Mùi hương trầm 1
PHẦN
THỨ NHẤT: DƯỚI CHÂN HY MÃ
Những bước đầu tiên
Đường sá đầy xe cộ với mùi
xăng khét lẹt làm tôi nhớ Việt Nam. Taxi của họ là những chiếc xe nội hóa cũ
kỹ với cái tên vang dội "Ambassador" mà bốn bánh xe thường mòn nhẵn
làm chúng tôi e ngại, mỗi chuyến đi là một trò chơi ít nhiều rủi ro nhất là
khi gặp trời mưa. Thế nhưng đã quen cách đi liều của mình và thấy đồng nghiệp
nhiều năm kinh nghiệm Ấn Độ của tôi cũng chưa có ai mang vết tích gì trên người
nên tôi yên tâm tự nhủ đời người có số.
Chỉ vài ngày sau khi đến Ấn
Độ người ta đã biết đây là một xứ sở mang nặng đầu óc tôn giáo. Trong taxi
tài xế thắp nhang liên tục, họ khẩn cầu một vị thần nào bảo hộ cho họ, cho họ
nhiều khách và ít tai nạn. Ngoài đường các đàn bò đi đứng nằm ngồi xem ra rất
tự nhiên thoải mái, tài xế lái xe thường rất hấp tấp nhưng khi gặp chúng đều
kiên trì chờ đợi, không có một tiếng còi. Ra khỏi Delhi vài cây số là đã xanh
một màu cây cối, ở đây cơ man nào là khỉ. Theo người Ấn, chúng là hậu thân
đáng thương của đời làm người, là cha mẹ anh em ngày trước, chúng được đối
đãi bình đẳng và sống chung với người. Ngày nọ tôi đến làm việc tại một cơ
quan chuyên trách " kiểâm tra chất lượng " của bộ phận turbine. Đó
là một tòa nhà nhỏ nằm trong một khu vườn lầy lội sau cơn mưa. Vừa bước xuống
xe, một con heo rừng đâm đầu chạy đến. Tôi vội thót lên xe, đóng cửa đánh rầm.
Sau đó hỏi ra nó chỉ là một heo nhà tầm thường nhưng chạy nhảy nhiều quá nên
có cái bụng thon của một con heo rừng lực sĩ.
Tại Ấn Độ, thời gian lưu
trú nhiều tuần cho phép tôi học nghe tiếng họ nói, học nhìn cách họ làm để giải
quyết công việc của mình và khám phá nhiều điều lớn lao hơn. Xuất phát từ một
cấu trúc xã hội có tính đẳng cấp, người Ấn Độ rất khó thân cận. Lạ thay, đối
với thú vật thì họ gần gũi mà đối với người thì họ xa cách. Hình như mỗi người
Ấn Độ khi gặp người khác, việc đầu tiên là họ định nghĩa ai hơn ai, về đẳng cấp
huyết thống ai ưu việt hơn ai. Đi Ấn Độ hàng chục lần, tôi kết luận rằng đó
là một xứ sở của sự phân biệt giai cấp. Người giàu có thì hợm hĩnh khinh người,
người nghèo khổ thì yên phận chịu đựng. Những người mà tôi gặp và làm việc đều
là kỹ sư hay thương nhân, họ thuộc thành phần có học và có tiền, trong nội bộ
xã hội, họ coi khinh người khác, đối với chúng tôi ở nước ngoài đến thì họ e
dè và phức tạp.
Đối với người nước ngoài,
người Ấn Độ vừa có mặc cảm tự ty vừa tự tôn. Họ biết rất rõ bán đảo bao la của
mình là một cái nôi văn hóa và học thuật của loài người. Cuộc đời của nhiều
vĩ nhân nước họ là những bó đuốc soi đường cho hậu thế. Nền văn minh, triết
lý và tôn giáo của họ là nền tảng của nhiều nền văn hóa lớn trên thế giới, kể
cả của Âu Mỹ và Trung Quốc. Thế nhưng nước họ ngày nay thuộc loại lạc hậu nhất,
đời sống dân chúng khốn khổ nhất. Họ có cái đau khổ của một nhà quí tộc khánh
kiệt. Cho nên khi một người nước ngoài đứng trước mặt họ, họ lúng túng không
thể định nghĩa ai hơn ai kém. Và khi gặp chúng tôi, kẻ đi bán một thiết bị hiện
đại, họ càng lúng túng. Vì trình độ kỹ thuật còn non, họ phải đi mua; nhưng
vì là khách hàng họ thấy mình được o bế. Thế thì ai hơn ai thua, xem ra họ rất
thắc mắc.
|
Tháng ngày ấp ủ
Khách sạn cho thương nhân
chúng tôi thường là loại năm sao đắt tiền, chúng thường nằm rất xa " nhà
dân " . Trước cửa khách sạn thường có một người Ấn Độ rất to khỏe, mặc đồng
phục như sĩ quan cao cấp, mỗi khi chúng tôi ra vào, ông lại che mắt chào, giầy
sắt đánh cộp. Tôi lấy làm xấu hổ với thứ lễ nghi đẳng cấp dành cho tướng tá
đó, cũng chưa thấy châu Á có nơi nào từ Nepal đến Indonesia lại có lối chào
khách kiểu đó. Sang trọng như thế nhưng cách đó chưa đầy vài trăm mét, gặp
lúc khách sạn đang mở rộng công trình là hàng trăm chiếc lều với hàng ngàn
nhân công ăn ngủ tại chỗ để phục vụ dự án. Họ sống một cuộc đời khốn khổ, từ
cửa sổ phòng tôi thấy rõ mồn một. Tại Delhi, nơi được xem là Paris của Ấn Độ,
vô số con người sống lầm than trong lều bạt, không có chút vệ sinh hay tiện
nghi tối thiểu.
Người ta hay cho rằng làm
thương nhân như chúng tôi là sung sướng, được đi đây đi đó. Thế nhưng có đi rồi
mới biết, thường khi đi công tác nước ngoài thương nhân chỉ biết sân bay,
khách sạn, cơ quan của khách hàng, ngoài ra không biết hơn. Các cuộc thương
lượng thường căng thẳng, những tranh cãi vô bổ về một chi tiết không đáng nói
thường chỉ làm hao tổn sức lực, mài mòn tâm hồn, chúng dễ làm thui chột những
cảm nhận tâm linh lẽ ra phải có khi ta đến nhưng nơi xa lạ, gặp những con người
mới mẻ. Tại Ấn Độ, chúng tôi lại càng ít quan hệ với dân chúng. Tại một nơi
mà khách sạn như một ốc đảo nằm giữa cảnh đời khốn khổ, thương nhân lại càng
ngại ra ngoài. Buổi tối họ chỉ biết uống rượu với nhau cho hết giờ và nội
dung câu chuyện cũng lại quanh quẩn về những gì bàn bạc ban ngày. Thế nên con
đường đẹp nhất của Delhi là con người dẫn từ khách sạn ra lại sân bay để về
nước, con đường mà chúng tôi hay đi lúc nửa đêm vì máy bay về lại châu Âu thường
khởi hành lúc gần hai giờ sáng.
Với thời gian, những cuộc
làm việc tại Ấn Độ càng lúc càng dài ngày, có lúc chúng tôi phải ở lại vài tuần.
Ngày nọ có vài đồng nghiệp tổ chức đi thăm Simla trên Hy-mã lạp sơn, rủ tôi
theo. Tôi mừng như bắt được vàng. Ôi, đời tôi mà được đi núi Hy-mã sao ?
Hy-mã lạp sơn đối với tôi
hầu như huyền thoại, tất cả những gì liên quan tới đó đều là chuyện thần thoại.
Đó là một nơi hẻo lánh xa xôi đầy tuyết trắng không người lui tới, nơi đó phải
là trú xứ của thánh thần. Tôi không biết mình ở Delhi, gần như cực bắc Ấn Độ,
rất gần núi Hy-mã. Dĩ nhiên Hy-mã ở đây chưa vội phải là đỉnh Everest cao hơn
tám ngàn mét, và chuyến đi sáng đi tối về từ Delhi cho thấy đây chỉ có một
triền núi con con của núi Hy-mã và đi bằng đường xe hơi thì nhất định cũng
không thể lên cao. Mà như thế có lẽ cũng đủ rồi vì tôi lẫn các đồng nghiệp của
mình đâu phải là dân leo núi, chúng tôi chỉ là du khách đi thăm Hy-mã lạp sơn
một cách thoải mái và lười biếng. Tôi đoán mò như thế, không biết rằng mình sẽ
đến Simla, thủ phủ của bang Himachal Pradesh, thủ đô mùa hè của những người
Anh đi chiếm thuộc địa ngày xưa.
Vẫn là chiếc
"Ambassador" nội địa bốn bánh mòn nhẵn đến chở chúng tôi đi Hy-mã lạp
sơn! Tôi ái ngại thấy mấy người Đức to khỏe vô ngồi trong xe, chiếc xe này
mà chở chúng tôi lên cao hơn sáu ngàn năm trăm bộ, tức gần hai ngàn mét sao.
Xe chạy băng băng lên hướng bắc, cảnh vật làm tôi nhớ Việt Nam. Ấn Độ đâu phải
chỉ là Delhi ô nhiễm, đất nước này xinh đẹp biết bao. Về sau tôi đến nhiều lần
vùng Bắc Ấn, đây là một vùng đất thiêng. Hiện nay vị Đạt-lai lạt-ma thứ 14
đang sống nơi đây. Trong những năm năm mươi của thế kỷ này, đây cũng là chỗ ẩn
cư của hai nhà học giả phương Tây trứ danh Govinda, Evans-Wentz. Trước đó mười
hai thế kỷ, vùng rừng núi miền Bắc Ấn này đã ghi dấu chân của nhiều lữ hành trong
đó có Huyền Trang, nhà dịch kinh xuất chúng đời Đường của Trung Quốc. Mãi nhiều
năm về sau tôi mới biết rõ miền Bắc Ấn này là chỗ hoạt động của một vĩ nhân của
loài người tên gọi là Thích-ca mâu-ni và mình sẽ lên đường tìm lại bước chân
của người ấy. Nhưng đó là chuyện về sau của sách này.
Trên đường đi qua miền Bắc
Ấn ở đâu ta cũng thấy một màu xanh thuần tịnh và êm dịu. Các vạt mía mọc tràn
lan nhắc tôi nghĩ đến các tỉnh miền trung Việt Nam, các hồ đầy sen trắng làm
tôi nhớ đường sông đi vào chùa Hương ở miền bắc. Những chiếc xe bò lọc cọc gõ
đường làm tôi tưởng thời gian như ngừng trôi kể từ mấy thế kỷ qua.
Chiếc xe vững vàng leo núi
làm tôi dần dần bớt thành kiến với nền công nghiệp ô-tô Ấn Độ. Nhìn xuống
hang sâu vực thẳm, kẻ có kinh nghiệm đi đèo Hải Vân từ bé như tôi cũng thấy ớn
lạnh. Không ai dám nói gì với ông tài xế, ông hãy cứ thắp nhang đi trong chiếc
taxi của mình, mùi nhang này không còn làm tôi thấy khó chịu nữa. Các vị thần
Ấn Độ giáo cứu độ ông chắc hẳn cũng không hẹp hòi từ chối mấy người phương
tây và một người Việt Nam ngoại đạo.
Lên đến nơi chúng tôi mới
hay Simla không hề là một chỗ đèo heo hút gió mà là một thành phố giàu sang nằm
trên một dãi đất bằng dài đến 12 km, cao hơn 2200m, trên sườn tây bắc của một
chân núi Hy-mã. Thì ra đây là một nơi nghỉ mát mà những người Anh khôn ngoan
ngày xưa đã xây cất để tránh cái nóng khủng khiếp của Ấn Độ trong mùa hè. Năm
1822 đã có một viên đại tá tên là Kennedy tìm đến đây và xây một ngôi nhà nghỉ
mát và sau đó Simla trở thành chỗ lui tới cho giới quí tộc người Anh và Ấn.
Chỗ này chắc hẳn cũng như Đà Lạt của Saigon xa xưa, dành cho giới thượng lưu
thời đó. Khí hậu ở đây quả nhiên hết sức dễ chịu, chỉ mới mấy tiếng mà tôi đã
quên Delhi bị vây bọc trong bụi bặm và khốn khổ. Đi bộ trên những con đường
ngược dốc ngược lên cao, chúng tôi tìm đến những vị trí đặc biệt, vị trí có
thể ngắm nhìn những đỉnh núi trên bảy ngàn mét.
Đây chính là vùng mà Huyền
Trang rời cao nguyên Kashmir xuống đồng bằng Ấn Độ, sau khi băng qua sa mạc
Gobi và đường phía bắc núi Thiên sơn, nhắm hướng " Tây Vực " mà đi.
Và mười hai thế kỷ trước, Huyền Trang cũng từ đây mà xuống đồng bằng, nếm mùi
cái nóng Ấn Độ mà ông gọi là " trời nóng như thiêu " trong Đại Đường
Tây Vực ký. Ngày xưa Huyền Trang hẳn đã ngắm nhìn những đỉnh tuyết trắng của
dãy Hy-mã mà quê hương Lạc Dương của ông không hề có.
|
Tại Simla, ngắm nhìn những
đỉnh núi tuyết, lần đầu tiên tôi bị một một chấn động tâm linh. Núi trắng xóa
hiện ra rực rỡ dưới ánh mặt trời. Làm sao tả được những đỉnh núi ? Núi gây
cho tôi một ấn tượng uy nghi, xa cách nhưng nhân hậu. Đỉnh núi thuần tịnh màu
tuyết trắng - cũng như ánh mặt trời rực rỡ - chiếu rọi không phân biệt cho những
ai hướng về nó. Núi vương giả nhưng không chút kiêu mạn, núi chào đón nhưng
không vồn vã, núi đứng đợi con người đến với mình. Thế nhưng những ngọn núi
cũng có sự khác biệt. Nói như Govinda, mỗi ngọn núi có một " nhân cách
" và mỗi ngọn núi thiêng đều có thần. Trong " Con đường mây trắng
" Govinda viết: " Muốn nhận rõ kích thước một ngọn núi ta phải đứng
ra xa nó; để thâu nhận dạng nó vào lòng ta phải đi quanh nó; để hiểu vui buồn
của nó ta phải biết quan sát nó trong mọi thời khắc của ngày của năm: lúc mặt
trời mọc và lặn, giữa trưa và trong sự tĩnh lặng nửa đêm, trong những ngày
mưa tối và dưới bầu trời xanh, trong tuyết mùa đông và giữa những cơn bão. Ai
biết ngọn núi theo cách này, người đó sẽ đến gần với tính cách của nó, nó có
tự tính sống động và đa dạng như của con người". Và theo Evans-Wentz,
người đã sống rất lâu dưới chân Hy-mã lạp sơn thì dãy núi dài trên 24.000 km
này có gần chục ngọn núi thiêng và sự việc châu Á là gốc của mọi ánh sáng
minh triết " không hề là một sự ngẫu nhiên " .
Vùng này là cực bắc Ấn Độ,
giáp giới Trung Quốc. Những người cùng đi với tôi dơ tay giới thiệu ngọn này
ngọn kia cao bao nhiêu mét, chúng còn nằm trong địa phận Ấn Độ hay đã ở phía
Trung Quốc. Tôi bỏ ngoài tai câu chuyện biên giới. Không quan trọng gì nó nằm
ở đâu, những ngọn núi này đâu phải để con người cai quản. Chúng trường tồn với
thời gian, còn biên giới quốc gia có thể vài mươi năm đã thay đổi. Thậm chí
các dân tộc có thể biến mất trên hành tinh này nhưng núi non vẫn còn. Hơn thế
nữa gốc của núi non là siêu thế gian, những gì chúng xuất hiện cho ta thấy chỉ
là một phần rất nhỏ của chúng. Đừng đem chuyện thế gian mà đo lường chuyện
siêu thế.
Lần này tôi chưa được thấy
Everest nhưng chục năm về sau tôi sẽ thấy. Thế nhưng Everest chưa phải là
thiêng liêng nhất vì chiều cao chưa nói lên điều hệ trọng. Cách chỗ tôi đứng
ngày đó chưa đầy hai trăm cây số đường chim bay về hướng Đông Bắc có một đỉnh
tên gọi là Ngân sơn, chỉ cao 6714 m, nhưng đó là chốn thiêng liêng nhất, là
trú xứ của thánh thần, là hiện thân của núi Tu-di trong thế giới vật chất
này. Đây là ngọn núi mà cả Ấn Độ Giáo lẫn Phật Giáo xem là quan trọng nhất
trong rặng Hy-mã. Đó là ngai vàng của thần Shiva của tín đồ Ấn Độ giáo và là
man-đa-la vĩ đại của Phật giáo Tây Tạng. Đỉnh của Ngân sơn chính là trục của
vũ trụ siêu hình. Đỉnh này tôi chưa được đến đảnh lễ. Liệu đời tôi có ngày đến
được nơi đó chăng?
|
Con sông thiêng
Thương nhân thường có quá
ít thời gian, quá ít tâm trí. Họ dành thời gian để tính toán và tâm trí để
phàn nàn nguyền rủa. Cuộc sống vốn đã đầy phiền muộn, thương nhân phương Tây
đi công tác tại các nước châu Á lại càng gặp lắm vấn đề. Đối tác của họ thì
phức tạp, thời tiết thì viêm nhiệt, khách sạn thì chật chội, môi trường thì ô
nhiễm. Làm sao họ yêu được đất nước đó mà để tâm tìm hiểu ?
Một khi môi trường ô nhiễm
thì những con sông là kẻ chịu bất hạnh trước nhất, là chỗ chứa rác khổng lồ.
Tại những thành phố lớn như Hồ Chí Minh hay Bangkok, kênh lạch là những nơi
mà dân chúng còn bịt mũi tránh xa, nói gì đến thương nhân. Đâu mấy ai biết những
dòng nước hôi thối đó bắt nguồn từ những ngọn núi xa xôi mà nguồn nước của
chúng xanh hơn ngọc, trong vắt không chút bợn nhơ.
Đến Delhi cũng thế, tôi
ngán ngẫm thứ bụi vàng đeo bám áo quần, mùi xú uế luôn luôn có mặt trong
không khí và mỗi lần qua các cầu bắc ngang kênh lạch, tôi vẫn nhớ đến kinh
Nhiêu Lộc trong thành phố của mình cũng không khác bao nhiêu. Thành phố nào
hình như cũng xây dựng trên một con sông. Không hẳn như thế. Tôi đã từng đi
qua những miền sa mạc mênh mông ở Bắc Phi và đã thấy thế nào là vùng đất khô
cằn trên thế giới. Đó là những vùng mà đi hàng trăm cây số người ta không hề
thấy bóng dáng một con sông, một dòng lạch, chỉ toàn là cát và cát ngút ngàn.
Trước mắt kẻ lữ hành như tôi, chân trời lại chân trời toàn những cồn cát nối
nhau xuất hiện. Ở vùng đất đó chỉ có loại bụi gai thấp nhỏ là có thể sống, chỉ
có loài lạc đà mới chịu nổi cơn khát. Đến một vùng nọ, sau đoạn đường dài đầy
cát người ta dẫn tôi cho đi xem " ốc đảo ", chúng là những điểm hấp
dẫn của du khách. Trong ốc đảo, người ta hãnh diện chỉ cho thấy một vùng xanh
tươi với đậu cải, cam mía, nhất là chà-là. Tôi bỗng nhớ Việt Nam, đó hẳn là một
vùng ốc đảo mênh mông với hàng chục ngàn con sông lớn bé. Châu Á khác Bắc Phi
ở chỗ nơi đây trời phú cho nhiều sông, mỗi con sông là suối nguồn của cả một
vùng kinh tế và cả một nền văn hóa. Con sông hẳn phải là bà mẹ nuôi dưỡng đời
sống nên ngày xưa mới đầu người ta tụ nhau bên bến sông và trải qua bao thế kỷ
mà thành phố xá. Thế nhưng con người sớm vô ơn bạc nghĩa với sông, xem sông
là nơi tha hồ đổ xả để rồi ngày nay qua sông người ta nặng lời nguyền rủa.
Tôi cũng nguyền rủa mùi xú
uế bốc lên từ các kênh lạch tại Delhi. Tôi không biết rằng các kênh lạch đó
là những nhánh của sông Yamuna, bắt nguồn từ Hy-mã lạp sơn. Trong huyền thoại
Ấn Độ, sông Yamuna là hiện thân của con gái của thần mặt trời Vivasvat. Nàng
con gái Yamuna này lấy người anh sinh đôi của mình là Yama để trở thành cặp
tình nhân đầu tiên của loài người. Ngày nay không còn mấy ai biết truyện tình
kỳ lạ này nữa, những chiếc cầu bắc qua Yamuna trở thành các trục giao thông với
dòng xe cộ chạy hối hả. Ngày nọ, trên một chiếc cầu của Yamuna xe taxi của
tôi đi có lẽ đã gây một tai nạn chết người. Xe đang chạy tự nhiên hư máy đứng
lại. Ngồi băng sau nhìn lui tôi thấy một chiếc xe gắn máy từ xa băng băng chạy
đến, người lái xem ra không thấy xe hư đang đứng yên trên cầu. Nỗi đau của
tôi là thấy sờ sờ tai nạn sắp xảy ra mà không làm gì được. Một tiếng " bụp
" khô rốc vang lên, người lái xe bay về phía trước dễ chừng năm bảy mét
quằn quại trên đường. Mọi người chạy ào tới. Không nói với tài xế một tiếng,
tôi mở cửa xách cặp bước ra xe, đi như chạy. Thần Vivasvat hãy cứu độ người
đó, còn tôi, tôi phải giữ thân mạng cho mình, lỡ có ai nóng tính hành hung
tôi thì sao, dù sao tôi cũng có chút lỗi. Mong thay anh ta không chết, mong
thay anh ta đến được sông Hằng mà tắm.
Sông Hằng thì ra khá gần
Delhi, chỉ cần đi khoảng 60 km là đến. Hằng hà mà người Ấn gọi là Ganga, ngày
đến đó tôi không ngờ đời mình có lúc đến thăm con sông thần thoại này. Từ
ngày hiểu " hằng hà sa số " là cách nói trong kinh Phật, " nhiều
như cát sông Hằng " , tôi gắn liền sông Hằng với Phật và xem đó là một
huyền thoại. Đối với tôi, sông Hằng là biểu tượng của Phật giáo Ấn Độ. Ngày
xưa tôi có nghĩ đời mình sẽ thấy tháp Eiffel của Pháp nhưng không nghĩ mình sẽ
đến sông Hằng. Bởi thế tôi xúc động xiết bao khi tài xế kêu lên "Ganga". Sông Hằng đây sao? Thật không hỡi anh lái xe?
Sông Hằng, con sông thiêng
chảy từ ngón chân của thần Vishnu, " bị buộc phải rời thượng giới mà đến
với trần gian" là đây. Nhưng hằng hà sa số cát đâu, tôi không thấy hạt
nào cả. Đoạn này của sông Hằng mà tôi đến thăm lần đầu là thượng nguồn sông Hằng,
đó là nơi nước chảy với lưu lượng rất mạnh, hai bên bờ không hề có cát. Nước
sông màu xanh lục, trên sông có chỗ nước sôi réo bạc đầu. Đoạn sông Hằng này
là một nơi tấp nập người qua kẻ lại, du khách khá nhiều. Đây được xem là một
đoạn sông thiêng nhất, hai bên bờ khá nhiều đền thờ. Và đúng như tôi chờ đợi,
tín đồ Ấn Độ giáo tắm gội rất nhiều dù trời đang lạnh. Thú vị thay khi thấy
trẻ con bị cha mẹ dội nước lên đầu, chúng run cầm cập. Tôi nhớ thời thơ ấu của
mình, chúng tôi cũng run như thế trong mùa đông khá lạnh của miền Trung. Tại
sông Hằng, trẻ con miễn cưỡng để dội nước, miệng lầu bầu, còn người lớn xuống
sông bơi lặn, mặt mày thành khẩn, miệng lâm râm. Hai bên bờ sông người ta xây
kè xi măng với hàng chục dây xích sắt để tín đồ níu lại, khỏi bị nước cuốn
trôi.
Con sông thiêng này xuất
phát từ dãy Hy-mã, nó có tới ba nguồn lớn, chúng chập nhau tại Devaprayag và
từ đó mới mang tên Hằng hà. Một nguồn chính của Hằng hà xuất phát từ
Gangotri, cao 6771 m. Từ đây đến Devaprayag nhánh này mang tên Bhagirati vì
ngày nọ có một vị thánh nhân tên là Bhagirata khẩn cầu con sông của thượng giới
hãy hiện xuống cho cõi trần. Vì thế mà có sông Hằng, và vì thế mà sông thiêng
liêng " bực dọc " phải rời thiên giới.
Hằng hà chảy ra đến tận vịnh
Bengale, xuyên qua vùng thánh địa Bihar, nơi bao nhiêu thánh nhân ra đời và
hoạt động. Huyền Trang Tam Tạng đến sông thăm sông Hằng khoảng năm 630, viết
trong Đại Đường Tây Vực ký: " Gần nguồn sông rộng khoảng ba lý, đến cửa
sông bề rộng khoảng mười lý. Nước sông xanh đậm, màu nước luôn luôn thay đổi...Ai
tắm sông này người đó sẽ được rửa sạch mọi tội lỗi, ai chết ở sông này sẽ được
sinh về cõi trời " . Về sau tôi đến Varanasi, đó là một thành phố phồn
vinh suốt hai ngàn năm qua, nơi có sông Hằng chảy qua. Nơi đây sông Hằng hết
" bực dọc " , êm đềm hầu như nước không chảy, bề rộng rất lớn,
không biết đúng " mười lý " không. Nhưng nơi đây tôi thấy cát, cát
nhiều vô tận. Ôi, có phải cát này cũng là cát mà Phật thấy cách đây hai ngàn
năm trăm năm không, để có từ " hằng hà sa số " . Chắc đúng thế
thôi, khoảnh thời gian đó đối với con người là dài nhưng thấm vào đâu với núi
non đất cát. Hơn thế nữa thời gian hầu như ngừng lại tại Ấn Độ, bên bờ
Varanasi người ta vẫn đốt xác, vẫn tắm gội, vẫn thả tro theo sông, vẫn ngồi
thiền định khi mặt trời vừa lên. Nơi đây chỉ cách vườn Lộc Uyển chưa đầy chục
cây số, chỗ Phật giảng pháp lần đầu. Hỡi các hạt cát dưới chân ta, trong các
ngươi hạt nào có hân hạnh in dấu chân đức Thế Tôn?
Hy-mã lạp sơn không phải
chỉ là nguồn của Yamuna và Hằng hà, đó là nguồn của các con sông đầy uy lực của
châu Á. Từ vùng Ngân sơn xuất phát thêm bốn con sông lớn nữa. Đó là Tsangpo
hay Brahmaputra chảy về hướng đông ra vịnh Bengale, nó được người Tây Tạng mệnh
danh là " chảy từ hàm ngựa" . Nó chảy qua phía nam Lhasa, bọc
quanh một đỉnh núi tuyết cao hơn 7700 mét trước khi rời cao nguyên để đi về
biển. Phía tây Ngân sơn là chỗ xuất phát của sông Sutlej, nó được xem từ
"miệng voi" . Sutley về sau hợp nhất với sông Indus, một con sông
mạnh mẽ chảy về biển Á-rập phía tây Ấn Độ. Indus, được xem từ " miệng sư
tử", cùng với Bramaputra là hai cánh tay khổng lồ ôm bán đảo Ấn Độ.
Phía nam Ngân sơn là chỗ xuất phát của sông Karnali, mang tên từ "miệng
chim công" , nó chảy dài đến Patna, hợp nhất với Hằng hà gần đó. Patna
ngày xưa tên gọi là Hoa Thị Thành, nơi Phật thường ghé thăm và nơi sinh của
hàng chục vị Tất địa của thế kỷ thứ tám thứ chín sau công nguyên. Bốn con
sông lớn đó với bốn linh vật của các vị Thiền Phật là một lẽ mà tại sao Ngân
sơn được xem là một man-đa-la vĩ đại, là hiện thân của núi Tu-di trong thế giới
này.
Phía đông của cao nguyên
Tây Tạng là chỗ xuất phát của nhiều con sông lớn nữa, trong đó có Hoàng Hà,
Trường Giang và Cửu Long. Hoàng Hà và Trường Giang là hai con sông trọng yếu
nhất của Trung Quốc, dòng chảy của chúng là quê hương của một nền văn hóa
thâm hậu nhất của loài người mà về sau tôi sẽ đi thăm. Còn Cửu Long là nguồn
sống của nhiều nước miền Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nếu lấy cao nguyên
Tây Tạng làm tâm điểm, vẽ một vòng tròn bán kính chưa đến ngàn cây số thì
vòng tròn đó bao gồm tất cả nguồn cội của những con sông nói ở trên. Chỉ điều
đó thôi đã gây cho tôi một lòng kính sợ đối với cao nguyên Tây Tạng, "
nóc nhà của thế giới " . Đúng, không phải là sự ngẫu nhiên khi ánh sáng
của minh triết loài người xuất phát từ vùng đất lạ lùng này. Tôi đã đến Cửu
Long giang miền tây nam bộ và từng thấy con nước mãnh liệt của nó. Nguồn của
nó không phải tầm thường, dòng sông đó là anh em với Hằng hà, Trường Giang,
nó mang khí lạnh của Hy-mã, sức sáng của tuyết trắng, sự uy nghi của non cao,
cái bí ẩn của các man-đa-la vô hình. Nếu nó có bị ô nhiễm thì cũng vì con người
bạc nghĩa, thế nhưng dù thế nó vẫn nhân hậu sống theo người. Nó vẫn không hề
mất tính thiêng liêng của nguồn cội và vì tâm người ô nhiễm nên cảm nhận
chúng nhiễm ô. Về sau, tôi còn đến Hằng hà nhiều lần trên bước lữ hành tại Ấn
Độ cũng như sẽ có dịp đi dọc Trường Giang qua những vùng linh địa của Trung
Quốc. Rồi lại có ngày tôi đã đến cao nguyên Tây Tạng, đi dọc sông Tsangpo chảy
từ hàm ngựa và thở hít không khí loãng trên miền đất cao 4000m trong
man-đa-la vĩ đại của địa cầu. Một ngày nào đó hy vọng tôi sẽ có dịp đến thượng
nguồn Cửu Long, sẽ thấy một màu nước xanh lục như màu nước Hằng hà và sẽ nhớ
về miền tây nam bộ của mình.
|
Giấc mơ cẩm thạch
Ấn Độ thật ra là một nước
du lịch. Mặc dù đường sá kém mở mang, điều kiện vệ sinh hạn chế nhưng nhờ một
nền văn minh lâu đời, một nền văn hóa thâm hậu và những công trình kiến trúc
xuất sắc mà Ấn Độ hàng năm thu hút hàng triệu khách du lịch. Người đến thăm Ấn
Độ, nhất là khách Âu Mỹ phải chấp nhận cái thực tế, đây là một thế giới hoàn
toàn khác, tự nó là một thế giới. Tôi chưa đến Calcutta nhưng nhiều người cho
hay, tới đó có nhiều khách phải đâm sợ vì quá nhiều người sống chen chúc và
vì sự cách biệt giàu nghèo quá lớn. Có người cho rằng muốn biết địa ngục hình
dáng thế nào thì cứ đến Calcutta.
Thế nhưng phần lớn khách
du lịch không muốn biết địa ngục, họ đi tìm những lăng tẩm cổ kính, những
cung điện huy hoàng, những thành quách vĩ đại của vua chúa trong các thế kỷ
trước. Ấn Độ của thời quá khứ không hề thiếu vua chúa, đó là xứ sở của các tiểu
vương cai trị nhiều khi không quá " vài vạn nóc nhà " , như cách đếm
dân ngày xưa hay nói. Vua chúa Ấn Độ cũng không hề dè sẻn trong các công
trình xây dựng, họ cần lâu đài cho mùa hè và mùa đông, cho chính hậu và thứ
phi, cho con trai và con gái. Dân Ấn Độ thì đông và sẵn sàng chịu đựng, cát
đá thì nhiều và dễ khai thác, nhất là loại cẩm thạch trắng. Nghệ nhân Ấn Độ
khéo tay, thông minh, ham tưởng tượng và sẵn sàng quên mình cho các vị thần của
Ấn độ giáo. Vì những lẽ đó mà các công trình xây dựng của Ấn Độ ở đâu cũng
có, ở đâu cũng là những kỳ quan, thu hút rất đông du khách.
Trong các kỳ quan kiến
trúc của Ấn Độ, hẳn Taj Mahal phải là tiêu biểu và đáng chiêm ngưỡng nhất.
May thay Taj Mahal không xa Delhi bao nhiêu, khách có thể theo tour du lịch
trong vòng một ngày cả đi lẫn về.
Đây là một kỳ quan diễm
tuyệt của nghệ nhân Ấn Độ của thế kỷ thứ 17. Ngôi đền được xây bằng cẩm thạch
trắng muốt, có một kiến trúc vừa trang nghiêm vừa nhẹ nhàng, vừa uy nghi vừa
nên thơ. Nếu nghệ thuật nói chung là sự vật chất hóa của những ý niệm, biến ý
niệm thành những gì thấy được như kiến trúc, hội họa; nghe được như âm nhạc;
đọc được như văn chương thơ phú thì nghệ thuật xây dựng Taj Mahal là sự kết hợp
hoàn hảo của dạng hình và sắc màu, của kiến trúc vĩ mô và lòng cẩn trọng chi
li. Theo lời kể lại thì ngày xưa nghệ nhân Ấn Độ hoàn thành công trình này
trong những điều kiện tâm lý rất khe khắc và tàn bạo của chế độ phong kiến.
Thế nhưng ngắm nhìn công trình này người ta không thể nghĩ gì khác hơn đây là
sự hiến dâng quên mình trong nghệ thuật tạo hình.
|
Taj Mahal là kết quả của một
công trình hoàn hảo của những con người không tên, thế nhưng nó được xem là
quà tặng của một nhà vua tên gọi là Shah Jehan cho hoàng hậu của mình chẳng
may mất sớm. Shah Jahan là nhà vua thứ năm của triều đại Mogul, mà người sáng
lập là Babur, một tín đồ Hồi giáo. Sau Babur thì nhà vua xuất sắc nhất của đời
Mogul là Akbar. Akbar là người thống nhất Ấn Độ từ vịnh Á-rập phía tây đến vịnh
Bengale phía đông, trị nước từ 1556 đến 1605 và là nhà vua rất có công trong
nền văn hóa Ấn Độ. Shah Jehan là cháu của Akbar, lên ngôi trong thời cực thịnh
của đời Mogul. Thế nhưng Shah Jehan rơi vào hai thứ đam mê, đó là các công
trình kiến trúc và sắc đẹp phụ nữ. Shah Jehan có khoảng 5000 cung nữ mà người
ông yêu quí nhất là hoàng hậu Mumtaz Mahal. Bà hoàng này chẳng may mất lúc mới
39 tuổi, sau khi sinh cho ông đứa con thứ 14. Đời của Shah Jehan không còn gì
vui thú nữa, ông tự nói và suốt 35 năm sau khi Mumtaz Mahal chết, ông dành hết
thời giờ cho các công trình kiến trúc.
Taj Mahal được xây dựng
năm 1659 và 16 năm sau mới hoàn thành, gồm toàn đá cẩm thạch trắng. Nơi đây
có 20.000 nghệ nhân, kể cả thợ khéo từ Pháp, Ý, làm việc. Khoảng 1000 thớt
voi được điều về đây để chuyên chở hàng ngàn tấn đá. Đây là một công trình mà
thế giới cho là toàn hảo nhất trong kiến trúc, trong chi tiết thi công và vật
liệu xây dựng. Hãy đến gần và nhìn ngắm hàng ngàn chi tiết trên tường vách của
điện. Đáng quí thay những đóa hoa bằng đá tí hon với tất cả sự tinh xảo của
bàn tay con người. Tôi tưởng tượng hàng ngàn nghệ nhân miệt mài trong cơn rét
mùa đông của Bắc Ấn và nắng lửa của những ngày hè có khi lên đến gần 50 độ C.
Những nghệ nhân khuyết danh đó thật ra đã làm một điều mà Thiền tông hay nói,
họ đã hòa làm một với tác phẩm chính mình.
Ngày nay Taj Mahal tại
Agra là chỗ không thể thiếu cho mọi ai có dịp đến Ấn Độ, mỗi năm đền tiếp khoảng
2,5 triệu khách du lịch. Số lượng người to lớn đó vô tình đã làm đền hư hại
không ít. Chỉ hơi thở của khách đã tạo nên một độ ẩm trong đền cao tới mức có
khả năng làm rỉ sét các khung sắt giữ mặt đá cẩm thạch. Các nhân tố môi trường
khác như hóa chất và khí thải cũng để lại những vết tích nặng nề. Ngày nay
xung quanh Taj Mahal trong bán kính 100km không có nhà máy phát điện hay cơ
xưởng cơ khí và hóa chất nào được xây dựng. Nhờ những biện pháp đó mà ngày
nay đền vẫn còn giữ được vẻ đẹp vô song, đá cẩm thạch vẫn còn trắng tinh khiết.
Tôi đã đến Taj Mahal hai lần
để ngắm tác phẩm kiến trúc dành cho tình yêu vĩnh cửu này, nhưng tiếc thay
không có lần nào vào ban đêm có trăng. Người ta cho rằng phải thấy Taj Mahal
dưới ánh trăng, lúc đó ngôi đền cẩm thạch trắng này sẽ toát ra một ánh sáng kỳ
ảo. Trên đường xe bus về lại khách sạn buổi tối tôi ngồi cạnh một thương nhân
người Mỹ. Khuya nay phải lên đường đi châu Âu, ông tận dụng ngày rảnh hiếm
hoi hôm nay để thăm đền thờ này. Thấy ông lên đường về nước, tôi bỗng nhận ra
mình không còn ham thích lên máy bay về Đức như những ngày đầu nữa, nước Ấn Độ
đang hé mở cho tôi nhiều điều kỳ diệu.
Tôi không thiếu những ngày
rảnh rỗi tại Delhi vì phải lưu lại dài ngày nơi đó, công việc đã đi vào giai
đoạn triển khai công trình. Ngày nọ tôi bỗng nhớ tại sao mình không tìm xem
các di tích Phật giáo tại Ấn Độ và hỏi một bạn đồng nghiệp có kinh nghiệm lâu
năm tại đây xem sao, người đó nhìn tôi nói: " Phật giáo đâu còn gì tại
đây nữa, nếu rảnh thì đi xem Red Fort đi ". Tôi không tin và xem lại
các tour du lịch quảng cáo trong khách sạn, quả nhiên không thấy ai nhắc đến
Phật giáo cả.
Phật giáo xuất phát từ Ấn
Độ sao nay suy tàn, đó là điều không thể, tôi vẫn không tin là đúng. Ngày trước
Huyền Trang qua Ấn Độ thỉnh kinh và ngày nay tôi vẫn nghe các tu sĩ Việt Nam
qua Ấn Độ học triết học Phật giáo mà. Nghĩ thế nhưng tôi không biết làm gì
hơn là đi xem Red Fort.
Red Fort chính là kinh
thành do Shah Jahan xây dựng năm 1638. Đó là một tổng thể một thành quách đồ
sộ có diện tích khoảng nửa cây số vuông dựng lên bằng đá ong đỏ nằm ngay giữa
Delhi. Tôi nhớ màu đỏ tía Tử Cấm Thành của Bắc Kinh. Đời Shah Jahan tại Ấn Độ
chính là triều nhà Minh cũng với những công trình xây dựng đồ sộ tại Trung Quốc.
Red Fort có qui mô không thua kém gì Tử Cấm Thành nhưng nếu Tử Cấm Thành là
qui mô của triều đình có nhiều cung điện nằm rời nhau thì Red Fort là hành
dinh có tính chất quân sự nên có kiến trúc như một thành quách với vô số ngõ
ngách thông thương lẫn nhau.
Thế nhưng, phía sau những
bức tường thành vĩ đại đó đã diễn ra những âm mưu và tội lỗi, kể cả trong một
xứ sùng tín như Ấn Độ. Shah Jahan để lại cho đời sau những kiến trúc tầm cỡ
nhưng ông bị chính con trai của mình là Aurangzeb cầm tù đoạt ngôi. Trong tám
năm cuối đời ông bị con mình giam ở Agra, cũng trong một thành quách to lớn.
May thay ông còn diễm phúc được ngày ngày ngắm nhìn Taj Mahal từ cung điện tù
ngục của mình Trong truyền thống vua chúa Ấn Độ ta thấy lịch sử lặp đi lặp lại
nhiều lần chuyện con giết cha giành ngôi.
Chuyện con ám ngại cha đoạt
ngôi vàng được nhiều biết nhất là Tần-bà-sa-la, nhà vua trị vì nước Ma-kiệt-đà
trong thời Phật tại thế. Ông và hoàng hậu về sau bị con trai là A-xà-thế cầm
tù bỏ đói đến chết. Tần-bà-sa-la là người theo Phật, ông tôn trọng Ngài đến nỗi
khi lên núi Linh Thứu thăm Phật, ông luôn luôn xuống xe đi bộ. Tôi đã từng đến
cung điện mà ngày xưa nghe nói Tần-bà-sa-la bị giam ở đây, ngày nay chỉ còn nền
đá. Nơi đây tôi thấy vài vòng sắt còn sót lại, người ta cho rằng đó là còng sắt
cùm chân nhà vua ngày trước. Tôi không tin lắm vì thật như thế thì đã có kẻ sớm
đánh cắp lưu vật mấy ngàn năm này nằm giữa một sườn núi trơ trọi, không ai
canh giữ. Nhưng hề gì chuyện đó đúng hay sai, ai cũng đã chết, vấn đề là mỗi
người để lại những gì cho hậu thế. Ngày nay người ta còn nhắc đến Tần-bà-sa-la
khi đi thăm vườn tre Trúc Lâm, quà tặng của ông cúng dường Phật. Cả A-xà-thế
cũng còn được tôn trọng vì về sau, người con phạm tội ngũ nghịch đó đã tỉnh
ngộ và phụng sự Phật pháp. Ông chính là người xây dựng thuyết đường cho hội
nghị kết tập lần thứ nhất sau khi Phật diệt độ.
Tội lỗi là điều không thể
tránh khỏi của cuộc đời làm người. Nhà thơ lớn Goethe của Đức đã từng nói:
" Đời tôi chưa gặp ai mà tội lỗi của họ tôi không thể làm " . Khiêm
tốn biết bao và cũng thẳng thắn biết bao ! Con người sinh ra hình như có một
xu hướng nhất định sẽ làm những điều này điều nọ, xấu tốt đều có. Nó phải
tuân thủ những xu hướng đó và cơ may của nó là qua những hành động hay dở của
mình mà ngộ ra vài điều cho đời mình. Vì nếu không thông qua tội lỗi để hiểu
ngộ một cách thâm sâu cái thiện mỹ đích thực xuất phát từ trái tim mình thì
cuộc đời xem ra không có ý nghĩa gì. Né tránh tội lỗi, tập làm thiên thần, đó
là điều đạo lý nên làm, nhưng cũng dễ là bước đường đi vào trong bóng tối của
ngu muội và ngã ái. Đó là sự sai lầm chia thế giới làm hai phạm trù tốt xấu,
đúng sai, xem sự vật như một hình ảnh đen trắng mà không biết rằng cuộc đời vốn
đầy màu sắc và thiện ác là một điều hết sức tương đối và thường có nguồn gốc
rất sâu xa.
Có những hành động cực ác
nhưng nó phải xảy ra để ăn khớp với một mắc xích nào đó của sự vật, để một biến
cố khác xuất hiện. Muốn hiểu những điều đó phải có một tầm nhìn, thấy được những
nguyên nhân nằm trong quá khứ xa xôi mà ngày nay nó mới bắt đầu trổ quả. Con
người chúng ta chỉ có tầm nhìn của một kiếp người, thậm chí đầu óc không nhớ
quá mười năm quá khứ, thế nhưng vẫn ngã mạn dám lên án và đánh giá, tưởng
mình là kẻ thấu hiểu mọi vật. Muốn hiểu đích thực sự vật phải hiểu giềng mối
của nó mà chỉ có thánh nhân thấy tác động của nghiệp lực qua nhiều đời nhiều
kiếp mới đủ khả năng phán đoán. Phật là một người như thế và cũng chính vì thế
mà Ngài lại là người không lên án ai cả và chỉ có một nụ cười bí ẩn. Thời
A-xà-thế hãm hại cha mình là lúc Ngài còn tại thế nhưng Ngài đâu ra tay giải
cứu. Học trò Ngài là Xá-lợi-phất và Mục- kiền-liên bị ám sát thảm khốc nhưng
Ngài không can thiệp. Con trai Ngài là La-hầu-la chết rất sớm nhưng Ngài vẫn
tự nhiên.
Chỉ có những thánh nhân
như Phật mới thấy rõ dòng chảy của nghiệp và vì vậy Ngài không xen vào hành động
của A-xà-thế. Người ta biết A-xà-thế phạm tội giết cha nhưng ít người biết
chuyện ông là hậu thân của một vị đạo sĩ. Ngày trước, vua cha là Tần-bà-sa-la
nghe tiên tri rằng mình sắp có con trai nên cho người đi tìm một vị thánh
nhân đạo cao đức trọng, bức tử vị đó để mong thần thức người đó thác sanh làm
con mình. Tùy tùng của vua chọn ra vị đạo sĩ nọ, nhưng vị này chạy trốn, hóa
thành con thỏ. Tần-bà-sa-la cho bắt con thỏ treo ngược, bỏ đói đến chết. Thỏ
đầu thai làm con trai của Tần-bà-sa-la là A-xà-thế. Cuối cùng A-xà-thế treo
ngược bỏ đói vua cha, đúng như nghiệp ác đã gây nên. Ta cũng biết thêm bà
hoàng hậu Vi-đề-hi, vợ của Tần-bà-sa-la quá chán ngán cuộc đời làm người với
hành động thảm khốc của con mình nên cầu xin Phật dạy cách thác sinh vào một
nơi " thanh tịnh " . Nghe lời khẩn cầu của bà, Phật mới giảng kinh
A-di-đà và thuyết về cõi tịnh độ. Từ đó ta có thể nói Tịnh Độ tông bắt nguồn
từ những hành động ngỗ nghịch của A-xà-thế.
|
Ðền Birla
Tôi vẫn không nghĩ là thủ
đô Delhi mà lại không có đền tháp Phật giáo nào. Ngày nọ nghe nói phía tây
thành phố có đền Birla là nơi thờ Phật, tôi vội lên xe ba bánh đi xem thử. Ở Ấn
Độ cũng có xe " túc-túc " như của Thái Lan, xe đưa tôi đến một ngôi
đền đồ sộ cách quãng trường Connaught chừng hai cây số, đó là đền
Lakshmi-Narayan. Đền này do một gia tộc phú thương tên Birla xây năm 1938 nên
thường mang tên đền Birla. Birla và Tata là hai gia tộc rất giàu có và thế lực
của Ấn Độ từ cả trăm năm nay, chuyên buôn bán vải vóc tơ lụa.
Tại chân đền, ấn tượng đầu
tiên làm tôi thú vị là hàng ngàn giày dép của khách thập phương ngổn ngang nằm
dưới chân bậc cấp. Họ phải cởi giày dép khi vào đền, đó là điều bình thường,
nhưng sao không ai sợ bị mất cắp trong một xứ nghèo như Ấn Độ. Hiển nhiên là
tại đây cũng có đạo chích như mọi nơi trên thế giới nhưng xem ra những tay
làm ăn bất thiện cũng biết sợ thánh thần. Đền Birla có thêm điều đặc biệt, đó
là giày dép của người nước ngoài được giữ riêng và khuôn mặt của tôi xem ra
không giống người bản xứ nên ban bảo vệ đưa tôi vào phòng đặc biệt, nhã nhặn
yêu cầu cởi giày và tôi được đi chân trần trên đá cẩm thạch mát lạnh. Nhìn những
bậc cấp bằng đá phần lớn bị mòn ở giữa, tôi mới hay đây là một chỗ hàng ngàn
hàng vạn người đến chiêm bái.
Nhưng ở đây đâu có thờ Phật,
đó là cảm nhận đầu tiên của tôi. Ngược lại phần lớn các tượng đều trình bày một
vị nữ thần tươi cười, có sắc đẹp hấp dẫn, thân hình tròn trịa. Thế nhưng đi
quanh trong đền chính, tôi nhận ra các bức bích họa trên tường cũng có trình
bày lịch sử đức Phật cũng như sự tích tiền thân của Ngài. Đây rõ là một đền
thờ Ấn Độ giáo vì bức tượng quan trọng nhất là tượng thần Krishna với bốn
khuôn mặt nhìn ra bốn phía. Nhưng tại sao đền này lại mang tên Lakshmi, lại
nhắc đến Phật Thích-ca, lại có một cái chuông đồng rất lớn đúc theo kiểu Phật
giáo Trung Quốc? Tôi đang lạc giữa một rừng người đang thì thầm khấn vái, áo
quần tươi đẹp. Cũng may là ngôi đền bốn phía thông gió nên khách hành hương
không bị ngộp mùi hương khói, nhờ thế ta có thể ở lâu nhìn ngắm. Đây là lần đầu
tiên tôi tiếp xúc với Ấn Độ giáo và đặc trưng của tôn giáo này là thờ phụng
vô số thần thánh mà Lakshmi là một vị nữ thần.
Lakshmi là vị thần tượng
trưng cho sắc đẹp và hạnh phúc. Bà là vợ của thần sáng tạo Vishnu, mẹ của thần
Kama mà Kama thì chủ tình yêu và nhục cảm. Theo truyền thuyết, bà sinh ra từ
sóng, khi biển cả bị A-tu-la phá phách, có sắc đẹp kiều diễm, tay cầm hoa
sen. Lakshmi cũng là thần của giàu sang hạnh phúc nên được người Ấn Độ hay khẩn
cầu. Vì thế tượng của Lakshmi diễn tả một phụ nữ sang trọng diễm lệ và cận
nhân tình. Có lẽ đó chính là lý do tại sao đền Birla lúc nào cũng đông như
ngày hội.
Khách hành hương thăm đền
Birla xem ra không mấy ai để ý đến các bích họa nói về đạo Phật. Đối với tín
đồ Ấn Độ giáo, Phật Thích-ca chỉ là một dạng tái sinh của thần Vishnu. Nhà
thương nhân Birla chủ trương đưa mọi thần thánh vào đền để ai cũng được thờ
cúng và khách hành hương muốn cầu khẩn đến ai cũng được.
Những điều vừa nói nghe
qua rất tầm thường nhưng đó là điều ta cần biết khi đến Ấn Độ và khi muốn tìm
hiểu về Ấn Độ giáo. Ấn Độ là một xã hội của tôn giáo, khắp nơi đều mang những
dấu ấn khác nhau của tôn giáo. Thủ Tướng đầu tiên của Ấn Độ là Jawaharlal
Nehru đã từng nói: " Ấn Độ là nhà thương điên, là viện tâm thần của các
tôn giáo " , ông không nói đùa hẳn và dĩ nhiên cũng không hề khinh miệt.
Đó là nơi mà các truyền thống tôn giáo tồn tại song hành với nhau, trong đó Ấn
Độ giáo chiếm vị trí then chốt. Ấn Độ giáo khác hẳn các tôn giáo lớn trên thế
giới ở chỗ nó không có một giáo chủ, một vị sáng lập mà đây là một hệ thống
triết lý đồ sộ thành hình qua nhiều ngàn năm. Trong nền tôn giáo này ta có thể
tìm thấy các vị thánh nhân minh triết nhất của nhân loại cũng như những niềm
tin non nớt nhất của con người. Thế nhưng điều then chốt chung của Ấn Độ giáo
là họ tin nơi một thể tính siêu việt nằm trên mọi hình tướng, thể tính đó là
nguồn gốc của mọi hiện tượng, là thể đích thực của mọi dạng thánh thần. Vì những
lẽ đó mà mọi thánh thần không hề làm tín đồ Ấn Độ giáo lạc lối, không ai cạnh
tranh chướng ngại với ai, tất cả đều là thể hiện của thể tính đó, tất cả đều
qui về một mối.
Nhiều nhà Phật học phương
Tây coi đạo Phật là một phát biểu mới của Ấn Độ giáo, xếp đức Phật là "
nhà phê phán "hay " người cải cách " của tôn giáo này. Để truyền
bá giáo pháp của mình, đức Phật là người lấy lại nhiều khái niệm của Ấn Độ
giáo như nghiệp lực, sự tái sinh, vô minh, nhưng đồng thời Ngài trình bày những
nội dung mới về vô ngã, về tính Không, về trung đạo. Do đó mà cách xếp loại
coi Phật giáo là một " nhánh " của Ấn Độ giáo có thể đúng về mặt
phân tích nhưng theo tôi, điều quan trọng là hiểu được ý nghĩa của sự xuất hiện
các thánh nhân trên trái đất, hiểu thông điệp của các vị đó cho con người.
Đối với tín đồ Ấn Độ giáo,
Phật Thích-ca là một dạng của thần Vishnu, mọi thánh nhân trong mọi thời đại
có lẽ đối với họ cũng thế thôi. Đối với Ấn Độ giáo, Brahman là thực thể cuối
cùng vũ trụ, là cái mà Phật giáo gọi là Pháp thân, Lão giáo gọi là Đạo. Phật
hay các thánh nhân xưa nay là hiện thân của thể tính sáng láng, diệu dụng và
cũng rất từ bi đó, các vị là những ứng hóa thân xuất hiện làm đạo sư cho trời
và người. Các vị thầy đó sinh ra thời nào thì phải mang y phục, phải nói ngôn
ngữ, phải theo phong tục của người đương thời, họ phải làm sao cho người đời
hiểu mình mới có thể giáo hóa. Các vị đó có thể là vua chúa như Phật
Thích-ca, là người chịu cực hình như Chúa Jesus, là nhà du ca như Milarepa.
Ngày nay các vị đó cũng có thể đang xuất hiện dưới dạng của nhà khoa học, người
nghệ sĩ, kẻ điên khùng..., họ không nhất thiết phải cạo đầu, phải mặc áo quần
tu sĩ và không cần người đời biết đến. Chỉ " Phật mới nhận ra Phật, bồ-tát
mới nhận ra bồ-tát ". Sai lầm thay khi ta dựa vào con người - dù đó là
những vị giáo chủ - mà tranh chấp hơn thua, bỏ quên nội dung giáo lý. Đức Phật
đã dạy từ hơn hai mươi lăm thế kỷ trước trong " bốn y cứ ", là
" y pháp bất y nhân ", hãy lấy nội dung giáo lý làm chuẩn. Và giáo
lý Ấn Độ giáo, cũng như Phật giáo, cũng như mọi nền minh triết của châu Á đều
tin rằng, thế giới này là dạng xuất hiện của một thực thể khác mà tự tính của
nó là nhất như, siêu việt trên tất cả mọi dạng hiện tượng và tư duy.
Được đi chân trần trên đá
cẩm thạch mát lạnh, tôi thấy mình đã quên công việc thương nhân đầy phiền
toái, lòng tôi đầy cảm hứng tâm linh. Trên đường ra đền, nữ thần Lakshmi nhìn
tôi tươi cười, hình như bà chúc tôi giàu sang hạnh phúc. Đi xuống bậc cấp đầy
giày dép, tôi bị khói xăng của xe " túc túc " kéo về thực tại. Thế
nhưng tôi chưa lên xe vội vì cạnh đền Birla có một ngôi đền nhỏ, nó đột nhiên
kích thích sự chú ý của tôi. Tôi muốn vào xem.
Thì ra đó là một ngôi đền
Phật giáo không ai lui tới và xem ra tôi là khách duy nhất vào thăm đền hôm
đó. Tôi nghĩ không sai, Phật giáo chưa hoàn toàn diệt vong trên đất Ấn. Tôi
dè dặt đi vào giữa hai hàng cây nhỏ như cây trà của ta. Trong đền, giữa một
tòa nhà nhỏ hình vuông bốn bề mở cửa, một bức tượng Thích-ca bằng đồng đen ngồi
yên lặng mỉm cười trong ánh nến mờ, ngoài kia là tiếng huyên náo của tín đồ
đang cầu giàu sang và nhan sắc. Tôi thấy lòng tĩnh lặng, xung quanh tôi là những
bức bích họa về cuộc đời đức Phật mà nội dung tôi đã biết qua. Chỉ cách đền
Birla mấy bước mà tôi như đi qua một thế giới khác, nơi đây tôi tự động nhớ rằng
không có gì bấp bênh và chóng phai nhạt hơn tiền bạc và sắc đẹp. Tôi ngắm tượng
Phật, Ngài mỉm cười bí ẩn, hình như Ngài nhìn vào bên trong để thấy bên ngoài
và vì thế nhìn cuộc đời một cách hóm hỉnh. Vị trụ trì chùa tiếp tôi, vui mừng
biết tôi là người Việt Nam, ông đã gặp các tu sĩ người Việt đi từ miền Nam gần
30 năm trước. Biết tôi là thương nhân xem ra ông ngạc nhiên sao không thấy
tôi khẩn cầu vị nữ thần của phú quí bên kia đền mà lại đến đây thắp một nén
hương trước tượng đồng đen. Có lẽ vì thế mà ông quí tôi, tặng nhiều sách vở
và giới thiệu với các vị tu sĩ trẻ tuổi người Nepal đang học tập trong đền. Hồi
đó tôi không hề ngờ là gần mười năm sau mình sẽ đi Nepal thăm quê hương đức
Thích-ca.
|
PHẦN THỨ HAI: ẤN ÐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG
Bihar, vùng đất thánh
Ði dọc sông Hằng
Hãy ra khỏi Delhi, rời bỏ
các lâu đài tráng lệ, các vùng nghỉ mát danh tiếng để tìm hiểu kỹ hơn nước Ấn
Độ. Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, giàu nghèo khác nhau nhưng chưa thấy
nước nào kỳ lạ, đầy những ấn tượng trái ngược như Ấn Độ. Ta không thể nào hiểu
được nước này, không thể mô tả nó. Nhà văn Mỹ Mark Twain, người có nhiều nhận
xét sâu sắc hóm hỉnh, thăm Ấn Độ năm 1896, viết về xứ này như sau: "Mỗi
khi bạn nghĩ là mình đã tìm hiểu hết những tính cách lạ lùng của nước này và
muốn cho nó một danh hiệu nào đó...xứ sở của dịch hạch, xứ sở của nghèo đói,
xứ sở của những ảo giác khủng khiếp, xứ sở của những ngọn núi ngất trời...vân
vân, thì lại sớm hiện ra những tính cách mới và bạn thấy cần những danh hiệu
mới". Cuối cùng Mark Twain thấy hay nhất là vứt bỏ mọi danh hiệu và đặt
tên Ấn Độ là "xứ sở của sự kỳ diệu".
Đây là nơi mà ta phải ngắm
Taj Mahal lúc nửa đêm, nhìn cái nghèo đói lúc ban ngày, nếm cái bụi bặm của
những làng quê buồn tẻ, đi lạc trong màu sắc rực rỡ và tiếng ồn ào của các
basar, nhìn những đàn bò và khỉ sống chung với con người, xem những đám rước
tôn giáo mê say quên mình. Đây là nơi mà thiên nhiên cho dấu ấn một cách sắc
nét nhất với những con sông, những ngọn núi, với sức nóng tàn khốc và những
cơn bão kinh người.
Đây là một quốc gia thuộc
về 15 nước công nghiệp hàng đầu trên thế giới nhưng 70% dân chúng vẫn cày cấy
với dụng cụ thô sơ của cha ông để lại và sống bên bờ của sự thiếu ăn. Tại Ấn
Độ, trong một nhà máy có thể người ta đang sản xuất bom nguyên tử và tên lửa
liên lục địa nhưng ngoài nhà máy vẫn là nơi sửa xe bò theo cách của thời A-dục
vương để lại. Trí thức Ấn Độ có thể là những triết gia nhất nhì thế giới, là
các nhà khoa học xuất sắc được nhiều nước tranh nhau mời về nghiên cứu, họ sống
bên cạnh 60% dân chúng mù chữ. Phú gia Ấn Độ rất nhiều và cũng rất giàu có, của
cải của họ không ai biết hết được, dưới mái hiên cung điện của họ là những tu
sĩ thiếu cả áo quần che thân ngồi đợi mặt trời mọc để hành trì phép du-già.
|
Hoa Thị Thành
Na-lan-đà, đại học Phật giáo đầu tiên
"Vui đẹp thay thành Vương Xá" [26]
Trên đỉnh Linh Thứu
Từ Linh Sơn, nhớ về Yên Tử
Dưới cây Bồ Ðề
|
Hãy thử làm theo Phật bằng
cách thiền định để nhận thức thế giới. Ý nghĩa đích thực của cuộc đời làm người
là, đó chính là cơ hội quí báu để nhận thức thế giới và cách nhận thức có hiệu
quả nhất là chỉ và quán trong thiền định. Ðó là kết luận của Ngài nhưng tiếc
thay đối với tôi lại là điều khó làm nhất. Từ xưa tâm tôi hay tán loạn khi ngồi
thiền định, đối với tôi không có gì khó hơn sự định tâm. Dưới gốc bồ-đề, tôi
ngồi đó với lòng cảm xúc, có lẽ tâm tôi chẳng định được gì vì tâm ý sôi nổi.
Làm sao tôi tĩnh tâm được khi nhớ rằng ngay tại nơi này cách đây hai ngàn năm
trăm năm có một bậc thầy ngồi thiền định nơi đây và đạt giác ngộ. Ðây là chỗ
mà người đó, nói như Schumann trong chương trước, đã thấu hiểu nguồn gốc của
cái Khổ và phương cách giải thoát khỏi nó.
Bên cạnh tôi có một người
có khuôn mặt châu Á, có lẽ người Nhật, cũng đang ngồi thiền định. Ngồi một
lúc tôi phát hiện là anh ta có tật, thỉnh thoảnh anh vung chân múa tay một
cách bất bình thường. Khuôn mặt anh sáng láng nhưng hình như thân thể anh
không yên, xem ra nó hoạt động độc lập với anh. Tay chân của anh hoạt động độc
lập xem ra cũng như tâm của tôi tán loạn. Chưa bao giờ tôi thấy thương một
người xa lạ như thế. Quê hương anh ở đâu, ai chỉ đường cho anh đến đây,
phương tiện đâu cho phép anh đi con đường vạn dặm này. Thân anh không bình
thường nhưng tâm anh liệu có sáng suốt không, hỡi người bạn đạo đang ngồi bên
tôi thiền định dưới gốc cây thiêng. Một điều tôi tin chắc chắn ngày hôm đó là
anh sẽ lành bệnh, dù bệnh thuộc tâm hay thuộc thân, vì đây là nơi là chỗ phát
ra ánh sáng của trí tuệ và là nơi ma quái phải qui hàng.
Về sau tôi biết thêm cây bồ-đề
nguyên thủy nơi mà ngày xưa Phật thiền định đã bị phá hủy trong thế kỷ thứ bảy.
Tại chỗ cây nguyên thủy đó người ta có trồng một cây con thì cây con cũng bị
bão thổi trốc gốc năm 1876. Còn cây bồ-đề chúng ta thấy ngày hôm nay là một
cây con của cây mà vua A-dục tặng Tích Lan trong thế kỷ thứ ba trước công
nguyên, mà con trai là Mahendra tự tay đem qua đó trồng. Ðối với tôi, cây bồ-đề
này là cây nguyên thủy hay cây con cây cháu, nó không hề quan trọng. Chính tại
nơi đây, Phật đã thấy "mọi pháp có sinh đều có diệt", huống hồ chỉ
là một ngọn cây.
Bên cạnh cây bồ-đề là một
bảo tháp rất lớn gọi là Tháp Ðại bồ-đề. Nó được xây dựng khoảng thế kỷ thứ
1,2 sau công nguyên và cũng đã trải qua nhiều đợt trùng tu và hủy phá. Lúc
Pháp Hiển đến đây năm 409 thì ở đây đã có "ba ngôi tháp". Lúc Huyền
Trang đến chiêm bái năm 637, ông mô tả tỉ mỉ: "về phía đông cây bồ-đề có
một tháp cao chừng 52m, nền tháp độ 20 thước vuông, tường bằng gạch xanh,
trét vôi chu-nam". Ngày nay người ta biết rõ tháp mà Huyền Trang mô tả
chính là ngọn tháp ngày nay, chiều cao chính xác là 55m.
Bồ-đề đạo trường là một
thánh địa vĩ đại cho những ai muốn tìm sự tỉnh giác thiền định, cảm hứng tâm
linh hay nghiên cứu lịch sử. Trong tháp là một tượng Phật thếp vàng ngồi
thanh tịnh, ngoài tháp là dấu chân Phật, trên mặt đất là lá bồ-đề rụng được khách
hành hương nhặt đem về thờ cúng. Tôi đi quanh tháp theo chiều kim đồng hồ, đó
là cách tán thán theo kiểu Ấn Ðộ, Tây Tạng, nhớ đến tích của một con chim chỉ
bay quanh ba vòng nơi đây mà tái sinh được làm người. Hỡi chim, nếu ngươi được
làm người thì cũng ráng dùng đời làm người mà nhận thức, ngoài ra cuộc đời
không còn ý nghĩa gì khác.
|
H 11: Sơ đồ khuôn viên
tháp Ðại Bồ-đề.
1) Ðường vào; 2) Ðền
Buddhapada; 3) Ðền Ấn độ giáo; 4) Ðền Ðại bồ-đề; 5) Kim cương tòa (bên
trong); 6) Cây bồ-đề; 7) Kim cương tòa (bên ngoài); 8) Dấu chân Phật; 9) Chỗ
Phật đi kinh hành trong tuần thứ ba sau khi giác ngộ; 10) Hàng rào đá; 11) Phế
tích của Ratanaghara Chaitya, đền do chư thiên dựng, nơi đây Phật giảng
A-tì-đạt-ma trong tuần thứ tư sau khi đắc đạo; 12) Ðền kỷ niệm chỗ Phật ngồi
nhìn cây bồ-đề không chớp mắt trong tuần sau khi Ngài đắc đạo; 14) Ðền kỷ niệm
Phạm Thiên hiện xuống khẩn cầu đức Phật hãy giảng pháp; 15) Trụ đá của vua
A-dục; 16) Ðền A-dục vương; 17) Ðền Mahanama; 18) Hàng rào
|
Xung quanh tháp Ðại Bồ-đề
là vô số những tháp nhỏ nhắc lại nhiều sự tích. Trong số đó có một tháp nhỏ
nhắc lại hai vị thương nhân tên là Tapussa và Bhallika, người xứ Orissa đã
dâng Phật mạch nha và mật. Hai vị đó có việc đi Vương Xá, chắc cũng làm công
tác tiếp thị tại đó, xin qui y làm cư sĩ và xin học pháp nơi Ngài mặc dù Phật
chưa hề muốn giảng dạy. Thế là đức Phật có hai đệ tử cư sĩ đầu tiên, hai vị đó
cũng chỉ là thương nhân như tôi thôi.
Có một bức tượng mà Huyền
Trang đã thấy nhưng ngày nay không còn, đó là tượng Quán Thế Âm gần cây bồ-đề.
Theo một lời tiên tri xa xưa thì tượng này ngày càng chìm trong đất, lúc nó
chìm hẳn thì đó là lúc đạo Phật suy tàn. Lúc Huyền Trang đến thì tượng đã
chìm tới ngực và ông tiên đoán trong ký sự của mình là đạo Phật chỉ còn hưng
thịnh nơi đây trăm rưỡi hay hai trăm năm nữa. Lời tiên tri đó đã thành sự thực
vì quả nhiên trong thế kỷ thứ 8, thứ 9, đạo Phật xem như mất hẳn tại Ấn Ðộ,
chỉ trừ ở vùng Ma-kiệt-đà và Bengale.
Cây bồ-đề có sinh có diệt,
bản thân đạo Phật cũng có sinh có diệt, tất cả đều là "pháp" cả. Ðó
là một trong những điều cốt tủy Phật dạy sau khi Ngài chứng ngộ dưới cây bồ-đề.
Những điều này muốn hiểu một cách trừu tượng thì dễ nhưng chấp nhận chúng
trong cuộc đời thì khó lắm thay. Ôi, những nhận thức toàn triệt xuất phát từ
gốc cây này thật khó được người đời hiểu ngộ, đó là lý do tại sao đạo Phật
đích thực không bao giờ trở thành một tôn giáo của quảng đại quần chúng, tại
sao nó đã biến mất trên chính quê hương của mình. Và đó là lý do mà tại chính
dưới gốc cây này, Phật phân vân không biết mình có nên giảng pháp hay không.
|
Thiền định, phương pháp nhận thức ưu việt
Vesali và vườn soài của nàng Ambapali
Từ Bodh Gaya, chúng tôi trở
về Hoa Thị Thành để đi Vesali. Vesali mà ngày nay được gọi là Vaishali chỉ
cách Hoa Thị Thành chưa đầy 50 cây số đường bộ, nằm phía bắc sông Hằng, ngày
xưa là kinh đô của nước Licchavi.
Anh tài xế của chúng tôi,
người Nepal, cho biết đường từ Hoa Thị Thành đi Vesali cũng là đường đi
Kathmandu, thủ đô Nepal, cách đó khoảng 200 km, anh nói với giọng u hoài nhớ
quê hương. Ðường này đi lên phía bắc Bihar, vượt cầu Mahatma Gandhi đến
Hajipur, qua sông Hằng đúng chỗ sông rất rộng, có cồn cát ở giữa. Ðây là chiếc
cầu dài nhất châu Á với chiều dài khoảng 6 km.
Vesali là nơi Phật nhiều lần
đến thăm viếng và cũng là trạm dừng chân cuối cùng lúc Ngài đến chỗ nhập diệt
của mình là Câu-thi-na. Tôi tự hỏi ngày xưa Phật qua sông Hằng rộng mênh mông
này bằng phương tiện gì.
Câu hỏi này xem ra quá tầm
thường nên không thấy ai trả lời trong kinh sách. Trong kinh, tôi chỉ nghe
Ngài qua sông "dễ dàng"[1]. Trên đường đi tham bái tôi có quen với
một tu sĩ người Tích Lan, tôi hỏi ông ngày xưa Phật làm sao vượt biển tới
Tích Lan được để nói kinh Lăng Già. Ông trả lời gọn lỏn "thần
thông". Về sau tôi khám phá trong ký sự của Huyền Trang có đoạn nói về
Phật trở về thăm viếng quê hương Ca-tì-la-vệ theo lời thỉnh cầu của vua cha.
Huyền sử chép Ngài đi bằng thần thông trên không và Huyền Trang có hân hạnh tới
xem chỗ Ngài hạ xuống mặt đất. "Tám vị Kim cương thủ hộ tống Ngài, bốn vị
Tứ thiên vương dẫn đường. Với toàn thể các thiên nhân cùng đi, trời Ðế Thích
bên trái và trời Phạm Thiên bên mặt, Phật đi ở giữa như mặt trăng giữa các vì
sao. Cả ba cõi đều rung động vì uy lực của Ngài, bảy thiên thể đều lịm tắt
trước hào quang của Ngài, Ngài vượt không gian và trở về quê hương".
Vesali là kinh thành của
tiểu quốc Licchavi nằm ở bờ bắc sông Hằng, thời đó chỉ có khoảng 250.000 dân
và rất thân thiện với nước Ma-kiệt-đà. Nước này tuy nhỏ nhưng có một dòng dõi
hiệp sĩ đông khoảng 14.000 người, cai trị nước một cách rất sáng suốt. Một
ngày nọ trong năm 524, lúc mùa mưa đã đến tại phía nam sông Hằng và tại vườn
Trúc lâm Phật bắt đầu ba tháng an cư để thiền định và giáo hóa cho tỉ-kheo
thì có một sứ giả từ bờ bắc sông Hằng đến Vương Xá. Người đó là Mahali, bạn của
Tần-bà-sa-la, ông báo tại Licchavi đang bị hạn hán trầm trọng, đói kém và nạn
dịch xảy ra, nhiều người đã chết. Mahali nhờ Tần-bà-sa-la xin Phật đi Vesali
cứu giúp. Năm năm sau khi thành đạo, lúc đó khoảng 39 tuổi, lần đầu tiên Phật
được thỉnh cầu thi triển thần thông. Vương Xá cách sông Hằng khoảng 60km,
Ngài lên đường cùng vài người hầu cận, "ngày thứ năm Ngài vượt qua sông
Hằng và vừa đến bờ bắc thì trời đổ mưa như trút". Và tương truyền rằng nạn
dịch cũng chấm dứt khi A-nan vâng lời Phật tụng đọc Bảo tích kinh, đó là một
bộ kinh có thần thông chữa bệnh.
|
H 12: Hình Phật Thích-ca
lúc khoảng 41 tuổi, tức là trong thời kỳ kể trên. Hình này do đệ tử của Ngài
là Phú-lâu-na (Purna) vẽ. Bức tranh này được giữ tại viện bảo tàng London.
|
Vesali cũng là nơi mà ni bộ
– tăng đoàn của phụ nữ - được thiết lập mà người đầu tiên chính là kế mẫu của
Phật. Sau khi vua cha Tịnh-phạn băng hà, bà kế mẫu đã trở thành góa phụ đi bộ
từ Ca-tì-la-vệ đến Vesali, tính ra khoảng bốn năm trăm cây số, để xin Phật
cho xuất gia. Phật đã từ chối nhưng tôn giả A-nan là người năn nỉ xin Phật
cho phép và cuối cùng bà được nhận lời. Vì cử chỉ lịch sự với phái nữ này mà
về sau A-nan bị tăng già khiển trách vì các vị tu sĩ ngày xưa thấy quả thật sự
hiện diện của phái nữ trong giới tu hành thật bất tiện.
Tại Vesali Phật còn có
thêm một hành động cách mạng nữa trong thời bấy giờ, đó là Ngài nhận lời mời
thọ thực của một nàng kỹ nữ tên gọi là Ambapali. Ambapali là một kỹ nữ với sắc
đẹp hết sức kiều diễm, đã làm điên đảo các vị công tử xứ Licchavi. Cả vua Tần-bà-sa-la
phía nam sông Hằng cũng mê say nàng, có với nàng một đứa con. Hay thay ngày
xưa, mặc dù đường xá xa xôi, sông Hằng cách trở mà niềm say mê và sinh hoạt
xem ra không khác gì người thời nay.
Nàng Ambapali mời Phật thọ
thực rồi lại cúng dường luôn một vười xoài rất lớn và Ngài cũng thâu nhận, mặc
dù trong xã hội Ấn Ðộ thời xưa với quan niệm hết sức khe khắt về đẳng cấp, đó
là một hành động lạ lùng.
Ðường đi đến Vesali dẫn
tôi qua nhiều đoạn rừng núi và làng mạc. Trong địa phận Vesali mà ngày nay nó
chỉ là một quận nhỏ của Bihar, điều làm tôi thấy lạ là ở đây rõ ràng có một
khí sắc vương giả sang trọng, chúng phảng phất trong màu lá, màu nắng, màu cỏ
cây. Lạ thay, tôi cảm nhận khí sắc đó một cách chắc chắn. Tại Vesali ta tìm
thấy một trụ đá của A-dục vương còn nguyên vẹn, trên đầu có hình sư tử. Dưới
chân trụ đá là nền gạch đá của tu viện nữ ngày xưa, theo kiến trúc thì cũng
có nhiều phòng khác nhau, tương tự như Na-lan-đà nhưng nhỏ hơn nhiều. Và thú
vị thay, xa xa cách vài cây số là một khu rừng nhỏ, cây lá um tùm, đó là vườn
xoài của Ambapali!
Nàng kỹ nữ về sau trở
thành tỉ-kheo ni và giác ngộ thành bậc thánh [2]. Thế nhưng chắc nàng không
bao giờ ngờ vườn xoài của mình sẽ được hậu thế ghi chép và thăm viếng. Hành động
của Phật, cứu độ cho những người thuộc giai cấp "thấp kém", như xã
hội Ấn Ðộ ưa miệt thị, như Ambapali, như người thợ rèn Cunda, như kẻ sát nhân
Angulimala, không những nói lên lòng từ bi vô lượng, mà là trí huệ của Ngài
chỉ rõ, tất cả con người đều có chung một tự tính thanh tịnh, " ...biết
rõ rằng chúng sinh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người
may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ ..." [3].
Mùa mưa năm 484 trước công
nguyên, lúc này sức khỏe vị đạo sư đã tàn, Vesali này là chỗ Phật lưu trú và
tại đây A-nan hỏi Ngài về một người kế vị. Ngài trả lời: "A-nan, tăng
đoàn còn trông chờ gì nơi ta ? Ta đã giảng giáo pháp không phân biệt trong
ngoài...Ta đã già, năm tháng đã tận, cuộc đời ta sắp chấm dứt, ta đã tới giới
hạn của mình: ta đã tám mươi tuổi. Như một chiếc xe bò đã cũ chỉ nhờ giây chằng
buộc lại mà thành thì thân ta cũng chỉ nhờ giây chằng mà có ... Vì thế,
A-nan, hãy tự mình là y tựa của chính mình, hãy dùng chánh pháp mà làm nơi y
tựa, đừng tìm y tựa nơi nào cả". Như thế sau Phật không có người kế vị,
giáo pháp chính là đạo sư hướng dẫn tăng đoàn.
Vài ngày sau khi nói lời
này, Phật đi về hướng bắc, đến chỗ nhập diệt tại Câu-thi-na. Một trăm năm sau
khi Phật nói lời này, Vesali là chỗ kết tập kinh điển lần thứ hai, tổng kết về
giáo pháp, chỗ y tựa của Phật giáo. Và cũng tại hội nghị này tại Vesali, giáo
pháp đã phát triển và bị chia làm hai phái, Thượng tọa bộ và Ðại chúng bộ và
Ðại chúng bộ là tiền thân của Phật giáo Ðại thừa sau này.
|
Trên thế giới có những
thành phố cổ như Theben ở Ai-cập, Ninive hay Babylon ở Ba Tư. Chúng thành
hình cả ngàn năm trước công nguyên, thậm chí 1700 năm như Babylon, kinh đô rực
rỡ một thời của miền Trung Á. Thế nhưng về mặt cổ xưa, các thành phố đó lu mờ
trước Varanasi, thành phố xuất hiện khoảng 3000 năm trước công nguyên. Có lẽ
Varanasi chỉ thua kinh đô Trường An của Trung Quốc với số tuổi 6000 năm khả
kính. Khoảng năm 900 trước công nguyên, những người dòng Arya của Ấn Ðộ đến
Varanasi, biến nơi đây thành một kinh đô hùng mạnh về thương mại cũng như tư
tưởng học thuật. Và Varanasi phồn vinh tới ngày hôm nay, trải qua gần 5000
năm lịch sử, trong lúc nhiều thành phố cổ khác đã điêu tàn.
Mark Twain, văn sĩ của Mỹ,
đã đến Ấn Ðộ năm 1896 và dĩ nhiên cũng đã thăm Varanasi, viết: "Varanasi
xưa hơn lịch sử, cổ hơn truyền thống, cũ hơn cả huyền thoại và tuổi của nó gấp
đôi tất cả những thứ vừa kể cộng lại".
Không ai giải thích được tại
sao Varanasi trở thành kinh đô thiêng liêng của thần Shiva, nguồn gốc của nó
hẳn nằm trong bóng tối của thần thoại. Thế nhưng người ta cho rằng đó là
"kinh đô ánh sáng", mới nghe qua tưởng như Paris của châu Âu, nhưng
không phải. Aùnh sáng ở đây là mặt trời, và mặt trời mọc tại Varanasi bên bờ
sông Hằng là một cảnh tượng kỳ lạ.
Tôi đến Varanasi bằng máy
bay từ Kathmandu, thủ đô Nepal. Varanasi là một thành phố không thể không tới
nếu ta đến xứ Ấn Ðộ. Ðây là một nơi mà người du khách thấy mình lùi lại vài
trăm năm thời gian, nếu không muốn nói cả ngàn năm. Vì lẽ đó, ngày nay
Varanasi đầy khách du lịch, có sân bay quốc tế từ nhiều nước đến. Có nhiều
người đến Varanasi bằng tàu xe như tôi, nhưng rất nhiều tín đồ Ấn Ðộ giáo đi
bộ nhọc nhằn từ xa đến đây, họ tin rằng càng gian khổ bao nhiêu trên đường đi
đến thì tội lỗi càng chóng rửa sạch bấy nhiêu. Ai chết ngay tại Varanasi này,
linh hồn họ sẽ thoát khỏi sinh tử để về với Ðại ngã bao la và vì thế mà nhiều
người già đến đây đợi chết.
Vì lẽ gì mà Varanasi được
xem là "quê hương" của thần Shiva, là chỗ thiêng liêng nhất của Ấn
Ðộ giáo ? Thành phố này có thể sánh với Jerusalem của Thiên chúa giáo, với
Mecca của Hồi giáo. Bên bờ sông Hằng dài 2525km cũng còn những thành phố
thiêng khác như Allahabad, Rishikesh, Hardwar. Hãy t5am nghe lời giải thích của
phương tây: tại Varanasi, sông Hằng uốn mình nhìn ra phía đông để buổi sáng
lúc mặt trời mọc, ánh dương chiếu tràn ngập bờ sông, tín đồ tắm sông vừa ngâm
mình trong nước thánh, vừa hưởng tia sáng của thần Shiva. Vì thế Varanasi là
đất thiêng của tín đồ Ấn độ giáo, đến Varanasi mà không đi thăm sông Hằng lúc
mọc trời mọc là xem như chưa đến.
Tôi ra sông lúc trời còn mờ
tối, thuê thuyền đi dọc theo bờ. May thay đó là một ngày nắng ráo, mặt trời
chưa mọc mà ánh dương đã ngời sáng. Thật là một cảnh tượng lạ lùng. Sông Hằng
đoạn này rộng mênh mông, nước yên tĩnh như mặt hồ. Từ dưới mặt nước, mặt trời
như một quả cầu đỏ ối dần dần vươn lên, treo giữa trời lơ lửng như một chiếc
lồng đèn màu đỏ vĩ đại. Có lẽ vì không khí ban mai còn đẫm sương đêm hay sao
mà ta có thể nhìn thẳng mặt trời đỏ rực, không bị chói mắt, thấy to hơn bất cứ
mặt trời nào tôi đã từng thấy. Tôi ngây người nhìn mặt trời không biết chán.
Ôi, thì ra mặt trời hiện ra mà cũng tùy cảnh tùy nơi, mỗi lúc một khác.
Xa xa giữa Hằng hà là những
cồn cát của mùa nước cạn, thế nhưng sông vẫn còn mênh mông những nước, phía
đông mặt trời là một vùng hoang vu, dưới là chỉ nước và cát, trên là một vầng
dương kỳ diệu. Phía tây là thành phố thì chỉ toàn người và người, người từ
đâu đến ? Hàng ngàn người tắm gội giữa giòng sông, họ lặn hụp, đứng yên, vái
lạy, khẩn cầu ... Tất cả đều nhìn về mặt trời đỏ đang chiếu rọi. Dọc sông Hằng
tại Varanasi là các bến sông mà người Ấn gọi là "Ghat", nơi mà tín
đồ Ấn độ giáo tràn ngập xuống sông, đó là những chỗ để họ cầu nguyện, cúng dường,
thiền định, bố thí, khất thực, thiêu xác, rải tro, tắm rửa, bói toán, thắp
đèn, thả hoa. Trong mấy mươi Ghat trải dài khoảng mười cây số đó thì
Dasaswamedh-Ghat là thiêng liêng nhất, đó là nơi vị sáng tạo vũ trụ Phạm
Thiên đã cúng dường "mười con ngựa". Tại Manikarnika-Ghat có một
cái hồ nhỏ, nơi tương truyền thần Vishnu đã dùng dĩa đào lên và đổ mồ hôi vào
đây.
Tôi đi thuyền dọc sông Hằng
vừa ngắm mặt trời, vừa nhìn thế nhân, vừa thả đèn và hoa tươi đúng phép tắc,
không biết mình đang ở thế kỷ hai mươi hay thời đại nào. Trên các bãi thiêu
xác dọc theo sông, có những kẻ đã rời đời sống hỗn loạn này của trần gian ra
đi trong lửa đỏ cháy bập bùng. Mùi gỗ, mùi da thịt lẫn trong mùi nhang trầm
và tiếng tụng niệm bay trong không gian. Người ta nói với tôi cảnh tượng này
cũng là cảnh tượng của mấy trăm năm cũ, mặt trời và giòng sông thì không hề
thay đổi đã đành, con người và cách cúng tế cũng thế. Chỉ có điều khác là
ngày nay người ta người ta tụng niệm trong loa phóng thanh và vì thế mà tiếng
ồn ào và sự hỗn loạn có lẽ còn hơn ngày xưa.
Cách đây 13 thế kỷ, lúc
Huyền trang đến Ba-la-nại[4], đó cũng là tên của Varanasi, ông đã viết về các
tu sĩ Ấn độ giáo: "Phần lớn trong số họ tôn sùng thần Shiva. Kẻ thì cạo
đầu, kẻ thì bối một nhúm tóc trên đỉnh đầu. Một số khác thì lõa thể tự nhiên
đi ngoài đường. Kẻ khác thì thoa tro lên người hay tự chịu nhục hình để mong
trốn khỏi luân hồi ... "
Huyền Trang cũng tìm thấy
một bức tượng Shiva mà ông mô tả "đầy sự cao quí uy nghi mà khi nhìn người
ta thấy có một lòng kính sợ tôn thờ, dường như thần đang hiện diện...".
Ngày nay, sau những Ghat chính là đô thị cổ Varanasi với cơ man nào là đền,
thờ thánh thần mang dạng người, dạng thú. Tượng của Huyền Trang nói đến chắc
nằm trong đền Vishawanath. Ngôi đền mái vàng này đã bị tín đồ Hồi giáo phá hủy
trong thế kỷ thứ 18 và nay đã được xây dựng lại. Ðó là đền lớn nhất và thiêng
liêng nhất của Ấn Ðộ giáo. Tôi đi theo những ngõ hẹp của Varanasi, tâm chỉ biết
mở ra đón nhận những ấn tượng vô cùng trái ngược. Ðã đi nhiều nơi trên thế giới,
nhưng chưa nơi nào tôi có ấn tượng của sự đối nghịch tuyệt đối như Varanasi.
Những đền đài thếp vàng bên cạnh mái tranh lụp xụp, trẻ con bụi đời Ấn độ
chen chúc với khách du lịch nước ngoài, những con đường đầy phân bò và bùn
đen bên cạnh những ngôi đền cẩm thạch bóng loáng. Các thứ bột đầy màu được
bày bán trong các basar mờ lẫn trong khói nhang trầm sặc sụa. Tiếng còi xe
xen lẫn với tiếng ăn xin, tiếng chào mời của các tiệm bán tơ lụa chen với tiếng
cầu nguyện trong giáo đường sát bên cạnh. Ðây là nơi hầm hập hơi thở của sự sống,
của niềm mơ ước và hẳn cả của sự tuyệt vọng. Vì làm sao với số lượng con người
khủng khiếp đó ai cũng có thể có hạnh phúc? Thế nhưng nhìn khuôn mặt của con
người ở đây, kể cả những người ăn xin hay tàn tật, tôi thấy một sự chấp nhận,
thậm chí bình an, tâm trạng của những người có cảm tưởng mình đang "trả
nghiệp", theo quan niệm của Ấn Ðộ giáo. "Hỡi trần gian hỗn loạn và
điên dại này, ta vẫn cứ yêu thương mi".
|
H 13: Sơ đồ vườn Lộc Uyển.
Bên mặt là tháp Dhamekh. Ðền hình vuông bên trái là Mulagandhakuti, cạnh đó
là tháp vua A-dục. Dấu hình tròn phía dưới là nền đá của tháp Dharmarajika [8]
Ngày nay vườn Lộc Uyển là
một công viên cực lớn với một hàng rào đá, được chăm sóc kỹ lưỡng. Trong công
viên là những bãi cỏ xanh tươi với những bụi cây nhỏ rực màu đỏ và tím. Tháp
nổi bật nhất tại Lộc Uyển là tháp Dhamekh, cao 33 mét. Suốt một thời gian người
ta không biết rõ tháp này có sự tích gì nhưng về sau các nhà khảo cổ tìm ra
được nơi đó một bảng đề "dhamaka" (pháp luân) mới chắc rằng đó là
chỗ Phật giảng bài pháp đầu tiên. Nó được xây bằng gạch trước thời A-dục
vương, thế kỷ thứ ba trước công nguyên.
Lộc Uyển chính là nơi
thành lập tăng đoàn. Nơi đây ta còn thấy một trụ đá của vua A-dục với những
dòng chữ: "Tăng đoàn không được chia rẻ. Dù tăng hay ni, ai chia rẻ tăng
đoàn, người đó phải mặc áo trắng (chỉ cư sĩ) và ở một nơi không có tăng
đoàn". Tại Lộc Uyển còn một chỗ thiêng liêng, kỷ niệm trú xá của Phật
trong mùa mưa [9] năm 528 trước công nguyên. Tại đây các tỉ-kheo đã làm cho Phật
một cái chòi lá. Ðến thế kỷ thứ ba trước công nguyên chòi này biến thành một
cái đền và tiếp tục được xây dựng thêm trong những thế kỷ sau.
|
H 14: Tượng Phật chuyển
pháp luân được tìm thấy tại Lộc Uyển và hiện được chưng bày tại bảo tàng viện
tại đây. Tượng bằng đá, cao 160cm, thuộc niên đại Gupta (thế kỷ thứ 5), là một
trong những tượng đẹp nhất, được đúc lại nhiều lần. Tay Phật bắt ấn chuyển pháp
luân. Phía dưới, bánh xe pháp được khắc họa, hai con nai hai bên trình bày địa
danh Lộc Uyển (Lộc: nai). Các người ngồi nghe là năm vị tỉ-kheo và một nữ cư
sĩ (người cúng dường bức tượng) và đứa con [10]
|
Trong thế kỷ thứ bảy khi
Huyền Trang đến đây thì đền này đã đắp cao lên đến 60 mét mang tên
Mulagandhakuti. Ngày nay đây chỉ còn một nền đá hình vuông mỗi chiều khoảng
13 m, dày 2 m, cao chưa đầy 5 m và là nơi nhiều khách hành hương ngồi thiền định.
Phía nam của đền này là một
nền đá hình tròn, đường kính khoảng 14 m. Ðó là nền của tháp Dharmarajika,
ngày xưa vua A-dục cho xây để thờ xá lợi Phật. Tháp này bị phá hủy cuối thế kỷ
thứ 18 vì người ta cần gạch xây nhà ! Trong lúc đào tháp lấy gạch người ta
tìm ra một hộp đá đựng xá lợi của Phật và thả xuống sông Hằng theo truyền thống
Ấn Ðộ.
Lúc tôi đến nền đá hình
tròn này, một đoàn khách hành hương người Nhật đứng tụng kinh trước nền tháp
cũ. Họ tụng tiếng Nhật nên tôi chẳng hiểu gì nhưng đoán nó phải là kinh Chuyển
pháp luân hay Vô Ngã tướng, hai bài kinh Phật thuyết nơi đây. Tôi đứng nghe
tiếng tụng kinh trong nắng sớm, thấy giống tiếng tụng kinh của ông tôi ngày
xưa. "Tôi nghe như vầy: một thời đức Thế Tôn trú tại thành Ba-la-nại, chỗ
chư tiên đọa xứ, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn gọi năm vị tỉ-kheo rằng...".
Với lòng cảm khái vô hạn,
tôi nhớ từ "Lộc Uyển" xa xăm của thời thơ ấu và không ngờ lớn lên
mình đến được đây. Thì ra tất cả đều có thật. Chợt tôi để ý đoàn hành hương
Nhật không thắp nhang, không hiểu tại sao. Tôi rút nhang Việt Nam trong ba-lô
ra thắp, cắm vào một kẻ đá của nền tháp cũ và ngơ ngẩn nhìn khói hương bay
trong gió quyện với tiếng kinh du dương trên bầu trời Lộc Uyển.
" ...Vậy nên, này các
tỉ-kheo, tất cả các thức hiện tại, quá khứ hay vị lai, nội tâm hay ngoại cảnh,
thô hay tế, hạ liệt hay cao sang, xa hay gần, tất cả thức ấy ‘không phải của
tôi, không phải là tôi, không phải tự ngã của tôi’. Chính như vậy chúng ta phải
quán xét với như thật chính kiến" [11].
Vô ngã là một trong những
đặc điểm làm Phật giáo khác với Ấn Ðộ giáo và là cái đặc sắc nhất của nền triết
học đạo Phật. Không có gì tồn tại tự nó [12] cả và con người chỉ là một sự giả
hợp của năm nhóm - ngũ uẩn, tức là của các yếu tố tâm lý và vật lý. Các ngũ uẩn
đó vận hành vô chủ, chúng tuân thủ thói quen của mình vốn đã biến thành nghiệp
lực. Tính chất của vô ngã sâu xa đến độ các môn phái Phật giáo cũng khác nhau
khi hiểu khái niệm này. Ðó là một khái niệm mà ta có thể dùng trí để hiểu được
nhưng không thể "ngộ" được nó đích thực vì bản thân cái trí ta dùng
để hiểu nó lại vương đầy ngã chấp. Ðạt được vô ngã đích thực là đạt Niết bàn,
không có cá nhân nào đi vào Niết bàn cả [13]..
|
[1] Trường bộ kinh, 16
[2] Theo Trưởng lão ni kệ
(Therigatha 252-270), thuộc Tiểu bộ kinh
[3] Ðoạn thường có trong
các tập Bộ Kinh
[4] Benares
[5] "Người mặc áo vải
khổ hạnh", 1052-1135
[6] Trong lúc phương Tây
chính xác như thế thì người Ấn Ðộ, do quan niệm "miên viễn" của họ,
lại thiếu chính xác về thời gian và số lượng. Trong lịch sử họ thường tùy tiện
ghi "vài trăm năm" để chỉ một khoảng thời gian nhất định và hay
dùng con số 500 để chỉ số lượng lớn. Trong các Kinh ta hay đọc thấy các đạo
sư với "năm trăm đệ tử" hay nhà vua với "năm trăm cỗ xe"
[7] Có lẽ thuộc phái Ni-kiền-tử
(Jain), phái này ngày nay vẫn còn.
[8] Hình trích của
H.W.Schumann, Auf den Spuren des Buddha Gotama, Walter Verlag, Freiburg.
[9] Thường kéo dài từ
tháng sáu đến hết tháng chín mỗi năm.
[10] Hình trích của
H.W.Schumann, sách đã dẫn.
[11] Trích kinh Vô Ngã tướng
(Anatta Lakkhana Sutra), Việt dịch của Thích Thiện Châu.
[12] inherent existing.
[13] Xem "Vô ngã là
niết bàn" của Thích Thiện Siêu.
|
Nguyễn Tường Bách
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét