Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Độc đáo Chapi

Độc đáo Chapi
Cùng với cây đàn đá, người Raglai ở Ninh Thuận còn có cây đàn Chapi, một loại nhạc cụ bằng ống bương (tre) rất độc đáo. Trong các lễ hội, như Lễ bỏ mả, Lễ lúa mới, Lễ xuống đồng, Tết Nguyên Đán…, tiếng đàn Chapi lại vang lên, da diết. Người ta gọi Chapi là cây đàn của người nghèo.
Đơn sơ cây đàn Chapi Sở dĩ như vậy là việc chế tác cây đàn không thật công phu, không tốn kém, chỉ một lần đi rừng tìm được một ống tre ưng ý là hôm sau đã có cây đàn để chơi. Khi vang lên, Chapi có âm điệu dịu dàng, róc rách như tiếng suối.
Với người nghệ nhân giỏi, họ chỉ việc tách vỏ tre lên để làm dây, sau đó vót miếng tre thật nhẵn nhét vào giữa hai sợ dây song song, cứ như thế người ta làm từ 5 đến 8 miếng tre, tùy theo vùng. Khi chơi, người ta áp một đầu ống vào bụng, dùng hai hai vừa nâng đàn vừa lấy các ngón tay bật vào các miếng tre. Chúng rung lên trên hai sợi vỏ tre phát ra những âm sắc độc đáo.
Theo thời gian, cũng bởi sự xuất hiện gần như áp đảo của các loại nhạc cụ khác, các loại hình âm nhạc khác, nên cây đàn Chapi đang ở thế lui lại trong các buôn làng. Lớp trẻ cũng ít chú ý đến cây đàn. Đó là điều những người Raglai cao tuổi, nhất là những nghệ nhân chế tác, chơi đàn Chapi cảm thấy buồn lòng, lo lắng. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng cùng chung nỗi lo lắng này.
Ông Chamaléa Thơm, người được coi là nghệ nhân nổi tiếng nhất, gắn bó suốt cuộc đời với cây đàn Chapi tâm sự, hiện con em Raglai thích nghe nhạc trữ tình hơn là nghe sử thi, nên vị trí cây đàn Chapi ngày một yếu đi. Còn bà Mấu Thị Bích Phanh, đại diện cho người Raglai huyện Bác Ái cho rằng, việc gìn giữ văn hóa truyền thống người Raglai phải giữ gìn từ ngôn ngữ, phát triển chữ viết người Raglai. Từ đó cây đàn Chapi mới tìm lại được vị trí của mình.
Theo ông Nguyễn Văn Hảo, một nhà nghiên cứu văn hóa đồng bào khu vực Nam Trung bộ thì đàn Chapi được làm từ một ống tre già, tạo thành ống đàn, dài khoảng 35cm, đường kính khoảng 8cm. Hai đầu đàn không bịt kín, đầu trên là phần đốt của cây tre nên có lỗ ống nhỏ hơn so với đầu dưới của đàn. Đàn có 6 dây đôi (cũng có khi đàn chỉ có 6 dây đơn) được tách ra từ cật tre, các dây đàn chạy đều xung quanh ống đàn. Hai đầu của các dây đàn có quấn dây mây để giữ cho dây đàn không bị tách ra khỏi ống đàn.
Hai đầu của mỗi dây, ngay sát cạnh gốc dây có ngựa đàn để đỡ dây đàn không cọ sát xuống ống đàn, đồng thời còn có chức năng như một bộ phận để lên dây. Ở giữa mỗi cặp dây có gắn chung một phím đàn được làm từ miếng tre mỏng dài khoảng 2,5 cm, rộng 1,5 cm. Ngay bên dưới mỗi phím đàn là một lỗ nhỏ thông với ống đàn. Gần phím đàn, về phía đầu trên của đàn có gắn hai que, mỗi que dài khoảng 15 cm dùng để làm bộ phận tay cầm khi gẩy đàn (cũng có trường hợp không có bộ phận tay cầm). Cao độ dây đàn Chapi không cố định, tùy thuộc vào cảm nhận của từng nghệ nhân, tùy thuộc vào từng bài bản khác nhau mà nghệ nhân có thể lên dây bằng cách dịch chuyển ngựa đàn để cao độ dây đàn cho phù hợp.
Kỹ thuật diễn tấu Chapi không phức tạp, tuy nhiên phải có sự phối hợp nhịp nhàng hai tay thì mới đem lại hiệu quả. Thông thường, khi đàn nghệ nhân đặt dọc cây đàn, đầu trên của đàn hướng ra phía ngoài, đầu dưới của đàn đàn hơi nghiêng vào bụng vừa là để cộng hưởng âm thanh, vừa làm cho âm thanh được ấm hơn. Hai tay của nghệ nhân giữ lấy que tay cầm, các ngón tay ôm tròn ống đàn, luân chuyển các ngón gẩy trên phím đàn.
Vẫn theo ông Hảo, một số bài bản phổ biến của đàn Chapi gồm: Ru em, Mời ông Táo về, Múa ma, Đối đáp, Gặp gỡ, Mãn tang, Lễ bỏ mả, Tiễn chân, Nhớ, Cầu mùa, Người phụ nữ đảm đang, Tài đức, Hội mùa… Điểm đặc biệt nhất của đàn Chapi là có cả bè giai điệu và bè đệm, trên cơ sở cách bố trí dây trên cây đàn.
Nghệ nhân Mấu Xuân Điệp (Ama Điệp), tộc Raglai.
Huỳnh Minh Sang
Theo http://dotchuoinon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...