Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Đường tới hàng Chuối

Đường tới hàng Chuối
Có hàng trăm nẻo đường cho người ta đến với một cơ quan, đến với một lý tưởng, đến với một tình yêu hoặc đến với một nghề nghiệp. Thậm chí, có thể nói, có bao nhiêu người đi, có ngần ấy con đường. Cái Hàng Chuối mà tôi dùng trong đoạn hồi ức này, nói cho chính xác, phải là Số nhà 16, phố Hàng Chuối, Hà Nội - bản đại doanh bao nhiêu năm nổi tiếng của Nhà In Đại học Tổng hợp Hà Nội một thời và cũng là nhiệm sở của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội hôm nay. Vậy thì Hàng Chuối đối với tôi được xem như một biểu tượng cho một nghề nghiệp: nghề in, nghề xuất bản – cái nghề mà bây giờ tôi đang san sẻ một phần đời.
Vậy tôi đã vào nghề xuất bản từ lý do nào, từ con đường nào?
Phàm đã làm nghề giáo, nghề báo, nghề văn, người ta đều có quan hệ xa gần với xuất bản. Bởi vì xuất bản là bà đỡ của các tác phẩm văn nghệ, các công trình nghiên cứu, bà đỡ của các sản phẩm trí tuệ học đường. Xuất bản là phương thức biến thành quả trí tuệ cá nhân thành sở hữu chung cho toàn xã hội, để chúng, giống như thơ, 'từ chân trời riêng ta đến chân trời tất cả'…Tôi làm đủ cả ba nghề kể trên:  làm báo, làm giáo, làm văn, để kiếm sống, nên không trước thì sau, không ít thì nhiều, thể nào cũng đến Hàng Chuối.
Từ thời còn bé tý, tôi đã ước mơ đến ngày nào đó, tên mình sẽ được in trên sách báo. Không đạt danh hiệu “Cháu ngoan Bác Hồ”, thì tôi viết về các Cháu ngoan bác Hồ để được nổi tiếng theo. Nổi tiếng với tư cách là tác giả, là nhà báo chẳng hạn. Mà thích nhất là viết sách. Sách in 1000 cuốn, có nghĩa là tên mình được viết đi viết lại nghìn lần. Mà không phải là chữ viết tay đâu nhé, chữ in, vuông vức, đàng hoàng ! Đến bây giờ tôi vẫn còn lưu giữ được trong kí ức cái cảm giác sung sướng đến ngần nào khi lần đầu tiên tên tôi được in trên báo Thiếu niên Tiền phong. Mới chỉ là tên in trong mục nhắn tin “Đã nhận được bài”, vậy mà tôi sướng đến mức đang ăn, quên nhai, nghẹn cứng cổ.
Những mơ ước tuổi thơ qua mau. Tôi học hành rồi trở thành người đánh vật với chữ nghĩa lúc nào không hay. Mong ước mình có riêng cuốn sách cũng chỉ nằm trong số hàng chục các mong muốn khác. Lớn lên, người ta có nhiều thứ để thích, để sướng. Quyển sách nhiều khi cũng chỉ làm cho người ta sương sướng vầy vậy mà thôi…Riêng tôi, cuốn sách đầu tiên được in trong đời, dẫn tôi vào nghề xuất bản, là cuốn sách pha trộn đủ vui buồn, thậm chí còn gắn liền với áo quần vải vóc.
Năm 1990, tôi từ Praha bay về nước, kết thúc 5 năm nghiên cứu sinh say mê, nhọc nhằn và túng thiếu. Tôi về với hai bàn tay trắng. Trắng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.Trắng là vì tôi không có tiền, “trắng” là vì tôi không có bằng phó tiến sỹ đem về nước. Số là, đang viết dở luận án thì giáo sư J. Nejedlá hướng dẫn tôi bị ung thư máu, đột ngột qua đời. Luận án lỡ dở mất một năm. Viết xong luận án thì Tiệp Khắc lại thay đổi chế độ chính trị, thay đổi tư tưởng hệ, và kéo theo thay đổi phương pháp luận trong nghiên cứu khoa học xã hội nói chung. Luận án của tôi thông qua việc nghiên cứu một nhà văn Séc, phải giải quyết trực tiếp một số vấn đề của văn xuôi hiện thực xã hội chủ nghĩa, nên không được bảo vệ, phải viết lại từ đầu. Người thầy hướng dẫn tiếp theo của tôi bị cách chức, cán bộ giảng dạy của tổ bộ môn bị sa thải một nửa. Chán nản và căng thẳng, tôi từ chối, không viết lại, xin vé máy bay về nước. Chả lẽ không có cái PTS thì không viết được, không sống được ? Tôi không cần vinh quy, mà cần thì cũng muộn rồi. Gửi tầu biển được hai tạ sách, bao gồm cả sách mua lẫn sách được thừa kế từ giáo sư hướng dẫn quá cố, tôi dồn tiền mua nốt bộ từ điển bách khoa 8 tập. Mua xong tôi bần thần cả ngày. Tôi quên, chẳng để lại đồng nào mua quà cho con. Rất may, khi ra sân bay, bạn bè đã gửi trước ở đó cho tôi một yến táo, lê, bánh kẹo. Tôi vui vẻ vẫy tay: “Praha, chào nhé !”.
Đặt chân xuống sân bay Đa Phúc lúc ấy, tôi giật mình trượt chân vì rác, sỏi. Việt Nam chỗ nào cũng dễ gặp rác, chỗ nào cũng thấy lộn xộn. Cú ngã trên sân bay của tôi chỉ là cú ngã cơ học. Cái ngã đau nhất là cái ngã tinh thần. Tôi nhận ra là: sống xa nhà suốt 5 năm, không về, mình đã ảo tưởng, sống như kẻ mộng du rồi.
Đất nước đang đổi mới nhưng vẫn ở thời thóc cao gạo kém. Vợ chồng tôi đều dạy đại học, nên nghèo. Một buổi tối, vợ tôi ngồi giặt quần áo, tôi ngồi gần, kể chuyện, hy vọng câu chuyện của mình có thể động viên được vợ, đỡ mỏi tay. Không hiểu dẫn dắt thế nào tôi lại đi đến ca ngợi tà áo dài Việt Nam. Rằng, tà áo lơ-muya của dân tộc mình khi xuất hiện trên đường phố Praha trong những buổi chiều vàng thì…rất đẹp. Rằng tôi đã có lần viết bài báo về áo dài Việt Nam đăng trên báo này, báo nọ. Vợ tôi cứ cắm cúi giặt, chẳng phản ứng gì trước câu chuyện đầy chất thơ của tôi. Lát sau, nàng mới nói: “Em chẳng cần cái lơ-muya trên báo chí của anh. Em cần cái áo thật”. Tôi điếng người, như nghe lời tuyên án tử hình. Ừ, đúng là vô duyên thật. Lấy nhau đã sáu bảy năm rồi, tôi vẫn chưa bao giờ đủ tiền sắm cho nàng chiếc áo dài.
Ngày hôm sau, dạy xong ba tiết, tôi đạp xe về thẳng nhà, lôi đống sách tiếng Séc dưới gậm giường ra. Tôi chọn ra ba cuốn, ngồi cân nhắc: một cuốn cổ tích Séc, một bộ tiểu thuyết Tac - dăng và cuốn sách giáo dục tình dục. Tôi thề phải kiếm tiền nhuận bút để đền cho vợ chiếc áo dài bao năm qua mình vô tâm không sắm. Nhưng đây là lúc cần tính toán kỹ lưỡng. Nên dịch cuốn nào để có tiền nhanh nhất.
Tôi đọc lướt qua từng cuốn. Không ngờ cuốn thứ ba lại hấp dẫn tôi mạnh nhất. Phần nhập đề của cuốn sách vang lên trong đầu tôi bằng tiếng Việt : ' Loài người đang đi xa trái đất hàng nghìn km, vươn tới khám phá các vì sao. Con người rồi sẽ hiểu rất rõ dải Ngân hà. Nhưng có một nghịch lý là : có một khu vực không cần đi xa, rất gần, con người lại không hiểu được. Đó chính là bản thân con người. Đời sống sinh lý con người tự nó đã là một thế giới bí ẩn phải khám phá để làm chủ bản thân..'. Rất chí lý! Tôi nghĩ.  Nhưng đọc vào phần nội dung, tôi vấp phải hàng loạt các thuật ngữ y học. Rất may là bộ từ điển bách khoa 8 tập đã giúp tôi, rất đắc dụng.
Tôi lao vào dịch, một tháng ròng, đánh máy mổ cò thêm 2 tuần nữa, xong xuôi. Tôi đem bản thảo đến nhà xuất bản Thanh Niên, làm quen với nhà thơ Phạm Đức. Anh Đức khuyên tôi không nên để bản thảo xếp hàng theo kiểu nhà nước, lâu có tiền nhuận bút lắm. Tốt nhất là để cho các tư nhân, tục gọi là 'đầu nậu' bao tiêu trọn gói, trả tiền. Anh Đức lại giới thiệu tôi sang nhà thơ Ngô Viết Dinh. Anh Dinh lúc này đang ở giai đoạn chờ hưu, nên nhà xuất bản Thanh Niên tạo điều kiện cho anh làm sách liên kết để tăng thu nhập. Tôi đã biết anh Dinh từ lâu, qua các trang thơ Văn nghệ Quân đội thời chiến tranh. Hai anh em ngồi đàm đạo, thấy cái tên sách hơi oái oăm, khó được độc giả chấp nhận. Dịch đúng nghĩa tiếng Séc, sách sẽ có tên là 'Tình dục non nớt'. Sách có nội dung giáo dục nghiêm túc, viết theo kiểu sư phạm, chuẩn mực, song tên gọi như vậy không xuôi tai. Cân nhắc mất mấy tuần, hai anh em quyết định đổi tên thành Giới tính tuổi hoa.
“Giới tính tuổi hoa” nằm ngủ ở nhà anh Dinh một tháng, rồi hai tháng, không chịu chào đời. Tôi sốt ruột quá. Đến lúc có tiền nhuận bút đủ may cho vợ tấm áo mà lại vào mùa đông rét mướt thì chán lắm. Tôi quyết định hỏi thẳng anh Dinh: có in được không, xin anh cứ nói rõ. Khốn nỗi, nhà thơ này chưa xin xong giấy phép xuất bản, trong tay anh lại đang có mấy bản thảo trường ca, tiểu thuyết gì đó của đồng nghiệp, anh hứa rồi mà chưa có tiền in. Đã thế, mỗi lần xuống giục anh in, tôi lại phải kiên nhẫn ngồi nghe anh ngâm nga, cho thưởng thức đến chục bài thơ. Toàn những bài “vừa viết xong”, dài ơi là dài.
Anh Ngô Viết Dinh không hiểu nỗi đau khổ của tôi. Tôi đành phải phụ lòng anh vậy. Mấy tháng nay, mỗi lần vợ tôi đi lễ, đi hội đâu đó, phải mượn áo dài của bạn, chiếc rộng chiếc chật. Tôi buồn. Giữa nhà thơ và vợ, tôi phải chọn ai đây?
Một ngày mưa rào dầm dề, mái giấy dầu nhà tôi nát dột tứ tung, không có chỗ khô ráo, ngồi yên mà đọc sách, tôi quyết định mặc áo mưa, đạp xe xuống thị xã Hà Đông, gặp anh Dinh xin lại bản thảo.
Bấy giờ Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ. Tuy vậy trong thời kỳ chuyển đổi sang cơ chế kinh tế thị trường, các nước Nga, Tiệp, Ba Lan khá láo nháo, dân Việt Nam ta buôn bán lậu thuế dễ dàng. Nghe tin tôi về nước cơ hàn, một số bạn bè tôi không về nước, ở lại Praha làm ăn, nay giàu có, viết thư  rủ tôi quay lại Tiệp kiếm sống và viết lại luận án. Tôi do dự, vì biết khả năng buôn bán, tính toán của mình kém cỏi. Thêm cái bệnh “dễ ngượng với Tây”, tôi biết mình khó mà đủ sức cọ xát được với xã hội chợ giời đất khách…Dọc đường đi đòi lại bản thảo, tôi đã định quay về. Làm thằng đàn ông trong nhà phải lo việc đại sự, cơn cớ gì mà cứ luẩn quẩn tính toán với cái áo của đàn bà thế này ? Về đi, về đi, tìm đường quay lại Praha, chịu khó làm thuê, kiếm tiền rồi khởi nghiệp lại từ đầu !!! Vừa đạp xe vừa nghĩ, tôi đã lạc vào ngõ xóm nhà thơ lúc nào không hay.
Nhà thơ Ngô Viết Dinh tiếp tôi bằng nụ cười của người mang nợ, tức là vừa ngượng nghịu, vừa đau buồn. Tôi thương anh, nhưng biết làm sao được. Tôi nói dối anh là cần phải lấy về sửa mấy chỗ dịch không sát nghĩa. Tôi bảo anh cho lấy lại bản thảo vài hôm'. Anh trao trả tôi bản thảo duy nhất ấy với cái nhìn hoài nghi. Sau ba tháng, nhìn tập bản thảo nhem nhuốc, quăn mép giấy, lòng tôi se lại. Đó là bản thảo dịch kiếm tiền, không phải là “đứa con tinh thần” theo cách gọi các tác phẩm sáng tác, nghiên cứu, nhưng dù sao tôi vẫn thấy có sự gắn bó máu thịt. Mà không máu thịt thì ít nhất nó cũng thấm mồ hôi tay tôi, ít nhất thì nó cũng chứa đựng hy vọng của tôi về chiếc áo dài.
Tôi đút bản thảo vào ngực tránh mưa, uể oải đạp xe về. Mấy tuần sau anh Dinh lại tìm đến tôi lấy bản thảo. Anh giải thích sự chậm trễ xuất bản. Nào là giấy phép Cục, nào là tiền quay vòng, nào là thẩm định xuất bản v.v. Tôi bỏ ngoài tai. Tôi không tin anh nữa. Tôi phải tự cứu lấy mình. Tôi sẽ ôm bản thảo này như ôm bom ba càng mà cảm tử lao vào các nhà xuất bản. Tôi chẳng cần gây tiếng vang, tôi chỉ cần nó nở thành một nắm tiền. Tôi từ chối anh Dinh: ' Tuần sau em sẽ bay trở lại Tiệp, mọi chuyện in ấn gác lại, mong anh thông cảm!'.
Chia tay nhau, nhà thơ thở dài, còn tôi, nhà giáo thì nhuốt nghẹn.
Đang băn khuăn chưa biết nên gõ cửa nhà xuất bản nào, một hôm có đồng nghiệp rỉ tai tôi :
- Trên Cục xuất bản, cậu có một phụ huynh học sinh rất tốt bụng mà cậu không biết lối nhờ. Mình phải biết vận dụng truyền thống 'muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy' chứ.
-  Cục xuất bản là gì ? – Tôi hỏi.
- Cái cậu này, định kiếm ăn bàng sách mà không biết Cục Xuất bản là gì. Là cơ quan quản lý, điều tiết, là chỗ thổi còi việt vị v.v.
Tôi há mồm nghe anh bạn đồng nghiệp giải thích. Đấy là lần đầu tiên trong đời tôi được trang bị kiến thức về các nguyên tắc, quy trình xuất bản một cuốn sách ở Việt Nam.
Ngày hôm sau, bạn tôi dẫn tôi đến nhà “bà phụ huynh tốt bụng”. Tới nơi, tôi nhận ngay ra cô sinh viên xinh xắn lớp mình đang dạy. Mẹ cô làm ở Cục xuất bản không biết nghiêm khắc thế nào, chứ trước thày giáo con mình thì tỏ ra hết sức nhiệt tình, niềm nở. Chị chỉ tốt nghiệp đại học Văn trước tôi vài năm, là người đồng môn nên càng dễ thông cảm với anh giáo nghèo. Đó chính là chị Nguyễn Thị Sánh. Nghe qua nội dung cuốn sách, chị quả quyết : “chỉ hai tuần là xong”. Chị hẹn 9 giờ sáng hôm sau, qua Cục xuất bản, ngụ ở phố Đường Thành, chị sẽ dẫn sang gặp thẳng giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội.
Đêm hôm đó tôi ngủ ngon, trong mơ còn lầm bầm hát bài gì đó, bị vợ thúc mạng sườn mới thôi hát. Tôi không ngờ cơ quan quản lý xuất bản xã hội chủ nghĩa lại có người vui vẻ đỡ đầu bản dịch của tôi, tạo điều kiện cho tôi kiếm tiền. Cũng có thể là vì cái nghĩa thày trò của con mình, nể tình đồng môn, chị Sánh đứng ra bảo lãnh cho nội dung cuốn sách. Dù sao đi nữa tôi cũng rất mừng. Quan niệm về giới tính, về tình dục ở ta khi đó còn rất phiến diện, hạn hẹp. Việc giáo dục cho trẻ em về cơ thể và đời sống tình dục của mình còn bị xem là phù phiếm, nguy hiểm. Trên đường đi đến NXB Hà Nội, tôi vẫn lo lo. Biết đâu một vị giám đốc già nua ở đó lại từ chối 'Giới tính tuổi hoa' !
Nhưng tôi đã lo hơi thừa. Giám đốc là bà chứ không phải là ông. Không chỉ là phụ nữ, vị giám đốc này lại chính là nhà văn Hoàng Ngọc Hà, tác giả cuốn tiểu thuyết tôi vừa mượn hôm trước. Lướt qua mục lục, bằng sự nhạy cảm của người mẹ nuôi con, nhạy cảm của người viết văn, đặc biệt là bằng kinh nghiệm của người xuất bản, chị Hà khẳng định 'Giới tính tuổi hoa' là sách tốt, cần có sách sớm cho các bậc làm cha, làm mẹ Hà nội. Chị cười vui vẻ, bảo tôi và chị Sánh: 'Hai tuần thì không thể, nhưng một tháng có thể xong. Chả có cuốn sách nào mà Cục lại cất công đến thăm, trao tận tay thế này. Nội dung sách có hư đốn chỗ nào, chả lo. Tội vạ đâu, Cục chịu, Sánh nhỉ ?'.
Tôi không ngờ trong ngành xuất bản, quan hệ giữa cơ quan chủ quản văn hoá với các nhà xuất bản lại hài hoà, thân tình như chị em trong gia dình vậy. Đó hoàn toàn không phải là lối làm việc theo kiểu mệnh lệnh, chỉ thị. Cuộc sống mà cả như thế thì… dễ chịu biết bao!
Đêm tiếp theo, tôi lại ngủ ngon hơn. Nhưng một tháng sau thì tôi lại bắt đầu mất ngủ. Thấy sách chưa ra, tôi lên nhà xuất bản hỏi tình hình. Chị Hà đi vắng, một biên tập viên hỏi tôi là có liên hệ xin được bản quyền tác giả hay không. Tôi giật mình. Đúng là lâu nay tôi chẳng quan tâm gì tới tác giả cả. Cứ mặc nhiên coi sách người nước khác viết như hoa rừng táo dại vậy. Đọc lại trang xi-nhê trong nguyên bản, tôi hối hả viết thư cho nhà xuất bản để liên hệ với tác giả. Tôi gửi thư đi, phấp phỏng chờ trả lời. Mặc dù tin rằng tác giả - bà Maxlôvá, nhà giáo, bác sỹ người Séc này sẽ vui lòng cho tôi bản quyền dịch sách, nhưng trong lòng vẫn cứ lo. Một tuần , hai tuần rồi ba tuần trôi qua, vẫn bặt vô âm tín.
Một hôm, tình cờ gặp lại chị Sánh, tôi phàn nàn rằng số mình vất vả, dịch sách cứ nhắm mắt dịch, chẳng thèm để ý tới chuyện bản quyền. Chị cười bảo tôi: ' Gửi thư xin rồi thì cứ đợi, nhưng Việt nam ta đã ký công ước Bơn đâu mà sợ. Lâu nay ta vẫn dịch của bạn, bạn vẫn dịch của ta, tiện thì thông báo, tặng sách cho nhau theo quan hệ cá nhân là đủ.' Nghe chị giải thích thế, tôi yên tâm chờ đợi.
Thế rồi ao ước của tôi mãi cũng thành hiện thực. Nghe tin sách sắp được đưa in, tôi phóng xe lên nhà xuất bản Hà Nội. Tôi sợ có lỗi chính tả, nhưng thực ra là tôi thích soát bản bông cuối. Cứ hình dung tập bản thảo lem nhem của mình nay đã hoá thân thành các con chữ in đều tăm tắp, tôi đã thấy vui rồi. Đọc bông, sửa mo-rát bấy giờ cũng là một cái thú của người viết sách. Cuốn sách ở dạng 'bán thành phẩm' ấy cũng ngon lành như chiếc bánh chưng bóc nếm thử bên nồi luộc bánh giao thừa vậy. Chờ đến lúc sách in xong, đóng gói vuông thành sắc cạnh, thì khác gì các cặp bánh trên bàn thờ ngày hạ cây nêu.
Nhà xuất bản Hà Nội toạ lạc mát mẻ dưới bóng cây đa cổ thụ. Nghe nói nhà văn Nguyễn Tuân vẫn thường đến chơi thăm ban biên tập và căn dặn các anh chị lãnh đạo Nhà xuất bản là có sửa chữa, nâng cấp gì thì cũng  tránh, đừng làm cây đa bị chột rễ. Hình như cố nhà văn đã linh cảm được, từ giác quan phong thuỷ, rằng đó là gốc cây bản mệnh, gắn liền với sự thịnh suy của văn hoá Hà thành ?
Với niềm vui tinh khôi của người lần đầu tiên in sách, tôi gõ cửa phòng Giám đốc, xin kiểm tra bông. Vừa trông thấy tôi qua cửa hé, chị Hà vui vẻ báo tin: ' Xong sách rồi, em vào đi!'. Tôi giật mình. Hoá ra mọi việc đã xong xuôi. Nghe tin Phòng Tài vụ khất trả nhuận bút sang hôm khác, tôi vội vã ôm chục cuốn sách biếu về nhà để kiểm tra cẩn thận. 'Giới tính tuổi hoa' tôi dịch đã hiện nguyên hình qua bìa sách là một cô gái cười tươi tắn, mặt hoa da phấn, nhưng đích thị là người Tàu, rất xa với sự hình dung của tôi. Sách bị cắt mất một chương, ba đoạn, lỗi in rải rác.
Nhân có việc in ấn của khoa Văn tại nhà in 16-Hàng Chuối, tôi được Tiến sỹ Trần Văn mời vào uống nước chè. Tôi lôi cuốn sách trong cặp ra vừa khoe với anh, vừa phàn nàn. Anh Trần Văn ngắm nghía cuốn sách rồi an ủi tôi : 'Lẽ ra lúc cắt, biên tập viên họ phải hỏi, hoặc báo cho anh biết. Nhưng theo tôi, sách ra như thế là đẹp lắm rồi'. Thấy tôi không ra vui, cũng chẳng ra buồn, anh Văn nói thêm : 'Đại học Tổng hợp mình đang xin lập nhà xuất bản đấy. Nghề xuất bản, in ấn này cũng có cái vui. Cánh giáo viên đại học ta vừa dạy vừa làm xuất bản cũng rất tiện, nhất là với những người làm nghề dạy văn như các anh'. Nghe anh Văn nói, lòng tôi rộn lên một khao khát: …Một ngày nào đó, tôi phải trở thành một biên tập viên xuất bản để biên tập chính sách mình viết. Khi ấy, thích cắt đâu là cắt, chẳng phải báo ai. Bao giờ Đại học Tổng hợp Hà Nội mới có nhà xuất bản cho các thày cô?
Để cho chắc chắn, một tần lễ sau tôi mới đi lĩnh nhuận bút. Cho tới lúc ấy, đó là khoản tiền nhuận bút lớn nhất tôi được lĩnh. Đút gói tiền nằng nặng vào túi ngực, tôi cảm thấy có lỗi với anh Ngô Viết Dinh, có lỗi với chị Sánh, chị Hà. Tôi là một kẻ tham lam, chẳng biết điều. Vừa thích có tiền nhanh nhất, lại vừa đòi sách in phải cẩn thận, đúng ý mình. Người ta, ở đời, chỉ nên chọn một trong hai: danh hoặc lợi thôi chứ.
Chao ôi, công cuộc phấn đấu kiếm tiền mua áo của tôi sao mà thấy dài lâu, gian nan, trường kỳ như một cuộc kháng chiến! Nhưng thôi, bỏ qua mọi chuyện. Có tiền trong tay rồi, tôi thấy tự tin hơn. Tôi tuyên bố với vợ, giọng trầm trầm như một vị tư lệnh chiến dịch: ' Tiền đây, nhuận bút dịch đấy. Em may áo dài đi, từ nay không cần mượn của ai hết. Ta sẽ có chiếc áo dài độc lập!'  Thấy vợ không nói gì, tôi phải bỏ giọng trầm, chuyển sang giọng kim để thuyết phục thêm: '…mà nó cũng là cái kỷ niệm'.
Vợ tôi lẳng lặng đếm tiền, rồi lẳng lặng cất vào tủ. Những tuần lễ tiếp theo, mỗi lần đạp xe đi dạy, qua hiệu may nào tôi cũng liếc vào xem có chiếc áo dài nào bày mẫu không. Bấy giờ trời đã sang thu. Buổi sớm, đạp qua đường Tàu Bay tới Ngã Tư Sở đã thấy se lạnh rồi. Tôi chợt nghĩ: nếu cứ lần chần, may áo dài vào mùa đông thì vô duyên quá. Không khéo thành  áo nàng Bân mất. Tôi hộc tốc đạp xe về nhà, rủ vợ ngồi lên xe tôi đèo ra hàng may đo ngay. Quái lạ! Vợ tôi nhìn tôi cứ như đo chiều cao của tôi từ đầu đến chân. Nàng ngao ngỏn, lắc đầu:
' Chán anh quá,… chẳng nhớ gì cả. May để mấy năm nữa mới mặc được à? Bụng em  như cái chum. Sắp đẻ đứa thứ hai rồi mà chả lo đường sữa gì cho con cả'.
Như bị một gáo nước lạnh vào cổ, tôi nhỡn bụng nàng rồi chệnh choạng nhấc xe qua cửa, cất vào nhà. Thế là tan một giấc mơ. 'Bay bay tà áo tung bay…' Tà áo mơ ước của tôi ơi !
Hai tháng sau, chiếc áo mơ ước ấy đã hoá thành một đống tã, lót, và mấy hộp sữa bột… Có lẽ để ghi nhận công lao dịch thuật của tôi và khen thưởng cho tác giả của đứa trẻ thứ hai, bà bầu vĩ đại ấy đã dành lại một khoản nhỏ trong số tiền nhuận bút, sắm cho tôi hẳn hai chiếc …quần đùi.
Chuyện kể đã thấy dài dài rồi. Lại có người gõ cửa phòng Tổng Biên tập của tôi. Xin khất lại để kỳ sau kể tiếp…
Hàng Chuối, 22/9/05
Phạm Thành Hưng
Theo http://khoavanhoc.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoa lửa – Truyện ngắn của Triệu Hoàng Giang 30 Tháng Năm, 2023 Ngày Phiêng Kham mới chỉ có vài nóc nhà gianh, khi ấy đàn ông Dao còn n...