Lên núi nghe đàn Chapi
“Ai yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn, Chapi…” – ông Mấu
Xuân Điệp, còn được gọi là Ama Điệp ở Khánh Vĩnh, Khánh Hòa là nghệ nhân duy nhất
biết cách chế tác đàn Chapi và chơi đầy đủ các làn điệu của đàn.
Ama Điệp giải thích: “Người Raglai rất thích nghe tiếng đàn
Mã La. Tuy nhiên 1 bộ Mã La từ 9-12 chiếc phải đổi bằng 18-24 con bò mới có thể
sắm được.
Ngày trước, người Raglai chỉ có những nhà giàu mới sắm được đầy
đủ 4 chiếc tượng trưng cho cha, mẹ, chị gái đầu, em gái út… Vì vậy, dân gian
Raglai đã sáng tạo đàn Chapi với âm hưởng gần giống dàn Mã La để chào đón ngày
lễ lớn và sinh hoạt thường ngày”.
Đàn Chapi
Đàn Chapi gồm 6 làn điệu với 6 mục đích sử dụng mang ý nghĩa
tùy thuộc vào 6 thời điểm quan trọng của người Raglai là: điệu thường đánh
trong lễ bỏ mả, điệu đánh trong đám cưới, điệu đánh vào ngày mùa, điệu hát giao
duyên, điệu hát về chim cu gáy, điệu đánh mừng lúa mới.
Ama Điệp cho biết: “Đàn Chapi độc đáo ở chỗ khi nghệ nhân đàn
lên, trong sự tĩnh lặng của núi rừng, ta sẽ thấy như có suối chảy róc rách, như
có tiếng đàn Tơ – rưng, lắng sâu hơn là sự rắn rỏi của đàn đá, nhắm mắt lại ta
mường tượng như 8, 9 thanh niên đang chơi Mã La vậy. Độc đáo còn ở chỗ đàn
Chapi là sản phẩm dân gian thuộc loại lâu đời nhất”.
Hiện nay, Ama Điệp vẫn thường lui tới con đèo ở Khánh Sơn để
chơi đàn cho bạn bè làm nương rẫy nghe.
Khi đánh đàn Chapi, người đánh phải nâng đàn lên gần ngang ngực.
Sau đó ghì sát đầu ống để rỗng vào người để giữ âm lại trong ruột đàn. Hai bàn
tay vừa để giữ đàn, vừa để khảy các dây đàn theo nhịp điệu của những khúc nhạc
dân gian.
Nếu chuyên tâm học chỉ cần khoảng 10 ngày là có thể sử dụng
được đàn Chapi nhưng để thành thạo tất cả 6 giai điệu của loại nhạc cụ này thì
có khi phải mất cả đời.
Công việc chế tạo đàn Chapi cũng đòi hỏi lắm kỳ công. Cây đàn
chỉ dài bằng 1 đốt tre chừng 30 cm, có 12 dây chia làm 6 cặp. 1 đầu ống tre được
khoét lỗ, đầu kia để rỗng. Đặc biệt là con đội, có khả năng tạo độ căng cho dây
đàn và tạo âm cho đàn.
Việc chọn nguyên liệu không hề đơn giản. Trước hết, phải chọn
được cây tre mọc trên núi cao, khoảng 1 năm tuổi. Khi chặt tre về làm đàn, phải
lựa đúng ngày 27, 29 âm lịch để tránh mối, mọt sau này. Tre phải phơi nắng ít
nhất 1 tháng nếu không nứt, khô cong mới có thể đem ra chế tác đàn.
Các dây đàn Chapi cũng được tách ra từ thân ống tre đã chọn
làm nhạc cụ. Chế dây đàn là khó nhất vì dễ bị rách dây. 6 cặp dây đàn phải được
căn chỉnh hợp lý, kĩ lưỡng cả mặt trên và mặt dưới của đàn. Khi đánh đàn nếu
không nghe được tiếng giống tiếng Mã La nhưng thanh hơn, thì phải làm lại cái
khác.
Đàn Chapi có lịch sử hàng ngàn năm. Ông Mấu Xuân Điệp cho biết:
“Để có được chiếc đàn Chapi như ý phải mất một tháng và chọn lựa, chế tác kỹ
càng”.
Ngày mai Chapi…
Ama Điệp nói: “Núi rừng Tà Nĩa mây ngang đỉnh núi, đèo Khánh
Lê với những khu rừng nguyên sinh mới là nơi để tiếng đàn Chapi vang đi xa nhất.
Chapi phải đánh cho thôn bản, xóm làng vào ngày lễ hội mới là vui nhất. Ngày
xưa, chỗ mình đâu đâu cũng có tiếng đàn Chapi”.
Sương đêm Tà Nĩa làm câu chuyện của Ama Điệp thêm buồn: “Ngày
nay giới trẻ Raglai đã không còn ai chơi loại nhạc cụ này nữa rồi. Mình muốn
truyền lại cho con, cho cháu mà không đứa nào chịu học, nhiều khi cũng buồn mà
không biết làm sao”.
Thời xưa, đàn Chapi có trong mỗi gia đình Raglai, và chỉ những
người trụ cột trong gia đình mới được giữ nó. “Còn bây giờ nhiều thanh niên
Raglai đã không còn biết cách làm, cách khảy”. Khán giả trung thành nhất của
Ama Điệp chính là người vợ của ông, bà Mấu Thị Mười.
Được biết, hiện nay cả khu vực Khánh Sơn chỉ còn 3 người biết
khảy Chapi. Nhưng chỉ Ama Điệp là người duy nhất thường xuyên sử dụng loại nhạc
cụ này. Ông đã từng đem đàn Chapi đi thi tài năng âm nhạc do tỉnh tổ chức vào
năm 2004, 2011, và đều được giải cao.
Trong một chuyến đi tìm nhạc cụ dân tộc Việt Nam để giới thiệu
tại Pháp, Trần Tiến đã tìm đến một vùng núi của tỉnh Ninh Thuận. Gặp được cây
đàn mà anh rất thích, ở đây, người ta gọi là đàn Chapi. Anh nói với người chủ
mình là nhạc sĩ và ngỏ ý muốn mua cây đàn này. Người chủ cây đàn đáp với anh rằng:
” Nếu anh thích thì tôi sẽ tặng anh. Tôi không bán đâu vì đã mười mấy năm rồi
tôi không dùng đến tiền”.
Nhạc sĩ Trần Tiến thật sự bất ngờ vì câu trả lời của người chủ
cây đàn. Từ đó, khơi nguồn cảm xúc cho anh sáng tác nên “Giấc mơ Chapi”.
NSND Ymoan trình diễn bài Giấc mơ
Chapi trong một chuyến lưu
diễn.
Giấc mơ Chapi được hát đầu tiên trên sân khấu là tại Pháp và
Hà Lan do chính tác giả trình bày và đó cũng là lần đầu tiên đàn Chapi được giới
thiệu với bạn bè quốc tế. Khi về nước, với chất giọng hào sảng của ca sĩ Y Moan
đã giúp ông thể hiện thành công bài hát này.
Do âm hưởng hùng ca của núi rừng nên nhiều người đã lầm tưởng
đàn Chapi xuất xứ từ một vùng quê ở Tây Nguyên. Đó quả là một điều đáng tiếc với
mảnh đất Ninh Thuận, cái nôi của đàn Chapi.
Thấy có khách từ miền xuôi lên thăm, ông Chamaléa Âu tự tay
pha trà nóng đưa ra mời. Tấm lòng người Raglai rộng mở, ông thân mật tiếp chuyện
với chúng tôi trong căn nhà xây dựng khang trang ở đầu thôn Do. Chamaléa Âu đã
qua gần sáu mươi mùa rẫy, nhưng bước đi dáng dứng lanh lợi như con nai, con sóc
giữa rừng già Ma Nới. Bàn tay của ông sần sùi chắc nịch như cây lim, cây mấu.
Có lẽ cuộc sống nương rẫy trên núi cao, với tâm hồn phóng khoáng cùng gió núi,
hương rừng đã tạo cho ông có sức vóc khỏe mạnh. Tôi rất mê phong cách biểu diễn
đàn Chapi rất hồn nhiên của ông. Khuôn mặt sạm nắng, râu tua tủa, nụ cười hồn hậu
gởi lòng theo tiếng đàn bập bùng hòa quyện cùng tiếng nước sông Do.
“Tôi rất biết ơn Nhạc sĩ Trần Tiến. Bài hát “Giấc mơ Chapi” của
ổng đã nói đúng bụng, đúng dạ đồng bào Raglai Ninh Thuận. Tôi cố gắng chế tác,
biểu diễn và truyền nghề làm đàn Chapi cho con cháu bản làng. Cây đàn Chapi rất
gọn nhẹ nếu du khách đến thăm Ninh Thuận có nhu cầu làm quà lưu niệm, tôi cũng
sẵn sàng phục vụ. Tôi mong được đưa tiếng đàn Chapi của đồng bào Raglai Ninh
Thuận đến với các dân tộc anh em trong cả nước”, nghệ nhân Chamaléa Âu bày tỏ ước
mong.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét