Nhạc cụ truyền thống của Lào
Kèn Khaen (Khèn)
Trước đây, Lào là đất nước khá phong phú về các loại nhạc cụ.
Tuy nhiên trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, một số loại nhạc cụ đã dần biến mất.
Lào nằm giữa Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Myanmar do đó nhạc cụ của Lào khá
giống với nhạc cụ của Thái Lan và Myanmar. Một số điểm tương đồng không chỉ giữa
các quốc gia láng giềng, mà nhạc cụ truyền thống của Lào có hình dạng và âm
thanh khá giống với 10 quốc gia trong khu vực Asean. Nhạc cụ của đất nước Lào
chủ yếu được làm từ tre, cây sậy, dừa và các loại gỗ cứng. Do đó, hầu hết các
nhạc cụ của Lào được tạo ra từ cây trồng thiên nhiên, tre và da động vật.
Nhạc cụ truyền thống đầu tiên của Lào mà Tạ Thâm muốn giới
thiệu là Khaen vì đây là nhạc cụ lâu đời nhất tại quốc gia này, được sử dụng
trong âm nhạc Lào từ thời Lan Xiang. Nhưng người dân thì tin Khaen đã tồn tại
được khoảng 4000 năm. Khaen được làm từ một loại tre đặc biệt cùng với cây sậy.
Khaen cũng là nhạc cụ được chơi bằng cách thổi vào các lỗ nhỏ. Người Lào thường
chơi Khaen trong các sự kiện đặc biệt và cần thiết, đặc biệt là vào dịp năm mới.
Trong khi thổi Khaen, người chơi có thể đồng thời tạo ra các giai điệu khác
nhau. Nhạc cụ này có thể chơi độc tấu như trong âm nhạc truyền thống hoặc kết hợp
với các nhạc cụ khác để đệm cho các bài hát. Tục ngữ Lào có câu “Những người sống
dưới ngôi nhà sàn, ăn gạo dẻo và chơi Khaen chỉ có thể là người Lào hoặc anh em
của Lào”.
Ra Nat.
Nhạc cụ thứ hai là Ra Nat. Ra Nat được làm từ một loại gỗ cứng
và có 22 thanh gỗ được treo bằng dây. Ra Nat được chơi bằng vồ. Có 2 loại vồ được
sử dụng: vồ cứng và vồ mềm. Vồ cứng được chơi trong các bài hát có tiết tấu
nhanh vì chúng tạo âm thanh sáng và sắc nét, trong khi đó vồ mềm được chơi để tạo
âm thanh mềm mại trong các bài hát tiết tấu chậm. Nhạc cụ này trước đây khá phổ
biến trong các cuộc giải trí của vua, chúa trong thời kỳ chế độ quân chủ của
Lào.
Kong (Trống).
Nhạc cụ thứ ba là Kong (Trống). Ở Lào có nhiều loại Kong khác
nhau. Có loại Kong được làm từ gỗ cứng và da động vật như da rắn hay da trâu. Một
loại Kong khác được làm từ đồng thiếc, xuất hiện khoảng năm 700 trước công
nguyên, và chúng được gọi là ‘Trống mưa đồng’. Trống đồng không chỉ được tìm thấy
ở Lào mà còn được tìm thấy ở nhiều quốc gia Đông Nam Á. Một điều đặc biệt ở loại
trống này là hình con ếch trên đầu trống do đó người dân tin rằng khi chơi loại
trống này trời có thể mưa. Ở Lào, Kong được coi là biểu tượng của hòa bình. Khi
người dân Lào dành được tự do từ Pháp, người dân đã đánh trống để làm lễ kỷ niệm.
Đến nay, người dân Lào vẫn chơi Kong trong nhiều lễ kỷ niệm đặc biệt.
Đàn Phin.
Loại nhạc cụ truyền thống cuối cùng đó là Phin. Phin được làm
từ một loại gỗ có khối lượng nhẹ, do đó nó tạo âm thanh trầm và khá thuận tiện
để mang theo. Trước đây Phin chỉ có 2 hoặc 3 dây. Nhưng ngày nay Phin khá giống
với cây đàn guitar vì nó có đến 5 dây. Tuy nhiên, âm điệu và âm thanh của Phin
khác hoàn toàn với Guitar. Phin là nhạc cụ chịu ảnh hưởng từ Ấn Độ và một số nước
trong khu vực Đông Nam Á, do đó Phin cũng được sử dụng phổ biến ở một số quốc
gia láng giềng của Lào.
Múa Lăm Vong.
Điệu nhảy Lam Vong-Laos, nét quyến rũ
Đây là một điệu nhảy dân gian Lào và thường được nhảy trong
các lễ hội, đám cưới, các bữa tiệc. Thực sự mà nói thì không có lễ hội nào kết
thúc mà không có điệu nhảy này. Trong nhiều năm gần đây, người Việt Nam cũng
không còn xa lạ gì với điệu múa này. trước đây chỉ có những sinh viên Lào trong
ngày quốc khánh nhảy điệu nhảy này mà thôi. Điệu nhảy Lăm Vông chỉ được đưa vào
các sàn nhảy ở Hà Nội từ khoảng 5-6 năm nay, đầu tiên là sàn Đông Đô, sau đó là
Kinh Đô… Nhưng sau đó thì ở sàn nào cũng bắt chước theo và Lăm Vông trở nên phổ
biến trên các sàn nhảy ở Hà Nội.
Ở Đông – Nam Á, nhiều dân tộc có múa truyền thống, nhưng
không phải dân tộc nào cũng có sinh hoạt múa phổ biến trong nhân dân như ở Lào.
Theo tiếng Lào “Lăm” là hát, “Vông” là tròn. Lăm Vông thường sử dụng những điệu
dân ca, như dân ca Tăng Vi, Lăm Xa-ra-van, Khắp Thùm… Khi múa có hát hoặc nhạc
đệm bằng những bài quen thuộc ấy.
Lăm Vông rất phổ biến trong nhân dân Lào, múa theo nhịp 4/4.
Khi nhảy, mọi người đứng theo hai vòng tròn, nữ ở vòng tròn trong và di chuyển
ngược chiều kim đồng hồ (Tuy nhiên ở trên sàn thì thường là ngược lại: Nam ở
trong, nữ ở ngoài). Trước khi nhảy hai người chào nhau theo kiểu Lào bằng cách
chắp tay trước ngực, chân hơi chùng xuống, đầu hơi cúi, đây cũng là kiểu chào của
người Thái. Trong khi di chuyển nam và nữ có thể đổi vị trí, đi vòng quanh
nhau…. Tay nữ múa từ trong ra trong khi tay nam múa vòng rộng hơn và thấp hơn.
Động tác của nữ là vừa cuộn bàn tay, vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xoè
rộng và uốn cong. Chân thì cứ ba bước tới, một bước lùi. Còn phía trai thì lắng
nghe những lời ca, những tiếng nhạc để “tự điều chỉnh mình” cho nhịp nhàng từng
động tác.
Duyên dáng và đằm thắm, Lăm Vông đã luôn đóng vai trò là một
nhu cầu sinh hoạt văn hoá, hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, vừa có tác dụng
giáo dục thẩm mỹ của Lào từ bao đời nay.
Điệu múa Mahasay duyên dáng của các cô gái
Ấn tượng nghệ thuật múa nước bạn Lào
T.Tiên, M.Linh, L.Hằng – TT Festival Huế
Những cô gái, chàng trai duyên dáng, uyển chuyển trong từng động
tác, điệu múa mang đậm dấu ấn văn hóa Lào. Cùng với đó là những ca khúc đơn ca,
song ca mang đậm âm hưởng dân tộc.
Tham gia đêm biểu diễn với 7 tiết mục xinh xắn, dễ thương,
đoàn nghệ thuật đến từ nước bạn Lào đã mang đến cho khán giả khu vực điện Cần
Chánh( Đại Nội) một đêm diễn đầy hấp dẫn và thuyết phục.
Không sôi động, nhộn nhịp như những đoàn nghệ thuât khác,
đoàn nghệ thuật quốc gia Lào đem khán giả đến với những nét gần gũi, bình dị nhất
của cuộc sống người dân các bộ tộc Lào. Mỗi tiết mục là một bức tranh sinh động
về cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày và công việc của họ.
Các điệu múa “ Oai Phan, Yên Sa bai xao na” được lấy nguồn cảm
hứng từ thiên nhiên như trăng, gió, núi sông. Sự kết hợp tự nhiên, khéo léo giữa
những giai điệu và động tác tay chân của những cô gái độ tuổi trăng tròn đã khiến
cho sân khấu thêm lung linh, hấp dẫn.
Đặc biệt, Đoàn nghệ thuật đã mang đến cho khán giả Việt Nam
và du khách quốc tế một không gian âm nhạc trong trẻo và những bất ngờ thú vị
khi trình diễn ca khúc “Mùa làm ruộng rất mát” và bản nhạc song ca mang tên
“Tình yêu bao la”. Đây là những ca khúc được biểu diễn với sự đan xen, hòa quyện
giữa ngôn ngữ cả hai nước Việt và Lào – thể hiện tình hữu nghị cũng như sự giao
lưu văn hóa láng giềng.
Nghệ sĩ Rotchana, một thành viên của đoàn chia sẻ: “Chúng tôi
rất vui mừng khi được mang hơi thở của nền âm nhạc, văn hóa nước mình đến với
mùa Festival năm nay”. Đoàn cũng gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến kì hội Festival
Huế 2014.
Lễ hội Bunpimay.
Đặc sắc Lễ hội Bunpimay của người Lào ở Đắk Lắk
TH-Cinet-DTV
Lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho
vạn vật, ấm no, hạnh phúc, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Ngày Tết, mọi
người thường té nước vào nhau để cầu may cho cả năm.
Hằng năm, cứ đến giữa tháng 5 (Phật lịch) tức là vào 3 ngày
13, 14, 15 tháng 4 dương lịch, nhân dân Lào từ Bắc xuống Nam đều tổ chức ngày Hội
“Pi May”. Ngày 13 là ngày cuối năm, ngày 14, 15 là ngày giao thừa, 16 là ngày đầu
năm mới. Để đón mừng năm mới, người Lào ở Đắk Lắk lau rửa nhà cửa bằng nước với
ý nghĩa tiễn năm cũ và trang trí lại nhà cửa đón mừng năm mới. Họ giã gạo, xay
bột để làm các loại bánh, bún, làm rượu nếp, nấu rượu mạnh đồng thời chuẩn bị lễ
để dâng lên chùa. Ngoài ra, người Lào còn chuẩn bị hoa để lễ Phật, cúng thần
linh, trang trí nhà cửa và cài lên tóc các cô gái.
Thực hiện nghi thức tắm Phật.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ mọi thứ để đón Tết, chiều 14, sau một
hồi trống chùa, mọi người mặc những bộ quần áo đẹp nhất, tay mang những âu nước
thơm hay mâm hoa quả, bánh trái, nến hương lên chùa dự lễ Tắm Phật.
Buổi lễ được bắt đầu bằng những lời kinh “Buột suột loi ka
thông Pi mày” (Kinh thả hoa đăng năm mới). Một sợi chỉ trắng được buộc từ bàn
tay của bức tượng Phật, nối dài qua tay của các sư thầy đang đọc kinh, như một
lời phát nguyện cầu chúc bình an đến mọi người.
Buộc chỉ cổ tay với mong muốn mang may mắn đến cả năm.
Sau đó, mọi người kính cẩn mang từng đèn hoa đăng xuống dòng
sông Sêrêpôk với những lời cầu an và mong những điều phiền não trôi đi theo năm
cũ đã qua. Tiếp đó, toàn thể bà con được nghe những lời cầu chúc nhân dịp năm mới
theo nghi thức hành lễ dân gian của các bộ tộc Lào và tham gia Lễ tắm Phật. Từng
đoàn người trật tự xếp hàng trước sau, thành tâm bước từng bước một lên và thực
hiện nghi thức tắm Phật.
Tiếp đến là nghi thức đắp tháp cát để cầu sức khỏe, hạnh phúc
trong năm mới, tập quán buộc chỉ cổ tay, cầu phúc năm mới cho các vị khách cũng
được mọi người hào hứng tham gia. Theo đó, người chủ trì buổi lễ, hoặc chủ nhà
sẽ buộc vào cổ tay của người thân và khách một vòng chỉ với nhiều màu sắc, biểu
tượng hạnh phúc, sức khỏe, may mắn, thành công… Sau ít nhất ba ngày vòng chỉ mới
được tháo để điều may mắn đến với mọi người trong suốt cả năm.
Ai trúng nước càng nhiều thì càng may mắn.
Còn với lễ té nước, những tiếng cười luôn rộn rã. Té nước là
dịp để tỏ lòng tôn kính, yêu mến nhau với ước nguyện nước sẽ gột rửa điều xấu,
bệnh tật và cầu chúc cho năm mới mạnh khỏe, tốt lành. Ai trúng nước càng nhiều
thì càng may mắn.
Hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn có hơn 250 khẩu là người Việt
gốc Lào sinh sống, tập trung chủ yếu tại xã Krông Na. Việc tổ chức Lễ hội
Bunpimay thể hiện sự tôn trọng phong tục, tập quán và góp phần bảo tồn bản sắc
văn hóa của các bộ tộc Lào, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của đại gia
đình các dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Căm Mường của người Lào ở Điện Biên
TH-Cinet-DTV
Người Lào ở Núa Ngam (Điện Biên) tổ chức lễ hội Căm Mường để
con cháu tỏ lòng thành kính, biết ơn tổ tiên, những người đã khuất, các thần
linh đã phù hộ cho họ, gia súc, mùa màng năm qua tươi tốt và tiếp tục phù hộ
cho năm tới…
Người Lào ở Núa Ngam theo tín ngưỡng đa thần, tin vào vạn vật
hữu linh và những thần lực tác động đến cuộc sống của con người. Họ thường thực
hiện nhiều nghi lễ để cầu mong sự phù hộ của các đấng siêu nhiên cho mùa màng tốt
tươi, người an, vật thịnh… Đó là tiền đề cho sự hình thành và nuôi dưỡng các lễ
hội truyền thống như lễ Căm Mương, lễ cầu mùa, lễ cầu mưa, lễ mừng nhà mới…
“Căm Mương” theo tiếng Lào nghĩa là kiêng bản, kiêng mường (cấm
mường). Căm Mương cũng là tết năm mới của người Lào tính theo Phật lịch từ 15/3
đến 20/3 âm lịch, cũng là lúc chuẩn bị bước sang một mùa vụ mới. Nghi lễ cúng tế
bắt đầu vào 13h chiều ngày 15/3 Âm lịch hàng năm. Chảu sửa (người cao tuổi), chảu
chẳm (thầy cúng) cùng với những người giúp việc mang đồ lễ lên lông sân, theo
sau họ là một số người khiêng chiêng, trống vừa đi vừa đánh từ nhà chảu sửa lên
đến nơi thờ cúng.
Khi các lễ vật đã chuẩn bị xong, chảu chẳm khấn: “Mời thần
cai quản bản mường, thần bảo trợ vùng, thần sông, thần suối, thần rừng, những
người đã mất, những linh hồn cù bất cù bơ không nơi nương tựa… về chứng kiến và
hưởng lễ vật mà dân bản dâng lên, nếu tất cả đã tụ tập về đầy đủ thì hãy cho
hai mảnh gỗ tung lên, rơi xuống một nửa úp một nửa ngửa”. Khi các thần linh đã
hội tụ đầy đủ, mọi người bày và đặt mâm lễ vào nơi cúng. Chảu chẳm đốt hai ngọn
nến sáp ong gắn lên bệ cúng to nhất (pan luông) và cúng. Trước khi cúng chính
thức, chảu chẳm sẽ phai lảu (mời rượu) các thần linh, tổ tiên rồi mới đến bên
mâm lễ to nhất để cúng mời tất cả các thần đến hưởng lễ. Bài cúng gồm bốn phần
với nội dung mời các vị thần linh cai quản, những người đã hi sinh để bảo vệ cuộc
sống cho bản về dự hội. Vào năm mổ bò, thầy cúng mời rượu bảy lần, năm cúng lợn
thì chỉ mời năm lần.
Tiếp đến, người Lào tổ chức các nghi lễ: Lễ tạ ơn – nghi lễ
chính của Căm mương với vật hiến tế là bò (hoặc lợn) để dâng lên người có công
sáng lập nên bản (Xen Kẻo, Xen Cang – người Khơ mú), tổ tiên, ông bà, những người
đã mất, thần cai quản và giữ bình yên cho bản làng; trong lễ tạ ơn cũng có một
phần của lễ cầu an. Lễ vật là mâm cúng thứ hai, sau pan luông. Đây là mâm cúng
các thần cai quản bản làng, thổ địa, các linh hồn không nơi nương tựa, các ma
lành… để cầu mong sự bình yên, che chở của các thần cho dân bản được khoẻ mạnh,
không ốm đau, các ma xấu, linh hồn không nơi nương tựa không về làm hại người sống.
Cúng xong, mọi người lạy tạ ơn thần linh dưới sự điều khiển của Chảu chẳm. Sau
đó Chảu chẳm, Chảu sửa cùng mọi người ăn uống no say tại lông sân để cầu mong một
năm mới no đủ, hạnh phúc.
Kết thúc buổi lễ, những người khiêng và đánh chiêng, trống đi
trước để rước thần về chung vui, kiêng khem với dân bản tại nhà Chảu sửa. Khi
chiêng trống treo ở xà nhà Chảu sửa là lúc cả bản bắt đầu kiêng cữ. Mọi người sẽ
thay phiên nhau đánh chiêng, trống hết ngày lễ. Ngoài các nghi lễ trên, diễn ra
đồng thời với lễ cầu mưa (ý lúm, ý lang) do phụ nữ thực hiện.
Ngày thứ hai của lễ (16.3 AL), từ tối đến gà gáy sáng, họ tập
trung đến nhà chảu sửa ăn uống và hát giao duyên. Hát giao duyên được chia
thành hai đội một bên nam, một bên nữ, mỗi bên sẽ cử một người ra hát và đối
đáp lại, nếu thấy mình không thể trả lời được câu đố của đối phương thì người
khác trong đội đối lại cho đến khi tan cuộc. Nhiều đôi trai gái đã nên duyên
qua những đêm hát giao duyên đó. Nếu thanh niên nam nữ hát giao duyên với nhau,
thì tầng lớp trung niên, người già hát chúc mừng nhau một năm qua mùa màng bội
thu và cầu chúc cho năm tới mọi người đều mạnh khỏe, được nhiều thóc lúa… Múa
là phần không thể thiếu trong lễ hội, chủ yếu là điệu múa truyền thống của người
Lào ở “đất nước triệu voi” mà họ mang theo khi di cư. Sau khi đủ ba người đánh
trống, đánh chiêng, đánh ché, một số người gõ ống nứa… tất cả những người còn lại
sẽ nhảy múa theo nhịp chiêng, trống, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, mọi
người chia từng đôi cùng múa điệu “lăm vông”. Các trò chơi dân gian được tổ chức
vào ngày thứ 3 (ngày 17/3 âm lịch).
Lễ Căm Mương của người Lào ở Núa Ngam thường diễn ra nhiều
trò chơi dân gian thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân, như trò mác ý
tò (cầu mây), phăn viêng (một hình thức đấu võ), tó lasa (rùa ấp trứng), tó má
lẹ (trò chơi bằng hạt đậu rừng), tó mác sáng (chơi đánh cù/quay), Ngu kin khiết
(trò chơi rắn bắt ếch), Tọt con (ném còn)… Trò chơi của người Lào không đơn thuần
là giải trí, rèn luyện sức khỏe mà còn mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong mùa
màng tốt tươi, dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
Trang phục truyền thống dân tộc Lào.
Trang phục dân tộc Lào
TQ-DTV
Trang phục của người Lào tùy từng vùng có những nét riêng biệt
nhưng nhìn chung vẫn thống nhất, gần giống với trang phục của người Thái và ít
có cá tính đặc trưng riêng.
Phụ nữ Lào nổi tiếng là những người dệt vải khéo tay. Khi
chưa có thuốc nhuộm, người Lào dùng các loại quả, củ rừng để nhuộm vải, các cô
gái Lào thích mặc vải hoa, vải kẻ có màu đậm, tươi tắn như màu của rừng núi,
hoa tươi…
Trong cuộc sống hàng ngày, người Lào thường dùng loại khăn gọi
là phạ-phe. Đây là chiếc khăn vải kẻ ô màu trang nhã, thường dùng làm khăn tắm
hay dùng che đầu, quàng cổ, gói quần áo buộc vào thắt lưng… Những ngày lễ hội
quan trọng, họ mặc y phục dân tộc là chiếc áo sơ mi cổ tròn, khuy vải, cài về
phía tay trái, quấn chiếc phạ-nhạo-nếp-tiêu màu sắc sặc sỡ và quàng chiếc phạ
biềng (khăn) chéo qua ngực.Người Lào ở vùng sông Mã thường dùng chiếc khăn Piêu
để chít nhọn đầu, còn người Lào ở tỉnh Điện Biên thì vấn theo kiểu người Lự với
một đuôi khăn thõng xuống một bên vai. Khi không chít khăn, họ ưa cài nhiều
châm bạc trạm trổ rất khéo léo lên búi tóc. Nếu là gái chưa chồng, búi tóc đặt
giữa đỉnh đầu giống như người Khơ mú, nếu đã có chồng, búi tóc đặt lệch sang
bên trái. Đặc biệt, vào những dịp hội hè, phụ nữ Lào ưa đeo vòng, số vòng tay
nhiều có khi dày đến hàng gang tay.
Thanh niên Lào thường cắt tóc ngắn, mặc áo cổ tròn, tay ngắn,
quần đùi, bên ngoài quấn chiếc phạ-xạ-rông (khăn dài) màu hoặc kẻ ô. Trang phục
nữ của ngườiphụ nữ dân tộc Lào nổi tiếng với việc sử dụng sản phẩm của những
người dệt vải khéo tay. Họ mặc váy đen quấn cao đến ngực, gấu váy thêu nhiều
hoa văn sặc sỡ.Nam giới thường xăm hình chữ “vạn” vào cổ tay và thường xăm hình
con vật vào đùi, nhưng ngược lại phụ nữ Lào chỉ xăm ở mu bàn tay hình rau bợ.
Váy của người Lào có đường viền thêu hình hoa lá, chim muông,
hình rồng áo có đính khuy đồng hay khuy bạc, dây thắt lưng bằng bạc gọi là khểm-khắt
cùng với đôi bông tai, dây chuyền, nhẫn, vòng tay là những kỉ vật mà người con
gái được cha mẹ sắm cho từ lúc còn nhỏ.
Trong khi đó, chiếc áo cánh ngắn với hàng khuy bạc được người
Lào mặc không khác gì của người Thái, trong khi đó, phụ nữ Lào ở vùng Điện Biên
lại có hai hàng khuy trước ngực bằng một giải vải màu xanh, trên đính những
hàng tiền bạc (đồng hào cũ của Pháp), giống như kiểu cách của người Khơ mú. Và
cũng từ đây, chiếc áo được đính ở hai bên nách, mỗi bên một tua vải đỏ để rủ xuống
và cài những lập lắc hình hạt trám bằng bạc chạm trổ cầu kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét