Đối với riêng tôi, phố Hàng Chuối, Hà Nội là con phố văn
hóa rất dễ thương. Cái tên phố thì nôm na, dân dã, nhưng chính đường
phố ấy lại là nơi tọa lạc của mấy cơ quan văn hóa tầm cỡ trung ương,
quan trọng: Ủy ban Khoa học xã hội, Viện sử học, Nhà xuất bản Phụ nữ,
báo Phụ nữ, và đặc biệt là Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội. Gần mười
năm qua, đường Hàng Chuối, số nhà 16, với tôi đã thành một lối đi về.
Năm năm trước, khi viết những dòng chữ cuối cùng trong bài Đường tới Hàng Chuối để kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Nhà xuất bản ĐHQGHN, tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy trời mưa tối sầm. Bước xuống cổng thường trực, tôi thấy ớn lạnh: đường Hàng Chuối nước ngập mênh mang, trong ánh hoàng
hôn, lòng phố giống như một dòng sông nhỏ. Tôi không có thuyền, chỉ có xe máy,
vì vậy phải chờ nước rút. Tôi quay lên phòng làm việc, ngồi viết, chờ nước xuống. Viết trong tiếng mưa rơi dầm dề, viết trong tâm trạng chờ nước cạn, thông đường, tự nhiên tôi có linh cảm: chỗ mình ngồi không phải nơi này. Phòng Tổng Biên tập là nơi mình ngồi nhầm chỗ.
Thấm thoắt, vậy mà đã bốn năm tôi xa nơi nhầm chỗ. Bốn năm đi xa, ba năm làm việc trước đó, cộng lại là bẩy năm. Cái con số rành mạch như vậy, nhưng trong tôi, cảm giác trải nghiệm sự sống lại không rành mạch như vậy. Bẩy năm – vẫn như một giấc mơ trưa.
Bẩy năm trước, khi đang làm Phó chủ nhiệm khoa Báo chí và TBT Bản tin Đại học Quốc gia HN, tôi có chuyến công tác Sài Gòn. Xong
công việc ở Sài Gòn, tôi dành ra một ngày đi thăm địa đạo Củ Chi. Giữa lúc đang chui hầm, ngẩn ngơ trong những cánh rừng chiến địa thì tôi nhận được một cú điện thoại di động làm tỉnh hẳn người : “ Có Quyết định rồi thì anh phải về nhận bàn giao và làm việc đi chứ !” Đó là tiếng anh Phùng Quốc Bảo. Đó cũng là tiếng giục dã của hiện tại, cắt đứt những hồi ức của tôi về một thời trận mạc.
Thật ra, nếu có anh Bảo bên tôi trong khu rừng địa đạo lúc này, cả hai chắc sẽ rất vui. Anh Bảo và tôi cùng từ trường Đại học Tổng hợp lên đường nhập ngũ tháng 9 năm 1971 và
cùng chung một đại đội huấn luyện, trước khi vào chiến trường. Ngày nhập ngũ, anh Bảo đã là sinh viên khoa Vật lý năm thứ tư, còn một năm nữa là ra trường. Ngày mùng 6 tháng 9 năm
đó, Trường ĐH Tổng hợp tiễn ồ ạt hơn bốn trăm sinh viên thuộc hai năm thứ hai và thứ 3. Năm thứ tư, nghe nói được miễn, vì sắp ra trường. Nhưng rồi hơn một tuần sau, có lẽ do chiến trường miền Nam thiếu quân, các trường đại học lại “vét” thêm sinh viên năm
cuối, bổ sung. Thế là sau một tuần, khi bộ quần áo lính ga-ba-din của chúng tôi còn sột soạt, chưa giặt hết màu hồ, thì chúng tôi đã thấy anh Bảo và các chàng sinh viên Lý 4 xuất hiện . Nhìn khuôn mặt thư sinh trắng trẻo, lại có tiếng học giỏi, sắp được giữ lại trường của anh Bảo, ai cũng mến, thích bắt chuyện, làm quen. Nhưng quan sát kỹ, tôi vẫn nhớ, khuôn mặt ấy giấu kín một nỗi buồn. Cầm súng tập bắn đấy, trò chuyện, cười đùa đấy, nhưng hồn anh vẫn để đâu đâu, thi thoảng lại giật mình, như sực nhớ điều gì. Tôi đoán chắc cũng không phải do anh vấn vương với những quy luật vật lý nào xa xôi, mà chỉ buồn vì tiếc học, giống tôi. Suy bụng ta
ra bụng người kiểu ấy, tôi cảm thấy hãnh diện, vì dù sao tôi cũng giấu được, kiềm chế được, vì đã vào lính trước anh một tuần…
Kết thúc chiến tranh, sinh viên Tổng hợp từ các đơn vị và các chiến trường khác nhau lục tục xuất ngũ, trở lại trường học tiếp. Một hôm tôi gặp anh trong bộ cánh dân sự. Hỏi ra mới biết: anh đã ra quân với chức vụ Trung đội trưởng, học nốt năm thứ 4, tốt nghiệp, và sau một thời gian giảng dạy ở khoa Lý, anh đã qua một kỳ làm chuyên gia giáo dục ở châu Phi.
Bẵng đi một dạo, một ngày
nọ anh Bảo tìm đến nhà tôi chơi, thuyết phục, củng cố ý định chuyển nghề của tôi. Tôi vui vẻ nhận lời, đem sách mình dịch ra khoe với anh. Thật ra, trước đó, khi nghe Giáo sư Nguyễn Thiện Giáp và ông bạn Phạm Quang Long gợi ý tiến cử tôi từ Bản tin ĐHQGHN sang làm Tổng biên tập NXB, tôi đã thấy khoan khoái, không đắn đo gì. Tôi cũng chẳng quan tâm tới chuyện ai làm Giám đốc. Tôi chỉ quan tâm tới chuyện chuyên môn, bất biết ai là đồng sự. Đến khi nghe nói anh Bảo sẽ làm Giám đốc, tôi thấy mình quả là kẻ hữu
duyên.
Đến lúc này, khi lang thang trên vùng du lịch Củ Chi, nghe điện thoại anh Bảo giục về làm việc, tự nhiên tôi thấy xương sống ớn lạnh. Hình như linh tính cho tôi biết rằng: tôi đã quyết định hơi vội vã, hình như cuộc đời tôi sắp sang chương mới. Hình như sau chuyến bay trở về Hà Nội ngày mai, tôi sẽ phải dấn thân vào một cuộc chiến đấu mới, cũng gay go, cũng khốc liệt như mặt trận Củ Chi này.
Chỉ mấy ngày sau, tôi đã có mặt trong phòng Tổng biên tập. GS. Giáp đưa tôi một chiếc chìa khóa kèm một mảnh
giấy ghi chép nguệch ngoạc. Hóa ra đó là chìa khóa phòng và bản kê đồ đạc, đại khái “ coi như là biên bản bàn giao” – Giáo sư tặc lưỡi bảo thế. Tôi vào phòng, ngồi xuống bộ xa lông, nhưng bộ xa lông đóng rất hà tiện, ngồi chỉ được nửa mông. Lúc ra tôi về, ổ khóa hóc, ba người thay nhau xoay chìa mới khóa được cửa. Đại úy Chương an ủi tôi: “ Có gì mà sợ mất, anh. Ổ khóa này ông Giáp phải dùng mẹo mới mở được. Tôi sẽ trang bị lại. Đi làm chầu bia đã”.
Uống bia trò chuyện một lúc tôi mới nhận ra là, ở nhà xuất bản của mình ( gọi là của mình được rồi ), đàn ông không già, đàn bà không trẻ. Nhiều tuổi như ông Chương, nhưng ngồi uống bia mới biết tính tình rất trẻ. Còn phụ nữ thì, trước đó, nhiều người tôi gọi là cháu, xưngchú, bây giờ hỏi ra mới biết có con lớn rồi. Đã trót gọi “cháu” rồi, bây giờ lại chuyển sang “em” thấy ngọng. Gọi “cháu” đấy nhưng mà tiêng tiếc, thấy thiệt, vì nói chung phụ nữ nhà này tất cả đều xinh. Sau này, khi xem ảnh chụp dàn đồng ca nữ Nhà xuất bản tham gia hội diễn văn nghệ, có người đã nhầm với đoàn văn công Tuyên Quang. Xinh xắn, trẻ dai, nhưng phải đến một nửa là đáo để. Vì sao nói vậy ?
Sự đáo để này tôi đã được thụ hưởng luôn ngay trong tháng làm
việc đầu tiên. Món quà tặng ấy thường được hưởng vào buổi sáng, khi anh Bảo gọi tôi sang
nghe kiện. Có lẽ anh Bảo có ý định chia sẻ cùng anh “suất ăn sáng” đó thì ít, mà muốn tôi nắm bắt, làm quen với không khí xuất bản để mà “tùy tục” thì nhiều. Mở cửa phòng ra ngoài hành lang, chủ yếu chỉ nghe thấy tiếng phụ nữ. Khiếp quá ! Tôi đã định khi
nào phải quát một cái, ra oai Tổng biên tập, nhưng suốt 3 năm không quát nổi câu nào. Có một lần định quát thì cái nộ khí trong bụng nó nở ra quá mức, chuyển hóa thành ý định bóp cổ. Nghe la làng, tôi biết mình sai, mấy tuần sau phải nhanh chóng mượn rượu cưới giảng hòa. Tôi phàn nàn với Tiến sỹ Phạm Ngọc Trâm : “ phải đến một nửa là đáo để”. Ngọc Trâm cải chính : “ Nửa là thế nào. Hai nửa. Thật ra, một nửa tạm gác lại ở nhà, không mang đến cơ quan nên anh vẫn thấy cái nửa nhu mì đấy thôi. Phụ nữ thời nay
không đáo để, sống sao được.”
Nghe Ngọc Trâm tuyên ngôn thế, tôi càng hoang mang, lập tức nghĩ đến vợ mình, không biết nàng cất cái nhu mì ở đâu. Từ đó tôi càng nâng cao tinh thần cảnh giác.
Nhưng rồi câu chuyện con người cũng chìm đi sau câu chuyện công việc. Làm Tổng biên tập, tôi được hưởng thứ hạnh phúc nghề nghiệp rất ngọt ngào khi giải trình, tranh luận hoặc thuyết phục được Cục xuất bản cho phép một cuốn sách nào đó ra đời. Có những tiêu đề sách bị xem thuộc khu vực nhạy cảm về chính trị nên buộc phải tạm xếp lại yêu cầu về tính khoa học khách quan. Tuy nhiên khái niệm “chính trị” nhiều khi được hiểu quá máy móc, khái niệm “nhạy cảm” thì lại rất mù mờ, tối nghĩa, do vậy không ít cuốn sách mãi mãi tồn tại trong dạng bản thảo chờ duyệt. Tác giả thiệt thòi
là đương nhiên, nhưng thiệt nhiều nhất chính là độc giả. Những điều bị coi là “sai phạm về tư tưởng” nhiều khi chẳng thấm tháp gì, thậm chí là vô nghĩa trước những luận điệu la lối của kẻ thù bên ngoài biên giới. Những điều “sai phạm” đó chỉ hiện ra trong mắt một số nhà chức trách, một hai cơ quan hữu trách, còn đối với quảng đại độc giả thì gần như không hiện hình, không hề tồn tại. Tình yêu cuộc sống, tình cảm yêu nước và cái tâm trong sáng dễ dàng tiêu hóa luôn, bỏ qua luôn vài hạt sạn trong cái khối vàng ròng chân - thiện - mỹ mà tác giả chưng cất. Tôi đánh giá các bản thảo bằng lòng tự tin của một người thắng Mỹ, một công dân trên đất nước tự do.
Năm 2005, Nhà xuất bản đã công bố được 2 công trình của nhà triết học Trần Đức Thảo và một cuốn sách dưới dạng chân dung học thuật về ông. Cuốn sách “ Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo” mỏng manh nhưng đã trở thành một hiện tượng lạ đối với trí thức Việt Nam hải ngoại. Xa nước lâu năm, nhiều người gốc Việt ở Pháp ở Mỹ vẫn hình dung không khí đất nước như thời “Cải cách”. Nhiều học giả nước ngoài gửi thư từ, tư liệu về cho Ban biên tập Nhà xuất bản, xin được công bố. Thư viện Quốc gia Việt Nam chủ động tổ chức Hội thảo khoa học về Nhà triết học Trần Đức Thảo và ra mắt cuốn sách giúp NXB rất trang trọng. Nhà kinh tế học Việt Phương -nguyên Thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tặng toàn bộ tập di cảo Trần Đức Thảo với niềm tin cậy “gửi gắm cho Nhà xuất bản Đại học Quốc gia HN”. Tôi không ngờ cuốn sách nhỏ có tiếng vang đến vậy. Nhân tiện, tôi lấy luôn bài viết mới của mình trong cuốn sách gửi cho báo Văn Nghệ - cơ quan ngôn luận chính thống của Hội Nhà văn Việt Nam. Nửa tháng chờ đợi, đến đúng ngày kết thúc Đại hội Đảng, trong số báo chào mừng thành công của Đại hội, bài báo đó lừng lững xuất hiện như một lời tuyên cáo
chính thức quan điểm đánh giá về văn học quá khứ và cũng như lời chiêu tuyết đầu tiên cho một học giả lữ thứ. Tôi nhận được liên tục thư yêu cầu tái bản, yêu cầu tặng sách. Nhà xuất bản ĐHQGHN được coi như một địa chỉ Mạnh Thường Quân của văn hóa, khoa học. Hạnh phúc của tôi là đấy.
Nhưng có một điều lạ lùng, sau này tôi mới nhận ra, là sách đó lại bán không chạy. Hóa ra lý do ở nghiệp vụ phát hành chi là thứ yếu, nguyên nhân sâu xa vẫn là nhu cầu thị trường, nhu cầu xã hội. Hàm lượng trí tuệ và chất xám
thông tin trong mỗi cuốn sách đang từng ngày tỷ lệ nghịch với số lượng độc giả. Mảng độc giả trí thức đang mỗi năm một co lại như mảnh da lừa trong tiểu thuyết Ban-dắc. Đã đến lúc có những cuốn sách cần được in thật nhiều, phát không cho độc giả. Từ cửa nhà xuất bản ĐHQG này các cuốn sách quý đó sẽ ra đi, lan tỏa vào cuộc sống, len lỏi như những người lính đặc công về văn hóa – tư tưởng. Món lãi lớn nhất từ sách ấy không thuộc về ai, mà thuộc về chế độ.
Nhưng than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu !
Quỳnh Anh, Đinh Quốc Thắng, Ngọc Anh vào Đảng, tôi mừng lắm. Nhưng vào Đảng mấy hôm, Ngọc Anh nói với tôi, giọng rất bi quan, rằng: Anh về NXB chứng tỏ anh là người dũng cảm. Thấy có lời khen hơi lạ tai, tôi hỏi lại, Ngọc Anh chỉ cười, không chịu nói. Mấy ngày sau,
chị Nguyễn Ngọc Quyên rủ tôi và nhóm biên tập nữ đi uống cà phê. Tôi lần lượt nhờ Thu Hương, Lan Hương, Mai Lương, Thu Trang, Thu Thủy, Thanh Nhàn, Nguyễn Thủy trả lời câu hỏi ấy. Nhưng những người giải đáp cho tôi thấm thía nhất vẫn là Trưởng phòng Phát hành Trần Thị Lan và hai vị “tay hòm chìa khóa” khi ấy: Vền và Thêm. Hai cô thống nhất cho rằng, “anh về khi NXB đã qua thời oanh liệt, Giáo sư Nguyễn Văn Đạo, một người say viết sách, trân trọng nhà xuất bản đã nghỉ chức Giám đốc rồi, sách thời thầy Nguyễn Văn Thỏa là sách có thể in vô tư”. Tôi thẩm tra lại điều đó qua Giám đốc Phùng Quốc Bảo. Anh trả lời: “ điều đó quá rõ. Khi đó ĐHQG như bầu sữa. Bây giờ cạn rồi, không thể xuất bản hồn nhiên được. Anh nhìn sách tồn đọng đấy. Bây giờ chính là lúc Tổng biên tập phải tự tạo ra thời
oanh liệt đấy.
Nghe anh Bảo nói vậy, tôi hiểu sự oanh
liệt ở đây không hàm nghĩa thi ca mà là kinh tế, là thu nhập, là cơm áo gạo tiền. Sách tôi đứng tên Tổng biên tập rất hay, sách tôi chủ biên và làm người đỡ đầu bản thảo rất hay. Nhưng sách càng hay, đồng lương và tiền thưởng cho anh chị em trong Nhà mỗi ngày một teo lại. Lương thấp thì lười làm, càng lười sách càng nhiều lỗi, càng chậm tiến độ xuất bản. Đại học Quốc gia HN gần như chỉ cần cái danh nhà xuất bản của riêng mình trong một số cuốn, vì vậy thường xuyên nhắc nhở tôi và Ban Giám đốc chuẩn bị doanh nghiệp hóa. Ban Giám đốc lúc này thêm TS. Phạm Ngọc Trâm. Có Ngọc Trâm tham gia, tôi mừng lắm. Sự nhạy cảm trước đối tác, cách làm việc năng nổ, quyết đoán của cô làm tôi hy vọng. Giám đốc nhận hàm Phó giáo sư. Tôi mừng cho anh thì ít mà lo cho NXB thì nhiều. Học vị, học hàm và uy tín của anh như thế, có thể làm anh bị cuốn vào các đề tài khoa học, các dự án và hợp đồng giảng dạy nhiều nơi. Chính vì vậy, tôi quyết chí không đề xuất việc tổ chức tặng hoa chúc mừng anh. Suốt mấy tháng liền, tôi cảm thấy Ban Giám đốc, trong đó có tôi cứ lúng túng như gà mắc tóc, vì chưa biết hướng thoát hiểm chỗ nào.
Thế rồi tôi thành người nghiện bia lúc nào không hay. Thêm một ông Ivan Annam là Dịch giả Nguyễn Văn Thảo về NXB, tôi có thêm bạn bia. Đỗ Quốc Viện kéo tôi đi đá bóng. Trường Lâm giới thiệu cho tôi biết quán rượu Tam Trinh. Nhưng chỗ ngồi yêu thích hơn cả mà tôi hay rủ anh em ngồi chia sẻ vẫn là quán bia Nhà thờ Hàm Long. Có lẽ không đâu có quán bia đặt sát nhà thờ đến thế. Quán bia này đối diện với nhà thờ. Đây là nhà
thờ thuộc dòng Chúa Cứu thế, quãng giữa trưa là kéo chuông 30 phút một lần. Tôi thường ngồi nghe đủ 4 lần chuông. Mùi bia lâng lâng, tiếng người râm ran, tiếng chuông dóng dả ngân dài. Tất cả hợp lại thành một cái gì đó thật kỳ khôi, thánh thiện đấy mà cũng trần tục đấy. Có lẽ cuộc đời là vậy. Tôi cứ ngồi, nghĩ hết chuyện này sang chuyện khác: Nghĩ tới hợp đồng sách liên kết, sách nhiệm vụ, nghĩ tới triển lãm sách, kho sách, rồi nghĩ cả về tương lai chung của xuất bản Việt Nam lẫn văn hóa Việt Nam… Nhưng rồi càng nghĩ tôi càng nản. Có lẽ tôi làm Tổng biên tập cũng chỉ thoang thoảng, mơ hồ như hồi chuông trưa kia thôi. Ngân lên một hòi rồi biến mất vô tăm tích. Chỉ có cốc bia này là thật. “ Nâng cốc đi em, mừng hồi chuông thứ 4”
Ba năm trôi qua, ba năm bao nhiêu niềm vui mà cũng đằng đẵng những lo buồn. Vào một ngày hè oi ả, tôi quyết định viết đơn xin Ban Tổ chức ĐHQG cho miễn nhiệm. Tôi viết trong tâm trạng áy náy. Áy náy trước hết là vì phụ lòng tin của anh Bảo. Biết làm sao được. Tôi với anh có thể chung một chiến hào chống Mỹ. Nhưng cái chiến hào kinh tế hôm nay thì đúng là tôi không đủ sức đào, nên không thể đứng cùng ai.
Trong những ngày mưa dầm, ngập phố ngập làng, tôi bâng khuâng hình dung về một TBT tương lai, kế nhiệm mình. Tôi nhớ ngay đến những ý tưởng luôn độc đáo, mới mẻ, khác thường của PGS.TS Nguyễn Bá Thành khi anh làm Chủ nhiệm Khoa Văn. Tôi tin khả năng đồng cảm, gần gũi của anh với Ngọc Trâm, người đồng hương với anh. Có anh, bạn đồng khoa, làm TBT, sau này
tôi còn nhờ được việc này việc khác.
Chính vì vậy, trong những lần gặp gỡ, tôi động viên, khích lệ anh rất nhiều. Tôi bảo anh: “ Khoa Văn phải có người làm TBT, không thể để cho người khoa khác, ngành khác được. Ông không về, để người khoa khác về làm, tức là ông thiếu trách nhiệm, là ông
không tử tế”. Anh Thành nhìn tôi, nghi
hoặc.
Thế rồi cái ngày tôi được giải phóng khỏi trọng trách đã đến. Cả NXB vui vẻ dự tiệc tiễn tôi và đón anh Thành về. Mọi người chạm cốc rượu vang với tôi rồi thay nhau cho tôi xin chữ ký vào 2 cuốn từ điển – quà tặng NXB cho tôi. Nhà thơ Trần Văn Thi tặng tôi mấy câu thơ vui. Chị Châu, cháu Vân Hà vắng mặt, nhưng Trọng Hải, Đỗ Văn Bình, Phạm Văn Hiển, Hoàng Văn Thịnh, Hoàng Thao, Đào Thị Lệ, Phong Lan, Lê Thị Mùi, Đặng Phương Liên đều ký cho tôi.
Cuốn từ điển có thêm chữ ký, tôi cầm như thấy nặng hơn. Đấy là cái nặng của kỷ niệm, nói theo kiểu xưa, là nặng nghĩa, nặng tình.
Tôi
viết những dòng chữ này trong đêm về sáng, khi ngày kỷ niệm 15 năm thành lập NXB đến gần. Tôi lại lật những trang đầu của cuốn từ điển quà tặng 4 năm trước. “Cảo thơm lần rở trước đèn”. Những dòng lưu bút trong hai cuốn sách chưa hề phai. Những gương mặt thân yêu của nhà xuất bản cứ thấp thoáng đau đó sau dòng chữ. Mà khuất đi sao được. Gần như suốt 4 năm qua, nghiệm lại, mùa nào tôi cũng có mặt ít nhất một lần. Khi thì vì sách của vợ, khi thì vì nhớ quán Hàm Long, khi thì kiếm cớ đến trêu TBT Nguyễn Bá Thành mấy câu. Mỗi lần nhìn thấy anh Thành ngồi chúc cặp kính viễn xuống trang bản thảo như con chim gõ kiến, quả thực tôi thấy cũng thương. Đến khi thấy anh có ý định bỏ dở nhiệm kỳ giống tôi, tôi ra sức can ngăn, nhưng không lại. Anh về được một thời gian, tôi cảm thấy NXB mỗi ngày một vững mạnh, ăn nên làm ra. Tôi hoang mang không biết trong chuyện anh ở anh về, tôi có lỗi với ai, với anh hay với Phùng Quốc Bảo và Phạm Ngọc Trâm – những người đứng mũi chịu sào. Bí quá, tôi bắt tay anh xí xóa: “ Cả ông lẫn tôi đều không đủ sức tạo ra thời oanh liệt. Hai ta đều lỗi lớn. Hôm nọ tôi mơ trở lại Củ Chi, đang nằm mat-xa lim dim, bỗng có người gọi: “có
quyết định đề bạt rồi, về nhận nhiệm vụ đi chứ”. Tôi chồm dậy, toát hết mồ hôi, ông ạ”. Anh Thành cười váng nhà rồi bảo: “ Bây giờ già rồi, sợ đề bạt là phải. Cái quý nhất là trong đời 2 ta, số 16. Hàng Chuối đã thành một lối
đi về”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét