Thứ Tư, 2 tháng 12, 2015

Trang phục dân tộc Thái

Trang phục dân tộc Thái
TQ-DTV

Trang phục truyền thống của dân tộc Thái
Từ trước tới nay, trang phục của người dân tộc Thái được ca ngợi bởi sự đơn giản, duyên dáng và thanh lịch, nhưng ít ai biết được, để có bộ trang phục “hút hồn” như vậy, người dân đã phải khéo léo kết hợp từng chi tiết để tạo nên hình ảnh những cô gái Thái rất riêng.
Các nhóm người Thái như Thái Đen, Thái trắng đều có nhiều điểm chung trong trang phục hằng ngày nhưng trong đó, vẫn nổi bật bản sắc riêng để phân biệt.
Một bộ trang phục truyền thống phụ nữ Thái gồm: áo ngắn (xửa cỏm), áo dài (xửa chái và xửa luổng), váy (xỉn), thắt lưng (xải cỏm), khăn (piêu), nón (cúp), xà cạp (pepăn khạ), các loại hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích.
Xửa cỏm (áo ngắn bó sát người có hàng cúc bướm) có thể may bằng nhiều loại vải với màu sắc khác nhau. Chính hàng khuy bạc hay kim loại đã làm cho xửa cỏm thành chiếc áo đặc trưng của bộ nữ phục Thái. Theo quan niệm dân gian Thái, hai hàng cúc bạc trên hai vạt áo xửa cỏm là tượng trưng cho sự kết hợp nam với nữ, tạo nên sự trường tồn của nòi giống.
Trang phục người Thái Trắng.
Phụ nữ Thái còn mặc hai loại áo dài là xửa chái và xửa luổng.
Xửa chái may bằng vải chàm đen, kiểu áo 5 thân, cài cúc phía bên tay trái, cổ đứng, gấu áo phủ quá đầu gối. Theo tục lệ, phụ nữ có chồng mới mặc xửa chải vào dịp cưới xin, hội hè.
Xửa luổng là áo khoác ngoài, may dài, rộng, chui đầu, có tay hoặc không có tay. Phụ nữ Thái từ khi còn trẻ đã may loại áo này, một dành cho bản thân khi về già và một dành biếu mẹ chồng khi về làm dâu. Các cụ già mặc áo xửa luổng lộn trái vào ngày thường, chỉ khi chết mới mặc mặt phải.
Váy (Xỉn) cùng với xửa cỏm tạo nên dáng nét chính của bộ nữ phục Thái. Phụ nữ Thái mặc váy hai lớp: váy trắng lót bên trong và và váy chàm mặc ngoài.
Thắt lưng (Xài ẻo) làm bằng vải tơ tằm hay sợi bông màu xanh lam hoặc tím xẫm, giữ cho cạp váy quấn chặt lấy eo bụng.
Khăn Piêu là vật dụng “cầm tay” của các cô gái Thái mỗi khi đi ra đường hay trong các dịp hội hè.Chiếc khăn piêu được các cô gái Thái thêu thùa rất cầu kì, nó thể hiện sự khéo léo của mỗi cô gái.
Sự khác biệt giữa nữ giới của dân tộc Thái Đen và Thái Trắng được thể hiện trong các dịp hội hè. Những dịp đó, phụ nữ Thái Trắng thường mặc áo dài màu đen. Đây là loại áo dài thụng thân thẳng, không lượn nách, được trang trí bằng vải “khít” ở giữa thân có tua vải phủ từ vai xuống ngực, nách áo trang trí theo lối đáp hai mảng hoa văn trong bố cục hình tam giác. Phụ nữ chưa chồng búi tóc sau gáy, có chồng búi trên đỉnh đầu. Họ có loại nón rộng vành. Trong khi đó, phụ nữa Thái Đen thường mặc áo dài xẻ nách, chui đầu, trang trí phong phú đa dạng về màu và màu mà mô-típ hơn Thái trắng.
Trang phục người Thái Đen.
Nói đến trang phục người Thái thì không thể không nhắc tới các đồ trang sức đeo trên người như vòng cổ, vòng tay, hoa tai, trâm cài tóc trên đầu, xà tích và cả cúc bạc…
So với trang phục nữ, trang phục nam người Thái đơn giản và ít chứa đựng sắc thái tộc người và cũng biến đổi nhanh hơn. Trang phục nam giới gồm: áo, quần, thắt lưng và các loại khăn.
Áo nam giới có hai loại, áo cánh ngắn và áo dài. Áo ngắn may bằng vải chàm, kiểu xẻ ngực, tay dài hoặc ngắn, cổ tròn. Khuy áo làm bằng đồng hay tết thành nút vải. Áo không có trang trí hoa văn chỉ trong dịp trang trọng người ta mới thấy nam giới Thái mặc tấm áo cánh ngắn mới, lấp ló đôi quả chì (mak may) ở đầu đường xẻ tà hai bên hông áo…
Mặc dù có những nhóm người Thái khác nhau nhưng nhìn chung trang phục của họ phần nào cũng thể hiện ảnh hưởng của nhau. Tất cả đều rất tự hào về bản sắc riêng của mình và không ngừng bảo tồn, phát huy, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống tộc người, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam Tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Rượu cần người Thái.
Tục lệ uống rượu cần độc đáo của người Thái
(TH-Cinet-DTV)
Rượu cần là đồ uống không thể thiếu đối với phong tục sinh hoạt văn hoá của người Thái.
Ở nước ta, có nhiều dân tộc biết làm rượu cần như Mường, Ê đê, Chu ru, Xơ Ðăng, KHo, Giarai… Mỗi dân tộc, vùng miền có một bí quyết khác nhau để làm rượu cần. Cũng như nhiều dân tộc khác, trong các dịp lễ tết, lễ hội, mừng nhà mới, cưới, hỏi, đón khách… rượu cần là đồ uống không thể thiếu đối với phong tục sinh hoạt văn hoá của người Thái.
Trước khi uống rượu cần, có quy định bắt buộc là phải làm thủ tục cúng chum rượu. Người được chọn làm thủ tục cúng thường là người già, có uy tín trong bản. Nội dung cúng thường là mời thần thổ địa, thành hoàng, tổ tiên đến để trình báo sự việc mở rượu, sau đó mời uống rượu để phù hộ.
Người Thái có quan niệm, khi chưa mở thì chum rượu là của chủ nhà, khi cắm cần rồi thì chum rượu là của mọi người, nghĩa là khách và chủ đều có quyền bình đẳng trong việc bàn và thống nhất luật uống. Luật uống rượu cần là những quy định thống nhất về số người uống, thời gian uống, mức uống và mỗi khi uống được giao cho một người cầm chịch.
Vò rượu cần thường được đặt ở nơi trang trọng trong nhà, thường là gian ngoài, hướng về bàn thờ tổ tiên và được đặt trên một tấm gỗ hay trong một chậu to, chứ không bao giờ đặt trực tiếp trên sàn nhà hay nền đất.
Rượu cần là đồ uống không thể thiếu 
đối với phong tục sinh hoạt văn hoá của người Thái.
Theo quan niệm của người Thái phía bàn thờ tổ tiên là phía trang trọng nhất nên thường mời người đàn ông cao tuổi và khách quý ngồi, còn phía cửa chính dành cho phụ nữ, ngồi thành vòng tròn quanh chum rượu, sau đó người cầm chịch lấy hai tay vít cần rượu mời khách. Cần rượu vít cho người nào thì người đó mới được cầm cần, không được tự ý vít cần khi chưa được phép của người cầm chịnh.
Khi uống không được để cần chéo nhau và phải cắm cần xuống thật sâu tận đáy chum để tránh hút phải nước lã và không được thổi ngược không khí ở trong miệng vào chum, rượu sẽ mau nhạt. Uống xong, người cầm chịch đưa tay đỡ cần hạ cho khách, nếu người nào tự ý thả cần hay bật cần sẽ bị phạt, vì hành động đó được xem là thất lễ.
Trong uống rượu cần nếu uống ít, không đủ số lượng quy định thì sẽ bị phạt, người uống không những phải uống hết mức khoán ban đầu mà phải uống thêm cả phần phạt. Mức phạt có thể gấp rưỡi, gấp đôi so với mức quy định. Khi uống rượu phạt không lặp lại việc đo thời gian như ban đầu.
Luật uống rượu cần của người Thái rất nghiêm, nhưng vì khả năng uống tuỳ thuộc vào từng người, nếu phạt quá nguyên tắc thì cuộc vui có khi lại không trọn vẹn thậm chí lỡ việc. Nên phải biết người nào thật, người nào giả trong uống rượu để xử lý tình huống. Nếu người uống không đủ khả năng uống hết mức khoán hoặc bị phạt nhiều quá, có thể linh hoạt điều chỉnh.
Và, chum rượu cần đã mở là có ca hát, khèn, sáo, trống, chiêng, vòng xoè dập dìu, say mê thâu đêm suốt sáng. Bên hũ rượu cần thường là nơi tụ hội của cộng đồng bản mường, chân thành đoàn kết, bình đẳng, không phân biết dân tộc, đẳng cấp. Uống rượu cần là một sinh hoạt văn hoá mang tính cộng đồng, khi đã vào cuộc vui rượu cần con người xích lại gần nhau hơn và uống rượu cần là thú vui không thể thiếu được bởi nó đã đi vào cuộc sống của đồng bào từ lâu đời. Nó còn là cầu nối giao lưu văn hoá, tình cảm giữa các dân tộc và trở thành một nhu cầu giao tiếp, mong rằng nó sẽ được bảo tồn, gìn giữ và phát huy để góp phần vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Theo http://dotchuoinon.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...