Người xứ Đoài tha
phương từ Hà Nội về Sơn. Đến dốc Quai Chè coi như đã ở nhà mình. Những thế kỷ
trước, khi chưa có cầu Trung Hà, vào đến Sơn Tây sông núi bao bọc là vào nơi
cuối đất. Không có đường ra. Đứng ở cái dốc này, phía xa trước mặt là ngọn Ba
Vì. Kẻ nét xanh mờ thần thoại ở phía chân trời. Ngọn núi linh thiêng trầm tư
trong tâm thức người Việt tự lâu rồi. Bao nhiêu thế hệ người ở đây sinh ra đã
thấy núi Ba Vì trước mặt. Và khi từ giã cõi đời, ngần ấy thế hệ cũng khuất sâu
vào ngọn núi thiêng. Nguyễn Trãi từ thế kỷ 15 trong Dư Địa Chí đã viết: “Núi có
ba ngọn cao chót vót. Hình như cái tán vì thế mới gọi là Tản Viên. Núi ấy là
núi tổ của nước ta đó”. Không biết có bao nhiêu người xứ Đoài đã đứng ở cái dốc
này. Bồi hồi mà vẳng xa hoài niệm. Nước mắt nhòe ra vì chiều xanh không thấy
bóng Ba Vì. Câu thơ giản dị là thế mà chạm vào cõi sâu xa tâm thức con người.
Theo sự phân chia địa
vực hồi thế kỷ 20, Quang Dũng không phải là người Sơn Tây. Từ dốc Quai Chè lùi
lại chừng 4, 5 cây số nữa qua đập Đáy đến thị trấn Phùng nhỏ bé. Bao nhiêu năm
vẫn dăm ba dãy nhà gạch một tầng nhẫn nại nằm ở ven đường quẩn quanh cát bụi.
Làng Phương Trì, quê hương nhà thơ, úp thìa vào thị trấn đó. Cho đến ngày nay,
chưa có một ai làm thơ về xứ Đoài, về đất Sơn Tây lại xao xuyến và đầy ẩn ức
được như ông. Không phải ngẫu nhiên. Tập thơ văn tinh tuyển mới in năm ngoái
của ông lại có tên gọi Mắt người Sơn Tây.
Quang Dũng gia nhập
làng Thơ Việt như một hiệp sỹ kiêu hùng, từa tựa người lính “mắt trừng gửi mộng
qua biên giới” trong Tây Tiến nổi tiếng nhất của ông. Khi tiếng súng chống Pháp
xâm lược của quân ta nổ dữ dội ở Sài gòn đến Nam Trung Bộ, rồi ngay tại giữa
lòng Hà Nội, các thi sỹ nổi danh của phong trào Thơ Mới, những người ca ngợi vẻ
đẹp tuyệt vời của nỗi buồn cô đơn dường như còn bâng khuâng chưa kịp ra khỏi
cái thế giới tinh thần kiêu sa, lộng lẫy mà họ đã tạo ra trước đó. Có người nổi
tiếng của họ cũng ra quân sớm lắm. Nhập cuộc bằng cả trường ca hẳn hoi. Nhưng
thi phẩm ấy cũng không để lại mấy tiếng vang. Cho dù cái tiêu đề là rất hợp
thời. Chỉ ngoại trừ có một người làm được. Lại là người đã từng say nhất trong
số họ. Say đến mức lơi lả ánh đèn. Người ấy đã viết nên một trong những câu thơ
đẹp nhất của các thi sỹ phong trào Thơ Mới góp mặt với thời cuộc, khi những lâu
đài xưa cũ đang vỡ ra từng mảng để sống lại.
Chói lọi sao vàng, hoa vĩ đại
Rồi sau đấy như trút một hơi thở. Con người tài hoa ấy đã đi theo một con đường
khác. Kháng chiến chống Pháp đã sinh ra nhà thơ Quang Dũng. Quang Dũng ra Quang
Dũng. Một phong cách thơ độc đáo, khác biệt trọn vẹn. Chỉ trong khoảng vài năm
từ 1946 đến 1951 đã hoàn thành sự sinh nở kỳ diệu đó. Quang Dũng, Nguyễn Đình
Thi, Hoàng Cầm, Chính Hữu, Hữu Loan, Hồng Nguyên là những tên tuổi xuất sắc và
độc đáo nhất của thi ca Việt Nam thời kỳ binh lửa ấy. Sau những năm dài thơ tự
nhìn bóng mình mà ca hát trong cô đơn.
Nếu như phong trào Thơ
Mới có nhiều tập thơ hay như Lửa Thiêng của Huy Cận, Thơ Thơ, Gửi Hương Cho Gió
của Xuân Diệu, Gái Quê của Hàn Mặc Tử, Điêu Tàn của Chế Lan Viên… thì Thơ kháng
chiến chống Pháp có nhiều bài đặc sắc. Có tác giả cả đời thơ thậm chí chỉ có
một bài. Với Quang Dũng, người ta hay kể đến Lính râu ria 1947. Quán Nước 1948.
Tây Tiến 1948. Đôi Bờ 1948. Mắt người Sơn Tây 1949. Trong đó Tây Tiến như là
nghiệp chướng vinh quang của đời Thi sỹ. Có người bảo Tây Tiến càng nói nhiều
càng thấy thiếu.
Thơ Quang Dũng nổi bật
ở hình tượng người lính và em gái tản cư. Viết về người lính cho đến cuối thế
kỷ 20, hầu khắp thời gian là bom đạn, chiến tranh, chưa thi sỹ nào như Quang
Dũng miêu tả người lính đậm đà chất yêng hùng, hào hoa, phóng khoáng, ngang
tàng, lãng mạn thậm chí hơi bùi bụi… cái chất hiệp sỹ. Lính thật là lính.
Tây tiến đoàn binh
không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ
oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua
biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng
kiều thơm.
Ngay cả cái chết cũng mang cái phong vị hiệp sỹ, phong vị Quang Dũng.
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng
tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về
đất
Sông Mã gầm lên khúc độc
hành.
Tây Tiến độc đáo ở chỗ nó tạo ra một không khí Thơ mờ ảo, sương khói kết hợp
với những hình tượng Thơ kỳ lạ ngợi ca tình yêu và sự chiến thắng của con người
trước những thử thách khắc nghiệt của chiến tranh.
Có lẽ trong thơ kháng
chiến thời hiện đại, kể từ 1945 đến gần hết thế kỷ 20, hình tượng người lính
cùng với thi ca đã đi hết chiều dài thời gian của Thế kỷ như là một nhân vật
huyền thoại đầy bi tráng của thời đại. Nhưng chỉ có hai thi sỹ, Quang Dũng với
Tây Tiến và Huỳnh Văn Nghệ với Nhớ Bắc miêu tả người lính của thời đại mới đầy
chất kiêu sa cổ điển, giống như những hiệp sỹ cưỡi ngựa đi hết 10 thế kỷ trong
cuộc trường chinh giữ gìn nền độc lập.
Lính và Em đã làm nên một cặp tài tử giai nhân trong thơ Quang Dũng. Em gái tản
cư, tên gọi chung bao thân phận con người ngơ ngác giữa chiến tranh, loạn lạc.
Em là con hát ở bến sông, sống ở kiếp này là ở tạm. Em là cô gái vườn chanh dệt
lụa quay tơ để chiều ngẩn ngơ sầu dạ khách. Là em bán nước quán lệch tường xiêu
bên đường kháng chiến. Là em gái xóm Mường đêm lạnh. Em là gái núi bình yên.
Trong Tây Tiến, một bài thơ ngắn thôi mà Quang Dũng đã không ngần ngại gọi em
về đến 4 lần trong sự nâng niu, trìu mến và tưởng vọng .
- Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
- Doanh trại bừng lên
đuốc hội hoa
kìa em xiêm áo tự bao giờ
- Khèn lên mang điệu nàng e ấp
Đúng là 4 lần em. Và nếu cái dáng người trên thuyền độc mộc giữa dòng nước lũ
hoa đong đưa và chủ nhân của “nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” cũng là con gái thì
tới 6 lần em. Quang Dũng là người lính tiền phương thông cảm và thương yêu họ.
Có sự khác biệt với kịch bản giống nhau của Hữu Loan trong Màu tím hoa Sim và
Vũ Cao trong Núi Đôi, chỉ giới hạn câu chuyện đến tình yêu trai gái của hai
người. Cái chết của người con gái nhỏ hậu phương làm họ chia lìa. Tình yêu của
Quang Dũng ở đây là tình sông núi, nghĩa đồng bào; Đâu phải chỉ là tình yêu
trai gái. Vì vậy quy cho ông là “tiểu tư sản” kể cũng tội?! Nếu có vậy thì xem
ra hai bác kia còn “tiểu” hơn nhiều. Và đó cũng là câu chuyện của một thời đã
qua.
Thơ Quang Dũng miêu tả cảnh sắc những làng quê Việt Nam năm chiến tranh mang
phong vị buồn trong vẻ đẹp vắng xa mà thân thuộc như tấm lòng đồng cảm của ông
với quê hương trên những nẻo đường hành quân đánh giặc.
Một tiếng võng đưa trong buổi trưa hè tĩnh mịch.
Kẽo kẹt võng đưa người xứ Bắc
Oán
than kiều lẩy một vài câu. 1947.
Một bến phà quạnh vắng
và lạnh lẽ giữa buổi mưa giăng qua phòng tuyến sông chiều.
Giăng giăng mưa bụi
qua phòng tuyến
Quạnh vắng chiều sông
lạnh bến tề. 1948.
Một nương sắn trung du
trong nỗi nhớ thương người hiu hắt:
Quạnh quẽ sắn nương
rờn nắng ấm
Ngõ trúc người ơi!
tĩnh mịch chiều. 1950.
Đoạn thơ miêu tả xóm
làng trong chiến tranh vào loại sinh động nhất cũng mang phong vị tĩnh mịch của
một bức tranh buồn, để người đời sau lắng nghe rồi mãi mãi không quên.
Những làng trung đoàn
ta đi qua
Tiếng quát dân quân
đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm
tháng chạp
Nùn rơm-khói
thuốc-Bạch đầu quân
Tự vệ xách đèn chai
lối xóm
Khuya về chân khỏa vội
cầu ao
Nghe tiếng sung rơi
miệng chiến hào
Bờ tre cây rơm thôi
tịch mịch
Miêu tả vùng quê trong
chiến tranh ở Sơn Tây và em gái tản cư ở vùng đó đã mang lại cho Quang Dũng
những vần thơ xếp vào bậc nhất, không kém gì Tây Tiến của ông. Đất Sơn Tây như
là nghiệp chướng của đời người thi sỹ. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, Sơn Tây là
một vùng đất rất rộng so với thời hiện đại, bao gồm các châu: Phong Châu, Quốc
Oai châu, Châu Đăng châu thời Lý Trần Lê. Đạo Sơn Tây thời Lê hay tỉnh Sơn Tây
thời Nguyễn là gồm tất cả các tỉnh Sơn Tây, Phú Thọ, hai huyện Hoài Đức và Đan
Phượng tỉnh Hà Đông và một phần đất tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Sách Dư Địa Chí
của Nguyễn Trãi thế kỷ thứ 15 đã có tên gọi Sơn Tây. Danh sỹ Lý Tử Tấn, người
viết thông luận cho sách Dư Địa Chí đã nhận xét: “ở vùng Sơn Tây, con người
thuần hậu, phong tục chất phác”. Nhà sử học Trần Quốc Vượng có lần cho biết: Từ
thời Lý Trần, nước ta đã đưa nhiều người Chiêm Thành ra Bắc lập ấp, lập làng
xen lẫn với xóm làng người Việt từ vùng Từ Liêm lên đến Phùng, Sấu Giá. Cho nên
lịch sử đã tạo ra một phương ngôn đặc biệt của tiếng Việt-tiếng Phùng, Tiếng
Sấu Giá. Làng Giá với cảnh quan nhân văn như xứ Dừa Nam Trung Bộ. Quê gốc người
Chăm. Cái địa vực rộng lớn ấy đã làm nên bản sắc văn hóa Sơn Tây, văn hóa xứ Đoài…
Người xứ Đoài trọng tình nghĩa, thủy chung và cũng là một vùng thượng võ của
nước Đại Việt. Ông đồ Sơn Tây nổi tiếng ở sự kiên trì và cam chịu không thua
kém gì đồ Nghệ. Làng Phương Trì, thị trấn Phùng quê Quang Dũng đến những địa
phương tiếp theo như Thượng Mỗ, Hạ Mỗ, Trung Châu chạy ra sát bờ sông Hồng,
vòng lên vùng Hát Môn, Vân Nam huyện Phúc Thọ, theo sông Đáy xuống vùng Quốc
Oai, Sài Sơn, Thạch Thất… hô hấp những truyền thống văn hóa và tinh thần giống
nhau. Nếu chọn Phùng ở giữa, lấy bán kính khoảng 15 cây số chạy quanh, sẽ có
một vòng tròn văn hóa lịch sử có ý nghĩa của xứ Đoài. Sau làng Phương Trì, có
làng Hạ Mỗ, quê hương của danh tướng Tô Hiến Thành (1012-1179) nổi tiếng là
người trung quân ái quốc thời nhà Lý. Vòng lên phía tây là đền thờ anh hùng dân
tộc quần thoa Hai Bà Trưng mất ngày 6 tháng 2 năm 43. Vòng xuống phía Nam là
làng Bùng, nơi sinh quan trạng Phùng Khắc Khoan (1528-1613); Vòng tiếp một chút
nữa sang hướng đông nam gặp Phủ Quốc, Sài Sơn nơi có núi Thày hiển linh thánh
Từ Đạo Hạnh (1072-1116). Nơi cư ngụ của sử gia Phan Huy Chú (1783-1840) tác giả
bộ bách khoa Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí. Và ở gần đó là nơi khởi binh của
thi sỹ Cao Bá Quát(1809-1855), người mà khi đọc thơ của ông ấy lại có liên
tưởng đến phong độ Quang Dũng. Phải chăng đó là cội nguồn lịch sử sâu xa nhà
thơ Quang Dũng gắn bó với đất Sơn Tây. Trước cách mạng, Quang Dũng dạy học tư ở
Sơn Tây. Sau khi nhập ngũ lại học trường quân sự ở Tông gần thị xã Sơn Tây. Khi
Tây Tiến, trung đoàn của ông cũng bắt đầu xuất kích từ miền đất ấy.Và không
hiểu cái tiếng Phùng-Sấu Giá cũng như tiếng Sơn Tây nói chung, có đặc trưng ngữ
âm học là ngang nhiên bỏ dấu huyền và không nề hà thêm âm o thành hai âm o của
những từ ở giữa có âm o (xoong rôi=xong rồi) có ảnh hưởng gì đến nhịp điệu của
một vài đoạn thơ rất lạ của ông ấy hay không? Chỉ biết rằng Thơ Quang Dũng đã
làm đẹp hơn người và đất xứ Đoài. Cái vùng đất bao năm nghèo túng và rất nhiều
khổ đau “Đất đá ong khô nhiều suối lệ” biết ơn Quang Dũng vì ông đã trao cho nó
một thi hiệu đầy lãng mạn trong thơ ca. “Xứ Đoài mây trắng”. Và cô gái Sơn Tây
nổi tiếng là… không đẹp trong ca dao dân ca, bỗng trở nên xa vắng đầy huyễn
hoặc, chạm vào nỗi nhớ khôn nguôi của bao thời đại qua ánh mắt mà mới ngày nào
còn chịu cái tiếng là yếm thủng tày dần…
…Mắt em dìu dịu buồn
Tây Phương
Tôi nhớ
xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao
ngày em nhớ thương?
…Đôi mắt người Sơn Tây
U ẩn
chiều lưu lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây.
Mắt người Sơn Tây. 1948.
Quang Dũng đã hình thành một phong cách thơ độc đáo ngay từ những năm đầu chống
Pháp. Làm Thi sỹ cũng như con gái có thì. Qua thì thì thôi. Cũng mảnh đất xứ
Đoài - Sơn Tây ấy, sau này Quang Dũng viết một số bài như Đám cưới qua Sông
Đáy, Gửi Sơn Tây, Bất Bạt đêm giao quân…Cái hồn thơ trong Mắt người Sơn Tây đã
không còn nữa. Những năm cuối đời, ông sống trong cảnh ẩn thân vào im lặng,
hiền lành. Vào ít nói. Vào bệnh tật và nghèo túng. Rồi tạ thế trên giường bệnh
đến tháng 10 năm nay thì được 25 năm!
Một trong những lý do không thể không nhắc đến là ông đã bị “sa lưới Nhân Văn”.
Trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ông chỉ đóng vai trò một nhân vật phụ. Phụ đến mức
không được như bác hề trong các tích chèo cổ. Quang Dũng chỉ có hai bài thơ.
Bài Những cô hàng Xén viết 1951 và Đường chiều thứ bảy viết năm 1956 in trong
Giai phẩm mùa thu và nhất là truyện ngắn Xiếc Khỉ in trên báo Văn…
Bây giờ nhìn lại, dù có khắt khe đến mấy, Những cô hàng Xén của Quang Dũng đẹp
như ca dao nước Việt. Vẻ đẹp xưa cũ của làng quê, gợi nhớ cô hàng Xén răng đen
cười như mùa thu tỏa nắng trong thơ Hoàng Cầm. 1948 và Cô Hàng Xén của Thạch
Lam viết trước cách mạng tháng 8. Người đọc như nghe được tiếng cười con gái từ
trong thơ Quang Dũng.
Sông hiu hiu chiều
Gió mát ven đê
Các cô hàng Xén gánh về
Tiếng cười khúc khích
Bài thơ dài Đường chiều thứ 7, chỉ là lời nhắc nhỏ nhẹ những cô gái, người vợ…
đừng quên người thân của mình đã hy sinh không một lời trăng trối vì sự trường
tồn của đất nước này. Nếu có trách Quang Dũng, ta chỉ trách ông đừng hẹp hòi
với những người phụ nữ mất chồng, mất người yêu… vì cuộc sống mà phải đi nốt
đoạn đường còn lại trên thế gian này. Và họ đâu có quên người thân đã ngã
xuống.
Tô Hoài bảo cái Xiếc Khỉ dẫn đến “lôi thôi nhiều lắm” cho Quang Dũng. Xem lại
chuyện Xiếc Khỉ, thấy ông mô tả thật tinh tế mà hóm hỉnh những gánh xiếc thú
mua vui cho trẻ con thời mới hòa bình 1954-1955 ở các chợ vùng xứ Đoài như chợ
Phùng, chợ Gạch, chợ Săn, chợ Sấu Giá… Khổ một nỗi, mở đầu câu chuyện ông lại
kể về nỗi đoạn trường của chú khỉ già, phải qua tay nhiều ông chủ, mỗi ông có
một kiểu đánh và dỗ khác nhau. Đâm ra khỉ ta rơi vào tình trạng mốc meo, đầu
hói nhẵn, tay chai cả lên, mắt lờ đờ nghĩ ngợi, vẻ chán đời lắm… Đoạn văn này
có thể đã dẫn đến sự chạnh lòng… Nhưng cái cơ bản không phải ở đó mà chính là
nó được đăng ở những tờ báo, Tạp chí có những bài của các tác giả khác công
khai phê phán, yêu cầu dân chủ… Và Quang Dũng bị vạ lây. Làm nghề văn dễ bị tổn
thương bởi tính đa nghĩa, tư tưởng rộng hơn hình tượng của văn học. Sự suy luận
rộng ra của bà vợ trong nhà đã chết rồi huống chi là của tổ chức, xã hội. Cái
trò du hý của văn chương vừa kỳ thú vừa hiểm nguy là ở chỗ đó. Chàng hiệp sỹ xứ
Phùng của chúng ta không ngã ngựa, nhưng dư chấn của sự kiện văn chương đó
không thể là không có được.
Quang Dũng có mặt ở trang 899 - Nhà văn hiện đại in năm 2010. Không biết ai đã
chọn cho ông bức ảnh đó. Cái áo len cổ tròn có họa tiết giống như họa tiết của
người Mônđavi hoặc của các dân tộc thiểu số của Tây Nguyên. Không ăn nhập lắm
với phong độ của ông. Giá cứ làm cái áo trấn thủ, cái mũ chào mào thời Vệ quốc
đoàn lại hay. Khuôn mặt ấy đượm vẻ buồn như nhiều bức ảnh khác của ông. Một cái
buồn cũng rất lính. Không hiểu sao khi xem tranh Quang Dũng, bức tranh nào cũng
lấp ló một nhánh đường như Đường Lên Biên Giới 1950, Đường Lên Tây Bắc 1960, đã
đành. Cả chủ đề khác cũng có đường. Gốc bàng 1962. Kháng chiến 1947. Quê hương
1960. Vườn đào Nhật Tân 1970. Công viên Thống Nhất 1976. Chỗ nào cũng phảng
phất đường. Hơn nữa lại phảng phất buồn; Một vẻ buồn tươi sáng mà vắng xa tựa
như thoa nhẹ một gam màu vàng của đất, pha xanh của lá. Thi thoảng ngẩn ngơ dăm
chiếc lá vàng xen đỏ còn phơ phất trên cành. Tôi cứ tiếc tại sao Quang Dũng
không vẽ núi Ba Vì, chiều xanh không thấy bóng Ba Vì, Cái bóng núi phủ vào thơ
ông như một nét thăng hoa.
Rồi cái gì đến nó cũng phải đến. Tháng 8-2001, gần 3 năm sau khi ông mất, Quang
Dũng được tặng giải thưởng nhà nước đợt 1. Cùng đứng tên với ông, có Kim Lân,
ông chủ của Con Chó Xấu Xí. Tất thảy có 46 người. Không biết vào lúc trao giải
ấy Quang Dũng có còn ở nơi rừng núi chơi vơi, sương lấp cồn mây heo hút, hoa về
trong đêm rơi để nghe oai linh thác gầm thét và tiếng cọp trêu người nữa hay
không? Ông có còn thích thơ Thế Lữ, truyện ngắn Thạch Lam, tiểu thuyết Tarat
Bunba của Gôgôn như lúc sinh thời không? Và ở nơi đó ai là người chia sẻ với
ông niềm vui mà khi cầm lấy nghiệp làm thơ chắc chẳng bao giờ ông nghĩ đến và
chờ đợi. Không biết ở nơi đó có vườn cây nhiều lá rụng để ông đi nhặt về cho vợ
con đun bếp hay không...?
Mùa xuân này tôi lại từ Hà Nội về Sơn. Không biết lần này là lần thứ bao nhiêu
rồi. Qua thị trấn Phùng, gần đến ngã ba đường cũ và đường mới ra thẳng cầu
Phùng. Rẽ tay phải. Qua cổng làng Phương Trì theo kiểu cổng Tam quan mới được
xây dựng lại. Có hai trường tiểu học đối diện nhau, ngay khi bước qua cổng
làng. Trường tiểu học thị trấn Phùng ở bên trái. Trong khuôn viên trường có
tượng Quang Dũng bằng đồng. Tượng bán thân đặt trên bệ đá cao theo phong cách
châu Âu. Ông mặc áo trấn thủ, đầu đội mũ ca lô có sao năm cánh. Khuôn mặt đầy
sương gió rất Quang Dũng nhìn hướng ra phía trước. Đôi mắt trầm buồn mà hiên
ngang. Trên mặt đá ở quãng giữa được mài nhẵn hình chữ nhật có ghi mấy chữ: Nhà
thơ Quang Dũng - Bùi Đình Dậu tức Diệm (1921-1988). Dưới chân bệ đá cao khiêm
tốn dựng một thẻ hương trầm, bên cạnh lá trầu và quả cau nhỏ vỏ còn xanh. Không
có đĩa. Bình nhang chỉ còn chút cát ở dưới đáy làm cho tám chân nhang chắc vừa
mới cắm đốt vào dịp tết đứng nghiêng ngả. Tôi thắp ba nén lễ tạ nhà thơ. Khói
hương bay vắng lặng ngôi trường đang nghỉ tết. Không biết cuộc đời lang thang
vô định trong thế giới hiện sinh này có khi nào linh hồn ông trở lại đây
không...? Thị trấn Phùng đã trở thành đô thị sầm uất. Trên trang Google, không
biết ai đã viết về nó, về quê hương Quang Dũng đầy mùi vị thị trường. Nguyên
văn như sau “Là nơi nổi tiếng với các món ăn đặc sản. Nem Phùng, thịt chuột
Phùng… ai mà dân nhậu ở đây là tuyệt vời”. Trời ơi! Phùng của tôi chỉ có thế
thôi sao?! Một vị khách lại viết bằng thư tiếng không có dấu để lại trên mạng
cách đây 4 năm: “Phung is number one”!
Chia tay với Quang Dũng ở sân trường tiểu học thị trấn Phùng để đến dốc Quai
Chè. Hôm nay đã ngày mồng 8 tết. Nắng xuân trải ấm khắp các triền đê xứ Đoài
mênh mông nở đầy hoa Xuyến Chi thanh khiết trắng. Mây xuân xám nhẹ đã che kín
Ba Vì. Nhưng dường như hình thể của ngọn núi thiêng vẫn mờ ảo ở đường chân trời
phía tây. Tưởng như lãng quên bao nhiêu chuyện đời có nghĩa và vô nghĩa ở thế
gian này. Quang Dũng đã về nơi ở cuối cùng của mình. Nơi có 9 ngọn suối thanh
bình như dòng sông Đáy phẳng lặng bao đời bên thị trấn Phùng quê ông. Nơi có
bao nhiêu bông hoa Xuyến Chi mỏng mảnh sắc xuân suốt đời chịu làm loài hoa daị
để nhẹ đi cho ai bao nỗi u buồn và hy vọng. Thơ Quang Dũng vẫn còn đó như bức
tranh treo ở bên trời. Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì. Bởi vì sắc xanh của
núi hòa lẫn trong nắng với màu xanh của trời. Bởi vì thơ Quang Dũng vẫn ở lại
với đời không chỉ trên những trang vở học trò bé nhỏ mà cả trên tấm phông lớn
của đời sống tinh thần thời đại đã ban tặng cho người Sơn Tây từ thuở những năm
đầu kháng chiến. Tôi ước mơ một ngày nào đó, người xứ Đoài chọn được nơi nào
nhiều mây trắng nhất của quê hương mình để đặt trên đấy bức tượng muôn đời của
nhà thơ. Nhưng có lẽ, chẳng có nơi nào ở ngoài cuộc đời này lại nhiều mây trắng
hơn ở vùng trời tâm thức của chúng ta.
20-2-2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét