Người Chăm ở Ninh Thuận,
Bình Thuận, còn bảo lưu và sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống trong sinh hoạt
văn hóa tinh thần của cộng đồng và có thể xếp thành 3 nhóm sau:
Nhóm bộ gõ: Gồm có trống
ginăng 2 mặt, trống baranưng 1 mặt, trống (hagăr) 2 mặt, chiêng (cheng) và mõ
(akhok).
Nhóm bộ hơi: Gồm kèn
saranai, tù và (asăng) và sáo (talăk).
Nhóm bộ dây: Gồm đàn nhị
(kanhi), đàn bầu (chapi) và đàn gáo (rabăp).
Trong số các loại nhạc cụ
trên: saranai, baranưng, ginăng, kanhi, hagăr, asăng và cheng được người Chăm
xem như loại nhạc khí thiêng nên trước khi mang ra sử dụng đều phải làm lễ
cúng, xin phép thần linh và được diễn tấu trong lễ nghi cúng tế, thỉnh mời và
nghênh đón thần linh. Riêng ba bộ nhạc cụ gồm saranai, baranưng, ginăng tượng
trưng cho bản thể con người (đầu, mình và tứ chi) được người Chăm xem như là nhạc
cụ chỉ đạo.
Kèn saranai/xaranai: Cấu
trúc có 3 phần gắn liền nhau: Phần chuôi (gali) làm bằng đồng để gắn lưỡi gà bằng
lá buông. Đây là bộ phận để thổi. Thân (rup) làm bằng gỗ đục rỗng có 7 lỗ chính
phía trên, một lỗ phụ phía dưới, là bộ phận điều chỉnh nốt nhạc. Loa (abok) bằng
gỗ quý, sừng trâu, hay ngà voi đục rỗng ruột. Đây là phần khuếch đại âm thanh,
có 5 âm chính tương đương với 5 nốt nhạc: đồ, pha, sol, la, rê thể hiện 5 giác
quan (limư thuat).
Kèn saranai có tên rất gần
gũi với sarunay của người Ba Tư, surunai của người Mã Lai
và xo lai của người Khơ-me Nam Bộ. Tuy cùng nhóm kèn dăm, nhưng
kènsaranai của người Chăm có những nét riêng so với các loại khác tồn tại
trong nước cũng như ở vùng Đông Nam á.
Kèn Saranai/Xaranai
Trống
baranưng/paranưng. Thân trống làm bằng gỗ đục rỗng, không nứt, chiều cao
khoảng 0,90m; mặt trống có đường kính khoảng 0,40m – 0,44m, bằng da mang hay da
dê và căng bằng hệ thống dây mây với 12 con nêm bằng gỗ. Đây là bộ phận để tăng
hay giảm cường độ cao thấp, có 3 âm chính: tắc, tăm, tầm được người
Chăm xem như một bộ phận của lồng ngực “lục phủ ngũ tạng” (aphik ala agôl).
Trống baranưng/paranưng vừa
là nhạc cụ, vừa là vật tổ của Mưduôn, môn phái thờ Pô băl Gana, một chức sắc đảm
nhiệm việc cúng tế, lễ hội tín ngưỡng dân gian cho cả Chăm Bàlamôn và Bàni. Khi
sử dụng baranưng phải mặc lễ phục trong tư thế ngồi, đặt trống vào đùi, ôm sát
vào ngực, vỗ hai tay vào trống. Người Chăm ở An Giang thì sử dụng cả bộ 4 chiếc.
Theo ông Mustagoja ở Châu Giang (Châu Phong, Tân Châu, An Giang), baranưng này
chỉ sử dụng mang tính văn nghệ trong các lễ cưới hay dịp lễ Ramadan chứ không sử
dụng trong các lễ cúng tế thần của Hồi giáo Islam.
Trống Baranưng/Paranưng
Trống ginăng/ghì nằng. Thân
trống làm bằng gỗ lim (girăk) hay cà chích (kachik) đục rỗng ruột. Tốt nhất chọn
cây có bộng sẵn, không nứt và thân cây dài cắt làm đôi để khi sử dụng không chệch
âm. Thân trống dài khoảng 0,72m bào láng cả trong lẫn ngoài hơi phình ở giữa, 2
mặt căng da. Mặt nhỏ căng da dê hay da mang, đường kính 0,24m, tiếng Chăm gọi
là chang (dương) vỗ bằng tay, có 2 âm chính: tớ, tìn. Mặt lớn
căng da trâu, đường kính 0,28m tiếng Chăm gọi là bằm (âm), có 2 âm
chính: dit, gleng, đánh bằng dùi. Trống ginăng bao giờ cũng dùng đôi, diễn
tấu trong tư thế ngồi với trạng thái tĩnh, hai chiếc đặt chéo nghiêng áp sát
nhau trên mặt đất, do nghệ nhân dân gian sử dụng.
Người Chăm ở Phú Yên cũng có
loại trống tương tự – trống hakoi hakua được sử dụng trong lễ hội và lễ cưới
nhưng lại diễn tấu đứng, di động, múa cùng với bộ cồng ba và chiêng năm. Người
diễn đeo trống trước bụng vỗ vào 2 mặt trống bằng 2 tay.
Trống Ginăng/Ghi Nằng
Theo quan niệm của người
Chăm, 3 nhạc khí kèn saranai, trống baranưng và trống ginăng tượng trưng: trời,
đất, con người nên luôn được diễn tấu với nhau, thể hiện sự hòa nhập “thiên, địa,
nhân”. Do vậy khi diễn tấu rất hùng hồn, mãnh liệt, đa dạng, phong phú, cuốn
hút mọi người đòi hỏi nghệ nhân sử dụng phải học tập công phu, bài bản. Mưduôn
Gru được xem là nghệ nhân sử dụng thông thạo 3 nhạc khí ấy với 73 điệu trống và
73 điệu múa cung đình. Vì vậy chỉ có Mưduôn Gru mới có quyền làm lễ phong chức
sư cho nghệ nhân trống và nghệ nhân múa (Muk Rija) thông qua tục ngữ:
Yuk saranai ôh suk gilong,
Tong, tamia ôh suk ragăm
Tong, tamia ôh suk ragăm
(Thổi kèn saranai không sai
lỗ,
Đánh trống, múa không sai nhịp)
Đánh trống, múa không sai nhịp)
Đàn kanhi chế tác bằng
mai rùa vàng (abong kra mưh) cắt bỏ phần đầu, ghép ván mỏng làm mặt đàn. Trên
mai rùa gắn cây tre đặc, to cỡ ngón chân cái, dài khoảng 0,65m, có hai tai để
lên dây và cần kéo bằng thanh tre buộc lông đuôi ngựa uốn cong như cánh cung.
Đàn kanhi giống với đàn rebab của người Ba Tư, Indonesia, Mã Lai và đàn nhị của
người Việt. Tuy nhiên, nét riêng ở đây không những khác tên gọi mà còn ở hộp cộng
hưởng là mai rùa.
Đàn Kanhi
Theo truyền thuyết Chăm, đàn
kanhi là biểu tượng 4 đứa con của bà Mẹ Xứ Sở (Pô Inư Nưgar): Jakăk, Jakăn, đảm
nhận việc trên trời; còn Jalo, Jalai đảm nhận việc dưới trần gian (Dunya). Do vậy,
đàn kanhi được người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận sử dụng vào 2 trường hợp:
– Dùng trong đám tang, gọi
là kanhi đam với bộ 2 cái – 4 cái: 2 thầy Pasêh – 4 thầy Pasêh), diễn tấu có sự
phụ họa bài hát đám ma Chăm Bàlamôn, vỗ về và đưa linh hồn người quá cố về với
xứ sở tổ tiên (Nưgăr Muk Kay).
– Kanhi kadbăr một cái, vừa
là nhạc cụ vừa là vật tổ của môn phái Kadbăr, một chức sắc tín ngưỡng dân gian,
thờ thần Mặt Trời (Poyang Prong), chỉ ông Kadbăr mới có quyền sử dụng để hòa âm
với bài thánh ca, ca ngợi công đức các vị thần (thể hiện việc trên trời).
Cả 2 loại kanhi đều có 2 âm
chính: kò và kí. Khi diễn tấu, ngồi xếp bằng, đặt lên đùi, tay
phải kéo cánh cung, tay trái bấm nốt nhạc. Theo luật tục, khi khai lễ (pachah
yawa kanhi) phải kéo 3 tiếng kò, 3 tiếng kí thể hiện mọi sinh vật
đều sản sinh từ âm dương.
Thông qua vật liệu chế tác
và phong cách diễn tấu, người Chăm có bài vịnh:
Krum ôh hu mưta
Tamuh ngok rong kra ôh hu
akok
Djang nhu mưng talay kabuăk
Atheh khok ngok rong kra
Athah khok kra kamrao
Pô dôm rangao preo tho atheh
(Trích đoạn “Jadăn”). Tạm dịch:
Cây tre không có mắt
Mọc trên lưng rùa bị chặt đầu
Buộc chúng hai sợi tơ vào
nhau
Ngựa phi trên lưng rùa
Ngựa phi rùa rên xiết
Ngài mải miết giục dây
cương…
Trống (hagăr). Thân trống
bằng gỗ đục rỗng ruột, bào láng cả trong lẫn ngoài, dài khoảng 0,50m, 2 mặt bằng
nhau, căng da dê, đường kính khoảng 0,21m. Vòng căng da trống bằng hệ thống chốt
tre đóng vào thân trống, dùng vải quấn vào đầu dùi đánh, sử dụng với bộ chiêng
trong đám tang 4 thầy Pasêh của người Chăm Bàlamôn.
Tù và (asăng). Chế tác
bằng vỏ ốc giác, cắt bỏ phần đuôi, dùng sáp gắn chuôi đồng để làm ống thổi.
Theo truyền thuyết, đây là vật linh mà đấng Pô Dêbitathuôr dùng để sáng tạo vũ
trụ và mọi sinh vật trên trần gian (Dunga). Trong tôn giáo Bàlamôn, asăng cũng
là vật linh của Pô Adhia được sử dụng trong đám tang của đẳng cấp quý tộc, tượng
trưng, tái tạo sự sống ở cõi vĩnh hằng (Thuôrga) và lễ tẩy uế đất đai, tượng
trưng sự tái tạo vũ trụ và mọi sinh vật trong 6 ngày.
Chiêng (cheng). Chế tác
bằng đồng, đường kính khoảng 0,30m. Có 2 loại: chiêng bằng và chiêng có núm, sử
dụng cùng với trống cơm trong đám tang. Chiêng núm sử dụng 1 cái cùng với bộ ba
(saranai, baranưngm ginăng) trong các lễ múa (Rija Nưgar, Rija Prong…).
Ngoài ra, người Chăm còn có
các loại nhạc cụ khác như: sáo (talăk), đàn sáo (rabăp), đàn bầu (chapi) để cho
các nghệ nhân tiêu khiển, giải khuây và tâm tình qua tiếng nhạc.
Nhạc cụ truyền thống là biểu
hiện tập trung những thành tựu âm nhạc đã được kết tinh trong suốt chiều dài
phát triển của lịch sử cộng đồng người Chăm, và được người Chăm coi là nhạc khí
thiêng. Chúng không những có giá trị về mặt thẩm mỹ (văn hóa vật chất) mà còn
có giá trị về mặt âm nhạc (văn hóa tinh thần). Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu,
góp phần làm giàu thêm nền dân nhạc cổ truyền trong một nước Việt Nam đa dân tộc.
Sử văn Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét