Hát Then - Món ăn tinh thần
của người Tày, Tuyên Quang
Không biết từ bao giờ mà hát Then đã trở thành món ăn tinh thần,
có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống sinh hoạt văn hoá của người Tày ở Tuyên
Quang.
Đặc sản văn hóa dân gian
Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hầu như huyện nào, nơi nào cũng
có hát Then, nhưng vùng hát Then đậm đặc, được duy trì và bảo tồn nguyên giá trị
chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Nà Hang và Lâm Bình.
Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ,
phong tục từ lâu đời của dân tộc Tày. Then xuất phát từ chữ “Thiên” – tức là Trời.
Bởi vậy, điệu hát Then vẫn được người Tày tỉnh Tuyên Quang coi là điệu hát thần
tiên và thường được sử dụng trong các nghi lễ: Cầu mùa, cầu yên, cấp sắc…
Nguồn gốc của hát Then hiện chưa có sự thống nhất. Có người
thì cho rằng Then xuất hiện từ thời nhà Mạc. Quân nhà Mạc thua trận, Vua suy
nghĩ quá nhiều sinh ốm. Các quần thần biết Vua ốm do tư tưởng chứ không phải do
bệnh tật nên cử đội nhạc hát cung đình tổ chức múa hát Then suốt 3 ngày 3 đêm,
Vua thấy vui và khỏi bệnh. Từ đó ai ốm đều tìm những người biết hát múa Then đến
biểu diễn… còn theo người già kể lại và sách chép ra của người đã quá cố, những
người am hiểu về Then, như cố nghệ nhân Ma Thanh Cao, ở xã Tri Phú, cố nghệ
nhân Hà Phan, ở xã Tân An (Chiêm Hóa), ông Nguyễn Mạnh Thẩm, ở xã Thanh Tương
(Nà Hang), thì Then xuất hiện từ thời Phùng Hưng (thế kỷ thứ VIII)… Dẫu chưa có
sự thông nhất về nguồn gốc, nhưng trong nhiều thế kỷ qua, hát Then là món ăn
tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang.
Ngôn ngữ – lời then, mộc mạc, giàu hình ảnh, gần gũi với cuộc
sống đời thường, sử dụng ngôn từ tượng hình, tượng thanh phong phú, lối so
sánh, ví von. Nội dung các khúc hát then đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc,
chứa đựng tình yêu thiên nhiên (mong muốn nhân an vật thịnh, cầu cho mưa thuận
gió hòa, con người mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt…), tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ
chồng, răn dạy đạo lý làm người, ca ngợi quê hương, đất nước… giai điệu mượt
mà, sâu lắng, âm hưởng mềm mại, đầm ấm, tạo cảm giác gần gũi, thiêng liêng, sức
truyền cảm mạnh.
Then có đặc trưng là giai điệu mượt mà, đằm thắm và mở đầu
câu hát bao giờ cũng có từ “ới la”. Từ “ới la” có nghĩa là khát vọng giao đãi của
con người với trời đất, thiên nhiên, vạn vật. Cấu trúc âm nhạc của Then Tuyên
Quang là các quãng âm nhạc gần nhau hơn tạo âm hưởng đầm ấm của con người xứ
Tuyên.
Có thể thấy trong Then Tày nói chung và Then Tày Tuyên Quang
nói riêng, không chỉ có các thể thơ dân tộc, mà còn cả những biện pháp thi
pháp, tu từ, ẩn dụ… của nghệ thuật ngôn từ; tìm thấy những làn điệu của tầng
dân ca, dân nhạc cổ xưa nhất; những điệu múa đã song hành với hát then không biết
bao năm tháng. Vì thế mà Then là một kho tàng quý báu tàng trữ những giá trị
văn học nghệ thuật ngàn đời của ông cha.
Hát then là món ăn tinh thần
không thể thiếu của người dân tộc
Tày
Then kỳ yên và Then lễ hội
Nội dung hát Then Tuyên Quang được chia thành hai nhóm: Then
kỳ yên và Then lễ hội. Theo thống kê chưa đầy đủ của nhóm khảo sát Bảo tàng
Tuyên Quang, Then kỳ yên và Then lễ hội gồm khoảng 60 bài Then cổ, cung, phủ được
sử dụng hát trong các nghi lễ. Nhóm Then kỳ yên (đồng bào Tày thường gọi là làm
then) được sử dụng trong các nghi lễ: Cúng cầu yên (yên lành), cầu chúc (chúc
phúc, chúc năm mới), chữa bệnh… Then kỳ yên phải trải qua nhiều công đoạn gồm:
Cung thổ công, cung phát pang (phát lễ cho họ nội, ngoại), cung thần linh, cung
mồ mả, cung vua bếp (táo quân), cung tổ tiên (gia tiên), cung bắc cầu, cầu va
(cái cẩu cầu va), cung mụ, cung giải hạn (me khoăn) – cầu mong tránh khỏi tai họa,
phủ hội đồng, cung tam bảo, cung vua, cung khảm hải (vượt biển). Then kỳ yên
bao giờ cũng tổ chức vào ban đêm yên tĩnh, khi mọi sự sống đã lắng đọng vào giấc
ngủ, chỉ còn vang vọng tiếng hát của then, giúp mọi người nghe và cảm nhận từng
lời hát một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất.
Nhóm Then lễ hội là những khúc hát khích lệ tinh thần mọi người
thêm phấn chấn, vui vẻ, xua tan phiền muộn, cực nhọc vất vả trong cuộc sống,
lao động sản xuất để thỏa mãn ước vọng về một cuộc sống đầy đủ hơn, muôn vật
sinh linh. Nhóm Then lễ hội thường được sử dụng trong các nghi lễ: Lễ cầu mùa,
lễ vào nhà mới, lễ cấp sắc, lễ cốm. Then lễ hội gồm nhiều cung, phủ: Giải uế,
khảm hải (vượt biển), tứ bách hoặc phủ thu quạt, pụt luông (chúa của thần
nông), nhà phép, hội đồng, tam bảo, chợ tam quang, vua cha…
Bên cạnh đó, có thể nói Then còn là tổng hợp các bộ môn văn học,
nghệ thuật dân gian. Trong then có các thể loại truyện (thần thoại, cố tích, truyền
thuyết, ngụ ngôn). Nhiều tích truyện có nội dung giải thích nguồn gốc một sộ sự
vật, hiện tượng về vũ trụ, thiên nhiên… cách giải thích đơn giản, mộc mạc,
nhưng khá ly kỳ, phản ánh thế giới quan của người Tày xưa.
Ngày xưa, hát Then chỉ dùng để cúng bái, giao tiếp với thần
linh trong các cuộc lễ như: lễ khẩu mẩu (lễ cốm), lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, cầu
mưa… người ta có thể hát cả giờ đồng hồ, đôi khi là thâu đêm. Còn bây giờ ngoài
những làn điệu Then cổ còn giữ lại thì các bài Then mới chủ yếu là bài hát ca
ngợi quê hương, tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động.
Hát Then Tuyên Quang và các tỉnh vùng Việt Bắc đang được chuẩn
bị lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần
bảo vệ khẩn cấp. Đây là cơ hội lớn để di sản văn hóa dân tộc Tày Tuyên Quang được
cả thế giới biết đến. Song cũng đặt ra đối với Tuyên Quang những thách thức
không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật di sản
văn hóa dân gian độc đáo này.
Đây là một trong sáu điệu nhảy của Dậm Thuông.
Dậm Thuông – điệu nhảy kì ảo của dân tộc Tày
Phương Thảo
Thời gian gần đây, các màn nhảy tập thể, nhảy đường phố
(flatmost) được những người trẻ (quốc tế và trong nước) du nhập vào Việt Nam đã
ngày càng trở nên thịnh hành. Ít ai biết rằng, ở nơi thâm sơn cùng cốc, giữa sự
trùng điệp của núi rừng Tây Bắc, một điệu nhảy tập thể như thế đã tồn tại hàng
trăm năm nay. Và, nó được gọi với một cái tên dân gian là tục Dậm Thuông, của đồng
bào dân tộc Tày ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Điệu nhảy của thần linh?
Chuyện xưa kể lại rằng, xa xưa, từ thuở núi rừng còn hoang
sơ, con người chưa biết làm ruộng, chưa biết nuôi lợn nuôi gà, các vị thần linh
thường bay từ trên trời xuống cùng dân bản cuốc đất làm ruộng, dạy con người
các nghi lễ ăn, ở. Về sau thần linh bay về trời, không xuống nữa, từ đó cứ vào
các dịp quan trọng như ma chay, cưới hỏi hoặc các dịp lễ hội, dân bản lại tổ chức
nhảy gọi là Dậm Thuông để mời các vị thần linh xuống cùng nhảy múa. Người dân
nhảy múa như thể là hình thức mời thần linh chứng giám cho nghi lễ, vừa là để cảm
tạ các vị thần linh và cầu xin sự no ấm, may mắn cho một năm mới an lành, một
mùa canh tác bội thu.
Dậm Thuông, trước hết là một nghi lễ, bởi nó thường được tổ
chức trước điện thờ thần linh hoặc bàn thờ tổ tiên. Sau khi “bà mo” (thầy cúng)
kết thúc phần cúng, ba đến bảy người được “bà mo” chọn sẽ tham gia Dậm Thuông
cùng với “bà mo”. Dậm Thuông có sáu điệu gồm Dậm Khăn, Dậm Chèo Thuyền, Dậm
Tính, Dậm Quạt, Quét Sân Rồng, Dậm Téo Kéo. Mỗi một điệu dậm là một bài hát
khác nhau với các loại nhạc cụ khác nhau như đàn tính; một loại nhạc cụ làm từ
nhiều quả lục lạc nhỏ kết lại cộng với âm thanh của các loại bát, đĩa, xoong, nồi.
Các dụng cụ đi kèm mỗi điệu nhảy cũng không giống nhau và quy
định khá nghiêm ngặt, ngoài quạt, khăn, khi thực hiện điệu nhảy, người ta còn sử
dụng cả kiếm gỗ, chân hương, đèn. Tùy từng hoàn cảnh khác nhau mà sử dụng một
phần hoặc toàn bộ sáu điệu nhảy trong “bữa tiệc” nhảy của sự kiện đó. Điều làm
cho Dậm Thuông trở thành thứ nghi lễ mang đầy màu sắc kì ảo của tâm linh là nó
có thể khiến cho mọi người xung quanh cùng tham gia, cùng nhảy múa với trạng
thái háo hức giống như trong trạng thái lên đồng, như một thứ men say chứa đựng
sự hoang dã, bí ẩn của núi rừng. Theo nhịp của tiếng hát then, tiếng đàn trong
ánh sáng của đèn nến, khói hương, từng điệu nhảy cứ thế diễn ra tuần tự, khi uyển
chuyển khoan thai, khi mạnh mẽ, dồn dập và đỉnh điểm là ở điệu dậm cuối cùng Dậm
Téo Kéo, những người tham gia sẽ nhảy như bị nhập đồng – đó là lúc thần linh và
con người hòa làm một, mọi mong muốn, ước nguyện của con người đã được thần
linh chứng dám.
Chứng thực cho điều kì lạ này, nghệ nhân hát then, “bà mo” Hà
Thị Luật, 83 tuổi ở xã Thượng Bằng La cho biết: “Những người tham gia Dậm
Thuông sẽ cứ thế nhảy mãi cho đến khi trong người có người có cảm giác lâng
lâng, nhảy không còn biết mệt, không còn ngượng ngịu. Nhảy say tới mức, âm nhạc
và động tác hòa làm một. “Bà mo” Luật còn cho biết thêm rằng, có một số dân tộc
cũng có kiểu nhảy như bị ai đó điều khiển như điệu nhảy lửa của người Pà Thẻn.
Tìm hiểu thêm, được biết nhảy lửa là nghi lễ nhảy truyền thống của dân tộc Pà
Thẻn vào đầu năm mới. Tham gia nhảy là các chàng trai trẻ, trong tiếng khấn, tiếng
gõ của thầy cúng, các chàng trai từng người một sẽ bỗng dưng đứng bật dậy cứ thế
chân trần nhảy qua, nhảy lại trên một đống lửa to đang cháy bừng bừng, hơi than
đỏ rực, thậm chí họ còn bới tro tàn lửa bay lên người để được may mắn mà không
hề hấn gì. Giống như nhảy lửa, Dậm Thuông có lẽ cũng là một nghi lễ đầy bí ẩn,
chứa đựng trong đó những hoang dã, kì diệu của núi rừng.
Vũ điệu của cộng đồng
Tuy nhiên, theo bà Luật, Dậm Thuông không chỉ là một nghi lễ
đơn thuần. Không giống nhảy lửa, người nhảy nhảy một cách hoàn toàn tự nhiên, tự
phát giống như chơi một trò chơi trong trạng thái không tỉnh táo. Dậm Thuông phải
qua quá trình tập luyện với nhiều động tác bài bản và khi đạt đến đỉnh điểm, dù
người nhảy không còn ở thực tại nhưng động tác càng uyển chuyển, khéo léo, phối
hợp với nhau càng nhịp nhàng, ăn khớp hơn. Từ một nghi lễ hoang sơ, Dậm Thuông
trở thành một hoạt động mang giá trị cao về nghệ thuật và văn hóa cộng đồng.
Thông thường, Dậm Thuông được tổ chức trên nhà sàn với từ ba đến bảy người. Nhà
nào tổ chức đám cưới, có Dậm Thưông là dân bản đến đứng chật cả nhà, tràn ra cả
ngoài đường. Nhưng có lẽ vui nhất là khi dân bản mở hội Caau Loog Toong (lễ hội
xuống đồng) vào tháng 1 Âm lịch, sau dịp Tết Nguyên đán. Dân bản sẽ tổ chức Dậm
Thuông nhiều người. Màn đại Dậm này có từ 300 đến 500 người tham gia và không
giới hạn người cho đến cuối buổi dậm. Người già kể rằng trước đây, khi tổ chức
nhảy nhiều người, cả bản sẽ kéo nhau đi xem không thiếu một ai từ người già đến
trẻ nhỏ và cả người từ vùng khác cũng rủ nhau đến.
Ban đầu, đội nhảy hàng trăm người trong trang phục truyền thống
của người Tày sẽ xếp thành một đội ở chính giữa, sau khi thầy cúng kết thúc phần
lễ khấn, tiếng nhạc, tiếng hát nổi lên, cả trăm người này sẽ cùng nhau Dậm
Thuông. Trong Dậm, nhiều người thường sử dụng điệu Dậm Quạt, Dậm Khăn và Dậm
Téo Kéo. Lúc đầu là dậm theo từng nhóm nhỏ, các nhóm nhỏ làm thành những vòng
tròn nhỏ rồi các vòng tròn nhỏ hợp thành vòng tròn lớn và đến điệu Dậm Téo Kéo
thì vòng tròn cứ mở rộng mãi ra cho đến lúc tất cả mọi người lúc đầu chỉ đứng
xem cũng đều say theo từng bước nhảy. Việc này biểu hiện cho sự hòa hợp, chung
sống lẫn nhau trong cộng đồng người Tày ở Tây Bắc. Vẫn những động tác cần sự
chính xác, khéo léo, phối hợp giữa tay chân nhịp nhàng, một điều mà không phải
ai mới bắt đầu cũng làm được. Nhưng không hiểu bằng cách nào đó, Dậm Thuông mặc
dù có rất nhiều động tác phức tạp, nhịp điệu lúc nhanh lúc chậm nhưng nó vẫn
thu hút được tất cả mọi người cùng tham gia, cùng nhảy cho đến khi tất cả cứ thế
quay tròn trở thành một khối thống nhất. Lúc này, người nhảy sẽ trở nên say như
bị thôi miên, cảm thấy tiếng đàn tính tẩu, tiếng then réo rắt như từ cõi nào đó
vọng về.
Bà Luật giải thích: Với nhiều điệu nhảy phức tạp như thế, nhiều
dân tộc chỉ nhảy một người hoặc nhiều lắm là năm đến mười người như như múa
khèn của người Mông, múa sạp của người Mường. Để trở thành một điệu nhảy cộng đồng,
nhiều người có thể nhảy được thì xòe Thái từ đầu đến cuối, chỉ có duy nhất một
điệu nhún, mọi người chỉ cần nắm tay nối vào vòng là có thể tham gia. Dậm
Thuông có thể nhảy tập thể bởi nó là bài nhảy có kết cấu chặt chẽ, được kể tuần
tự như một câu chuyện. Các động tác được cách điệu hóa cao, đẹp mắt nhưng vẫn
nhận ra là các động tác lao động, làm việc trong cuộc sống hàng ngày. Với tiếng
then có nhịp nên mặc dù nhiều động tác phức tạp, điệu nhảy này vẫn nhanh chóng
được tất cả người dân nhận ra quy luật, đặc biệt khi dồn lên đỉnh điểm ở Dậm
Téo Kéo, người tham gia nhảy cảm nhận được sự say mê, hào hứng nên điệu nhảy rất
hòa nhịp, rất đều nhau như thể họ đã từng tập luyện lâu ngày trước đó.
Được biết, qua hai cuộc chiến tranh ác liệt và những năm đời
sống khó khăn, tục Dậm Thuông và lễ hội Caau Loog Tong của người dân tộc Tày đã
bị mai một. Thời gian gần đây, do xã hội phát triển, đời sống người dân được
nâng cao nên ý thức về cội nguồn văn hóa dân tộc đã chuyển biến rõ rệt. Người
ta đã nhận thấy, đó là nét đẹp văn hóa cần gìn giữ và phát triển. Năm 2008
chính quyền và nhân dân xã Thượng Bằng La đã khôi phục lại lễ hội Caau Loog
Toog và điệu nhảy Dậm Thuông. Từ đó đến nay cứ hai năm lễ hội được tổ chức một
lần, thu hút đông đảo bà con nhiều thế hệ, nhiều thành phần dân tộc tham gia. Sức
lôi cuốn kỳ ảo đã tạo nên men say.
(Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện không nhiều người còn nhớ
chính xác từng bước nhảy, vì thế sự sùng bái cao về tín ngưỡng thờ cúng cũng đã
giảm. Nhiều người, nhất là thế hệ trẻ không hề biết rằng dân tộc mình đã từng tồn
tại một điệu nhảy mê hồn như Dậm Thuông. Vì vậy, Dậm Thuông trong những năm được
khôi phục lại còn nhiều khó khăn về trang phục, động tác và người tham gia
không được đông như trước. Giới trẻ biết ít về điệu nhảy này làm cho người lớn
tuổi trong bản, trong xã lo ngại về sự mai một của điệu nhảy mê hồn này. Nhưng
qua ba mùa lễ hội được tổ chức, vòng Dậm Thuông đã rộng thêm ra, đều hơn, đẹp
hơn như minh chứng cho sức sống trường tồn của bản sắc và tài hoa của văn hóa
dân tộc, minh chứng cho sức lôi cuốn kì ảo đã làm nên men say của điệu Dậm
Thuông từ bao đời nay.)
Đàn Then (Đàn Tính).
Nhạc cụ trong múa Then của dân tộc Tày
Tạ Thâm
Nhạc cụ đệm cho múa dân gian cũng như múa tín ngưỡng Then của
dân tộc Tày không nhiều như một số dân tộc khác, nhưng nó có dấu ấn văn hóa rõ
nét. Từ xưa, người Tày, Thái vốn có mối quan hệ ngôn ngữ văn hóa nên đã cùng
chung trong nhóm ngữ hệ. Đó là ngữ hệ Tày – Thái, mà ngôn ngữ là một biểu hiện
một tiêu chí văn hóa. Có lẽ do mối quan hệ, giao lưu văn hóa mà người Tày, Thái
đều có chung loại nhạc cụ là đàn Tính (Thái), đàn Then (Tày) và quả nhạc. Cấu tạo,
chất liệu, tính năng nhạc cụ đều chung một quy cách và các trường hơp sử dụng
tương tự như nhau. Đàn Tính, đàn Then được sử dụng trong các hình thái sinh hoạt
văn hóa cộng đồng. Đặc biệt trong nghi lễ tín ngưỡng Then (dân tộc Tày), tín
ngưỡng Kim pang Then (dân tộc Thái), thì đàn Then (đàn Tính) là nhạc cụ chủ yếu
cho đệm hát, múa và cả quy trình diễn xướng nghi lễ. Ngoài ra còn có nhạc cụ
khác là quả nhạc, thanh la, trống.
Để hiểu rõ hơn, Tạ Thâm xin giới thiệu với các bạn các nhạc cụ
trong múa Then của dân tộc Tày. Bài viết có sự tham khảo tư liệu của PGS.TS. Lê
Ngọc Canh.
Đàn Then
Đàn Then (đàn Tính) là nhạc cụ quan trọng đệm cho hát,
múa, diễn và mọi hoạt động của tín ngưỡng Then. Chính vì đàn sử dụng chủ yếu
trong tín ngưỡng Then nên có tên gọi là đàn Then.
Người xưa kể rằng:
Thuở xưa có một chàng trai người dân tộc Tày nhà rất nghèo khổ,
tên là Xiên Căn (nghĩa là nghìn cân). Cuộc sống lao động vất vả, tăm tối để kiếm
sống. Xiên Căn có tầm vóc cao lớn, ăn bao nhiêu cũng không đủ no. Hàng xóm,
làng bản cũng là những người nghèo khổ với nhau nên giúp đỡ chỉ có hạn.
Chàng Xiên Căn thấy khổ cực quá, ngày đêm vác đá bắc thang
lên hỏi ông trời, cầu xin. Ông trời thương hại Xiên Căn ông ban cho chàng một bầu
vú trinh nữ để làm bầu đàn, một cánh tay mượt mà, trắng nõn của tiên nữ để làm
cần đàn và ban cho chàng những sợi tóc để làm dây đàn. Mỗi dây đàn mang một ý
nghĩa.
Dây trầm vang lên sẽ có cây lúa, cây ngô mọc lên
Dây trung vang lên sẽ có sức mạnh, có sức sống
Dây bổng vang lên sẽ có tình yêu và hạnh phúc.
Dây trung vang lên sẽ có sức mạnh, có sức sống
Dây bổng vang lên sẽ có tình yêu và hạnh phúc.
Từ đó chàng Xiên Căn có cây đàn kỳ diệu làm mê say, quyến rũ
muôn loài, muôn vật. Tiếng đàn của Xiên Căn còn làm rung động cả mặt trời, mặt
trăng.
Tiếng đàn của Xiên Căn thánh thót trầm bổng làm cho:
Hoa thêm sắc thắm
Cỏ cây xanh tươi
Gió bay nhẹ lướt
Mây lượn theo gió
Suối reo thì thầm
Lúa vàng đâm bông
Ngô vui bắp lớn
Cỏ cây xanh tươi
Gió bay nhẹ lướt
Mây lượn theo gió
Suối reo thì thầm
Lúa vàng đâm bông
Ngô vui bắp lớn
Tiếng đàn của Xiên Căn cứ ngân vang mãi theo con suối, dòng
sông, vách núi, bìa rừng! Nó không bao giờ ngắt, cứ thánh thót, ấm áp với thời
gian, với cuộc sống của người Tày.
Quả nhạc
Quả nhạc được cấu tạo từ chất liệu đồng, trong có hạt để
khi lắc rung sẽ tạo ra âm thanh. Quả nhạc chủ yếu tạo ra tiết tấu, nhịp điệu và
thực hiện chức năng giữ nhịp, màu sắc.
Thanh la làm bằng chất liệu đồng, đường kính của thanh
la khoảng 20-25cm, đánh bằng dùi gỗ. Nó góp phần tạo ra không khí sôi động.
Trống loại nhạc cụ gõ có vai trò quan trọng trong việc
thể hiện những điệu múa vui, sôi động hoặc lao động, chiến đấu.
Chiêng (Cồng) là loại nhạc cụ gõ bằng đồng, thường sử dụng
trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng như hội xuân, hội Lồng tồng. Trong Then ít
dùng chiêng (cồng).
Hướng dẫn sử dụng đàn Tính cho thế hệ trẻ.
Đàn Tính - Nhạc cụ độc đáo của người Tày
Hoàng Nam
Cây đàn Tính (còn gọi là Tính tẩu) là loại nhạc cụ tiêu biểu
của đồng bào dân tộc Tày.
Đàn Tính là loại đàn dây, gồm ba bộ phận chính: bầu đàn, cần
đàn và dây đàn. Để có được cây đàn Tính hay, quan trọng nhất phải tìm được bầu
đàn tốt. Bầu đàn làm bằng nửa quả bầu khô.
Cần chọn quả bầu già, tròn đều, vỏ không bị nám hoặc lồi lõm
thì đàn mới có âm vang chuẩn. Cần đàn được làm bằng gỗ, thẳng và nhẹ, một đầu
xuyên qua bầu đàn, đầu còn lại uốn cong hình lưỡi liềm.
Chế tác đàn Tính đòi hỏi người thợ phải kiên trì,
có đôi bàn
tay khéo và hiểu biết về đàn Tính.
Cần đàn càng dài thì độ vang càng lớn. Đàn Tính thường có 3
dây được làm bằng tơ se, tượng trưng cho cha, mẹ và đất nước. Ngày nay, hầu hết
các hoạt động văn hóa của người Tày như: cưới xin, mừng thọ, liên hoan văn nghệ
và đặc biệt là hát Then… đều có sự xuất hiện của cây đàn Tính.
Đêm hội Cầu Trăng kết thúc khi mẹ trăng lên đứng giữa đỉnh đầu.
Lễ hội Cầu Trăng của tộc người Tày, Hà Giang
TH-Cinet-DTV
Lễ hội Cầu Trăng là ngày vui nhất của bà con dân tộc Tày (Hà
Giang). Bà con dân bản từ già, trẻ, gái, trai đều đến tham gia đông đủ, họ dâng
các sản vật, khấn mời mẹ Trăng xuống hạ giới nghe những tâm tư, tình cảm của
người dân sau một năm siêng năng làm lụng…
Với khoảng trên 160.000 người, chiếm 25% dân số trong tỉnh Hà
Giang, người Tày sinh sống rải rác ở các huyện, thành phố trong tỉnh nhưng tập
trung đông nhất là ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Bắc Mê. Ngoài
các câu truyện kể dân gian truyền miệng, các làn điệu lướn, đối đáp, giao duyên
dân tộc Tày còn có nhiều lễ hội độc đáo. Trong đó phải kể đến Lễ hội Cầu trăng.
Lễ hội cầu Trăng được tổ chức đúng ngày Rằm tháng Tám, lễ hội
gồm hai phần là phần lễ và phần hội.
Mở đầu phần hội là các màn múa vòng quanh bàn lễ đặt ngoài Trời.
Tiếp đến, dân bản thi nấu các món ẩm thực truyền thống (cơm lam, xôi ngũ sắc, mắm
thịt lợn, mắm cá chép, trám muối, măng muối…); chơi các trò chơi dân gian; quây
quần ngồi uống rượu, thưởng thức các món ẩm thực vừa chế biến. Hòa quyện vào
men rượu thơm nồng, ngây ngất, họ cùng nhau múa, hát với giai điệu mượt mà, đằm
thắm, chan chứa tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi hạnh phúc lứa đôi…
Đêm hôm sau, đúng vào ngày rằm tháng tám, khi mẹ trăng lên khỏi
đỉnh núi và bắt đầu tỏa sáng xuống bản làng, tất cả bà con tập trung ở sân. Lúc
này, thầy cúng tiến hành cúng thổ công và các thần linh, các nghệ nhân cúng tế
múa vòng quanh dàn cúng khi khai hội đón trăng.
Đặc biệt trong bài ca cúng tế thần mặt trăng có bài “Mổ Lùng
Hai” hay còn gọi là (Nàng Hai) với nội dung là mời thần mặt trăng xuống trần
gian để bà con được trình bày về những việc đã làm trong năm, những diễn biến của
thiên nhiên đối với đời sống lao động sản xuất của họ, đồng thời bày tỏ tâm tư
nguyện vọng với “Nàng Hai” cầu xin cho mưa thuận, gió hòa; xua đuổi thú giữ phá
phách, nhốt chặt những con sâu, con bọ có hại, xin tiếp những hạt giống tốt để
mùa màng trong năm tới tiếp tục được bội thu; người người xin tránh được những
tai ương bệnh tật…
Đêm hội cầu trăng kết thúc khi mẹ trăng lên đứng giữa đỉnh đầu,
cả bản lưu luyến làm lễ tiễn mẹ trăng về trời, sau đó họ lại tiếp tục ngân nga
trong câu hát then, hát cọi có sức lôi cuốn con người đến kỳ lạ. Kết thúc buổi
lễ, già làng sẽ phát các hạt giống cho con cháu, cầu cho tất cả bà con một năm
mới gieo trồng gặp thuận lợi, mùa màng bội thu, dân bản no ấm. Thông qua việc tổ
chức lễ hội cầu trăng, bà con dân tộc Tày còn truyền dạy cho con cháu của mình
lòng tự hào, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc của dân
tộc.
Lễ hội Cầu Trăng là phần nghi lễ rất độc đáo, có tính hướng
thiện và tính giáo dục rất cao trong cộng đồng người Tày. Khi đến với lễ hội cầu
trăng, không chỉ được nghe hát những làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian, mỗi
du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống của bà con dân tộc
Tày như cơm lam, các món rau rừng, mắm thịt lợn, mắm cá chép ruộng, trám muối,
xôi ngũ sắc, măng chua, trám đen chấm với muối vừng.
Chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết
Độc đáo Tết của dân tộc Tày, Hà Giang
TH-Cinet-DTV
Bản sắc văn hóa phong tục tập quán ngày Tết của người Tày ở
Hà Giang mang đậm nét nhân văn sâu sắc về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tình thân
yêu thương đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.
Với khoảng trên 160.000 người chiếm 25% dân số tỉnh Hà Giang,
người Tày sinh sống rải rác ở các huyện thành phố nhưng tập chung đông nhất ở
các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị xuyên, Bắc Mê. Họ quan niệm một năm làm lụng
vất vả ngày Tết là ngày mọi người đến chơi thăm hỏi nhau cùng nhau chung vui.
Vì vậy, vào ngày này, gia đình nào cũng có một con lợn để ăn Tết.
Ngày 30 Tết bếp được gia đình quét gọn, sạch sẽ. Ngày đó mới
được nhấc kiềng ra khỏi vị trí để xúc hết tro bụi cũ ra khỏi bếp. Gác bếp được
quét sạch bò hóng, đồng thời treo thịt lợn ướp muối, phải có thủ lợn treo ở giữa
gác bếp. Trong ngày đó bếp phải có 1- 2 đoạn củi gộc, loại gỗ cứng, tươi càng tốt.
Gỗ ước chừng cháy đến Rằm tháng Giêng, đấu gỗ vào nhau và nhóm lửa ngay để lấy
may năm mới sắp đến, đuổi cái xấu đi. Người ta cho rằng trong 15 ngày đầu Xuân,
nếu như lửa trong bếp mà tắt thì nhiều cái xấu đến với gia đình. Trong tháng Tết
cổ truyền, đặc biệt là từ mùng một đến Rằm tháng Giêng không được nói tục,
không được làm những việc xấu, nói xấu người khác, Nếu ai không kiêng được thì
năm đó hay ốm đau, mùa màng thất bát, chăn nuôi thiệt hại.
Bàn thờ ngày Tết của người Tày được trang trí hai bên là hai
cây mía buộc lá kết vào nhau bằng từng khoanh giấy đỏ, thêm một cành đào, một
đĩa quả, rượu, gần đến giao thừa bánh chín mang bánh lên thắp hương tổ tiên.
Đêm giao thừa mọi người đều thức để đón thời khắc giao thừa
chờ gà gáy. Người Tày quan niệm rằng ai thức trước gà sẽ thông minh sáng dạ
nhanh nhẹn, biết tính toán làm ăn no đủ. Do đó ai cũng muốn đón những điều tốt
lành ngay từ giờ phút đầu của năm mới. Giao thừa nhà nào cũng mang ống đi lấy
nước mới. Khi đi lấy nước người ta thường mang theo ba nén hương đến cắm bên cạnh
máng nước nói với thần nước để xin nước mới và khi lấy nước về phải đun ngay một
ấm pha chè đặt lên ban thờ mời tổ tiên uống nước. Sau đó cắt giấy đỏ dán vào cửa
nhà, chuồng châu, bò, lợn, gà và gián vào các nông cụ sản xuất…
Ngày Tết của dân tộc Tày không thể thiếu Lễ hội Lồng tồng.
Sáng mùng một Tết mọi người trong gia đình mặc quần áo mới và
ăn bữa cơm đầu tiên, khi đã ăn sáng xong mọi người đi chơi tết trước hết là con
cháu đến nhà ông bà nội, chúc ông bà mạnh khỏe và con cháu tự làm cơm, ăn tết
cùng ông bà, sau đó mới đi chơi các nhà hàng xóm trong bản, đi chơi tết cũng là
đi mời ông bà, anh em trong họ trong bản đến ăn bữa cơm đầu năm mới.
Những ngày này, thanh niên nam, nữ tụ tập rủ nhau đi chơi tết
tham gia các hoạt động vui chơi mà người dân trong bản tổ chức như đánh yến,
ném còn, đánh sảng, bắn nỏ kéo co… sau đó đến chơi các gia đinh và uống rượu
hát lượn trong mấy ngày tết.
Ngày mùng hai Tết là ngày ăn tết đầu năm. Từ lúc gà gáy mọi
người đã dậy để mổ gà khi làm thịt gà người ta thường rửa chân và đầu gà mang đến
trước bàn thờ hai tay ôm gà ngay ngắn lễ bàn thờ ba lễ khấn tổ tiên rồi cắt tiết.
Mâm cỗ phải đủ mười hai món tượng trưng cho mười hai tháng trong năm. Mâm cỗ được
sắp xếp theo thứ tự ông bà, cha mẹ, chú bác ngồi mâm gần bàn thờ nhất sau đó mới
đến con cháu. Chủ nhà mời mọi người ăn tết con cháu rót rượu vào đĩa quỳ dâng
rượu. Trong bữa cơm tết con cháu lần lượt quỳ lậy ông bà, cha mẹ người trên và
chúc lại con cháu những lời tốt đẹp động viên con cháu ngày đầu xuân năm mới. Mừng
tuổi cho người già trẻ con đến nhà chơi là vài nghìn tiền lẻ hoặc đôi bánh
trưng. Con cháu hát mừng tuổi, ca tụng công ơn ông bà cha mẹ người trên. Ông bà
cha mẹ cũng hát đối lại để động viên con cháu có hiếu biết kính trọng thương
yêu ông bà cha mẹ.
Chiều ngày mùng ba Tết nhà nào cũng mổ gà làm mâm cơm tiễn tổ
tiên chở về cõi âm, còn gọi là hóa vàng. Đến ngày mùng bốn Tết nhà nhà bắt đầu
mang lễ ra ruộng cúng thần linh, thần đất, thần nước. Chủ gia đình cuốc cày đầu
năm để lấy ngày, đó là tục lệ khai xuân xuống đồng đặc trưng của người Tày vẫn
thường được diễn ra vào dịp đầu năm còn gọi là lễ hội Lồng tồng.
Đến rằm tháng riêng người Tày lại mổ gà, lại gói bánh trưng
ăn tết vào ngày 13, 14. Lễ cúng rừng vào ngày 30 tháng 2, hết ngày cấm của lễ
cúng rừng, cúng thần nước thì mới được coi là hết Tết. Cứ thế, năm này qua năm
khác, đón Tết của dân tộc Tày ở Hà Giang cứ tồn tại qua hết đời này sang đời
khác.
Lễ khao tổ là dịp để người giáo dục
thế hệ trẻ nhớ tới cội
nguồn của gia đình, dòng họ.
Lễ khao tổ của người Tày, Lạng Sơn
TH-Cinet-DTV
Lễ khao tổ là dịp để người Tày (Lạng Sơn) ôn lại nét đẹp
trong phong tục của dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ nhớ tới cội nguồn của gia
đình, dòng họ, đồng thời thể hiện tính nhân văn, tính cộng đồng…
Đối với mỗi người dân Việt Nam, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”
từ lâu đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong tâm thức lối sống của mỗi gia
đình, dòng họ. Tuy nhiên sự đa dạng về văn hóa vùng miền, mỗi dân tộc lại thể
hiện đạo lý ấy ở những nghi lễ khác nhau. Với người Tày ở Lạng Sơn họ chọn tổ
chức lễ khao tổ. Đây là một tục lệ được lưu truyền từ xa xưa của dân tộc Tày, vừa
chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống lại vừa mang nét văn hóa tộc người rất đặc
sắc.
Lễ khao tổ có thể được tổ chức vào bất cứ tháng nào trong
năm, tuy nhiên vào dịp cuối năm, khi Tết đến xuân về, công việc đồng áng đã
xong xuôi là thời điểm thích hợp nhất để làm lễ.
Phần chuẩn bị cho lễ khao tổ khá đơn giản, gia chủ chỉ cần
chuẩn bị một mâm thánh gồm rượu và gạo.
Người chủ trì buổi lễ là một pháp sư. Trước khi vào nghi lễ
chính, pháp sư cúng để mời thầy thánh của mình về chứng giám buổi lễ. Sau đó,
pháp sư tiếp tục thực hiện các bài cúng để mời tổ tiên của gia chủ. Thường lễ
khao tổ sẽ mời tổ tiên chín đời của gia chủ gồm cả nội, ngoại. Trong quá trình
“đi mời tổ tiên” về, pháp sư sẽ thực hiện một cuộc trò chuyện dài với tổ tiên của
gia chủ từ đời thứ nhất tới đời thứ chín.
Khi pháp sư mời được tổ tiên về tới gia đình của gia chủ. Đến
phần này, con cháu trong gia đình phải lập một bàn thờ tổ tiên, bàn thờ được dựng
lên có năm cây bói (cây lau) cột xung quanh, được che bằng một tấm vải trắng,
tượng trưng cho việc con cháu đã chuẩn bị một buồng khách trang trọng dành cho
tổ tiên của mình. Bên trên bàn thờ vẫn là bát hương, rượu và cơm nếp được gói
thành gói riêng. Chiếc bàn này dành cho tổ tiên chín đời nội ngoại của gia chủ.
Phía dưới bàn là một mâm dành cho người dẫn đường chỉ lối cho tổ tiên vào nhà.
Hai mâm bên dưới là mâm nội ngoại của gia chủ, được trải trên
tàu chuối, phía bên trái là mâm bên ngoại, bên phải là mâm bên nội và mâm của mụ
sinh, mâm nào cũng có rượu và cơm nếp. Phía bên ngoài có một mâm dành cho người
canh gác để buổi lễ được diễn ra an toàn, ngoài sân một mâm che ô dành cho những
khách vãng lai tới xem buổi lễ. Lúc này pháp sư tiếp tục cúng để báo cáo lại với
tổ tiên con cháu đã đặt mâm đúng vị trí không phạm tới tổ tiên, mọi vị trí đều
đã được tẩy uế sạch sẽ, mời tổ tiên về nhận lễ.
Sau đó là lễ trao sinh, tức là mời tổ tiên nhận lễ con cháu
dâng. Lễ này gồm gà, lợn sống, được tiến hành ở cả hai không gian trong nhà và
ngoài sân, song song với việc cúng của pháp sư, con cháu ở ngoài sân chuẩn bị
hành lễ cắt tiết gà, lợn.
Những người được chọn để hành lễ phải được kiêng cữ từ vài
ngày trước khi buổi lễ diễn ra. Khi pháp sư thực hiện nghi lễ cúi đầu tức là
xin tổ tiên nhận lễ, sau đó ra hiệu cho con cháu bên ngoài hành lễ.
Khi mời tổ tiên dùng lễ chín gồm gà luộc, pháp sư sẽ dùng lời
lẽ trong bài cúng của mình để mong tổ tiên hiểu tấm lòng con cháu. Lúc này pháp
sư đứng lên thực hiện nghi lễ, gia chủ đứng phía sau để rót rượu mời tổ tiên.
Sau những lời thỉnh cầu và mời, pháp sư sẽ làm lễ tiễn tổ
tiên. Nghi lễ tiễn gồm một con gà tượng trưng cho quà đi đường về của tổ tiên.
Khi con gà được tung ra bên ngoài sân là tổ tiên cũng đã lên đường hành trình
đi về. Nghi lễ tiễn tổ tiên kết thúc là lúc các đồ lễ sống được mang xuống bếp
để chế biến, sau đó dọn ra mâm để mọi người cùng thụ lộc, cầu may mắn.
Khi những bông lúa vụ mùa chuyển màu óng ả,
khoe sắc trên
nương, bà con dân bản Tày lại
cùng nhau tổ chức bày tiệc làm lễ mừng được mùa
lúa.
Tết lúa mới ở bản Tày, Cao Bằng
TH-Cinet-DTV
Tết lúa mới là một tục lệ lớn không thể thiếu trong sinh hoạt
văn hoá của người Tày ở Trung Khánh (Cao Bằng).
Theo phong tục của người Tày, vào khoảng thời điểm tháng tám
âm lịch, trời đất bắt đầu chuyển giao giữa tiết bạch lộ và thu phân. Đó cũng là
lúc những bông lúa vụ mùa chuyển màu óng ả, khoe sắc trên nương, bà con dân bản
lại cùng nhau tổ chức bày tiệc làm lễ mừng được mùa lúa mới để cúng giàng, cúng
tổ tiên. Lễ cúng chính là lòng thành kính của con người đối với đất trời, gửi gắm
ước nguyện no ấm vào tương lai…
Theo người dân nơi đây kể lại về nguồn gốc của lễ mừng lúa mới:
Thủa xưa có hai anh em trai nhà nghèo khó, cha mẹ lại già yếu. Người dân bản để
có cái ăn, quanh năm họ chui rúc trong rừng sâu, bới đào rễ củ trong rừng về
ăn. Cuộc sống của họ vẫn cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi cha mẹ hai chàng trai
mất vì đói. Hai anh em nhà nọ cũng đã trưởng thành. Thấy dân làng quanh năm
nghèo khổ, chẳng bao giờ đủ ăn. Họ quyết định đi xa tìm thứ khiến cuộc sống no
đủ hơn chú không thể chết dần trong cảnh đói nghèo.
Lễ vật dùng để chuẩn bị cho lễ cúng không thể
thiếu một bát
nước đã được đun chung với ba bông lúa non.
Sau hơn một năm thì họ trở về với bản làng. Họ hồ hởi cho biết
đã được “người trời” cho một thứ ngũ cốc ngon hơn ngô mà “người trời” hay ăn.
Đó là những hạt lúa. Những hạt lúa nảy mầm rồi ra bông, kết hạt. Người Tày từ
ngày đó nhờ hạt lúa làm ấm bụng cũng chẳng còn lo đói nữa. Để ghi nhớ điều kỳ
diệu này, mỗi năm bản làng người Tày đều chọn ngày thìn trước mùa lúa gặt về bồ
để tổ chức mừng lúa.
Lễ vật dùng để chuẩn bị cho lễ cúng trong mâm cỗ người Tày
không thể thiếu một bát nước đã được đun chung với ba bông lúa non được lấy về
từ ruộng mảnh ruộng mầu mỡ nhất của gia đình. Bởi bà con quan niệm rằng, uống
nước này tương lai sẽ không bao giờ đói khát và tránh được mọi tai họa ập đến.
Sau khi trình lên bàn thờ tổ tiên, khai bữa cơm gia đình, mọi thành viên sẽ uống
ngụm nước đó để tượng trưng cho bữa cơm bằng lúa mới thu hoạch.
Tiếp đến, những món ăn đi kèm là canh mướp ngọt, ốc đồng,
khoai sọ, cũng với quan niệm cho rằng, về đời sau con cái được no ấm, hiếu thảo,
thậm chí là đuổi được tà ma.
Mâm cỗ cúng mừng lúa mới của người Tày ở Cao Bằng.
Ngày này vui nhất có lẽ là đám trẻ con, bởi ai ai cũng được mặc
quần áo mới, được làm những chiếc khèn bằng những cọng rơm, loa “khuếch đại” âm
thanh bằng những bẹ măng, chúng thi nhau làm khèn để kêu to và vang xa nhất.
Ngày tết này trong bản rất vui, nhà nào cũng rộn rã, không khi nào ngưng tiếng
kèn.
Những chiếc khèn chỉ có giá trị duy nhất trong ngày này vì
người địa phương quan niệm rằng thổi kèn sớm quá lũ chuột nghe thấy sẽ phá hoại
mùa màng. Lúc này đây là thời điểm thích hợp để tấu lên những bản nhạc báo hiệu
mùa màng đã tốt tươi, chuẩn bị tinh thần để thu hoạch, bước vào mùa vụ sản xuất
mới.
Tết lúa mới được kéo dài đến tận buổi chiều muộn. Người già,
trẻ chăn trâu ai cũng nô nức tìm lên rừng làm ồ lô rồi đuổi trâu về chuồng sớm
để tranh thủ kịp bữa cơm mừng Lúa mới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét