Người Việt vốn thích nói ngắn. Không thích nói
dài. Ít nhất là trong thi ca. Một câu lục bát thôi có khi đi cả đời người không
hết. Vậy mà, không dưới hai lần, người Việt đã không thể không nói dài được
nữa. Lần thứ nhất. Vào thế kỷ 18. Sau bao nhiêu năm chiến tranh nồi da nấu
thịt, đất nước mới tạm yên hàn. Truyện nôm và khúc ngâm dài vốn có từ cuối thế
kỷ 17 đã đồng loạt vọng lên niềm tin và ước nguyện nhân nghĩa thắng bạo tàn.
Cái thiện thắng cái ác. Khát vọng thiết tha về tình yêu hạnh phúc thường là của
những người đàn bà trong sự vật vã của cô đơn và niềm tin mọi sự luân chuyển ở
đời đều kết thúc có hậu. Lần thứ hai. Nửa sau thế kỷ 20. Sau những cuộc chiến
tranh dài khốc liệt giành và giữ nền độc lập, dân tộc Việt Nam đi tới vinh
quang qua bao đau thương máu lửa hy sinh. Lá cờ hiệu của Tổ quốc in máu chiến
thắng vang hồn nước đã dựng nên không gian lịch sử bi tráng cho các trường ca
sử thi.
Heghen nói: Các trường ca sử thi
làm thành lịch sử toàn thế giới ở chỗ nó có những gì là đẹp nhất, sinh động và
tự do nhất. Xét trên phương
diện đó, trường ca nửa sau thế kỷ 20 đã làm thành lịch sử của dân tộc hướng tới
những gì như Heghen đã nói.
Vào đầu thế kỷ 20, không một ai dự báo và ngờ được rằng một thời đại của trường
ca đã đến. Trên thi đàn công khai, Thi nhân Việt Nam cũng chỉ giới thiệu 44 tác giả và xác nhận có một thời đại
mới của thi ca đã xuất hiện mà thôi. Phong trào Thơ Mới là một cuộc hội ngộ
lịch sử của thi vận. Nhưng dường như chưa có mặt trường ca. Ba chàng thi sỹ của
phong trào đó đã trót mang duyên nợ với thơ dài. Mà lại vẫn còn dang dở. Hoài
Thanh không ngần ngại gọi Tiếng địch sông Ô của Huy Thông là anh hùng ca. Rằng chưa bao giờ thi ca
Việt Nam có những lời hùng tráng như thế. Thực đã đến bực phi thường. Nhưng lại nắc nỏm tiếc cho Huy Thông,
người anh hùng trong mộng tưởng lại cũng là một người thiếu niên khao khát yêu thương và rất lễ
phép với đàn bà. Hoài Thanh không đưa Tiếng địch sông Ô với 243 câu vào Thi nhân Việt Nam vì nó dài quá mà lại không toàn bích. Nguyễn Nhược Pháp chỉ thành tựu trong Chùa Hương. 136 câu. Với Sơn Tinh Thủy Tinh. 124 câu. Cũng vào loại thường thường. Chưa nói việc ông vẽ
Sơn Tinh có một mắt ở trán có nhẽ không nằm trong truyền thống văn hóa Việt.
Mùa hạ 1944. Nguyễn Bính cũng phải một lần lỡ hẹn với truyện thơ. Khi đó Bính
khao khát một giai phẩm dài bằng thơ lục bát và bảo với Mộng Tuyết rằng sẽ làm
dài hơn quyển truyện Kiều. Đêm đêm, cả thị xã Hà Tiên thời đó nhỏ bé trong ánh
đèn dầu dừa dầu cá thì chàng thi sỹ 26 tuổi của chúng ta sang trọng viết dưới
ánh hồng lạp thi phẩm Thạch
sương bồ. Được hai, ba trăm
trang. Mới xong được một phần thì bỏ dở. Bệnh giang hồ đã gọi Bính ra đi …?
Phải chăng phong trào Thơ Mới đã lỡ hẹn với trường ca ? Và phải chăng sự vận
động của lịch sử đầu thế kỷ đã chưa dàn cảnh và thôi thúc các thi sỹ tài danh
đến được với trường ca sử thi?.
Những người lính vệ quốc đoàn mặc áo trấn thủ ra đi từ mùa đông 1946 vào cuộc
trường chinh của dân tộc thật là dài. Họ đi qua kháng chiến 9 năm chống Pháp.
Rồi 20 năm đánh Mỹ. Lại đi tiếp chiến đấu bảo vệ biên cương lãnh thổ gần 15 năm
nữa. Nửa sau thế kỷ 20 vỏn vẹn chỉ còn chưa đầy 10 năm. Họ mới trở về nhà.
Dường như đó là một trong những âm hưởng chủ đạo của thế kỷ 20. Theo chiều dài
lịch sử ấy, các thi sỹ của thời đại chúng ta phần nhiều viết trường ca trên
đường ra trận và trong ánh chớp của khói lửa chiến tranh. Chỉ đôi lúc có quãng
ngắt đầy lo âu của mây trắng hòa bình. Thế kỷ ấy đến bông lúa chín trên đồng mà
trẻ thơ cũng hình dung vàng như băng đạn và ngược lại. Nếu Heghen đòi hỏi ba
phương diện thiết yếu làm nên trường ca sử thi. Dân tộc. Thời đại. Và tính toàn
nhân loại thì lịch sử nửa sau thế kỷ 20 đã mở ra một bối cảnh của ba phương
diện ấy.
Nửa sau thế kỷ 20. Thơ Việt Nam được mùa trường ca. Nhất là sau năm 1975. Chỉ
trong vòng trên dưới 50 năm có tới 164 trường ca của 102 tác giả. Chưa kể đến
gần 30 truyện thơ và hàng trăm bài thơ trường thiên khác.
Thời cuộc đã gửi giấy nhập ngũ tới các thi nhân cho cuộc hội quân đông đảo trên
thi đàn trường ca nửa sau thế kỷ 20. Khương Hữu Dụng. Văn Cao. Giang Nam. Hoàng
Cầm. Phùng Quán. Tạ Hữu Yên. Xuân Hoàng. Xuân Thiêm. Thái Giang. Thu Bồn. Lê
Anh Xuân. Nguyễn Khoa Điềm. Phạm Tiến Duật. Hữu Thỉnh. Nguyễn Đức Mậu. Thanh
Thảo. Anh Ngọc. Viễn Phương. Trần Đăng Khoa. Thi Hoàng. Tạ Vũ. Vương Trọng.
Nguyễn Khắc Phục. Trần Mạnh Hảo. Trần Vũ Mai. Lê Thị Mây. Liên Nam. Nguyễn
Trọng Tạo. Trần Anh Thái. Inrasara. Phan Quế. Lê Anh Dũng. Nguyễn Hưng Hải. Y
Phương. Nguyễn Hữu Quý. Văn Lê. Văn Công Hùng … và nhiều người khác.
Heghen đã từng đề cập các loại trường ca về giáo huấn triết học, về vũ trụ, về
thần linh … như là khẳng định sức chứa và khả năng biểu đạt kỳ diệu của thể
loại này. Trường ca nửa sau thế kỷ 20 như một dòng hợp lưu lớn với nhiều dòng
chảy làm thành một không gian lịch sử rộng lớn và đầy ghềnh thác. Một trong
những dòng hợp lưu ấy là các bản trường ca làm thành những ký hiệu phát sáng
của một chặng đường lịch sử đầy biến động và bão tố của dân tộc. Từ đêm mười chín. 1951. Chiến thắng Hòa Bình. 1953.Tiếng
hát trên địa ngục. 1955. Những người trên cửa biển. 1956. Tiếng hát người quan họ. 1956. Bài ca chim Chrao. 1962. Lửa sáng rừng. 1962. Người
anh hùng Đồng Tháp. 1969. Núi rừng mở cánh. 1972. Kể chuyện ăn cốm giữa sân.1973. Mặt
đường khát vọng. 1974. Khúc hát người anh hùng. 1974. Những người đi tới biển. 1977. Đường tới thành phố. 1978. Đất nước hình tia chớp.1978. Trường ca sư đoàn. 1980. Sông
Mê Kông bốn mặt. 1988. Đảo chìm. 1994.Sông núi trên vai. 1995. Tiếng
bom và tiếng chuông chùa. 1997. Đổ bóng xuống mặt trời. 1999 v.v.. Toàn bộ bức tranh lịch sử
bằng trường ca ấy hiện lên số phận của người Việt Nam gắn bó không thể chia rời
với vận mệnh của đất nước, với những bước đi thăng trầm đầy bất ngờ và bi tráng
của lịch sử. Đi từ những chiến hào bùn đất và máu lửa, những rặng núi và bạt
ngàn rừng đầy thương tích; đất nước và những người lính qua bao hy sinh mất mát
để đến ngày chiến thắng. Trường ca nửa sau thế kỷ 20 hội tụ vẻ đẹp tâm hồn và
phẩm cách của người Việt Nam. Lòng quả cảm. Đức hy sinh. Khát vọng hòa bình.
Tình yêu hạnh phúc. Sức bền của sự chịu đựng. Niềm tin không mệt mỏi vào ngày
chiến thắng. Lòng vị tha nhân hậu cùng với tiếng hát thiết tha của tình nghĩa
thủy chung. Chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo chan hòa trong các trang
thơ. Đất nước. Người mẹ. Người lính – Những nhân vật chủ đạo được chạm khắc
thành những biểu tượng thiêng liêng của thời đại chúng ta.
Từ đêm mười chín được Khương Hữu Dụng viết từ 1947 –
1948. Với 672 dòng thơ. Như là sự mở đầu của nửa thế kỷ trường ca. Khi mà một tiếng chim kêu sáng cả rừng, người lính vệ quốc đoàn ở đèo Hải Vân
hiểm trở: đường leo đá tụt dốc
treo ngược. Trấn thủ người theo vóc ngựa gầy. Những người mặc áo trấn thủ khi nằm xuống vẫn trao lại nhau khẩu súng và hồn vẫn đi dưới cờ. Nếu Từ đêm mười chín Xuân Diệu còn cho là sử dụng thể thơ cổ phong giống một
bài phú thì Những người trên cửa
biển của Văn Cao và Tiếng hát người quan họ của Hoàng Cầm cùng viết năm 1956 đã mở
đầu cho kết cấu mới của Trường ca thời hiện đại. Những người trên cửa biển nhìn nhận lại một chặng đường lịch sử
của dân tộc qua không gian cảng Hải Phòng từ những ngày động biển khi những mái
nhà xưa đếm lại thiếu người để nghẹn ngào những ngày báo hiệu mùa xuân. Những người trên cửa biển với 531 câu được triển khai theo lối kết
cấu mới của trường ca không dựa vào một cốt truyện cụ thể mà lấy bối cảnh lịch
sử rộng lớn để tổ chức và lan tỏa những cảm xúc và hình tượng thơ.Tiếng hát người quan họ kết cấu theo kiểu liên khúc với 12 bài
thơ kể về tôi người quan họ với sự tích ngày xưa khi gió nằm im chân trời,
đừng về đây gợn nước, sợ tan những bóng người. Những lo toan khi mùa xuân trở
về để tìm đến chân trời của mẹ. Mặt đường khát vọng viết năm 1974. Với 9 khúc 1379 câu. Không phải không có
lúc các dòng thơ bị cuốn đi theo logic biện luận khiến câu thơ … quá mộc. Nhưng
toàn bản trường ca cho ta ngạc nhiên về tầm vóc suy tưởng của tác giả trên
những vấn đề thời đại đang xuống đường tranh đấu cùng với những câu thơ rung
động sâu xa đến bất ngờ. Đất nước không phải là cái gì cao xa mà chỉ là một
tình yêu giản dị. Chàng thi sỹ bé nhỏ xứ Huế đã từng nghe cha ông gọi tên mình
ù ù qua họng súng thần công lại nghe được tiếng rơi lặng lẽ của nỗi nhớ thầm mà
viết nên một trong những câu thơ hay nhất của trường ca nửa sau thế kỷ 20. Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong
nỗi nhớ thầm.Đất nước của Huyết thống ta trôi trên bán đảo âm thầm. Đất nước của những dòng sông không biết
bắt nguồn từ đâu; chỉ biết mỗi khi về đến đất mình mới bắt đầu cất lên câu hát
để gọi trăm màu trên dáng những dòng sông … Những người đi tới biển.1977. Đường tới thành phố. 1978. Trường ca sư đoàn. 1980 … đại biểu cho mùa trường ca sau 1975 cùng hòa tấu về
chặng đường gian nan của chiến tranh cùng với phẩm chất ngời sáng về lòng dũng
cảm và trắc ẩn yêu thương của người Việt Nam những năm đánh Mỹ. Bóng mẹ Việt
Nam đổ dài trên những khúc trường ca. Với Hữu Thỉnh. Mấy cuộc chiến tranh mẹ gánh cùng một lúc … Với Nguyễn Đức Mậu. Khói lên nhớ một dáng nhà. Mây in tóc mẹ trời
xa bay về… Với Thanh Thảo. Chiếc áo lính thức tròn đêm có mẹ. Những trường ca ấy cho chúng ta cách
đọc, cách hiểu về dân tộc và đất nước mình. Tiếng bom và tiếng chuông chùa viết 1997 kể về số phận của người lính
sau chiến tranh. Trong cảm xúc thơ siêu thoát đất Việt ta là đất của người hiền, đến câu dân
ca cũng không nỡ làm đau lòng thiên hạ. Người ra trận năm ấy sau hòa bình lại không quên gõ mõ như
là khúc tưởng niệm về thế hệ đã từng lấy vợ mà không được làm chồng, đã từng có con mà không
được làm bố … Tiếng chuông
chùa ở xứ sở này lại gợi tiếng bom để tưởng nhớ người đã nằm lại ở Trường Sơnkhông có tuổi già, không được quyền già. Âm hưởng xót xa mà không bi lụy trong quãng
ngắt lặng lẽ của hòa bình. Trường ca đâu chỉ là những khúc tráng ca chiến trận mà
còn là tiếng vọng không nguôi về cảm xúc và tâm hồn Việt Nam giàu lòng yêu
thương. Và họ không quên trắc ẩn về những con cá vàng còn ngủ mê trong điện Thái Hòa.Tổ quốc lại lên đường sau bao nhiêu năm chiến
tranh mình đầy thương tích trong trường ca Đất nước hình tia chớp của Trần Mạnh Hảo. Tất cả núi lại đổ ra biên giới. Tôi cứ ngỡ Trần Mạnh Hảo ồn ào. Nhưng ở thời
khắc giặc xâm lược tràn vào bờ cõi mới cảm thấy hết sự sục sôi của Đất nước hình tia chớp, đặc biệt là chương 10 – mẹ sinh nhiều con trai là cần thiết biết chừng nào. Có lẽ biểu
tượng hình tia chớp đã xếp trường ca này là một trong những khúc ca hào sảng
nhất những năm cuối thế kỷ 20.
Trường ca nửa sau thế kỷ 20 minh chứng cho sự trưởng thành của thi ca Việt Nam
không chỉ ở sự phát triển về mặt thể loại mà còn ở sự tròn đầy và hoàn thiện
của những phong cách thơ độc đáo. Nhiều thi sỹ tự nâng tầm vóc của mình không
phải chỉ qua một mà qua nhiều bản trường ca. Dường như đó là một phương thức
biểu đạt của độ dài rộng, sự phong phú và rào rạt của trường cảm xúc. Thu Bồn.
Hữu Thỉnh. Thanh Thảo. Rồi Anh Ngọc, Lê Thị Mây, Trần Anh Thái v.v.. Đáng lưu ý
là nhiều người trong số họ đến với trường ca không chỉ trên danh phận thi sỹ mà
còn là người trong cuộc. Người lính trực tiếp hành quân và ngụp lặn trong chiến
hào. Họ đã đi qua cuộc
hành quân dài hơn nỗi nhớ. Những
cuộc hành quân bằng ấy cây số người, bằng ấy cây số đất. Bởi thế cũng là điều
dễ hiểu khi tự sự đượm chất hùng ca là một khuynh hướng biểu cảm chủ đạo trong
trường ca của nhiều tác giả. Trường ca sư đoàn của Nguyễn Đức Mậu là một ví dụ. Với 5 chương và 1847 câu. Được
kết cấu trên những mảnh ghép lớn về mặt trận miền Tây, Quảng Trị năm 1972 và
trận đánh cuối cùng được khâu chuỗi bằng suy tưởng và cảm xúc trữ tình của tác
giả cùng rạng ngời trong vẻ đẹp chân thực của đời sống ở hầu khắp các trang
thơ. Không phải là người lính trận thì không thể viết Dưới vực sâu đêm dày vốc được, đốt dép lên soi
rõ bước chân mình. Hay Tay bới đào hy vọng. Hố củ mài tối đen…
Sẽ không mới khi nhận định chỉ có số ít trường ca nửa sau thế kỷ 20 dựa vào cốt
truyện cụ thể. Tuy không lấy kể chuyện làm mục đích trước hết mà đặt câu truyện
trên toàn tuyến lịch sử và thời cuộc. Trường ca Nguyễn Văn Trỗi. Người anh hùng Đồng Tháp. Khúc hát
người anh hùng … là ví dụ. Song
khuynh hướng chủ đạo và hầu hết là không dựa vào cốt truyện cụ thể mà lấy cảm
hứng về thời đại và lịch sử, vận mệnh của dân tộc trước thử thách khốc liệt của
chiến tranh và khát vọng tha thiết hòa bình. Bởi thế kết cấu của trường ca hiện
đại được tổ chức đa tầng, đa sự kiện nhằm phản ánh bức tranh về thời đại và
lịch sử rộng lớn. Mặt hào quang của nó thì đã rõ. Nhưng phải chăng vì thế
trường ca nửa sau thế kỷ 20 không có điều kiện tập trung để thực hiện việc điển
hình hóa nhân vật của thời đại chúng ta? Đó là điểm khác với trường ca cổ đại
hàng chục nghìn câu ghi dấu ấn không thể phai mờ bằng nhân vật điển hình của nó
trong lịch sử nhân loại ? Cũng như vậy. Truyện nôm khuyết danh của văn học
trung đại xét về sự chải chuốt của văn chương chưa hẳn đã nổi trội – Vì sao các
nhân vật điển hình thời ấy lại có sức sống lâu bền như vậy trong đời sống tinh
thần của người Việt Nam?
Dường như giới lý luận phê bình còn bỏ dấu chấm lửng về việc phân định rạch ròi
giữa trường ca, truyện thơ và thơ trường thiên. Có phải sự phát triển của
trường ca đã phá vỡ những quan niệm truyền thống. Và phải chăng vì thế, người
ta đã bỏ dở những trường ca ấp ủ của mình? Nguyễn Bính lỡ nửa chừng xuân với Thạch sương bồ mùa hạ 1944 có lần nói với Mộng Tuyết
rằng Viết truyện thơ tả
cảnh tình không khó. Tự sự mới thiệt khó khăn. Tự sự bằng lục bát của Nguyễn Du
quả là tài tình, người sau khó mà theo kịp. Trường ca Những vùng rừng không dân không tìm thấy toàn bộ bản thảo. Phạm Tiến
Duật băn khoăn: Gọi đấy là trường ca chăng?
Đấy là cái đắn đo đầu tiên của tôi. Dài thì đúng thật là dài rồi. Nhưng hát thì
không hoàn toàn là hát. Có những nhận định khác nhau về trường ca. Có người nói: Trường ca của chúng ta chưa đạt đến trình độ
truyện thơ về phương diện tự sự. Nhưng cũng không đậm đà chất trữ tình như
trong các khúc ngâm của văn học trung đại. Trường ca và thơ dài chưa có những
ranh giới xác định về hình thức thể loại. Liệu có thể lấy tiêu chí tự sự của truyện thơ
và chất trữ tình của khúc ngâm trung đại để bình giá trường ca thời hiện đại
khi mà đã thừa nhận sự khác biệt về mặt thể loại giữa chúng. Đáng chú ý là một
số trường ca dựa vào câu chuyện cụ thể lại không phải là những trường ca thành
công nhất. Một số trường ca nêu tên người tên đất cụ thể. Nhưng chỉ như là những
tín hiệu ghi danh đã không giúp gì cho việc điển hình hóa các nhân vật trung
tâm. Tôi băn khoăn với nhận định sự nở rộ của thể loại tiểu thuyết đã hạn chế
sức lan tỏa của truyện thơ và trường ca nửa sau thế kỷ 20.
Đã sang thế kỷ 21 được 10 năm. Ngày 12/10/2010. Chèo Tống Trân Cúc Hoadiễn ở nhà hát lớn Hà Nội. Tôi không hiểu đã
có trường ca hay truyện thơ nào của thế kỷ 20 được dàn dựng ở đây? Người ta còn
dựng truyện nôm xưa thành phim nữa. Nhớ lại hồi miền Bắc mới giải phóng. 1955-
1956. Nơi làng quê xứ Đoài cứ đêm đêm chị tôi lại chong đèn đọc truyện Tống
Trân. Cha tôi thì bảo ông Tống Trân là người có thật ở xứ Đông. Và tiếng trống
chèo rộn rã suốt một dải trời đêm xứ Đoài diễn các tích chèo về ông trạng Tống
Trân, nào đâu phải trước hết ở sự chải chuốt của văn chương. Với trường ca hiện
đại, cần có thời gian để hô hấp những giá trị tinh thần của một thời oanh liệt
vừa mới xảy ra hay chăng?
Nếu Hy Lạp cổ đại là quê hương của những trường ca vĩ đại thì nay miền văn hóa
ấy đang xôn xao vì nợ; liệu Homere sống lại có tiếp tục viết trường ca hay cũng
viết mà viết theo cách khác? Lịch sử của dân tộc đầu thế kỷ 21 đang kêu gọi các
thi sỹ cất lên tiếng hát của thời đại mình. Đã hai lần người Việt không thể
không nói dài được nữa. Lần thứ ba này sẽ bắt đầu tư đâu? Có điều nó sẽ không
gắn với những cuộc trường chinh. Có phải nó khởi nguyên từ sức mạnh tinh thần
của dân tộc, từ ước mơ và hành động sáng tạo cho phát triển cùng với sự thiêng
liêng của độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và khát vọng hòa bình. Nó trả lời
câu hỏi: Việt Nam sẽ là gì của thế giới. Thi ca là con thuyền duy nhất ở cõi
nhân sinh này không đi theo dòng chảy một chiều của thời gian. Những tráng ca
thuở trước còn vang vọng chưa nguôi đến tận bao giờ.
Thi ca là khúc tâm tình không tuổi của con người. Tôi từng nghe tiếng đàn tỳ bà
làm quan Giang Châu tư mã đượm
mùi áo xanh để nghìn năm sau lại
xao xác Long Thành cầm giả ca của thi hào Nguyễn Du. Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong
nỗi nhớ thầm nửa sau thế kỷ
20 sẽ còn lại mãi với cung đàn mùa xuân bất tử của thi
ca.
Hà Nội 11- 2015
Khuất Bình Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét