Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Ba bài thơ của Văn Cao về Quy Nhơn

Ba bài thơ của Văn Cao về Quy Nhơn
Ba bài thơ của Văn Cao (1923-1995) viết về Quy Nhơn có thể coi là một chỉnh thể mà mỗi bài là một yếu tố đôc lập, tự đứng lấy được, vừa có quan hệ với nhau tạo nên một hệ thống hình tượng và một hệ thống cảm xúc của tác giả. Cả 3 bài thơ là môt chỉnh thể được xây dựng trên một hệ trục thời gian từ tương lai, hiện tại trở về quá khứ. Mỗi bài thơ tiêu biểu cho một thời đoạn mà tác giả dùng làm góc nhìn để “nhìn” vào chiều sâu Quy Nhơn.
Quy Nhơn I có điểm nhìn chính là tương lai nhưng là tương lai- hiện tại.
Quy Nhơn II có điểm nhìn chính là hiện tại nhưng là hiên tại- tương lai.
Quy Nhơn III có điểm nhìn chính là quá khứ nhưng là quá khứ –hiện tại.
Có 2 hệ thống hình ảnh: Quy Nhơn- cảnh và Quy Nhơn- ngườiđược Văn Cao thể hiện trong 3 bài thơ của mình.
Quy Nhơn trong thơ Văn Cao như là một doi cát lớn vươn ra biển Đông, có cả những ngày tràn nắng lóng lánh lên từng lá dừa non, có cả những đêm trăng thơ mộng chuênh chuếch rười rượi gió biển. Quy Nhơn thực là như thế. Nhưng cảm nhận của Văn Cao là cảm nhận lãng mạn  có tính phát hiện:
 Một nửa hình con trai
ngày
lấp lánh sắc cầu vồng
một nửa mình trăng
đêm
nằm nghiêng trên bãi biển
Quy Nhơn được Văn Cao cảm nhận rất bình dị nhưng vô cùng đẹp, với tất cả vẻ đẹp vốn có của nó. Đó là Quy Nhơn với “vài dây buồm nhỏ- vài con đường phố nhỏ- vài ngôi nhà nho”. Cảnh của Quy Nhơn có hình khối, màu sắc và “những chùm chim yến lại bay về đảo”, “nắng làm khô những là dừa non”. Hơn thế nhạc điệu trầm bỗng vút lên từ những cảnh ấy. Bởi vì, cuốn hút Văn Cao còn là những tháp Chàm cổ kính huyền ảo, giống như những nốt nhạc sắc màu và  âm thanh của chính Quy nhơn:
Từ trời xanh
 rơi
vài giọt tháp Chàm
quanh Quy Nhơn
Từ những tín hiệu sắc màu, hình khối, âm thanh được Văn Cao miêu tả như thế- Quy Nhơn hiện hiện lên với một vẻ đẹp hư thực, trải dài suốt  chuỗi thời gian từ quá khứ –hiện tại đến tương lai, với sự phát hiện mang tính lãng mạn về Quy Nhơn:
Một nửa hình con trai
ngày
một nửa mình trăng
đêm
vẫn ngày đêm lấp lánh
ngày đêm làm ngọc
Vì thế vẻ đẹp của Quy Nhơn không chỉ là ở một thời khắc nào, mà là thời-gian-vĩnh-viễn. Quy Nhơn bao giờ cũng là hằng mơ hằng nhớ, dù tác giả chưa đến:                     
Chưa về Quy nhơn
mà nhớ em
Khuôn mặt càng dịu hiền
càng lấp lánh
lấp lánh…
“Về” chứ không phải là “đến” “đi”. Như là về nhà mình, về chốn cũ thân tình vậy.
Như vậy, Quy Nhơn có vẻ đẹp dịu hiền, hư thực và vĩnh viễn trong cảm nhận của Văn Cao. Đó là điều mà tác giả muốn và đã thông điệp cho chúng ta.
Đấy là Quy Nhơn- cảnh. Còn người – Quy Nhơn thế nào?
Theo như chuyện cũ tích xưa, người ta giải thích hai từ Quy Nhơn như là nơi hội tụ của nhân tài hay là sự quy tụ của con người từ các miền đất khác nhau. Không hiểu điều đó có thật đúng hay không, nhưng với Văn Cao, nhà thơ giải thích sự sinh thành của mảnh đất này rất hình ảnh: “Từ núi xuống-từ biển vào-từ cánh đồng mọc lên – con trai – con gái”.
Quy Nhơn ngày nay như là kết quả của sự hội tụ đó. Những con người đó, lúc nhà thơ đến ,được cảm nhận như thế nào?
Một Quy Nhơn như “hằng mơ” hằng tưởng của Văn Cao phải là một Quy Nhơn- người tương ứng với một Quy Nhơn- cảnh. Phải là một Quy Nhơn như ông đã từng biết đến qua những trang thơ hay và đẹp mà ông đã từng đọc. Thế nhưng, lúc Văn Cao đến, cảm nhân về Quy Nhơn trong ông hụt hẫng. Con người ở đây hình như hờ hững đối với ông. Tất cả như im lặng và lầm lũi với nhịp sống lẳng lặng của một thanh phố nhỏ để đáp lại lời chào đầy thân tình của tác giả đã từng ấp ủ bấy lâu nay. ( Chào mẹ-các mẹ già lặng im/ Chào các em-các em nhỏ lặng im/ Chào đường phố-những đường phố lặng im-lầm lì).
Đáp lại tấm lòng nồng nhiệt của tác giả (chào mẹ/ chào các em/ chào đường phố) chỉ là sự lặng im, lầm lũi. Hờ hững tột cùng. Các từ “lặng im” “lầm lũi” được nhắc đi nhắc lại một cách tập trung và nhiều lần, làm tăng thêm sự hờ hững đó. Sự hờ hững đó còn lan rộng đến cả những hoạt động xung quanh của họ
 Khuôn mặt những con thuyền cá
Những người dân lầm lũi
sau chiến tranh
những người lái xe
những xóm mọc bên đường
Đấy là những vết hằn của chiến tranh vẫn còn đâu đó trên khuôn mặt Quy Nhơn sau những năm tháng chiến tranh.
Rõ ràng có sự đối lập giữa một bên là cảnh và một bên là người. Quy Nhơn cảnh đẹp, huyền ảo sống động, lấp lánh với một bên là Quy Nhơn –người lầm lũi, lẳng lặng, lầm lì , hờ hững.
Tâm hồn nghệ sĩ- thi sĩ Văn Cao như chông chênh trứơc hai hiện thực trái ngược đó của Quy Nhơn. Đó còn là sự đối lập của một Quy nhơn- thực và một Quy Nhơn –mơ trong tâm hồn Văn Cao lúc bấy giờ.
Sự thật trái ngược này làm cho Văn Cao thất vọng. Tác giả cảm thấy mình như một khách lạ, và nơi  mà tưởng chừng rất quen, rất gần trong tâm tưởng hoá ra lại xa cách đến thế trong thực tại. (Không phải Quy nhơn- chỉ một thành phố lạ…Không phải Quy Nhơn đẹp- Các nhà thơ tôi đọc-Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Yến Lan ,Xuân Diệu ). Dùng điệp từ “không phải…không phải” để chối bỏ thực tại, Văn Cao đi đến chỗ thốt lên thất vọng :
một thành phố lạ
tôi đến đây làm gì…
Bởi đến cả những con yến cũng hững hờ với tác giả, “những chùm chim yến lại bay về đảo”. Người đọc cảm nhận được điều tác giả muốn nói ở đây. “Ôi Quy Nhơn hằng mơ”, chưa về thì nhớ, trực diên thì thất vọng. Đối lập từ cảnh/ người chuyển sang đối lập trong cảm xúc của tác giả là vậy.
Nhưng Quy Nhơn- Bình Định còn là mảnh đất giàu có với bao sản vật và có cả một truyền thống lao động bền bỉ cần cù của người dân ở đây. Đó là “những chùm chim yến”, là “muối Sa Huỳnh” trắng tinh kết tinh từ giọt giọt mồ hôi , đó là đường ngọt như “mồ hôi đọng”, là những làng dừa xanh mát đi vào ca dao “ Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan”. Không chỉ có thế. Mảnh đất này còn có cả truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm để gìn giữ thành quả lao động của mình. Máu đã đổ cho lúa thêm xanh, cho đường thêm ngọt, cho dừa rợp trời, và yến tự do bay…
Truyền thống đó đã có từ thuở trước (Vẳng nghe tiếng trống Quang Trung) vang vọng cho đến tận gần đây và bây giờ (Xác xe tăng bên đường Mười Chín). Tựu trung, đó là mảnh đất thấm đầy máu, mồ hôi và nước mắt (không- đất này mọc lên- từ- nước mắt).          
Từ mảnh đất ấy đã vẳng lên một tín hiệu:
bỗng một ngày bà mẹ Quy Nhơn
nói với tôi một lời
một tiếng
à con!
Ôi cái tình của người Mẹ Quy Nhơn mới lạ làm sao, làm thăng bằng tất cảsự chông chênh trong tâm hồn tác giả.  Văn Cao giữ mãi cái tình không phai nhạt ấy của người Quy Nhơn trong suốt cả cuộc đời mình:
Khuôn mặt càng dịu hiền
càng lấp lánh
lấp lánh…
 Trần Xuân Toàn
Theo http://xunauvn.org/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...