Mùi hương trầm 2
Dọc đường phương bắc
Rừng Sala tại Câu-thi-na
Ngày nay tôi đến thì tinh
xá và tháp do vua A-dục xây vẫn còn. Nhưng theo tài liệu thì đền mà ngày nay
ta thấy mới được xây lại năm 1956, thay thế đúng nơi "tinh xá bằng gạch"
mà Huyền Trang kể lại. Trong tinh xá này là một bức tượng Phật nhập Niết bàn
dài 6,2m bằng đá được hoàn thành trong thế kỷ thứ năm, đó chính là bức tượng
mà Huyền Trang mô tả. Bức tượng này đã nằm dưới đống gạch vụn của tinh xá cũ
và may thay được tìm thấy lại năm 1876 để hậu sinh như chúng ta được đảnh lễ.
Ðó là một cái đền có mái cao, buổi chiều trời mưa nên bên trong mát lạnh. Tượng
Phật đắp y vàng nằm an tịnh, hai bàn chân để lộ ra ngoài. Tôi lặng lẽ tìm chỗ
ngồi trên nền đá dưới chân tượng, trong đền mát lạnh và thơm mùi nhang khói,
lòng biết rằng ở nơi đây hai ngàn năm trăm năm trước, có một vị đạo sư cũng
phải lìa đời như mọi sinh vật trên trái đất này. Ngài chủ động lấy thân người,
sinh ra và lớn lên trong số phận của đời làm người và cũng thông qua dạng người
đó để chỉ dạy cho con người những nhận thức và phương pháp giải thoát khỏi
vòng sinh tử. Ðến ngày cuối cùng của đời mình Ngài cũng chịu bệnh tật và đau
đớn, dùng chính thân mình để minh họa cho giáo pháp mình. Ngài là người thể
hiện trước nhất và cụ thể nhất Bồ-tát đạo, cứu cánh của Ðại thừa Phật giáo mà
vài trăm năm sau mới bắt đầu phát triển.
Lần thiền định trong đền
này này để lại cho tôi lòng an tịnh khó quên, nó khác hẳn tại Bodh Gaya, nơi
đầy người qua kẻ lại. Lúc tôi ra khỏi đền thì trời đã dứt cơn mưa, lá cây
Sala vẫn còn lóng lánh. Hỡi các cây Sala này, theo kinh điển thì tiền bối của
các ngươi cũng đã chứng kiến phút nhập diệt của Phật:
"...Bốn cặp cây
Sala,
vươn tàng ra hợp lại, thành một vầng mây lá, che phủ thân vàng kim, nằm trên giường bảy báu..."
và cây lá như các ngươi mà
cũng biết đau buồn:
|
Tôi đi vòng quanh tháp bên
cạnh đền, lòng ngẩn ngơ. Ngọn tháp mà Huyền Trang cho là 200 bộ (khoảng hơn
60m) đó ngày nay chỉ đo được khoảng 15m. Có tài liệu cho rằng đó là chỗ thờ
xá-lợi của Phật được chia cho bộ lạc Malla chứ không phải của A-dục xây. Ngay
tại nơi đây, cách đền khoảng 1,5 km là nơi hỏa thiêu nhục thân đức Phật mà
Huyền Trang cũng đã mô tả, ngày nay chỉ là một ngọn đồi con đường kính 34m,
cao 8m (xem hình 16). Ðó là nơi cử hành lễ "Trà tỳ", lễ hỏa thiêu cử
hành khoảng một tuần sau khi Phập nhập diệt. Ðó là buổi lễ không thể thiếu
Ma-ha Ca-diếp, đại đệ tử của Phật, lúc đó đang ở Linh Thứu đã vội vã trở về
tham dự. Lễ này được mô tả rõ ràng trong Ðại Niết bàn kinh, phẩm Trà tỳ. Qua
bao nhiêu năm tháng ngọn đồi này đã bị nhiều người đào bới để tìm xá lợi Phật.
Huyền Trang cũng từng nói ai đến đây với lòng chí thành sẽ tìm thấy xá lợi.
Tôi không có chút tham vọng, biết mình làm sao đủ cơ duyên để tìm thấy cái
gì, chỉ nhớ rằng lúc mình đến là một buổi chiều sau khi mưa tạnh, bầu trời hết
sức quang đãng và lòng hết sức thanh thản. Ðiều bất ngờ là vềà sau tại Linh
Quang tự gần Bắc Kinh tại Trung Quốc, tôi đã được chiêm bái răng Phật, một
trong bốn chiếc răng được tìm thấy tại ngọn đồi con này, một trong các báu vật
mà cả Long Vương, Ðế Thích cũng giành nhau.
H 4: Lễ hỏa táng (trà tỳ)
đức Phật. Bên mặt phía dưới là Ca-diếp đang chắp tay cầu nguyện. Bên cạnh là
cư sĩ dang cúng dường hoa quả. Một tăng sĩ đang đổ hương trầm vào lửa từ
trong một bình đựng bằng vỏ ốc. Phía trên là thiên nhân đang tấu nhạc, một vị
khác đang rải hoa cúng dường [12]
|
Xá-vệ và Cấp Cô Ðộc
Hạt cải cho Phật
Ðường đi Nepal
Lâm-tì-ni, khu vườn đã quên
Kathmandou và khuôn mặt vàng
PHẦN THỨ BA: TRUNG QUỐC, XỨ SỞ CỦA BỒ-TÁT
Ánh sáng đến từ phương Tây
Vạn Lý Trường Thành
Linh Quang Tự và chiếc răng của Phật
Ung Hòa Cung và tiểu truyện về Trung Quốc Tây Tạng
Bình Thành và Động Vân Cương
Từ Hằng Sơn đến Quang Minh Đỉnh
Nhớ chàng trai Trương Vô Kỵ
tôi không thể không nhớ đến Quang Minh Đỉnh. Đó là sào huyệt của Ma giáo mà
chàng đã lần mò theo một ông hòa thượng leo lên tới. Nhưng Quang Minh Đỉnh có
thật chăng?
Quang Minh Đỉnh là một đỉnh
của rặng Hoàng sơn. Hoàng sơn là đệ nhất danh sơn của Trung Quốc. Ngũ Nhạc đã
đẹp nhưng Hoàng sơn vượt xa Ngũ Nhạc.
(Hình trích của
"Huangshan in China", Publishing house of China National, Academy
of fines Arts, 1994)
Hoàng sơn nằm trong tỉnh
An Huy, là một rặng núi có 72 đỉnh mà đỉnh cao nhất là Liên Hoa đỉnh (1860m)
và sau đó là Quang Minh Đỉnh (1840m). Huyền sử chép rằng nhà vua Hoàng Đế đến
đây để luyện linh đan sống ngàn năm nên núi có tên Hoàng sơn. Ngày nay dưới chân
Hoàng sơn là một thành phố có sân bay, đến từ Hàng Châu, Thượng Hải rất tiện.
|
Nhà du khảo nổi tiếng đời
Minh, Từ Hà Khách, là tác giả của "Từ Hà Khách du ký", một tác phẩm
có giá trị về văn hóa và khoa học. Ông đã đến đây và thốt lên:"Đến Ngũ
Nhạc thì không kể mọi danh sơn khác, đến Hoàng sơn thì không kể Ngũ Nhạc".
Hoàng sơn thật là một cảnh non bồng nước nhược với bốn đặc tính: sườn núi như
vách dựng đứng, rừng thông đầy hình thù kỳ dị, thế đá lạ lùng bí hiểm và cảnh
mây bọc núi, núi xuyên mây. Hoàng sơn là nơi thống nhất uy danh của các núi lớn:
cái tôn quí của Thái sơn, màu hoang dã của Hoa sơn, biển mây mênh mông của Hằng
sơn, thác nước cuồn cuộn của Lư sơn và phong thái thần tiên của Nga mi sơn.
Hoàng sơn chính là đối tượng sơn thủy của tranh thủy mặc từ nhiều ngàn năm
nay. Trên sườn Hoàng sơn vào mùa xuân người ta chỉ thấy một vùng trắng như
tuyết nhưng không phải tuyết, hỏi ra thì đó là Đào hoa phong, đỉnh chỉ trồng
hoa đào.
Tôi đến Hoàng sơn để ngắm
những ngọn núi hầu như cổ tích này. Trung Quốc mênh mông và quá nhiều cảnh đẹp,
nếu chỉ thăm một núi thì đó là Hoàng sơn; nếu chỉ thăm một hồ thì đó là Tây hồ
ở Hàng Châu. Nằm dưới chân Hoàng sơn lại còn có một thị trấn còn giữ lại được
từ thời nhà Tống, thế kỷ thứ 9, thứ 10. Thị trấn này làm tôi nhớ đến Hội An,
ngày nay nó là cũng chỗ bán đồ lưu niệm nhưng nó cổ hơn Hội An khoảng 400 năm
và toàn bộ nhà cửa ngày xưa còn nguyên vẹn suốt cả một con đường dài vài km.
Hoàng sơn là đệ nhất danh
sơn, "đến Hoàng sơn thì không kể Ngũ Nhạc", đó phải là lý do mà Ma
giáo đã một thời chọn Quang Minh Đỉnh làm ngai vàng để muôn năm trường trị,
thống nhất giang hồ, chống lại các chính phái. Đến Hoàng sơn tôi hiểu thêm rằng,
những gì mình đọc Kim Dung ngày xưa là một sự phối hợp tài tình giữa lịch sử
và địa lý có thật của Trung Quốc, hòa trong nền tảng thực tế của đạo lý, tâm
lý và xã hội của đất nước này, cùng với tài hư cấu tuyệt vời để khắc họa những
trong nhân vật, sáng tạo những hành động và cảnh ngộ vừa hoang đường vừa hiện
thực.
Cuộc ác chiến trên Quang
Minh Đỉnh không hề có thực nhưng Hoàng sơn, ngọn núi nằm tại hạ lưu sông
Dương Tử, là kẻ chứng kiến những trận chiến đẫm máu suốt trong lịch sử Trung
Quốc. Trước công nguyên tại vùng này đã xảy ra cuộc Hán Sở tranh hùng, cuối
cùng Hạng Vũ thua, tự tử tại Cai Hạ trên bờ Dương Tử. Trước đó, Ngô Phù Sai
cũng bị Việt vương Câu Tiễn tiêu diệt nơi đây. Đầu thế kỷ này, đây cũng là
nơi Nhật và các nước phương tây xâu xé Trung Quốc. Và, làm sao khác được,
cũng chính đây là nơi phát sinh các cuộc cách mạng vũ bão tại đất nước mênh
mông này.
Tôi đến Hoàng sơn, hoa đào
trên đỉnh Đào hoa phong vẫn nở trắng trinh nguyên như ngày trời đất mới mở hội.
Tất cả, những gì hư cấu hay có thực, đã chìm trong lịch sử. Mầu nhiệm thay,
thời gian.
|
Từ tiểu ni cô Nghi Lâm đến nàng Lý Ngư
Dưới chân Hằng sơn tôi
không thể không nhớ đến một người con gái tên gọi là Nghi Lâm. Đó phải là một
thiếu nữ tươi đẹp, hoạt bát, đầy nhựa sống, ham hoạt động. Thế nhưng đồng thời,
nàng là một tiểu ni cô với hạnh nguyện nghiêm túc mà cuộc đời mãi mãi gắn liền
nơi cửa Phật. Những cuộc đấu tranh long trời lỡ đất trong Tiếu Ngạo
Giang Hồ đưa đẩy nàng xuống núi hành hiệp, nhưng cứ mỗi lần phạm chút lỡ
lầm, nàng lại thầm cầu mong bồ-tát tha tội.
Với tuổi tác và võ công
non kém, Nghi Lâm "hành hiệp" không hiệu quả lắm, nàng chỉ có một
vai trò rất phụ thuộc. Nàng chỉ "nổi" trong sự hoạt bát đầy thông
minh của mình và cũng với tấm lòng yêu cuộc sống đó, nàng cảm thấy gần gủi tự
nhiên với Lệnh Hồ Xung, một chàng trai dễ yêu. Theo đà câu chuyện, Kim Dung
sáng tạo ra cả cảnh Lệnh Hồ Xung phải miễn cưỡng làm cả trưởng môn phái Nga
Mi của Hằng sơn, dẫn đầu cả một đám nữ đệ tử trong đó có Nghi Lâm. Hay thay
cái chính tà đan chéo lẫn lộn, một kẻ bị trục xuất ra khỏi Hoa sơn vì
"theo tà bỏ chính" mà lãnh đạo Hằng sơn, các vị ni sư Hằng sơn dám
phá chấp để gọi một chàng trai ham rượu chè về núi để điều động đệ tử. Trong
khung cảnh đó một tình cảm nẩy nở trong lòng Nghi Lâm mà nàng không biết gọi
tên.
Nghi Lâm không biết gọi nó
là tình yêu, thứ tình cảm mà nàng thấy thể hiện bằng sự quyến luyến Lệnh Hồ đại
ca. Nàng không tìm cách kềm chế nó như các vị sư trưởng của nàng mong đợi, vì
đối với nàng, tình cảm đó chưa có gì là tội lỗi. Các vị sư tỉ của nàng già giặn
hơn, biết đó là tình yêu và tìm cách ngăn cản một cách nhẹ nhàng, đầy từ bi
như bồ-tát của họ. Dễ thương biết bao, mối tình nhẹ nhàng này của tác phẩm,
nó xuyên suốt đến cuối câu chuyện để Nghi Lâm rốt cuộc trở thành một người chủ
chốt, hạ thủ cả Nhạc Bất Quần. Đáng thương thay cho nàng, nàng sẽ ân hận suốt
đời vì hành động mà người như Nghi Lâm sẽ cho là vô đạo đó. Và không ai rõ
sau khi câu chuyện chấm dứt, các vị sư nữ trở về núi tu hành tụng niệm, làm
sao Nghi Lâm quên được lòng "quyến luyến" của mình. Liệu sau đó
nàng biết đó là tình yêu hay không, đó là điều người đọc truyện tự trả lời.
Đến Hằng sơn, tiếc thay
tôi không còn thấy một tiểu ni cô nào cả. Đi nhiều nơi thăm nhiều tự viện tại
Trung Quốc ngày nay, tôi cũng không thấy một vị sư nữ nào, chứ đừng nói tới
ni cô vai mang kiếm đi hành hiệp. Tại nhiều chùa tôi nghe nói đến có sư nữ
nhưng hình như chúng tôi không được thăm viếng. Hẳn hình ảnh sư nữ Phật giáo
đã biến mất khỏi xã hội Trung Quốc ngày nay. Thế nhưng tại Bắc Kinh, tôi gặp
một chuyện lạ. Tôi được đi xem opera, tuồng "Truyện nàng Lý
ngư" tại Nhà hát lớn ở Bắc Kinh, cách quảng trường Thiên An môn không
xa.
Tuồng kể có chàng thư sinh
nọ, gia đình nề nếp. Lúc nhỏ chàng đã được đính hôn với con gái của một ông
quan. Về sau cha mẹ chết sớm, gia đình sa sút, chàng thư sinh ngày càng
nghèo, gia đình ông quan nọ tỏ vẻ xa lánh chàng. Chàng thư sinh buồn bã không
thiết gì đến việc học hành, ngày đêm thở vắn than dài. Ngày nọ cô tiểu thư
con ông quan đến thăm thư sinh, bày tỏ vẫn yêu thương chàng, nhưng tại cha mẹ
nàng sinh lòng rẻ rúng, chứ nàng vẫn quyết một lòng chung thủy với chàng.
Chàng thư sinh hết sức phấn khởi, chăm chỉ học hành. Chàng có ngờ đâu người
con gái đó là một nàng Lý ngư sống trong hồ, tu luyện lâu năm, biết được hoàn
cảnh của chàng, biến hiện thành tiểu thư nọ đến khuyên nhủ để chàng yên tâm
dùi mài kinh sử.
Ngày nọ đến hội hoa đăng,
đôi trai tài gái sắc đi hội, không ngờ gặp nàng tiểu thư thật ! Chàng thư
sinh lấy làm kỳ thấy hai người giống nhau như hệt mà người nào cũng tự xưng
là tiểu thư cả. Ông quan nọ được vời đến để phân biệt ai là con gái mình, thế
nhưng không sao biết được cả, vì nàng Lý ngư có thần thông đã biết hết mọi
chuyện riêng tư của nàng tiểu thư. Nàng Lý ngư đã lỡ hiện hình tiểu thư, nàng
phải làm cho trót vai trò, nhưng còn thêm một điều thú vị, đó là nàng đã lỡ
yêu chàng thư sinh mất rồi. Ông quan nọ không biết làm sao nên đem cả hai
nàng đến Bao Công nhờ phân xử. Nàng Lý ngư có một ông anh sống tại thủy cung,
thần thông xuất chúng. Ông anh này liền biến mình thành Bao Công để tìm cách
bênh vực cho cô em gái. Thú vị thay khi thấy hai Bao Công và hai tiểu thư giống
hệt nhau trên sân khấu trong sự hoang mang hoảng hốt của ông quan nọ và chàng
thư sinh tốt số. Cuối cùng Bao Công thật mới dùng cái kế muôn đời là đem thư
sinh vô tội ra đánh đòn trừng trị để xem phản ứng của hai nàng tiểu thư, qua
đó mà biết ai thật ai giả. Cũng lụy vì tình mà nàng Lý ngư lộ bản chất chỉ là
con cá chép tu luyện ngàn năm. May mắn thay cho nàng, chàng thư sinh không
chê nàng mà đem lòng yêu thương, theo về đến thủy cung.
Tưởng như vậy là ổn, ai ngờ
đây là một chuyện sai đạo lý, người không thể chung sống với súc sinh ! Và
người thi hành đạo lý đó là tướng nhà trời Dương Tiễn. Dương Tiễn đem quân đến
thủy cung bắt Lý ngư. Ngờ đâu Lý ngư cũng như chàng thư sinh yếu đuối nhất định
đánh lại, thà chết chứ không chịu xa nhau. Cuối cùng Lý ngư đánh không lại
Dương Tiễn, nàng cầu cứu Phật Bà Quan Âm. Bồ-tát Quan Âm hiện ra, cho nàng lựa
chọn, nếu là vì tình yêu thì được biến thành người, chung sống với thư sinh
nhưng phải mất công phu tu luyện, mất tuổi thọ mấy ngàn năm. Nàng Lý ngư
thưa: "Nếu không có tình yêu thì sống ngàn năm phỏng có ích gì".
Xúc động thay lời nói của nàng. Sau đó nàng chịu cho Dương Tiễn rút ba cái vảy
thần, chúng là hiện thân của kết quả tu luyện ngàn năm của mình và về sống
làm người với cuộc đời dân giã.
Trong bóng tối, tôi thầm lặng
cảm nhận câu chuyện, nhận ra lòng mình nhiều cảm khái về opera của
Bắc Kinh nổi tiếng toàn thế giới mà ta tạm gọi là "hát bộ". Hay
thay, giải pháp có tình có lý đầy từ bi, đầy tính người của Quan Âm. Liều
lĩnh thay, Lý ngư, dám bỏ công phu tu luyện ngàn năm để làm kiếp nhân sinh
nhiều rủi ro, đầy trắc trở; bỏ thần thông để làm con người yếu đuối và bất lực
trước mọi hoàn cảnh. Tất cả những hy sinh đó chỉ để làm theo tiếng gọi của
trái tim. Và lạ lùng thay, giữa Bắc Kinh mà có những vở tuồng có tính phê
phán xã hội và đầy tính tâm linh tôn giáo, trong đó Bao Công thật và giả đấu
tranh với nhau trước mắt người dân, trong đó hình ảnh của Nam Hải Quan Âm được
trình bày hết sức trân trọng và cuối cùng giải pháp của Ngài đề ra là chung
quyết, trọn vẹn cho con người.
Nghi Lâm và nàng Lý ngư đều
là những hình tượng tuyệt đẹp để tả tình yêu trai gái, một khía cạnh ưu việt
của văn hóa nghệ thuật Trung Quốc. Hai câu chuyện khác nhau xa về kết cục
nhưng giống nhau ở chỗ hai nàng đều xả thân, không tiếc mạng sống mình. Những
điều đó làm rung động đến tâm can người đọc người xem. Những mối tình nhẹ
nhàng như của Nghi Lâm, mãnh liệt như của Lý ngư đều có một nguồn gốc chung
là tính người. Vì thế chúng được thể hiện khắp nơi, có thể nằm trong một bộ
trường thiên tiểu thuyết của Kim Dung, cũng có thể ở trong một tích tuồng đầy
màu sắc và tiếng thanh la não bạt của opera Bắc Kinh.
|
Ngũ Đài Sơn (Wutaishan)
Còn đâu nước Thục
Nhân kiệt không đời nào thiếu
Nga Mi Sơn (Emeishan)
Những kích thước vĩ đại
Từ chân núi Nga Mi
có con đường số 31 đi về phía đông, cách khoảng 30km là một thị trấn nhỏ tên
gọi là Lạc sơn (Leshan) . Lạc sơn là chỗ tụ hội của ba con sông Mân Giang,
Thanh Y giang và Đại độ hà. Ba con sông này nhập lưu nơi đây nên chỗ này nước
xoáy, sóng dữ, xưa nay ghe thuyền bị đắm rất nhiều.
Ngày nọ có một tăng sĩ tên
là Hải Thông đi qua, thấy thuyền bè đi lại rất nguy hiểm, ông quyết xây nơi
đây một tượng Phật thật lớn mà người Trung Quốc gọi là "Đại Phật".
Ông lựa một ngọn núi đá nhìn ra hướng ba con sông, quyên tiền bạc của cải để
bắt đầu công trình xây dựng. Viên quan địa phương thời đó thấy ông có tiền của,
đòi chia chác. Ông khẳng khái từ chối, nói đó là tiền của bá tánh quyên góp,
không phải là tiền của ông và nói thêm, nếu của ông thì ông không tiếc gì cả.
Viên quan nọ hỏi xin thử mắt ông, nào ngờ Hải Thông móc mắt đưa ngay. Việc
làm đó dĩ nhiên làm người thần đều sợ, Hải Thông bắt đầu công trình xây dựng,
đó là năm 713, đời nhà Đường.
Hải Thông xây dựng đến cuối
đời mình vẫn chưa xong, sau khi ông chết nhiều tăng sĩ tiếp tục công trình. Đến
năm 803, chín mươi năm sau, Đại Phật Lạc sơn hoàn thành, ngày nay là tượng Phật
đẽo từ đá lớn nhất thế giới.
Đó là tượng Phật Di-lặc
cao 71m, đẽo từ một vách đá, lưng dựa vào núi Long Vân, mặt nhìn ra sông, mắt
ngang 3,3m, tai dài 7m, vai rộng 24m, trên bàn chân đứng được 100 người. Khí
độ tượng Phật hùng vĩ, xứng đáng với câu "Sơn thị nhất tôn Phật, Phật thị
nhất tòa sơn" (Núi là một vị Phật, Phật là một ngọn núi). Sau khi tượng
hoàn thành tàu bè không còn bị đắm. Nhiều người cho rằng lúc xây dựng, đá núi
được đổ xuống sông và biến đổi lòng sông một cách thuận lợi, chế ngự được các
dòng nước xoáy. Nhiều người khác cho rằng Di-lặc mà nhìn ra sông thì dòng
sông là nguồn ân phước vô tận.
Lạc sơn thực ra là một thị
trấn nhỏ nhưng nhờ Đại Phật lớn nên ngày nay đã trở thành một đô thị phồn
vinh với nhiều du khách. Đây là nơi của trung tâm bảo tồn vùng Nga Mi-Lạc
sơn, theo công thức mà người Trung Quốc ưa nói "Lên Nga Mi đảnh lễ Phổ
Hiền, xuống Lạc sơn tham bái Di-lặc". Đến Lạc sơn tôi được biết thêm
ngày xưa tượng Đại Phật này có thêm một tòa lâu đài cao 13 tầng che chở bức
tượng, gọi là Đại tượng các, nhưng đã bị hủy cuối đời nhà Minh. Thế nhưng mưa
gió bao thế kỷ không hề hấn gì đến tượng Di-lặc bằng đá, có chăng là trên đầu,
vai, tay áo của tượng rêu phong đã bám xanh rì.
Hai bên tả hữu bức tượng
có đường đi từ dưới chân Đại Phật lên núi Long Vân, trên đó có chùa Linh Bảo
với tháp gạch cao 38m xây trong đời nhà Tống. Cũng tại đó ta có thể thấy tượng
Hải Thông mà khuôn mặt và điệu bộ cương quyết của ông hầu như còn truyền đạt
ý chí sắt đá của người xưa.
Rời Lạc sơn vài km là
không còn thấy du khách đâu nữa, chúng tôi đi hướng bắc để đến Bát long đảo.
Trên dòng Thanh Y Giang tôi lạc vào một "quốc độ" chỉ toàn là tháp
tượng, đó là "Thiên tháp Phật quốc" tại Tào Ngư Than. Nơi đây, tuy
không đến ngàn ngôi tháp như tên gọi nhưng con số cũng lên đến 108 ngọn tháp,
không tháp nào giống tháp nào, tất cả đều được tạc bằng "nhã thạch".
Cảnh vật u tịch ở đây làm tôi nhớ đến chùa Linh Mụ và điện Hòn Chén ở Huế. Cả
hai nơi đều là cảnh thanh sơn thủy tú, sông liền núi, núi ngăn sông. Điều
khác biệt với xứ Huế bé nhỏ là người Trung Quốc không ưa những con số nhỏ, những
kích thước bé. Lẫn trong 108 ngọn tháp đó là một tượng Phật nhập Niết bàn dài
45m, cao 12,5m. Giữa núi rừng cô tịch, nhìn xuống là nước, nhìn lên là núi,
giữa vô số tượng tháp và trong mùi hương trầm quen thuộc, tôi bỗng nhớ thượng
nguồn sông Hương tha thiết.
Những ngày xưa ấy hiện về
rõ mồn một với màu nước trong xanh, với lòng kính sợ khi đi thuyền qua trước
điện Hòn Chén. Đó là ngôi điện nằm đúng chỗ miệng con rồng vĩ đại, một nhánh
của Trường sơn, cúi mình hút nước sông Hương. Đó phải là nơi mà ngày xưa còn
rất nhỏ, tôi đã cảm thấy giữa trời đất này phải có cái gì thiêng liêng, nó
không thể chỉ là cát đá trơ trụi được. Thế giới không thể chỉ là vài hạt điện
tử quay vòng vòng xung quanh hạt nhân được, tôi tự nhủ khi lớn lên. Tuy thế nếu
hỏi cái thiêng liêng đó là gì, không ai trả lời được rõ ràng. Ngày nọ nghe
Goethe, nhà thơ lớn nói: "Giữa trời và đất hẳn phải có cái gì khác nữa",
tôi thấy mình không đơn độc lắm, nhưng nhà thơ và cũng nhà bác học người Đức
đó cũng chẳng nói gì thêm. Ông không biết hay biết mà không muốn nói ?
Không phải chỉ Goethe, nhiều
người phương tây dường như cũng khắc khoải về "cái gì đó nằm giữa trời
và đất". Tôi nhớ đến câu chuyện của một phi hành gia. Ông ta tự hỏi,
mình đi bao nhiêu tầng trời rồi mà chẳng thấy Chúa đâu cả. Một nhà giải phẫu
đáp lại, ông đã mổ bao nhiêu cái đầu rồi mà cũng không thấy tư tưởng đâu cả.
Xem ra, cái thiêng liêng đó không phải là thứ để ta thấy, để ta có thể sờ mó
được. Nó nằm ngoài năm giác quan của ta nhưng nó thâm nhập và điều hành mọi sự.
Đã bốn mươi năm trôi qua kể từ lòng kính sợ ngày xưa tại điện Hòn Chén đến
ngày nay được hân hoan đứng trước tượng Đại Phật nhập niết bàn tại Hồng Nhã Tứ
Xuyên, tôi cũng không biết rõ hơn bao nhiêu cái thiêng liêng đó thực chất là
gì. Thế nhưng điều tôi hiểu rõ là câu hỏi nọ của mình ngày trước không hề là
thắc mắc của trẻ con khờ dại mà là vấn đề trọng đại nhất của con người.
Đại Túc (Dazu), thạch động ngủ quên |
Nguyễn Tường Bách
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét