Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Eaphe ký sự - Một kẻ lữ hành lang thang và đơn độc

Eaphe ký sự - Một kẻ lữ hành 
lang thang và đơn độc
Phần 1 -  Trầm tư với những trầm tư 
Hẳn nhiên tôi yêu thích du lịch, tâm nguyện của tôi là đi khắp đất nước Việt Nam tươi đẹp này. Tôi mong ước đi qua nhiều nơi, nhìn ngắm nhiều cảnh đẹp và quan trọng hơn là được gặp gỡ nhiều người, tìm hiểu cuộc sống, văn hóa của họ. Tôi cho rằng, mỗi vùng miền mỗi con người đều có những góc khuất cần được khám phá, cảm thông. “Cuộc sống là một bãi cát lớn, ta không thể nào nhận ra từng hạt cát, chắc rằng mỗi hạt cát có những góc cạnh những màu sắc khác nhau nhưng điều đẹp nhất là chúng lóng lánh như ngọc dưới ánh nắng mặt trời". Lời thoại này tôi nghe trong phim "Đời cát”. Đời cát hay đời người, cuộc đời con người nơi miền gió cát cũng đẹp không kém những hạt ngọc, lóng lánh, đầy đủ sắc màu. Với nhiều người, miền trung thật cằn cỗi khắc nghiệt. Song, tôi thấy mảnh đất trong phim “Đời cát” trải đầy nắng và hoa bởi nó được nuôi dưỡng bằng tình thương yêu và lòng vị tha. Nhìn rộng thêm một chút, cằn cỗi hay màu mỡ, quê mùa hay thành thị, đẹp hay xấu chỉ là tương đối trong một cách nhìn nào đó, lật ngược lại, ta sẽ tìm ra những điều khác... những điều không thể nào nói thành lời.
Luật vô thường quy định vạn vật cần phải thay đổi, đổi thay để tiến lên, không nhàm chán. Đối với những du khách như tôi, năm khi mười họa ghé thăm cao nguyên nắng gió một lần, làm sao có thể cảm nhận sự đổi thay vi tế trong tâm tư gốc cây ngọn cỏ, trong khí trời se lạnh cuối thu. Có chăng là những đổi thay trong chính mỗi người du ngoạn... những vườn cà phê xanh mướt mỡ màng, những đồi núi trập trùng trắng xóa mùa hoa cà phê hay dòng Sereppok đục ngầu tuôn chảy cuồn cuộn... Thời gian xóa đi khung cảnh này thay vào khung cảnh khác đẹp đẽ, hùng vỹ, lạ lẫm... nhưng luôn để lại dấu ấn của mình. Đó là nỗi buồn đơn lẻ, hạnh phúc lứa đôi những trăn trở băn khoăn, nhớ thương hoài vọng trong tâm tưởng...
Chuyến đi Ea Phê[1] nơi cao nguyên heo hút đối với tôi thật nhiều kỷ niệm. Mọi người trong đoàn đã vui, rất vui; hòa vào niềm vui chung ấy tôi cũng vui, tôi vui khi nhìn thấy mọi người cười đùa hạnh phúc. Tất nhiên, nhìn vào những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười khó có ai mà không mỉm cười đáp lại. Nụ cười là ngôn ngữ hạnh phúc, thứ ngôn ngữ không biên giới, ai cũng có thể hiểu và cảm nhận nó một cách sâu sắc nhất. Trong không khí hân hoan chung ấy, mỗi người có nỗi niềm riêng, trong khoảnh trời riêng tư ấy hình như tồn tại cái riêng tư rất riêng – những tầng sâu thăm thẳm tâm tình, xúc cảm. Giống như khi người ta tách vỏ con trai họ sẽ tìm thấy những hạt ngọc lung linh thật đẹp, nếu chỉ dừng lại ở đó mãi mãi con người không biết rằng ngọc trai được kết tinh từ những đớn đau của loài trai nơi đáy nước. Đập tan nát từng hạt ngọc người ta tìm thấy nguồn gốc và nguyên nhân của nỗi đau được giấu kín trong lớp vỏ bọc.
Tôi đã đắn đo khi viết ra những dòng chữ trầm tư này. Trầm tư với những trầm tư. Ea Phê ký sự được viết ra không hẳn mang tính trần thuật của một câu chuyện kể. Đâu đó trong ký sự bạn sẽ gặp những cảnh vật, truyền thuyết, con người; đôi khi gặp một góc tâm tư chính mình, xin đừng hời hợt đọc nó bằng cặp mắt kẻ bàng quang, hãy đọc bằng trái tim. Vì chỉ khi đọc bằng trái tim người ta mới thấu cảm vẻ đẹp đằng sau những hạt cát xấu xí thô kệch, và nỗi đau đớn nằm trong những viên ngọc trai tuyệt đẹp…
Phần 2 - Chuyến xe trong đêm
Du lịch đối với tôi còn hơn cả một niềm đam mê, nó là một phần cuộc sống. Tôi thường tự nhận mình có đôi chân giang hồ đại hải. Từ khi còn ẵm ngửa tôi đã quen thân với những chuyến xe đò dọc ngang miền Tây chật ních người... Khi ba bốn tuổi gì đấy một năm tôi có thể đã đi Vũng Tàu đến ba bốn lần (tất nhiên phải đi cùng cha mẹ tôi). Cũng trong một năm tôi có sáu tháng sống tại Sài Gòn, sáu tháng trôi nổi ở miền sông nước Mỹ Thuận Đồng Tháp. Lớn lên, tôi may mắn được đi khắp Cần Thơ, Hà Tiên, Sóc Trăng... cho đến các tỉnh miền Đông Nam Bộ trải dài đến Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang, Khánh Hòa... Không hẳn là nhiều nhưng cũng không phải ít. Lạ một điều tôi chưa một lần đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên. Một phần do tôi không có duyên với mảnh đất huyền hoặc này, phần khác do tôi cứ chần chờ muốn rong ruổi bằng xe máy trên những cung đường đất đỏ, chứ không phải đóng khung mình trong một tour du lịch hết sức chỉnh chu: sáng nhà hàng, chiều khách sạn... chịu sự sắp đặt của cô hướng dẫn viên lạ hoắc nào đó.
Tôi đã lên kế hoạch cho chuyến đi Đắk Lắk lần này trước ba tháng. Ba tháng để sắp xếp công việc, chuẩn bị tiền bạc chi tiêu và chờ đợi. Song chút xíu nữa tôi lỡ hẹn với cao nguyên huyền thoại.
Ăn uống qua loa, cắp mấy bộ quần áo, chuẩn bị thêm sổ, viết ít đồ lặt vặt. Cuối cùng tôi xếp chiếc áo Lam, cài vào túi ao huy hiệu sen trắng... biết đâu đấy khi ra đến nơi tôi sẽ có dịp gặp các anh chị em– những người tôi luôn mong muốn gặp. Tổ chức GĐPT 1 đã trải qua 60 năm tồn tại và phát triển đã có nhiều thăng trầm biến đổi thời cuộc, đã có sự phân hóa, rẽ chia trong nội bộ, song tôi tin tưởng rằng dù đi đâu về đâu, chỉ cần chúng tôi khoát lên mình chiếc áo Lam cài trên ngực mình đóa sen tám cánh trắng thì chúng tôi lại là anh em, là đồng chí, là công sự đắc lực của nhau. Cái tình huynh đệ thắm thiết ấy người ngoài cuộc không sao hiểu được!
8g30 tối tôi có mặt ở điểm tập kết. 9 giờ xe bắt đầu lăn bánh. Đó là một chiếc Ford Transit trắng 16 chỗ, xe nhà chị Hường – nhân viên dự án Tương Lai trực thuộc hội Bảo trợ trẻ em Tp Hồ Chí Minh. Tôi biết chị Hường không lâu, khoảng nửa năm trước đây. Khi quen chị tôi không hề biết chị có một gia đình tuyệt vời đến thế. Một đại gia đình với mười anh chị em mà chúng ta sẽ có dịp gặp lại ở những trang sau. Tôi lên xe ngồi băng ghế sau cùng với Tiến và anh Vũ. Thoáng chốc xe nhanh chóng ra khỏi nội thành Sài Gòn, đường xá tốt hẳn, gió mát hây hây, mọi người cười nói rôm rả và bắt đầu hát say sưa như chưa từng được hát. Những lúc như thế này tôi thấy mình thật trẻ dại. Tôi không phải là ca sĩ, tôi cũng không được trời phú cho một chất giọng đặc biệt nào đấy, đơn giản chỉ vì tôi yêu âm nhạc, tôi yêu những giai điệu lên bổng xuống trầm. Tôi biết mọi người ở đây cũng như tôi sôi nổi, tràn đầy nhiệt huyết. Chúng tôi là những người trẻ theo một cách nào đấy. Tất nhiên định nghĩa về chữ trẻ cũng có nhiều quan điểm khác nhau, trẻ về tuổi đời hay trẻ về cách nghĩ cách làm, hay trẻ về tâm hồn... Vì thế có những người chưa từng già cỗi ngược lại có những người trọn cả cuộc đời hình như chưa từng trẻ trung một ngày nào. Ngồi trước tôi hai bằng ghế có một cô bé (theo cách nói của tôi, sau này tôi vỡ lẽ “cô bé” ấy không hề bé tí tẹo nào) thật hồn nhiên hát bài “Giấc mơ Chapie” một trong những bài tôi thích nhất. Qua khung cửa kính, tôi nhìn thấy nhiều cặp mắt tròn xoe lạ lẫm dò xét, bọn họ chắc hẳn đã nghĩ rằng: “Lũ nhóc nào đây, sao cứ hát ầm cả lên, điên thật!”. Ừ điên thật, nhưng tại sao người ta không thể điên một chút nhỉ? Cuộc sống chẳng phải vốn đã rất điên loạn đấy sao? Ngày xưa, Khuất Nguyên trước khi tự vẫn ở dòng sông Mịt La nhìn thấy cuộc đời điên đảo cay đắng thốt lên rằng: “Đời say cả chỉ mình ta tỉnh, đời đục cả chỉ mình ta trong”. Đáng thương thay khi ông không biết rằng bản chất cuộc đời đã như thế! Ngàn năm sau vẫn vậy, chẳng có gì thay đổi! Sống giữa một đống phế liệu đồng, thau, nhôm, sắt vân vân và vân vân.. thứ bán được giá hơn bảy mươi ngàn một ký có thứ chỉ hai ba ngàn một ký, thứ khác có cho người ta cũng không thèm để ý đôi khi cũng cần phải biết ngây ngô, buồn cười trong những lúc đáng buồn cười và bỡn cợt những khi cần bỡn cợt.
Một hành khách còn trẻ cuộn tròn trong chiếc áo khoát, thu mình vào trong góc xe trở giấc nhếch mắt và mở miệng cười. Tôi không nhìn rõ khuôn mặt anh, nhưng cái cười bao dung của anh làm tôi hả dạ. Không phải tôi hả dạ vì anh không phiền trách cái tội “làm ầm cả lên” phá giấc ngủ quý báu của anh, tôi hả dạ vì ít ra cũng còn có người biết cách cảm thông và chia sẻ. Nhìn dáng anh tôi không nghĩ anh đang đi du lịch, có lẽ anh đang vội trở về quê thăm nhà trong kỳ nghỉ lễ. Bất giác tôi mỉm cười đáp lại...
Sức người có hạn, cuối cùng cuộc chiến “thanh quản” cũng đến hồi kết thúc khi mọi người đã “cạn vốn”. Xe yên ắng chìm vào giấc ngủ. Chỉ còn tôi và Huấn rầm rì to nhỏ. Chính không khí chật hẹp co ro trên chuyến xe giúp kéo gần chúng tôi lại với nhau hơn. Có lẽ chẳng bao giờ chúng tôi có đủ thời gian đủ lòng kiên nhẫn để lắng nghe, nhau như thế này nữa. Góc khuất ấy, không dễ gì người ta tâm tình với nhau. Huấn đã nói với tôi về những ngày tháng còn trong quân ngũ, con đường nào đã đẩy đưa Huấn trở thành một sinh viên ngành xã hội học và yêu quý công tác tình nguyện đến vậy, những mối tình trong quá khứ, những chia ly, nhớ nhung, trăn trở, những băn khoăn suy tính cho tương lai. Tôi không nói về mình, chỉ biết lắng nghe vì con đường tôi đã đi qua không trắc trở, chông gai, phong phú và đẹp như con đường Huấn đã đi. Bất chợt tôi thấy mình nhỏ bé, ấu trĩ và trẻ con thế nào ấy, trẻ con hiểu với nghĩa trẻ con nhất...
Đêm đã khuya, bầu trời đen kịt! Mưa đã rơi tự khi nào chẳng biết, mưa đầu mùa chỉ đủ áo một lớp váng mỏng manh trơn trợt trên mặt đường nhựa. Con đường vắng xa hun hút dài thêm, thi thoảng một chiếc xe ngược chiều pha đèn lóe lên đẩy những bóng người vật vờ trượt dài rồi mất hút phía sau nhanh như khi nó xuất hiện... Xuyên qua tỉnh Bình Dương, chúng tôi theo quốc lộ 14 đi sâu vào địa hạt Bình Phước, hai bên đường rừng cao su bạt ngàn dần thay chỗ nhà cửa phố xá thị thành sầm uất. Trong đêm tối, từng hàng sao su lặng lẽ im lìm trân mình chịu đựng cái lạnh cắt da cắt thịt. Nếu có dịp dừng xe bên vệ đường giữa rừng khuya trong một đêm mưa gió lạnh lùng như tôi bạn sẽ cảm nhận được nỗi sợ hãi bóng đêm thẳm sâu, tối tăm. Đứng trước đầu xe nhìn xoáy vào giữa những tàng cây, tôi chẳng thấy gì rõ ràng, mọi thứ lờ mờ sánh đặc đen quánh... Lúc ấy tôi thèm ánh sáng biết bao dù chỉ một chút ánh sáng le lói, chập chờn... như cô bé bán diêm đốt từng que từng que diêm trong đêm cổ tích mưa tuyết bão bùng. Đốm lửa nhỏ bé ấy không đủ sức chở che cơ thể giá rét nhưng nó đủ sáng để làm ấm áp tâm hồn con người. Cô bé bán diêm không chết trong giá rét mà chết trong sự thờ ơ đến tàn nhẫn. Xét cho cùng ai cũng có những ước mong những tâm tình không thỏa, cô bé bán diêm luôn hiện hữu trong bản thân mỗi người. Con người lúc nào cũng khao khát được lắng nghe, yêu thương, cảm thông...
Xe vượt đi qua thị xã Gia Nghĩa rồi vào vùng đồi núi Đắk Mil, Đắk Song thuộc tỉnh Đắk Nông chuẩn bị vào địa phận Đắk Lắk. Đắk Lắk một vùng cao nguyên có độ cao trung bình từ 500m so với mặt nước biển, phía bắc giáp Gia Lai, nam giáp Lâm Đồng – Đắk Nông, Tây là Campuchia, Đông giáp Phú Yên – Khánh Hòa. Đắk Lắk có diện tích tự nhiên gần 15 ngàn cây số vuông, thủ phủ là thành phố Buôn Ma Thuộc Một tỉnh cao nguyên điển hình với hàng trăm đồn điền cà phê, cao su nằm gọn trong 700.000 mẫu đất đỏ bazan mầu mỡ. Chính địa hình cao nguyên với hơn một triệu hecta rừng nguyên sinh đã tạo nên một khí hậu hai mùa mưa nắng tương đối ôn hòa. Nhiều người nói với tôi rằng hãy đi đi sẽ đến hãy nhìn đi sẽ thấy một Đăk Lắk nguyên sơ kỳ bí của núi sông rừng thẳm, của vùng đất mang tên các tù trưởng dũng cảm hay những cô gái Êđê miền sơn cước thuỷ chung xinh đẹp tựa như đóa lan giữa núi rừng Ea Kao...
2 giờ sáng, tôi tỉnh giấc khi mưa đã tạnh, tôi đoán mình đã đi xa lắm về phía đại ngàn... xe im lắm, chỉ có tiếng máy xe rền rĩ đều đều chán ngắt. Mọi người bị đánh bại bởi cái mệt mỏi ngửa ngiêng la liệt, dựa vào nhau mà ngủ. Sương mù tràn xuống phủ trùm lấy vạn vật đồi núi rừng thông, nhà cửa... sương mù lẩn quẩn hư thực giữa bốn bề trời đất. Sương mù không chỉ đem tới cái ẩm ướt khó chịu mà còn kéo theo sự nguy hiểm tầm nhìn giới hạn. Nhìn ngang nhìn ngược nhìn xuôi tất cả đều thấy một màn sương mờ đục, ánh đèn xe pha lên vàng vọt chỉ đủ xuyên thủng được chút ít cái thâm u mù mịt ấy. Xe vẫn lao nhanh trên con đường dài và hẹp... đường đèo ngoặt chữ “chi” liên chi hồ điệp. Những cái “khủy tay” khúc khuỷu được đặt những chiếc đèn pha phóng ra thứ ánh sáng trắng nhờ nhờ. Hình như cũng chưa yên tâm người ta làm thêm vô số gờ giảm tốc trên mặt đường khiến cho ai đến đấy cũng phải tâng lên rớt xuống giằng xóc như muốn nôn ra hết những gì có trong bụng. Nhìn hai bên đường, tôi không thấy chi cả ngoài bờ đất chạy dài, những hàng cây im lìm trầm mặc kéo liền một dãy. Đôi khi xe chậm hẳn bò rì rì qua từng mét đường, đôi khi xe ngả nghiêng vút đi, tôi nhìn đăm đăm ra phía trước bất giác sờ sợ, thấy mình đang lao hun hút vào một vùng xoáy không đáy. Cũng có lúc tôi thấy một vầng sáng lóa lên rọi từ phía bên kia đèo chẳng khác gì nan quạt hào quang gạt đi tất cả bóng tối đặc trưng của rừng núi canh khuya đại ngàn. Phải lâu lắm, mới thấy vùng sáng bóng đèn cao áp thủy ngân vàng vọt thậm thụt trong màn sương mù dày đặt. Những bóng nhà trầm tư dưới tàn cây vật vờ. Tôi chỉ có thể nhận được hơi hướm con người qua cái bóng đèn ne-on chiếu sáng một khoảnh sân con con bên đường. Bóng tối đã thành công trong công việc gieo vào lòng người nỗi sợ hãi...
Bạn tôi ở Kar2, đã từng rong ruổi suốt đêm trên chính con đường này bằng xe máy, nói rằng thỉnh thoảng ở đây vẫn thấy có bọn cướp cạn mò ra chặn xe để xin tiền mãi lộ vì thế cánh tài xế phải mang theo vũ khí lận lưng để tự bảo vệ mình và hành khách. Nghe như thế ai mà chẳng lo lo.
Tôi thầm niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, vị Bồ Tát mang bóng dáng người mẹ hiền với hạnh từ bi vô cùng. Vị Bồ Tát có khả năng cứu thoát con người khỏi những tai nạn, sợ hãi bất an. Quán chứ không phải quan, Quán Thế Âm là lắng nghe âm thanh đau khổ của trần thế bằng tất cả năng lực các giác quan với tình yêu thương không bờ bến. Mọi người có thể sẽ cười tôi, thời buổi này ai lại tin vào những điều huyền hoặc ấy. Đấy là niềm tin, không phải niềm tin hão huyền vào một vị thần linh xa vời nào đó mà tin rằng tình yêu thương vẫn còn tồn tại và loài người cuối cùng vẫn còn giấu trong trái tim minh một chút gì đấy cho nhau....
1 GĐPT là viết tắt của Gia Đình Phật Tử một tổ chứ hoạt động thanh niên được thành lập cách đây hơn 60 năm hoạt động với mục đích: “Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật tử chân chánh góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”
2 Kar: Là cách nói tắt của người dân Đắk Lắk khi gọi huyện Êa Kar. Huyện Êa Kar cách Buôn Ma Thuột gần 60 km theo quốc lộ 26 về phía Đông.
Phần 3 - Vùng đất huyền thoại
Tôi đã không định viết tiếp thiên ký sự này nữa vì tôi thấy cảm xúc mình mất dần đi cái trầm tư ban đầu... Thời gian là thứ thuốc thần hiệu chữa lành mọi vết thương.. khi vết thương đã lành, người ta không còn thể nào cảm được cái đớn đau cũ nữa. Cố gắng đến mấy cũng là khiên cưỡng, miễn cưỡng viết thêm về nó là dối lòng, dối trá chỉ gieo vào lòng người sự thương hại. Một người bạn thân nói với tôi rằng... Vi ơi sao mà đọc Ea phê ký sự thấy buồn quá! Cái buồn man mác thấm tận trong lòng... Tôi thấy đúng thật, mình vô lý... đem cái trầm tư riêng mình đặt vào cuộc vui chung. Tôi quyết định chỉ viết về những niềm vui, viết về núi rừng cao nguyên lẫn khuất tiếng cười cô gái Êđê giòn tan trong gió....
Chỗ tôi ở - nhà chị Hường - là xã Ea Phê thuộc huyện Krong Păk cách Buôn Ma Thuột 38km đi về hướng Đông. Từ đây nếu tiếp tục đi về hướng Đông theo quốc lộ 26 thêm khoảng 140 cây số nữa qua Ma Đ’rắk ta sẽ ra đến Nha Trang thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa. Người dân nơi đây nói rằng từ đây nếu đi ngược về thành phố Buôn Mê Thuộc, rồi rẽ về quốc lộ 27 theo hướng Đông Nam xuyên qua huyện Krông Ana và huyện Lắk – nơi có thắng cảnh nổi tiếng hồ Lăk– vượt qua dãy núi Chư Yan Sin [1] hùng vỹ đi vào tỉnh Lâm Đồng ta hoàn toàn có thể về Đà Lạt để hưởng cái không khí lành lạnh đặc trưng của một thắng cảnh du lịch nổi tiếng bậc nhất cả nước.
Nhà chị Hường, một căn nhà tường kiểu xưa xây theo lối ba gian một cháy lợp ngói bằng thứ đất sét nung đỏ truyền thống, chẳng cần đến một lớp la – phông vẫn mát lạnh như thường. Trước nhà là khoảnh sân rộng mênh mông tráng xi măng nghe đâu trước đây khi còn trồng cà phê nhà chị dùng để phơi hạt mỗi khi đến mùa thu hoạch. Phía trước khoảnh sân ấy, dọc theo cái hàng rào bằng lưới sắt B40 nhà chị trồng ít đậu bắp, dây nhãn lồng dại một giàn mướp trổ hoa vàng óng ả. Cái hàng rào xanh tự nhiên ngăn cách căn nhà với con đường bụi đỏ. Phố núi đã yên mà nhà chị còn yên ắng hơn nữa. Sau nhà tôi thấy đủ thứ cây trái mà bất cứ một người dân thành thị nào cũng mê tít mắt, sầu riêng, vú sữa, cam, ổi... Đó là chưa kể cái mơn mởn của những thứ rau dân dã, mộc mạc như rau má, càng cua mọc lên xanh rì tràn lan trên những lối đi mòn và hẹp. Ở góc vườn mấy cây ớt hiểm sẻ loại trái nhỏ vị thơm tho cay xé lưỡi cũng vươn lên trổ hoa trắng li ti nõn nà...
Sáng sớm hôm đó (ngày thứ nhất) tôi cùng những người bạn thả bộ nhàn tản trên con đường liên xã trong cái nắng nhẹ nhàng của buổi bình minh để ra chợ. Rời xa thành phố bụi bặm tôi hít một hơi căn phồng lồng ngực cái không khí tinh khôi và cảm thấy nhẹ nhõm thư thái biết dường nào. Chợ xã không lớn lắm nhưng hình như cũng đầy đủ không thiếu thứ gì, cũng đông vui ồn ào như bản chất vốn có của... chợ. Thi thoảng trên con đường nhựa lấp lóa ánh nắng mai vài người phụ nữ dân tộc M’nông vai điệu gùi ngô, khoai đi thoăn thoắt lẩn khuất vào những tàng cây xanh ngắt. Tôi len lỏi vào chợ ăn sáng bằng món mì Quảng và nhận ra rằng nó là sự pha lẫn của đặc sản miền Nam, xứ Quảng và hương vị đậm đà vùng sơn cước.
Mười giờ sáng, chúng tôi xuất phát đi ngược về thành phố Buôn Ma Thuột... con đường ngập tràn nắng, nắng cao nguyên buổi sáng không gắt lắm nhưng đó là thứ nắng "quái" rát mặt làm đôi gò má cô gái vùng cao hây hây sắc đỏ tươi thuần. Bạn tôi, một đứa con trai đai ngàn, nói rằng: "Đi Đắk Lắk là phải thăm bảo tàng các dân tộc, ghé vào Buôn Đôn ngắm nghía voi rừng, du thuyền độc mộc trên hồ Lắk thơ mộng và đi qua cầu treo sông Sereppok kỳ vĩ. Đêm ở Buôn Ma Thuột, thưởng thức ly cà phê nóng đậm đặc đến ngây người thả hồn theo làn khói sương lãng đãng hay nhâm nhi chút rượu cần cho thấm thía chất núi rừng Tây Nguyên. Tao sẽ chở mày vào buôn Ea Nho, ghé nhà H’Lai Niê để mua một chóe Pa, chóe Tuk rượu cần nấu bằng gạo tẻ, đằm thơm say nồng và ngồi nghe A ma công kể chuyện sắn bắt voi rừng" Tôi nương vào đấy tưởng tượng rất nhiều về cao nguyên huyền hoặc... Chắc chắn tôi sẽ không có dịp đi hết những địa danh thắng cảnh ấy trong chuyến đi này. Hai ngày là không đủ để khám phá một vùng đất quá nhiều truyền thuyết bí mật. Tôi nói với Giao rằng... nhất định anh sẽ quay lại đây, nhất định anh sẽ rong ruổi bằng xe máy để thăm bằng hết không bỏ sót một ngóc ngách nào của vùng đất huyền thoại Đắk Lắk
Phố núi không đón chúng tôi bằng cái nắng oi ả và màu trắng xóa bạt ngàn hoa cà phê. Mùa này cà phê đã ra trái, khắp nơi xanh rì một màu lá cà phê điểm tô bằng những dây trái xanh trái đỏ xòe ra mọng chín đang chờ bàn tay con người đến hái. Cách Buôn Ma Thuột khoảng 18 cây số chúng tôi quẹo vào con đường nhỏ, quanh co lẩn khuất giữa những vườn cà phê, dưới những tán cây cao vút thẳng đều tăm tắp mắt lạnh người và đi thêm 2 cây số nữa ra đến vùng hồ đẹp mê hồn... Không phải là hồ Lắk quê hương của câu chuyện cổ, truyền thuyết về mối bất hòa giữa nước và lửa, về tấm lòng của anh em Y Lắk với đại ngàn và cuộc chiến đấu giữa rồng, lươn ác liệt hơn bảy ngày bảy đêm rung chuyển cả núi rừng, mịt mù cả dòng sông Krong Ana.
Hồ Ea Nhái khiêm nhường nằm nép mình dưới những tán cây rừng... mặt hồ phẳng lặng trong veo phản chiếu những đám mây trời đủ thứ hình thù kỳ quái trôi vô đinh... chúng tôi đi dọc theo bờ hồ, thật ra đó là một con đê dài, ngăn cách một bên làn nước trong veo, một bên hõm sâu xuống là rẫy lúa xanh xanh trải dài ngút mắt... Cuối con đường người ta thiết lập một cửa xả bằng thép để điều tiết thủy lợi phía hạ nguồn. Từ trên đê nhìn dọc theo bờ hồ xa thật xa thấy thấp thoáng bóng người nhỏ thẫm như dấu chấm than dưới nắng. Nghe thật sâu trong mạch đất vọng về tiếng sóng nước vỗ man mác gợi nét đằm sâu bền chặt tình yêu thảo nguyên. Từ trong tán rừng thưa, một đàn chim bay ra lượn một vòng in bóng hình trên bầu trời xanh, chúng dang dôi cánh bé xíu kéo giãn mây trời thêm rộng. Đôi cánh chim cứ mãi thênh thang chập chờn trong lòng tôi không mỏi.
Chia tay với hồ Nhái, ngược về Buôn Ma Thuột chúng tôi đi giữa tán cây muồng đen cao chót vót trổ từng chùm hoa sắc vàng dịu dàng. Ở vùng này người ta trồng cà phê lúp xúp núp tránh cái nắng oi nồng dưới những tán cây muồng đen cành lá sum xuê, thân cao lớn có khi đến hai ba mươi mét. Càng đến gần Buôn Ma Thuột, cà phê càng ít đi thay vào đó là rẫy mì, rẫy ngô chen lẫn những mẫu cao su thẳng đều tăm tắp. Chị Hạnh người đi chung xe với tôi nói rằng cao su vùng này còn bé lắm phải vài năm nữa mới đến ngày thu hoạch nhưng một khi đã trưởng thành thì có thể lấy mủ trong vòng vài ba chục năm. Cao su là giống cây mọc ở Nam Mỹ dọc theo sông A-ma-zôn có tên gọi gốc là Hévéa. Cách đây gần 10 thế kỷ, thổ dân Mainas sống ở đây đã biết lấy nhựa của cây này dùng để tẩm vào quần áo chống ẩm ướt, và tạo ra những quả bóng vui chơi trong dịp hội hè. Họ gọi chất nhựa này là Caouchouk, theo thổ ngữ Mainas nghĩa là “Nước mắt của cây”.
Sau này tôi biết được người có công đầu tiên đưa giống cây giàu tiềm năng kinh tế này vào Việt Nam là bác sĩ Yersin. Những cây cao su đầu tiên xuất hiện ở nước ta được trồng ở vườn thực vật Sài Gòn vào năm 1877, lấy giống từ Singapore nhưng không cây nào sống. Đến năm 1897, dược sỹ Raoult đã gửi hạt giống và một số cây con từ Java (Indonesia) để gieo trồng tại vườn thí nghiệm ông Yêm (Thủ Dầu Một); Đồng thời bác sỹ Yersin cũng đã nhận được một số cây con đem trồng tại suối Dầu trong phần đất của viện Pasteur Nha Trang. Sau đó bác sỹ Yersin nhập nhiều hạt giống từ Srilanka để thành lập đồn điền cao su đầu tiên ở nước ta.
Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột
Người ta đang trải nhựa con đường Nguyễn Văn Cừ nên khói bụi mù mịt. Song khói bụi không thể làm lu mờ đi cái màu tím liêu trai đậm đà của những bóng Hoa Ban Tím. Ban đầu, khi ở xa chị Hạnh thét lên:“Triết ơi bằng lăng tím kìa!”. Khi đến gần tôi nói với chị Hạnh: “Hoa Ban Tím chị ạh”. Màu tím Hoa Ban không đậm đặc như màu tím hoa sim, những cũng không nhẹ nhàng tựa màu tím bằng lăng… nhưng màu tím của những nhánh Hoa Ban Tím đủ gieo vào lòng người một chút lãng mạn một chút suy tư… Hoa Ban Tím là cái tên văn vẻ kiêu sa, khi còn nhỏ tôi vẫn gọi nó cái tên rất dân dã bình dân “cây móng bò”. Hoa Ban Tím là giống cây thân gỗ thấp, lá to, tán rộng hoa lại đẹp thuần khiết, nhờ ưu điểm đó mà ngày nay ở Sài Gòn người ta bắt đầu trông Hoa Ban Tím dọc theo con đường Lý Thái Tổ từ Ngã Bảy chạy dài tới bệnh viện Nhi Đồng, cứ mỗi độ ra hoa con đường lại được điểm tô bằng cái màu tím dung dị lạ thường.
 Hoa Ban Tím
Đi hết đường Nguyễn Văn Cừ, rẽ trái theo đường Nguyễn Tất Thành, một trong những trục đường chính đẹp nhất đi ngang qua bưu điện thành phố chúng tôi đến tượng đài chiến thắng – niềm tự hào của Buôn Ma Thuột. Thành phố Buôn Ma Thuột, đến lượt nó, là niềm tự hào của người dân cao nguyên. Buôn Ma Thuột là thủ phủ của Tây Nguyên có số dân đông đúc sầm uất, là trung tâm hành chánh văn hóa kinh tế toàn vùng. Tên gọi Buôn Ma Thuột xuất hiện từ khi nào không ai rõ, chỉ biết rằng, thuở xa xưa khi núi rừng Chư Yan Sin còn liền một dãy vùng đất này không một bóng người, họa chăng có dấu chân của đàn voi, bầy sói. Vị tù trưởng Êđê dũng cảm Y Thuột dựng cái nhà rông, phát nương phát rẫy, lập buôn bên dòng suối Ea Tam. Bàn tay, ý chí con người khiến thần núi thần rừng nhường bước, dân làng chặt cây làm nhà, tỉa bắp làm nương, kết lá rừng làm áo, quần tụ nương tựa vào nhau. Buôn A ma Y Thuột – làng của người cha vĩ đại tên Thuột – gọi tắt là Buôn Ma Thuột là cách người Êđê tự hào về buôn làng mình giữa miền hoang dại.
Trong đoàn, trừ chị Hường – người dân bản địa – tôi và chị Hạnh có lẽ là người biết nhiều nhất về Buôn Ma Thuột. Tôi và chị đã loanh quanh không biết chán, lang thang trên những con đường của thành phố, rong ruổi dọc theo những con đường nho nhỏ xinh xinh, nhìn ngắm những căn nhà phố núi khép mình dưới những tán cây và mơ ước nếu không phải lo toan mưu sinh kiếm sống thì không gì tuyệt bằng ở tại nơi này, giữa đại ngàn thẳm xanh. Tôi thầm nghĩ nếu nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn xinh xắn người yêu ngồi uống cà phê nghe tiếng chuông nhà thờ leng keng trong một chiều Buôn Ma mờ sương lạnh chắc chắn mình sẽ làm nhạc sĩ hoặc chí ít cũng là ... nhà thơ lãng mạn. Buôn Ma Thuột không phải là Sài Gòn nhưng khi nhìn con đường Nguyễn Tất Thành rộng thênh thênh tôi nhớ đến con đường Lê Lợi và yêu biết bao Sài Gòn. Thỉnh thoảng tôi bắt gặp một góc Sài Gòn náo nhiệt nằm gọn trong lòng Buôn Ma. Buôn Ma Thuột cũng chẳng phải Hà Nội, song chị Hạnh một người yêu Hà Nội tha thiết, nhìn những hàng hoa sữa lặng lẽ nép bên đường lại nhớ đến mùa đông Hà Nội... nhớ đến nhạc sỹ Phú Quang và tấm chân tình của ông với Hà Nội:"tôi thường nghĩ về hạnh phúc như một thoáng chợt hiện chợt tan. Sau khoảnh khắc hạnh phúc là nỗi trống vắng đến tận cùng, nhất là khi cảm giác ấy đến với ta trong một đêm mùa đông Hà Nội, khi ta trở về một mình trong cái rét đến tái tê và căn phòng vẫn thoảng mùi hương hoa sữa như một điều có thực mà cũng như một điều không thực...". Không thể nào cắt nghĩa được, đó là thứ tình cảm riêng tư, rất trong sáng mà người ta gọi là quê hương. Buôn Ma Thuột vẫn là Buôn Ma Thuột, sự so sánh chỉ làm đẹp thêm phố núi vốn đã mê hoặc kỳ bí.
Trưa lắm rồi. Trời vẫn lồng lộng nắng gió! Thị trấn Ea T’Linh[2] đón chào chúng tôi bằng sự mệt mỏi và cơn đói cồn cào. Nhưng không chỉ có vậy, tất cả sự mệt nhọc tan biến khi con đường đến thác Dray Sap dần dần lộ diện. Cao nguyên huyền thoại đã không phụ lòng người du ngoạn. Một cung đường vòng vèo không thể nào vòng vèo hơn được nữa, cứ cong qua vẹo lại làm xiếc khiến người điều khiển xe máy cũng phải lượn lờ rã rời đôi tay. Con đường hồng hào bụi đỏ nằm vắt vẻo trên một cái nền màu xanh lơ. Một bên là đồi, đồi và đồi, hết ngọn đồi này đến ngọn đồi khác; một bên là dòng Sereppok đỏ ngầu vờn lên một nỗi tức giận mơ hồ uốn lượn men theo con đường quanh co như bóng với hình. Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống, thấy thung lũng lưa thưa những cây bụi thấp xanh thẫm không đủ che lấp màu đất đỏ. Khắp nơi phủ một màu bụi đỏ, bụi đỏ vướng víu theo những vòng xe, bám lên áo quần, sền sệt trong những vũng nước đọng lại bên đường. Người dân nơi đây đã tìm ra thứ đất sét đỏ đèn bên bờ sông Sereppok để làm gạch, họ xây những lò nung đỏ quạch hai bên đường. Còn tôi đến đây không tìm thứ đất sét gắn chặt với cuộc đời người thợ đóng gạch, mà đi tìm thứ đất đỏ vấn vương làm hồng đôi má đôi môi cô gái vùng cao, làm mỡ màng những vườn tiêu vườn cà phê sai trái trĩu hạt và nhất là thứ đất đỏ thắm bền chặt trong trái tim người dân Buôn Ma Thuột. Thứ đất ấy càng nung càng thắm mãi lên một màu đỏ âm âm huyền ảo.
Thác Dray Sap
Con đường lên dòng thác Dray Sap cũng thay sắc đổi màu lẹ làng như thời tiết giao mùa từ sắc vàng mùa thu sang sắc trắng của mùa đông, rực rỡ khi xuân về và hồng hào mỗi độ con ve sầu kêu rả rích. Vượt qua những đám bụi đỏ mù con đường khoát thêm tấm áo choàng xanh xanh màu lá điểm tô bằng những đóa hoa chôm chôm trắng toát mà ban đầu tôi cứ tưởng đâu là hoa cà phê tung cánh phủ mờ...
Vòng xuống những bậc thang, khập khiễng vượt qua trùng điệp đá mát lạnh dưới tán cây rừng. Dòng thác Dray Sap hiện ra hùng vỹ và đẹp mơ màng hư ảo. Ấn tượng đầu tiên là đá, đá rải dọc bờ thác, có đoạn tương đối ngay ngắn bằng phẳng, có đoạn vung vãi tung tóe như thể một con quái vật nào đó ném chúng ra trong cơn giận dỗi cùng cực. Dòng nước khá rộng, ven bờ nhiều lùm cây cao tỏa bóng mát rười rượi. Thác nước không tập trung mà tỏa ra chia làm năm bảy ngã đổ xuống, ầm ì mải miết reo vang muôn thuở giữa đại ngàn thẳm xanh. Đứng dưới nhìn lên ta thấy hơi nước mờ mịt bay như một lớp sương mù bao phủ ngọn thác, bao phủ du khách bao phủ cả núi rừng Krong Ana. Tôi hiểu vì sao người dân Êđê lại gọi đây là dòng Thác Khói bởi cái mịt mù hư ảo của khói nước mênh manh bàng bạc nỗi bất hạnh tình yêu. Dòng thác này, không gian này đã lưu giữ huyền thoại về chuyện tình đớn đau của cô gái H’Mi xinh đẹp như đóa hoa lan bên dòng Sereppok. Nàng H’Mi đã từ chối lời cầu hôn nhiều chàng trai quyền quý từ khắp các buôn làng Êđê, M’Nông để đến với người yêu cùng buôn tuy nghèo nhưng hiền lành, chịu thương chịu khó. Một hôm, H'Mi cùng người yêu đi thăm rẫy. Đường xa hai người dừng chân nghỉ lại bên một tảng đá lớn, bỗng có một con quái vật xuất hiện, đầu nó to như một quả núi, mắt nó đỏ như lửa, toàn thân quái vật sáng lóa lên, với những vẩy vàng, vẩy bạc... Từ trên cao quái vật lao xuống nhúng mỏ vào dòng nước, sau đó một cột nước khổng lồ dâng cao quét về phía cô gái, còn chàng trai bị nước ném xa lên bờ, ngất đi... Khi tỉnh dậy thì người yêu đã bị bắt đi mất. Quá đau khổ chàng trai hóa thành một cây to, rễ cây đâm sâu vào tảng đá, toàn thân cây phát ra những tiếng kêu than vãn, đau thương, nhung nhớ... Chỗ chàng trai đứng bây giờ là rừng cây trên bờ đá, còn chỗ quái vật lao xuống đá lở thành thác Draysap ngày nay…
Thác Dray Sap nằm chỗ giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, cách thị xã Buôn Ma Thuột 30 cây số về hướng Tây Nam theo quốc lộ 14 ngược về phía thành phố HCM, thác nằm giữa rừng nguyên sinh xa vùng dân cư nên không khí trong lành, vẻ đẹp tự nhiên và quyến rũ. Chúng tôi ngồi giữa những tán cây rừng, một bên là dòng thác, một bên là vách đá dựng đứng phủ đầy dây leo bao nỗi vất vả, nhọc nhằn bon chen trên đường tan biến tự bao giờ. Bữa cơm trưa nhanh chóng được dọn ra, chúng tôi chia nhau những ổ bánh mì trong tiếng cười nắc nẻ. Sau một hồi "chiến đấu" tận tình bánh mì thịt nguội được cất kỹ trong những bao tử lép xẹp, mọi người lim dim tìm chỗ ngả lưng giải quyết nhu cầu chính đáng… ngủ. Tôi cũng mệt mỏi và thèm một phiến đá phẳng phiu nhưng có cái gì đó ở nơi núi rừng này cuốn hút, lôi kéo tôi theo những lối mòn đi ngược lên đỉnh dòng thác. Con đường mòn trơn trượt, ẩm ướt bởi khói nước quanh năm suốt tháng. Mới đầu do không quen tôi trượt lên trợt xuống mấy lần đến nỗi phải rón rén cởi giày. Tôi cứ nghĩ khổ thân hóa ra lại là diễm phúc, đã lâu lắm rồi không có cảm giác nhồn nhột nghe thứ đá thô ráp sắc nhọn xoa nhẹ lòng bàn chân. Con người thật lạ lùng, chính ngày xưa vì sợ bàn chân bị trầy xướt người ta nghĩ ra đôi dép đôi giày, dáng này kiểu nọ rồi cũng đến lúc phải đi mát – xa chân để chữa bệnh. Đôi lúc tôi nghĩ (hơi buồn cười) sao không bỏ quách đôi dép trần chân đi lại có phải hay ho không nhỉ? Liệu pháp kỹ thuật đâu có bằng liệu pháp thiên nhiên… con người đã quên mất bà mẹ thiên nhiên vĩ đại đã sản sinh ra nhân loại. Khi đã quen dần với sự trơn trượt, tôi leo thoăn thoắt và mở ra cho mình một cánh cửa một góc nhìn mới mẻ về dòng thác Dray Sap. Ở phía hạ nguồn dòng hung hãn bao nhiêu thì trên thượng nguồn nó hiền lành bấy nhiêu. Trái với sự tưởng tượng của nhiều người dòng sông Sereppok đoạn không sâu lắm có chỗ chỉ cạn đến hơn mắt cá chân nước chảy hiền hòa trong vắt… một nhánh khác nước chảy xiết hơn, tôi thấy toán học sinh vượt ngang dòng nước dắt díu nhau đi ra đến tận bờ đá chỗ dòng nước bắt đầu đổ xuống. Đứng ở đấy mà nhìn xuống cảm giác như mình trên đỉnh cao đạp dưới chân mình cả dòng thác hung hãn tung bọt trắng xóa, cả núi rừng xa tít tắp không không điểm dừng sảng khoái biết bao. Điều ngạc nhiên hơn ở vùng núi heo hắt này mà bà con dân tộc vẫn tỉa ngô trên những khoảnh đất nho nhỏ xen lẫn giữa thác đá và những tán cây rừng…
Chúng tôi đi trở ra qua cầu treo bắt ngang dòng thác, luồn lạch giữa những rẫy ngô đã thu hoạch chỉ còn trơ lại thân xốp vàng hoe, thấp người qua những bụi tre gai chằng chịt để đến chân thác… Ở đây, khói nước còn mù mịt hơn trước, bụi nước li ti bám đầy người, đọng trên quần áo long lanh trên những mái đầu. Tôi, Huấn và anh Trị nổi hứng trẻ con thi nhau thét thật to đọ sức với tiếng nước ầm ầm tuôn chảy… nghe đã điếu trong lòng. Nắng lên. Bất chợt một dãy màu sắc hiện lên rạng rỡ, mờ ảo trong tầng tầng lớp lớp khói bụi. Tuyệt đẹp! Cầu vồng! Cầu vồng sau mưa hẳn đã gieo vào tâm trí tuổi thơ những ước mơ, kỳ vọng. Cầu vồng dưới chân thác Dray Say khi tỏ khi mờ gần lắm, gần đến nỗi tôi cảm tưởng có thể tóm chặt chúng trong đôi bàn tay mình. Tôi đưa tay ra song chỉ chạm vào hư không chẳng thể nào nắm bắt được vẻ đẹp kỳ ảo của cầu vồng. Không phải sau mưa hay khi nào hửng nắng dưới chân thác Dray Sap mới có cầu vồng. Cầu vồng là ánh sáng, ánh sáng tràn ngập khắp nơi nơi. Nắng chỉ làm rực rỡ thêm vẻ đẹp tự nhiên của ánh sáng. Cũng giống như tình yêu, không phải không nói ra là không tồn tại, có những thứ không thể cầm nắm, không thể nhìn thấy, không thể nếm trải nhưng nó vẫn hiện hữu và người ta chỉ có thể lắng nghe bằng nhịp đập trái tim mình...
Chiều dần buông, bóng chiều dâng nhẹ lên dần từ sắc áo đại ngàn. Chân trời đằng tây níu kéo một góc mây rán đỏ cực đậm. Nhưng rồi cả đất trời chuyển dần sang màu lam, một màu lam sâu sắc và thủy chung, nó diễn tả đúng cái chất của rừng núi Đắk Lắk. Cái màu lam đẹp đẽ ấy không tồn tại lâu, chuyển sang màu chàm rồi màu tím thẫm một niềm im lạnh. Tôi bật đèn và nhận ra... xe không đèn pha, chỉ có hai chiếc đèn xi-nhan nhỏ xíu như hai con mắt le lói trong đêm. Đường đèo lạ lẫm bắt đầu tối đen. Tôi ngán nhất là những chiếc xe đò ngược chiều trong đêm, không biết bác tài có thấy được hai cái đốm sáng le lói không mà cứ lấn trái, khi đó tôi vội đánh xe sang phải đôi lúc tràn cả xuống lề. Thỉnh thoảng, một chiếc xe máy cùng chiều vượt lên tôi ngó ngang nhìn những gương mặt chờn vờn nhờ thứ ánh sáng hắt ra từ ánh đèn pha. Tôi và chị Hạnh dò dẫm chạy cô đơn trong màn sương lạnh buốt. Không gian xung quanh đặc quánh lại nhất là khi chúng tôi đi ngang những mẫu cao su thâm u trong đêm. Đường không xa lắm nhưng chính sự mỏi mòn khiến con đường dài ra vô tận...
[1] Chư Yan Sin là đỉnh núi cao nhất của Đắk Lắk cao 2.442m
[2] Ea T’Ling là thị trấn thuộc tỉnh Đắk Nông giáp ranh với Đắk Lắk.
Phần 4 - Trăng miền sơn cước
Sáng ngày thứ hai, tôi thức dậy sớm, làm vài động tác thể dục đơn giản, có một động tác Yoga tôi học lóm trên tivi. Làm không giống lắm, người khác nhìn chắc buồn cười! Mọi người vẫn chưa thức dậy, không gian tràn ngập một niềm im lặng. Thoang thoảng trong không trung cái gì dìu dịu, nhẹ nhàng, thanh thoát. Hương gì thế nhỉ? Thơm tho, khi mờ khi tỏ phảng phất lướt qua như hương tóc cô gái bước đi lòa xòa trong gió. Nguyệt quế - nhà chị Hường hay trông mấy thứ hoa linh tinh trước hiên nhà trong đó một bụi nguyệt quế. Cái loài hoa chi lạ rứa? Chỉ tỏa ngát khi đêm về, sáng ra khi ông mặt trời chưa thức giấc nó đã vội giấu hương thơm đằm thắm lẩn vào những cánh hoa trắng muốt xinh xinh. Tôi nhẹ mỉm cười bước chầm chậm ra sân nhớ đến một bài thơ của Lam Hồng…
Biết ngày bận chẳng về thăm
Nên em dâng chút hương thầm về đêm
Ngày còn khi nhớ khi quên
Đêm, hương thầm mới là riêng của mình.
Thinh không bảng lảng, mơ màng, chẳng phải sương mù cũng không mưa thành hạt, nhưng ẩm ướt, cảm giác như không gian giăng đầy một màn nước li ti mát lạnh. Cả đêm không nghe mưa, sáng ra giàn mướp trước sân sóng sánh hoa vàng, hơi sương đêm lăng quăng đọng thành từng giọt trên những cánh hoa, viền quanh mép lá, long lanh như giọt nước mắt của đêm chờ đợi tia sáng mặt trời để hóa thân trong một phút giây huy hoàng. Bất chợt một đàn chim sẻ nhỏ vụt qua cất tiếng chút chít buồn bã bay xa không để dấu vết gì trên nền trời trắng xám.
Chạy quanh sân vài vòng, tiếng là tập thể dục mà thật ra là để ngắm nghía vạn vật. Không hiểu sao khung cảnh trong sáng như tấm bình phong kia mở ra trong lòng tôi một nỗi buồn vô cớ bất chợt mà như đã tồn tại lâu lắm rồi, mơ hồ lại rất rõ ràng y hệt giọt sương đọng trên cánh hoa mướp vàng thoáng chốc mất hút vào hư không.
Tôi có thói quen uống cà phê và trà buổi sáng. Sáng nào không làm một tách cà phê một chén nước trà thấy thiêu thiếu chút gì đấy. Chút gì đấy không đến nỗi rung tay rung chân nhưng vẫn tí ti khó chịu trong mình. Tôi nấu nước định sẽ pha cho mọi người một ấm trà thật đậm đặc, song khi nước lăn tăn sôi Tiến rủ đi uống cà phê ở chợ Ea phê. Tôi châm nước vào ấm rồi bỏ mặc đấy lao vút ra chợ bằng xe máy làm ầm ĩ phố núi lặng im. Chúng tôi ngồi nhâm nhi tách cà phê cao nguyên nghe ba chị Hường nói chuyện. Dáng người ông cao lớn, tóc đã pha sương nhưng vẫn còn tráng kiện. Nhìn vẻ ngoài mạnh mẽ ấy người ta có thể mường tượng về một thời trai trẻ ngang dọc của ông. Bằng chất giọng sang sảng ông kể về những tay săn voi, về những tảng thịt voi nặng hàng chục kí được người Ê đê gùi ra chợ bán cách đây vài chục năm. Kỳ lạ hơn là cách chữa bệnh không theo một nguyên tắc y khoa hiện đại nào của thầy lang người dân tộc… những câu chuyện những truyền thuyết ấy làm cho vùng đất này thêm bí hiểm. Cà phê Buôn Ma Thuộc không ngoa, đậm đặc đến ngầy ngật, tôi uống được nửa tách đành bỏ dở phần còn lại. Ngồi trong quán dưới tàn bông giấy ngắm trời mây, non nước và nghe say mê những câu chuyện huyền hoặc.
Sau bữa ăn sáng, chúng tôi ngồi uống trà trên bộ salon vừa nghe tin tức buổi sáng. Khi uống trà, nhất là khi tách trà còn nóng hôi hổi, tôi có thói quen ôm chặt lấy thành tách để hơi ấm thấm vào lòng bàn tay, len vào từng kẽ tay. Đôi tay ấy áp lên má thì ấm áp biết dường nào. Một thói quen khác, gần như cố hữu, không bỏ được, tôi hay dùng cả lòng bàn tay để bịt kín tách trà, thưởng thức cái hương trà thơm nồng nàn trong lòng bàn tay chính mình. Tính ra tôi không phải là người sành về trà, cách uống trà của tôi cũng không điệu đàng như trà Nhật trà Tàu. Người Trung Hoa được biết đến như là người đầu tiên biết uống trà, người Nhật Bản có văn hóa trà đạo. Đạo là con đường, trong tiếng Hán chữ đạo gồm bộ xước (đi) và thủ (đầu) tức là đi tìm đến cái căn nguyên đầu tiên, uống trà là cái cớ để đi tìm cái căn nguyên đầu tiên, căn nguyên xuất phát từ tâm, bởi vậy trà đạo là thiền là trở về với con người thực tại. Bởi thế người Nhật cố tình tạo ra khung cảnh trà thất vách bằng thứ gỗ mộc, một bếp lửa nhỏ, một ấm nước, một bức tranh thủy mặc. Ngồi trong không khí đó, nghe tiếng nước lăn tăn sôi, dõi theo hơi thở, giữ tâm mình trong từng động tác nghi lễ. Ấy là trà đạo. Ấy là nương vào trà mà giữ đạo. Người Việt mình dạo gần cũng học đòi cách pha trà thanh tao người Nhật, buồn một nỗi là bắt chước mà không tới cốt tủy, được hình thức mà mất nội dung, đôi khi cầu kỳ dị hợm. Học hỏi giao lưu văn hóa tất nhiên tốt nhưng mình là người Việt phải giữ cái hồn dân Việt, uống trà theo kiểu người Việt.
Xưa nay trà là đạo.
Khát cứ việc uống thôi.
Nghĩ thêm trà với đạo.
Đầu thượng trước đầu rồi!
Kiểu người Việt đấy à vô môn, không lề lối quy cách gì cả, chỉ pha sao cốt tự mình uống tự mình thấy ngon. Thế là đủ… uống trà để giải khát, nghe hơi tầm thường đơn giản thật ra đó là cái nhìn phương tiện, tự do và sâu sắc.
Hết chuyện trà dư tửu lậu, chúng tôi đánh xe bon bon trên cung đường quen thuộc về Buôn Ma Thuột rẽ ngang đường Phan Bội Châu theo hướng Tây rồi đi thẳng về Buôn Đôn nằm bên bờ sông Sereppok. Trái với dự đoán, đường đi Buôn Đôn vắng tanh. Thỉnh thoảng xa xa, lấp ló trong rẫy ngô một ngôi nhà gỗ đóng bằng loại ván bạc thếch xẻ cẩu thả từ thân cây rừng vẫn còn nổi lên những mắt cây sẫm màu. Đúng là chỉ ở rừng người ta mới có kiểu làm nhà hoang phí bằng thứ ván xẻ loại này. Ở quê tôi, miền Tây, người ta làm nhà bằng lá dừa. Lá dừa khi còn tươi được đầm cho bằng phẳng rồi phơi khô, kết lại thành từng tép đùng để làm vách hoặc lợp mái.
Lâu lắc lại thấy đàn bò thong thả gặm cỏ bình yên hưởng nắng gió và mây trời. Vùng này người dân không trồng cà phê, khắp nơi màu lá cây khoai mì, lá ngô loang lổ miền đất đỏ, điểm tô màu vàng hanh hao của rẫy ngô hoang tàn sau mùa thu hoạch. Đi giữa khung cảnh nghèo khó cũ kỹ như vầy người ta không thể nào vui được, tôi hỏi chị Hường về nỗi băn khoăn dã quỳ của mình, tôi nặng nợ với vùng đất cao nguyên phần cũng bởi muốn thưởng thức màu hoa dã quỳ rực rỡ vàng. Chị bảo mùa này không có dã quỳ, không có dã quỳ vì dã quỳ là hoa báo đông, chiếc hàn thử biểu tự nhiên của đất trời. Cứ hễ hoa quỳ nở vàng khắp nơi trên đồi dưới lũng và nắng chuyển sang màu trong suốt vàng như mật là con người được mách bảo rằng, mùa thu đi qua rồi đấy, cái lạnh tê tái sắp sửa tràn về. Có kẻ quay quắt nhớ quê đã viết rằng, sống ở cao nguyên thì dù ở tuổi nào cũng không thể tránh khỏi nỗi rạo rực dã quỳ. Sương, nắng và cái mùi hăng hắc cúc quỳ dường như là chất keo tổng hợp níu kéo tâm hồn người xa xứ. Không có những rặng dã quỳ ken dày trên con đường đồi núi quanh co đại ngàn thiếu đi nét đẹp lung linh kỳ mỹ một sắc hoa rỡ ràng hoang dại. Biết rằng đó là tạo hóa tự nhiên bình thản sao lòng người du ngoạn cảm thấy đánh mất một thứ gì đấy quý giá vô cùng tiếc nối… tiếc nuối cho dã quỳ… tiếc nuối một bóng hình..hay tiếc nuối cho chính mình?
Đi về bên đồi vắng
Nghe dã qùy thở than
Tìm đâu trong chiều nắng
Dáng đông xưa mơ màng
Vẫn một màu hoa ấy
Còn trên đời, em – tôi
Mà xa nhau đến vậy
Xa mãi tận chân trời?

Thiên nhiên không trải màu dã quỳ vàng cháy triền đồi đền đáp bằng cách ban phát khắp nơi rung rinh thứ hoa cúc dại trắng tinh bé xíu, cành lá khẳng khiu vươn đầy bụi đỏ. Cúc Xuyến Chi, tôi vẫn thường gọi thế, tên một người con gái xinh đẹp bất hạnh tật nguyền biết yêu bằng cả tấm lòng trong sáng. Tình yêu con người đôi khi thật lạ, nó âm thầm tuyệt đối hơn cả dãy Chư Yan Sin hùng vỹ. Mỗi loài hoa có ý nghĩa riêng của nó, đó là thứ tình cảm thiêng liêng như mạch nước ngầm chảy dưới đất sâu. Nếu hoa cúc quỳ là biểu tượng của sự lạc quan, rạo rực sống thì hoa cúc dại là hình ảnh ngây thơ trong trắng. Những bụi hoa cúc, những cánh hoa trắng muốt rập rờn trong gió gieo vào lòng người nỗi sợ hãi mỏng manh dễ vỡ như khi người ta lỡ tay đánh rơi một chuỗi hạt lấp lánh pha lê…
Gần đến Buôn Đôn chúng tôi rẽ ngang đến địa điểm nằm sát bên bờ sông Sereppok. Khu vực này là sân sau tòa nhà ban quản lý rừng quốc gia Yokdon. Đứng bên bờ sông bên này mát lạnh người ngó sang bờ bên kia thấy điệp trùng một màu xanh ngắt. Tôi biết là chúng tôi rất gần biên giới, cảm giác đứng ở nơi tận cùng tổ quốc lúc nào cũng đặc biệt. Chúng tôi len lỏi dưới tán cây, leo trèo thoắt ẩn thoắt hiện trong đám rễ si lùng nhùng rũ rượi. Người ta cho xây mấy chiếc cầu cáp treo lát gỗ là đà trên mặt nước, vài căn chòi bằng ván xẻ trên những chạc ba chạc tư kín đáo. Nhưng dù sao cũng không giấu được vẻ điêu tàn không bàn tay người chăm sóc nên mục nát lạnh lẽo.
Dòng sông nơi đây không giống như con sông Tiền quê tôi. Con sông Tiền nước chảy hiền hòa rộng lớn ở đoạn hai bờ sông gần nhau nhất cũng phải hơn tám trăm mét, còn chỗ xây cầu Mỹ Thuận thì hai bờ cách nhau tròm trèm một cây số. Chính cái mạnh mẽ rực lửa của vùng đất cao nguyên đã tạo nên tính cách rất riêng của địa hình địa vật nơi đây. Dòng Sereppok không thể nào bì được con sông Tiền về cái khoáng đạt rộng rãi nhưng bù lại nước chảy cuồn cuộn, réo rắt suốt đêm ngày về xuôi chẳng khi nào ngừng nghỉ. Sereppok không phải là dòng sông lớn nhất Tây Nguyên nhưng tính nết trái khoáy của nó thì không dòng sông nào có được. Khởi nguồn từ rừng quốc gia Chư Yan Sin cách thành phố Buôn Ma Thuộc khoảng 60 cây số về phía Đông thuộc địa phận hai huyện Lak và Krong Bong. Phía bắc rừng Chư Yan Sin là suối Ea K’Tour chảy theo hướng bắc nam nhập vào Krong Nô (sông đực), Krong Nô - đến lược nó - hợp lưu sông Krong Na (sông cái) rồi tất cả đổ ra Sereppok. Dòng sông đỏng đảnh uốn mình ngoằn ngoèo trên cao nguyên Đắk Lắk tạo ra nhiều thác nước đẹp mê hồn như thác Dray Sap, Dray Nur, Gia Long, Trinh Nữ… trước khi đi vào địa phận vườn quốc gia Yokdon, mải miết chảy về tây qua bên kia biên giới Campuchia. Sereppok là một trong hai con sông ở Việt Nam không đổ ra biển Đông. Con sông thứ hai là sông Đà nổi tiếng của vùng Tây Bắc đất nước chẳng xuôi về biển lớn mà ngược lên hướng Bắc qua biên giới Việt Trung từng được nhà văn Nguyễn Tuân nhắc đến trong tập bút ký Sông Đà.
Đến Buôn Đôn chúng tôi gởi xe rồi đi vào khu du lịch cầu treo bắt ngang dòng Sereppok. Dòng Sereppok ở đoạn này nước chảy không thật dữ dội, dòng nước lại hẹp, giữa dòng lại có một đảo nhỏ Eano. Bên này bờ sông có mấy cây si cổ thụ, cành lá lùm xùm vươn dài, đan chéo vào nhau bền chặt thân tình tưởng như không thể nào ngã được. Lợi dụng những nhánh si làm giá đỡ người ta dựng vài chiếc cầu treo bằng cáp sắt lát gỗ luồn lạch dưới tán si, liên thông và lơ lửng giữa không trung. Mới lần đầu dò dẫm lên cầu treo cảm giác là lạ. Đầu tiên là nỗi sợ hãi trước cái lắc lư chao đảo rất riêng, khi đã quen thân và bước chân đã dạn dĩ hơn mọi người lại thích thú vừa rung lắc vừa chạy thật nhanh trên cầu như những đứa trẻ con tinh nghịch. Giữa xanh um cành lá còn có những sàn gỗ phục vụ du khách nghỉ chân, ăn uống. Trưa, chúng tôi gọi một con gà, dĩa thịt heo rừng ít cơm Lam và trải chiếu ăn ngay tại chỗ. Trái với sự tưởng tượng của tôi, hơi thất vọng một chú vì người ta đã thương mại hóa món cơm Lam, làm mất đi cái chất dân dã núi rừng của món ăn đặc biệt này. Song đối với tôi đó chỉ là một chấm nhỏ trên tờ giấy, chúng tôi đã ngồi bên nhau nhấm nháp ché rượu cần, lắng nghe tiếng nước réo rắt dưới chân cảm nhận từng cơn gió từng tiếng xao động quanh mình…
Người dân bản làng nơi đây thật biết cách làm ăn. Anh chàng giữ xe cho chúng tôi, khoát bộ cánh bằng thổ cẩm đen hơn cột nhà cháy nói tiếng Kinh như gió và sẵn sàng: “Hello, can I help u?” với khách Tây balô. Mấy cô gái dân tộc đứng ở quầy hàng lưu niệm cười tươi như hoa bán hàng trông ra dáng bà chủ lắm. Ở đây còn có dịch vụ cưỡi voi với giá cả khá đắt đỏ, hai trăm nghìn cho một tiếng đi lòng vòng buôn Đôn (nghe đồn là còn cưới voi vượt dòng Sereppok), nếu du khách nào muốn đứng chụp hình chung với voi phải chi năm mươi nghìn để có mười lăm phút “riêng tư”. So với nhiều địa phương khác, Đắk Lắk có nhiều cảnh quan thay đổi tuyệt đẹp, đặc biệt là văn hóa dân tộc được hình thành từ hàng trăm năm qua mang bản sắc văn hóa độc đáo đặc sắc. Tuy nhiên phát triển du lịch như thế nào để vừa bảo vệ môi trường thiên nhiên hoang dã, vừa giữ được nét văn hóa truyền thống không phải là điều dễ dàng. Và tôi luôn mong mỏi rằng vùng đất này sẽ mãi giữ được cái trầm hùng vững chãi trước sự biến đổi của thời gian.
Chiều lắng lại, nhìn vượt qua những khoảng ruộng lúa chín vàng suộm, phía đằng xa tít tắm, ngọn núi im lìm trầm mặc chuyển dần từ màu lam sang màu tím sẫm rồi thẫm lại một cách huyền bí. Xa xa, trải dài trên sóng lúa và đỉnh núi đọng lại những bóng nắng chênh vênh, đỏ thẫm như những vệt son yêu kiều. Hoàng hôn lặng lẽ ùa về.
Gia đình chị Hường là một gia đình lớn hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cả nhà chị có mười anh chị em, chưa tính thêm dâu rể. Anh em hòa thuận và thương yêu nhau, và hình như đều có cơ ngơi ổn định, khá giả. Không ai nói ra nhưng ai cũng cảm nhận được cái không khí gia đình đầm ấm và thân thương đó. Chiều tối hôm ấy, nhà chị Hường mở tiệc khoản đãi mừng chị Hường vừa đậu cao học ngành xã hội. Trong buổi tiệc tôi quen biết được thêm anh Thảo và chị Tâm, hai người bạn thân nhất của chị Hường khi còn đi học. Anh Thảo là dân kinh tế, sau khi ra trường anh ở lại Sài Gòn làm sale xuôi ngược mấy năm trời… cuối cùng rồi anh cũng trở lại Eea Phe để làm cho một công ty hóa dược nào đấy. Tôi hỏi anh vì sao anh lại quay trở về nơi này. Anh bảo: “Ừ ở đấy có cơ hội thật, nhưng anh chán Sài Gòn lắm rồi, chán những buổi nhậu nhẹt cùng đối tác nửa đêm về sáng?”. “Còn gia đình?”. Anh cười vừa khinh bạc vừa xa vắng:“Cũng phải tính chứ nhưng mà…”. Sài Gòn với anh dầu gì cũng là đất khách, mà đất khách thì bạc lắm… hơn vôi nữa. Chỉ có nơi đây lúc nào cũng mở rộng vòng tay đón anh quay về. Anh không thể xa mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, hay có người con gái nào đấy mà anh không nỡ quên chăng? Anh không nói song tôi biết ba chấm lơ lửng ấy chứa đựng rất rất nhiều tâm trạng và trăn trở. Giống như giữa bầu trời và mặt đất lúc nào chẳng có khoảng cách, làm gì có đường chân trời. Con người tưởng rằng có thể bước lên trời bằng cách đi đến tận cùng mặt đất. Nhưng càng đi càng thấy bầu trời cao mãi lên, mặt đất rộng mãi ra và con người ngày càng cô đơn khi nhìn thấy vết chân chính mình.
Còn chị Tâm, tốt nghiệp Sư Phạm Quy Nhơn ngữ văn Anh 7 năm trong nghề và nhận ra cái nghề “gõ đầu trẻ” quá nhiều tiêu cực. Chuyện này tôi biết bởi đơn giản ba tôi cũng là nhà giáo… nhà giáo phó thường dân kêu không ai nghe, gõ cửa không ai mở mà ức quá hét lên thì cũng giống như mình tự chửi mình vậy thôi! Khi gặp tôi cũng là lúc chị đang rất lưỡng lự nửa muốn về Sài Gòn thử sức mình ở một công việc khác. Tôi nói chuyện với chị đôi ba câu… Chị bảo công việc ở đây ổn định đến nhàm chán, nhiều chuyện chướng tai gai mắt chẳng thể nào nói ra được, tóm lại mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh. Chị cũng biết ở Sài Gòn bấp bênh lắm… biết rồi mọi việc có suôn sẻ hay không? Người Sài Gòn như tôi có lẽ sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được hết nỗi băn khoăn trong lòng chị.
Hồi đó người chị họ lớn hơn tôi vài tuổi thời mới năm nhất học giỏi nhất trường nói như đinh đóng cột với nhà báo rằng: “Ra trường em sẽ về quê em công tác để xây dựng tỉnh nhà”. Năm chị họ tôi ra trường nhứt quyết bám trụ lại Sài Gòn dù cầm tấm bằng cử nhân loại xuất sắc cũng phải chạy vạy làm gia sư đầu này đầu kia phán một câu xanh rờn chẳng kém: “Về đấy àh! Đồng lương ba cọc ba đồng làm cái gì, cạp đất sống phải không!”…. Chẳng ai trách được, cuộc sống mà! Người Sài Gòn có câu: “Sài Gòn hoa lệ, hoa dành cho người giàu, lệ dành cho kẻ nghèo” để nói lên sự khắc nghiệt trong mưu sinh kiếm sống ở thành phố năng động bậc nhất cả nước. Nhưng người ta không biết rằng người Sài Gòn dễ mến, đất Sài Gòn bao dung. Sài gòn là nơi nuôi dưỡng những ước mơ… Tôi vừa cười vừa bảo: “Ở Ea Phê này không có người nào níu kéo hả chị?”. Chị cười lấp lánh: “Ờ thì cũng có nhưng… “. Lại ba chấm lửng lơ giữa dòng. Chị không nói thêm nhưng tôi đoán chị sẽ ra đi, mặc dù chị còn lưu luyến mảnh đất này lắm lắm. Miền đất này là nơi gắn bó máu thịt; nó là niềm hạnh phúc vô biên và cũng là chiếc vòng dây kềm tỏa con đường phía trước. Một người mệt mỏi trở về, một người hăm hở ra đi. Chẳng có ai đúng ai sai, không có con đường chung cho tất cả mọi người, chỉ có con đường riêng mà mỗi người phải tự mình chọn lấy và bước đi. Tôi nghe tiếng vọng mơ hồ phả về từ Sài Gòn phố thị rực rỡ đèn màu. Tiếng vọng ấy có sức hút đầy ma lực, không phải tiền bạc mà là khát vọng sống vươn lên.
Khuya, chúng tôi rủ nhau đi uống cà phê, ở Ea Phê, giữa núi rừng Đắk Lắk này không nhiều quán xá lập lòe biển hiệu, không phim hay, không cả những tiện nghi sang trọng. Chỉ có những quán cà phê lẻ loi bên đường cho những tâm sự vắn dài, những cuộc hàn huyên hạnh ngộ. Tôi không nhớ rõ tên quán là gì chỉ nhớ man mán nó mang âm hưởng và hơi hướm sân vườn Sài Gòn trong phong cách trang trí… xanh, đỏ, mờ, ảo… một ít nước non cây kiểng và những bản thư pháp thơ đường xướng họa. Thật là lạ ở thành phố đất chật người đông, người Sài Gòn thèm những khoảng không riêng tư, thèm một khoảng xanh giữa lòng bụi bặm mới cần đến cà phê sân vườn như một sự cứu rỗi và giải thoát. Đối với người Sài Gòn mà nói cà phê không phải để uống cà phê, cà phê là bù khú, tán ngẫu, là tâm tình nên cần lắm những khoảng lặng mộc mạc quê mùa. Còn ở đây, giữa lòng đại ngàn thẳm xanh, người ta lại chịu khép mình vào bốn bức tường vào cái không thật mang nhãn hiệu thật. Có điều chỗ ngồi chật hẹp nhưng ấm cúng, chúng tôi đã nói với nhau rất nhiều chuyện: tình yêu, gia đình… tranh luận sôi nổi chuyện rất thời sự nóng bỏng kiểu như chuyện dài giáo dục Việt Nam. Chỉ có Huấn không tham gia tích cực tự bỏ ra ngoài hóng gió. Giao nói nhỏ với tôi: “Em thích những người như vậy, biết sống vì bản thân mình”. Tôi mỉm cười đồng thuận. Đối với tôi, Huấn, Giao những người ngồi đây đã đang sẽ là bạn. Mỗi người một quê, một hoàn cảnh lẽ đương nhiên nhìn nhận sự việc hoàn toàn khác nhau. Họ và tôi phải duyên hạnh ngộ, điều đó chẳng phải đã tuyệt diệu lắm rồi sao. Còn mong gì hơn thế nữa!
Khuya, chúng tôi về nhà trên con đường vắng lặng không một bóng người trải đầy ánh trăng. Trăng mùng mười non lắm không thật tròn trịa nhưng đủ sức soi sáng những bóng dài lê thê. Một người nào đó thốt lên: “Ôi trăng! Chúng mình ngắm trăng nhé!”. Ý tưởng ấy được mọi người hưởng ứng nồng nhiệt… Chúng tôi ngoặc vào một con đường nhỏ lúp xúp dưới những tán cây tối sâm sẫm giữa ngập tràn im lặng. Cuối con đường, cánh cửa mở ra, dường như chúng tôi đang đi vào một thế giới khác. Cổ tích, thần tiên, mơ hồ, hư ảo… Tôi lặng người đi trong phút chốc, cảm giác rung động giống như cô gái mới lớn ngỡ ngàng nhìn thấy bạch hoàng tử phóng ngựa như bay từ giấc mơ xa xăm hư thực. Tôi đang đứng giữa cánh đồng lúa mênh mông ánh trăng… Trăng rải vàng sóng sánh trên ngọn lúa, thả rơi những sợi tơ nhỏ nhẹ dịu dàng khắp không gian và đổ lênh láng con đường chúng tôi đi thứ ánh sáng mờ nhạt run rẩy. Đêm lặng lẽ nhưng không cô tịch, bầu trời như tấm màn thêu xênh xang xám bạc. Gần xa mờ mờ bóng trăng khuyên khuyết hiện vẻ ôn nhu đằm thắm. Chúng tôi ngồi dưới trăng, trên những ngọn cỏ thẫm đen lầm lũi bên lề. Hư không chìm đắm trong cái vô tận của màn đêm của trăng của thảm lúa vàng một màu trăng không bến bờ. Trời lặng thinh không một chút gió, những ngọn cau tít tắp dang tay đứng im lìm in bóng tối đen trên nền trời. Khung cảnh hư huyền diệu vợi. Đêm yên ắng, chỉ có tiếng côn trùng rả rích vỗ về. Thoang thoảng đâu đây một mùi hương thơm thảo là lạ, hương lúa non, hương cỏ cây, hương sương khuya, hương của đất trời mùa thu cao nguyên… tất cả hợp lại thành bản hòa tấu âm âm từ ngút ngàn sơn mạch. Chúng tôi đùa cợt, kể nhiều câu chuyện vui, đôi khi phá lên cười sằng sặc. Tiếng cười vỡ ra như tiếng pháo mùa xuân đon đả xé toan màn đêm tịch mịch vẳng đi xa thật xa hòa vào ánh trăng. Trăng miền sơn cước càng đẹp bao nhiêu hạnh phúc càng lắng đọng bấy nhiêu, hạnh phúc nên khuya lắm rồi mà chúng tôi vẫn còn ngồi bên nhau để sương lạnh dần thấm vào lòng…
Ngày cuối cùng, đêm cuối cùng, những giờ phút cuối cùng, chỉ vài giờ nữa chúng tôi sẽ rời xa vùng đất cao nguyên huyền thoại. Ngày mai, rồi thành phố sẽ làm lãng quên tiếng đại ngàn vẫy gọi hoang dại; hoặc nếu nhớ, cũng chỉ là những ký ức buồn vui rời rạc. Nửa đêm về sáng, mọi người đã yên giấc, chỉ có tiếng con tắc kè cô đơn đùng đục trầm buồn thi thoảng cất lên quạnh quẽ. Đêm trước tôi đã nghe được thứ tiếng gọi bạn tình tha thiết này rồi nhưng đêm nay tự dưng gây cho tôi nhiều cảm xúc. Nó giống như tiếng kêu tuyệt vọng không hồi đáp đi vào cõi mênh mông nào đó, từa tựa như tiếng giọt nước rơi tõm xuống mặt hồ tan thành những vòng tròn lan đi, lan đi, lan đi rồi tan biến giữa điệp trùng sóng nước… tôi thiếp đi trong mơ màng…
Phần 5 - Ngày trở về
Sáng hôm nay bụng không được ổn lắm, dư âm của buổi tiệc tối qua vẫn còn hành hạ tôi. Vừa ngồi ăn sáng tôi vừa nghĩ về mớ bưu thiếp vừa mua chiều hôm qua để gởi cho bạn bè thành phố nhưng điều kỳ lạ là đi khắp hết các hiệu sách nhà sách ở Buôn Ma Thuột mà không nơi nào bán cả, họ chỉ có bưu thiếp thành phố Đà Lạt… Cuối cùng tôi phải mua một xấp “Cảnh đẹp quê hương” trong đó có tấm hình chụp bà cụ người dân tộc hút tẩu thuốc cười móm mém… dù sao vẫn mang hơi hướm cao nguyên. Huấn cũng nhờ tôi mua một xấp nhưng cuối cùng lại thôi vì bộ“Cảnh đẹp quê hương” tôi mua là bộ cuối cùng có tấm hình bà cụ hay hay ấy.
Chúng tôi vội vã lên xe về thành phố, mọi người đã cảm thấy nhớ nhà lắm rồi. Tôi thì không nhớ nhà, nhưng nhớ thành phố, muốn về thật mau. Cộng thêm có cái gì đó khiến tôi không muốn ở đây thêm một giờ phút nào cả, không phải vì tôi không yêu quý nơi này. Tình cảm ấy rất mơ hồ mà ngay cả bản thân tôi cũng không thể nào hiểu nổi. Tôi chỉ biết rằng nó đang hiện hữu rất thực, nó thôi thúc tôi bước đi gần như là một cuộc chạy trốn. Chạy trốn cao nguyên, chạy trốn dã quỳ, chạy trốn một ánh mắt trong sáng dịu dàng không dành cho tôi, và dường như chạy trốn chính bản thân mình nữa…
Trên xe tôi ngồi băng cuối, trong cùng là Giao. Giao mệt nên ngủ vùi, không hiểu vì sao tôi lại tỉnh, cả bản thân tôi cũng bất ngờ. Tôi đã ngồi nhìn ra cửa kính xe con con và gần như nhìn vào đấy suốt cả quãng thời gian ít ỏi còn lại. Đồi núi, rừng cây nhà cửa ban đầu là bảng lảng mở ảo trong sương dần dà trong sáng rõ ràng trong nắng sớm và gay gắt chói lòa buổi ban trưa… Tất cả cảnh vật ấy đều được thu vào tầm mắt song nó chẳng để lại ấn tượng nào đặc biệt trong tôi. Cũng giống như một bộ phim dở tệ chiếu qua trôi tuột và lẫn lộn vào trong những ồn ào xô bồ của một rạp chiếu phim tồi tàn. Nó không đọng lại sâu sắc như chuyến xe trong đêm hôm nọ. Tôi vẫn đùa “bóng tối thường đi đôi với tội lỗi” có lẽ giờ phải nói thêm “tội lỗi lúc nào cũng ngọt ngào khiến người ta không thể nào dứt ra được”. Chính nỗi u buồn sợ hãi chuyến xe trong đêm khi không biết mình đi đâu về đâu đã ghi dấu trong tôi. Khiến tôi không ngừng nghĩ về nó. Còn những điều trong sáng, những niềm vui, những tia nắng rạng rỡ mặt trời lại thoáng qua lóe lên rồi tan mất trong phút chốc.
Chuyến xe trở về im ắng lạ thường, mọi người đều ngủ, hoặc có thể là thức nhưng không muốn nói gì làm gì, họ đang chìm đắm trong thế giới riêng của mình. Tôi tự hỏi họ đang suy nghĩ điều gì? Rồi cũng tự cười mình điều đó có gì quan trọng không? Cuộc sống vẫn cứ thế tiếp diễn, xe vẫn lao đi cảnh vật vẫn nhòe nhoẹt lướt qua, không vẫn vô tư lướt qua nó chỉ bị phản ánh một cách méo mó qua cái nhìn của mỗi người mà nhất là qua cách nhìn của tôi - Một kẻ lữ hành lang thang và đơn độc.
Tháng 9/2006
Hồng Hòa Vi
Theo http://www.nguoiaolam.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...