Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Lữ thứ bên hồ phố lạnh

Lữ thứ bên hồ phố lạnh
Ở phố núi Đà Lạt, cái thực thể tự nhiên đối lập với lớp lớp núi đồi kia chính là hồ Xuân Hương. Tôi gọi hồ nước này là phần âm của đô thị so với phần dương đồi núi. Ở đó, có những ngày nắng đẹp đến hoang vu cho dù ngay giữa thành phố, tôi thường ném suy nghĩ vào nó để tinh lọc mình trong không gian tự nhiên. Cómột ngày, nhận ra hồ nước này không phải thứ bất động, nó là một phần của cõi nhân gian…
Người Đà Lạt nào mà mỗi ngày chẳng phải qua lại hồ Xuân Hương. Đã “ra phố” thì phải ngang nó, phải đụng, phải chạm, phải giáp mặt với cái hồ danh thắng đặc sắc xếp hạng Di sản quốc gia này…
ĐỜI
Thành phố cao nguyên nhiều khi hình dung cứ như nằm gọn trong một bàn tay, mà hồ Xuân Hương là cái rốn. Với đô thị này sự trùng hợp ngẫu nhiên cứ như con người vậy, cái rốn là chỗ khởi sự sinh sôi. Hẳn hữu ý mới có động tác khi tạo lập đô thị Đà Lạt, điều đầu tiên người ta làm là cố tạo lập ra một cái hồ.
Ngăn dòng suối Lạch lại, vào năm 1919, từ ý tưởng ngẫu hứng tuyệt vời của kỹ sư công chánh Labbé và viên công sứ Cunhac mà mãi đến năm 2000 vẫn không thêm bất cứ đô thị Việt Nam nào nghĩ ra. Suối Lat thành Grand Lac, rồi thành hồ Xuân Hương, như cách gọi đến ngày nay. Việc tạo một cái hồ quan trọng đến mức nó được chú tâm và triển khai bằng quy hoạch, tổ chức, thiết kế tử tế, làm trước xây dựng nhà cửa, đường sá, đưa người lên ở…
Ở nước ta có hai con hồ là trái tim đô thị, là con mắt để cân bằng sinh thái và nhìn lại thế gian. Hồ Gươm trời tạo, còn hồ Xuân Hương người tạo, sáng tạo của con người… * Một trăm hai mươi năm trôi qua, cái gì ở Đà Lạt cũng thay đổi, từ hình thể đô thị lẫn lòng cư dân, cảm xúc du khách, ngoại trừ cái hồ Xuân Hương này.
Đi từ thiết chế Thực dân đến “Hoàng triều cương thổ”, Cộng hòa, bao nền chính trị lướt qua thân thể Đà Lạt, nhưng chẳng hiểu sao chả thế lực nào dám đụng đến nó mặc dầu hăm he thì nhiều, nhưng không bao giờ thực hiện thành công, chẳng hạn việc thiên hạ định cho đỗ cọc lấn chiếm mặt nước tạo mặt bằng kinh doanh, cho Nhà hàng Thanh Thủy xây cao tầng, cho cơi nới quán cà phê ra bên ngoài kiến trúc Nhà hàng Thủy Tạ… Kẻ nào đụng đến hồ Xuân Hương dân tình coi khinh kẻ đó.
Chỉ là hồ nước thôi, thế mà được kiêng nể. Trong lòng cư dân ở đây có một góc dành cho hồ Xuân Hương (góc ấy lớn nhỏ tùy người, và có mặt ở đây với mục tiêu gì). Có vẻ người Đà Lạt yêu quý hồ Xuân Hương như yêu quý Đồi Cù, dù bây giờ dải đồi này đã “gả” cho người nước ngoài làm sân chơi golf, nên người dân không còn cơ hội dạo chơi trên đó.
Hồ Xuân Hương thì vẫn thản nhiên theo năm tháng, trượt theo buồn vui phận người. Vì là cái rốn phố núi, nên cứ đập theo nhịp nhân gian, hứng đựng mọi thứ phơi ra, như nước thải của khách sạn, tiệm rửa xe, quán bia ôm, tiệm massage, karaoke, vũ trường và hệ thống nhà cửa chất chồng trên những đồi núi xưa đưa tiễn những cánh rừng thông ly biệt. Tảo lam có ngày càng lênh láng, chồng chất vào những khoảnh khắc nắng lên thì hồ Xuân Hương vẫn định vị sự lung linh.
Suối khe trên thượng lưu thiên hạ để cho phân lô, lấp hết… thì hồ Xuân Hương với tư cách cái rốn của thành phố này vẫn trải lòng ra hứng lấy mọi thứ lầm lạc. Hồ Xuân Hương bao dung cho cả những tội lỗi. Bao cao su ai vừa làm tình xong có vứt đầy xuống đấy vẫn cứ thấy hồ Xuân Hương thiêng liêng, đong đầy ký ức người đời.
Hồ này mùa trong mùa đục, theo hai mùa mưa nắng. Nhưng với ông già khòm lưng người Huế lưu lạc 95 tuổi luôn mang chiếc máy ảnh cũ nát trước ngực kia thì chính nó đã dung dưỡng gia đình ông đến thế hệ thứ ba. Mà chẳng riêng ông già chụp ảnh dạo kia, chiếc bàn bán thuốc lá, gánh nước đậu nành, lò bắp nướng, hay khoai lang lùi dưới bóng cây Samu tàn phai giữa đêm giá lạnh của những người thiếu phụ thị dân, cùng bước chân âm thầm của những nàng con gái giang hồ không rõ tên tuổi vẫn lặng lẽ một màu tảo tần, lao lực, thanh bạch. Tần tảo mà ngời ngời tự trọng, không làm điều ác, điều gian, điều hèn. Làm người, bán trôn nuôi miệng phẩm giá trên một bậc rất xa so với bán miệng nuôi trôn.
Hai cái nhà hàng sang trọng Thủy Tạ và Thanh Thủy ngự gần 100 năm kia nhiều dân làm vườn Đà Lạt sống cạn gần cả cuộc đời vẫn chưa một lần đặt chân vào, bởi một bữa ăn nơi đó thường cân bằng nửa tấn bắp cải. Người Đà Lạt phần lớn là lương dân, sống chậm, khá hay giàu cũng tự nhiên, từ từ, đủng đỉnh. Thiên nhiên mơ mộng làm con người hiền, ít nham hiểm, và cũng ít tham lam.
Thành phố không lớn, nhưng người Đà Lạt lâu đời sống “phố” hơn nơi khác, không theo “bầy đàn”, ít để ý tính đồng hương, đồng khói. Người giàu nhanh, của cải nhiều là dân nhập cư mới, vài chục năm nay, có thế lực hoặc có cơ lực, hoặc thức thời, đến để trục lợi ngay chứ không phải để trải dạ yêu thương Đà Lạt. Người Đà Lạt “gốc thông” thì không thích ganh đua hơn thua. Kỳ lạ là suốt lịch sử đã qua của phố núi này, không có người gốc Đà Lạt nào đứng đầu chính quyền ở đây.
Không phải không đủ thông minh hơn để khả dĩ làm điều đó, mà vì đó không phải là sở thích, mục tiêu, và cơ hội cũng chưa chắc có. Sống trên núi, vậy mà dân Đà Lạt thì không ai dám xếp là người “tỉnh lẻ”.
MỘNG
Cho dù bên trong những nhà hàng sang trọng trên hồ Xuân Hương có “vĩ mô” đến thế nào đi nữa thì bên ngoài, nơi vệ cỏ ven đường những anh chàng thị dân hiền lành (hoặc lười lao động) vẫn cứ tao nhã trò buông câu cho du khách Tây - Tàu trố mắt xem chơi. Những đôi nam nữ vẫn ôm chặt nhau để khỏa lấp cái lạnh và thưởng thức hương vị của tháng năm đẹp nhất đời người.
Nơi đây, vẫn là khu vực “bất kiến tạo” như buổi ban đầu Ernest Hébrard - kiến trúc sư người Pháp - người xác lập đường hướng phát triển cho Đà Lạt từ năm 1924. Hồ Xuân Hương trong mắt của Hébrard hay Lagisquet đều là “con ngươi” của Đà Lạt, là viên ngọc giữa thành phố thanh cảnh, rằng sự thật nếu không thì hồ Xuân Hương đã không có và không trở thành một tác phẩm đô thị, còn Đà Lạt đã không trở thành một thành phố nổi tiếng nhanh và bền đến thế.
Nhìn những bóng thông ngàn soi xuống mặt hồ, hay những chiếc cầu lồi lơ thơ vươn ra mặt nước thì đích thị sản vật ấy của riêng Đà Lạt rồi. Không phải thế thì thi nhân số một Hàn Mặc Tử, vào mùa đông năm 1941 không thể đủ chất liệu để có thể khái quát tâm hồn Đà Lạt đến độ có thể thách thức lâu dài tài hoa trong thế gian khi ông viết ra: 
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu”…
Hồ Xuân Hương vẫn cứ tự nhiên gây luyến ái cho phố phường, xã hội nằm trên những đồi núi xưa ấy. Sẽ rất khó lý giải thế giới cảm xúc, như hình ảnh vì sao có người xa Đà Lạt đã nửa thế kỷ vậy mà khi trở lại vẫn cứ thích đứng bên chiếc cầu lồi ở hồ Xuân Hương cùng con ngựa làm “người mẫu” để chụp một tấm hình kỷ niệm.
Mỗi ai sau một chuyến đi xa, khi xe leo đèo Prenn đến lúc chạm vào cái hồ Xuân Hương chứa đầy mù sương này mới hả dạ: Vậy là đã về tới Đà Lạt rồi, về với cái nơi chốn “đi không nhanh, nói không hét, ăn không vội, sống không soi, và làm không cần để thật giàu”. Thế nên những kẻ thực ân tình với Đà Lạt, thường hay lo cho hồ Xuân Hương, như kiểu la toáng lên khi thấy tảo lam xuất hiện, hay chuyện mấy cụ “Thái thượng hoàng công thần” nhiệt tình đến mù quáng khi cả gan “non bộ hóa” hồ Xuân Hương: chở đá, đưa cây cổ thụ dưới sông Đại Ninh nắng nóng ở miền nhiệt đới Đức Trọng về trồng khắp ven bờ.
Người dân phản ứng: Ở núi mà còn “giả” sơn làm gì! Các nhà lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ trước chẳng hiểu sao “OK” cho một nhà đầu tư địa ốc ở Sài Gòn lên giải phóng 15ha ở bờ nam hồ Xuân Hương, dọc đường Bà Huyện Thanh Quan để cất một chuỗi khách sạn, villa, hộp đêm… Ý tưởng ít khoa học này lập tức khiến người Đà Lạt phản ứng, mà bộ máy nhiệm kỳ sau phải ra tay “sửa sai” khi bỏ quyết định của những người tiền nhiệm để trả không gian ấy về đúng với công năng thơ mộng cho hoa, cây xanh và tình yêu đôi lứa.
Liệu dải cảnh quan dưới bóng tháp bút Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt có thật trở thành một “Khu vườn kỳ hoa dị thảo” không, nhưng ba năm nay nó nằm phơi ra bất động thấy mà thương. Có một số người, rất võ đoán, chưa rõ thực hư, mới chỉ nghe tin cánh rừng thông trước Khách sạn Palace có thể “bị” cho cất khách sạn, đã vội mang máy ảnh đi chụp lại góc không gian đó… để lưu lại làm kỷ niệm.
Nhưng tôi vẫn cứ thích ngồi ở vệ cỏ ven bờ hồ Xuân Hương hơn dùng mọi phương tiện khác chạy vòng quanh. Như mọi người, tôi cũng dễ cảm nhận về sinh cuộc loạn nhịp của đô thị con gái này. Mà trước hết là hai hình bóng hiện hữu làm nên giá trị thú vị cho đô thị cao nguyên: tháp bút của Trường Lyceé Yersin viết khát vọng bay bổng của con người lên trời xanh ở hướng Đông và tháp chuông nhà thờ con Gà ở hướng Nam. Chỏm tháp con Gà thanh lịch đặc sắc, cùng tháp bút Trường Lycée Yersin xưa cũng đang lép vế trước bao công trình bình thường khác đang có hoành tráng mọc lên.
Tôi đã từng ngồi nhìn và lắng nghe tiếng vó ngựa chở lúa ở Tuy Hòa, Phú Yên, qua cầu Đà Rằng, rồi ngựa chở nho, hành tỏi qua tháp Chàm cổ Hòa Lai ở xứ Phan Rang, Ninh Thuận, nhưng sao vẫn cứ thấy tiếng vó ngựa lộp cộp ven hồ Xuân Hương ở cao nguyên Langbian này mới nhiều… “nhạc”.
Tiếng vó ngựa miền Tuy Hòa, Phan Rang nặng trĩu sự lam lũ, chịu đựng, còn ở Đà Lạt cứ như mang chất giang hồ lữ thứ, thanh tao, sang trọng. Vì thế có dạo người ta cấm xe ngựa chạy ven bờ, hồ Xuân Hương bỗng như… “chết”, cho dù đèn đường cao áp vẫn phủ đầy ánh sáng, là thế.
ĐỘNG
Cũng từ vị trí hồ Xuân Hương này, nay người ta thấy khách sạn, nhà cửa mới đó, chừng 10 năm thôi, bỗng chốc đã nuốt sạch đồi núi, cả những đường cong cong thấp thoáng, mềm mại của phố núi. Mọi cánh rừng mỏng manh còn lại ở khu trung tâm bỗng một ngày cũng dọn dần, dọn dần, bê tông thay thông. Các khu bất kiến tạo giờ cũng hóa phố hóa phường.
Tầm nhìn về hướng Langbian khép dần. Các cung đường cao thấp lượn trên sườn núi đặc trưng phố núi nay bị nhà cửa như rèm che kéo lại, không thể trông thấy nữa. Và chỉ cần ngồi ở đây sẽ nhận ra cái “nền văn minh xe máy” đang đổ bộ lên cao nguyên, đông đặc lên từng ngày, ức chế sự thanh cảnh, thắng thế các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Làn sóng “khẩu trang” một ngày bỗng mang đi mất nụ cười vốn như tạc trên môi má người con gái phố núi thanh lịch có đôi má hồng đào nổi tiếng. Tất nhiên, đến bây giờ Đà Lạt vẫn hãy còn được xem là đô thị mát lành, thanh sạch hiếm có duy nhất còn sót lại ở Việt Nam. Cái chu vi sáu cây số của một con hồ thơ mộng danh tiếng kia sẽ còn khúc xạ nhiều sắc màu của đời sống cùng thế cuộc, chứng kiến thêm nhiều đổi thay nữa của phố núi. Những đổi khác có khoa học, nghiêm túc, và hòa hợp thiên nhiên sẽ đưa đến sự bình tâm của đô thị, nhưng nếu mang tính phiêu phỏng, chụp giật hẳn làm đô thị đong đưa, muôn dân hồi hộp, mà nói như ngôn ngữ người trẻ bây giờ là hên - xui (!).
NGUYỄN HÀNG TÌNH
Theo http://www.doanhnhansaigon.vn/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...