng góp thật quá quắt. Không kể bị trưng binh, phu phen liên miên, gặt mười gánh lúa, dân chỉ được ăn hai, dệt mười tấm vải dân chỉ được dùng một (theo sách giáo khoa sử Trung Quốc). Lòng uất ức trong dân chúng sôi sục chỉ chờ có dịp là bùng lên.
Nguyên Hạo xưng đế ở Tây Hạ. Năm 1041 đánh tan 2 vạn quân Tống ở Lục Bàn Sơn. Đến năm 1043, Nguyên Hạo cầu hoà, triều Tống lại cung cấp cho nhiều tiền bạc và vải vóc. Cách cư xử mềm nắn rắn buông của vua Tống như vậy kích thích quyết tâm của Nùng Trí Cao, Hoàng Sư Mật. So sánh nhân lực, vật lực vùng Tày, Nùng, Choang này còn có phần khả quan hơn vùng Ninh Hạ – Hồi Tộc.
Song đáng tiếc, kết quả không diễn ra như dự tính.
Nhà Tống đàn áp cuộc nổi dậy vô cùng tàn khốc, những người tham gia đều bị giết hoặc phải bỏ xứ trốn chạy theo Trí Cao. Dù sao sau đó triều đình vẫn bắt buộc phải thay đổi cách cai trị, nới nhẹ sự đóng góp của dân chúng, thực hành chính sách mới của Phạm Trọng Yêm và biến pháp của Vương An Thạch, tình hình mới dần ổn định.
Còn vua Lý nước Đại Việt, vì tránh cuộc chiến với Đại Tống nên truất tước Thái Bảo của Nùng Trí Cao để tạo điều kiện cho cuộc đàm phán. Nùng Trí Cao bỏ lại chiếc ấn vua ban tại quê nhà trên đỉnh đồi Khau Dắn (Đồi Ấn), trước khi lánh sang Đại Lý. Đến khi nghe tin Nùng Trí Cao mất, dân lập đền thờ, vua Lý lại truy phong “Khau Sầm đại vương nhất đẳng thần”.
Dân Tày, Nùng, Choang hai bên biên giới Việt Trung lập nhiều đền thờ Nùng Trí Cao và cùng ăn tết ngày 14 tháng 7 âm lịch rất trọng, đó là ngày độ vong thất trận ở phố Quy Nhân. Điều ấy cho thấy công tích Nùng Trí Cao in đậm trong tâm khảm dân chúng.
Miếu Linh Ấn (thờ chiếc ấn để lại) ở Bản Ngần, xã Vĩnh Quang, huyệ Hoà An là nơi thờ Nùng Trí Cao qui mô hơn cả trên địa bàn Cao Bằng. Ở đấy có mấy hàng thơ, đối tóm tắt đánh giá sự kiện Nùng Trí Cao:
Tái ngoại cao tiêu độ lập kì
Nùng vương sự nghiệp thế gian hy
Tạm dịch:
Ra ngoài biên tái dựng cao cờ độc lập
Sự nghiệp vua Nùng trên thế gian hiếm thấy
Và:
Đế nghiệp vị thành nhân dĩ lão
Vương phong thân tích quốc đồng hưu
Tạm dịch:
Sự nghiệp đế chưa thành mà người đã già (chết)
Vua phong công tích lớn cả nước cùng nghỉ ngơi.
Miếu Linh Ấn được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng di tích văn hoá lịch sử năm 1992.
Sự kiện Nùng Trí Cao đặc biệt không giống những cuộc nổi dậy khác trong lịch sử nước ta, nó góp phần củng cố nước Đại Việt thời ấy. 23 năm sau, năm 1075, Lý Thường Kiệt phải lặp lại tương tự hành động của Nùng Trí Cao để ngăn chặn tham vọng bành trướng xuống phía nam của nhà Tống. Vì vậy sự kiện này cần được đánh giá lại công bằng, khoa học hơn theo nhãn quan mới.
Vương Hùng
Theo http://dotchuoinon.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...