Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

Huỳnh Tịnh Của (1834-1907)

Huỳnh Tịnh Của (1834-1907)
(Trích "Các Nhà Văn Quốc Ngữ Tiền Phong" - Huỳnh Ái Tông) 
 Huỳnh Tịnh Paulus Của hay Huỳnh Tịnh Của người tỉnh Bà Rịa, ông thông thạo Hán và Pháp Văn. Năm 1881, được bổ ngạch Đốc phủ sứ, phụ trách công việc phiên dịch các văn án cho nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam.
Ông cũng là nhà văn quốc ngữ tiền phong cộng tác với Gia Định báo. Tác phẩm quan trọng trong văn nghiệp của ông rất có giá trị, đó là quyển Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, in thành 2 tập, tập I in năm 1895 từ mẫu tự A đến L, tập II in năm 1896 từ M đến X, cả hai quyển đều in tại Sàigòn do nhà in Imprimerie REY, CURIOL & Cie, Rues Catinat & d"Ormay. Năm 1983, nhà sách Khai Trí có in lại 2 tập của quyển tự vị nầy.
Là tự vị quốc âm nên mỗi chữ ông ghi chữ Nôm rồi tới chữ quốc ngữ có ký chú n: nôm, c: chữ (từ Hán Việt), sau đó mới giải nghĩa, nếu là từ Hán Việt, đôi khi ông thêm câu chữ Hán vào, ví dụ: chữ Quấc trang 217 tập II.
(Chữ Nôm) Quấc n (Coi chữ quốc)
Con -. Thứ chim đồng cao giò và hay kêu,
chữ gọi là (Đỗ) (Quyên), (Đỗ) ( Võ),(Tử) (Qui)
Đỗ quiên, đỗ võ, tử qui.
Dò -. Dài giò
Cách hành văn của ông rất mộc mạc và bình dân, cho đến nay chưa tìm thấy tác phẩm nào ông viết bằng Pháp Văn, các tác phẩm của ông cho chúng ta thấy, ông đã chú trọng vào việc điển chế và phổ biến chữ quốc ngữ.
Văn nghiệp của ông gồm có:
- Chuyện giải buồn (1880)
- Chuyện giải buồn, cuốn sau (1885)
- Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tập I (1895)
- Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, Tập II (1896)
- Tục ngữ, cỗ ngữ, gia ngôn (1896)
- Gia lễ quan chế
- Ca trù thể cách
- Bạch Viên Tôn Các truyện
- Chiêu quân cống Hồ truyện
- Thoại Khanh Châu Tuấn truyện
- Thơ mẹ dạy con
- Quan Âm diễn ca.

Huỳnh Ái Tông
Theo http://chimviet.free.fr/
Huỳnh Tịnh Của
Huỳnh Tịnh Của là nhà văn hóa học và ngôn ngữ học có đóng góp xuất sắc trong việc nghiên cứu, phát triển và truyền bá chữ quốc ngữ trong giai đoạn đầu, đặc biệt là ở Nam bộ. Huỳnh Tịnh Của ( 1834 - 1907) quê làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy Bà Rịa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai).
Huỳnh Tịnh Của học trường công giáo ở Penang, Malaysia. Sớm tiếp thu tư duy nghiên cứu khoa học phương Tây, ông tinh thông cả tiếng Hán và tiếng Pháp. Năm 1861, Huỳnh Tịnh Của được bổ nhiệm Ðốc phủ sứ, làm Giám đốc ty phiên dịch văn án ở Soái phủ Sài Gòn. Ngoài công việc của một viên chức chính phủ, ông còn lưu tâm giành nhiều thời gian nghiên cứu chữ quốc ngữ. Năm 1865, ông thay Trương Vĩnh Ký làm chủ bút tờ công báo quốc ngữ Gia Ðịnh báo trong một thời gian ngắn. Tuyệt đại đa số các tác phẩm của ông được viết bằng chữ quốc ngữ, vào thời bấy giờ vẫn chưa được coi trọng và bị đánh giá thấp hơn so với chữ Hán hay chữ Pháp. Huỳnh Tịnh Của từng đề nghị dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán và gửi một bản điều trần cho vua Tự Đức, yêu cầu cho xuất bản báo chí quốc ngữ để giáo dục quần chúng, nhưng không được chấp nhận.Năm 1864, ông làm Đốc phủ sứ, rồi làm. Giám đốc Ty phiên dịch. Văn án cho chính phủ bảo hộ thời ấy. Cùng với Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký... ông viết bài ở Gia Định báo, cổ xúy phong trào phổ thông chữ quốc ngữ, truyền bá học thuật, chấn hưng cổ học.
Các tác phẩm tiêu biểu của ông là "Chuyện giải buồn q. I (1880), Chuyện giải buồn q. II (1885), Đại Nam quốc âm tự vị q. I (1895; q. II (1896),Gia lễ (1886), Sách quan chế (1888), Văn Doãn diễn ca (1906), Câu hát góp (1994), Ca trù thể cách (1907), Thơ mẹ dạy con (1907). Gần đây một số tác phẩm kể trên đã có in lại. Ngoài ra, ông còn phiên âm những tác phẩm thơ nôm xưa và xuất bản để phổ biến: Quan âm diễn ca, Bạch Viên Tôn Các (1906), Thoại Khanh Châu Tuấn (1906). Huỳnh Tịnh Của và Trương Vĩnh Ký quan niệm, “xã hội Việt Nam có khả năng và cần vận dụng các kiến thức và kinh nghiệm của học thuật phương Tây về các vấn đề khoa học, kỹ nghệ, kinh tế và chính trị, để canh tân, nhưng vẫn giữ gìn, đào sâu và phát triển văn hóa phương Đông cổ truyền để duy trì bản chất và bảo tồn độc lập.”
Huỳnh Tịnh Của ra làm việc với Pháp sớm, đã đóng góp công sức của mình vào việc phổ biến chữ quốc ngữ trong sinh hoạt văn hóa vào những năm cuối thế kỷ 19 ở miền Nam
Huỳnh Tịnh Của sáng tác 17 tác phẩm thuộc hai loại: loại biên khảo và loại phiên âm.
Loại biên khảo có nội dung phổ biến kiến thức hoặc sưu tầm phóng tác các tác phẩm đời trước. Loại phiên âm, chuyển sang quốc ngữ những chuyện nôm xưa của các tác gia đời trước.

ĐẠI NAM QUỐC ÂM TỰ VỊ

Huỳnh Tịnh Của sáng tác khá nhiều và đa dạng, nhưng trong số những tác phẩm của ông, nổi bật nhất là pho Đại Nam quốc âm tự vị.
Khi soạn Ðại Nam quốc âm tự vị, Huỳnh Tịnh Của chủ trương, tự vị cũng là sách hội biên các thứ chữ, cùng các tiếng nói. Huỳnh Tịnh Của đã ghi rõ: “Ðại Nam quốc âm tự vị tham dụng chữ nho có giải nghĩa, có dẫn chứng, mượn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ”.[2]
Trong quá trình soạn sách, Huỳnh Tịnh Của được nhà Ðông phương học người Pháp tên là A. Landes giúp đỡ rất nhiều về ý kiến cũng như phương pháp. Huỳnh Tịnh Của viết: “nhân khi rỗi rảnh, ta cứ việc làm theo tiếng ta, chữ ta, viết đi chép lại, ngày đêm khó nhọc, hơn bốn năm trời mới thành công việc”.
Bộ sách trở thành "sách gối đầu giường" với nhiều thế hệ các nhà ngôn ngữ Việt Nam. Bộ tự vị có những ưu điểm rất nổi bật:
Ngữ vựng trong sách rất phong phú. Chữ "ăn" có tới 125 chữ ghép khác nhau, cho thấy công lao tìm tòi công phu của người biên soạn. Nó còn bao gồm chẳng những các từ ngữ văn chương, chung cho cả ba miền đất nước, rút ra từ các áng văn chương bác học và bình dân, mà cả ngôn ngữ bình dân, đặc biệt là những tiếng có màu sắc địa phương được sử dụng nhiều ở Nam Kỳ và Trung Kỳ thời bấy giờ, góp phần làm sáng tỏ rất nhiều khúc mắc ngôn ngữ học hiện đại sau này.
Bộ sách không chỉ vắn tắt giảng nghĩa, mà đôi khi còn trình bày nguồn gốc của chữ để cho nghĩa được rõ hơn, bằng cách trích thêm những câu tục ngữ, ca dao, những câu thơ Kiều, Lục Vân Tiên...
Huỳnh Tịnh Của phân biệt chữ theo hai gốc văn tự là Hán Việt và Nôm. Sáng kiến này rất hợp với ngôn ngữ Việt Nam. Điều này giúp cho độc giả hiểu rõ và dùng đúng các từ Hán Việt đã và đang có, giúp cho các nhà ngôn ngữ học sáng tạo thêm những từ mới theo yêu cầu của công nghiệp và giáo dục của thế giới hiện đại. Sách được coi là pho sách kinh điển của những nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam.
Tra cứu Ðại Nam quốc âm tự vị có thể thấy tính khoa học, chính xác và chặt chẽ rất cao. Huỳnh Tịnh Của tuân thủ nguyên tắc ngôn ngữ thống nhất, nhưng ông cũng biết thích nghi áp dụng nguyên tắc biến hóa thực tiễn của ngôn ngữ trong bộ sách của mình.
Đại Nam quốc âm tự vị in lần đầu tại Sài Gòn vào những năm 1895 và 1896 sau đó được tái bản nhiều lần. Ấn bản mới nhất do Nhà xuất bản Trẻ in vào năm 1998 bao gồm hai tập, dày 1.210 trang, tập 1 gồm 608 trang, tập 2 gồm 602 trang.
Lương Văn Hồng
Theo http://newvietart.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...