Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Hà Nội phố, Hà Nội mùa đông

Hà Nội phố, Hà Nội mùa đông
Chút gió heo may về mang theo hơi hướng của một mùa đông Hà Nội sắp bắt đầu. Thu còn chần chừ, vấn vương chia tay trong hương cốm man mát, hương hoa sữa nồng nàn, ngây ngất phố, trong màu nắng vàng tươi như mật ong. Đông ngập ngừng với những cơn gió mùa đông bắc đầu tiên, lẫn vào từng cơn mưa, mưa lá bay đầy trời, kéo theo cái lạnh của khoảnh khắc giao mùa, vừa đủ cho những đôi tình nhân tìm hơi ấm tay trong tay bên nhau.
Lập Đông, Hà Nội có gam màu và hương vị say đắm là lạ. Màu vàng, đỏ của nắng, của lá cây, hương phố tỏa ra từ những hàng quà mùa Đông dọc vỉa hè…Tất cả những điều thi vị đó mang cho những người con xa Hà Nội một nỗi nhớ khó tả. Không ồn ào náo nhiệt như mùa Hè, không nồng nàn say đắm như mùa Thu, không tươi trẻ đầy sức sống như mùa Xuân, Đông Hà Nội mang chút lạnh lùng nghiêm nghị nhưng cũng không kém phần đáng yêu và duyên dáng giống như những nàng thiếu nữ Hà Nội vậy.
Hồ Gươm ngày Đông, mặt nước phẳng lặng, soi bóng Tháp Rùa cổ kính và những cành cây khẳng khiu, trụi lá. Lá đã theo gió đi cùng mùa Thu, dành lại cành trơ khấc cho mùa Đông.
Nắng không đủ rực rỡ, chỉ vừa đủ để làm hồng đôi má của ai đó. Những con đường với những rặng cây đang thay sắc lá. Thỉnh thoảng vài chiếc lá còn sót, rơi xuống trông giống như một vạt nắng vàng lấp lửng giữa khoảng không. Những chùm quả bàng chín vàng ửng, treo lủng lẳng trên cành, những bông hoa điệp còn vương lại, những cành cây cơm nguội rung rinh trong gió có vẻ như không muốn rời đi theo mùa, làm cho cái màu xám đặc trưng của mùa Đông được giảm bớt. Nhờ đó ta vẫn thấy ấm áp trong cái lạnh của gió, của không khí khi bắt gặp Đông trên phố.
“…Hà Nội mùa này chiều không buông nắng
Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô
Quán cóc liêu xiêu một câu thơ
Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ…”
Hồ Tây sương phủ mờ, con đường Cổ Ngư hôm nay dường như cũng có chút khác lạ. Rộng hơn, lạnh hơn, không còn những đôi tình nhân sóng sánh bên nhau dạo bước dưới nắng chiều. “…Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về…” .
Hà Nội Đông về còn quyến rũ lòng người bởi những món ăn rất riêng. Đó là ngô nướng, ốc luộc và quẩy nóng chiên giòn.
Những bắp ngô nếp còn non, vừa mới được trẩy về từ bãi giữa cầu Long Biên, ven sông Hồng. Bóc lớp áo lá xanh mướt bên ngoài, ta bắt gặp những hạt ngô trắng ngần, bóng mịn, còn căng sữa. Đem quạt nướng trên than hồng chừng mươi phút sẽ cho chúng ta những bắp ngô nướng ngọt dẻo thơm bùi, ngon phải biết…Ngô nướng quyến rũ thực khách bằng hương thơm riêng biệt, mùi thơm của hương đồng gió bãi, của phù sa hào phóng. Ngô nướng chỉ sinh ra vào đúng mùa này, đúng khoảng khắc này khi cái se se lạnh của heo may bủa vây quanh ta, khi màn đêm biến chậu than hồng trở nên lung linh huyền ảo. Ai cũng muốn ngồi gần chậu than hơn chút nữa, những đôi má ửng đỏ, những cặp mắt long lanh xúm quanh người quạt ngô, những câu chuyện không đầu không cuối, những tiếng xuýt xoa trong tà áo mỏng, âm thanh lép bép của lò than…tạo nên một không gian ấm cúng kỳ lạ, hòa quyện vào không khí chờ đợi thơm mùi ngô nếp. Cầm bắp ngô nướng chín nóng hôi hổi trên tay, ta có cảm giác hơi ấm lan truyền từ tay vào từng đường gân thớ thịt. Cẩn thận tách từng hạt, từng hạt, nhẹ nhàng bỏ vào miệng, nhẹ nhàng nhâm nhi như sợ cái vị ngon ngọt ấy tan nhanh đi mất.
Sẽ là thiếu sót nếu ta bỏ qua món quẩy nóng.
Mặc dù chỉ mới qua mấy trận gió mùa mà đâu đó bên những vỉa hè, cổng trường đã xuất hiện hàng quẩy nóng với mấy cái ghế, cái bàn con sơ sài cùng chảo mỡ to đùng. Đây là món ăn dân dã và rất rẻ. Ta có thể bắt gặp trên phố rất nhiều hàng quẩy nóng nhưng nổi tiếng nhất vẫn là quẩy ở các phố như Cửa Nam, Phan Bội Châu, Quán Thánh, Thụy Khuê. 
Quẩy ở phố nào cũng giống nhau, nhưng điều để thu hút thực khách và làm cho món quẩy của quán mình trở nên nổi tiếng thì bắt buộc người chủ phải có nước chấm ngon. Chua ngọt của dấm đường, se cay đầu lưỡi của ớt tươi, mặn dịu của nước mắm và không thể thiếu những lát đu đủ hay cà rốt thái mỏng. Một đĩa quẩy nóng, chấm với nước chấm chua ngọt, thêm chút tương ớt… Chao ơi mới hấp dẫn làm sao.
Có ngô nếp nướng, quẩy nóng giòn, sao ta có thể quên ốc luộc được chứ! Những con ốc béo ngậy được làm sạch sẽ, luộc với lá chanh, sả và một chút gia vị ta có được món ốc ngon tuyệt. Cũng giống như ăn quẩy, ốc ngon một phần nhờ nước chấm, mỗi quán có một cách pha nước chấm riêng, khiến người ăn không thể nhầm lẫn. Nhẹ nhàng xoắn ruột ốc ra khỏi vỏ, rồi nhẹ nhàng nhấn chìm vào nước chấm, mùi vị chúng hòa quyện vào nhau, ngọt ngào biết mấy. Đêm mùa Đông, ngồi xì xụp húp bát nước ốc, uống rượu trong hơi men, xích lại gần nhau nói đủ thứ chuyện, những con ốc như kéo gần khoảng cách mỗi người.
Cứ vẩn vơ, mơ màng với cây, với lá, với quà phố Hà Nội trong cái lạnh ngọt ngào còn vương chút thu, dạo bước qua những con đường lá rụng ngập đầy lối đi, dễ khiến hồn ta bay bổng theo từng cơn gió. Đông ơi, chào mi nhé. Mi về đây để ta có thể diện những chiếc khăn len ấm áp, để ta có thể thưởng thức một tách cafe nóng trong quán quen, để ta có thể hít hà cái lạnh giá của sương sớm…
Thi thoảng ta tự tạo cho mình cảm giác nhớ, để lại được mơ màng trong những dư âm cùng giá rét, nơi biến ta thành kẻ mộng mị sống cùng kí ức với niềm dấu yêu dành cho Hà Nội. Hà Nội mùa Đông với mái ngói rêu phong, với cây bàng trụi lá thân sẫm trong sương mờ. Hà Nội mùa Đông với thấp thoáng phố xá ánh đèn, quán cóc vỉa hè, tiếng rao vẳng phố khuya…để lại từng nỗi niềm yêu thương mong nhớ hoài cảm.
Và ta thấy lòng chùng xuống như khi nghe một giai điệu quen thuộc và vọng trong ta một khúc ca Hà Nội phố:
“Em ơi Hà Nội phố
Ta còn em mùi Hoàng Lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ ai tóc xõa vai mềm
Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em góc phố mồ côi mùa đông…”
Nguyễn Thanh Mai
CHỢ PHIÊN CÁN CẤU
Những ai đã từng có cơ hội đặt chân lên mảnh đất Lào Cai, đã từng có cơ hội được tham dự những phiên chợ vùng cao, đều đọng lại trong tâm trí những kỷ niệm không thể quên về những phiên chợ họp trên núi.
Chợ Cán Cấu là một trong những phiên chợ như thế, mới nghe cái tên thôi cũng đã hứa hẹn cho chúng ta nhiều điều thú vị. Cái tên thật lạ. Hỏi vì sao lại có tên gọi là Cán Cấu thì có người giải thích rằng : “Cán Cấu có nghĩa là vừa cắn vừa cấu”
Chợ phiên Cán Cấu thuộc địa phận xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Cách thành phố Lào Cai gần 100km, cách thị trấn Bắc Hà, huyện Bắc Hà gần 30km. Từ thành phố Lào Cai, xuôi theo quốc lộ 4D, du khách sẽ đến xã Phong Niên, huyện Bảo Thắng.Tiếp tục xuôi theo tỉnh lộ 153, qua trị trấn Bắc Hà, du khách sẽ đến được với phiên chợ đặc biệt, phiên chợ Cán Cấu.
Khi những làn sương đêm vẫn còn đọng lại trên sườn núi, khi nhưng tia nắng đầu tiên vừa le lói, thì người dân tộc từ các buôn làng đã rủ nhau cùng tới chợ.
Con đường lên núi thơ mộng trong vạt nắng vàng rực rỡ, ẩn hiện trong màn mây trắng, hôm nay dường như lại càng đẹp hơn, rộn rã hơn bởi sắc mầu của muôn vàn chiếc váy xòe hoa dập dìu.
Bạn có thể đi bộ, leo núi như những người dân bản xứ để lên chợ, hoặc đôi chân bạn chưa đủ dẻo dai để vượt dốc, thì lúc này xe ôm là phương tiện hữu hiệu nhất. Với tốc độ như bay, chỉ trong vòng 20 phút, bạn sẽ được các “xế ôm” đưa tới chợ Cán Cấu. Chợ họp vào mỗi thứ bảy hàng tuần. Chợ họp trên ngọn đồi thoai thoải cạnh đường xe. Lán trại sơ sài mang tính hoang dã của núi rừng.
Một phiên chợ hoàn toàn của người dân tộc, mang nhiều nét văn hóa của các dân tộc Mông Đen, Mông Đỏ, Mông Hoa, Giao, Tày…Người bản xứ thường đi bộ hoặc thồ hàng bằng ngựa. Họ mang tới chợ những đặc sản của dân tộc mình, hàng dệt thổ cẩm, nông sản, gia súc…Chợ phiên là nơi mọi người có thể mua và bán đủ các thứ mà không cần phải xếp loại hay theo khuôn mẫu nào. Bạn sẽ dễ dàng tìm được những món quà lưu niệm nhỏ xinh bằng chất liệu thổ cẩm được làm thủ công. Nếu bạn thích, bạn có thể sắm sanh cho mình một vài chiếc váy rực rỡ sắc màu, mang về xuôi làm điệu cùng bạn bè, rất độc đáo.
Chợ không chỉ là nơi bày bán hàng hóa, đó còn là nơi hẹn hò của các đôi nam thanh nữ tú. Là nơi những cô thiếu nữ dân tộc xinh xắn tìm cho mình người thương. Những cô gái miền sơn cước mang một nép đẹp rất riêng, rất lạ. Nắng hanh hanh làm ửng hồng đôi mà càng tăng thêm phần duyên dáng của họ.
Mỗi cô đều mang một vẻ đặc trưng của dân tộc mình, tạo nên những sắc màu của phiên chợ vùng cao.
Bạn có biết đây là gì không? Đó là xôi tím, món ăn đặc sản của chợ phiên Cán Cấu. Xôi được nấu từ một loại gạo đặc biệt của người dân tộc nên có màu tím. Ăn rất ngon và thơm. Nếu đã đi chợ Cán Cấu mà không ăn xôi tím thì bạn mới chỉ được thưởng thức một nửa hương vị Cán Cấu mà thôi.
Đến với chợ phiên Cán Cấu, ngoài việc mua bán, trao đổi hàng hóa, người Mông nơi đây và du khách phương xa còn có mục đích giao lưu văn hóa, gặp gỡ, tâm tình. Những chàng trai cô gái gương mặt hồ hởi, tạo nên không khí vưi tươi như ngày hội. Phiên chợ kết thúc, mọi người cùng ra về trong sự tiếc nuối, sự ước mong cho thời gian qua mau để lại được gặp nhau ở phiên chợ lần sau.
Đứng dưới chân núi và phóng tầm nhìn lên cao, chợ Cán Cấu giống như những bậc thang rực rỡ bởi váy áo và hàng hóa của bà con dân tộc. Nhìn từ trên cao xuống, lại thấy chợ như những bông hoa ngũ sắc, nằm lọt giữa những ngọn núi hùng vĩ của xứ Si Ma Cai. Khung cảnh ở Cán Cấu từ bao năm nay vẫn giữ nguyên được dáng vẻ hoang sơ trong trẻo vốn có. Nét hoang sơ đó cũng chính là sức hấp dẫn khó cưỡng đối với ai yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc Việt Nam.
Nguyễn Thanh Mai 
Theo http://dotchuoinon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...