(Đọc tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa
của Trương Văn Dân,
Nxb. Hội Nhà văn, 2011)
Hành trình đi từ “dấu chân
trên cát” đến “tro bụi trần gian” của đời người dù phải trải qua bi kịch của sự
sống và cái chết, của sự cô đơn thân phận và tình yêu, thì cái nhìn của Trương
Văn Dân trong Bàn tay nhỏ dưới mưa, cũng không đắm chìm trong bi kịch của một thứ
hiện sinh yếm thế mà trái lại nó thể hiện một tâm thức hiện sinh tích cực của một
cây bút luôn dấn thân và trăn trở trước những hệ lụy của cuộc sống mà con người
đang phải gánh chịu như sự đặt để của số phận...
1. Không phải ngẫu nhiên,
trong âm nhạc Trịnh Công Sơn nỗi khắc khoải phận người với những ám ảnh về Cái
chết - Tình yêu và Nỗi Cô đơn lại luôn bàng bạc trong ca từ của ông với những nỗi
niềm mà mỗi khi cất lên tiếng hát ta không khỏi thấy se lòng...
Hạt
bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để
một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi phận
này....
(Cát bụi – Trịnh Công Sơn)
Sự ám ảnh về Cái chết - Tình
yêu - Nỗi Cô đơn của phận người trong nhạc Trịnh Công Sơn cũng là điều ám ảnh
trong tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của Trương Văn Dân mà hành
trình sống của Gấm - nhân vật chính trong tác phẩm là hành trình đi từ “dấu
chân trên cát” đến “tro bụi trần gian”. Cuộc đời của Gấm là cuộc đời của một số
phận mà sự ám ảnh về Cái chết, Nỗi Cô đơn cùng với những đớn đau, hạnh
phúc trong Tình yêu luôn là một tâm thức hiện sinh dằn xé, cào cấu số
phận của nàng. Không những thế, đây còn là triết lý sống, quan niệm sống chi phối
sâu sắc ưu tư của nàng trong cuộc đời từ khi đặt dấu chân nhỏ nhoi của mình
trên cát bụi phận người cho đến lúc trở về cùng “tro bụi trần gian”. Và chính
điều này luôn đặt Gấm trước những lựa chọn khốc liệt, nghiệt ngã của số phận với
những hạnh phúc / khổ đau, vinh quang / cay đắng, cao cả / thấp hèn... mà sự lựa
chọn nào cũng có cái giá của nó. Ta hãy lắng lòng chia sẻ cùng Gấm khi nàng kể
về cuộc sống của mình: “Cắn răng nuốt những hạt cơm tủi nhục ăn đậu ở nhờ trong
nhà cô út, chị em chúng tôi dần dà khôn lớn rồi cắt đi cuống rốn với họ hàng
thân tộc. Mỗi đứa tự bươn chải vào đời theo cách của mình. Và kể từ lúc đó, những
bước chân của chị em tôi chông chênh, dò dẫm đi vào đời và cứ vật vờ trôi.”
(tr.39)
2. Để bớt đi phần nào sự
nghèo khổ và có một chỗ dựa trước những mất mát của gia đình, Gấm chấp nhận lấy
người đàn ông đầu tiên mà không hề có một chút đồng cảm kể cả khi ái ân, để rồi
trước khi vĩnh viễn rời xa người đàn ông ấy, nàng phải chịu cảnh bạo dâm của cuộc
hôn nhân không tình yêu mà cảm giác như mình bị cưởng bức với những đau đớn đến
ê chề khi một đêm người đàn ông ấy trở về trong cơn say: “Tôi chưa kịp phản ứng
thì anh ta đè ngửa tôi xuống sàn nhà, tụt quần áo thô bạo và phủ lên man rợ...”
(tr.29).
Song bi kịch tình yêu và hôn
nhân của Gấm không dừng lại ở đấy mà càng khốc liệt và tàn nhẫn hơn khi gặp người
đàn ông thứ hai, một con người nhu nhược, hèn đớn và ti tiện để rồi nàng cũng lại
rơi vào bi kịch của một cuộc hôn nhân với những ái ân không hề có cảm xúc ái
tình mà đó chỉ là những hành động bản năng của một con đực háo đói và khao khát
nhục cảm đang khẳng định quyền “làm chồng”, để rồi một lần nữa biến nàng trở
thành nạn nhân của nạn bạo hành tình dục: “Lần cuối cùng, để tránh có thai
tôi đã mua sẵn và yêu cầu hắn dùng bao cao su. Khi thấy chiếc hộp giấy, hắn ta
tức giận, la lớn “Tao làm tình với vợ chứ có phải chơi gái đâu mà xài bao!” Hắn ném
chiếc hộp vào mặt tôi. Những chiếc bao cao su rớt xuống, vương vãi trên giường
ngủ.
Trong khi tôi tấm tức khóc
vì nhục nhã, hắn lột nhanh quần áo và đè ngửa tôi xuống nệm. Trận làm tình,
không, phải nói là cuộc hiếp dâm, diễn biến nhanh chóng và kết thúc cũng nhanh
chóng trong tiếng thở hổn hển, có pha nước mắt của uất nghẹn.”
(tr.64)
Và chỉ đến khi gặp “Người
hàng xóm” tốt bụng đã vô tình hay cố tình theo dõi và chứng
kiến cảnh Gấm bị bạo hành trong gia đình chồng mà sau nầy nàng mới biết đó là một
nhà báo, Người mà Gấm xem như thiên sứ mang đến cho mình những phút giây huyền
diệu và nhiệm mầu của Tình yêu thì nàng mới biết thế nào là sự diệu kỳ của ái
ân nồng nàn, điều mà Gấm tưởng đâu đã khô cạn ở người đàn bà bốn mươi tuổi sau
hai lần dang dở đường tơ như chính nàng đã thú nhận một cách thành thực:“... Thể
xác tưởng đã ngủ yên, thế mà khi anh khẽ chạm bỗng cồn cào đói khát. Anh đã giải
thoát cho tôi khỏi những mặc cảm, xoá bỏ mọi ức chế tâm lý và đẩy cảm xúc thăng
hoa.” (tr.66)
Đây cũng là kết quả của sự
chọn lựa nhưng là chọn lựa của một Tình Yêu đích thực, tận hiến, dấn
thân sau những trải nghiệm đắng cay của cuộc đời nàng trong những tháng năm
dài “sống trong một cõi ao tù nhỏ hẹp... Anh đến, chẳng những chỉ lối mà còn nắm
tay tôi dắt lên cõi thiên đường, đóng lại cánh cửa thông ra địa ngục.”
(tr.66)
Song những ngày tháng hạnh
phúc này suýt biến tan thành mây khói, khi một lần nữa những khuôn phép phi lý
của những thứ đạo đức và dư luận xã hội lạnh lùng, công thức buộc Gấm phải chọn
lựa một cuộc hôn nhân hợp pháp về mặt pháp lý nhưng lại không hề có tình yêu và
một tình yêu vĩnh hằng với tất cả sự kỳ diệu nhưng không có sự hợp pháp về pháp
lý, khi Gấm đấu tranh đòi Người đàn ông thứ ba trong đời mình một tờ
giấy đăng ký kết hôn để hợp thức hóa cuộc sống chung của họ... Và điều này khiến
hạnh phúc của họ có nguy cơ vỡ tan như bong bóng xà phòng sau những tháng ngày
mà họ tìm kiếm bằng tất cả sự cảm thông và chia sẻ. Nhưng may quá, Gấm đã nhận
ra chân giá trị của hôn nhân và tình yêu khi nàng hiểu rằng: “Quan hệ lớn nhất
là tình thương dành cho nhau chứ không phải miễn cưỡng có nhau. Tình yêu của
mình phải được nuôi dưỡng bằng sự trân trọng quý mến chứ đâu phải ràng buộc bằng
tờ hôn thú” (tr.167) Bởi “Không có luật nào bắt người ta phải thương yêu nhau.
Phải sống hạnh phúc... Hạnh phúc có hay không còn tùy thuộc vào sự vun xới hằng
ngày, tùy vào cách sống và tâm hồn của mỗi cá nhân chứ đâu phải cứ ngồi vào mâm
cỗ hôn nhân là có được mái ấm”
(tr.153)
Đúng vậy! sự kỳ diệu của
tình yêu và hôn nhân là một phép màu mà chỉ có sự tận hiến và sẻ chia của những
người yêu nhau tự kiếm tìm và bồi đắp chứ không bao giờ là kết quả của một thứ
ràng buộc nào, dù đó là những phép tắc của lễ giáo, phong tục tập quán, của những
định chế xã hội, giai cấp, lý tưởng nào cả, kể cả quyền uy của thượng đế. Bởi
quyền uy lớn nhất trong tình yêu phải chăng chính là tiếng gọi thao thiết của
trái tim... Và ở những trang viết về tình yêu và hôn nhân, Trương Văn Dân tỏ ra
là một nhà văn có bản lĩnh, có khả năng phân tích tâm lý nhân vật tinh tế và
sâu sắc. Những lý lẽ của anh đưa ra trong cuộc tranh luận giữa Gấm và Người
tình về hôn nhân và tình yêu khá thuyết phục. Anh đã rất có lý khi đẩy tình huống
đến cao trào rồi cũng để cho logic của tình yêu và cuộc sống tự hóa giải mâu
thuẩn ấy khi Gấm nhận ra đâu là giá trị của tình yêu và hôn nhân và đâu là những
thứ nhãn hiệu dán lên những cuộc hôn nhân đầy tính thực dụng của một xã hội được
xem là văn minh, hiện đại nhưng cũng rất lạnh lùng, vô cảm qua lời tự thú của Gấm:
“Tôi hiểu ra rằng…cái mà tôi thật muốn chính là cùng anh sống trọn đời trọn kiếp,
dù bất cứ hoàn cảnh mù loà bất hạnh nào. Và tôi không cần gì nữa. Ngay cả chuyện
hôn nhân. Hôn thú. Vợ chồng. Con cái. Gấm ơi! Thời gian qua sự bình an luôn ở
bên ngươi. Sao mi ngốc thế. Tia sáng tâm tưởng đó làm tình cảm và lý trí của
tôi thôi không giằng kéo nữa. Mọi cái trở nên tĩnh lặng. Tôi như người mê muội
bỗng tỉnh ra.” (tr.166 -167) Và lần này, sự chọn lựa của Gấm đã đúng. Đây là sự
chọn lựa của một quá trình nghiệm sinh với những đắng cay phận người mà không
có nó chưa hẳn Gấm có thể vượt qua những rào cản thường tình của cuộc đời, để
chọn cho mình một bến đỗ tình yêu đã giúp mình vượt qua tất cả, kể cả cái chết
khi nàng biết mình đã mang căn bệnh ung thư.... Nhưng có hề gì, ý nghĩa cuộc đời
của mỗi người đâu phải đo bằng độ dài của thời gian vật lý. Bởi có biết bao con
người kéo dài cuộc đời qua hàng thế kỷ nhưng họ chẳng làm gì có ích cho cuộc sống,
thậm chi còn gieo rắc cho nhân loại bao nỗi khổ đau!? Thế mới biết để sống đúng
nghĩa ở đời không phải là chuyện giản đơn... Và Trương Văn Dân rất có lý khi
anh chia sẻ quan niệm sống của mình qua lời trần tình của Gấm: “Dù nếm trải thất
bại, tôi vẫn không từ bỏ giấc mơ về một tình yêu đích thực. Tôi thường nghĩ, nếu
sống mà không còn mơ tưởng, không còn chút ngây thơ, lãng mạn thì mới là thua
thiệt trong đời. Tôi tin người ta chỉ thật sự hạnh phúc khi được tự do lựa chọn,
tự do vươn tới con người mà mình muốn trở thành và sống thật sự với bản ngã của
mình, không che đậy.” (tr.202)
Khi con người càng hiện đại,
văn minh thì những ứng xử văn hóa mang tính nhân văn cũng hư hao dần. Vì vậy,
có khi người ta không phải sống mà đang “diễn” trên sân khấu cuộc đời với hàng
trăm thứ mặt nạ đến nỗi không còn nhận ra đâu là mặt nạ của chính mình. Thế
nên, cái khát vọng thành thực của Gấm về một tình yêu đích thực ở đời
là một điều đáng quí và có thể nói đó cũng là một hệ giá trị có tính nhân văn
sâu sắc. Phải chăng, đây cũng là một trong những thông điệp mà Trương Văn Dân
muốn gởi đến người đọc trong Bàn tay nhỏ dưới mưa.
Nói về sự sống cũng chính là
nói về cái chết. Bởi tiền đề của cái chết bao giờ cũng là sự sống. Cái qui luật
sinh sinh diệt diệt này là cái lẽ vô thường mà nhà Phật đã quán chiếu cho nhân
loại bằng cái vòng đời sinh – lão - bệnh - tử. Và chính nó là khởi nguồn cho sự
chọn lựa và dấn thân của Đức Phật trong hành trình đi tìm chân như, đi tìm con
đường giải thoát cho chúng sinh khỏi bể khổ cuộc đời. Ở điểm này triết lý Phật
giáo lại có sự gặp gỡ với chủ nghĩa hiện sinh. Đây cũng là điều mà ta bắt gặp
trong tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của Trương Văn Dân khi anh luận
bàn về cái chết qua những ưu lo của Gấm khi biết mình mắc bệnh ung thư và phải
đối diện với cái chết bất cứ lúc nào. Để rồi, có lúc mềm lòng cô đã toan tự vẫn
để chạy trốn cuộc đời. Nhưng rồi chính tình yêu cùng với những giá trị cao đẹp
của nó đã giúp nàng sức mạnh chống lại cái chết và song hành cùng cái chết như
sự đặt để của số phận. Ta hãy nghe Gấm chia sẻ:“Anh ơi, cái buồn đang làm
cho em mỉm cười. Em sẽ đón nhận nó một cách điềm nhiên rồi sẽ vùi lấp
nó dưới đáy đại dương... Suy cho cùng, đời người tựa gió thoảng mây
bay. Chẳng ai biết được mình sống bao nhiêu. Em chỉ cần tình yêu của anh.
Dầu là em đang bệnh nhưng chưa chắc người khác đã có được hạnh phúc như em” (tr.235)
Và khi đã nhận thức được qui luật của sự sinh diệt này, Gấm thật thanh thản: “Trong
cuộc sống, con người không có cách nào tránh được những bất hạnh. Còn cách đón
nhận nó là tùy thuộc ở mình.
... Bởi vì, chỉ khi nào bị dồn
đến tận cùng con người mới nhận ra là "biến cố quan trọng nhất..."
của đời người chính là cái chết. Nó luôn luôn hiện hữu, và khi cuộc sống không
còn, tất cả sẽ biến mất và cái còn lại chính là những rung cảm và thái độ của con
người trước sự thách thức tận cùng của sự tồn sinh.” (tr.236). Và lúc này, cái
chết cũng là một phần của sự sống nên chúng ta không thể chạy trốn mà phải
đối diện với nó, từ đó hiểu được giới hạn tất yếu của phận người để làm thế nào
sống ý nghĩa hơn, nhân văn hơn, biết yêu thương con người hơn, biết sẻ chia với
tha nhân nhiều hơn, biết từ bỏ cái ác, cái xấu để vươn tới cái chân, thiện, mỹ.
Đó cũng là những suy tư về phận người mà Trương Văn Dân muốn nói đến trong tiểu
thuyết này trên hành trình từ “dấu chân trên cát” đến “tro bụi trần gian” mà
anh đã nâng lên như một biểu tượng của cuộc sống: “Tôi đi như thế khá lâu. Đến
cuối bãi thì quay lại. Nhưng mãi đến vòng thứ ba tôi mới phát hiện ra những vết
lõm. Sức nặng toàn thân làm cát lún xuống thành những dấu chân. Khi sóng trào
lên, bọt biển rút xuống thì những dấu chân không còn hiện hữu. Nhìn sự xuất hiện
và biến mất tôi mường tượng đến phận người: sống, để lại những vết lõm nhỏ
to trong một quãng thời gian dài ngắn, rồi biến mất như chưa từng bước qua cuộc
đời. Như thể trong những dấu chân đều có mang theo sự sống và cái chết. Tất cả
đã đến, đã hiện hữu, rồi ra đi. Tự xoá nhoà theo tiếng thở rì rào của biển cả.”
(tr.9) Và trong cảm thức của Trương Văn Dân, cái chết bao giờ cũng song hành
cùng tình yêu nên nó là một phần không thể thiếu của sự sống: “... Âm thanh
vang lên như chỉ có cái chết mới làm nổi bật lên giá trị vĩnh hằng của tình
yêu. Chỉ trong tình yêu con người mới tìm ra lẽ sống của mình. Bởi chết vì tình
yêu thì đâu có nghĩa là chết. Mà chỉ là hiến dâng. Là cái chết trong muôn lần
chết. Và tình yêu sẽ đi vào cõi vô sinh vô diệt.” (tr.12)
Có thể nói, trong tác phẩm
này Tình yêu là trục tâm thức chính và xoay quanh trục tâm thức này,
tác giả giãi bày những ưu tư của mình về sự sống, cái chết, về nỗi cô đơn phận
người trong xã hội hiện đại khi còn người phải đối mặt với vô số những vấn đề
mà vấn đề nào cũng có mặt tốt và xấu đòi hỏi con người phải có sự chọn lựa thật
văn hóa thì mới mong cứu vãn sự tồn sinh quá mỏng manh của trái đất này. Nếu
không thì “Ngày tận thế” sẽ không chỉ là một huyền sử !?. Vì vậy, những trang
viết về Tình yêu trong Bàn tay nhỏ dưới mưa cũng là những trang viết
giàu cảm xúc, giàu chất triết luận và cũng giàu chất thơ có khả năng neo đậu
trong tâm thức, tâm cảm của người đọc sâu sắc nhất và để lại nhiều dư ba nhất...
Ta hãy lắng nghe tác giả luận
giải về sự mầu nhiệm của tình yêu qua lời của nhân vật Người đàn ông – Nhà báo
khi hồi tưởng về những ngày sống trong sự ấm áp của tình yêu: “Tôi xin cám ơn đời
đã cho tôi và nàng có một sự hoà hợp vẹn toàn, về thể xác và tâm linh, đã nâng
tâm hồn chúng tôi đến cõi huyền bí. Đã cho chúng tôi thăng hoa trong lúc cận kề
giữa hai bờ sinh tử mà vẫn còn nắm bắt được chiều kích vĩnh hằng: Phút giao cảm
đó chính là sự tái hợp của hai - phần - người bị tách đôi, mải miết kiếm tìm nửa
phần còn lại... Đó là đỉnh điểm của những gì mà con người có thể hy vọng nhận
được trong cuộc tồn sinh.” (tr.12).
Song trong quan niệm của
Trương Văn Dân, Tình yêu không chỉ có sự hòa hợp của tâm hồn mà còn
có sự hòa hợp diệu kỳ của thể xác như một thứ ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa
chỉ có thể lý giải bằng chính sự hòa hợp của một thứ ngữ pháp thân thể linh
động và diệu kỳ: “Sự vẹn toàn của hai thân thể chúng tôi tuyệt vời đến nỗi
khi đi vào trong nhau, tôi cảm giác như mình là chiếc rễ bám sâu vào lòng đất,
nóng và ẩm của nàng, để tình yêu lớn mạnh, vững chắc như cây cổ thụ trong vườn
địa đàng...
Và tôi nghĩ không có niềm đam
mê nào mạnh hơn sức mạnh của tình yêu và niềm tuyệt vọng. Nó có thể thiêu huỷ
con người trong khoái lạc hân hoan của nỗi khát khao dâng hiến. Vì yêu có nghĩa
là muốn chia sẻ và dâng hiến trọn vẹn với một người điều không thể và không muốn
chia sẻ cùng một ai khác.” (tr.13)
Có thể nói, những trang văn
luận về tình yêu của Trương văn Dân là những trang văn đẹp nhất, thánh thiện nhất,
vì thế, nó cũng hấp dẫn và quyến rũ nhất. Đọc những suy niệm của tác giả về
tình yêu cũng như những miêu tả sự ái ân trong tình yêu, ta thấy tác giả là người
có ý thức nâng niu những giá trị cao quí của tình yêu con người và không sa vào
lối miêu tả tình yêu một cách rẻ tiền với những trang viết đầy nhục cảm bản
năng của những cuốn tiểu thuyết diễm tình hạ đẳng. Trái lại, những trang viết về
tình yêu trong tiểu thuyết của anh là sự kết hợp hài hòa của những giá trị văn
hóa vừa truyền thống lại vừa hiện đại, vừa phương Đông lại vừa phương Tây, luôn
ám ảnh người đọc, đem đến cho họ những cảm xúc nhân bản của một tình yêu cao đẹp,
rất CON và cũng rất NGƯỜI. Đó là một thứ mật ngọt rót vào lòng ta ấm áp và nồng
say như chính sự cảm nhận của Gấm lúc ái ân:“Khi anh đặt nhẹ tôi trên giường
thì tôi vội ôm chầm lấy anh... Môi anh mơn man trên khuôn mặt tôi đầm đìa nước
mắt. Tôi hớp lấy từng giọt, từng giọt, tham lam nuốt chửng như sợ phí phạm những
giọt tình yêu đang chảy trên má mình... Cảm xúc của tôi tăng dần khi toàn thân
cảm nhận những nụ hôn cháy bỏng từ đôi môi thèm muốn của anh... Đất trời vần
vũ, chuyển mình trong lôi cuốn huyền hoặc của tình yêu. Ngọn lửa đam mê trong
lòng như đốt tôi thành hơi nước, thăng hoa trong tiếng rên rỉ và giãy đạp của cảm
xúc... Trong khoảnh khắc, mọi phù phiếm của đời sống đều bị chìm đi, mất hút,
cái còn lại là cảm giác đê mê của sự hiến dâng, cho và nhận, vút bay lên chín tầng
trời.”. (tr. 94, 95, 96)
Và sự lên ngôi trong cảm xúc Tình
yêu thật sự là một hạnh phúc viên mãn của đời người mà không gì thay thế
được, ta có thể chia sẻ điều này qua tâm sự của Gấm: “Tôi sung sướng lắm... Tôi
khóc. Tình yêu của anh làm tôi khao khát cuộc sống biết bao. Tôi muốn hét to
lên cho mọi người biết là tôi đang hạnh phúc.” (tr.99) Và “Gần bốn mươi tuổi nhưng
chỉ có lúc này tôi mới thấy mình thực sự sống. Mới hiểu rằng yêu
thương không phải là có một người để cùng ăn, cùng ngủ, mà là phải tìm được một
người, rồi không thể sống khi thiếu vắng người ta. Anh chính là người mà tôi
không thể thiếu.... Vì với tôi, điều kinh khủng nhất là khi cái thế giới mênh
mông này không còn anh nữa. (tr.121)
Song tâm thức hiện sinh của
hành trình từ “dấu chân trên cát” đến “tro bụi trần gian” trong tác phẩm không
chỉ thể hiện ở suy niệm về cái chết, về sự sống, về tình yêu mà còn là sự ám
ảnh về nỗi cô đơn phận người. Dường như trong suốt tác phẩm, cuộc đời
của các nhân vật luôn chìm trong biển cô đơn này: “Thuở đó trong cuộc tồn
sinh.... chúng tôi phải mang trong lòng một trái tim côi cút....” (tr.39)
Và nỗi cô đơn ấy như sự tất yếu của định mệnh từ thuở hồng hoang của kiếp người
mà nhân loại không thể nào chối bỏ được. “Có lúc tiếng hát vọng về như một lời
cầu nguyện, như nỗi sợ hãi cô đơn giữa mênh mông sâu thẳm (...) Tiếng
hát vang lên như một nỗi ám ảnh khôn nguôi, như tiếng sóng vỗ bờ, miên man,
miên man, không dứt...và cuối cùng hòa quyện vào hư vô. Âm thanh lụn
dần như đã vượt qua những đớn đau thân xác để đến với sự khổ não của cô đơn vô
cùng vô tận trong kiếp người... Tôi đứng trên bãi biển như một con thuyền cô độc.”
(tr.13)
Và nỗi cô đơn định mệnh ấy
bao giờ cũng là điều khủng khiếp nhất, đáng sợ nhất. Bởi lẽ “nỗi bất hạnh lớn
nhất trong đời người chưa hẳn là sự mất mát, mà là không có được sự sẻ chia từ
ai đó thật sự hiểu mình trong cuộc đời này”. (tr.135) Đây cũng chính là bi kịch
của sự cô đơn phận người trong hành trình từ sự sống đến cái chết, từ “dấu chân
trên cát” đến “tro bụi thời gian” trong cuộc tồn sinh này.
3. Hành trình đi từ “dấu
chân trên cát” đến “tro bụi trần gian” của đời người dù phải trải qua bi kịch của
sự sống và cái chết, của sự cô đơn thân phận và tình yêu, thì cái nhìn của
Trương Văn Dân trong Bàn tay nhỏ dưới mưa, cũng không đắm chìm trong bi kịch
của một thứ hiện sinh yếm thế mà trái lại nó thể hiện một tâm thức hiện sinh
tích cực của một cây bút luôn dấn thân và trăn trở trước những hệ lụy của cuộc
sống mà con người đang phải gánh chịu như sự đặt để của số phận. Với một tinh
thần nhân văn sâu sắc từ trong tâm thức và tâm cảm của mình, ngòi bút Trương
Văn Dân luôn hướng đến ánh sáng của lòng yêu thương con người với một cái nhìn
và một niềm tin ở tương lai tốt đẹp của cuộc sống mà muốn thế, theo anh “Cách
duy nhất để loại một kẻ thù là biến kẻ đó thành bạn; Mỗi người chúng ta đều có
thể mang nhân quả, liên kết với nhau từ bao kiếp trước, hãy lấy tình thương mà
bước qua những khổ đau và oán hận...”(tr.112). Và đây cũng là cái đích đi và đến
của mỗi con người từ khi sinh ra cho đến khi trở về cùng cát bụi, từ sự sống
cho đến cái chết. Nói như Trương Văn Dân trong Bàn tay nhỏ dưới mưa là
từ “dấu chân trên cát” đến “tro bụi trần gian” mà hành trình của nó luôn phụ
thuộc vào sự lựa chọn và dấn thân của mỗi con người. Song dù sự chọn lựa nào
thì điều con người cần hướng đến là tinh thần vượt qua những bất hạnh để vui sống
một cách an nhiên, tự tại. Bởi: "Trong cuộc đời, ít hay nhiều ai cũng
gặp phải một bất hạnh, nhưng điều quan trọng là đừng tự xiềng xích mình vào nỗi
bất hạnh đó. Em hãy vui và sống."(tr.37) Vì : “không có nơi đâu đẹp não
nùng và đáng yêu bằng cuộc sống trên Trái đất” (tr.412). Thế nên nhà văn rất
tâm đắc với ý tưởng của Hermann Hesse: “Dù bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha
thiết yêu thương trần gian điên dại này” (tr.412)
Phải chăng, đây cũng là
một thông điệp văn hóa đầy tính nhân văn chúng ta có thể chia sẻ với
tác giả Bàn tay nhỏ dưới mưa trong hành trình từ “dấu chân trên cát”
đến “tro bụi trần gian” của phận người trong cõi vô thủy vô
chung huyễn hoặc này...
Chú thích:
* Những trích dẫn trong bài
viết được trích trong tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của
Trương Văn Dân, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011.
Xóm Đình Gò Vấp, Trung thu 2014
Sài Gòn, 7.9.2014
Trần Hoài Anh
Nguồn: http://nhavantphcm.com.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét