Tìm hiểu một số giai điệu đặc trưng
của dân ca Tây Nguyên
Huỳnh Ngọc La Sơn
Dân ca Tây nguyên đã có từ lâu đời trên mãnh đất Tây nguyên
bao la giàu đẹp. Về dân ca Tây nguyên, chúng ta thường được nghe những lời ca,
tiếng đàn trong thang âm ngũ cung:
Rất nhiều bài hát viết về Tây nguyên của các nhạc sĩ trong và
ngoài tỉnh như Tây nguyên bất khuất của Văn Ký, Hát mừng anh hùng Núp của Trần
Quý, Em là Hoa Pơ lang của Đức Minh… đều dựa trên thang âm ngũ cung này. Thực ra,
thang âm trên chỉ thuộc về dân ca của một số dân tộc thiểu số cư trú lâu đời ở
Tây nguyên mà đông nhất là Ja rai và Ba na.
Mỗi dân tộc thiểu số ở Tây nguyên đều có những thang âm tiêu
biểu cho dân nhạc của mình, chúng ta có thể điểm sơ qua một vài nét cơ bản của
các dân tộc Ê đê, Ba na, Ja rai.
* Dân ca Ja rai
Giai điệu của dân ca Ja rai thường nồng nàn, mạnh mẽ, sâu đậm,
thiết tha, vui buồn tột cùng, dễ đi sâu vào lòng người, thường được tiến hành
theo quãng 5 đúng đi xuống liền bậc (Sol-Fa-Mi-Do) Sự tiến hành của các giai điệu
có thể thay đổi nhưng tiết tấu thì ít khi thay đổi. Thí dụ bài Lên nương, dân
ca Ja rai:
Dân ca Ja rai có các thể loại:
Hát nói gọi là Knhă
Hát có nhịp điệu gọi là Adoh
Hát giáo duyên gọi là Nhik
Hát kể trường ca gọi là Hri.
Hát có nhịp điệu gọi là Adoh
Hát giáo duyên gọi là Nhik
Hát kể trường ca gọi là Hri.
Dân ca Ba na có tính chất thiết tha, nồng nàn nhưng không bước
đến tột cùng của tình cảm do dùng nhiều quãng 4 ( Si-Mi hay Mi-Si). Giai điệu
Ba na có tính bình ổn, ít có đột biến, thường là những khúc nhạc ngắn, nhịp điệu
đơn giản.. Dân ca Ba na cũng đem cảm giác lắng dịu, êm đềm.
Thang âm dân ca Ba na Rơ ngao còn được gọi tên là đon, đen,
ton, ten theo âm thanh phát ra của bộ chiêng.
* Dân ca Ê đê
Dân ca Ê đê thường được trình bày ở điệu trưởng với thang âm
ngũ cung quen thuộc ( Re – Sol – La – Si – Re), những quãng nửa cung chỉ thỉnh
thoảng mới xuất hiện tạo nên sự biến đổi giai điệu một cách nhẹ nhàng nhưng rất
ấn tượng, kết hợp cả hai yếu tố trữ tình và mạnh mẽ, dàn trải và nhịp điệu. Dân
ca Ê đê có 2 thể hát chính là hát nói (Kứt) và hát có giai điệu (Muynh), sau
này có sự xuất hiện của điệu ei rei là sự biến dạng của lối hát có giai điệu
(hát đối đáp).
Khi nắm bắt được những nét khái lược về đặc trưng của dân ca
Tây nguyên, việc lựa chọn và đưa vào phần dạy những bài hát địa phương tự chọn
hay giới thiệu dân ca Tây nguyên trong những buổi ngoại khóa của giáo viên sẽ
có sức thuyết phục hơn. Điều quan trọng là thông qua một bài dân ca cụ thể,
giáo viên Âm nhạc sẽ giới thiệu được cái hay, cái đẹp của một nền văn hóa đặc
trưng của một dân tộc.
Con Dúi
Tết Dúi của người Ba Na Jơ Lưng ở Kon Tum
Dúi VN
Người Ba Na Jơ Lưng hay còn gọi là Ji Lâng là một nhánh của
người Ba Na sống tập trung chủ yếu ở xã Tân Lập và xã Đăk T’Re, huyện Kon Rẫy tỉnh
Kon Tum. Cũng như các dân tộc khác sống trên vùng Trường Sơn Tây Nguyên, với
tín ngưỡng đa thần, “vạn vật hữu linh” họ có rất nhiều lễ hội liên quan đến
vòng đời con người, cây trồng, vật nuôi. Et Đông (Tết Dúi) là một trong những lễ
hội đặc sắc như vậy của họ.
Lễ Et Đông thường được tổ chức 02 ngày vào đầu tháng Mười
dương lịch hàng năm, khi cây lúa bắt đầu trổ bông, ngậm hạt. Lễ hội là để cầu
mong một năm thu hoạch mùa màng thuận lợi, mọi gia đình trong cộng đồng làng được
ấm no, hạnh phúc, là ngày tổ tiên ông bà về thăm con cháu và là ngày gắn kết
thêm tình cảm của cả cộng đồng làng. Đặc biệt là chỉ sau khi ăn Tết Dúi, người
Ba Na Jơ Lưng mới được phép triển khai những việc lớn của gia đình, như làm nhà
mới, sửa nhà cũ, cưới hỏi, mua trâu, bò.v.v.
Lễ vật: Sau khi ngày lễ Et Đông được ấn định bởi hội đồng già
làng, mỗi gia đình khi đi rừng hay lên nương rẫy đều chú ý tìm cho được ít nhất
là một con Dúi, mang về làm sạch ruột, ướp muối, luộc chín rồi treo lên giàn bếp
để dành. Đồng thời họ cũng chuẩn bị một ghè rượu thật ngon. Đây là hai lễ vật bắt
buộc, không thể thiếu để dâng lên Yàng trong ngày lễ.
Mặc dù lễ Et Đông chỉ diễn ra có hai ngày đêm nhưng mọi gia
đình đều khẩn trương chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Mọi thứ được chuẩn bị
công phu và cẩn thận.Con Dúi sau khi luộc chín, được cắm vào một que tre nhọn,
từ đầu đến đuôi được trang trí bằng những hạt cườm đủ màu sắc và bằng những vật
liệu cách điệu, tượng trưng cho nền sản xuất nông nghiệp, nương rẫy: Trên đầu
que được cột một ngọn đèn làm từ sáp ong, trên cây que còn có biểu tượng của
cây cung “để xua đuổi những điều không may mắn”, một ít bông gòn “cầu mong sự phồn
thịnh cho gia chủ” ngoài ra còn có những biểu tượng của bông lúa… Bên cạnh đó,
họ cũng chuẩn bị một cây cỏ tranh bỏ vào ống tre, một ít lá chuối tươi và một
ghè rượu ngon nhất, đựng trong chiếc ghè quý nhất.
Tiến trình lễ hội: Vừa sớm tinh mơ, người chủ nhà đã lấy lễ vật
chuẩn bị sẵn, thắp đèn sáp ong có cột con dúi lên cùng một chén cơm quay vào
góc bếp và cây cột giữa nhà – nơi thờ tổ tiên ông bà, khấn và mời về ăn Tết
Dúi. Sau đó, họ chia đều bát cơm cúng cùng với thịt dúi đã chuẩn bị sẵn cho tất
cả thành viên trong gia đình và mỗi thành viên cũng lấy một nắm cơm kèm một miếng
thịt dúi bỏ vào bát cơm của người chủ gia đình với hy vọng mọi người sẽ được khỏe
mạnh và gia đình được sung túc. Trước khi ăn, mỗi người lấy một hạt cơm để trên
đầu vì “hạt lúa chính là Mẹ lúa đã nuôi sống họ hàng ngày…”
Mặt trời vừa nhô lên phía đằng Đông là lúc một hồi trống dài
vang lên từ phía nhà rông báo hiệu chuẩn bị lễ hội Et Đông. Không ai bảo ai như
một thông lệ từ xưa, người chủ gia đình chọn một trẻ nhỏ nhanh nhẹn cùng mình
mang phẩm vật đã chuẩn bị tiến về nhà rông “theo quan niệm của người Jơ Lưng,
trẻ em cái miệng không biết nói những lời tục tĩu, cái đầu chưa nghĩ tới những
việc xằng bậy nên để trẻ mang vật thiêng dâng cúng các vị thần linh và ông bà tổ
tiên là hợp lẽ hơn cả”. Ngoài ra, đây còn là dịp để cho lũ trẻ hiểu thêm, tiếp
nhận những trao truyền của thế hệ đi trước về phong tục tập quán của dân tộc
mình.
Già làng là người đến sớm nhất, Ông đã nhanh nhẹn buộc ghè rượu
quý có cắm con Dúi của gia đình mình vào cây cột chính ở giữa nhà rông và những
hộ trong làng cứ theo thứ tự đã quy định, buộc xen kẽ phần lễ của mình vào những
cây cột được bố trí thành một hàng dài chính giữa nhà rông. Khi đặt ghè rượu đồng
thời họ cũng đặt vào dưới đáy ghè số hạt gạo tương ứng với số người trong gia
đình. Sau khi tan lễ, họ sẽ kiểm tra lại nếu thấy dư hoặc thiếu là báo hiệu điềm
không tốt cho gia đình trong năm đó.
Sau khi mọi người đã tề tựu đông đủ, già làng lại đánh lên một
hồi trống dài báo hiệu lễ hội bắt đầu. Mọi người đồng loạt mở nắp ghè rượu, đổ
nước vào bình. Già làng ngồi tại vị trí trung tâm nhà rông tay cầm cuộn chỉ,
Ông cột sợi chỉ từ ghè rượu của mình rồi từ đó mỗi nhà chuyền tay nhau kéo sợi
chỉ đến từng ghè rượu cũng như cây cột được dành riêng cho gia đình mình rồi họ
cẩn thận lấy lá chuối tươi bó sợi chỉ lại đề phòng lửa bén làm đứt chỉ. Điểm cuối
của dây được buộc vào cây nêu lớn của làng. Nó vừa là một sợi dây thông linh
chuyển thông điệp của chung dân làng tới các vị thần, tới ông bà tổ tiên, vừa
là sợi dây đoàn kết tạo nên sự bền vững, sẻ chia, gắn bó giữa các gia đình
trong cộng đồng làng.
Khi trang trí và chuẩn bị xong những lễ vật cần thiết, già
làng sẽ tiến hành cúng Yàng và ông bà tổ tiên.“Mời Yàng, ông bà tổ tiên xuống
xem thử rẫy nương có được tốt hay không, cầu mong tổ tiên phù hộ cho cây lúa trổ
bông đều, chắc hạt, phát triển khỏe mạnh như cây cỏ tranh trong rừng cũng như
xua đuổi các loài sâu bệnh phá hoại”.Tiếp đến, già làng làm một số nghi thức
như: Lấy rượu trong từng ghè đổ vào một ống nứa, đồng thời lấy một miếng da
trên đỉnh đầu của mỗi con dúi, đem xâu lại thành chuỗi rồi cột vào góc thiêng của
của nhà rông để dâng lên Yàng; Sau đó ông tiếp tục lấy rượu trong từng ghè đổ
vào một cái chén làm bằng lá chuối, mỗi người trong làng đều đến nhúng tay vào
chén rượu ấy và mong sự may mắn cũng như sức khỏe đến với mình. Kế đến, mọi gia
đình đồng loạt thắp sáng ngọn đèn sáp ong lên “để cho ông bà thấy đường mà về”
rồi lại tiếp tục khấn vái, cầu cho mọi nhà khỏe mạnh, no đủ, mùa màng bội thu…
Muốn biết được làng có bao nhiều nóc nhà, sự thịnh vượng của
làng này đến đâu và hoàn cảnh của từng gia đình như thế nào? Điều này căn cứ
vào hai vật: Ghè rượu và con Dúi của gia chủ. Làng có bao nhiêu nóc nhà, chắc
chắn sẽ có bấy nhiêu nghè rượu. Ghè rượu càng to, càng ngon, con Dúi càng lớn,
được trang trí càng đẹp chứng tỏ gia chủ là những người giàu có và ngược lại.
Sau nghi lễ cúng Yàng là phần hội bắt đầu. Già làng uống cang
rượu cần đầu tiên rồi đến các hộ gia đình, họ mời nhau nếm thử hết một lượt rượu
của các gia đình xem ai ủ rượu ngon nhất, bắt được con Dúi lớn nhất, chuẩn bị
món ăn đặc sắc nhất …ai nấy đều vui tươi, hồ hởi, họ vừa ăn uống vừa nói chuyện
mùa màng, con cái, chia sẻ kinh nghiệm canh tác, sản xuất, săn bắn…rồi họ hát
hò, đánh chiêng, diễn xướng những trò chơi dân gian, kể Khan, nhắc lại thời ông
bà tổ tiên đã từng dựng làng, khai đất …cứ như thế cuộc vui kéo dài hết đêm bên
ghè rượu cần ngây ngất hay bên bếp lửa bập bùng đến tận sáng hôm sau.
Tết Dúi dù thế nào cũng phải ăn được một miếng thịt Dúi. Điều
khá lạ là trong Et Đông, người ta không thịt vật nuôi trong gia đình, như trâu,
bò hay lợn gà.v.v. Hầu hết thực phẩm đều được lấy từ tự nhiên, như rau rừng, cá
suối, thú rừng… Gần trưa ngày hôm sau, mọi nhà xẻ thịt dúi chia đều cho tất cả
các thành viên trong cộng đồng và khách tham dự. Mọi người lại cùng ăn uống,
trao đổi với nhau về việc chuẩn bị Nhà Đầm để chứa lúa, về sửa soạn nhà cửa sau
khi thu hoạch vụ mùa và cùng bàn với nhau về dựng vợ gả chồng cho con cái.
Et Đông là thời khắc đánh dấu năm cũ đã hết. Năm mới với những
hi vọng mới, niềm vui mới bắt đầu. Trong Et Đông, mỗi người đều tự rũ bỏ phiền
não, mọi hiềm khích trong cuộc sống hàng ngày của năm cũ đều được hòa giải, xóa
bỏ.
Lễ hội Et Đông là một lễ hội độc đáo, lôi cuốn hiếm thấy và
mang tính triết lý nhân văn sâu sắc. Thông qua lễ hội hàng năm, người Ba Na Jơ
Lưng muốn giáo dục con cháu mình phải biết giữ gìn truyền thống, nhớ ơn tổ tiên
ông bà, đoàn kết thương yêu nhau và chăm chỉ làm ăn mới mong có cuộc sống ấm
no, hạnh phúc.
Lễ Hội Đâm Trâu của tộc Ba Na.
Lễ hội đâm trâu của người Bana
Tô Tuấn
Lễ hội đâm trâu được người Bana gọi là x’trǎng, là một lễ hội
tế thần linh, ăn mừng chiến thắng, mừng mùa màng bội thu, mừng lễ hội mùa xuân
hay mừng các sự kiện trọng đại trong năm. Tuỳ theo hoàn cảnh ở từng địa phương
mà bà con tổ chức lễ đâm trâu.
Lễ đâm trâu thường được tổ chức vào khoảng thời gian từ tháng
Chạp cho đến tháng 3 âm lịch. Đó là là khi mùa màng thu hoạch xong, thóc đã được
đưa vào bồ, các gia đình được nghỉ ngơi. Người Bana tổ chức lễ đâm trâu là để tạ
ơn thần linh, đón mừng năm mới, cầu mong sức khỏe cho mọi người và cầu chúc cho
một năm mới mùa màng tươi tốt. Anh Đào Minh Ngọc, hướng dẫn viên Bảo tàng dân tộc
tỉnh Đắc Lắc, cho biết: “Lễ hội đâm trâu là lễ hội lớn linh thiêng đối với người
Bana. Lễ hội đâm trâu (còn gọi là lễ hiến sinh) phải trải qua nhiều nghi lễ nhỏ
với nhiều hình thức như: lễ cúng thần linh, nghi lễ uống rượu cần, diễn tấu cồng
chiêng và có bài khóc trâu. Lễ hội đâm trâu chỉ được dùng trong cúng thần
linh”.
Lễ đâm trâu thường diễn ra trong 3 ngày đêm. Để chuẩn bị cho
lễ đâm trâu, người Bana phải chuẩn bị hàng tháng trời. Những người đàn ông khoẻ
mạnh trong buôn được cử vào rừng chọn những cây gỗ Pơlang thẳng, đẹp nhất để
làm cột Gưn, chọn những cây mây vàng bóng để bện thành sợi dây vững chãi buộc
trâu trong ngày lễ. Thường thì lễ đâm trâu tế Giàng (Thần linh) được tổ chức
vào sáng sớm, lúc mặt trời vừa lên. Dân làng chọn một con trâu khỏe mạnh làm vật
hiến sinh, con trâu này được coi như vị sứ giả chuyển lời cầu khấn, ý nguyện của
bà con tới các vị thần. Vào ngày lễ, trâu được đưa đi tắm rửa sạch sẽ và cho ăn
uống no nê rồi đem buộc bằng dây mây vào cột Gưn mà người Ba Na gọi cây cột này
là gưng sakapô. Đây là một cây cột gỗ cao trên 5 mét, được trang trí hoa văn,
hoa rừng và cờ rất đẹp. Trên đỉnh cột thường đặt một biểu trưng hình chim Phượng
hoàng bằng gỗ. Khi con trâu được cột vào Gưng, làng cử đại diện gồm: già làng,
thanh niên nam, nữ, trẻ nhỏ dắt trâu đi vòng quanh cột vừa đi vừa nói những điều
tốt đẹp. Đây cũng là lúc bà con trong buôn tập trung lại và những nghi thức của
buổi lễ bắt đầu.
Chủ lễ là già làng, người có uy tín nhất cộng đồng đọc lời khấn
trời đất, cầu chúc mưa thuận gió hòa, dân làng khỏe mạnh, hoa trái mùa màng tốt
tươi… Khấn Giàng xong, con trai, con gái nhảy múa vòng tròn theo nhịp cồng
chiêng rộn rã, âm vang khắp núi rừng. Một người lớn tuổi được cử ra để mời bà
con và khách uống rượu cần thể hiện lòng hiếu khách. Tâm điểm của lễ hội là các
chàng trai trong buôn biểu diễn các màn võ truyền thống quanh cột Gưn buộc
trâu, trong khi các cô gái nối thành vòng xoang nhảy múa theo nhịp cồng chiêng.
Sau một đêm nhảy múa, ca hát, buôn cử 5 người đại diện gồm 3 thày cúng và 2 già
làng làm lễ hiến sinh đọc thần chú, xin dâng cúng trâu cho thần linh và cầu
nguyện những điều tốt đẹp còn mọi người ngồi nói chuyện, uống rượu cần.
Suốt đêm hôm ấy bà con dân làng thức với con trâu, khóc
thương con trâu, bày tỏ tình cảm của mình với con trâu bằng bài hát “Khóc
trâu”. Bài hát với lời : lâu nay trâu sống cùng với con người, giúp đỡ người
trong công việc đồng áng nặng nhọc, nhưng vì làng có việc trọng đại, cần đến
trâu để tạ ơn Giàng, mong trâu vui vẻ thực hiện nhiệm vụ của mình. Sau buổi lễ,
thịt trâu được chia đều cho tất cả mọi người, từ già đến trẻ nhỏ trong buôn và
cả khách mời, ai cũng có phần đem về nhà, mang may mắn cho mọi người. Già làng
Bok Ny dân tộc Bana ở tỉnh Kon tum, cho biết: “Lễ hội để cầu mong mưa thuận gió
hoà. Sau khi lễ hội xong cũng là là kêu gọi bà con phát huy tính tự lực tự cường,
cùng nhau làm ăn cần cù để cuộc sống buôn làn ngày càng phát triển đi lên”.
Lễ đâm trâu của người Bana cũng là dịp để con cháu ôn lại
truyền thống hào hùng của dân tộc, giúp lớp trẻ hình dung các bước thực hiện lễ
đâm trâu để lưu giữ truyền thống tổ tiên. Lễ hội đâm trâu góp phần giữ gìn nét
văn hóa dân gian của người Bana, làm phong phú thêm sắc thái văn hóa của dân tộc
Việt Nam.
Tết Nguyên Đán của người Ba Na
không thể thiếu nghi thức uống
rượu cần.
Ấm cúng Tết Nguyên đán của người Ba Na, Kon Tum
TH-Cinet-DTV
Tết Nguyên đán của đồng bào Ba Na ở Kon Tum không cúng bái cầu
kỳ như người Kinh, nhưng cũng có những nghi lễ và khá ấm cúng trong hương rượu
cần…
Sinh sống trên mảnh đất Kon Tum nắng gió từ hàng trăm năm trước,
người Ba Na ăn Tết theo từng dịp mang ý nghĩa tâm linh hoặc theo vòng thời
gian, có các lễ hội chính như: Lễ hội mừng lúa mới, Lễ bỏ mả, Lễ nhà rông mới,…
Tết Nguyên đán (Chruh-kâl) là một trong những lễ hội quan trọng, có ý nghĩa
không chỉ với từng cá nhân mà còn với cả buôn làng, cộng đồng.
Hằng năm gần đến ngày Tết Nguyên đán, bà con lại tất bật dọn
dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế để chuẩn bị đón Tết. Trong đó, không thể thiếu
công việc gói bánh tét, mua bánh ngọt, mua thịt heo… Món ăn đặc sắc được người
Ba Na ưa thích nhất và thường được nhiều gia đình làm trong dịp Tết Nguyên đán
là cá, ếch, nhái mổ bỏ ruột hay thịt gia súc, gia cầm sau thui, xẻ thịt, chặt từng
khúc nhỏ, trộn với rau rừng, măng rừng, sả, tiêu (giã nhỏ) cho vào ống lô ô để
lên lửa than hồng nướng chín. Các món ăn khi đã được nướng, nấu chín, người phụ
nữ trải lá kbang (lá dầu) trên cái nia hay bàn ăn và đổ thức ăn từ ống lồ ô lên
trên lá, sau đó cùng nhau ăn, uống vui vẻ.
Chiều ngày 30 dân làng tập trung tại nhà rông uống rượu cần
và xem thanh niên trong làng tổ chức đánh bóng chuyền. Tối đến, dân làng tổ chức
văn nghệ, nối vòng xoang trong tiếng cồng chiêng ngân vang cho đến giao thừa.
Sáng mồng một Tết, sau khi thắp đèn, cắm hoa lên bàn thờ Chúa, hoa quả lên bàn
thờ gia tiên, dân làng kéo nhau đi lễ nhà thờ cầu xin mọi người trong gia đình
mạnh khỏe, đất nước thanh bình; mồng hai Tết cầu cho linh hồn người thân trong
gia đình siêu thoát; mồng ba Tết cầu mùa màng bội thu, gia đình có của ăn của để.
Ngày đầu năm mới, những người trong nhà dậy sớm để cùng nhau
sửa soạn mâm cỗ cúng Giàng. Mâm cỗ cúng khá đơn giản thường chỉ có con gà trống
luộc và ghe rượu cần, người cao tuổi trong nhà trang trọng thắp nén nhang tạ ơn
trời đất đã phù hộ cho gia đình một năm yên bình và cầu mong Giàng phù hộ một
năm mới nhiều may mắn. Sau đó, tập trung cả gia đình lại, cùng ăn bữa cơm đầu
năm rồi lần lượt đi thăm từng gia đình trong làng. Cũng như người Kinh, Tết
Nguyên đán của người Ba Na là thời gian để lũ trẻ vui chơi thỏa thích, người
già thăm hỏi nhau, còn các chàng trai cô gái thì có thời gian tìm hiểu, bộc lộ
tình cảm.
Sau khi đọc kinh và cầu nguyện, bà con về nhà hoặc đi thăm
nhau, chúc cho nhau mạnh khỏe. Bên ghè rượu cần, người già kể về những kỉ niệm
xa xưa, trai gái dần trở nên mạnh dạn, gần gũi nhau, chia sẻ tâm tình. Càng về
đêm, men say núi rừng càng thấm đẫm vào mỗi người, cả chủ và khách đều không
còn khoảng cách, trò chuyện rôm rả liên tục.
Mặc dù, đã có nhiều đổi thay nhưng người Ba Na vẫn lưu giữ những
nét truyền thống của dân tộc mình trong dịp Tết Nguyên đán: vẫn là hương vị nồng
say của rượu cần, vẫn là vị ngọt của thịt rừng, vị đậm đà của những món ngon
dân dã, và vẫn tiếng cồng chiêng vang vọng bản làng, báo hiệu một năm mới với
nhiều hi vọng, mừng vui…
Lễ hội Sơmă Kơcham
Lễ hội Sơmă Kơcham của người Ba Na, Gia Lai
TH-Cinet-DTV
Sơmă Kơcham là lễ hội lớn nhất trong năm – mở đầu cho một năm
sản xuất và các lễ hội khác trong năm của người Ba Na ở Mơ H’ra, xã Kông Lơng
Khơng, huyện KBang (Gia Lai).
Theo quan niệm của người Ba Na, con người từ khi sinh ra đến
khi xuống mồ phải trải qua nhiều quá trình của mối quan hệ ứng xử; mối quan hệ
Người – Người (cá nhân với cá nhân), mối quan hệ cá nhân với cộng đồng; mối
quan hệ cá nhân, cộng đồng với đấng siêu nhiên – Yàng. Trong khi điều kiện sinh
tồn của các dận tộc còn gặp rất nhiều khó khăn phải chống chọi với thiên nhiên,
thú dữ, bệnh tật, đói nghèo, chết chóc… mà trình độ nhận thức khoa học của con
người hạn chế. Do đó, vòng đời người cũng gắn liền với hệ thống Lễ – Hội tương ứng
trong mỗi thời kỳ, tình huống cụ thể. Có Lễ Bỏ Mả (Pơ Thi), Lễ Ăn Trâu, Lễ
hội mừng Nhà rông mới, Lễ cúng Sơmă Kơcham.
Vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch, khi hoa pơ lang thắp
lên muôn vàn đốm lửa giữa bầu trời ngập tràn ánh nắng cũng là tháng đồng bào
dân tộc Ba Na tiến hành lễ hội Sơmă Kơcham… Sơmă – tiếng Ba Na
nghĩa là cúng; kơcham là cái sân.
Để chuẩn bị cho lễ hội Sơmă Kơcham. Bà con phải dựng đàn
tế lễ. Đàn lễ thoạt trông đơn giản nhưng lại vô cùng cầu kỳ ở các chi tiết trang
trí. Theo quan niệm của người Ba Na, những người dựng đàn phải là những người
“có con mắt, cái tay của Yang cho” mới làm được việc này.
Cúng sân, hiểu theo nghĩa rộng là cúng đất làng. Đây là lễ hội
lớn nhất trong năm của người Ba Na mở đầu cho một năm sản xuất – đồng nghĩa với
một lễ hội đón mừng năm mới.
Lễ hội kéo dài suốt một ngày một đêm với mục đích thông báo
cho các vị thần linh biết các công việc sẽ làm trong năm, khấn cầu các vị phù hộ
cho mọi việc như sửa chữa nhà cũ, đốn cây làm rẫy… diễn ra suôn sẻ.
Đặc biệt là xin các vị “cho mưa xuống đúng lúc, nắng lên đúng
thời”; cây lúa “ban ngày bằng bụi sả, ban đêm bằng cây đa”; con người khỏe mạnh,
sinh sôi “như cây môn mọc”…
Lễ hội Sơmă Kơcham được người Ba Na tổ chức rất
long trọng. Vật hiến tế các vị thần linh là trâu, bò, rượu cần, cơm lam được
chuẩn bị rất cẩn thận. Sau phần lễ, tiệc ăn uống sẽ kéo dài suốt đêm.
Không gian làng như vỡ ra bởi điệu chiêng tơnơl và
những vòng xoang rậm rịch. Xưa kia khi gặp phải các việc bất trắc như ốm đau, dịch
bệnh, mất mùa… phải chuyển làng đi nơi khác, người Ba Na cũng phải tiến hành Sơmă
Kơcham. Bây giờ các làng Ba Na đều đã định cư. Nhưng lễ hội Sơmă Kơcham, mọi
làng vẫn giữ gần như nguyên vẹn.
Lễ hội cốm mới của người Bana.
Lễ hội ăn cốm mới của người Bana ở Bình Định
TH-Cinet-DTV
Lễ hội ăn cốm mới vừa mang tính chất gia đình – gia tộc –
dòng tộc lại vừa thể hiện tính cộng đồng cao, đậm nét, đó là một nét văn hóa đặc
trưng của người Bana (Bình Định).
Lễ hội ăn cốm lúa mới của người Ba na là một trong những lễ hội
lớn trong năm, mang ý nghĩa thiêng liêng giống như Tết Nguyên đán của người
Kinh.
Vào tháng 11 dương lịch, khi cây rừng trút lá, chuẩn bị khoác
lên mình chiếc áo màu xanh của chồi non, lộc biếc, khi tiếng chim tel báo hiệu
lúa trên rẫy đã chín vàng, đó cũng là lúc các làng người Bana tất bật chuẩn bị
lễ hội ăn cốm mới.
Khi những bông lúa vừa ngả vàng trên cánh đồng, người Ba na
đã chọn những bông lúa chắc hạt, đem về rang nóng lên và giã thật kỹ. Thế là được
mẻ cốm nóng giòn, thơm mùi lúa mới. Cốm này được cất kĩ, để dành cho lễ ăn cốm
lúa mới.
Trước ăn tết chính một hai ngày không khí trong các làng kẻ
vào người ra, kẻ về người đi thật nhộn nhịp, tiếng chào hỏi, tiếng cười nói râm
ran. Nhà nào nhà nấy chuẩn bị cho ngày ăn tết thật kỹ càng và chu đáo. Con gà,
con heo sẵn trong chuồng, thịt chim thú các loại phơi bày trên giàn bếp; các loại
ghè rượu ngon sắp đặt ngay ngắn quanh cột rượu gia đình… tất cả sẵn sàng phục vụ
cho ngày tết. Chị em mang những trái bầu to nhất ra đầu nguồn nước, múc nước về
dùng. Các món ăn truyền thống được nấu lên, thơm lừng. Lúc này, cốm mới được
mang ra, bày lên mâm cúng tổ tiên. Những ngày này, trong gia đình có người ở xa
thì cũng phải về, tề tựu đông đủ trong bữa cơm cuối năm này.
Ngày ăn cốm mới, người Ba na khoác vào bộ quần áo tươm tất nhất.
Trước khi tới nhà rông, từng gia đình cúng ở nhà mình. Lễ bắt buộc phải có con
gà, rượu, cơm mới, và cốm. Nhà nào khá thì mổ heo. Ông chủ nhà khấn khứa xong,
lấy móc (cốm) bỏ vào mâm, cả nhà cùng ăn. Hôm sau mới là ngày mời bà con. Xong
bữa cơm gia đình, cả nhà ra nhà rông. Nếu hôm đó nhà có khách, khách cũng được
mời ra nhà rông.
Trời vừa chạng vạng, trên nhà rông, già làng đánh hồi một trống
pơnưng, giục các gia đình cõng rượu ra tập hợp tại nhà rông. Nhà nào cũng chọn
ghè rượu ngon nhất, mang ra buộc ngay ngắn tại cột rượu của gia đình tại nhà
rông. Già làng đánh hồi trống thứ 2, khách được mời lên nhà rông. Già làng cúng
Giàng, cầu xin cho dân làng một năm mới bình an, khỏe mạnh, thóc lúa đầy chòi,
nhiều gà, nhiều heo. Chủ và khách cùng vít cong cần rượu trong tiếng trống
chiêng rộn ràng, qua nửa đêm đến gà gáy, tới tận khi cả chủ và khách đã ngà ngà
say. Chuỗi ngày vui tưng bừng khắp làng trên, xóm dưới bắt đầu.
Tiếng trống chiêng rộn ràng trong ngày lễ hội.
Sáng hôm sau, đoàn người gồm già làng dẫn đầu, theo sau là những
cô gái xinh đẹp được chọn lựa cõng gùi đến từng nhà chúc tết. Đội cồng, đội
chiêng cùng đi. Trẻ con nô nức theo sau.
Đến mỗi nhà, gia chủ sẽ bỏ vào gùi của các cô gái những đồ ăn
đã chuẩn bị trước, góp để tổ chức ăn tết chung tại nhà rông. Nhà có trứng gà
thì cho trứng gà, có thịt heo thì cho thịt heo, thịt khô, con chuột…
Nhà già làng là điểm dừng chân đầu tiên. Đến nhà nào già làng
cũng phải cúng làm phép, chúc gia đình mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Thời gian
đoàn người dừng lại ở mỗi nhà từ 15-20 phút, có khi tiếng, để chủ nhà chuốc rượu.
Người này vốc cả nắm cốm bỏ vào miệng người kia, trong tiếng reo hò của mọi người
xung quanh. Cốm càng rơi vãi, tiếng reo hò càng lớn. Người Ba na cho rằng, dù cốm
có vung vãi ra đầy nhà thì cũng không được quét dọn, quét là mất lộc: Ăn cốm là
phải ăn phung phí. Cứ bốc ăn. Nếu có thịt kho nữa càng ngon. Thế mới là lễ lúa
mới. Vung vãi ra nhà càng nhiều thì càng làm ăn được, để một ngày sau mới quét.
Ăn vãi, hy vọng mọi năm thức ăn cũng dư thừa như thế.
Đi hết một vòng các nhà trong làng, đoàn người mang đồ ăn về
tập trung tại nhà rông, làm cơm cúng Giàng. Nhà nào cũng muốn đoàn lưu lạ nhà
mình lâu một chút, nên có năm, 3 ngày mà đoàn người vẫn chưa đi hết lượt nhà.
Từ nhà Rông về bây giờ cả chủ lẫn khách đã ngà ngà say. Một
ghè rượu to và ngon nhất được gia đình đem ra buộc vào cột rượu gia đình, gọi
là: Chơ mrưng sơ drô cúng mừng năm mới. Ông chủ nhà mời khách và chủ nhà đến cầm
cần rượu. Bây giờ gia đình mới đổ rượu mừng lễ hội, ông chủ làm thủ tục cúng,
chúc mừng năm mới, chúc mừng mọi người làm ăn no đủ, mạnh khỏe và hạnh phúc. Mọi
người ngồi quanh ghè rượu thay phiên uống, lần lượt từ người này đến người
khác, từ già cho đến người trẻ, ai không biết uống cũng phải uống phép vài ngụm;
trẻ con đang bú, người mẹ nhỏ một giọt nước rượu vào đầu ngón tay rồi xoa vào
trán bé, như vậy cũng gọi đã có uống rồi. Mọi người say sưa uống rượu, vừa uống
vừa hát hò, nói chuyện vui vẻ. Uống càng nhiều, men rượu càng thấm rồi say. Người
nào còn uống được thì uống, không uống được nữa thì ngủ. Uống nhạt ghè rượu
này, gia đình tiếp tục lấy ghè rượu khác. Uống rượu gia đình này chưa xong họ lại
được mời đến uống rượu tại gia đình khác, cứ như thế họ uống suốt ngày
Lễ hội ăn cốm lúa mới hay ăn Tết Nguyên đán là một trong những
lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm nét đặt trưng của dân tộc Việt Nam nói
chung, cộng đồng người Bana nói riêng.
Chính tay người con sẽ làm các món ăn ngon
dâng lên cha mẹ
mình trong Ngày lễ tạ ơn.
Lễ tạ ơn cha mẹ của người Ba Na ở Kon Tum
TH-Cinet-DTV
Khi người con đã trưởng thành, có đủ điều kiện kinh tế sẽ tổ
chức “Lễ tạ ơn” để cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Đây là một nét
đẹp trong đời sống văn hóa ứng xử của người Ba Na ở Kon Tum.
Lễ cúng tạ ơn cha mẹ, người Ba Na gọi là Khop bơnê kơ me pa.
Thường được tổ chức vào tiết nông nhàn (Ning nơng), sau lễ mừng lúa mới. Đây là
lễ của người con ruột đã có gia đình, có nhà riêng và làm ăn khấm khá. Sẽ tự
nguyện thông báo với dòng tộc, bố mẹ về việc muốn tổ chức ngày lễ để tạ ơn cha
mẹ đã sinh và nuôi dạy mình nên người.
Tùy vào điều kiện kinh tế của người con quyết định vật cúng,
nếu giàu có thì mổ bò còn nếu không thì một con heo lớn, một con gà và một ghè
rượu ngon. Mặc dù lễ Cúng tạ ơn cha mẹ chỉ gói gọn trong từng gia đình, dòng tộc
nhưng Lễ được tổ chức khá long trọng trong hai ngày.
Ngày đầu tiên là dành cho phần lễ trong gia đình thân thuộc,
còn ngày hôm sau mới mời bà con, anh em ở làng xa đến ăn uống chung vui. Vào
ngày đã được sự đồng ý của cha mẹ. Gia đình người con sẽ mang lễ vật đến, một
ghè rượu ngon đặt giữa nhà và bắt đầu mổ gà và heo (bò). Lấy tiết con vật cúng
bôi lên ghè rượu, lấy một phần gan sống của các con vật đem xâu vào cây tre rồi
cột trên miệng ghè để cúng ông bà tổ tiên và một phần đem ra ngoài sân cúng thần
linh. Gà, thịt heo được nướng, xâu vào cây tre rồi cùng cột vào cây nơi buộc
ghè rượu. Họ sẽ lấy một nhánh lá rừng nhúng vào trong ghè rượu cúng rồi phẩy rượu
lên cha mẹ và con.
Tiếp theo cha mẹ và con sẽ lần lượt khấn vái thần linh, ông
bà tổ tiên, mời họ về cùng hưởng và chứng kiến sự hiếu thuận của con cháu. Cảm
ơn họ đã ban cho sự giàu có, no đủ, gia đình bình yên, hạnh phúc… Sau đó chính
tay người con sẽ làm các món ăn ngon dâng lên cha mẹ mình, theo khẩu vị mà cha
mẹ mình thích ăn nhất. Gà sẽ được lóc xương nấu cháo; heo sẽ lấy phần thịt thăn
đem nướng. Sau khi đã chuẩn bị xong, người con mang đến dâng cho mẹ mình ăn trước
và mời mẹ uống cang rượu cần đầu tiên rồi mới đến cha, đồng thời cũng nhắc lại
thời thơ ấu đã được mẹ nuôi nấng, nhờ có dòng sữa mẹ nên mới lớn khôn và nhờ
cha đã dạy dỗ, chở che nên được như hôm nay. Người mẹ, cha nhận lời và cũng cảm
ơn con đã biết hiếu thuận, nhớ ơn sinh thành, cầu mong con sẽ không bị đau ốm
và làm ăn ngày càng tốt hơn nữa.
Sau khi đã chuẩn bị xong các món ăn, người con mang đến dâng
cho mẹ, mời mẹ uống cang rượu cần đầu tiên rồi mới đến cha.
Khi người mẹ nếm cang rượu cần, xem như đã nhận phần đền đáp
của con mình. Rượu được chuyền tiếp tục cho cha rồi đến người con, thông thường
con ruột sẽ uống trước rồi sau đó mới đến dâu hoặc rể. Sau đó là bà con thân
thuộc và sau cùng mới bà con làng xóm.
Cuộc vui kéo dài đến hết ngày hôm sau. Cứ mỗi khách đến họ
mang theo ít gạo, vài quả trứng gà đã luộc sẵn, một ít tiền để biếu gia chủ, cầu
mong mọi sự điều tốt đẹp, gia đình ngày càng sung túc hơn. Để góp vui với chủ
nhà, đàn ông mang theo lít rượu, phụ nữ chai nước ngọt hay đồ ăn mà nhà mình có
sẵn. Khi đến họ rót rượu hoặc nước ngọt ra mời chủ nhà và khách đến tham dự.
Gia chủ lại bày thức ăn ra và họ cùng ăn uống, hát hò, chúc tụng vui vẻ.
Đặc biệt, người Ba Na tổ chức lễ tạ ơn cha mẹ như nhau cho
hai bên nội, ngoại. Nếu bên nào ở gần con hơn thì sẽ được tổ chức trước và bên
kia cũng được chọn ngày để con cháu tạ ơn giống như vậy. Đều này nói lên sự
công bằng trong văn hóa ứng xử của người Ba Na trong mối quan hệ của gia đình
hai bên.
Lễ tạ ơn cha mẹ chính là một nét đẹp mang đậm tính truyền thống
và giá trị nhân văn sâu sắc. Lễ đã để lại dấu ấn tốt đẹp cho mỗi người tham dự
và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc.
Trang phục của người Ba Na rất giản dị với những
đường nét khỏe
khoắn nhưng không kém phần duyên dáng.
Trang phục Ba Na – Hơi thở đại ngàn
TH-TQ-DTV
Sống giữa núi rừng bạt ngàn, những đường nét trong trang phục
của người Ba na đều như hòa quyện cùng với thiên nhiên, mang hơi thở đại ngàn.
Khác với trang phục của nhiều dân tộc khác, trang phục của
người Ba na rất giản dị với những đường nét khỏe khoắn nhưng không kém phần
duyên dáng.
Đàn ông mặc áo chui đầu, cổ xẻ, hở ngực, cộc tay, đóng khố
hình chữ T. Phụ nữ mặc áo chui đầu, không xẻ cổ kết hợp với váy. Váy của phụ nữa
Ba Na không được may lại mà nó chỉ là một tấm vải đen được quấn quanh thân dưới.
Trong các ngày lễ, trang phục của người Ba na có phần sặc sỡ hơn.
Ngay từ thời xa xưa, người Ba na đã biết trồng bông, dệt vải
để tạo ra những tấm vải thổ cẩm bền đẹp. Không chỉ vậy, người Ba na còn biết tạo
ra mùi hương đặc biệt cho trang phục của mình. Sau khi quay tơi những sợi bông
ra, những người phụ nữ Ba Na lấy mật ong để làm mềm vải và tạo ra hương thơm nhẹ
nhàng không lẫn vào trang phục các dân tộc khác.
Trong trang phục, chính các họa tiết làm nên sự độc đáo. Với
lối tư duy đơn giản, các họa tiết trong trang phục của người Ba na là những
hình khối đối xứng mang tính biểu tượng cao. Họa tiết đối xứng phản ánh quan niệm
về vũ trụ, trời – đất, âm – dương lấy thiên nhiên làm hình mẫu. Mỗi tấm thổ cẩm
được làm ra là một bức tranh thiên nhiên thu nhỏ từ những nét cách điệu hình học.
Để làm nên sự độc đáo, tươi mới cho trang phục của mình, người
Ba Na luôn tỉ mẩn, khéo léo trong cách chọn và phối hợp màu sắc.
Trang phục nữ – Ba Na.
Họ nhuộm vải bằng màu mực của các loại cây rừng. Mỗi màu sắc
đều mang một ý nghĩa riêng, một tiếng nói riêng . Màu đen được nhuộm bằng lá
cây chàm, cây mô, thường là màu nền của mỗi tấm vải, biểu hiện cho đất đai, cho
sự nảy mầm từ mặt đất, độ che phủ của cây rừng mà suốt cả cuộc đời con người phải
gắn chặt với nó kể cả khi họ đã trút hơi thở cuối cùng.
Theo quan niệm của người Ba Na, màu đen là màu chủ đạo, gây ấn
tượng mạnh mẽ về phong cách. Đây chính là những hoa văn phản ánh đường nét văn
hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người họ. Màu đỏ biểu hiện
cho màu của lửa, của máu, tượng trưng cho sức sống, sự vươn lên, niềm đam mê,
tình yêu và khát vọng, được nhuộm bằng nhựa cây Kxang, Kơ bai. Màu vàng biểu hiện
cho ánh sáng mặt trời, sự kết hợp hài hòa giữa con người và tự nhiên, được nhuộm
bằng củ nghệ hay màu của cây Kmếch. Màu xanh biểu hiện cho màu da trời, màu của
cây lá được nhuộm bằng nhựa cây truông nhây, cây Kpai…
Hoa văn trên thổ cẩm Ba na chủ yếu chạy dọc theo tấm vải. Điểm
nhấn cho các bộ trang phục chính là các đường kẻ sọc. Những đường sọc ngang đỏ,
trắng ở gấu áo của nam giới thể hiện sự mạnh mẽ của những người đàn ông quanh
năm sống với núi rừng. Trên áo của nữ giới có sọc ở chỗ khuỷa tay, ở cổ, ngang
ngực và gấu áo, váy có sọc thân và gấu thể hiện được sự đơn giản trong con người
và sự duyên dáng của họ.
Bên cạnh đó, với người Ba na, các phụ kiện là một phần không
thể thiếu để tô điểm cho các bộ trang phục và có vai trò trừ tà ma. Các phụ kiện
như: hoa tai, lược cài tóc, nhẫn ở 2- 3 ngón tay… Tục lệ đeo nhẫn bắt nguồn từ
quan niệm: mỗi ngón tay đều mang một sức mạnh. Ví như ngón cái tượng trưng cho
cha, ngón giữa tượng trưng cho sức mạnh, quyền lực, ngón nhẫn tượng trưng cho sức
mạnh của tình yêu. Và, đeo nhiều nhẫn ở các ngón tay là thể hiện sức mạnh tối
cao.
Đặc biệt, các thiếu nữ Ba Na còn có khăn đội đầu để làm
duyên. Chiếc khăn có những hàng cúc trắng, chuỗi cườm tua tủa, cúc bạc lung
linh thể hiện được tình yêu thủy chung và niềm ước mơ hạnh phúc.
Trải qua hàng trăm năm tồn tại và phát triển, người Ba na vẫn
giữ nguyên được những nét văn hóa trên trang phục của mình. Để sau này, mỗi làn
nhắc đến dan tộc Ba na, người ta sẽ không quên những bộ trang phục độc đáo về họa
tiết, ấn tượng về màu sắc và ngạc nhiên với ý nghĩa của từng đường nét.
Nhà dài của tộc Ba Na.
“Nhà dài” – Kiến trúc độc đáo của người Ba na
TQ-DTV
Nhà sàn của người Ba na luôn được gọi bằng một tên gọi rất độc
đáo: nhà dài. Đó là những ngôi nhà không chỉ dài về mặt đo lường (độ dài trung
bình 10m) mà ở đó còn chứa đựng độ dài truyền thống của nhiều thế hệ sống chung
trong ngôi nhà.
Người Ba na sống chủ yếu trên các vùng đồi núi, chính vì thế,
những nét kiến trúc, chất liệu làm nhà cuat họ luôn gắn liền với thiên nhiên,
tiện lợi với cuộc sống hàng ngày. Nhà sàn của người Ba na dựng cao, thẳng, cách
mặt đất 1 đến 2 m. Toàn bộ nhà sàn được làm bằng gỗ, tre, nứa hoặc lô ô.
Nhà sàn của đồng bào Ba na có hình chữ nhật với chiều dài
trung bình khoảng 10m. Mỗi căn nhà gồm 12 cây cột được chia đều mỗi bên 6 cây để
tạo nên sự vững chãi, cân bằng cho ngôi nhà. Để làm cột, người Ba na thường chọn
cây cà chít – một loại gỗ có vị đắng và cứng chắc, ít mối ăn để đảm bảo độ bền
cho khung nhà.
Cột nhà được đẽo tròn, gốc có đường kính độ 30cm và ngọn khoảng
20cm được đục một lỗ hình vuông để kết nối giữa cột và cây trính thượng. Cách
trính thượng khoảng 2m là trính hạ. Trính thượng và trính hạ được đẽo thành khối
hình chữ nhật. Hai cây đà được gác lên hai hàng trên đầu cây cột. Ở chính giữa
trính thượng có một trụ lỏng để chống đỡ đòn giông. Các rui gác lên, đòn giông
xưa kia người ta dùng các loại cây tròn thẳng, dài và cứng chắc. Ngày nay, người
ta dùng cây xẻ vuông hoặc hình chữ nhật với kích thước 5cm x 5cm hoặc 4cm x
6cm. Cây mè chọn từ cây tre hoặc lồ ô chẻ ra. Với cách làm khéo léo, cẩn thận cộng
với nguyên liệu tốt đã làm nên sự bền, chắc của những ngôi nhà sàn Ba na.
Một ngôi nhà sàn bao giờ cũng có hai mái chính với hai mái phụ
ở hai đầu gọi là chái. Vách nhà chính thường đan bằng nứa hoặc lồ ô. Có khi
vách lại được trét bằng đất trộn với rơm. Nhà có 6 gian, nhưng chỉ một gian đầu
cùng hoặc gian cuối có vách ngăn phòng dành cho cha mẹ. Người Ba Na có tập quán
xây nhà theo hướng nam, cửa chính ngay ở gian giữa.
Nhà dài của tộc Ba Na.
Ở vùng người Bana còn có một loại phên dùng để lót sàn nhà rất
đặc biệt. Đó là những thỏi gỗ hoặc mảnh nứa dày nhỏ như đầu ngón chân cái được
nối với nhau thành tấm theo cách khớp từng mảnh lại, gác lên các thanh dầm gỗ
sàn nhà. Trên sàn có trải chiếu ở chỗ mời khách ngồi, hoặc chỗ nghỉ ngơi của chủ
nhà…
Người Ba na rất mến khách. Chính vì vậy, họ luôn dành gian giữa
– một vị trí trang trọng cho nhũng người khách ghé thắm nhà mình. Đối với khách
quý, chủ nhà trải chiếc chiếu mới, mời khách ngồi và mang một bầu nước đầy, mời
khách uống. Bên cạnh đó, một bếp lửa để cho khách sưởi ấm khi gặp những ngày
giá lạnh.
Một phần quan trọng không thể thiếu trong ngôi nhà dài của
người Ba na chính là nhà chồ hnam pra. Nhà chồhnam pra có hai mái lợp bằng
tranh hoặc ngói. Để bước lên nhà chồ người ta bắc một chiếc cầu thang bằng gỗ
hương, trắc cao to từ đất lên. Sàn nhà chồ làm bằng gỗ ván to, dày. Đó là nơi
dành cho phụ nữ giã gạo vào những buổi sáng sớm hoặc buổi chiều tối đi làm về.
Nhà chồ cũng là nơi gia đình ra ngồi chơi hóng mát trong những đêm hè nóng nực.
Bên cạnh những nét độc đáo về cách dưng nhà, các họa tiết
trang trí ngôi nhà của người Ba na cũng rất đặc biệt. Ở các bức vách, cửa, cầu
thang… Đều có những nét chạm khắc của những người thợ bản địa. Họa tiết thường
là các hình khối mang tính tượng hình thể hiện cuộc sống của họ hàng ngày và
tính cách của gia chủ. Trong những ngôi nhà dài, có ba đến bốn đời người Ba na
sinh sống với nhau. Đó là sự gắn kết cộng đồng dân tộc.
Đến thăm các ngôi nhà sàn của người Ba na, chúng ta không chỉ
thấy được nét đặc trưng của nó mà còn khâm phục tài năng của những bàn tay tài
hoa dựng nên ngôi nhà ấy. Đó là những đường nét tinh tế, khéo léo mang đậm nét
văn hóa dân tộc Ba na.
Có thể nói, nhà dài không chỉ là niềm tự hào của người Ba na
về những nét kiến trúc ấn tượng mà cong là niềm từ hào về một dân tộc luôn mang
đậm giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng.
Nhà thờ gỗ Kon Tum do một linh mục người
Pháp khởi công xây dựng
năm 1913, hoàn thành năm 1918.
Nhà thờ gỗ – kiến trúc độc đáo, đậm chất dân tộc Ba Na
TH-Cinet-DTV
Nhà thờ gỗ ở thành phố Kon Tum, tỉnh Gia Lai là một công
trình kiến trúc độc đáo, đậm chất của dân tộc Ba Na Tây Nguyên.
Tọa lạc ngay trung tâm thành phố, Nhà thờ gỗ Kon Tum do một
linh mục người Pháp khởi công xây dựng năm 1913, hoàn thành năm 1918. Công trình
được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân Bình Định, Quảng Nam xây theo phương
pháp thủ công, kết hợp giữa phong cách Roman và kiểu nhà sàn của người Bana. Kiểu
kiến trúc này thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa Tây Nguyên và văn hóa châu Âu.
Nhà thờ bao gồm nhiều công trình liên hoàn khép kín: nhà thờ
– nhà tiếp khách – nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo – nhà rông.
Hiện diện trên mọi chi tiết kiến trúc của nhà thờ là màu gỗ nâu đen. Với tháp
chuông cao vút, mái nhọn, khung cửa hình vòm và hàng cột to tròn, ngôi giáo đường
mang đặc trưng kiến trúc Roman.
Nhà thờ được xây dựng trên cao nguyên đất đỏ, nhưng kiến trúc
Roman phương Tây trở nên hài hòa với phương Đông bởi hoa văn trang trí, điêu khắc
trên gỗ mang dáng dấp của văn hóa bản địa.
Kiến trúc độc đáo Nhà thờ gỗ.
Khi xây dựng nhà thờ, các vị linh mục thời đó đã khéo léo đưa
kiến trúc Roman hòa vào kiến trúc nhà sàn Ba Na để tạo một không gian thân thiện,
gần gũi với người dân bản địa. Ngày nay nhà thờ gỗ trở thành điểm đến của du
khách khắp nơi khi lên miền đất cao nguyên Kon Tum.
Nhìn từ xa, du khách đã thấy rõ nhà thờ gỗ màu nâu đen. Đứng
trước cổng, khách không khỏi ngạc nhiên với vẻ đẹp dung dị mà sang trọng của
nhà thờ. Từ cột kèo đến nóc nhọn của giáo đường và tháp chuông cao vút đều bằng
gỗ. Điểm xuyết trên đó là những hoa văn mang sắc màu Tây Nguyên, tạo điểm nhấn.
Bên trong nhà thờ là mái vòm cong vút cao lồng lộng. Dọc hai
bên là những hàng cột làm từ gỗ cà chit đen tròn, thẳng tắp. Liên kết với các cột
là những vòm gỗ. Lồng vào giữa những khối gỗ là những tấm kính màu, mô tả hình ảnh
trong Kinh Thánh và cũng là chỗ lấy ánh sáng cho phía trong. Nắng soi qua kính
tạo những màu sắc đẹp như bức tranh được đóng khung gỗ quý treo trên trần nhà.
Nếu như nhiều chi tiết làm bằng gỗ thì tường và mái nhà thờ lại
là đất sét và rơm đắp nên. Đất trộn rơm bện lại thành khối và đắp lên nhau tạo
nên bức tường vững chắc, gắn kết với cột kèo gỗ tạo thành mô-típ kiến trúc độc
đáo.
Mặc dù đã gần 100 năm tuổi, ngôi nhà thờ cổ kính vẫn chưa có
dấu hiệu của sự xuống cấp và đang trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng của
Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét