Con ngựa già trên đồng cỏ thi ca
Tôi cùng nhà thơ Ngô Thế Oanh đi tìm nơi ở của gia đình Phùng
Cung để chuyển một chút tiền nhuận bút chùm thơ của ông đăng trên Tạp chí Thơ.
Xế trưa tháng sáu nắng hè như chan lửa. Ngọc Hà chi chít những ngõ hẻo chật hẹp.
Giống như bao phố làng Hà Nội. Tận cùng một trong những ngõ ấy, yên lặng khiêm
nhường bao bọc lấy ngôi nhà nhỏ một tầng. Nơi Phùng Cung đã mũ áo đi về với tổ
tiên. Chúng tôi xin phép thắp ba nén nhang bái lễ người quá cố. Một đời lận đận
và giác ngộ bởi văn chương.
Khi Phùng Cung cho in truyện ngắn Con ngựa
già của chúa Trịnh trên báo Nhân Văn 1956, Tô Hoài gật
gù giọng kể cả: “thằng này viết được. Nhưng còn hộc máu ra mới
nên cơm nên cháo đấy, con ạ.” Nguyễn Đình Thi thì bảo:
“T. C tức nhất Con ngựa già chúa Trịnh của Phùng Cung”. Trong vụ
Nhân Văn giai Phẩm, có 3 người bị đưa ra tòa xử tù. Đến năm 1961, Nhân Văn Giai Phẩm đã tàn cuộc
thì Phùng Cung bị bắt. Sau tác phẩm đầu tay con ngựa
già 1956, ông tiếp tục sáng tác một số truyện ngắn có mặt trong tập
Dạ Ký 1959 nhưng chưa được xuất bản. Tác giả Con ngựa già của chúa Trịnh nằm trong trại cải tạo 12 năm. Đến 1973 được
tha. Những tưởng nghiệp chướng văn chương đến thế là cùng và con đường
văn học của ông sẽ dừng lại ở đây. Nhưng con người ta ở đời này đã mang cái nghiệp
vào thân, khi đã đứng trong hàng ngũ văn nhân thì sức
sống, niềm tin yêu mãnh liệt bao nhiêu thì cũng âm ỷ
thanh bạch bấy nhiêu với thi ca, thôi thúc họ cầm lấy sự nghiên bút không sao dứt
được. Bài Quê xa, Phùng Cung viết ở biệt giam Lào Cai 72 tâm sự:
Tuổi hoa niên
Buộc ký gửi kho tù
… Khoác tuổi chiều
Bước qua chiều ngoái lại.
Ông
nhập hộ tịch vào làng văn bằng cưỡi con ngựa già của chúa Trịnh qua cửa Văn xuôi, khi ông mới 28 tuổi. Lúc vào trại cải tạo Phùng Cung đã lặng lẽ rẽ sang đồng cỏ thi ca cho đến khi ông lâm sự hai 50 trên giường bệnh. Đúng 22 năm sau khi ở trại về. Năm 1995. Phùng Cung cho
in tập thơ Xem Đêm. Hai năm sau, con
ngựa trắng Kim Bông lấp lánh như có nạm kim cương đưa hồn ông về giời. Như để chuộc lại lỗi lầm 41 năm về trước. Vì nó mà ông mang họa. Tháng 9.2011, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho in tập Xem Đêm. In cả Con ngựa già của chúa Trịnh vào đó. Bìa sách màu xanh nhạt. Ở giữa có ảnh Phùng Cung đội mũ len, mặc áo len cổ lọ. Kính trắng. Tay cầm điếu thuốc lá đang hút giở. Khuôn mặt và màu sắc bức ảnh gợi nhớ một người sùng đạo phật và tin ở kiếp luân hồi…
Cuộc đời này dâu bể bao nhiêu thì cũng tri âm
ngần ấy. Trong giới văn chương nước Việt, có nhiều câu chuyện cảm động về tình bạn. Từ khi ra trại, tấm lòng Phùng Cung thật bao dung độ lượng. Ông thanh thản với lòng mình, với đời, với cả người có lúc đã làm ông lâm nạn. Với gia cảnh Hoàng Cầm, Xem Đêm “say lên bình diện phù du, nửa cõi tri âm khô trên phím lụa”. Với Phùng Cung, bức ảnh nhà thơ Hoàng Cầm đến bệnh viện Saint Paul ngày 6 tháng 4
năm 1997, trước độ 1 tháng Phùng Cung mất. Hai người bạn. Một tóc bạc trắng. Một gầy gò. Gục đầu bên nhau tâm sự lần cuối và lời ghi điếu sau đấy của nhà thơ xứ Kinh Bắc: “Anh đi nhiều lắm là nửa giờ. Đi chơi quanh cái thế gian đau khổ này để chia đau xẻ buồn với mọi người… Cung ơi! Cứ đi đi rồi về ngay nhé”. Như một tiếng nấc nghẹn lại. Thấm thoát sang thế kỷ 21 gần được 15 năm rồi. Con ngựa già chúa Trịnh của chúng ta đã đi và đi mãi không bao giờ trở lại. Chỉ còn tập Xem Đêm để ngỏ bên bậu cửa sáng sủa của thời gian.
Nghị quyết số 49 ngày 20-6-1961, thông tư số 121 ngày 9-8-1961 quy định về việc tập trung giáo dục, cải tạo phần tử phản cách mạng ngoan cố có hành động phương hại đến an ninh chung và phần tử lưu manh chuyên nghiệp. Cả hai loại xét không cần đưa ra tòa án xử. Việc lập hồ sơ cải tạo theo thủ tục
hành chính. Thời hạn cải tạo là 3 năm. Nếu thực sự cải tạo, thì được về sớm hơn. Không chịu cải tạo, thời gian có thể bị kéo dài. Văn bản không quy định dài bao nhiêu năm. Người được cải tạo không bị coi là phạm nhân có án phạt tù, nhưng không được hưởng quyền công dân. Mỗi tháng mỗi người được cấp 13 đồng để ăn uống. Mỗi năm được cấp hai bộ quần áo vải. Được phát chăn, màn, chiếu và thuốc men. Mỗi ngày lao động sản xuất 8 giờ. Văn bản pháp luật nhắc nhở: “cần phải đề phòng xu hướng lệch lạc muốn dùng biện
pháp tập trung giáo dục cải tạo để đẩy tất cả những phần tử phức tạp ra khỏi địa phương mình cho rảnh tay, gây nên tình hình
căng thẳng không cần thiết”. Điều cảnh báo ấy đã xảy ra.
Phùng Cung tham gia cách mạng 1945. Ông đứng tên trong khởi nghĩa giành chính quyền rồi làm chủ tịch một xã vùng huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 1949 Phùng Cung lên chiến khu Việt Bắc, công tác ở văn phòng cơ quan Văn nghệ kháng chiến. Năm 1954 về Hà Nội tiếp tục công tác tại cơ quan văn nghệ. Trước sau, ông không phải là phần tử phản cách mạng ngoan cố hay lưu manh chuyên nghiệp. Khi Phùng Cung in tập Xem Đêm 1995, pháp luật áp dụng với ông cách đó đã 34 năm đã bắt đầu thay đổi. Năm 1997 pháp luật ấy thay đổi hoàn toàn thì cũng là lúc
ông trút hơi thở cuối cùng. Ông không được thấy sự đổi đời ấy nữa. Đã là pháp luật chung thì đâu phải chỉ áp dụng cho con ngựa già của chúa Trịnh. Còn hệ lụy đến nhiều người khác nữa. Biết làm sao được. Một thời đã qua rồi. Điều đáng quý, đáng trân trọng là nhân cách Phùng Cung, là tình yêu thiết tha Tổ Quốc và nhân dân mình của người thi sỹ.
Đất nước ơi
Tôi mến người
Như khi nhìn em bé ngủ
Tôi thương người
Như thương mẹ ốm…
Bài
Quê hương, viết ở biệt giam Yên Bái 65. Dứt ruột mà viết ra lúc năm cùng tháng tận. Lòng thành vụng trộm hành hương mà hình dung hương tảo mộ bay đầy hoàng hôn màu nắng da bò. Sông quê vắng hẳn tiếng gọi đò qua lại. Con ngựa già trên đồng cỏ thi ca không khụy ngã, không oán trách. Âm
thầm trải lòng mình với thế thái nhân tình… Trong Nhân Văn giai phẩm, có nhiều người làm thơ. Nhưng được đông đảo người đọc đồng cảm hơn cả, ít có tuyên ngôn rầm rộ hơn cả mà để lại dấu ấn cho đời, cho thi ca thế kỷ 20 chỉ có vài người. Mặc dù tầm vóc của họ có khác nhau. Hoàng Cầm. Văn Cao. Phùng Cung…
Không phải 120 ngày. Không phải 12 tháng. Không phải một, hai năm. Mà 12 năm. 4320 ngày. Một ngày bằng thiên thu ở ngoài là bao nhiêu ngày. Dài không đếm được… Hai trăm bài của đời thơ Phùng Cung nén lại biết bao tâm trạng con người. Hai trăm bài đa phần rất ngắn. Như con ngựa già đi từng bước một, từng bước một qua đồng cỏ thi ca bao la, không một lời than thở. Chỉ có hai, ba lần dùng đến từ oan trong một cảm hứng thi ca thanh khiết. Đó là đêm dây oan khi gió
quan lục cầm chân hồn nhỏ để “đêm dây oan” quên nẻo đi về. Đành lòng với số phận như buông một tiếng thở dài nho nhỏ mà thôi. Nhiều khi trằn trọc giữa đêm khuya, mưa bay hồn tơi tả khi bầu trời lá rụng trăng úa trăng tàn bỗng vang lên khát vọng “khúc giải oan”. Bài thơ hay nhất nói về chữ oan của Phùng Cung man mác hương thanh bạch khi chiều thu treo nắng cuối mùa.
Hương Thu dịu nửa không gian
Giọt Thu đẫm mảnh hàm oan cửa chùa
Chiều Thu treo nắng cuối mùa
Gió trăng khỏa nhịp tơ vò ao Thu.
Sắc màu nhàn nhạt Thu chỉ như lời nhắn gửi nỗi hàm oan với thiên nhiên thanh tịnh làm giảm đi sự nặng trĩu của đớn đau trần thế. Chỉ có khoảng 4, 5 bài nói đến tù nhân mà tình như khắc khoải tấm lòng người thi sỹ. Đêm trằn trọc không ngủ được vì tiếng mưa rơi. Nghe đâu đây hoa dứa gai thơm lại mùi biên ải. Giấc ngủ xé đôi. Một nửa giấc tù ngồi. Một nửa giấc trăng. Thi sỹ nói về vầng trăng đến thăm tù ngục đã nhiều. Trăng ngục của Phùng Cung vẫn là vầng trăng muôn thủa ấy. Trăng của Phùng Cung không chỉ đánh thức người mà như tình thương bao la của mẹ quê hương làm lành
lặn vai áo bởi thứ lụa thần - lụa trăng mà da diết nhớ đến ngày xưa, người xưa.
Trên vai áo tù
Trăng vá lụa
Ngày xưa ơi
Xa mãi đến bao giờ…
Bài
Biển cả, một trong số bài thơ hiếm hoi tác giả ghi thời gian và nơi sáng tác: Biệt giam Bất Bạt 1961 giọng nghe thách thức nhưng thực chỉ là một khẩn cầu hòa hợp giữa biển cả khoác triều phục đại dương đầy uy lực với giọt nước nhỏ nhoi tình
nguyện tách đôi. Phùng Cung không miêu tả thiên nhiên, mặc dù thơ ông người đời cho là một khúc nông ca xa vắng. Ông thiên về tâm trạng, tâm trạng của thiên nhiên. Xem Đêm, đương nhiên là có nhiều bài thơ đêm rồi. 15 bài đêm. Đêm vó
ngựa. Nghe đêm. Đêm trăng thừa. Đêm vắng. Đêm cuối thu. Sông đêm. Đêm nguyên
tiêu. Xem đêm. Đò đêm. Về chợ tối. Ao đêm. Đêm xuân. Dạ Yến. Đêm dây oan. Còn với tám bài trăng nữa. Tưởng xem đêm sẽ có nhiều bóng tối. Nhưng lại là đêm sáng, đêm trăng.
Đêm thao thức đời người. Hay nhất, tình tứ nhất là bài Đêm Xuân.
Đêm xuân nặng giọt mưa hoa
Đài xuân nghiêng nhịp Lệ sa-Nghi đình
Kho thiêng nhen sợi lửa huỳnh
Chén riêng sẻ nửa chén quỳnh sau xưa.
Hơn thế nữa. Xem đêm mà thấy rất nhiều ánh nắng. Đó phải chăng là quan điểm thẩm mĩ và lý tưởng nhân văn của ông. Ánh nắng lan tỏa trong thơ. 16 bài nắng. Một tập hợp những tâm trạng về nắng. Nắng ngả tương. Nắng gió. Nắng phơi rơm.
Nắng đồng trinh. Nắng hàn vi. Nắng thừa. Nắng hoa ngâu. Nắng cánh
cam. Nắng rươi. Nắng ghé. Nắng dứ. Nắng bổ cau. Nắng tía. Nắng hoang. Nắng
ngọc. Nắng cũ… Nghe trong nắng cũ, cuộc sống thanh bần nơi làng quê. Tiếng chim Liếu điếu kháo mưa. Thanh thảo cơm đèn. Tép diu rang khế. Bỗng nhớ về khuôn mặt đăm chiêu thuyền thúng khăn bùn của đồng chiêm nơi khóe mắt người xưa sáng ngời nắng cũ. Nắng phơi rơm như màu tâm trạng người xa quê. Xa lâu đến mức cây cỏ quê hương cũng quên đi ít nhiều để sông quê bâng khuâng ca khúc nổi chìm màu nắng của mùa màng trên dòng sông ấy. Đến con cua nhỏ xíu trên đồng cũng mang trên mình màu nắng vẽ của thương nhớ đồng quê.
Lưng nắng- vẽ
Hoa văn tiền sử
Chài chãi đồng chiêm
Mấy kiếp rồi.
Cảnh nắng hàn vi xa lắc nơi cửa liếp người đi từ dạo đói, một buổi chiều trở về ghé lại sân hoang, chỉ nghe tiếng hời vắng
lặng nơi hoa rau sam nở được bôi lên mình loang lổ nắng hàn vi. Nắng hoa cau là tâm trạng em xéo bóng lần đầu nắm rau nón củi mà điếng lòng nắng của thương nhau. Là khi đau ốm, cơn sốt vắt vai, mảnh chăn chiên run rẩy hong chút nắng thừa. Là mơ màng tưởng
người thiếu nữ đi đâu. Chợt nghe tiếng cười khúc khích ở hàng hiên sau nhà, nơi có hàng râm bụt gió lay nắng tía…
Bước qua cửa Xem Đêm, tôi không thấy bóng tối. Chỉ thấy ánh nắng và ánh trăng cùng tấm lòng trắc ẩn cuả người thi sỹ. Xem Đêm mà thấy ban ngày. Chỉ có một lần đêm - vó - ngựa. Nhật thực triền miên ngày tối hơn đêm.
Hai
trăm bài của Phùng Cung tuyệt đại bộ phận là thơ ngắn. Phần nhiều chỉ 5, 7 câu là cùng. Thơ ngắn mà hay cả trong tình ý và câu chữ là cực khó. Phùng Cung chọn chữ làm thơ thật đặc sắc. Ông thuộc trường phái “thôi-sao”. Xem Đêm có nhiều ý lạ. Lạ cái bóng bảy ngôn từ và sâu xa của ý nghĩa. Ông không theo lối bóng chữ. Chữ tách rời nghĩa. Phải chăng vẻ đẹp riêng có của Phùng Cung trong làng thơ nước Việt- vẻ đẹp của chữ hay.
Một tiếng gọi đò căng chỉ giữa đêm khuya.
Tiếng gọi đò
Căng chỉ ngang sông.
Một tiếng chim tu hú gọi hè khi mùa còn chưa đến hẳn đang rì rầm ở lũy tre ven làng khi trời chợt chuyển sắc, chuyển hương.
Chưa kịp đổ hồi vươn cánh
Bầu trời vội vàng vung lưới hoa cau.
Một cảnh thanh bình nơi làng quê trong âm thầm lặng lẽ gà mẹ ngắm con, và…
Vội mớm cho con
Hạt -cổ-tích-vỡ lòng.
Chữ lạ. Chữ hay nhiều lắm trong Xem Đêm. Tiếng
tù và bết gió. Nắng thắm quết trầu dốc bến. Gió dắt điệu du hời lẫm chẫm. Góc
vườn líu chíu nắng non. Gió bung biêng cành vườn tắt vụt tiếng chim. Ao khuya
nước thở thì thầm. Đãy sắn khô lẽo đẽo thơm giáp hạt. Mõ dẫn kinh ruổi nhịp
luân hồi. Con cúi rơm giữ lửa, một xóc chữ nhân nằm chờ mưa gió…
Mỗi khi đọc một nhà thơ, tôi thường chú ý tới triết lý sống của họ. Tâm sự và nỗi lòng của người ấy nhắn gửi cho đời qua vẻ đẹp của ngôn từ, của hình tượng và nhịp điệu, của cảm xúc thi ca. Xem Phùng Cung, tôi lại nhớ đến một
buổi chiều tuyết rơi trắng xóa ở Kopenhagen, nơi tòa thị chính có tượng Anđersen. Giật mình nhìn xuống tuyết, tôi không thấy bóng mình đâu nữa. Nhớ lại người tự bán cái bóng của mình và trở thành nô lệ của chính cái bóng đó trong truyện Anđersen. Nhưng tuyết rơi không có ánh mặt trời thì có bóng làm sao được. Xem Đêm của Phùng Cung tôi thấy ông không đánh mất cái bóng của mình. Đó là tâm hồn thi sỹ. Bởi vì đêm của Phùng Cung có rất nhiều ánh nắng và ánh trăng. Thi sỹ Phùng Cung cả cuộc đời mình đã minh chứng cho tấm lòng thanh bạch của ông với Tổ Quốc, quê hương mình. Vượt qua định mệnh của số phận để làm tròn thiên chức của một thi sỹ. Ông để lại cho đời một nhân cách sống thông qua những vần thơ.
Tôi
không quen biết Phùng Cung. Chỉ sau khi ông mất, Xem Đêm mới đến được tay… phàm. Vào rồi ra khỏi Xem Đêm, ra khỏi nỗi niềm của Phùng Cung, mang về bao tâm sự của cuộc bể dâu trần thế. Bỗng nhiên thấy thấp thoáng một nỗi buồn tri âm như cái gì xa lắm không bao giờ trở lại mà trang trọng thân thương, mà
nghe đâu đây vó ngựa của người xưa cũ một lần đến với cuộc đời trong thiên chức thi nhân đã đi xa mãi. Nếu có luân hồi chắc Phùng Cung lại chọn kiếp làm thơ.
Gấm bào hoen giọt lệ điều
Bâng khuâng xa mã, nửa chiều quân vương.
Năm
2012. Hội nhà văn Hà Nội vinh danh Phùng Cung
“Thành tựu Thơ trọn đời” cho tập Xem Đêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét