Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Tiếp cận không gian: Vấn đề khái niệm và sự phân loại

Tiếp cận không gian: Vấn đề khái niệm và sự phân loại
Tóm tắt: Tiếp cận không gian là một cách phân tích quan trọng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Bài viết này trình bày và phân tích một số cách phân loại không gian với một lập luận rằng tài liệu nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn tránh đưa ra một khái niệm chung duy nhất cho không gian. Thay vào đó, chúng ta cần phân loại không gian để xác định nội hàm của từng khái niệm không gian sử dụng trong các phân tích và diễn giải về văn hóa và xã hội loài người.
Tiếp cận không gian là cách phân tích quan trọng trong khoa học tự nhiên và xã hội. Với các ngành khoa học xã hội và nhân văn, chúng ta thấy hiện hữu một số cách nhìn về không gian, gồm (1) cách nhìn phổ biến về không gian theo tư duy bề mặt ; (2) cách nhìn được Liz Bondi nhấn mạnh, đó là cách nghĩ ẩn sâu dưới bề mặt không gian: các quan hệ xã hội và thực hành (Bondi, 2005) ; và (3) nhận thức đa chiều về không gian (ngang, rộng và cao)” (Nguyễn Thanh Tuấn, 2007). Trong đó, bốn nguyên tắc quan trọng được Nigel Thrift coi là nền tảng cho mỗi cách tiếp cận không gian là: (1) lập luận cho rằng mọi thứ, từ những thứ nhỏ nhất, đều được phân bố theo bề mặt (spatial); (2) không có một đường biên đối với không gian, nghĩa là mọi không gian ở một mức độ ít hay nhiều đều lỗ chỗ hay bị xuyên thủng; (3) tất cả mọi không gian đều biến đổi, không có không gian tĩnh và ổn định; và (4) không có một loại không gian nào là duy nhất (Thrift, 2006).
Tôi muốn nhấn mạnh rằng không có một không gian nào là duy nhất, nghĩa là có nhiều không gian đang cùng tồn tại, vì thế khó có thể đưa ra một định nghĩa chung cho tất cả các loại không gian. Thay vào đó, việc xác định hay phân loại thành những không gian cụ thể và làm rõ nội hàm của từng không gian lại tỏ ra hữu ích hơn.
Tài liệu nghiên cứu cho thấy những cách phân loại khá đa dạng về không gian. Trong một tuyển tập bao gồm các bài nghiên cứu nhân học có tính kinh điển về không gian và nơi chốn, Setha Low và Denise Lawrence-Zuniga đã phân thành sáu loại không gian, bao gồm ‘embodied spaces’,[1] ‘gendered spaces’,[2] ‘inscribed spaces’,[3] ‘contested spaces’,[4]‘trannational spaces’[5] và ‘spatial tactics’[6] (Low and Lawrence-Zuniga, 2007).
Trong khi đó, Lisa Drummond nhấn mạnh hai phạm trù không gian: không gian chung/công cộng (public space) và không gian riêng (private space) trong các phân tích về thực tiễn sử dụng cũng như biên giới của hai không gian này ở đô thị Việt Nam đương đại (Drummond, 2000). Theo tác giả, dù có nhiều phê phán, hai khái niệm không gian chung và riêng vẫn là những khái niệm phân tích hữu ích. Ở đây, không gian công cộng có thể được hiểu theo nhiều cách, trong đó có ý nghĩa ‘bên ngoài’, ‘ngoài kia’, cái thuộc về cả cộng đồng/xã hội cho dù không gian đó được quy định bởi các chuẩn mực xã hội và pháp luật của nhà nước.[7] Ngược lại, không gian riêng hàm ý bên trong gia đình, trong đó tái sản xuất xã hội diễn ra ít nhiều không chịu sự kiểm soát của các tác lực của nhà nước (tr.2379). Trong bối cảnh đô thị Việt Nam đương đại, biên giới giữa không gian chung và không gian riêng mang tính lỏng, hay thay đổi và thường vượt quá giới hạn, giống như trong các xã hội phương Tây, nhưng lại có nguyên nhân và diễn ra theo cách riêng của Việt Nam.
Drummond cũng cho thấy thực tiễn sử dụng không gian riêng ở khu vực đô thị Hà Nội đang diễn ra theo xu hướng ‘hướng ra bên ngoài’ không gian riêng, được thể hiện ở việc người dân lấn chiếm không gian chung, chiếm dụng và sử dụng không gian chung (nhất là các vỉa hè, công viên, v.v.) cho các mục đích cá nhân. Thực tiễn sử dụng không gian công cộng như thế làm sống lại cuộc sống đường phố, tạo nên những không gian giải trí ‘công cộng giả’, hay nói cách khác là ‘riêng hóa’ không gian chung cho các hoạt động giải trí riêng. Tuy nhiên, như một nghiên cứu khác đã chỉ ra, nó cũng làm biến mất hay thu hẹp không gian công cộng, những không gian vô cùng quan trọng cho các giao tiếp xã hội, hoạt động thể chất và chất lượng của chúng góp phần làm tăng tình cảm của người dân và sự gắn bó của họ đối với thành phố (Geertman, 2010).
Trong khi đó, ở không gian riêng, một khu vực tưởng chừng như không bị lệ thuộc vào các tác lực của nhà nước, thì lại chứng kiến một xu hướng bị can thiệp từ bên ngoài. Nghĩa là không gian riêng của các hộ gia đình bị nhà nước can thiệp và sự can thiệp này được thể hiện rõ nhất ở việc tổ chức các quan hệ gia đình và cấu trúc các vai trò trong gia đình. Từ những tài liệu thực nghiệm ở đô thị Việt Nam đương đại, tác giả nhấn mạnh rằng việc phân chia thành hai phạm trù không gian chung và không gian riêng cũng như cách sử dụng hai khái niệm này phải chú ý đến các đặc tính địa phương, xét cả về mặt không gian và thời gian.
Tương tự, Erik Harms phân tích sự dao động xã hội giữa hai mô hình ‘nội’ và ‘ngoại’, ‘trong’ và ‘ngoài’, mà theo tác giả thì nội và ngoại không chỉ là những khái niệm để chỉ về không gian, như họ nội và họ ngoại, nội thành và ngoại thành, Đàng Trong và Đàng Ngoài, trong nước và nước ngoài, mà còn chỉ mối quan hệ mang đậm tính tôn ti giữa hai mô hình này.  Cụ thể, trong mối quan hệ thân tộc, họ ‘nội’ thường quan trọng hơn họ ‘ngoại’, nhưng không gian của họ nội lại hẹp, dù có thời gian dài hơn họ nội. Người con dâu được coi là đến từ bên ngoại, nhưng lại đảm nhiệm công việc chăm sóc bên nội, sản sinh ra đằng nội. Tương tự, nội thành có vị trí quan trọng hơn ngoại thành. Ngoại thành thường được hiểu là khu vực phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của nội thành. Như vậy, xét cả hai trường hợp quan hệ thân tộc giữa họ nội và họ ngoại, quan hệ giữa nội thành và ngoại thành thì ‘ngoại’ thường được hiểu là phục vụ cho ‘nội’, sản sinh ra ‘nội’ (Harms, 2010).
Trong khi đó, như Chu Xuân Diên đã tóm tắt và giới thiệu về một nghiên cứu nhân học về việc sử dụng không gian ở nơi công cộng và chốn riêng tư ở một khu vực địa lý khác, tác giả cuốn sách đã phân tích ba cấp độ của việc sử dụng không gian, đó là (1) việc sử dụng không gian của động vật, tức là sự điều tiết khoảng cách ở các loài vật trong thế giới muôn loài; (2) nhận thức của con người về không gian thông qua các giác quan khác nhau; và (3) các kiểu tổ chức không gian và cách sử dụng không gian của con người trong các nền văn hóa và các nhóm xã hội khác nhau (Chu Xuân Diên, 2008).
Còn Matthews phân tích ba loại không gian, mà tác giả gọi là ‘không gian thứ nhất’, ‘không gian thứ hai’ và ‘không gian thứ ba’ (Matthews, 2003). Không gian thứ nhất là ‘không gian vật thể’ (physical space) được sử dụng để nhận dạng các sự vật cụ thể có thể kẻ vẽ và được xã hội nhận thức là ‘các thực tiễn địa lý’ (các nhà địa văn hóa còn sử dụng khái niệm ‘landscape/phong cảnh’ khi họ nói đến mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và xã hội loài người). Không gian thứ hai là ‘không gian tưởng tượng’ (imagined space), tức là ‘các không gian trong tưởng tượng’. Cuối cùng là ‘không gian sống’ (lived space). Ba loại không gian này cho phép làm rõ việc không gian có liên quan như thế nào đến các sự kiện, kiến trúc, biên giới chính trị và tham vọng cá nhân.
Ngoài ra, chúng ta cũng thường thấy một số nhà nghiên cứu khác sử dụng nhiều phạm trù không gian mà không định nghĩa rõ nội hàm của nó. Trong vô số các loại hình không gian như thế, mỗi nhà nghiên cứu có thể sử dụng hay xác định một số loại/phạm trù không gian nhất định để phân tích về những vấn đề nghiên cứu của mình. Theo đó, họ cũng có thể định nghĩa, hoặc không định nghĩa một cách rõ ràng các khái niệm không gian. Chẳng hạn, Condominas (1997) sử dụng khái niệm ‘không gian xã hội’ để nói về các xã hội tộc người ở khu vực Đông Nam Á. Ajay M. Garde (1999) dùng khái niệm ‘marginal space’ (không gian phụ) để nói về những khoảng không giữa các công trình (tòa nhà, đường phố, v.v.) trong ‘open space’ (không gian mở) của khu vực đô thị. Vũ Văn Quân (2008) sử dụng khái niệm ‘không gian lịch sử - văn hóa’ để phân tích về sự phát triển của các ‘lớp Hà Nội’.
Bên cạnh đó, chúng ta còn thấy nhiều khái niệm không gian khác, như không gian cư trú, không gian kiến trúc, không gian thiêng, không gian canh tác/sản xuất, không gian hành chính, v.v. Không gian cư trú là nơi cư trú của dân làng. Không gian kiến trúc hàm ý những kiến trúc được tạo nên trong một số không gian làng, chẳng hạn như ở trong các không gian cư trú và không gian thiêng/không gian thờ cúng. Không gian kiến trúc được tổ hợp bởi các công trình kiến trúc và cảnh quan xung quanh. Nó mang ý nghĩa không gian bên trong và bên ngoài nhà hoặc công trình được tổ chức, bố cục và đạt tới một hiệu quả thẩm mỹ. Không gian canh tác là khu vực canh tác nông nghiệp. Không gian hành chính là nơi diễn ra các hoạt động hành chính của làng hay chính quyền.
Không gian thiêng là nơi chứa đựng các vật thể và hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng. Như Phạm Quỳnh Phương cho thấy một di tích tôn giáo không phải là một không gian tự nhiên, mà là một không gian thiêng, nơi con người giao tiếp với các thế lực thiêng. Như vậy, con người đã gắn cái thiêng cho một không gian nào đó, để phân biệt giữa cái thiêng với cái phàm. Trong trường hợp không gian thiêng của Trần Hưng Đạo, tác giả nhận định: Huyền thoại xung quanh cuộc đời và cái chết của ông một mặt gây tranh cãi trong vùng về quê hương của nhà Trần, nhưng mặt khác lại làm cho không giang thiêng của ông được mở rộng. Sự mở rộng này có nguồn gốc từ những cư dân Việt ở đồng bằng sông Hồng di cư đến những vùng đất khác, gồm cả miền núi phía Bắc, đồng bằng phía Nam và những miền đất bên ngoài biên giới quốc gia. Sự  lan tỏa của tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần không chỉ là tâm thức uống nước nhớ nguồn,  mà còn là kết quả của các mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và khát khao thể hiện bản sắc của những cư dân Việt (Phạm Quỳnh Phương, 2010).
Hơn thế nữa, khi xem xét về quá trình thiêng hóa không gian Allan G. Grapard còn đề xuất các cách thức định nghĩa không gian thiêng gắn kết với các khái niệm về thời gian và mối quan hệ giữa cái thiêng và cái trần tục, mà tác giả gọi là ba loại hình không gian thiêng ở các cấp độ khác nhau, từ vi mô đến vĩ mô, đó là ‘sacred site’ (điểm thiêng), ‘sacred area’ (khu thiêng) và ‘sacred nation’ (dân tộc thiêng), để nói về không gian thiêng (Grapard, 1982).
Qua việc phân tích một số cách phân loại không gian ở trên, tôi muốn nhấn mạnh một số điểm. Thứ nhất, tôi vẫn quan niệm rằng sự phân loại không gian như trên chỉ mang tính tương đối, chứ không thể tuyệt đối, vì trong thực tế không có một sự phân loại không gian nào có thể xác định được đường biên giới giữa các không gian, trong khi các loại hình không gian và cả các quan niệm của con người về không gian lại cũng có xu hướng phi bất biến.
Thứ hai, các (hay một số) không gian này được tổ chức hay sắp đặt như thế nào là một vấn đề lý thú, mà các nhà nhân học nên trả lời bằng tư liệu điền dã trên cơ sở các nghiên cứu trường hợp hơn là vội vã tìm đến một sự khái quát chung. Chẳng hạn, trong các phân tích về làng Việt, chúng ta thấy nhận thức phổ biến về sự sắp xếp của không gian cư trú và không gian canh tác (được hiểu là canh tác nông nghiệp là chính) diễn ra theo hai hướng mà Nguyễn Tùng đã khái quát, đó là (1) sự phân biệt rạch ròi giữa không gian cư trú và không gian canh tác (vì thế làm hình thành một quan niệm phổ biến của những cư dân cư trú trong làng về một cặp đối lập trong làng/ngoài đồng) và (2) sự sắp đặt xen kẽ của hai không gian này tạo nên một mô hình được gọi là ‘hỗn canh hỗn cư’ (Nguyễn Tùng, 2002). Tổ chức không gian xen kẽ được Olivier Tessier khẳng định là mô hình phản ánh thực tiễn làng Hay ở tỉnh Phú Thọ. Ở đó, nghiên cứu của tác giả cho thấy hai loại hình không gian sản xuất và không gian cư trú dường như đan xen vào nhau, có chỗ thâm nhập lẫn nhau, đến nỗi đôi khi người quan sát cảm giác chúng hòa lẫn với nhau (Tessier, 2002).
Gắn với vấn đề làng Việt và không gian làng, một câu hỏi đặt ra là làng là một thực thể khép kín hay mở? Đây là một vấn đề đã gây nhiều tranh luận trong giới học thuật.[8] Một quan điểm cho rằng các cộng đồng làng truyền thống của người Việt thể hiện tính hướng nội, khép kín là chủ yếu. Nghĩa là làng là một thực thể khép kín, mang tính tự trị cao. Không gian làng bao gồm không gian trong làng và ngoài làng. Không gian canh tác (ngoài làng) được phân cách với không gian cư trú (trong làng) bằng giới hạn của cổng làng và lũy tre làng. Một quan điểm khác lập luận rằng những biến đổi nhanh chóng và mạnh mẽ của xã hội Việt Nam trong những thập kỷ vừa qua dẫn đến một niềm tin về sự mờ đi của ranh giới phân biệt giữa trong và ngoài làng, giữa nơi cư trú và nơi canh tác. Lũy tre vốn là là biểu tượng cho sự tự trị, tính khép kín, phản ánh đường biên giữa không gian cư trú với không gian canh tác dường như đã mờ đi, rồi biến mất, đến nay chỉ còn tồn tại trong ký ức hay trong tài liệu nghiên cứu cứu mà thôi.
Thứ ba, liên quan đến ‘biên giới không gian’, bên cạnh quan niệm không gian không có biên giới là một quan niệm khác nhấn mạnh rằng không gian có biên giới của nó. Nếu không gian có biên giới thì một vấn đề quan trọng khác là biên giới không gian là gì? Biên giới không gian có phải là một ‘biên giới chính trị’, ‘biên giới tài sản’ bất khả xâm phạm hay nó là một biên giới có thể thâm nhập, thương lượng và biến đổi? Tôi quan niệm ‘biên giới không gian’ khác với ‘biên giới chính trị’ và ‘biên giới về quyền tài sản’, vì biên giới chính trị và biên giới về các quyền đối với một loại tài sản nào đó (đất đai, nhà cửa chẳng hạn) trong các xã hội hiện đại thường được xác định một cách rõ ràng, mà nếu vi phạm khi chưa được phép của chủ thể sở hữu thì có thể bị trừng phạt. Trong thực tế, biên giới không gian được xác định một cách đa dạng. Trong một số trường hợp, nó có thể là một biên giới hữu hình có thể kẻ vẽ được, như biên giới giữa không gian cư trú và không gian canh tác mà chúng ta thấy hiện hữu ở một số làng Việt ở đồng bằng sông Hồng, nơi trong truyền thống các lũy tre, cổng làng tạo nên một đường biên rạch ròi phân định hai loại không gian này. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, chúng ta lại chỉ nhận thức được biên giới không gian một cách định tính. Một ví dụ minh chứng cho loại biên giới này được Matthews nêu ra là với người Israel cổ đại biên giới không gian được xác định bởi quan hệ xã hội và bản sắc nhóm (Matthews, 2003).
Thứ tư, không gian tranh chấp cũng là một khía cạnh lý thú để phân tích. Những tranh chấp và tranh cãi giữa các tầng lớp xã hội đối với vấn đề qui hoạch và quản lý Công viên Thống nhất, vấn đề đâu là quê hương Nhà Lý, Nhà Trần, v.v. là những ví dụ hay có thể phân tích dưới lăng kính của khái niệm này.
Tóm lại, tiếp cận không gian là một hướng phân tích hay và hữu ích. Trong khi cố tránh đưa ra một khái niệm chung duy nhất cho tất cả các loại hình không gian, chúng ta thấy các nguồn tài liệu nghiên cứu trình bày nhiều cách phân loại không gian, trên cơ sở đó làm rõ nội hàm của những không gian cụ thể để phân tích và diễn giải các vấn đề văn hóa, xã hội, v.v.
Tài liệu tham khảo
Bondi, Liza (2005), “Troubling Space, Making Space, Doing Space”, Group Analysis, Vol 38, Issue 1, tr. 137-149.
Chu Xuân Diên (2008), “Con người và không gian (Một cách tiếp cận văn hóa học)”, Tạp chí Văn hóa Dân gian, số 3, tr. 3-20 và 64.
Condominas, Georges (1997), Không gian xã hội vùng Đông Nam Á, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
Drummond, Lisa B. W. (2000), “Street Scenes: Practices of Public and Private Space in Urban Vietnam”, Urban Studies, Vol. 37, No. 12, tr. 2377-2391.
Garde, Ajay M. (1999), “Marginal Spaces in the Urban Landscape: Regulated Margins or Incidental Open Spaces?”Journal of Planning Education and Research, 18, tr. 200-210.
Grapard, Allan G. (1982), “Flying mountains and walkers of emptiness: Toward a definition of sacred space in Japanese religion”, History of Religions, Vol. 21, No. 3, tr. 195-221.
Geertman, Stephanie (2010), “Xu hướng phát triển đô thị ở Hà Nội và tác động đến lối sống, hạnh phúc và sức khỏe cộng đồng. Thành phố sống tốt nhìn từ khía cạnh y tế cộng đồng”, Báo cáo Hội thảo Quốc tế “Hà Nội Thiên niên kỷ -Thành phố Quá khứ và Tương lai”, Hà Nội, 12-13/10/2010.
Harms, Erik (2010), “Quyền lực ở Việt Nam nhìn từ trong ra: Những chuyển dịch qua không gian và thời gian và khái niệm của người Việt về “nội” và “ngoại””, trong: Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học, quyển 1, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 167-183.
Low, Setha M. and Lawrence-Zuniga, Denise (2007), “Locating Culture”, in: The anthropology of space and place: Locating culture, edited by Setha M. Low and Denise Lawrence-Zuniga, Blackwell Publishing, Oxford.
Matthews, Victor H. (2003), “Physical Space, Imagined Sapce, and Lived Space in Ancient Israel”, Biblical Theology Bulletin: A Journal of Bible and Theology, Vol. 33, Issue 12, tr. 12-20.
Kleinen, John (1999), "Is there a 'Village Vietnam'", in: Vietnamese villages in transition, edited by Bernard Dahm and Vincent Houben, Department of Southeast Asian Studies, Passau University, Passau, tr. 1–41.
Klienen, John (2007), Làng Việt: Đối diện tương lai, hồi sinh quá khứ, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.
Phạm Quỳnh Phương (2010), “Những không gian thiêng: Một nghiên cứu thực địa về các di tích thờ Trần Hưng Đạo ở Việt Nam”, trong: Hiện đại và động thái của truyền thống ở Việt Nam: Những cách tiếp cận nhân học, quyển 2, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 86-102.
Popkin, Samuel L. (1979), The rational peasant: The political economy of rural society in Vietnam, University of California Press.
Vũ Văn Quân (2008), “Một số vấn đề về Hà Nội và nghiên cứu Hà Nội với tư cách là một không gian lịch sử - văn hóa”, Báo cáo Hội thảo Việt Nam học lần thứ III, Hà Nội.
Nguyễn Văn Sửu (2002), “Nghiên cứu ruộng đất và nông dân Việt Nam – Một số cách tiếp cận lý thuyết”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 4, tr. 3–10.
Tessier, Olivier (2002), “Xây dựng và gọi tên không gian: Lịch sử và tập quán văn hóa ở một làng trung du (tỉnh Phú Thọ), trong: Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ, do Philippe Papin, Olivier Tessier chủ biên, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Hà Nội, tr. 139-179.
Scott, James (1976), The moral economy of the peasant: Rebellion and subsistence in Southeast Asia, Yale University Press.
Thomas, Mandy (2003), “Spatiality and political change in urban Vietnam”, in: Consuming Urban Culture in Contemporary Vietnam, edited by Lisa B.W. Drummond and Many Thomas, RoutledgeCurzon, New York, tr. 170-187.
Thrift, Nigel (2006), “Space”, Theory, Culture & Society, 23 (2-3), tr. 139-155.
Nguyễn Thanh Tuấn (2007), Văn hóa nghệ thuật đồng bằng Bắc Bộ. Không gian và thời gian biến đổi, Nxb Từ điển Bách Khoa, Hà Nội.
Nguyễn Tùng (2002), “Về không gian làng”, trong: Làng ở vùng châu thổ sông Hồng: Vấn đề còn bỏ ngỏ, do Philippe Papin và Olovier Tessier chủ biên, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội, tr. 97-138.
[1] Như các tác giả viết, các phân tích bề mặt chưa chú ý đến cơ thể, vì các khó khăn trong việc giải quyết vấn đề thuyết nhị nguyên của cơ thể khách quan và chủ quan cũng như sự phân biệt giữa các khía cạnh vật chất và đại diện của cơ thể. Khái niệm ‘embodied space’ (không gian hiện thân) kết nối các thuật ngữ khác nhau, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cơ thể như là một thực thể hình thể và sinh học, trải nghiệm sống, trung tâm của tác lực, một địa điểm để nói và hành động. Như vậy, ‘embodied space’ ngụ ý về các địa bàn/nơi (locations) mà trải nghiệm và ý thức con người có được dưới dạng vật chất và không gian.  Embodied space là một mô hình để tìm hiểu việc tạo ra nơi chốn thông qua định hướng phi bề mặt, sự chuyển động và ngôn ngữ (Low and Lawrence-Zuniga, 2007, tr. 2).
[2] ‘Không gian giới’ (gendered space) bao hàm các địa bàn cụ thể mà ở đó văn hóa mang những ý nghĩa giới, những địa bàn xảy ra các thực hành mang tính phân biệt giới tính hay các khung cảnh được sử dụng để thông báo bản sắc và sản sinh, tái sản sinh các mối quan hệ giới về quyền lực và uy quyền (Low and Lawrence-Zuniga, 2007, tr. 7).
[3] ‘Inscribed space’ (không gian ký ức) nhấn mạnh đến việc xác định mối quan hệ giữa con người với môi trường sống của mình. ‘Inscribed space’ ngụ ý rằng con người “viết” sự hiện diện của mình lên môi trường  theo một cách lâu dài/vĩnh viễn. Trong tuyển tập này, các tác giả muốn  xem xét con người ở những địa bàn cụ thể đã tạo nên các mối quan hệ của mình với môi trường xung quanh như thế nào, họ gán ý nghĩa cho không gian như thế nào, chuyển đổi không gian thành nơi chốn ra sao. Thêm vào đó, những trải nghiệm được gắn kết trong nơi chốn và không gian lưu giữ những ký ức về con người và sự kiện ra sao (Low and Lawrence-Zuniga, 2007, tr. 13).
[4] ‘Contested space’ (không gian tranh chấp) phân tích về các mâu thuẫn/xung đột xã hội ở những địa bàn cụ thể. Khái niệm không gian tranh chấp được hiểu là các vị trí/địa bàn địa lý trong đó xung đột dưới các hình thức chống đối liên quan đến các tác nhân ở các địa vị xã hội khác nhau (Low and Lawrence-Zuniga, 2007, tr. 18).
[5] ‘Không gian xuyên biên giới’ (trannational space) hàm ý các chuyển đổi bề mặt ở các cấp độ xuyên địa phương, xuyên quốc gia và toàn cầu trong đó nhấn mạnh đến con người và sự chuyển động của họ hơn là các dòng chuyển động của vốn và hàng hóa (Low and Lawrence-Zuniga, 2007, tr. 25).
[6] Khái niệm ‘các chiến thuật không gian’ (spatial tactics) hàm ý việc sử dụng không gian như một chiến lược hay chiến thuật của quyền lực và kiểm soát xã hội (Low and Lawrence-Zuniga, 2007, tr. 30).
[7] Nghiên cứu của Mandy Thomas cho thấy không gian và sự biến đổi chính trị ở đô thị Hà Nội từ khi đổi mới. Theo tác giả, khác với một cuộc sống phố phường yên tĩnh trong thời kỳ nền kinh tế tập trung, không gian công cộng ở Hà Nội từ khi đổi mới đã trở nên nhộn nhịp, được tô điểm bằng các hoạt động văn hóa âm nhạc bình dân, vui chơi, giải trí, kỷ niệm và cả các hành động phản kháng đối với các dự án phát triển và quy hoạch đô thị gắn liền với các không gian công cộng. Điều này cho thấy các không gian công cộng do nhà nước thiết kế, quản lý và sử dụng cho những mục đích nhất định có thể bị vi phạm, chiếm giữ cho những mục đích không mong muốn (của nhà nước), song lại được dung tha. Qua đó, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của một xã hội dân sự và sự phát triển của lĩnh vực công cộng ở Việt Nam đương đại (Thomas, 2003).
[8] Để biết rõ hơn về vấn đề này, xem thêm Scott, 1976; Popkin, 1979; Kleinen, 1999; Klienen, 2007; hoặc xem một số phân tích về cuộc tranh luận này trong Nguyễn Văn Sửu, 2002.
Nguyễn Văn Sửu
Nguồn: Tạp chí Dân tộc học, số 3-2011, tr.58-64.
Theo http://nhanhoc.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...