49 câu hỏi vì sao?
1- Vì
sao ong chúa sống lâu gấp 10 lần ong thường?
Có thể bạn sẽ nói rằng, ong
chúa sống lâu bởi nó to gấp 3, gấp 4 lần những con ong thợ khác. Hoặc vì nó có
nhiệm vụ đẻ trứng và duy trì nòi giống cho cả đàn, nên không được phép chết
non... Tuy nhiên, không hẳn đúng như vậy.
Trong đàn thường có 3 loại
ong: Thứ nhất là ong thợ. Đó là những con cái không có khả năng sinh đẻ. Chúng
chiếm số lượng đông nhất trong đàn, và chuyên đảm nhận những công việc nặng nhọc
như xây tổ, kiếm mồi, chăm sóc ong con, chống kẻ thù. Loại thứ hai là ong đực.
Chúng cũng phải kiếm ăn và xây tổ, nhưng ít nặng nhọc hơn ong thợ. Và thứ ba là
ong chúa.
Trong đàn chỉ có ong chúa là
có quyền đẻ trứng. Vì thế, nó được nâng niu và bảo vệ rất cẩn thận. Trong khi
các con khác phải bươn trải bên ngoài để kiếm thức ăn, thì ong chúa chỉ nằm
trong tổ, "mưa không tới mặt, nắng không tới đầu". Nó được cung phụng
loại mật hoa ngon nhất. Cho dù cả đàn ong phải nhịn đói thì ong chúa vẫn no đủ.
Cả cuộc đời, ong chúa hầu như không phải chạm trán với kẻ thù. Có lẽ vì vậy mà
ong chúa có thể sống hết tuổi thọ của nó (5-6 năm), trong khi các con ong khác
chỉ sống được 6 tháng đến một năm mà thôi.
2- Vì
sao mặt trăng đi theo chúng ta?
Những đêm trăng sáng, nếu vừa
đi bộ vừa chú ý nhìn trăng, bạn sẽ thấy như chị Hằng đang đi theo bạn. Không
riêng gì mặt trăng, nếu để mắt quan sát các đỉnh núi xa xa, bạn cũng sẽ có cảm
giác tương tự.
Nguyên do là khi ta đi bộ,
chúng ta không thể không chú ý tới mọi vật xung quanh. Nhưng tầm mắt của ta lại
có giới hạn. Lúc ta đi về phía trước, mọi vật gần quanh ta (chiếm khoảng lớn
trong tầm nhìn) trôi đi rất nhanh, nhưng những vật ở xa (chiếm khoảng rất nhỏ
trong tầm nhìn) thì trôi đi rất chậm và rất lâu mới ra khỏi tầm mắt.
Các bạn hãy nhớ lại cảm giác
trên xe lửa đi với tốc độ nhanh. Bạn sẽ thấy các cột điện ở dọc đường trôi qua
vùn vụt ngoài cửa sổ, nhưng cây cối, cột điện, nhà cửa ở phía xa xa thì trôi rất
chậm, còn dãy núi ở tận cuối chân trời thì như dán chặt vào cửa sổ. Hiện tượng
này giống hệt như khi mặt trăng, các vì sao, cây cối, núi cao đi theo bạn. Những
vật này cũng chiếm khoảng rất nhỏ trong tầm nhìn, nên bạn sẽ thấy nó rất lâu. Đặc
biệt là mặt trăng, vì là vật to và sáng nhất trong đêm nên nó nổi bật hơn hẳn
các vì sao và vật thể khác. Vì thế, ta luôn có cảm giác mặt trăng theo sát bước
chúng ta.
3-
Trí thông minh là gì?
Edison cần tính dung tích một
bóng đèn hình quả lê, ông giao nhiệm vụ đó cho trợ lý Chapton. Hơn một tiếng đồng
hồ, Chapton loay hoay mãi với các công thức dày đặc mà vẫn chưa ra. Edison đi
qua, nói: “Có gì phức tạp lắm đâu!” Ông mang chiếc bóng ra vòi, hứng đầy nước
và nói với Chapton: “Anh đổ vào ống đo, xem dung tích là bao nhiêu. Đó là dung
tích của bóng đèn”.
Chapton vỗ trán: “Chà, thật
đơn giản, có thế mà mình nghĩ mãi không ra". Chapton đã tốt nghiệp khoa
Toán, Đại học Primton, lại tu nghiệp một năm ở Đức, còn Edison mới chỉ học 3
tháng tiểu học, sau đó tự học với mẹ mình.
Câu chuyện trên đây giúp
chúng ta hiểu đại khái thế nào là “trí thông minh”. Nó không ngang bằng với trí
thức. Rõ ràng Chapton có tri thức chuyên môn cao hơn Edison nhiều. Ông ta căn cứ
vào các công thức toán học để tính dung tích bóng đèn, nhưng không nghĩ ra được
cách đơn giản như Edison. Phản ứng nhạy bén của Edison phản ánh trí thông minh
của ông, được xây dựng trên cơ sở tri thức rộng. Sự thông minh đó có thể gọi là
trí thông minh mạnh.
Vậy trí thông minh là gì?
Các nhà tâm lý học có những
quan điểm khác nhau và giải thích khác nhau về vấn đề này, nhưng đều có chung một
nhận định: Trí thông minh không phải là một năng lực đơn độc, nó là sức mạnh tổng
hợp của nhiều loại năng lực. Theo điều tra tâm lý và quan điểm của các nhà tâm
lý học Trung Quốc, trí thông minh chúng ta nói ở đây bao gồm khả năng quan sát,
khả năng của trí nhớ, sức suy nghĩ, óc tưởng tượng, kỹ năng thực hành và sáng tạo.
Trí thông minh chính là sự phối hợp tốt các năng lực đó để làm thành một kết cấu
hữu hiệu.
Kết cấu trí thông minh cũng
ví như một chiếc xe đạp. Nó được lắp ghép bởi những phụ tùng chủ yếu như khung,
bánh xe, trục giữa, moayơ, đùi đĩa… Có thể phụ tùng đều rất tốt, nhưng nếu lắp
ghép xộc xệch, xe đi vài hôm sẽ hỏng, thậm chí không đi nổi. Cho nên xe phải đi
ít lâu, được điều chỉnh lại, mới có thể bon bon trên đường một cách êm ru. Nếu
có phụ tùng nào đó bị hỏng, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ xe.
Kết cấu của trí thông minh
cũng vậy, chúng ta cần làm cho mọi năng lực của chúng ta đều được phát huy đầy
đủ, và nâng cao dần, đồng thời làm cho những năng lực đó (quan sát, trí nhớ,
suy nghĩ, tưởng tượng, thực hành, và sáng tạo) phối hợp đồng bộ, hoạt động đều.
4- Tại
sao không biết đau là đáng sợ?
Bé gái Kinchen sau khi được
6 tháng tuổi bỗng mất cảm giác đau. Khi tiêm, em không hề khóc. Bị bỏng, em
cũng chẳng kêu. Một lần bị gãy tay, phải bó bột, Kinchen thấy vướng đã tự tháo
băng ra, đùa nghịch với cánh tay, làm chỗ gãy không khớp lại được nữa...
Đau là một loại cảm giác
giúp con người phân biệt những kích thích có thể gây hại cho cơ thể. Ví dụ chạm
tay vào lửa, cảm giác đau rát ở da làm người ta rụt lại, đau bụng báo cho người
ta biết dạ dày có vấn đề, đau ngực cho thấy tim phổi hoặc gì đó không ổn. Bởi
thế cảm giác đau có ý nghĩa tâm sinh lý đặc biệt, giúp con người sinh tồn. Nó
có ý nghĩa báo động, giúp cơ thể sớm nhận biết và đề phòng hiểm nguy. Nếu không
có cảm giác ấy, chúng ta có thể gặp những hoàn cảnh chết người mà không nhận ra
được
Hiện tượng mất cảm giác đau
thường chỉ xảy ra do một biến động tâm sinh lý đột ngột nào đó. Rất hiếm khi có
trường hợp mất cảm giác đau kéo dài. Tuy vậy, trên thực tế, nếu tập trung vào một
việc nhất định, người ta có thể "quên" cảm giác đau. Lúc ấy, các tín
hiệu cảnh báo sự nguy hiểm trong não bộ tạm thời nhường chỗ cho các hoạt động
khác. Ví dụ, Quan Vũ đã dùng ý chí tập trung vào việc đánh cờ để Hoa Đà cạo
xương tay mà không hề kêu ca gì. Nhưng thường chỉ sau khi hết tập trung, cảm
giác đau lại xuất hiện.
5- Tại
sao lợn thích dũi vách và ăn đất sét
Lợn được người nuôi, chẳng
có việc gì ngoài ăn rồi ngủ. Nhưng thỉnh thoảng nó lại không chịu như vậy, mà
luôn dũi vách, gặm tường. Chẳng biết nó muốn tìm cái gì, bởi dũi vách chỉ tổ
đau mũi mà gặm tường thì đau răng. Không lẽ lợn "ngu" thật?
Tất nhiên là lợn không ngốc
nghếch như vậy. Tổ tiên của nó sống ở nơi hoang dã, thường phải dùng mũi ủi đất
kiếm ăn. Bởi vậy, mũi lợn rất cứng và răng lợn rất sắc. Nay bị người thuần hóa
từ lâu nhưng nó vẫn chưa bỏ thói quen ủi, dũi xưa kia. Vì thế, những lúc nhàn rỗi,
chợt nghe thấy "tiếng gọi nơi hoang dã", nó lại dũi tường cho đỡ nhớ
Ngày xưa đi kiếm ăn, lợn thường
ăn cả rễ cây và củ dính đất sét. Trong đất sét có nhiều chất khoáng như phốtpho,
canxi, côban, sắt, đồng mà cơ thể nó rất cần. Sau này được người nuôi, tuy
không thiếu thốn gì, nhưng thỉnh thoảng dũi tường vách thấy miếng đất nào
"ngon" là theo thói quen cũ, lợn "xơi" luôn.
6- Vì
sao chúng ta không cảm thấy trái đất chuyển động?
Mỗi giây, trái đất vượt được
chặng đường 30 km quanh mặt trời. Đó là chưa kể tới việc nó tự quay quanh mình
với tốc độ ở đường xích đạo là 465 mét/giây. Vậy mà có vẻ như trái đất đang đứng
yên, trong khi chỉ cần ngồi lên xe, bạn sẽ thấy xe lao đi nhanh chóng mặt.
Trở lại với một tình huống
thường gặp: Khi đi thuyền trên sông, bạn sẽ thấy thuyền lướt rất nhanh, cây cối
và mọi vật hai bên bờ cứ trôi qua vùn vụt. Nhưng khi đi tàu thủy trên biển rộng,
trước mắt là trời biển xanh biếc một màu, chim hải âu trông xa như một đốm trắng
lơ lửng trên không trung, lúc đó, bạn sẽ cảm thấy tàu thủy đi quá chậm, mặc dù
tốc độ của nó hơn hẳn tốc độ thuyền trên sông. Vấn đề chính là ở chỗ đó.
Khi đi thuyền, cây cối hai
bên bờ sông không di chuyển mà chính là thuyền di chuyển. Nếu cây cối ven bờ
lao đi càng nhanh, chứng tỏ tốc độ của thuyền càng lớn. Nhưng trên biển rộng
không có gì làm mốc để ta thấy tàu đang đi nhanh. Bởi thế bạn thấy nó lướt đi rất
chậm, thậm chí có lúc đứng yên.
Trái đất như một chiếc tàu
khổng lồ trong không gian. Nếu bên cạnh quỹ đạo của nó cũng có những vật mốc
như cây cối bên bờ sông, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy trái đất đang chuyển động.
Nhưng ở gần trái đất, tiếc thay, lại không có vật gì làm chuẩn. Chỉ có những vì
sao xa tít tắp giúp ta thấy được trái đất thay đổi vị trí theo ngày, tháng mà
thôi. Các vì sao này ở quá xa, nên trong một thời gian ngắn mấy phút, mấy giây,
chúng ta rất khó cảm nhận thấy trái đất đang chuyển dịch.
Còn về việc trái đất tự quay
quanh nó với tốc độ khá nhanh, chúng ta và mọi vật ở trên đó cũng đang quay với
cùng một tốc độ, bởi vậy chúng ta không cảm nhận được chuyển động này. Nhưng
các bạn chớ quên rằng, hàng ngày, chúng ta nhìn thấy mặt trời, mặt trăng và các
vì sao mọc đằng đông và lặn đằng tây, đó chính là kết quả của việc trái đất tự
quay quanh mình nó.
7- Tại
sao lúc ngáp lại chảy nước mắt?
Khi ngáp, cơ mặt, lưỡi và họng
của chúng ta co mạnh, làm tăng áp lực trong khoang miệng. Áp lực này ảnh hưởng
đến khoang mũi, tạm thời ngăn đường thoát của nước mắt xuống mũi, do đó nước từ
tuyến lệ tràn ngược vào trong mắt, khiến mắt ta đầm đìa.
Nguồn nước mắt do đâu mà có?
Trong khoang mắt, bên trên và dưới mỗi con mắt đều có một tuyến lệ, chỉ bằng hạt
đậu thôi, hình tròn dẹt, có thể sản sinh ra nước mắt. Tuyến lệ có ống thoát nước
chảy vào bề mặt con mắt, giữ cho giác mạc và kết mạc lúc nào cũng ướt. Nước mắt
cũng có thể trào ra để rửa sạch bụi bẩn lọt vào mắt, đồng thời sát trùng, cho
nên nó được coi là một “vệ sĩ”.
Thông thường, tuyến lệ chỉ
tiết ra một ít nước mắt. Ban ngày lúc thức, trong vòng 16 giờ, tuyến lệ tiết ra
khoảng 0,5- 0,6 g nước mắt. Khi ngủ mắt nhắm lại, tuyến lệ coi như ngừng làm việc.
Nếu thế, hai con mắt lúc nào cũng đầm đìa nước ư? Điều kỳ diệu của con người
chính là ở chỗ đó, vừa có bộ phận sản xuất lại có bộ phận tiêu thụ. Ở góc trong
mỗi con mắt (y học gọi là nội xế) đều có các lỗ nhỏ thu thập nước mắt, thông xuống
mũi. Nước mắt đi xuống hoà cùng với nước mũi sẽ chảy ra ngoài.
Khi người ta mệt mỏi hoặc
lâu không thở không khí tươi mới, trong cơ thể tích đọng quá nhiều CO2, kích
thích thần kinh phản xạ, nên mới ngáp. Cùng với động tác này, một khối khí lớn
từ miệng trút ra, sinh áp lực trong miệng, ảnh hưởng đến khoang mũi, tạm thời
ngăn đường thoát của nước mắt, do đó nước mắt từ tuyến lệ tràn vào mắt.
Thực ra, không chỉ có ngáp,
mà những động tác làm co cơ mặt khác, ví dụ cười ngặt nghẽo, hắt hơi, ho, nôn…
đều có thể làm chảy nước mắt. Ngoài ra, đôi khi bụi vào mắt, khói, ánh sáng
chói, gió lạnh cũng có thể tạo ra tình huống tương tự. Cũng vì thế, khi chảy nước
mắt bao giờ cũng kèm theo nước mũi chảy dài. Tại sao vậy, chắc các bạn cũng suy
luận được rồi.
8- Vì
sao người ngã xuống Biển Chết không chìm?
Bơi lội trong Biển Chết bạn
đừng bao giờ lo chết đuối, bởi vì hàm lượng muối trong nước biển ở đây cao tới
270 phần nghìn. Tỷ trọng nước biển còn lớn hơn cả tỷ trọng người bạn. Vì thế ta
có thể nổi trên biển như một tấm gỗ.
Nhưng tại sao trong khi hàm
lượng muối trung bình của nước biển trên tầng mặt các đại dương chỉ có khoảng
35 phần nghìn, còn hàm lượng muối trong Biển Chết lại cao đến vậy?
Giở bản đồ ra chúng ta sẽ thấy
Biển Chết nằm ở vùng biên giới phía tây của Jordan, là chiếc hồ thấp nhất thế
giới, lọt thỏm trong vùng có địa hình xung quanh tương đối cao. Thực ra, Biển
Chết không phải là biển thực sự mà chỉ là một cái hồ không có đường ra, với một
số con sông không lớn mang nước đổ vào. Chính đặc điểm này đã quyết định tính
chất của nó.
Chung quanh các sông chảy
vào Biển Chết phần lớn là sa mạc và nham thạch đá vôi. Các tầng nham thạch đó
có chứa rất nhiều muối khoáng. Vì thế, nước sông chảy vào Biển Chết đều có hàm
lượng muối rất cao. Do biển không có đường ra nên những khoáng chất này đều bị
giữ lại toàn bộ. Đồng thời Jordan lại là vùng hanh khô, ít mưa. Mặt trời gay gắt
không ngừng làm cho nước trong cái “vũng" kín này bốc hơi rất mạnh.
Trong khi đó, một nguồn nước
chính của Biển - sông Jordan - lại bị rút bớt đáng kể để phục vụ tưới tiêu.
Tháng năm qua, hàm lượng muối trong biển ngày càng nhiều, ngày càng đậm đặc. Kết
quả là trong thuỷ vực này, trừ một vài vi khuẩn, không có sinh vật nào tồn tại
được, vì thế nó mới được mang cái tên không lấy gì đẹp đẽ - Biển chết.
9- Vì
sao đêm mùa hè có nhiều sao hơn đêm mùa đông?
Những đêm hè trời quang,
nhìn lên bầu trời chúng ta sẽ thấy chi chít các vì sao và rành rành là nhiều
hơn hẳn so với đêm mùa đông. Tại sao vậy? Lý do là mùa hè chúng ta đứng ở gần
trung tâm ngân hà, nơi có nhiều sao nhất, còn mùa đông, trái đất của chúng ta đứng
ở rìa ngân hà, nơi có ít sao hơn.
Trong hệ ngân hà của chúng
ta (Milky Way) có khoảng 100 tỷ sao và chủ yếu phân bố trong một chiếc “bánh
tròn”. Phần giữa chiếc bánh này hơi dầy hơn chung quanh. Ánh sáng đi từ phía
mép “bánh” bên này đến phía bên kia phải mất 10 vạn năm ánh sáng, đi từ mặt
trên xuống mặt dưới bánh cũng phải mất 1 vạn năm ánh sáng.
Mặt trời và những hành tinh
láng giềng của hệ mặt trời đều nằm trong hệ ngân hà. Hầu hết những sao mà chúng
ta nhìn thấy bằng mắt thường cũng đều nằm trong đó. Nếu mặt trời nằm giữa hệ
thì dù chúng ta nhìn từ phía nào cũng thấy số lượng sao trên trời nhiều như
nhau. Thế nhưng hệ mặt trời cách trung tâm hệ ngân hà khoảng 3 vạn năm ánh
sáng. Khi chúng ta nhìn về phía trung tâm ngân hà sẽ thấy ở khu vực đó dày đặc
các vì sao. Ngược lại, nếu nhìn về phía đối diện trung tâm ngân hà sẽ chỉ nhìn
thấy một số ít sao trong một phần của hệ.
Trái đất không ngừng quay
quanh mặt trời. Về mùa hè trái đất chuyển động đến khu vực giữa mặt trời và hệ
ngân hà gọi là Đới ngân hà. Đới ngân hà là khu vực chủ yếu của hệ ngân hà, tập
trung nhiều sao của hệ. Bầu trời đêm hè chúng ta nhìn thấy chính là Đới ngân hà
dày đặc các vì sao. Về mùa đông và các mùa khác, khu vực Đới ngân hà nằm về
phía trái đất đang ở ban ngày, nên rất khó nhìn thấy. Còn ở mặt kia của trái đất
(vùng đang là đêm) sẽ không thể nhìn thấy nó.
10- Tại
sao đứng trên cao nhìn xuống lại thấy chóng mặt?
Đối với cơ thể, đứng từ trên
nóc nhà cao tầng nhìn xuống chính là một loại kích thích bất thường với cường độ
mạnh. Nó gây ra phản ứng theo nhiều đường khác nhau. Người ta cảm thấy chóng mặt
chính là do những phản ứng đó.
1. Cảnh tượng từ trên cao
khiến ta căng thẳng. Sự căng thẳng này tạo ra hàng loạt phản xạ thần kinh, nhất
là thần kinh giao cảm bỗng hưng phấn làm cho tim đập nhanh, chân lông dựng lên,
lỗ đồng tử giãn ra, chân tay đổ mồ hôi, thở gấp, quan trọng hơn cả là làm co mạch
máu, huyết áp tăng đột ngột. Hiện tượng này làm cho người ta bị chóng mặt.
2. Lên cao sẽ bị kích thích
bởi áp lực không khí và tiếng gió, cùng với kích thích của thị giác khi nhìn xuống.
Những nhân tố này sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc cân bằng trong tai. Điều này làm ta
nhất thời mất đi cảm giác thăng bằng, gây chóng mặt, thậm chí còn có thể nôn mửa,
giống như say tàu xe vậy.
3. Tiểu não cũng phụ trách động
tác cân bằng. Các kích thích khi tác động mạnh vào lớp vỏ đại não, “bộ tư lệnh”
thần kinh cao cấp nhất của cơ thể người, sẽ thông qua thị giác, thính giác để
tác động vào tiểu não, gây ra hàng loạt hoạt động điện sinh học, làm nhiễu chức
năng tiểu não trong thời gian ngắn, khiến ta chóng mặt.
Vậy tại sao lên tầng cao mới
có hiện tượng này, còn lên núi cao lại không? Vấn đề rất đơn giản. Vì tầng cao
là lên thẳng, tạo ra sự tương phản độ cao rõ rệt với cảnh vật xung quanh, do đó
kích thích mạnh mẽ hơn. Lên núi, dù cho núi cao gấp nhiều lần toà nhà, nhưng do
độ cao của nó thoai thoải, tăng dần, khác biệt với chung quanh không rõ rệt, đứng
ở ngọn núi này vẫn thấy nhiều ngọn núi khác nhấp nhô, cho nên không tạo ra kích
thích mạnh, ít ảnh hưởng đến thần kinh con người.
Đối với những người ít khi
lên tầng cao, trước khi đi lên cần chuẩn bị sẵn sàng tư tưởng, tốt nhất nên ngắm
nhìn phong cảnh ở xa trước, làm cho thị giác, thính giác và tinh thần quen dần,
rồi mới thu gần lại và nhìn thẳng xuống. Như vậy, ta sẽ không bị chóng mặt.
11- Vì
sao một số cây cổ thụ rỗng thân mà vẫn sống?
Đôi khi ta bắt gặp những
thân cây cổ thụ cành lá xum xuê, nhưng thân lại "vườn không nhà trống".
Điều gì đã giúp chúng sống thoải mái trong điều kiện thương tật như vậy. Đó là
vì rỗng thân không phải là căn bệnh chết người của cây.
Thân cây mỗi năm một to ra,
chất gỗ ở giữa thân do ngày càng khó được cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng, có
thể bị chết dần. Phần lõi cây già trở nên vô tác dụng. Mô chết này nếu bị vi
khuẩn xâm nhập hoặc nước mưa thấm vào lâu ngày sẽ mục nát, tạo nên lỗ rỗng. Có
những loài cây đặc biệt dễ bị rỗng ruột như cây liễu cổ thụ. Khi đó, cây chỉ mất
đi một loại "ruột thừa" mà thôi.
Trong thân cây có hai đường
lưu thông vật chất nhộn nhịp. Phần xylem ở lõi gỗ là tuyến vận chuyển nước và
chất vô cơ từ rễ lên. Phần ploem trong lớp vỏ là tuyến vận chuyển chất hữu cơ tổng
hợp được từ trên xuống rễ. Hai tuyến đó gồm nhiều đường ống. Trên một cây, số ống
dẫn này nhiều vô kể, nên nếu chỉ một số tuyến bị mất đi, việc vận chuyển nước
không bị gián đoạn hoàn toàn, do đó cây già thân rỗng vẫn sinh trưởng như thường.
Tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc)
có cây táo sống mấy trăm năm, thân cây tuy rỗng tới mức một người vào trú mưa
được mà cây vẫn ra quả!
Thế nhưng, nếu bạn bóc toàn
bộ (chứ không phải một phần) vỏ cây cổ thụ rỗng, cây sẽ chết rất nhanh. Đó là
vì toàn bộ con đường vận chuyển chất hữu cơ đã bị cắt đứt, rễ cây không được
cung cấp thức ăn sẽ “chết đói”. Khi rễ chết, cành lá không được cấp nước sẽ chết
theo. Có một vị thuốc đông y thường dùng, gọi là đỗ trọng. Nếu lấy quá nhiều vỏ
cây cùng lúc, kết quả cả thân cây sẽ chết theo.
12- Vì
sao chim én bay thấp thì trời mưa?
Vào cuối xuân đầu hạ, khi đi
chơi ngoài đồng, nếu thấy chim én bay thành đàn sà thấp xuống mặt đất thì thường
sau đó, trời sẽ mưa. Không lẽ chim én có khả năng dự báo thời tiết?
Nguyên nhân là trước lúc trở
trời, trong không khí có nhiều hơi nước, đọng vào những bộ cánh mỏng của côn
trùng, làm tăng tải trọng, khiến chúng chỉ có thể bay là là sát mặt đất.
Trong số các côn trùng này
có loài lớn như chuồn chuồn, nhưng cũng có các loài mối, muỗi nhỏ mà chúng ta
không nhìn thấy. Ngoài ra vì áp thấp, ngột ngạt, nên nhiều loài sâu bọ cũng
chui lên khỏi mặt đất. Chim én bay xuống thấp chính là để bắt những côn trùng,
sâu bọ này. Cho nên, cứ mỗi khi thấy chim én bay thành đàn sà xuống, người ta lại
nói rằng trời sắp có mưa.
13- Vì
sao các dòng sông uốn khúc quanh co?
Vào lúc bắt đầu hình thành
dòng chảy, lòng sông thường không phẳng. Những nơi nước sông chảy qua, vì rất
nhiều nguyên nhân, nên tốc độ chảy ở hai bên trái phải không hoàn toàn bằng
nhau.
Nơi này bờ sông lở một chút,
nơi kia mất một cái cây, nơi khác nữa có thêm dòng nước chảy từ bên ngoài vào…
Những hiện tượng đó đều có
thể làm cho tốc độ chảy của sông ở một nơi nào đó nhanh lên hoặc chậm đi. Đồng
thời vật chất hai bên bờ cũng khác nhau, có nơi dễ bị phá vỡ, có nơi lại khá rắn
chắc. Tất cả những cái đó đã làm cho lòng sông trở thành uốn khúc quanh co.
Một khi đã sinh ra khúc
quanh, nó sẽ tiếp tục phát triển. Bởi vì hướng dòng nước là chảy thẳng vào bờ
lõm, hơn nữa nước ở tầng trên cũng từ bờ lồi chảy vào bờ lõm, còn nước ở tầng
dưới lại từ bờ lõm chảy ngang về phía bờ lồi làm cho bờ lõm bị phá hoại mạnh mẽ.
Trong khi đó nước ở bờ lồi lại chảy tương đối chậm, năng lượng yếu. Vì thế ở
phía bờ lõm, bùn cát dễ bị cuốn đi, lòng sông tương đối sâu, bờ sông dốc, trở
thành nơi lý tưởng cho các bến cảng.
Dưới tác dụng lâu dài của nước
sông, bờ lõm do bị không ngừng phá hoại mà ngày càng lõm, bờ lồi vì nước chảy
chậm, bùn cát không những bị cuốn đi mà ngược lại còn tích tụ ngày càng nhiều
khiến bờ lồi ngày càng lồi thêm. Dòng sông trở nên quanh co.
Khi đáy sông cao hơn mực nước
chảy vào sông, nước sông chủ yếu xâm thực xuống dưới, còn khi đáy sông thấp hơn
thì nước sông chủ yếu xâm thực vào hai bên. kết quả của sự xâm thực là lòng
sông dần rộng thêm ra, dòng sông ngày càng uốn khúc, điểm bắt đầu và điểm kết
thúc của một khúc ngày càng gần, thậm chí cuối cùng bị xuyên qua. Ở hai đầu của
khúc cong cũ, bùn cát tích đọng càng nhiều, làm cho khúc cong và dòng chảy bị
tách rời, cuối cùng hình thành những chiếc hồ hình cánh cung, hay hồ hình móng
ngựa (hồ Tây là một điển hình)
Ở miền ôn đới, mỗi khi mùa
thu đến, cây thay màu lá từ xanh sang vàng, cuối cùng trút nốt chiếc áo này, trần
trụi đón mùa đông tới. Nếu chú ý một chút, bạn sẽ thấy lá trên cành chính đổi
màu trước tiên, sau đó lan dần đến ngọn cây, ngọn cành. Rụng lá cũng vậy, rụng ở
dưới trước, càng lên trên ngọn, lá càng rụng chậm.
Có thể bạn sẽ nói, đó là hiện
tượng tự nhiên của giới sinh vật, già trước chết trước. Lá phía dưới ra trước
lá đầu cành nên rụng sớm hơn. Đây cũng là một cách giải thích, nhưng còn có
cách hiểu sâu hơn.
Trong quá trình sinh trưởng,
mọi cây cối đều vươn tới sự phát triển đầy đủ nhất, cho nên nó luôn đưa nhiều
thức ăn lên ngọn để tăng nhanh sự sinh trưởng. Ngọn cành do được cung cấp nhiều
chất dinh dưỡng nên vươn dài mãi ra, khi ấy lá cây cũng mọc dần theo, lá cũng lại
phát huy tác dụng tạo ra chất dinh dưỡng. Khi ngọn cây lớn đến một mức độ nhất
định, sinh trưởng sẽ chậm dần lại. Lúc này cây rụng lá là do hai điều kiện: Bên
trong, việc cung cấp dinh dưỡng bị hạn chế và bên ngoài, điều kiện thời tiết
thay đổi theo chiều hướng không có lợi, chức năng tổng hợp thức ăn của lá kém dần,
lá không tồn tại được nữa, rơi lả tả.
Nhưng mặc dù vậy, bộ phận ngọn
cây vẫn được ưu tiên chăm sóc, thức ăn được cung cấp nhiều nhất, nên dù cây ngừng
đưa thức ăn lên ngọn, nhờ vào lượng dự trữ nó vẫn sinh tồn thêm một thời gian.
Đồng thời trong lúc đó, chất diệp lục trong lá cây chưa bị phá huỷ, vẫn tổng hợp
được một số chất dinh dưỡng. Như vậy, lá trên ngọn cây sẽ rụng muộn hơn ở các bộ
phận khác trên cây.
15- Vì
sao khi bứng cây đi phải cắt bớt một phần cành lá?
Khi trồng cây, người ta thường
tỉa và cắt bớt một phần cành lá cây giống mới đem trồng, cá biệt có nơi khi trồng
cây lá rộng, còn phải cắt đi một nửa hoặc 2/3 mỗi lá. Đó là do khi bứng, hệ thống
rễ ít nhiều đều bị đứt, ảnh hưởng đến khả năng hút nước của cây.
Sau khi bứng đi, số rễ bị
thương không còn khả năng hút nước. Trong khi đó, lá cây vẫn quang hợp và hô hấp
bình thường, mà hoạt động này lại đòi hỏi nhiều nước. Đặc biệt khi có gió và nắng
to, sự thoát hơi mặt lá và cành rất mạnh, lượng nước mất đi càng lớn.
Nếu bứng cây đem trồng mà
không cắt bớt một số cành và lá, công việc giữa bộ rễ và bộ phận trên mặt đất sẽ
không điều hoà, làm cho lượng nước vào cơ thể cây thì ít, ra thì nhiều, dễ dẫn
đến héo khô hoặc hồi phục chậm, cây có thể chết do mất nước.
Vì vậy, khi bứng cây đem trồng
cần phải cắt bớt một số lá và cành vừa phải để giảm bớt sự thoát hơi nước, đảm
bảo cân bằng giữa số nước hút vào và số nước mất đi, có thế mới nâng cao được tỷ
lệ cây sống.
16- Ở
đâu ra đỉnh núi bằng?
Dù là khách du lịch hay thuỷ
thủ có kinh nghiệm, mỗi khi ngồi tàu thủy qua mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi,
thường bị "hút hồn" bởi một ngọn núi có đỉnh phẳng lỳ như mặt bàn,
thuộc loại núi cực hiếm trên thế giới.
Ở vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc
cũng có loại núi này. Vì sao chúng lại bằng như có ai gọt đẽo vậy?
Đó là do tầng nham thạch bằng
phẳng phát triển mà hình thành. Trên đáy biển, đáy hồ và vùng đồng bằng rộng từ
thời đại Thái viễn cổ, nước chảy đã làm lắng đọng nhiều tầng đất cát, bùn và đá
cuội. Qua bao nhiêu năm tháng, những tầng đất tơi vụn đó dần dần tích tụ lại,
ngày một dày, chắc, để rồi từng bước hoá thành tầng thạch quyển cứng rắn.
Sau đó vỏ trái đất xảy ra những
vận động nhô lên một cách chậm chạp. Các tầng thạch quyển này từ đáy nước nâng
lên tương đối ổn định, nên giữ được trạng thái bằng phẳng. Rồi trên tầng thạch
quyển bằng phẳng đó xuất hiện những sông, suối lớn nhỏ. Các dòng nước này xói
mòn dần theo các rãnh, hình thành những vùng núi hoặc gò đồi nhấp nhô. Nếu đỉnh
của chúng là một tầng thạch quyển cứng rắn, khó bị xâm thực phá hoại thì sẽ giữ
được trạng thái bằng phẳng lâu dài, còn hai bên dốc đứng như bức tường.
Tuy vậy, một số núi không có
các điều kiện trên, nhưng đỉnh của chúng cũng bằng phẳng, xa trông như một cái
bàn vuông. Có cái là do đá bazan nóng chảy từ núi lửa phun ra che phủ mà thành,
có cái là do nham thạch kết tinh từ xa xưa, bị xâm thực phong hoá lâu dài mà
thành.
17- Vì
sao một số cây nhiệt đới có rễ khí sinh?
Trên nhiều loại cây ở vùng
Đông Nam Á, ta thấy rủ xuống những chiếc rễ lớn dạng tấm. Đôi khi là những sợi
rễ dài, buông lòng thòng như dây thừng trong không trung hoặc cắm thẳng xuống đất,
gọi là rễ khí sinh. Chúng hình thành do sự thích nghi đặc biệt với không khí
nóng ẩm.
Trong môi trường nhiệt đới nắng
lắm, mưa nhiều. Cây thoát hơi nước cũng rất lớn. Chính vì vậy rễ khí sinh là một
giải pháp tốt để bổ sung kho dự trữ dịch lỏng cho cơ thể. Rễ khí sinh không có
lông hút và chóp rễ, vì vậy không thể hút được thức ăn, nhưng bù lại, chúng có
thể hút nước trong không khí giúp cây phát triển.
Mặt khác, với nhiều loại cây
có thân to lớn như đa, rễ khí sinh còn có tác dụng phụ trợ là nâng đỡ. Cũng có
loại rễ khí sinh chứa chất diệp lục, có thể quang hợp tạo ra chất dinh dưỡng.
Ngoài ra trong môi trường ẩm
ướt, các cây như dây thường xuân (hedera sinensis), thạch hộc (dendrobium
nobile), điếu lan (chlorophytum capense), thậm chí đến dây nho cũng mọc ra rễ
khí sinh. Hiển nhiên điều đó phải do điều kiện đặc biệt ẩm ướt mới có
18- Có
phải nam thông minh hơn nữ?
Chuyện này quả là khó nói. Về
tổng thể, trí thông minh của nam và nữ tương đương nhau, tuy nhiên, mang các sắc
thái khác nhau. Chẳng hạn, phái nam mạnh hơn trong khả năng tri giác không
gian. Do đó, việc tìm hướng, dò đường, họ hơn hẳn nữ một bậc. Nhưng về khả năng
thính giác, phái yếu lại vượt xa.
Vì thế, nữ phân biệt và định
vị âm thanh, nhất là khả năng nghe giọng cao, hơn hẳn nam. Về khả năng ngôn ngữ,
nữ cũng phát triển sớm hơn. Do đó, họ đọc, viết, nói năng và phát âm lưu loát,
rõ ràng hơn nam giới, nhưng lại khiêm tốn hơn về số lượng từ vựng, tính suy diễn
và logic. Bài làm văn, nữ thường mô tả chi tiết và có màu sắc hơn, còn nam thường
có ý lạ, bố cục nhiều biến đổi, góc cạnh hơn.
Về mặt tư duy, nam thiên về
tư duy logic, trừu tượng, nữ lệch về tư duy hình tượng cụ thể. Óc tưởng tượng của
nam, đa số thuộc quan hệ giữa vật và vật theo hướng logic, còn trí tưởng tượng
của nữ lại lệch về quan hệ giữa người với người theo hướng hình tượng. Về trí
sáng tạo, theo kinh nghiệm, nam có vẻ khá hơn một chút. Các em nam thích đi sâu
nghiên cứu, khả năng suy luận tương đối mạnh, dễ dàng phản bác, phủ định cái được
nêu ra hoặc liên hệ với những cái khác. Nữ thường bị gò bó trong khuôn khổ cứ
theo "tiêu chuẩn" mà làm. Điều này cũng có thể giải thích tại sao
trong số các nhà khoa học và phát minh, nữ tương đối hiếm hoi.
Sự khác biệt này còn phân
theo lứa tuổi. Nghiên cứu cho thấy, trước tuổi đi học, trí thông minh của hai
giới không rõ rệt. Từ tuổi đến trường cho đến tuổi dậy thì, các cô bé nhanh nhạy
hơn hẳn các bạn khác giới. Qua tuổi này, ưu thế của nữ giảm xuống trong khi trí
thông minh của phái mày râu lại tăng lên. Thông thường sau 20 tuổi, trí thông
minh của cả hai giới lại không có biến đổi rõ theo tuổi nữa.
19- Vì
sao mặt trời lặn vào mây thì đêm sẽ mưa?
Vào lúc xẩm tối, nếu xuất hiện
những đám mây đen lớn sát đường chân trời, gió thổi mạnh, mặt trời dường như lặn
vào trong những đám mây ấy, thì thường là đến nửa đêm trời sẽ mưa.
Để giải thích hiện tượng
này, trước hết chúng ta phải biết, vì sao mặt trời lặn vào trong đám mây. Đó là
vì có những đám mây nóng di chuyển qua đường chân trời phía tây. Hệ mây này có
thể là mây tầng cao hoặc mây vũ tầng - chứa nhiều hơi nước.
Mây vũ tầng tập trung sát đường
chân trời phía tây, dưới tác dụng của nhiệt độ, sẽ lan rộng và di chuyển tới
khu vực người quan sát. Vào lúc nửa đêm, mây sẽ tích tụ lại khi nhiệt độ hạ xuống
thấp nhất, lúc đó sẽ có mưa.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp
mặt trời lặn vào trong mây, nhưng khi mây tầng cuộn lên cao, ở phần dưới lộ ra
một khoảng trống rỗng. Khi đó, tuy có hiện tượng mặt trời lặn vào trong mây,
nhưng lại không phải điềm báo trời mưa. Chỉ khi nào những đám mây đen lớn phủ
kín sát đường chân trời, thời tiết mới có thể thay đổi và trời sẽ mưa.
20- Bí
quyết leo giàn của cây xanh
Bí, mướp, dưa chuột, dây trường
xuân, nho… rất có tài leo trèo. Chỉ cần móc được vào một thân cây, que củi hay
thậm chí cột điện, chúng sẽ thoăn thoắt "bò lên". Nhưng nếu không có
điểm tựa nào, chúng ngả ra rồi đuội dần và chết. Chúng leo kiểu gì?
Darwin từ lâu đã chú ý đến một
loài cây leo gọi là hublon hay hoa bia. Ông đặt nó trong nhà, suốt ngày đêm
không ngủ theo dõi nó. Lúc đầu, một đoạn dây cuốn của ngọn hublon vươn ra khoảng
không. Darwin buộc dây cuốn vào một cành cây, chỉ để một đoạn ngắn đầu cùng không
buộc. Đoạn ngắn không buộc đó vốn đang thẳng đứng, một lát sau bỗng thay đổi,
chỗ uốn vồng lên tự nhiên cong xuống, sau đó bắt đầu chuyển động xoay tròn.
Thì ra, trong cơ thể thực vật
có một loại chất kích thích sinh trưởng có thể làm tăng nhanh sự phát triển của
tế bào, nhưng khi nồng độ quá cao, nó lại kìm hãm thực vật sinh trưởng. Vì vậy,
sự phân bố nhiều hay ít của chất kích thích sẽ quyết định tốc độ phát triển của
thân nhanh hay chậm. Có lúc bên trái sinh trưởng nhanh hơn bên phải, có lúc bên
phải nhanh hơn, thế là bắt đầu sự phát triển xoay tròn, khả năng bò leo cũng xuất
hiện.
Phương thức leo của mướp,
dưa chuột khác với bìm bìm, hublon. Chúng mọc rất nhiều tay cuốn. Tay cuốn hết
sức nhạy cảm, hễ gặp những thứ như cành tre hoặc sợi dây là lập tức cuốn chặt.
Dưa chuột đã leo lên giàn bằng tay cuốn như thế, chẳng khác gì người leo cột bằng
hai tay vậy.
Darwin đã từng đùa với loại
cây leo này. Ông cọ xát vào tay cuốn, nó tưởng đụng vào một vật như cành cây hoặc
sợi dây, liền cuộn cong lại. Sau mấy phút dây cuốn phát hiện mình bị lừa, trên
thực tế không có gì bám, nó lại vươn thẳng ra. Tay cuốn của dây leo nếu không
tiếp xúc được với cột chống hoặc cành cây, nó sẽ có hình xoáy ốc, cuối cùng thì
chết khô, chỉ khi nào cuốn vào vật gì nhờ cậy được nó mới bám chắc không rời.
21-
Nói 'mặt trời mọc ở đằng đông' có đúng không?
Buổi sáng thức dậy, nhìn về
phía đông, bạn sẽ thấy ông mặt trời đỏ ối từ từ mọc lên. Thế mà có người dám bảo
rằng mặt trời không mọc ở phía đông! Không lẽ lại có chuyện như vậy?
Trước đây, người ta nghĩ
trái đất phẳng, bầu trời tròn úp lên. Buổi sáng người ta thấy rõ ràng là mặt trời
mọc lên ở phía đông, và lặn xuống phía tây vào buổi tối. Mắt người ta quen nhìn
thấy thế, nên cũng quen miệng nói vậy thôi. Thực ra, trái đất hình cầu, quay
quanh trục của nó, vì vậy mới có hiện tượng ngày và đêm. Phần trái đất hướng về
phía mặt trời là ngày, phần bị che khuất là đêm.
Khi trái đất quay, góc
nghiêng giữa mặt trời và mặt đất cũng lớn dần lên, vì vậy ta có cảm tưởng mặt
trời "mọc" từ thấp lên cao. Cũng bởi vì trái đất quay về hướng đông,
nên ta cũng thấy mặt trời "mọc" lên từ hướng đông. Đúng ra, chúng ta
phải nói "trái đất quay về hướng đông, hướng về phía mặt trời". Nhưng
nói vậy có lẽ dài dòng quá, nên người ta vẫn bảo "mặt trời mọc ở đằng
đông". Tất nhiên, nói vậy là sai khoa học, nhưng người ta cũng mặc kệ.
22- Vì
sao nước suối có thể nhô cao hơn miệng cốc?
Nếu bạn đổ nước suối vào
trong cốc, rồi bỏ nhẹ từng viên sỏi nhỏ vào, nước sẽ nhô cao lên khỏi miệng mà
không tràn ra ngoài, cứ như là cốc được đậy bằng một nắp vô hình nào đó.
Các phân tử nước trên bề mặt
đều hút nhau, giống như một nhóm người tay cầm tay nhau. Chúng co kéo nhau trên
bề mặt, nên những phân tử đơn lẻ không dễ gì bị tách riêng ra. Đặc tính này còn
gọi là sức căng bề mặt. Nhờ đó, chất lỏng nói chung có thể nhô cao hơn bề mặt cốc.
Khi nước lẫn tạp chất, sức
căng bề mặt sẽ bị thay đổi. Nếu tạp chất là bọt xà phòng, sức căng bề mặt sẽ giảm.
Ngược lại, nếu lẫn khoáng chất, sức căng bề mặt sẽ tăng lên. Nói chung, nước suối
đều chứa một lượng khoáng chất nhất định, nên có thể dâng cao hơn mặt cốc khá
nhiều, khiến ai cũng nhìn thấy được.
23- Vì
sao một hạt quýt mọc lên nhiều mầm?
Một hạt bình thường chỉ có một
phôi, nên chỉ mọc lên một cây. Còn những hạt chứa nhiều phôi như quýt, ắt sẽ mọc
lên nhiều cây. Trong thiên nhiên, hạt đa phôi như quýt không nhiều. Nguyên nhân
đa phôi là sự phân chia của các tế bào trứng, hoặc của các tế bào đã thụ tinh.
Trong điều kiện thường, quýt
chỉ có một phôi được thụ tinh, gọi là phôi hữu tính. Những phôi còn lại do sự
biến dạng của các vách tế bào trứng phát triển mà hình thành, không qua thụ
tinh, gọi là phôi vô tính. Tuy nhiên ở quýt, dù hữu tính hay vô tính, phôi đều
có khả năng nảy mầm và phát triển. Vì lẽ đó, khi gieo, một hạt quýt nảy lên mấy
cây non.
Mặt khác, vì quýt có thể sản
sinh được phôi vô tính, cho nên có khi cắt bỏ nhị đực hoặc bịt kín nhị cái,
không cho cây thụ phấn, quýt vẫn có quả và hạt như thường. Cây chiết cành thường
là vô tính, ít biến dị, giữ được đặc tính của cây mẹ. Ngược lại, cây mọc từ mầm
hữu tính dễ bị ảnh hưởng của tác động ngoại cảnh, có thể là tốt hoặc xấu.
24-
Không nghiêng người, đố bạn đứng dậy khỏi ghế!
Bạn đang ngồi thẳng trên ghế,
nếu nửa người phía trên không nghiêng về phía trước, hoặc hai chân không di động
về phía đáy ghế, liệu bạn có thể đứng dậy được không? Có thể bạn sẽ nói: quá dễ.
Nào, mời bạn thử một cái xem sao.
Thế nào? Không đứng dậy được
à. Dù cho bạn có dùng hết sức mình cũng uổng công thôi. Vì sao vậy?
Vốn là khi đang ngồi, trọng
tâm thân người ta rơi vào trên mặt ghế, trọng lượng con người do lực đỡ của mặt
ghế cân bằng. Khi đứng dậy thì phần mông của bạn rời khỏi mặt ghế, lực đỡ trên
sẽ mất đi. Thế nhưng trọng lực của thân người đối với hai chân mà nói thì lại
hình thành một mô men lực, mô men lực này luôn làm người ta ngã xuống ghế. Nếu
nghiêng nửa thân người trên về phía trước để cho đường thẳng đứng qua trọng tâm
rơi vào hai bàn chân thì lực chịu đựng của mặt đất sẽ làm cho trọng lực cân bằng,
người mới có thể đứng dậy được. Bình thường khi đang ngồi trên ghế, muốn đứng vậy
chúng ta cũng phải làm như vậy. Chẳng qua là vì động tác này ta đã làm theo phản
xạ một cách vô cùng thành thạo và nhanh chóng nên bạn không để ý mà thôi.
25- Tập
luyện tay trái sẽ thông minh hơn
Người thuận tay trái nhanh
nhẹn hơn hẳn người thuận tay phải. Theo thống kê, 15 em trong đội đấu kiếm Pháp
thì có 8 em thuận tay trái. Một thời gian, già nửa các thành viên trong đội tuyển
bóng bàn Trung Quốc không thuận tay phải... Không những hoạt bát hơn, nếu chịu
khó luyện tập tay trái, bạn sẽ thông minh hơn đấy!
Não bộ chia thành 2 bán cầu:
trái và phải. Mỗi bên có chức năng thiên về các hoạt động ở phía kia của cơ thể.
Bán cầu trái chi phối phần lớn hoạt động của nửa phải cơ thể, có quan hệ đặc biệt
với sự phát triển ngôn ngữ, gọi là "bán cầu ưu thế ngôn ngữ". Ở đây,
các xung cảm giác tập hợp ở mức cao nhất để hình thành tín hiệu ngôn ngữ và
khái niệm trừu tượng. Do đó, chức năng của bán cầu trái thiên về giai đoạn nhận
thức lý tính, và hình thành tư duy trừu tượng.
Bán cầu não phải chi phối nửa
bên trái cơ thể. Thông qua sự chỉnh hợp, các xung cảm giác tạo ra hình ảnh cụ
thể về vạn vật, con người, không gian và thời gian. Do đó, bán cầu phải thiên về
giai đoạn nhận thức cảm tính, gọi là "bán cầu ưu thế không lời".
Bán cầu não trái điều khiển
tay phải, bán cầu não phải điều khiển tay trái. Nếu ta vận động tay (nhất là
ngón tay), ta có thể kích thích tế bào não ở khu vực nhất định, làm cho não
phát triển. Điều đó có nghĩa là, nếu người nào thường dùng tay phải, não trái sẽ
phát triển hơn, và ngược lại.
Quá trình từ thị giác tới phản
ứng ở người thuận tay phải và tay trái có khác nhau. Ở người thuận tay phải, đường
nối thần kinh có dạng: "bán cầu não phải - bán cầu não trái - tay phải". Ở
người thuận tay trái: "bán cầu não phải - tay trái". Rõ
ràng, thông tin từ thị giác đến động tác ở người thuận tay trái bớt được một
khâu, do đó anh ta phản ứng nhanh hơn.
Người thuận tay phải, mỗi lần
dùng tay trái đều cảm thấy ngượng ngịu, thậm chí không làm nổi việc như cầm đũa
chẳng hạn.
Nên rèn luyện tay trái ra
sao?
Thực tế, hai bán cầu não vừa
có sự phân công, hợp tác, bổ sung, vừa hạn chế và bù đắp cho nhau. Thông thường,
hai bán cầu não hợp tác với nhau cùng hoạt động. Nhờ vậy, bạn mới có các cử động
chính xác. Bạn luyện tập tay trái, không có nghĩa là để biến mình thành người
thuận tay trái, mà chỉ tăng cường hoạt động phía bên trái, kích thích sự phát
triển đồng đều của não bộ.
Bước thứ nhất, bạn có thể co
duỗi ngón tay trái, lần lượt từng ngón một. Làm đi làm lại cho đến khi thành thạo.
Bước thứ hai, làm một số việc khéo léo bằng tay trái, như xâu kim, vẽ tranh. Bước
thứ ba, hãy làm bằng tay trái những việc trước kia chỉ có tay phải mới làm được
cho đến khi thành thạo. Hãy kiên trì, bạn sẽ dần thấy rằng, không những bạn có
đôi tay khéo léo, mà cơ thể cũng sẽ nhanh nhẹn hơn, nghĩ được nhanh hơn. Trí
thông minh phát triển rõ rệt!
Sau cùng, thuận tay phải hay
thuận tay trái đều do bẩm sinh. Có người coi thuận tay trái là một tật xấu, ra
sức sửa chữa. Điều này rất sai lầm. Các nhà khoa học đã làm cuộc phỏng vấn ở
hai nhóm trẻ em: Nhóm thứ nhất gồm các em thuận tay trái được "sửa chữa"
thành thuận tay phải, và nhóm thứ hai gồm các em thuận tay trái tự nhiên. Kết
quả, nhiều em ở nhóm thứ nhất nói năng không lưu loát, trí lực phát triển chậm.
Nhóm thứ hai ngược lại: Các em trả lời lưu loát như mọi đứa trẻ bình thường
khác. Như vậy, việc cố công sửa chữa cho người thuận tay trái chỉ có hại.
26- Vì
sao ếch đực kêu rất to?
Cũng giống như người, dây
thanh của ếch ở trong khoang hầu. Không khí từ phổi lùa nhanh qua, làm rung dây
thanh, phát ra tiếng kêu. Riêng ếch đực còn có đôi túi kêu ở hai bên hầu. Khi
nó kêu, túi hai này phình ra phía ngoài, khiến âm thanh càng thêm vang dội.
Thanh âm và điệu của các
loài ếch không giống nhau. Nếu có kinh nghiệm, bạn có thể đoán biết loài ếch
nào đang kêu dựa vào thanh âm của chúng.
Trong hoàn cảnh nào thì ếch
kêu? Khi chúng bị kẻ địch (như rắn) tấn công, ếch kêu dồn dập. Nếu ta dùng ngón
trỏ ấn vào lưng, hoặc cầm chặt hai bên thân, ếch cũng kêu. Mỗi lần ép, ếch kêu
một tiếng. Nhiều con chen chúc nhau một chỗ, thúc vào nhau, chúng cũng kêu.
Mùa hè, sau cơn mưa, ếch kêu
râm ran như giàn đồng ca. Thì ra đó là tiếng gọi của tình yêu! Con cái nghe thấy
tiếng kêu của con đực liền đến gần để giao phối. Thời kỳ sinh sản liên quan mật
thiết với nhiệt độ. Miền nam mùa xuân đến sớm hơn miền bắc, nên thời kỳ đẻ trứng
của ếch ở đây cũng sớm hơn. Chỗ nước nông, ấm, ánh sáng đầy đủ, là nơi ếch đẻ
trứng nhiều nhất.
27- Vì
sao cây dại có khả năng chống bệnh cao?
Cây dại thường sống trên đồng
ruộng hoặc ở những nơi đất hoang hoá. Chúng có thân thấp, cành lá nhỏ, quả bé
và chua. Nhìn bề ngoài, chúng có vẻ xấu xí hơn cây trồng, nhưng các nhà khoa học
gây tạo giống lại rất cảm tình với chúng. Lý do là chúng có khả năng chống bệnh
cao hơn hẳn cây trồng.
Đặc tính này cho ta biết cây
có khả năng thích nghi với điều kiện ngoại cảnh bất lợi cho sự sống hay
không.Ví dụ, trong cùng một hoàn cảnh, khả năng chống bệnh đốm lá của cây nho dại
cao hơn hẳn so với cây nho trồng: Trong khi phiến lá cây nho trồng đầy những đốm
đen (một dạng nấm) thì lá cây nho dại như nho gai, nho lông... lại hầu như
không có đốm đen. Vì sao vậy? Đơn giản vì cây nho dại mọc lên không được người
quan tâm chăm sóc, lại bị nhiều kẻ thù như gió tuyết, hạn hán, lụt lội, côn
trùng, bệnh dịch,... đe doạ. Vì sự sống còn, chúng chiến đấu từ đời này qua đời
khác, rèn luyện nên tính chống chịu ngoan cường.
Để thích ứng với điều kiện
khắc nghiệt bên ngoài, cây đã thay đổi cấu tạo sinh lý bên trong. Ví dụ, nhiều
cây dại trên thân hoặc trên phiến lá của nó có rất nhiều lông nhỏ, có cây lại
có rất nhiều gai, có cây mang độc tố. Tất cả những hình thức tự vệ này đều giúp
cây chống trả kẻ thù tốt hơn. Các nhà khoa học rất coi trọng ưu điểm đề kháng mạnh
của cây dại. Bằng cách lai tạo, họ hy vọng tạo ra những giống cây trồng mới
hoàn thiện, cho thu nhập cao, đồng thời có khả năng kháng bệnh tốt.
28- Vì
sao hoa nở về đêm đều nhạt màu?
Hoa thường nở vào ban ngày,
với sắc màu đậm, quyến rũ như hồng, cúc, hướng dương... Nhưng cũng có loài phải
đợi đến lúc hoàng hôn đã tàn, hoặc khi trời sắp sáng, mới chịu khoe nhan sắc.
Trong màn tối sáng bảng lảng, những sắc hoa trắng vàng nhợt nhạt xem ra càng lả
lơi, hấp dẫn với những côn trùng ăn đêm.
Các đại diện tiêu biểu cho vẻ
đẹp về đêm là hubơlông, bìm bìm, bầu và mướp. Bìm bìm thường nở lúc chiều chập
chạng, còn bầu và mướp lại lên hương vào lúc bốn, năm giờ sáng. Không ít loài
hoa nở vào giữa đêm như hoa đãi tiêu, hoa đậu ván hoặc hoa thuốc lá. Đặc điểm
chung của hoa đêm là chúng có sắc màu rất nhạt, thường là trắng hay vàng nhạt,
và chúng thường có cánh to hơn hoa nở ban ngày.
Nhà bác họ Darwin là người đầu
tiên giải thích được bí mật về sự "nhạt màu" của hoa đêm. Ông cho rằng,
đó là kết quả chọn lọc tự nhiên đối với sinh vật, diễn ra hàng trăm triệu năm:
Ban đêm, dưới ánh sáng rất yếu của trăng sao, chỉ có các màu trắng hoặc vàng nhạt
mới hiện lên tương đối rõ. Nhờ vậy, côn trùng ăn đêm mới nhìn thấy chúng, và
tìm đến giúp cây truyền phấn hoa.
Tuy nhiên, không phải tất cả
các loài hoa đêm đều có màu trắng hoặc màu nhạt. Ví dụ hoa phấn là một ngoại lệ.
Chúng nở vào lúc chập tối và có màu tím sặc sỡ. Màu này tuy khó nhìn, dễ lẫn
vào đêm, song thật kỳ lạ, nhiều loài côn trùng tỏ ra rất nhạy cảm với màu tím.
29- Thực
vật thuỷ sinh vì sao không thối rữa?
Giữa đầm, những cây sen, cây
súng ngâm nửa mình dưới nước, kiêu hãnh xoè lá và chìa hoa lên trời. Trong khi
đó, cánh đồng ngô, bông chỉ gặp cơn mưa dai dẳng vài ngày, đất vũng nước là đã
ngắc ngoải rồi chết, lâu dần thối rữa. Cơ chế nào đã giúp sen?
Rễ cây hút nước và chất
khoáng trong đất, nhưng cần phải có đủ không khí nó mới phát triển bình thường.
Nếu rễ bị ngâm lâu trong nước, thiếu không khí nó sẽ ngừng sinh trưởng, thậm
chí chết ngạt. Khi rễ đã chết thì thân cây cũng đổ theo. Nhưng rễ của cây thuỷ
sinh lại khác. Chúng đã thích nghi hoàn hảo với môi trường "khó thở"
này. Đặc điểm rõ nhất là chúng đều có thể hấp thụ ôxy trong nước, vẫn thở bình
thường trong điều kiện ít ôxy.
Trong lớp vỏ rễ cây thuỷ
sinh đều có những khoang rỗng tương đối lớn giữa các tế bào, thông với nhau
thành một hệ thống dẫn khí. Đặc biệt, biểu bì rễ cây là một lớp màng mỏng mờ đục,
cho phép lượng ôxy ít ỏi hoà tan trong nước thấm qua (thẩm thấu), vào trong rễ.
Theo các khoang rỗng giữa các tế bào, ôxy được phân tán đi khắp rễ, cung cấp đầy
đủ dưỡng khí cho bộ phận này hô hấp.
Ngoài ra, để thích nghi với
môi trường nước, một số thực vật thuỷ sinh còn có cấu tạo đặc biệt. Ví dụ loài
sen. Tuy chúng sống trong bùn, một môi trường rất yếm khí, hô hấp tự nhiên gặp
khó khăn, nhưng trong ngó sen lại có rất nhiều lỗ to nhỏ khác nhau. Những lỗ
này ăn thông với các lỗ trên cuống lá, đồng thời trong lá lại có nhiều khoang rỗng
ăn thông với khí khổng của lá. Vì vậy ngó sen tuy nằm sâu trong bùn nhưng vẫn sống
bình thường nhờ tự do thở qua mặt lá.
Một ví dụ khác là củ ấu, rễ
của nó cũng mọc trong bùn, nhưng cuống lá phình to, hình thành rất nhiều túi
khí, chứa đủ khí để cho rễ thở. Hay như bèo ong, dưới lá có rất nhiều rễ củ. Kỳ
thực không phải rễ thật mà là biến dạng của lá, đảm nhiệm tác dụng của rễ.
Lớp biểu bì của thân thực vật
thuỷ sinh cũng có tác dụng như rễ. Lớp cutin (vốn giữ cho khỏi mất nước ở mặt
lá) không phát triển hoặc hoàn toàn không có. Tế bào lớp vỏ chứa chất diệp lục
có khả năng quang hợp, tự tạo chất hữu cơ. Nhờ có thể hô hấp bình thường, lại
có “thức ăn để ăn”, nên thực vật thuỷ sinh có thể sống lâu dài trong nước mà
không bị thối rữa.
30- Mười
phân vẹn mười có phải đã là hay?
Người thanh thoát, thông
minh, phóng khoáng, tháo vát, nhạy cảm, chân tình, khiêm tốn, cẩn thận… tóm lại
là thập toàn thập mỹ - liệu có được mọi người thích gần không? Chưa chắc! Họ
thường gây ra cảm giác siêu phàm thoát tục, cao quá không với tới, đành phải “đứng
từ xa mà nhìn” vậy.
Các nhà tâm lý học đã làm
thí nghiệm để chứng minh rằng, người thập toàn thập mỹ chưa hẳn đã được mọi người
ưa thích nhất. Điều đó liên quan đến "hiệu ứng bộc lộ nhược điểm".
Thí nghiệm trên 4 vị tiến sĩ như sau: Họ cho 4 vị này giải một bài tập khó. Vị
tiến sĩ A giải xong, ngồi thoải mái nhâm nhi cà phê. Vị B cũng giải được, nhưng
đánh đổ cà phê. Vị C không giải được, vẫn ngồi uống cà phê. Vị D không giải được
và đánh đổ cà phê.
Sau đó, các nhà khoa học nhờ
mấy trăm sinh viên bình luận. Kết quả, mức độ yêu thích của sinh viên dành cho
bốn vị tiến sĩ đó được xếp theo thứ tự: B, A, C, D. Điều này chứng tỏ,
thông minh được người ta thích hơn ngu đần. Tuy vậy, người có năng lực cao,
nhưng có khiếm huyết điểm nhỏ được ưa thích hơn người hoàn thiện. Còn người có
năng lực kém, lại phạm khuyết điểm làm người ta ghét nhất. "Hiệu ứng bộc lộ
nhược điểm" cho chúng ta biết: Người ưu tú mọi mặt, nếu có chút
khiếm khuyết nhỏ, sẽ rút ngắn khoảng cách tâm lý với người khác, khiến họ dễ gần
hơn.
Vậy một người bình thường phải
như thế nào mới được yêu thích? Theo các nhà tâm lý, thích một người nào đó có
nghĩa là đối phương có sức hấp dẫn với mình. Người ta sở dĩ cần giao tiếp là để
thoả mãn nhu cầu tâm lý của cá nhân. Cho nên đối tượng càng làm cho ta thoả mãn
nhu cầu đó, chúng ta càng yêu thích họ.
Các nhà tâm lý học phương
Tây nêu ra thuyết "cường hoá hấp dẫn giao tiếp". Đại diện cho trường
phái này là Bern và Croley. Theo đó, người ta đều thích những ai mang lại cho họ
sự bù đắp nào đó, và ghét kẻ trừng phạt mình. Những kích thích có tính bù đắp
như mỉm cười, khôi hài, tôn trọng, tán đồng có thể tạo cho người ta cảm giác
vui sướng tích cực, tiến tới gây hấp dẫn. Ngược lại, những kích thích có tính
trừng phạt như oán trách, nhiếc móc, lạnh nhạt,… đều làm cho người ta chán ghét
tiêu cực, dẫn đến xa lánh.
31- Có
thể một lúc làm hai việc không?
Sử sách chép lại rằng
Napoleon nước Pháp, khi soạn thảo “Bộ luật” nhà nước, cùng một lúc có thể nói đến
các điều khoản của luật dân sự, luật hình sự, luật thương mại. 13 người vội vã
ghi tốc ký mà vẫn mướt mồ hôi không theo kịp ông. Lẽ nào Napoleon lại có 4 bộ
não?
Thực ra, ông ta cũng chỉ có
một cái đầu và một bộ óc mà thôi. Cái hơn người của vị hoàng đế này là biết
"phân phối chú ý". Nếu xem xiếc, bạn cũng sẽ thấy người diễn viên phải
làm việc này khi vừa dùng chân đu đưa bàn đạp để giữ thăng bằng, mà cổ vẫn vươn
lên giữ cho chồng bát trên đầu khỏi đổ, trong khi một chân khác lại đá bát tiếp
tục chồng cao thêm.
"Phân phối chú ý"
là gì: Khi ta chú ý vào một việc, trong đại não sẽ có một trung tâm hưng phấn,
còn xung quanh là một số điểm hưng phấn yếu, khiến ta có thể chú ý thêm đôi ba
việc khác nữa. Muốn thực hiện phân phối chú ý phải có một điều kiện: trong các
hành động phải một hoặc vài hành động đã rất thành thạo, thậm chí đến mức độ tự
động hoá.
Chẳng hạn ở người vừa đánh
đàn guitar vừa hát. Những người này phải biết chơi guitar đến mức độ nhuần nhuyễn.
Khi đó, trung tâm hưng phấn sẽ là hát, đánh guitar chỉ là trung tâm hưng phấn yếu,
có nhiệm vụ duy trì mà thôi. Còn người mới tập guitar, trọng tâm hưng phấn là
đánh đàn, vì thế không thể hát được đồng thời. Với diễn viên xiếc, sự cân bằng
trên xe đạp cao và chồng bát trên đầu đã đạt đến trình độ tự động hoá, vì vậy sức
chú ý của diễn viên chỉ còn tập trung vào việc đá bát lên đầu. Đương nhiên,
phân phối chú ý thành thạo được như vậy quả là một công phu.
Khi trong đại não xuất hiện
một trung tâm hưng phấn rất mạnh, các điểm hưng phấn khác sẽ mất đi. Điều đó có
nghĩa là, khi ta lao động trí óc căng thẳng, lại muốn làm một lúc 2-3 việc, sẽ
cực kỳ khó khăn. Có bạn cho rằng vừa nghe đài, vừa làm bài sẽ rất hiệu quả. Sự
thực, như thế chỉ làm phân tán chú ý mà thôi. Kết quả là học tập sẽ kém hiệu quả.
32- Vì
sao cây xấu hổ cụp lá khi có vật đụng vào?
Cây xấu hổ còn được gọi là
cây trinh nữ. Khi bị đụng nhẹ, nó lập tức thể hiện ngay sự "e lệ" của
mình bằng cách khép những cánh lá lại. Nếu bạn nặng tay, nó sẽ phản ứng cực kỳ
mau lẹ. Chừng 10 giây, tất cả các lá đều cụp xuống.
Điều này có liên quan tới
"tác dụng sức căng" của lá xấu hổ. Ở cuối cuống lá có một mô tế bào mỏng
gọi là bọng lá, bên trong chứa đầy nước. Khi bạn đụng tay vào, lá bị chấn động,
nước trong tế bào bọng lá lập tức dồn lên hai bên phía trên. Thế là phần dưới bọng
lá xẹp xuống như quả bóng xì hơi, còn phía trên lại như quả bóng bơm căng. Điều
đó làm cuống lá sụp xuống, khép lại.
Khi một lá khép lại, nó sẽ
đưa tín hiệu kích thích lan rộng đến các lá khác, khiến chúng cũng lần lượt
khép lại. Nhưng chỉ ít phút sau, bộ phận dưới bọng lá lại dần đầy nước, lá lại
xoè ra nguyên dạng như cũ.
Đặc tính này rất lợi cho sự
sinh trưởng của cây, thích nghi với điều kiện tự nhiên. Ở phương nam thường gặp
những trận mưa bão lớn, cây xấu hổ thu lá lại khi gặp mưa gió sẽ giúp nó cứu được
các lá non
33- Có
phải Ngưu-Chức mỗi năm gặp nhau một lần?
Theo truyền thuyết, hàng năm
cứ đến ngày 7/7, Ngưu lang và Chức nữ lại bước qua cầu Ô Thước, bắc qua sông
Ngân để gặp nhau. Không rõ họ đi kiểu gì, chứ thực tế, với khoảng cách 16,4 năm
ánh sáng, dù Ngưu có phóng Spacy đời mới (100 km/h) cũng phải mất 43 tỷ năm mới
gặp vợ!
Vào sẩm tối mùa hè, ta nhìn
thấy một sao rất sáng trên bầu trời, đó chính là sao Chức nữ. Bên cạnh có bốn
sao nhỏ, nhìn giống bốn chiếc thoi dệt vải. Còn bên kia sông Ngân (dải ngân
hà), về phía đông nam có ngôi sao khác hướng về phía Chức nữ - đó là Ngưu lang.
Bên cạnh còn có hai sao nhỏ.
Khoảng cách giữa Ngưu lang
và Chức nữ đến trái đất cũng rất xa. Sao Ngưu lang cách trái đất 16 năm ánh
sáng. Chức nữ còn xa xôi hơn nữa: 23 năm ánh sáng. Vì ở xa như vậy, nên chúng
ta chỉ thấy hai thiên thể này như hai chấm sáng nhỏ trên bầu trời.
Thực tế, Ngưu lang và Chức nữ
là hai tinh cầu lớn hơn cả mặt trời. Thể tích của Ngưu lang lớn gấp đôi và của
Chức nữ gấp... 21 lần mặt trời! Bề mặt Ngưu lang nóng tới 9.000 độ C (mặt trời:
7.000 độ C) và cường độ ánh sáng mạnh gấp 10 lần của mặt trời. Chức nữ còn dữ dội
hơn nữa, với nhiệt độ bề mặt cao hơn Ngưu Lang tới 1.000 độ, ta thấy ánh sáng
phát ra có màu sáng xanh.
34- Vì
sao chó ngủ giấu mõm, mèo ngủ cài tai?
Tư thế ngủ của chó và mèo
hoàn toàn khác nhau. Nếu chó thích dấu mõm xuống dưới chân trước, thì mèo ta lại
bận bịu cài tai xuống chi trước. Điều này có ích gì với chúng?
Động vật dùng các cơ quan cảm
giác như mắt, tai, mũi để nhận biết sự thay đổi của môi trường xung quanh. Đối
với sự thay đổi khác nhau, chúng sinh ra các phản ứng khác nhau.
Khứu giác của chó vô cùng nhạy
cảm. Trong cuộc sống hàng ngày, chó dùng mũi để phân biệt một số đồ vật, phán
đoán tình hình của kẻ địch và phân biệt đường đi. Đối với nó, cái mũi hay cơ
quan khứu giác là đặc biệt quý giá, nên lúc ngủ nó giấu mõm và mũi để cảnh giới
động tĩnh chung quanh, một khi có tình huống gì đó, dùng ngay mũi để phân biệt
hoặc sủa dữ dội để thị uy.
Mèo lại có thính giác đặc biệt
nhạy cảm. Hàng ngày, nó dùng tai để nhận biết sự thay đổi ở môi trường xung
quanh. Khi bắt chuột, mèo cần đến đôi tai để thăm dò nơi ở của con mồi. Đối với
nó, tai lại là vật quý giá nhất. Cho nên lúc ngủ, nó mới giữ tai như “giữ ấn
tín” vậy. Tai cài vào chân trước, một mặt gìn giữ tai, mặt khác tai dán trên mặt
đất, khi có âm thanh gì đó, nó có biện pháp hành động ngay.
Tuy nhiên, lúc thời tiết nắng
ấm hay trong môi trường quá quen thuộc, mèo và chó cũng chẳng cảnh giác cho lắm,
chúng ngủ khì trong tư thể duỗi dài thoải mái như thường.
35- Vì
sao cây ôn đới rụng lá mùa thu, cây nhiệt đới rụng vào đông?
Ở miền nhiệt đới, khi thu
sang, lá cây vẫn xanh, hoặc chỉ hơi chớm vàng. Nhưng cùng thời điểm đó ở vùng
ôn đới, lá đã rụng rào rào, và chỉ mới chớm đông, cây đã trơ trụi kiểu "mất
áo". Điều gì khiến chúng trút bỏ bộ cánh của mình sớm như vậy?
Lá cây, ngoài chức năng hô hấp
và quang hợp còn thường xuyên để thoát nhiều hơi nước. Lượng mưa mùa thu ở miền
ôn đối tương đối thấp. Vì vậy, nguồn nước dự trữ trong lòng đất cũng ít đi. Đồng
thời thu sang, nhiệt độ dần dần hạ thấp xuống. Hoạt động hô hấp của rễ vì thế
mà yếu đi, cộng với khí hậu khô hanh, khả năng hạn chế thoát hơi nước mặt lá
cũng kém hẳn lại. Trong hoàn cảnh đó, lượng nước do cây hút giảm nhiều. Vì vậy,
nếu cây vẫn giữ nguyên diện tích thoát hơi nước (chủ yếu là mặt lá) sẽ xảy ra
tình trạng "vào ít ra nhiều", vô cùng bất lợi, thậm chí đe dọa tính mạng
của cây. Cuối cùng, do lượng nước ít, mạch dẫn trong cuống lá không vận chuyển
nước đến nữa, lá cây già đi và khô, cuống lá chỉ bám hờ vào cành. Gió thu thổi
tới, lá sẽ trút xuống.
Ở miền nhiệt đới tuy không
có mối đe dọa vì giá lạnh, nhưng vẫn có mùa khô và mùa mưa. Vào tháng 11-12,
khí hậu rất khô hanh. Tuy vậy, nhiệt độ lúc này vẫn khá cao, khiến lá thoát ra
rất nhiều hơi nước. Nếu không trút bớt một phần lá, cây sẽ không thể cung cấp đủ
nước cho lá.
Vậy những cây lá xanh bốn
mùa như tùng, bách thì sao?
Cây xanh quanh năm vẫn phải
rụng lá. Chỉ có điều là tuổi thọ của lá cây tùng bách dài hơn (sống được từ 3 đến
5 năm). Đến xuân, hè, tùng bách lại ra lá mới. Số lá già khô rụng, nhưng không
rụng hết cùng lúc mà khô héo dần từng bộ phận, không nhìn kỹ không phát hiện được.
Vì thế người ta tưởng chúng không bao giờ rụng lá.
Vậy tại sao tùng bách lại
không bị rụng lá trong tiết mùa đông khô lạnh? Đó là vì lá của chúng dày và nhỏ
hơn các loài cây khác (lá kim). Bề mặt thoát hơi nước rất nhỏ, đồng thời bên
ngoài còn có lớp cutin bảo vệ, vì thế nước khó thoát hơi. Khả năng thoát hơi nước
của loại lá này chỉ bằng một vài phần chục các loại cây có lá to khác. Cho nên,
lá của nó có thể trụ qua mùa đông.
36- Từ
đâu trẻ thích thú nhồi bông?
Gần như là sở thích muôn thủa.
Đi cửa hàng, trong vô số đồ chơi bắt mắt, sinh động và kỳ lạ, những con gấu
bông, chó bông, thỏ bông... dù bất động, bao giờ cũng là niềm ước mơ thầm kín của
trẻ. Chúng có gì đặc biệt mà quyến rũ các em đến thế?
Nhà tâm lý học người Mỹ, ông
Harry Frederick Harlow đã thí nghiệm về mặt này. Ông cho chú khỉ con hai người
mẹ giả: một mẹ bằng lưới kim loại để trần trụi, nhưng có thể cho khỉ con bú. Một
con khác nhồi bông với lớp vỏ bằng nhung, nhưng không biết cho ăn. Khỉ con chọn
ai? Trong thí nghiệm, ngoài những lúc cần ăn nó mới đi tìm con mẹ kim loại, còn
hầu như mọi lúc mọi nơi nó đều coi chỗ ở của con mẹ nhồi bông là nhà mình, vì
tiếp xúc với thú nhồi bông nó cảm thấy sung sướng. Nhất là khi khỉ con bị đe dọa,
nó ôm lấy con mẹ nhồi bông coi như chỗ dựa vững chắc cho mình.
"Đói da" và nhu cầu
ôm ấp
Thí nghiệm này tuy là trên
khỉ, nhưng đối với trẻ em cũng đúng. Nghiên cứu quan sát cho thấy trẻ em thường
thích những vật mềm, ấm hơn là những vật cứng và lạnh. Tâm lý học còn cho biết,
trẻ em nếu lâu ngày không được ôm ấp vuốt ve để kích thích da, chúng sẽ sinh ra
cảm giác “đói da”, gây nên hiện tượng ngứa ngoáy, ngọ nguậy, cáu gắt, thích đập
phá.
Ngày nay, con một ngày càng
nhiều, cha mẹ phần lớn đều bận công việc, không thể chăm sóc chúng suốt ngày, lại
càng ít có dịp vui đùa với con cái, do đó rất nhiều em 5-6 tuổi bị “đói da”.
Trong hoàn cảnh đó, thú nhồi bông trở thành người bạn thân thiết nhất của
chúng, vì thông qua tiếp xúc da, các em được thoả mãn. Đối với những em cô đơn
không có bạn, thú nhồi bông giúp các em loại bỏ được cảm giác này. Các em đặt
tên cho thú nhồi bông, chơi với nó và cảm thấy sung sướng. Hiện nay trên thị
trường còn có một xu hướng là thú nhồi bông càng to càng bán chạy. Tại sao vậy?
Lý do rất đơn giản là thú nhồi bông to diện tích tiếp xúc da càng lớn, càng cảm
thấy dễ chịu. Trẻ em có được một con thú nhồi bông gần bằng mình, sẽ cảm thấy
như bạn mình, to hơn nữa lại có cảm giác được bảo vệ.
Như thế, thói quen ngủ chung
với thú nhồi bông chẳng có hại gì, các vị phụ huynh cũng không nên cấm đoán, chỉ
cốt sao giữ cho chúng sạch sẽ là được.
37- Vì
sao bình minh và hoàng hôn, mặt trời trông to hơn?
Mặt trăng quay quanh quỹ đạo
của trái đất, trái đất quanh mặt trời. Khoảng cách giữa trái đất và hai thiên
thể này từ sáng đến tối hầu như không thay đổi. Thế mà có lúc ta thấy mặt trời
hoặc mặt trăng to như cái nia, còn lúc khác lại chỉ bé như quả bưởi. Tại sao vậy?
Lý do là trong những điều kiện
nhất định, mắt của con người nhìn mọi vật dễ sinh ảo giác. Chúng ta hãy xét hai
ví dụ:
1) Khi ta để một vật vào giữa
các vật khác nhỏ hơn, ta sẽ thấy nó to hơn bình thường. Ngược lại nếu để nó giữa
các vật khác to hơn, ta lại thấy nó như nhỏ lại. Hình1: Vòng tròn nhỏ ở giữa
bên phải nhìn có vẻ lớn hơn ở bên trái, mặc dù chúng to như nhau.
(2) Hiện tượng ảo giác quang
học, hay còn gọi là tác dụng thấu quang. Hình 2: Hình tròn màu trắng nhìn có vẻ
to hơn hình tròn màu đen, mặc dù chúng bằng nhau. Kết hợp hai ví dụ trên, chúng
ta có thể giải thích hiện tượng thay đổi độ lớn của mặt trời và mặt trăng như
sau:
Khi mặt trời và mặt trăng mới
mọc hoặc sắp lặn, phía đường chân trời chỉ có một góc khoảng không. Gần đó lại
là núi đồi, cây cối, nhà cửa hoặc các vật khác. Mắt chúng ta tự nhiên sẽ so
sánh mặt trời hoặc mặt trăng với các vật kể trên, vì vậy ta có cảm giác chúng
như to hẳn ra. Nhưng khi lên tới đỉnh đầu, bầu trời bao la không có vật gì
khác, chúng ta thấy chúng nhỏ hẳn lại.
Mặt khác, khi mặt trời hoặc
mặt trăng mới mọc hoặc sắp lặn, bốn phía đều mờ tối khiến ta có cảm giác chúng
sáng hơn (như ví dụ 2, vòng tròn trắng giữa nền đen). Khi đó, mắt ta sẽ thấy
chúng to hơn.
38- Chất
nhớt trên mình cá có tác dụng gì?
Với một con cá trôi hay một
chú cá chép đang tràn trề sức lực, thì dù nó ở trong chậu, bạn cũng phải tốn
khá nhiều calo mới bắt được nó. Lớp áo nhờn bao quanh mình cá đã phát huy phần
nào tác dụng lợi hại của mình.
Khi cá còn sống, trên da của
nó có một lớp tế bào hình thoi luôn luôn tiết ra chất nhờn rất trơn. Chất nhờn
này bao phủ khắp mình cá giúp chúng bơi lội dễ dàng trong nước, đồng thời giúp
cá không bị các loài động vật ký sinh, vi khuẩn và các sinh vật nhỏ dưới nước
xâm nhập qua da. Chất nhờn cũng giúp cho da cá có khả năng thẩm thấu bình thường
và ngăn các chất bẩn trong nước thấm vào mình, ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Ngoài ra, thứ chất trơn nhẫy
này còn có tác dùng kết tụ và lắng trong chất bùn trong nước, làm cho nước thêm
trong, kéo dài tuổi thọ của những loài thường xuyên phải sống trong môi trường
nước đục. Lũ cá sống ở môi trường nước trong, mỗi khi có nước lũ hoặc mưa to
làm đục nước, chất nhờn trên mình chúng có vai trò như "phèn chua" tự
nhiên làm kết lắng bùn bẩn, giữ cho mang cá sạch sẽ để hô hấp bình thường.
Đến mùa sinh đẻ, da loài cá
gai đực tiết ra nhiều chất nhầy kết chặt các cây cỏ dưới nước thành tổ cho cá
gai cái đẻ trứng vào đó. Có một loài cá rô đực còn thổi ra những bong bóng nhỏ
kết hợp với chất nhờn tiết từ da để tạo nên những bong bóng nổi trên mặt nước,
trứng cá cái sẽ dính vào dưới những bong bóng đó.
Sau khi cá chết, do da cá vẫn
còn lớp chất nhờn bao bọc ngăn vi khuẩn thâm nhập nên cá không thối rữa ngay.
Chỉ khi nào vi khuẩn phân huỷ hết lớp chất nhờn trên mình cá (khoảng vài giờ)
cá mới ươn và thối rữa.
39- Vì
sao chó hay lè lưỡi?
Người có tuyến mồ hôi ở dưới
da. Khi trời nóng, mồ hôi thoát ra, bốc hơi, làm giảm nhiệt độ bề mặt cơ thể.
Nhưng chó lại không có tuyến mồ hôi dưới da mà ở... lưỡi. Bởi vậy, lúc nóng
quá, nó chỉ còn cách làm mát nhờ lè dài lưỡi ra, dẫu không "thẩm mỹ"
chút nào!
Mặt khác, việc lè lưỡi thật
dài cũng giúp chó phả bớt hơi nóng bên trong, thúc đẩy sự toả nhiệt của cơ thể.
Thực tế, dù không phải là mùa hè, mà ngay cả những lúc chó chạy nhanh hoặc đánh
nhau, cơ thể bị nóng lên, nó cũng lè lưỡi để toả bớt nhiệt lượng.
40- Vì
sao hoa trên núi có màu sắc sặc sỡ?
Cũng là hoa, nhưng nếu lên
các đỉnh núi cao, bạn sẽ thấy chúng rực rỡ, nhiều màu sắc lạ kỳ. Ngoài điều kiện
không khí trên núi trong lành, ít bụi nên màu hoa "nguyên chất hơn",
nhưng còn yếu tố gì nữa mới khiến chúng muôn màu như thế?
Nguyên do là tia tử ngoại
trên núi cao chiếu rất mạnh, làm cho nhiễm sắc thể của tế bào thực vật bị phá
huỷ, gây trở ngại cho sự tổng hợp chất nucleotid, phá hoại phản ứng trao đổi chất
của tế bào, rất bất lợi cho sự sống của cây. Trải qua quá trình đấu tranh lâu
dài với môi trường sống khắc nghiệt đó, cây trên núi cao đã tạo ra nhiều chất dạng
caroten (trong đó có carotin và carotinol) để chống đỡ, vì hai chất đó hấp thụ
nhiều tia tử ngoại, làm cho tế bào dần thích ứng với môi trường.
Việc tạo ra nhiều chất dạng
caroten và antocyan đồng thời cũng khiến màu hoa vô cùng sặc sỡ, bởi vì các
caroten làm cho hoa hiện màu da cam, màu vàng tươi rực rỡ, còn antocyan làm cho
hoa có màu đỏ, lam, tím… Trong hoa có nhiều sắc tố như vậy, dưới ánh sáng càng
trở nên rực rỡ hơn.
41- Bằng
cách nào rắn nuốt con mồi to gấp nhiều lần đầu nó?
Ở đảo Hải Nam, Trung Quốc,
người ta bắt được con rắn cạp nong còn nguyên cả một con dê nhỏ trong bụng. Con
rắn chuông có thể nuốt chửng một con trăn to ngang ngửa, còn rắn lao có thể tọng
vào miệng cả con chim lớn gấp 10 lần đầu nó... "Ăn tham chết nghẹn",
vậy rắn có chết nghẹn không?
Không hề. Loài rắn có thể
chén được những con mồi to xác hơn nó nhiều lần. Khả năng này nằm ở cấu tạo miệng
của nó.
Miệng của người chỉ có thể mở
to đến 30 độ, còn rắn thì đến... 130 độ. Nguyên do là đầu rắn và các xương hữu
quan mở khép không giống như các động vật khác. Cằm rắn (tức hàm dưới) mở rất rộng
xuống phía dưới, vì đầu rắn nối với mấy cái xương ở cằm, có thể cử động được,
không giống với các động vật khác là gắn chặt với xương đầu, cố định không cử động.
Hơn nữa, các xương của bộ hàm đều khớp động với nhau, không những xương hàm mà
xương khẩu cái, xương cánh, xương ngang... đều nối với nhau bằng dây chằng rất
đàn hồi, có thể mở rộng ra hai bên, vì vậy miệng rắn không những có thể mở ra
thật to, mà còn mở được ra hai bên phải trái không bị hạn chế, do vậy rắn có thể
nuốt những con mồi to hơn gấp nhiều lần miệng nó.
Dù cho kiểu miệng của rắn rất
khéo, nhưng trước khi nuốt thức ăn, loài bò sát này còn phải đem con mồi đã bắt
gia công một phen. Nó bóp bóp, nặn nặn thành sợi dài, khi nuốt nhờ răng hình
móc câu giúp đưa thức ăn vào họng. Ngực rắn không có xương mỏ ác xuyên tới
xương sườn, nên xương sườn có thể tự do cử động, vì vậy thức ăn từ hầu xuống họng,
vào thẳng nơi da bụng có thể phình to, đồng thời rắn còn tiết ra rất nhiều nước
bọt, thật chẳng khác gì cho thêm lượng lớn “dầu nhờn”.
42- Tại
sao dễ nhớ những công việc chưa xong?
Trong cuộc sống, có những việc
hoàn thành hôm trước, hôm sau nó đã bay sạch khỏi đầu ta, cứ như chưa hề hiện
diện vậy. Ấy thế mà những việc chưa xong, những sai lầm chưa sửa lại ám ảnh ta
mãi không thôi. Vì sao có hiện tượng đó?
Năm 1927, Chegoenik, một nhà
tâm lý học người Đức, qua thí nghiệm đã phát hiện những hiện tượng kỳ lạ về trí
nhớ. Ông cho những người tham gia thí nghiệm làm liên tục 22 đầu việc, trong đó
một số việc làm trọn vẹn từ đầu đến cuối, một số đang dở dang thì ông yêu cầu họ
làm việc khác. Sau khi kết thúc, ông yêu cầu họ nhắc lại tên các đầu việc. Kết
quả là tuyệt đại đa số đều nói đến việc dở dang trước. Họ không những nhớ
nhanh, lại còn nói rất chính xác những việc chưa hoàn thành đó. Đối với những
việc đã làm xong, không sao nhớ lại được như vậy. Sau này, người ta gọi hiện tượng
đó là hiệu ứng Chagoenik.
Hiệu ứng này ở đâu ra? Các
nhà tâm lý cho rằng, người ta làm việc gì đều chú ý. Khi việc đã làm xong, sức
căng của sự chú ý chùng xuống, còn việc dở dang thì sức căng vẫn tiếp tục. Điều
đó có nghĩa là điểm hưng phấn trong não đối với việc chưa xong không dễ gì mất
đi, do đó người ta cũng khó quên được.
Trong đời sống có rất nhiều
biểu hiện của hiệu ứng Chagoenik. Thí dụ, ta đã ghi việc định làm vào sổ tay, vậy
mà đến lúc phải làm ta lại quên đi. Đó chính là vì khi ghi vào sổ, ta có cảm
giác như đã xong một việc, thế là việc thật sự phải làm sẽ quên đi. Có những học
sinh, trước khi đi thi, bài vở thuộc làu làu, vậy mà thi xong lại quên sạch. Đó
chính là bệnh quên tâm lý “đại sự đã xong”, “gánh nặng trút bỏ”.
Trong cuộc sống bạn có thể vận
dụng hiệu ứng Chagoenik để thực hiện các mục đích của mình. Thí dụ: nếu bạn muốn
ai đó ghi nhớ việc gì, bạn không nên thao thao bất tuyệt nói hết, dặn dò đầu
đuôi một cách rất cẩn thận. Bạn đừng ngại bớt lại chút ít để người đó đoán việc.
Như vậy người ta sẽ nhớ rất kỹ. Bất kể môn học nào, bạn cũng nên tạo cho mình cảm
giác còn chưa hiểu hết, muốn hiểu thêm. Luôn đặt cho mình trạng thái “chưa xong
việc” để hiệu ứng Chagoenik phát huy tác dụng. Học tập luôn có động cơ, bạn sẽ
tiến bộ rất nhanh.
43- Vì
sao đêm đến hoa huệ mới toả hương ngào ngạt?
Tục ngữ ta có câu "hoa
không phơi nắng không thơm", ấy là vì khi ánh nắng rọi xuống, nhiệt độ
tăng lên, làm dầu thơm trong cánh hoa thoát ra nhiều. Nhưng đêm thì làm gì có nắng,
vậy mà hoa huệ lại toả mùi thơm hơn cả ban ngày. Tại sao vậy?
So với các loài hoa nở ban
ngày, hoa huệ có cấu tạo cánh khá đặc biệt. Mỗi khi không khí có độ ẩm cao, những
khí khổng (lỗ trao đổi khí) trên cánh hoa tự động mở to để dầu thơm thoát ra
ngoài. Ban đêm tuy không có nắng, nhưng độ ẩm không khí lại cao hơn ban ngày,
cho nên các khí khổng mở to cho mùi thơm thoát ra. Vì vậy, tuy ban ngày hoa huệ
chỉ toả hương thoang thoảng, nhưng ban đêm nó lại thơm ngào ngạt.
Cũng vì hoa huệ toả mùi thơm
theo độ ẩm, nên nếu chú ý bạn sẽ thấy không chỉ ban đêm, mà ngay cả ban ngày,
vào những hôm có mưa, độ ẩm không khí cao, hoa huệ cũng thơm hơn ngày nắng. Vì
lẽ đó, hoa huệ còn có tên là dạ lai hương (thơm ban đêm) hoặc vũ lai hương
(thơm lúc mưa).
Mặt khác, hoa huệ thơm về
đêm cũng vì một lẽ rất đơn giản, ấy là đa số các giống huệ đều nở về đêm. Tập
tính này của huệ có lẽ đã hình thành qua nhiều thế hệ tiến hoá. Bình thường,
hoa tỏa ra mùi thơm để mời côn trùng đến thụ phấn, duy trì nòi giống. Đa số hoa
thụ phấn nhờ vào các loại côn trùng hoạt động vào ban ngày, vì vậy chúng nở vào
ban ngày để quyến rũ ong bướm. Tuy nhiên, hoa huệ thụ phấn nhờ bướm đêm, nên nó
phải chuyển giờ nở sang đêm để chiều lòng "khách" vậy.
44- Ai
đã mở vòi nước cứu hoả?
Trong kho của nhà máy dệt nọ,
người thủ kho sau khi mơ màng qua khói thuốc lá, đã ném đầu mẩu thuốc vào xó
nhà, rồi ngủ say. Đám cháy bùng lên. Chính lúc nguy cấp, vòi cứu hỏa đột nhiên
mở ra cho nước chảy, dập tắt ngọn lửa. Ai đã tốt bụng làm việc này? Người thủ
kho nghĩ mãi không ra.
Lời giải ở đây chính là hợp
kim chế tạo bộ phận khống chế khoá của vòi cứu hoả. Nó phải được làm từ một hợp
kim dễ nóng chảy.
Trong số các kim loại, thuỷ
ngân có điểm nóng chảy thấp nhất là -38,87 độ C, nhưng ở nhiệt độ thường thì
thuỷ ngân ở thể lỏng, không dùng làm chất liệu dễ nóng chảy được. Ngoài thủy
ngân còn có kim loại gali cũng có thể chảy ra ở 29,79 độ C, nhưng gali khá hiếm
nên qúa đắt. Các kim loại khác đều có điểm nóng chảy cao nên không dùng làm chất
dễ nóng chảy được.
Tuy nhiên, bismut có thể
cùng chì, thiếc, antimon tạo thành các loại hợp kim có điểm nóng chảy thấp trên
dưới 50 độ C. Nếu đem loại hợp kim có nhiệt độ nóng chảy thấp, chế tạo một cơ cấu
ở vòi nước cứu hoả, sẽ tạo ra một hệ thống tự động dập lửa. Khi hỏa hoạn xảy
ra, nhiệt độ trong phòng tăng cao, bộ phận làm từ hợp kim dễ nóng chảy ở vòi nước
sẽ chảy ra, khoá được mở, nước theo đó tràn ra ngoài dập tắt lửa.
Còn một loại hợp kim đặc biệt
là hợp kim niken - titan. Cấu tạo tinh thể của loại hợp kim này dễ thay đổi khi
tăng nhiệt độ, do vậy, người ta cũng có thể dùng nó làm bộ phận khống chế khoá
mở trong các thiết bị dập lửa.
Hợp kim dễ chảy cũng rất
quen thuộc với mọi người, đó là cầu dao điện. Trong cầu dao có hai sợi dây bảo
hiểm làm bằng hợp kim dễ nóng chảy chế tạo từ bismut, chì, thiếc, cadmi. Trong
điều kiện bình thường, dòng điện chạy qua cầu dao không sinh nhiệt cao lắm,
dòng điện chạy qua dây dẫn không cao, không gây sự cố gì.
Nếu trong nhà dùng các thiết
bị điện công suất lớn vượt quá công suất thiết kế của dây dẫn và trở nên quá tải.
Bấy giờ nhiệt độ của dây dẫn, dây bảo hiểm tăng nhanh có thể gây hỏa hoạn.
Nhưng do dây bảo hiểm có nhiệt độ nóng chảy thấp, khi nhiệt độ tăng cao, dây bảo
hiểm bị chảy, dòng điện bị ngắt, nhiệt độ của dây dẫn sẽ không tiếp tục tăng
lên nên không xảy ra hỏa hoạn.
45- Điều
gì giúp cá heo bơi cực nhanh?
Cá heo là tay bơi lặn cừ
khôi ở biển cả. Với tốc độ lên tới 15 m/giây, nó có thể bỏ xa các loại tàu thuỷ,
tàu lặn thông thường. Cơ chế nào đã gắn "động cơ" cho chúng vậy?
Một vật thể muốn bơi nhanh
phải có hình giọt nước, giảm tối đa lực cản do nước gây ra. Nhưng ngay cả trong
trường hợp này, bề mặt tiếp xúc vẫn nảy sinh ma sát. Nếu vật chuyển động chậm,
lực cản của nước còn nhỏ. Nhưng khi nó chuyển động nhanh, mức độ hỗn loạn của
nước trên bề mặt tiếp xúc cũng gia tăng, lực cản cũng vì thế mà tăng vọt. Khi
chạy với tốc độ cao, một tàu lặn vỏ bọc thép phải chi tới 90% năng lượng cho việc
khắc phục sức cản của nước.
Sau nhiều nghiên cứu, các
nhà khoa học cho biết, nếu bề mặt vật thể có độ mềm phù hợp, với những chỗ lồi
lõm nho nhỏ, hấp thu và triệt tiêu một cách khéo léo những hỗn loạn trên mặt tiếp
xúc, thì vật có thể chuyển động nhanh được. Vì vậy họ giả thuyết, sở dĩ cá heo
bơi nhanh vì lớp da của nó có cấu tạo đặc biệt, làm giảm tối đa lực cản của nước.
Khi giải phẫu cá heo, các
nhà khoa học phát hiện bề mặt da của nó chia làm 3 lớp: màng ngoài làm bằng chất
sừng nhẵn rất mỏng, rồi đến biểu bì và chân bì. Trên chân bì mọc ra vô số mấu
ruột rỗng, tựa như những ống tròn nhỏ "cắm" trong lớp biểu bì màu
đen. Những ống này đàn hồi rất tốt, có thể triệt tiêu phần lớn lực cản của nước,
do đó cá heo có thể di chuyển dưới đại dương với tốc độ đáng nể.
Mô phỏng cấu trúc da cá heo,
người ta đã chế tạo ra loại cao su đặc biệt, giàu tính đàn hồi. Bên trong có vô
số ống ruột rỗng nhỏ và có đường ống thông giữa các ống rỗng này, dẫn một loại
dịch nhớt chảy lên bề mặt. Kết quả là trên bề mặt cao su có một màng mỏng, trơn
nhẵn, có sức co dãn, làm giảm bớt lực ma sát với nước. Nhờ vậy, tàu ngầm phủ loại
màng mỏng này có thể giảm bớt lực cản do dòng nước sinh ra.
46- Tại
sao trời quầng thì gió, trăng tán thì mưa?
Mỗi khi quanh mặt trời hoặc
mặt trăng xuất hiện những vòng ánh sáng khá lớn màu trắng hoặc nhiều màu, ông
bà lại nhắc con cháu thu thóc đang phơi, cất quần áo, đóng cửa sổ... Họ bảo
nhau mưa gió sắp đến đấy. Vầng sáng ấy được gọi là tán hay quầng.
Quầng ánh sáng xuất hiện
xung quanh mặt trời phần lớn là có màu sắc theo thứ tự từ trong ra ngoài là hồng,
da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Quầng xuất hiện quanh mặt trăng phần lớn là
màu trắng.
“Quầng” xuất hiện khi bầu trời
có mây ti tầng. Lớp mây này là những mây ở tầng cao do vô vàn tinh thể băng li
ti tạo thành, đáy lớp mây cách mặt đất khoảng hơn 6 km. Không khí ở đây lúc này
vẫn còn lạnh, thời tiết vẫn tốt. Tuy nhiên, ở nơi xa (cách đó khoảng mấy trăm
km), luồng không khí nóng ẩm đang giao tranh với luồng không khí lạnh. Không
khí dần ấm nóng và bay lên theo mặt nghiêng của khối không khí lạnh. Trong quá
trình không khí nóng lên cao, nhiệt độ của khối khí bị giảm dần, hơi nước ngưng
đọng thành tầng mây.
Dần dần xuất hiện mây vũ tầng
dày, loại mây này thường cho mưa thời gian kéo dài và iện rộng tới khoảng 300
km. Càng lên cao, do mặt front nóng (mặt phân cách khối khí nóng lạnh) càng
cách xa mặt đất, độ cao ngưng kết hơi nước cũng dần dần tăng lên, do đó độ cao
của chân mây cũng dần cao hơn, thành mây cao tầng và mây ti tầng, lên cao hơn nữa
là mây ti.
Vì mây ti hình thành ở độ
cao trên 6 km, nhiệt độ không khí lúc này đã hạ xuống khoảng - 20 độ C, do đó
có thể tạo thành những tinh thể băng hình trụ hoặc hình lục lăng. Khi tia
nắng mặt trời và ánh trăng chiếu qua tinh thể băng này sẽ tạo ra quầng mặt trời
hoặc quầng mặt trăng.
Khi ta nhìn thấy quầng mặt
trời hoặc quầng mặt trăng chứng tỏ mặt đất nơi ta đứng tuy vẫn có không khí lạnh
khống chế, thời tiết vẫn bình thường, nhưng ở trên cao đã xuất hiện không khí
nóng, và khi hơi nóng từ mặt đất bốc lên ngày càng lan đến gần nơi ta đứng hơn,
thì ảnh hưởng tiếp theo sẽ là mây ngày càng thấp, gió mạnh dần lên. Cuối cùng
là những giọt mưa rơi. Vì vậy, quầng là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sẽ có mưa
gió.
Ngoài ra, tại khu vực ngoại
vi của bão cũng thường có lớp mây cuốn và quầng, sau quầng các đám mây dần dần
dày lên và đen đặc, tiếp đó sẽ có mưa to gió lớn.
Nhưng, không có nghĩa là hễ
mặt trời có quầng, vầng trăng có tán thì nhất định có mưa gió. Chủ yếu ở đây là
thời tiết sẽ xấu đi, còn mưa gió hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác
nữa.
47- Giấc
ngủ "ngược" của dơi
Màn đêm buông xuống, trong
các hang động cao ráo hay trong gác xép nhà kho, lũ dơi tấp nập vào ra. Chúng
treo ngược mình lên, đầu chúc xuống, chỉ dùng vuốt của hai chi sau móc vào khe
đá. Không ai làm tình làm tội, mà sao chúng phải ngủ trong trạng thái khổ sở thế?
Thực ra, kiểu ngủ kiểu trái
khoáy này rất phù hợp với cấu tạo cơ thể dơi. Nếu bạn bắt một con dơi, đặt nó
xuống đất, sẽ thấy dơi dùng vuốt của ngón thứ nhất chi trước và 5 ngón của chi
sau bò lê lết, cho đến khi trèo được lên một cây gỗ thẳng đứng hoặc vách tường
rồi từ đây lại bắt đầu bay tiếp. Nếu đặt dơi vào một cái sọt bằng dây thép, nó
sẽ trèo lên chung quanh sọt, giống như con khỉ, lên đến đỉnh sọt thì treo ngược
mình lên đó.
Dơi là loài thú duy nhất biết
bay thực sự, sẵn có màng cánh vừa to vừa rộng. Chân sau thì vừa ngắn, vừa nhỏ,
lại còn bị nối liền với màng cánh. Cho nên khi bị rơi xuống đất, dơi còn mỗi
cách nằm phủ phục, thân thể và cánh đều dán trên mặt đất, không thể đứng lên được,
cũng không đi lại được, càng không thể giang rộng cánh màng mà bay lên, đành lết
chậm chạp từng bước nhỏ.
Chính vì thế dơi chỉ thích hợp
với việc trèo lên một nơi cao, treo ngược mình, khi gặp nguy hiểm mới có thể kịp
thời giang rộng hai màng cánh mà bay lên, hoặc nhờ cơ hội rơi xuống để bay lên
thật nhanh nhẹn.
Ngoài ra, khi gió rét đến,
dơi cũng ngủ đông trong tư thế treo ngược mình, như vậy sẽ giảm được sự tiếp
xúc trực tiếp với trần hang lạnh giá, hoặc có một số thì vùi đầu và thân vào
trong màng cánh, cùng với bộ lông nệm mọc dày trên mình nó, có tác dụng ngăn
cách hẳn với không khí lạnh bên ngoài.
Tập tính sống này và bản
năng phòng ngự của dơi đều là kết quả của sự tiến hoá lâu dài của động vật.
48- Vì
sao vịt không sợ nước mùa đông?
Đông đến, nước lạnh buốt, thậm
chí đóng băng. Thò chân xuống là rụt lên ngay như phải bỏng, nếu ngâm lâu, nó
tím tái như màu cà. Thế mà đàn vịt vẫn ung dung ngang dọc trên hồ. Chúng có thủ
thuật gì mà tài vậy?
Quanh năm, quá nửa thời gian
vịt sống trong nước. Vì lâu ngày tồn tại trong môi trường này nên cơ thể vịt đã
tiến hoá nhiều điểm để thích nghi, như có nhiều mỡ trong cơ thể và chung quanh
các nội tạng, phao câu có một đôi tuyến mỡ rất phát triển, bên ngoài cơ thể phủ
một lớp lông vũ dày, khó thấm nước.
Khi từ nước đi lên bờ, vịt
quay đầu về phía đuôi rỉa lên tuyến mỡ ở phao câu, rồi rỉa lên lông, khắp cơ thể,
chải sửa các lông tơ bị ướt, rũ hết nước trên lông, rồi bôi lên đó một lớp mỡ,
làm cho lông không bị thấm nước.
Về mùa đông, nhiệt độ không
khí ngoài phòng nhìn chung thấp hơn nhiệt độ nước hồ một chút, hơn nữa vịt hoạt
động bơi lội liên tục, nhờ vậy thân nhiệt tăng lên, cũng có tác dụng chống rét.
Đồng thời, năng lượng mà cơ thể vịt toả ra, được lớp lông khá dày bao bọc, có
khả năng chống mất nhiệt. Vì vậy vịt không sợ rét.
Thân nhiệt bình thường của vịt
là trên dưới 42 độ C. Bản thân vịt cũng có khả năng điều tiết thân nhiệt. Mức độ
trao đổi chất của vịt tương đối cao. Thêm vào đó, ở các loài chim sống trong nước
(vịt, hoặc chim) điểm đông đặc của tuỷ trong xương sống chân, xương cổ chân,
xương bàn chân rất thấp, vì vậy vịt đứng lâu trong nước đóng băng dịch thể
trong chân vẫn lưu thông, bàn chân không bị cóng.
49- Sự
thật về các “học giả đần”
Bạn đã nghe nói về “học giả
đần” chưa? Có lẽ bạn sẽ coi là chuyện bịa. Rõ ràng “đần” và “học giả” là hai
khái niệm hoàn toàn đối lập, đã ngu đần thì không thể là học giả, đã là một học
giả, sao lại có thể ngu đần, hai thứ ấy có trong cùng một người được ư? Có đấy!
Các nhà tâm lý học Mỹ đã
theo dõi một cậu bé với cái tên là L từ năm 1937 đến năm 1943, qua sáu năm kiểm
tra, sức khoẻ của L bình thường, phát triển tốt, điện não đồ không có vấn đề
gì, nhưng trí lực thấy có nhiều điểm mâu thuẫn nhau. Cậu ta có thể nói từ năm
1880 đến 1950 bất kể ngày nào là thứ mấy, có thể cộng nhanh, nói ngay được tổng
số của 10-12 số hạng có 2 con số. Cậu ta có thể hát bất cứ đoạn nào của bản anh
hùng ca Osceola. Về mặt này, cậu quả là thiên tài. Nhưng mặt khác, cậu ta không
thể theo học ở một lớp học bình thường nào do quá ngu dốt, chỉ thuộc mấy chữ
cái, hệ số IQ là... 50.
Các nhà nghiên cứu tâm lý
Trung Quốc gần đây cũng nghiên cứu một em khác với cái tên là M. Năm 1985, M đã
11 tuổi, vẫn chưa nói được một câu hoàn chỉnh, chỉ có thể đọc viết vài chữ,
không tự làm lấy được việc gì, không có tình cảm với bất kỳ ai, nhưng em có thể
tính đổi âm lịch, tuần tiết và ngày tháng. Em có thể tính một cách nhanh chóng
và chính xác bốn phép tính cộng, trừ, nhân chia với các số hạng nhiều con số,
có thể tính nhẩm luỹ thừa và căn số bậc từ 2 đến 5. M còn nhớ được cả số trang
sách và kết quả những con tính mãi không quên.
Trí năng thấp và tài lẻ
Cái gọi là “học giả đần” là
nói những người có trí năng thấp, nhưng về một mặt cá biệt nào đó lại có tài
năng xuất chúng, nhưng không phải là một học giả thật sự. Tâm lý học phân tích
cho rằng người ta vừa có trí năng thông thường, vừa có trí năng đặc biệt. Khi
trí năng thông thường bị thương tổn, người ta vẫn có thể huy động và phát triển
trí năng đặc biệt là thứ ít bị tổn thương. “Học giả đần” chính là hiện tượng
này.
Vì sự phát triển trí lực của
họ kém cỏi, nên không thể tiếp thu được sự giáo dục bình thường, dành phải dành
thời gian vào một hành vi đơn điệu là nhớ ngày tháng và tính nhẩm một cách tự
giác hoặc không tự giác. Những hành vi này kích thích mạnh “hệ thống khen thưởng”
trong não họ, hệ thống này được coi là động cơ của hành vi, để hình thành “kích
thích tự mình” - tự mình tìm kiếm và tiến hành một kích thích đặc biệt nào đó,
và coi kích thích bản thân là phần thưởng để thoả mãn. Tình trạng này giống như
người nghiện, thèm sự kích thích của ma tuý, của thuốc lá, rượu, nguyên lý hoạt
động của chức năng não cơ bản là như nhau.
Một dạng khác của hành vi
này là tính nhẩm để được người ngoài khen thưởng. Nhiều ông bố bà mẹ thấy con
em mình có chút năng khiếu, đã quá khích lệ con, dẫn đến đứa trẻ càng cố gắng học
vẹt để được nổi tiếng.Ảo vọng thiên tài đã làm hại đời chúng.
Cho đến nay, chưa phát hiện
được “học giả đần” nào về ngôn ngữ, hầu như mọi trường hợp đều ở phương diện
tính đổi, tính nhẩm và ghi nhớ những con số.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét