Lễ trấn trạch của người Tày ở Bắc Kạn
Theo quan niệm của người Tày (Bắc Kạn), thực hiện Lễ cúng trấn
trạch sẽ giúp xua đuổi tất cả ma quỷ, giúp cho những thành viên trong gia đình
yên tâm làm ăn.
Bên cạnh Lễ cúng cơm mới, Lễ cúng thần thổ địa… thì Lễ cúng
trấn trạch là một nghi lễ quan trọng của người Tày. Sau khi làm nhà mới xong, bất
cứ gia đình người Tày nào cũng phải làm Lễ trấn trạch. Họ cho rằng, lễ cúng này
sẽ giúp xua đuổi tất cả ma quỷ, giúp cho những thành viên trong gia đình yên
tâm làm ăn.
Ngôi nhà không đơn thuần chỉ là nơi cư trú mà còn là nơi chứng
kiến sự ra đời, trưởng thành và mất đi của mỗi người. Cũng bởi sự gắn bó khăng
khít của ngôi nhà với chu kỳ đời người cho nên Người Tày chuẩn bị rất chu đáo,
kỹ lưỡng cho nghi lễ này.
Trong mâm lễ vật không thể thiếu món xôi trứng kiến
là một
trong những đặc sản của người Tày
Để chuẩn bị cho buổi lễ, từ rất sớm, các thành viên trong nhà
cùng nhau sửa soạn các vật dụng làm Lễ trấn trạch và nấu những món ăn truyền thống
cho lễ cúng. Bánh dầy là lễ vật không thể thiếu trong những dịp này. Từ công đoạn
giã cơm nếp quyện sánh cho tới nặn bánh đều được làm cẩn thận. Trong mâm lễ vật
không thể thiếu món xôi trứng kiến là một trong những đặc sản của người Tày.
Người Tày sắp xếp mâm cúng theo thứ tự: mâm cao nhất là mâm của
tổ tiên, tiếp đến là mâm thầy then rồi đến mâm thánh. Trong khi thầy cúng làm lễ,
con cháu trong nhà tập trung quây quần cùng cầu mong những điều tốt đẹp. Họ cảm
ơn tổ tiên đã phù hộ độ trì, ước mong xua đuổi được tà ma để có cuộc sống no ấm.
Những lá sớ sẽ được dán vào 4 cây cột tương ứng với 4 hướng
trong nhà. Thầy cúng giơ lệnh bài trước những lá sớ rồi đem đi đốt. Điều này
khiến ma quỷ trong nhà không còn nơi trú ngụ.
Lễ trấn trạch còn là dịp để chủ nhà cảm ơn những người thân
trong gia đình đã giúp đỡ họ hoàn thành ngôi nhà.
Bên cạnh lễ trấn trạch, nghi lễ lên nhà mới của người Tày với
còn một số nghi lễ sau:
Mang nước lên nhà: Theo tập quán của người Tày thì bà ngoại
“nai”, bà nội “gia” hoặc người vợ “mi” sẽ là người đầu tiên xông nhà mới và
mang ống nước lên dội vào bốn cột cái để cầu cho sau này làm ăn sinh sống sẽ
mát mẻ, thuận lợi.
Mang lửa lên nhà: Ông nội “pú” hoặc chồng “pù” cầm bó đuốc, cầm
củi lửa lên đốt ở gian giữa nhà dưới tấm vải đỏ. Họ còn cầm theo bốn gói muối đặt
ở bốn góc của đống lửa, dúm thóc đặt vào 8 góc của ngôi nhà. Ý nghĩa của việc
mang thóc lên nhà mới với hàm ý no đủ, mùa màng tốt tươi, nó còn là nơi giữ “vía”
của chủ gia đình khi đặt lên các cột. Lửa được đốt liên tục trong ba ngày ba
đêm không để tắt, giữ cái đỏ may mắn trong nhà.
Đốt pháo ăn mừng và dán giấy đỏ: Dựng xong nhà mới, người Tày
có phong tục đốt pháo ăn mừng nhà mới, thể hiện sự vui sướng, phấn khởi của tất
cả mọi người. Họ còn treo vải đỏ ở cửa ra vào và dán giấy đỏ ở hai bên cửa thể
hiện sự may mắn, vui mừng của gia chủ.
Rước bát hương lên bàn thờ nhà mới: Thời gian rước bát hương
phải diễn ra trước khi mặt trời lặn thì sẽ không bị mất hết những may mắn, phát
tài, phát lộc. Khấn xong mang bát hương đặt lên bàn thờ mới thì các thủ tục lên
nhà mới của người Tày đã xong.
Sau khi các nghi lễ lên nhà mới kết thúc, gia chủ mời anh em,
họ hàng cùng vào mâm ăn cỗ mừng nhà mới. Những ai biết hát thì vừa uống rượu vừa
hát các bài hát dân ca kể về quá trình dựng nhà mới: từ khi đeo bao dao đi tìm
cây gỗ về dựng nhà, đi lên rừng tìm rau về làm món ăn… Không khí đón mừng nhà mới
đông vui náo nhiệt lan ra khắp cả bản, những anh em ở xa cùng về dự đông đủ. Bởi
thế, Lễ trấn trạch của người Tày, ngoài ý nghĩa xua đuổi tà ma, còn là dịp để
chủ nhà cảm ơn những người thân trong gia đình đã giúp đỡ họ hoàn thành ngôi
nhà và thắt chặt tình đoàn kết trong gia đình.
Lễ mừng thọ của người Tày ở Cao Bằng.
Lễ mừng thọ – nét đẹp trong văn hóa
của người Tày ở Cao Bằng
TH-Cinet-DTV
Lễ mừng thọ cho người cao tuổi là dịp để con cháu thể hiện sự
tôn kính với các bậc cao niên được thực hiện với nghi thức tôn nghiêm, trang trọng,
mang bản sắc văn hóa và tín ngưỡng của từng dân tộc trên mảnh đất hình chữ S.
Cũng như nhiều dân tộc khác, người Tày miền Đông Cao Bằng
quan niệm trong vũ trụ luôn tồn tại cõi âm và cõi dương. Cõi dương hiện hữu,
cõi âm vô hình nhưng lại có tác động đến đời sống tâm linh của con người. Bản
thân con người luôn tồn tại phần xác và phần hồn, vía mà người Tày gọi là
“khoăn”. Đàn ông có 7 khoăn, đàn bà có 9 khoăn, người có 30 vía đằng trước, 50
vía đằng sau, 12 vía giữ thân. Theo tâm thức, sở dĩ con người sống được là do
khoăn hội tụ đủ trong người, khi bịch gạo hồn ở trên trời còn đầy, cây mệnh
xanh tươi, cầu mệnh vững chắc. Theo vòng quay can tri, cứ 12 năm quay trở lại
năm tuổi. Thông thường đến tuổi 49 con người bắt đầu có biểu hiện của tuổi già
như hay đau ốm, mắt mờ, hay gặp vận hạn… Tức là lúc đó bịch gạo hồn đã vơi, cây
đã bị úa, cầu mệnh đã bị mục. Nên người ta tổ chức lễ mừng thọ mà người Tày gọi
là “Pú lường” tức bù lương cho bịch gạo hồn được đầy trở lại, trồng cây mệnh
xanh tươi, bắc lại cầu mệnh vững chắc. Người ta làm lễ để trình lên Ngọc Hoàng,
Nam Tào, Bắc Đẩu gia hạn thêm cho người được làm thọ sống lâu, sống vui.
Lễ mừng thọ của người Tày nơi đây thường được tổ chức vào những
ngày đầu xuân. Buổi lễ được tổ chức bắt đầu từ 0 giờ, nhưng ngay từ chiều tối,
nhà đã tấp nập từ trẻ già lớn bé. Con cháu, họ hàng mỗi người mang theo một con
lợn quay, một gánh có đầy đủ gạo, thịt, rượu… Những tấm chướng bằng vải màu của
con cháu mang đến mừng thọ được treo trang trọng quanh nhà. Ở mỗi tuổi làm thọ,
tấm chướng được chọn màu và viết nội dung cho phù hợp: 49 tuổi ghi chữ phúc, nếu
thọ 61 ghi chữ thọ, 73 ghi chữ khang, và tuổi 85 ghi chữ ninh. Người nào đạt đến
tuổi này là đã hội đủ 4 chữ phúc, thọ, khang, ninh trong người.
Đúng 0 giờ, thầy Tào bắt đầu hành lễ. Trước tiên, thầy Tào
trình báo lên tổ tiên, các vị thần về lý do buổi lễ, cúng các cỗ vật lên tổ
tiên. Sau đó một người trong gia đình đi lên rót rượu, thắp hương vái lạy. Hành
động này kết thúc việc trình báo, đã mời được tổ tiên về chứng giám cho buổi lễ.
Tiến trình hành lễ bắt đầu từ giải hạn. Thầy Tào, Pựt, đọc những
lời ca, bài hát. Sau mỗi khúc hát của Tào, Pựt, một người lại đi lên rót rượu
và thắp hương. Những lời ca đều mang nghĩa tập hợp binh mã, chép lễ và hành
trình dâng lên trời. Trong chuyến đi này, đoàn quân phải trải qua nhiều chặng từ
khi chuyển lương xuống thuyền, qua chặng nào cũng dâng vàng mã, xin các thần
cho qua. Khi đã đến được chốn vua Ghi – vị vua trông coi hoạn nạn trên trời,
đoàn xin vua giải hạn cho gia chủ mọi bề bình yên. Trong quá trình cống vật,
đoàn phải trải qua 12 cửa lầu môn trình cả mẹ Sử thả vía cho người được làm thọ,
đổi số cho đương sự được an khang, trường thọ, tống tà quỷ ra khỏi nhà.
Giải hạn xong, thầy bắt đầu “Gọi hồn” của cả gia đình. Túi áo
hồn của gia đình được đặt sát mâm của thầy Tào, Pựt theo thứ tự từ cha, mẹ,
con, cháu. Pựt sẽ gọi hồn vía (tức khoăn) đã siêu tán đi nơi khác trở về nhập
vào thân xác. Sau khi gọi hồn cả gia đình, Pựt gọi “khoăn” của người được làm
thọ. Động tác gọi “khoăn” làm 3 lần, đồng thời sóc tấm thẻ. Nếu 2 thẻ cùng ngửa
thì thu được hồn về, nếu một sấp một ngửa thì hồn vẫn thất tán, phải làm lại đến
khi hai thẻ cùng ngửa mới thu được khoăn về.
Sau phần hát gọi hồn, thầy Tào tiếp tục chỉ đạo chuyển lương.
Con cháu họ hàng ngồi xếp hàng đối diện, từ thúng gạo của con cháu trải một tấm
vải trắng trên lớp vải đen dẫn đến lầu bổ lương tượng trưng cho chiếc cầu nối từ
hạ giới lên thiên đình. Trên mặt vải đặt những chiếc đũa xếp hình chữ chi cùng
vàng mã tượng trưng là thanh cầu và tiền hành lộ. Thầy xúc từng bát gạo ra bát
đem theo vàng mã và ít tiền lẻ rồi làm niệm chú và được cho con cháu truyền tay
nhau đổ vào lầu bổ lương. Khi bịch gạo hồn đã đầy, số gạo dư trong thúng lẫn những
đồng tiền sẽ được thầy Tào, Pựt ban lại cho con cháu coi như lộc của ông bà,
cha mẹ.
Còn chiếc lầu bổ lương được 1 người con trong gia đình đưa
lên buộc vào cây thượng lương ở trên gác. Còn ở dưới, Tào, Pựt cũng hát những
khúc hát chúc tụng tốt đẹp cầu mong cho đương sự mọi điều an hòa, trường thọ,
con cháu vui vầy. Sau khi mọi nghi thức trong nhà đã xong xuôi, 2 người được thầy
chọn đem hai cây tre, cây chuối tượng trưng cho hai cây mệnh đưa ra ngoài vườn,
chọn nơi đất tốt, trồng và rào chắn cẩn thận để cây mọc lên xanh tươi. Tại đây,
người ta cũng rót rượu, thắp hương để báo cáo việc mình làm.
Việc mừng thọ không chỉ biểu lộ về lòng kính trọng, biết ơn đối
với ông, bà, cha, mẹ, mà còn là lúc để con cháu nhìn lại bản thân xem mình đã
làm gì để cha mẹ ông bà tự hào, lấy đó làm niềm vui sống lâu, sống khỏe với con
cháu.
Mừng thọ cho người cao tuổi đối với người Tày nói riêng và
các dân tộc nói chung là một truyền thống có từ lâu đời, nó không chỉ thể hiện
nền nếp, gia phong của một gia đình mà còn mang ý nghĩa về văn hóa dân tộc đó.
Chữ Nôm Tày.
Đôi nét về Chữ Nôm của dân tộc Tày, Bắc Kạn
TH-Cinet-DTV
Ngoài những nét đặc trưng tiêu biểu về phong tục tập quán, một
số tộc người ở Bắc Kạn còn có chữ viết riêng, trong đó phải kể đến chữ Nôm của
dân tộc Tày.
Là một tỉnh miền núi, Bắc Kạn có nhiều dân tộc cùng sinh sống,
trong đó dân tộc Tày chiếm 53%. Cộng đồng người Tày ở Bắc Kạn sống rải rác ở khắp
các huyện, thị. Trong đời sống hàng ngày, họ sử dụng tiếng Tày là chủ yếu, còn
chữ Nôm rất ít khi sử dụng mà chỉ dùng trong các lễ cúng bái hay trong các truyện
thơ, ca dao, tục ngữ.
Chữ Nôm Tày là một sáng tạo tập thể của nhiều thế hệ trí thức
người Tày, được ra đời từ khoảng thế kỷ XV-XVI, phát triển mạnh trong thời kỳ
nhà Mạc cát cứ ở Cao Bằng và tồn tại đến ngày nay. Cũng như những dân tộc khác
đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, cư dân Tày Bắc Kạn từ lâu đời đã biết sử
dụng hệ thống ký tự chữ Hán để ghi âm Tày và được các nhà nghiên cứu gọi là chữ
Nôm Tày.
Về loại hình, chữ Nôm Tày là chữ khối vuông, thuộc thể loại
chữ tượng hình, kế tục và phát triển từ chữ Hán của dân tộc Hán ở phương Bắc.
Vì vậy trong cách viết, chữ Nôm Tày phải tuân thủ trình tự, cách thức viết của
chữ Hán là trên trước, dưới sau; trong trước, ngoài sau; trái trước, phải sau;
viết từ trái sang phải, từ trên xuống dưới (theo hàng dọc); sử dụng bộ thủ chữ
Hán để nhận biết ngữ nghĩa, mặt chữ.
Chữ Nôm Tày được viết trên giấy bản do người dân địa phương tự
sản xuất (tiếng Tày gọi là chỉa sla). Khi viết dùng bút lông thấm mực tàu tay
đưa đều ngọn bút trên giấy viết tạo thành nét thanh, nét đậm. Muốn viết chữ đẹp
phải khổ luyện sao cho tay viết vừa mềm mại, vừa rắn rỏi, nét chữ lúc thanh,
lúc đậm, chữ viết vuông vắn, cân xứng, đều đặn.
Người Tày quan niệm đây là chữ của “thánh hiền” nên khi viết
phải cung kính, tư thế ngay ngắn, sách vở để trong rương, trong hòm như những vật
quý trong gia đình. Chữ Nôm Tày có cấu tạo tương tự như chữ Nôm Việt. Trong chữ
Nôm Tày có hiện tượng sử dụng những chữ Hán Việt, giữ nguyên nghĩa gốc nhưng đọc
theo âm tiếng Tày. Ví dụ như chữ Hoàng đọc theo âm Hán Việt có nghĩa là hoàng đế,
đọc theo Nôm Tày là “vuồng”.
Tuy nhiên, chữ Nôm Tày cho đến nay vẫn chưa hình thành bộ chữ
thống nhất, có những chữ cùng âm, cùng ngữ nghĩa lại có nhiều tự dạng khác
nhau. Điều này là do trong điều kiện trước đây chữ Nôm Tày được lưu hành thông
qua truyền dạy trực tiếp và sao chép thủ công nên đã có nhiều biến thể. Có nhiều
chữ khi viết được người viết giản lược nét, viết tắt, viết thảo (lối viết
nhanh, liền nét, chỉ giữ một số nét trọng tâm trong chữ) nên nếu không có một
trình độ nhất định về chữ Hán thì không thể đọc được văn Nôm Tày.
Chữ Nôm Tày được dùng để ghi chép nhiều nhất trong sách cúng
của các thầy Tào, ngoài ra còn được dùng để ghi chép các truyện thơ của người
Tày, sách hát lượn cọi. Do trước đây số lượng người biết chữ ít nên với những
sách ghi chép truyện thơ, tri thức dân gian muốn truyền tải đến người dân thường
phải thông qua một người sử dụng thông thạo chữ Nôm Tày ở địa phương.
Hiện nay, việc truyền dạy chữ Nôm Tày vẫn chủ yếu bằng phương
pháp “nhập tâm truyền khẩu” và người dân tộc thiểu số biết được chữ viết của
mình qua một số tác phẩm viết bằng tiếng dân tộc của những nhà văn, nhà thơ ở địa
phương, hay qua những câu lượn, lời cúng của thầy Tào. Vì vậy bảo tồn và phát
huy chữ Nôm của người Tày là một việc làm rất cần thiết đối với tỉnh Bắc Kạn,
nhất là khi chữ Nôm Tày vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc
gia.
Một thầy Tào đang khấn lễ bằng chữ Nôm Tày.
Bảo tồn chữ Nôm của dân tộc Tày tỉnh Bắc Kạn
Thu Trang
Chữ Nôm của dân tộc Tày tỉnh Bắc Kạn vừa được công nhận là Di
sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đó là một hệ thống chữ viết mang nét văn
hóa riêng, đặc sắc của dân tộc Tày ở Bắc Kạn. Tuy nhiên những người có thể đọc
thông, viết thạo chữ Nôm Tày còn rất ít. Vì vậy việc lưu giữ, bảo tồn hệ thống
chữ viết này là hết sức cần thiết.
Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, vùng cao, nơi quần tụ của nhiều
dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm 53% dân số toàn tỉnh.
Văn hoá của mỗi tộc người bao hàm nhiều yếu tố và chứa đựng những giá trị rất
riêng. Ngoài những nét đặc trưng tiêu biểu về phong tục tập quán, một số tộc
người ở Bắc Kạn còn có chữ viết riêng, trong đó có chữ Nôm của dân tộc Tày. Cộng
đồng người Tày ở Bắc Kạn sống rải rác ở khắp các huyện, thị trong toàn tỉnh.
Trong đời sống hàng ngày, họ sử dụng tiếng Tày là chủ yếu, còn chữ Nôm rất ít
khi sử dụng mà chỉ dùng trong các buổi lễ cúng bái hay trong các truyện thơ, ca
dao, tục ngữ.
Theo bà Hoàng Thị Hiền, Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa Thể
thao và Du lịch: Chữ Nôm Tày là một sáng tạo tập thể của nhiều thế hệ trí thức
người Tày, được ra đời từ khoảng thế kỷ XV – XVI, phát triển mạnh trong thời kỳ
nhà Mạc cát cứ ở Cao Bằng và tồn tại cho đến ngày nay. Cũng như những dân tộc
khác hiện đang sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, cư dân Tày Bắc Kạn từ lâu đời
đã biết sử dụng hệ thống ký tự chữ Hán để ghi âm tiếng Tày và được các nhà
nghiên cứu gọi là chữ Nôm Tày.
Về loại hình, chữ Nôm Tày là chữ khối vuông, thuộc thể loại
chữ tượng hình, kế tục và phát triển từ chữ Hán của dân tộc Hán ở phương Bắc.
Là thể chữ tượng hình, chữ khối vuông nên trong cách viết, chữ Nôm Tày cũng phải
tuân thủ trình tự, cách thức viết chữ của chữ Hán đó là: Trên trước, dưới sau;
trong trước, ngoài sau; trái trước, phải sau; viết từ trái sang phải, từ trên
xuống dưới (theo hàng dọc); sử dụng bộ thủ chữ Hán để nhận biết ngữ nghĩa, mặt
chữ.
Trang sách trong cuốn “Chải tinh kỷ hoa”
bằng chữ Nôm của dân
tộc Tày.
Chữ Nôm Tày được viết trên giấy bản do người dân địa phương tự
sản xuất (tiếng Tày gọi là chỉa sla), khi viết dùng bút lông thấm mực tàu tay
đưa đều ngọn bút trên giấy viết tạo thành nét thanh, nét đậm. Muốn viết chữ đẹp
phải khổ luyện sao cho tay viết vừa mềm mại, vừa rắn rỏi; nét chữ lúc thanh,
lúc đậm, chữ viết vuông vắn, cân xứng, đều đặn. Người Tày quan niệm đây là chữ
của “thánh hiền” nên khi viết phải cung kính, tư thế ngay ngắn, sách vở để
trong rương, trong hòm như những vật quý trong gia đình.
Chữ Nôm Tày có cấu tạo tương tự như chữ Nôm Việt. Trong chữ
Nôm Tày có hiện tượng sử dụng những chữ Hán Việt, giữ nguyên nghĩa gốc nhưng đọc
theo âm tiếng Tày. Ví dụ như chữ Hoàng đọc theo âm Hán Việt có nghĩa là hoàng đế,
đọc theo Nôm Tày là “vuồng”.
Tuy nhiên, chữ Nôm Tày cho đến nay vẫn chưa hình thành bộ chữ
thống nhất, có những chữ cùng âm, cùng ngữ nghĩa lại có nhiều tự dạng khác
nhau. Điều này là do trong điều kiện trước đây chữ Nôm Tày được lưu hành thông
qua truyền dạy trực tiếp và sao chép thủ công nên đã có nhiều biến thể. Có nhiều
chữ khi viết được người viết giản lược nét, viết tắt, viết thảo (lối viết
nhanh, liền nét, chỉ giữ một số nét trọng tâm trong chữ) nên nếu không có một
trình độ nhất định về chữ Hán thì không thể đọc được văn Nôm Tày.
Chữ Nôm Tày được dùng để ghi chép nhiều nhất trong sách cúng
của các thầy Tào, ngoài ra còn được dùng để ghi chép các truyện thơ của người
Tày, sách hát lượn cọi. Ông Hoàng Văn Phúc, sinh năm 1930, dân tộc Tày, ở thôn
Nà Coóc, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm là người còn lưu giữ được nhiều sách chép bằng
chữ Nôm Tày do người xưa để lại. Trong chiếc tủ đựng sách của mình, những quyển
sách chữ Nôm Tày được ông để ngay ngắn, cất giữ cẩn thận. Là một thầy Tào nên
ông thường sử dụng những quyển sách chữ Nôm Tày để cúng, làm lễ cho nhiều gia
đình ở địa phương. Nhiều quyển sách của ông qua bao năm tháng đã ngả màu, nhiều
trang không còn được phẳng phiu, nguyên vẹn. Nhưng trong mỗi quyển sách đều hàm
chứa một nét văn hóa độc đáo của người Tày, như quyển Sléc Tuổn (sách cúng sử dụng
trong lễ đầy tháng của dân tộc Tày); cuốn Sléc Chải, mo (sách cúng sử dụng
trong cầu yêu, giải hạn); Sléc Quét lườn (sách cúng vào nhà mới, giải uế, giải
hạn); Sléc truyện thơ Tần Chu (sách truyện thơ Tần Chu)…
Ông Hoàng Văn Phúc, dân tộc Tày ở thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố,
huyện Pác Nặm đang truyền dạy chữ Nôm Tày cho người con trai.
Ngồi bên ấm trà nóng, ông Phúc đọc những câu thơ trích từ
sách cúng của mình cho chúng tôi nghe:
…Slấn cỏi cụm hương lân sloong tuyền
Cụm thuổn tằng slị hiến nhình chài
Tu khỏi đẩy vạng lai pây tẻo
Nhờ ơn slấn hiếu liệu slương thâng…
Cụm thuổn tằng slị hiến nhình chài
Tu khỏi đẩy vạng lai pây tẻo
Nhờ ơn slấn hiếu liệu slương thâng…
Dịch nghĩa:
…Thần hãy phù trợ cho mọi nhà trong bản được song tuyền
Phù hộ cả nho sĩ, hiền tài, gái trai
Để tôi được đi lại chốn này
Nhờ ơn thần chiếu cố thương cho…
Phù hộ cả nho sĩ, hiền tài, gái trai
Để tôi được đi lại chốn này
Nhờ ơn thần chiếu cố thương cho…
Ông giải thích thêm, chữ Nôm Tày dùng trong các sách cúng về
âm đọc gần với âm đọc bằng tiếng Quan Hỏa trong các sách cúng của thầy Tào, nên
nếu không phải là thầy Tào thì không thể đọc và giải nghĩa được những văn bản
này. Ngược lại, chữ Nôm Tày dùng để ghi chép truyện thơ, hát lượn lại gần gũi với
ngôn ngữ thường ngày của tộc người Tày nên người nghe dễ hiểu hơn.
Nhấp một ngụm trà, đôi mắt nhìn xa xăm, ông Phúc buồn rầu cho
biết: Ngày nay còn rất ít người có thể đọc thông, viết thạo chữ Nôm Tày. Phần lớn
những người này đều đã cao tuổi, đặc biệt là những người làm nghề thầy cúng. Nếu
không có những biện pháp bảo tồn khẩn cấp thì trong vài năm nữa di sản này sẽ bị
thất truyền.
Do trước đây số lượng người biết chữ ít nên với những sách
ghi chép truyện thơ, tri thức dân gian muốn truyền tải đến người dân thường phải
thông qua một người sử dụng thông thạo chữ Nôm Tày ở địa phương. Như trong hát
lượn cọi, một người đọc các câu lượn trước để người hát theo đó ngâm sau, người
nhắc lời tiếng Tày này gọi là “slấy cá”, ở trong lượn slương cũng có người nhắc
lời như vậy. Thông qua những hình thức như thế này mà nhiều truyện thơ, thơ ca
dân gian được lưu truyền cho thế hệ sau. Để lưu giữ và bảo tồn chữ Nôm Tày, ông
Phúc cũng đã truyền dạy lại cho người con trai của mình là Hoàng Văn Lý, thi
thoảng hai cha con ông vẫn đi cúng cho những người dân trong bản.
Với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền
thống, Bắc Kạn đã có nhiều nỗ lực trong việc khôi phục và bảo tồn di sản văn
hoá trong đó có chữ viết của các dân tộc thiểu số (bao gồm cả chữ Nôm Tày và
Nôm Dao). Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy chữ Nôm Tày là một việc làm rất
khó. Hiện nay, việc truyền dạy chữ Nôm Tày vẫn chủ yếu bằng phương pháp “nhập
tâm truyền khẩu”; người dân tộc thiểu số biết được chữ viết của mình qua một số
tác phẩm viết bằng tiếng dân tộc của những nhà văn, nhà thơ ở địa phương, hay
qua những câu lượn, lời cúng của thầy Tào. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy chữ
Nôm của người Tày là một việc làm rất cần thiết trong những năm tiếp theo, nhất
là khi chữ Nôm Tày vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc
gia.
Nhà sàn của người Tày ở Trùng Khánh (Cao Bằng).
Độc đáo kiến trúc cổ nhà sàn đá
của người Tày, Cao Bằng
TH-CinetDTV
Không giống như những ngôi nhà sàn được dựng bằng tre, gỗ
thông thường, nhà sàn của người Tày ở Trùng Khánh (Cao Bằng) lại được xếp bằng
đá. Đây chính là điểm nổi bật và khác biệt so với những ngôi nhà sàn ở vùng
khác.
Dân tộc Tày ở Trung Khánh thường có tín ngưỡng thờ đá. Họ coi
đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Họ quan niệm rằng, con
người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá. Việc dựng nhà đá cũng xuất
phát từ những quan niệm thiêng liêng đó. Họ hy vọng các thành viên sống trong
nhà đá sẽ có linh tính về mọi việc, tránh được rủi ro.
Hiện, những ngôi nhà sàn cổ xây bằng đá của người Tày, huyện
Trùng Khánh vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên khôi, mang dáng dấp cổ xưa từ thời nhà Mạc
xây dựng thành quách mấy trăm năm về trước; tạo nên vỉa tầng văn hóa độc đáo
trong tổng thể vùng văn hóa đa dạng trên mảnh đất vùng biên viễn này.
Để xây dụng một ngôi nhà đá, người Tày phải mất rất nhiều
công sức. Bắt đầu từ khi đã có ý định dựng nhà, họ đã phải chuẩn bị nguyên liệu
trước đó vài năm. Những cây gỗ tròn, đẹp được bảo quản dưới bùn ao, đầm ruộng để
phòng mối mọt. Nguyên liệu quan trọng nhất để dựng nhà đá chính là những viên
đá cứng, đẹp. Những viên đá được hình thành từ sâu trong lòng đất, trải qua điều
kiện địa chất phức tạp và lâu dài, hấp thụ tinh hoa của đất trời nên mang trong
mình nguồn năng lượng và linh tính rất cao. Từ suy nghĩ sâu xa mang thiên tính
núi ấy, những bức tường đá kiên cố đã dần được hình thành, nó thể hiện rõ tính
bản địa, sự sáng tạo độc đáo trong lãnh địa kiến trúc và sự khéo léo của đôi
bàn tay của đồng bào Tày nơi đây.
Trước khi dựng nhà, người Tày chọn địa điểm dựng nhà khá kỹ
lưỡng. Đó là những nơi cao ráo, lấy chân núi làm điểm tựa, hướng mặt về phía có
cảnh trí thiên nhiên khoáng đạt, thuận tiện cho việc làm ăn sinh sống. Nhà sàn
có hai mái được lợp bằng ngói âm dương. Bên trong nhà dựng bằng gỗ, chiều sâu từ
5 đến 7 hàng cột, khoảng cách giữa các cột từ 2 – 2,5m. Chiều cao của nhà thường
từ 7 – 8m. Nhà thường có ba gian chính, mỗi gian có một chức năng nhất định thuận
tiện cho việc sinh hoạt.
Khi đã định vị được ngôi nhà, người thợ sẽ đo, đếm vị trí xếp
từng viên đá. Những bức tường kiên cố được xếp từ hàng vạn viên đá lớn nhỏ khác
nhau bằng một thứ keo kết dính trộn từ đá vôi và cát. Để đặt được viên gạch
vuông vức khi xây không đơn giản chút nào, nhưng việc xếp hàng trăm viên đá với
đủ các hình khối, trọng lượng khác còn khó gấp bội. Khó khăn nhất trong việc xếp
đá là làm sao để độ dày hai bên của một bức tường phải thật cân đối, vuông vức.
Chỉ cần lệch một chút sẽ phải gỡ đi xếp lại từ đầu. Dựng được một bức tường gạch
chỉ mất vài ba ngày nhưng để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải
mất vài tháng.
Một lý do nữa sở dĩ người Tày nơi đây thường xây nhà bằng đá
là do họ sống trong hệ sinh thái của rừng mưa nhiệt đới, độ ẩm cao, mưa nhiều,
trước đây thú dữ lắm, vùng biên giới Trùng Khánh lại thường xảy ra nạn trộm cướp
nên đồng bào Tày đã sáng tạo ra cấu trúc nhà sàn xây bằng đá, nhằm mục đích
phòng thủ, bảo vệ, chống ẩm mốc. Như vậy, trong tâm thức của họ, thiên nhiên có
ảnh hưởng không nhỏ trong cách xây dựng kiến trúc một ngôi nhà.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những ngôi nhà sàn cổ
xây bằng đá của người Tày nơi đây vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên khôi, mang dáng dấp
cổ xưa từ thời nhà Mạc xây dựng thành quách mấy trăm năm về trước. Ngôi nhà sàn
cổ xây bằng đá của tộc Tày, huyện Trùng Khánh trở thành biểu tượng văn hóa vật
chất mang nhiều giá trị, thể hiện kiến trúc văn hóa độc đáo và ẩn chứa bên
trong những phong tục tập quán truyền thống được hun đúc qua nhiều thế hệ.
Trang phục nam nữ dân tộc Tày.
Trang phục dân tộc Tày
TQ-DTV
Nhìn chung người Tày thường mặc quần áo vải bông nhuộm chàm
nên trang phục của họ màu chủ đạo là màu chàm, phụ nữ thường chít khăn mỏ quạ,
mặc áo năm thân có thắt lưng, đeo vòng cổ, tay, chân bằng bạc.
Trang phục cổ truyền của người Tày được làm từ vải sợi bông tự
dệt, nhuộm chàm đồng nhất trên trang phục nam và nữ, hầu như không có hoa văn
trang trí. Không ai rõ nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Tày có từ bao giờ, mà
chỉ biết những tấm vải thổ cẩm do chính họ dệt ra từ lâu đã nổi tiếng với những
hoa văn đẹp mắt, sặc sỡ, mang đậm sắc thái dân tộc.
Nguyên liệu chính để dệt thổ cẩm là sợi bông nhuộm chàm và tơ
tằm nhuộm màu. Tuy nhiên, do giá tơ tằm đắt nên ngày nay người dệt thổ cẩm dùng
len có chi phí thấp hơn để thay thế. Quy trình dệt thổ cẩm hoàn toàn thủ công
và chính đôi tay khéo léo và sự nhẫn nại của người phụ nữ Tày mà những tấm thổ
cẩm nên hình nên dạng vô cùng đặc sắc. Từ những tấm thổ cẩm tự tạo ấy người phụ
nữ Tày may thành mặt chăn, mặt địu, khăn trải giường và nhất là những bộ trang
phục đặc sắc của dân tộc.
Trang phục nam giới người Tày có quần chân què, đũng rộng, cạp
lá tọa, áo ngắn cũng may năm thân, cổ đứng. Nam cũng có áo dài như cái áo ngắn
kéo dài vạt xuống quá đầu gối. Ngoài ra, họ còn có thêm áo 4 thân, đây là loại
áo xẻ ngực, cổ tròn cao, không cầu vai, xẻ tà, cài cúc vải và có hai túi nhỏ ở
phía trước.
Trang phục nữ dân tộc tày ở Lào Cai.
Vào những ngày hội hè người ta mặc áo cánh trắng ở trong có lẽ
vì vậy mà người Tày còn được gọi là người áo trắng (cần slửa khao) để phân biệt
với người Nùng thường chỉ mặc áo chàm. Ngoài ra, đàn ông Tày còn mặc thêm loại
áo dài 5 thân xẻ nách phải, đơm cúc vải hay cúc đồng. Quần (khóa) cũng làm bằng
vải sợi bông nhuộm chàm như áo, cắt theo kiễu quần đũng chéo, độ choãng vừa phải
dài tới mắt cá chân. Quần có cạp rộng không luồn rút, khi mặc có dây buộc
ngoài. Khăn đội đầu màu chàm (30cm x 200cm) Quấn trên đầu theo lối chữ nhân.
Về trang phục nữ giới, đó là mặc áo cánh, áo dài năm thân, quần
váy, thắt lưng, khăn đội đầu, hài vải. Phụ nữ Tày còn thắt lưng bằng những tấm
vải chàm hay đũi dài khoảng hai sải tay làm tăng thêm vẻ duyên dáng nhất là với
thanh nữ. Trong những ngày lễ tết, họ mặc thêm chiếc áo trắng ở bên trong.
Trước đây phụ nữ mặc váy, nhưng gần đây phổ biến mặc quần; đó
là loại quần về nguyên tắc cắt may giống nam giới kích thước có phần hẹp hơn.
Khăn phụ nữ Tày cũng là loại khăn vuông màu chàm khi đội gập chéo giống kiểu mỏ
quạ của người Kinh.
Nón của phụ nữ Tày khá độc đáo. Nón bằng nan tre lợp lá có
mái nón bàng và rộng. Trang sức phụ nữ Tày đơn giản song có đủ các chủng loại
cơ bản như vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích… Có nơi còn đeo túi vải.
Trang phục nữ tộc Tày.
Nói tới trang phục của người Tày, ta không thể không nói tới
hoa văn trên trang phục của họ. Cái độc đáo nhất là lối dùng màu chàm phổ biến,
đồng nhất trên trang phục nam và nữ cũng như lối mặc áo lót trắng bên trong áo
ngoài màu chàm. Cái lưu ý không phải là lối tạo dáng mà là phong cách mỹ thuật
như đã nói trên. Nhiều tộc người cũng dùng màu chàm nhưng còn gia công trang
trí các màu khác trên trang phục, ở người Tày hầu như các màu ngũ sắc được dùng
trong hoa văn mặt chăn hay các tấm thổ cẩm. Riêng nhóm Pa dí (Lào Cai) có phong
cách tạo dáng và trang trí khá độc đáo ở lối đội khăn và y phục.
Họa tiết được kỷ hà hóa là chính để thích hợp với việc dệt
trên khung dệt. Bố cục họa tiết theo phương pháp ô quả trám có các đường viền
xung quanh tạo thành các đường diềm gãy khác. Trong các ô quả trám là họa tiết
cách điệu hóa hình họa, hình ngọn rau bầu, bí, là loại cây có liên quan nhiều đến
nền văn hóa cổ, tín ngưỡng cổ của nhiều cư dân nông nghiệp ở phía Bắc nước ta,
trong đó có người Tày. Trên cơ sở của loại bố cục hoa văn một mầu đen trên nền
trắng như thế này, người Tày lại phát triển trang trí theo một hướng khác, gài
mầu vào từng đoạn họa tiết, từng mảng họa tiết tùy trình độ thẩm mỹ, ý thích của
người dệt trên khung dệt thủ công, có tên gọi là thổ cẩm, mang ý nghĩa là một
loại gấm của địa phương.
Trên mặt chăn hoặc màn che mà vị trí là ở các nơi thờ cúng tổ
tiên, người ta thể hiện các đề tài liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo, như thêm
đường diềm ở phía trên – tương ứng với cõi Trời, có hình các vị thần linh, bảo
hộ cho sự sống bình an của con người hoặc thêm đường diềm ở phía dưới – tương ứng
với cõi Đất, có hình con ngựa, con chim là những hình tượng biểu trưng cho cuộc
sống, cỏ cây, muông thú trên mặt đất như quan niệm về vũ trụ của dân gian. Bố cục
hình vuông của thổ cẩm, bố cục hình chữ nhật của loại thổ cẩm làm mặt chăn hoặc
màn che có quy định phía trên phía dưới – là những bố cục riêng có trong trang
trí dệt của người Tày, mà các dân tộc anh em không có.
Ngày nay, trang phục truyền thống Tày vẫn phổ biến nhất là
trong các ngày lễ cổ truyền, nhưng áo cánh, áo sơ mi vẫn được nhiều thanh niên
mặc, còn trong ngày thường, họ mặc trang phục gần như người Kinh.
Chàng Cụt (Truyện cổ tích dân tộc Tày)
(H.T.Đ – Ghi theo lời kể bà Đặng Thị Tích)
Thuở xa xưa, có một người góa bụa chẳng có mụn con nào. Ngày
ngày phát cỏ làm rẫy chăm chỉ mà vẫn chẳng có của ăn của để.
Một hôm, bà làm lụng mệt mỏi quá, người vã mồi hôi ướt đẫm, cổ
họng bỏng rát, khát nước vô cùng. Lúc đó, phía mặt trời mọc bỗng tối sầm tối sịt
như mưa to sắp ập đến, còn phía mặt trời lặn lại bừng sáng, chiếu những tia nắng
hồng rực. Hai sắc màu ấy giao nhau ở nơi người đàn bà goá bụa đang rẫy cỏ, tạo
ra bảy sắc cầu vồng thật đẹp. Mải ngắm những sắc màu trên trời, khi nhìn xuống
chân, bà thấy có độ một bát nước đọng trong hốc đá. Bà liền vục tay múc nước uống
cho đỡ khát rồi về nhà. Bất chợt bà vấp phải quả trứng màu trắng bạc. Thấy lạ,
bà liền cầm về để ở xó nhà. Đêm nằm, bà mang quả trứng cặp vào nách, lúc để cạnh
gối đầu.
Một thời gian sau, trứng nở ra một con thuồng luồng nhỏ bé, cổ
vằn đỏ sặc sỡ. Thuồng luồng con cứ trườn quanh và bò theo bước chân người đàn
bà goá bụa. Bà đi đến đâu thuồng luồng theo đến đó. Thuồng luồng con theo bà
lên nương, thuồng luồng quanh quẩn bên cạnh. Một hôm do sơ ý, bà cuốc ngay một
nhát trúng đuôi thuồng luồng. Bị đứt đuôi, thuồng luồng con khóc và nói: “Lục
là cần nưa fạ tốc/ Nhờ mè fặc mà lục đảy trông đây/ Lục bấu mì khen mì kha/ Tọ
lục hắt đảy việc đây nắm nớ ” (Con là người trên trời rơi xuống/ Nhờ mẹ ấp mà
con được nở xinh/ Con không có tay có chân/ Nhưng con làm được việc tốt đấy
nhé). Nghe xong lời thuồng luồng nói, bà thương thuồng luồng con, tuy là loài rồng
rắn nhưng được nở ra từ hơi ấm của bà. Đời goá bụa, bà coi thuồng luồng như
con. Bà liền bế thuồng luồng trên tay và ngửa mặt lên phía mặt trời đằng Đông,
xin đặt tên con là ý Cọt (chàng Cụt).
Ngày qua ngày, chàng Cụt vẫn theo mẹ lên nương làm rẫy như mọi
khi. Một hôm vào buổi chiều, chàng Cụt khát nước quá, đòi mẹ lấy nước cho uống.
Mẹ nghỉ tay cuốc, xuống suối múc nước vào ống cây đem cho chàng Cụt uống. Bà
xách bao nhiêu lần nước mà chàng Cụt vẫn không hết khát. Bà bảo với chàng Cụt:
“Mẹ múc sắp cạn cả khe suối rồi, đôi chân mẹ đã mỏi nhừ. Mẹ không còn đủ sức
múc nước cho con uống nữa”. Bà than với trời và làng bản rằng: “Vàn bản cái lìn
khuông/ Vàn mường cái lìn nặm/ Vàn pạ hẩu phân lồng/ Hưa mè mải liệng lục” (Xin
làng bắc máng to/ Xin mường bắc máng nước/ Xin trời cho mưa xuống/ Giúp bà goá
nuôi con).
Bà vừa dứt lời thì trời chuyển gió, cây cối ngả nghiêng, sấm
chớp đùng đùng, mưa to xối xả, nước chảy ào ào cuốn từ các khe núi xuống không
ngớt. Bà gọi Cụt ra uống nước cho no và thủ thỉ với Cụt: “Mẹ không còn đủ sức
nuôi con, hay con theo dòng nước chảy về sông, về hồ mà sống”. Chàng Cụt giẫy nẩy
van xin: “Mẹ cho con ở với mẹ, con đỡ mẹ làm việc được mà”. Từ đó bà làm việc
trên nương, chàng Cụt ở nhà nấu cơm, dọn bếp. Đến bữa mẹ đi làm về, chàng Cụt
đã sắp cơm tươm tất chờ mẹ ăn. Thấy lạ, bà bèn hỏi Cụt: “Cần dú hâư piến mà/
Tón phọn phặt hắt kin/ Hay bân hưa bân hắt/ Điếp mè mải pạng đang” (Người ở đâu
hiện đến/ Bữa dọn dẹp làm ăn/ Hay trời thương trời làm/ Thương mẹ góa nửa
thân). Cứ thế, ngày này qua ngày khác, việc đồng bà làm, việc nhà Cụt lo liệu
đâu vào đó.
Một ngày kia, bà thấy trong người yếu mệt, lưng hay mỏi.
Chàng Cụt càng ngày khôn lớn, mào trên đầu đỏ chót, lưỡi thè lè hồng rực. Lo chẳng
biết mình còn đủ sức nuôi chàng Cụt nữa không, bà nghĩ ngợi suốt đêm. Gần sáng,
bà gọi Cụt đến gần và bảo: “Mẹ già yếu lắm rồi, mẹ khoác lên mình cho con tấm
chăn hoa mẹ tự thêu dệt này, con hãy trườn theo dòng suối to, ra sông lớn rồi
ra biển cả, ở đó nhiều nước, con tha hồ uống, tha hồ vùng vẫy. Nếu mẹ có việc
gì cần mẹ sẽ gọi con giúp. Vừa dặn bà vừa lẩm bẩm khấn: “Từ nẩy cần hây hăn ngược
hò khoẳm lè thai/ Từ nẩy cần hây hăn ngược hò lài là quải” (Từ nay người nào thấy
rồng cổ gục thì chết/ Từ nay người nào thấy rồng cổ hoa là quái). Nói xong bà đẩy
Cụt xuống suối lớn. Chàng Cụt quấn mình ba vòng trườn quanh mẹ để tạ ơn mẹ, cố
vẫy cái đuôi cụt ba lần, nước mắt rưng rưng, lặn xuống dòng nước đang xoáy xâu
rồi biến mất.
Thấm thoắt đã mấy năm ròng, mùa mưa ngâu tháng bảy đã tới. Mẹ
chàng Cụt đeo gùi đi chợ ở xứ Yên Châu để mua sắm đồ về cúng giỗ và ăn tết rằm
tháng bảy. Bà phải qua bao nhiêu đèo, bao nhiêu suối, bao nhiêu khúc sông mới đến
được chợ. Hôm ấy, đi nửa đường trời mưa to kéo dài, bà đi đến khúc sông lớn thì
không qua được. Tiếc công mò mẫm thắp đuốc đi chợ từ lúc nửa đêm, không nỡ quay
về, bà đứng ở mé sông gọi to: “Cụt ơi! Au pè sống mè khảm tà pây chợ/ Se mè sắm
sửa pẻng kin tết bươn đoi” (Cụt ơi! Lấy mảng đưa mẹ sang sông đi chợ/ Để mẹ sắm
bánh ăn tết tháng ngâu”. Ở đâu, trong khoảnh khắc Cụt đã hiện về, thân mình to
dài, khoang khoáy vằn đỏ, oằn mình vắt thân ngang dòng sông lớn nhẹ nhàng bảo:
“Mẹ ơi! Thân con là cầu, mẹ bước trên sống lưng con mà sang sông tới chợ”. Cụt
đưa mẹ đi chợ xong, lại đợi mẹ quay về rồi Cụt mới trở về biển khơi.
Mẹ Cụt đi chợ được một chuyến đó, ăn rằm tháng bảy xong đột
ngột qua đời. Dân trong làng lo tế lễ cho bà một đêm. Đêm ấy, mưa to, sấm chớp
thật dữ dội, rung chuyển cả trời đất. Người ta bảo: “Chắc chàng Cụt hiện lên thắp
hương gọi hồn cho mẹ”. Nhưng chẳng ai nhìn thấy Cụt đâu mà chỉ thấy trời đất bỗng
rung chuyển trong phút chốc lại trở lại yên lành. Sáng hôm sau, dân làng chôn cất
bà góa cẩn thận ven bìa rừng, gần vũng nước sâu bên suối lớn chảy qua. Ba ngày,
ba đêm kế tiếp, không biết ai đến khuôn những hòn đá đẹp xếp vòng quanh mộ bà
góa, ngôi mộ to ra, cao lên, khum khum. Từ đó, đến nay, người Tày vùng Lục Yên
Châu, nơi có ngôi mộ của bà goá, thường tổ chức làm bánh nẳng, để cúng tổ tiên,
tập trung con cháu ăn tết rằm tháng bảy trước một ngày để phòng tránh trời mưa
to bão lớn vào đúng ngày rằm tháng bảy.
Đúng bảy năm, bảy tháng, bảy ngày sau đêm bà góa chết, cả bàn
dân thiên hạ lại thấy trời mưa to, dông bão, sấm chớp đùng đùng, cây cối
nghiêng ngả, sông, suối nước dâng cao, đỏ ngầu cuồn cuộn chảy, xoáy sâu từng
vũng thật ghê rợn. Dân làng lại kháo nhau rằng, chàng Cụt trườn ngược theo con
nước lớn về nguồn, lấy thân mình quật nát các loài cây cỏ mọc quanh mộ mẹ sạch
sẽ tinh tươm. Từ đó, hàng năm cứ khoảng tháng ba, không quá ngày 10 tháng 3 âm
lịch trời lại có trận mưa giông thật to. Dân trong vùng Lục Yên Châu cứ truyền
nhau: “Trận mưa chàng Cụt hóa phép phum nước để tảo mộ mẹ và phum nước cho mảnh
đất của xứ mường đã nuôi mình khôn lớn, cây cối mùa màng tươi tốt.
Ba năm sau khi bà goá chết, hết rằm tháng bảy, trời mưa dông
lớn chưa từng thấy, dân làng bảo: chàng Cụt hóa phép cho trời mưa to, gió lớn để
đỡ chàng quấn xới, bốc đá quanh mộ mẹ thành một vũng sâu xuống để lấy hài cốt mẹ
về xuôi, đem ra biển lớn tiện bề chăm sóc. Bởi thế đến nay, người ta vẫn thấy ở
gần vùng núi đá vôi thuộc xã An Phú, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái vẫn còn Bó Cao
hay Cốc Nặm (mỏ nước) đùn lên ở một vũng trũng, nước từ trong lòng đất chảy mãi
không cạn. Nước Bó Cao đổ ra sông Chảy, mỏ nước đó chính là dấu tích mồ mả bà
goá bụa mẹ chàng Cụt. Người Tày Lục Yên Châu có câu ca: “Nhì ất đoi đí/ Nhì nhì
đoi luông/ Nhì sam đoi pả/ Nhì sí đoi săng/ Nhì hả đoi pạp” (Hai muốt ngâu
rong/ Hai hai ngâu tỏ/ Hai ba ngâu phá/ Hai tư ngâu tụ/ Hai lăm ngâu lìa). Cũng
bởi từ sự tích này, từ đó đến nay, người Tày sống dọc sông Chảy vẫn truyền miệng
nhau phải kiêng kị không cho con gái uống nước sông, nước suối vào những lúc trời
mưa to, giông bão hoặc lúc trời xuất hiện cầu vồng để tránh đẻ ra trứng rắn, rồng,
thuồng luồng như mẹ chàng Cụt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét