Quãng
đâu như tháng 7 năm 2007. Người bạn vong niên của tôi có quân hàm đại tá. Công
tác trong ngành tình báo quân đội đã nghỉ hưu. Sau khi giới thiệu thân thế, sự
nghiệp của nhân vật kia, người đồng hương ấy của tôi còn cẩn thận dặn dò. Bảo
một chút thôi mà nói dài nghe nóng cả điện thoại. “Một thi sỹ đã có tiếng tăm.
Khi nói chuyện giọng truyền cảm lắm. Cứ y như mấy ông cố đạo ở giáo xứ nghèo
vùng Sơn nam thượng quê mình…”. Đã mấy lần thưa vâng mà chưa dứt được cuộc gọi
đầy ám ảnh ấy. Rồi tôi gặp người đó. Người đã can dự vào hầu hết các lĩnh vực
văn chương. Ông ấy là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Phải
nói thật là khi gặp Thiều, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Chẳng khác nào sau khi đã
đọc Lẵng quả Thông và Tuyết vô cùng mịn màng tự dưng lại gặp cây
phong già cổ thụ xù xì thời gian Konstantin Pautopsky giữa căn hộ nhỏ hẹp với
bà vợ trẻ đẹp đa tình ở Mascơva trong bức ảnh đen trắng in trên một tờ nhật
trình Nga hồi đầu những năm năm mươi. Dáng vẻ ông cố đạo mẫn tiệp có phải trước
hết bởi sự mê hoặc của khuôn mặt đầy cá tính khiến Thiều giống một nhà văn hiện
thực hơn là một nhà thơ lãng mạn.
Đọc
truyện ngắn của Thiều. Hương khúc
nếp cuối cùng. Mưa ấm. Mùa hoa cải ven sông. Tiếng gọi cuối mùa đông. Hai người
đàn bà xóm trại. Khúc hát của dòng
sông. Người ở với hoa Tầm Xuân v.v..
Tôi thường thấy vang lên tiếng gọi khắc khoải của số phận con người vọng qua
các dòng sông yên tĩnh như tương phản, lại như đồng điệu với đời sống đầy trắc
ẩn ở cõi trần gian. Con thuyền lững lờ trôi dọc dòng sông ấy trong sắc chiều
huyền diệu tím như những quả dâu chín, dịu dàng tư lự như cái nhìn buông ra từ
thuở ban đầu mà sao thân phận con người nhiều đắng cay và thử thách đến thế. Đó
là tiếng ơ..ơ..ơ dưới bến âm vang da diết và rạo rực khôn cùng tâm khảm của hai
người đàn bà một già một trẻ có chung một người thân ra trận không về. Tiếng gọi cuối mùa đông không có ai trả lời. Chỉ có bên kia
sông mưa xuân đang ngùn ngụt bay. Đó là tiếng gió từ bãi sông rộng thổi hằn lên
từng làn mưa bụi về phía chân đê. Tiếng mưa mỏng và nhẹ như tiếng người thì
thào đâu đó cảm thông cho số phận của Hai
người đàn bà xóm trại sống
với nhau mấy chục năm đến giờ tóc họ đã bạc trắng đợi hai người chồng lính trận
bao năm chưa trở về. Đó là bãi sông mưa tháng hai ngây ngất. Rau khúc nếp đẻ
nhánh râm ran. Đôi trai gái lớn lên theo mùa khúc mọc mà số phận nghiệt ngã lại
đến với tình yêu của họ. Cô gái không nhìn thấy được gì nữa. Chỉ còn lại nỗi
xót xa của Hương khúc nếp cuối cùng. Đó là anh bộ đội đóng quân bên kia
sông, thi thoảng lại bơi qua sông đêm thăm Người ở với
hoa Tầm Xuân - Người đàn bà
bạc mệnh chồng mất sớm. Đứa con trai duy nhất đi B được 3 năm thì có giấy báo
tử gửi về. Một ngày kia. Người đàn bà ấy đi về cõi âm để sống với chồng. Với
con. Để lại bụi Tầm Xuân cằn cỗi và im lìm trong giá rét bên bờ sông xa lắm. Đó
là bóng tối mênh mang và tiếng mưa triền miên vỗ trên mặt sóng. Những ngọn gió
sông mang tiếng hát của người trong giấc mơ xưa cũng chính là Khúc hát của dòng sông ấy đánh thức bao lo âu và phập phồng
hạnh phúc của những cô gái đến tuổi lấy chồng… Đó là Mùa
hoa cải ven sông. Suốt cả bờ
bãi dòng nước hiền hòa ấy rực vàng hoa cải. Những bông hoa nhỏ nhắn mềm mại
đung đưa trong gió. Những cánh mỏng lấm tấm rụng trên mặt phù sa. Nỗi khát khao
tình yêu cuộc sống của con người không chỉ tình yêu bị chia lìa của đôi trai
gái ấy mà cả những kiếp người phiêu bạt dưới những mui thuyền vạn chài lơ đễnh
trên khắp các dòng sông Việt…
Thiều
viết văn xuôi với bản lĩnh của người thi sỹ. Truyện của ông tràn ngập chất thơ.
Không phải sự cầu nguyện cho bất hạnh và tan vỡ của số phận con người. Văn ông
ngợi ca sự chiến thắng của con người trước định mệnh và dù phải đắng cay như
ngọn lửa cuối cùng vùi trong than bụi vẫn ấm nóng tình yêu cuộc sống. Đọc văn
Thiều, đôi khi tôi sợ ông ấy vì cái lạnh lùng chỉ có ở những nhà tiểu thuyết mà
thường các thi sỹ chẳng bao giờ có được. Ví như ông dằn lòng để cho người lính
vội vã từ chiến trận trở về thăm vợ chỉ được hai lần ngắn ngủi một hai đêm
trong đời mà cả hai lần đều không gặp được trong sự thảng thốt đến vô cùng của
cả Hai người đàn bà xóm trại. Hoặc như
người thương binh duy nhất còn sống sót sau hòa bình trở về quả đồi chiến tranh
nơi cả đơn vị anh đã hy sinh. Nhưng cả hai người đàn bà thân yêu; một là người
vợ không chịu nổi cô đơn và di họa chiến tranh phải lặng lẽ bỏ đi; một là người
đang tiến dần đến tình yêu thương lại phải chết vì mìn. Đến con trâu người lính
ấy thả về rừng cũng không đi nổi phải quay trở lại trong đêm để làm bạn với sự
cô đơn và thiệt thòi của con người…
Quãng
giữa năm 2010 trở đi, tôi thường đọc thơ Thiều nhiều hơn, gặp nhau trên giấy
nhiều hơn là gặp ngoài đời. Bây giờ ông ấy là người lãnh đạo. Vẫn biết làm cái
nghề văn mà có tí chức chỉ khổ thôi; chẳng ai muốn làm vì chẳng thể làm cho tác
phẩm của mình hay lên được. Thi thoảng đến hội trường bé nhỏ chỉ bằng phòng họp
của Ủy ban xã ở số 9 Nguyễn Đình Chiểu hay phòng mít tinh giống như rạp chiếu
bóng của Bảo tàng Văn học Việt nam 275 Âu Cơ. Ông đã được ban tổ chức xếp chỗ
ngồi ở hàng ghế đầu. Từ những hàng ghế sau nhìn lên, thấy cái đầu ông ấy xung
quanh tóc rậm và dày. Đặc biệt là ở phía sau gáy. Nhưng ở giữa đỉnh dường như
lại có một khoảng trống thưa thớt nhỏ bằng lòng bàn tay. Tôi nhớ đến các đức
cha bề trên thường có khoảng rừng thưa tự nhiên ở đỉnh đầu. Hoặc do một yêu cầu
nào đó, nếu không phải là tự nhiên thì có lẽ được tỉa bớt hoặc cạo nhẵn cho cái
khoảng trống ấy. Thời sinh viên. Một nhà triết học bảo tôi rằng đấy là nơi để
các cha nghe rõ hơn lời mách bảo của thiên chúa và thường được đậy lại cẩn thận
bởi một chiếc mũ tròn rất đặc trưng của đạo Gia tô khi hành lễ. Đương nhiên là
Thiều không bao giờ đội chiếc mũ ấy. Tôi không hiểu khoảng rừng thưa ấy có liên
quan gì đến khả năng tưởng tượng vô cùng mạnh mẽ bởi một trường cảm xúc rộng
lớn vốn là thế mạnh của thơ ông so với nhiều thi sỹ khác cùng thế hệ. Ông thuộc
về những gì vừa kỳ lạ vừa cổ xưa dân dã nhờ con mắt luôn nhìn thẳng vào người
nói chuyện để thuyết phục. Và bộ râu con kiến dày sớm lốm đốm bạc đã kéo ông
trở về với dáng vẻ thi sỹ còn ôm ấp nhiều vất vả và khổ đau. Ý chí không bao
giờ mệt mỏi để theo đuổi đức tin của mình.
Thiều
có một bộ sưu tập chân nến, chân đèn. Tôi không hiểu Thiều có bị ám ảnh cảnh
người phải đội đèn đội nến suốt đêm được mô tả trong truyện nôm khuyết danh hồi
thế kỷ 18 hay không? Bao cô gái làng quê thuở đó chẳng sợ phải đội đèn vì nhất
quyết có ngày đón nhận được lương duyên? Thiều bảo. Sẽ có một đêm đông nào đó
đột nhiên tất cả các chân nến chân đèn cổ cũng như kim phát sáng. Mang về cái
ánh lửa thiêng của nhiều thời đại. Suy nghĩ về sự bừng sáng của các chân nến không
ngọn ấy càng làm cho Thiều giống một nhà truyền giáo mà bộ dạng bên ngoài ông
mang lại.
Thiều
đã được ngành công an cho sang bên kia bán cầu. Du học ở Cu Ba. Ông được tận
hưởng nền văn hóa châu Mỹ La tinh đầy bản sắc hứng khởi. Nhất là nền văn hóa ấy
lại được đốt lên bởi những xúc cảm cuồng nhiệt của một cuộc cách mạng với những
lãnh tụ râu dài và đôi mắt đa tình đặc sắc. Ở Habana và Pinar del Rio, tôi đã
thấy dân chúng yêu mến và treo ảnh Camilo. Che Ghevara. Phiden. Như những ông
thánh trước cửa chính mỗi ngôi nhà. Không hiểu cái chất man dại và hào hoa của
nền văn minh ấy có ảnh hưởng gì đến thơ Thiều hay không? Chỉ biết rằng với vốn
tiếng Anh đã học được ở đó, Thiều có điều kiện gõ cửa tới các miền đất khác của
văn hóa để làm đẹp những suy tưởng vốn là thế mạnh của thơ ông. Ông hiểu được
vẻ đẹp thuần túy của ngôn ngữ xứ sở được mệnh danh là sương mù vốn nổi tiếng
hài hước và giao thương hơn là thi ca. Mặc dù người ta không quên đấy là ngôn
ngữ của William Shakespeare và Walt Whitman. Những điều tưởng như năm tháng
nước chảy bèo trôi vô tình ấy, Cách mạng đã dành cho Thiều những công cụ rất
cần thiết để có thể đi xa khi bước vào thi ca những năm cuối cùng của thế kỷ 20
đầy thử thách.
Lúc đầu
tôi nghĩ Thiều đến với thi ca theo con đường của Nguyễn Bính. Những bài thơ đưa
ông gia nhập làng thơ thuở ban đầu là tình mẫu tử, tình yêu tha thiết với quê
hương. Dâng trà. Bây giờ đang
cuối mùa đông. Nghe tiếng chim cuốc. Những con thuyền sông Đáy… Dâng trà,
bài lục bát hiếm hoi của ông bùi ngùi Chiều quê
một nửa mái nhà nắng đi. Có một người con dâng trà cho cha. Chén trà dâng
lên bậc sinh thành để dứt áo đoạn trường đi theo con đường văn chương lập thân
tối hạ. Một câu thơ bạc một ngày vô ơn. Cái làng quê Bây giờ đang cuối mùa đông nghe như hơi hướng năm nào Nguyễn
Bính. Lại nghe tiếng pháo nổ trong ngõ nhà mình. Người con gái lấy chồng ở xóm
Đình để Thiều phải tránh lối rập rình đón dâu khi mà ngàn lá dâu chưa biếc cho
tằm nhả tơ theo màu nắng bên sông. Nhịp lục bát thắt lại trong nỗi bơ vơ vô cớ
của chàng nhà quê Nguyễn Quang Thiều, y như Nguyễn Bính.
Thế rồi
lại đến cuối đông
Làng
bao cô gái lấy chồng… còn tôi?
Thực tế
không có chữ nếu này; Nhưng nếu cứ tiếp tục đi theo nguồn cảm hứng và cách phô
diễn ấy, chắc Thiều cũng chỉ thêm một tiếng nói thân thuộc về làng quê Việt mà
các bậc đàn anh thuở trước đằm thắm hơn nhiều. Nhưng thời cuộc và bản thân cá
tính sáng tạo của nhà thơ đã không để ông yên phận với cái giấy thông hành nhập
cuộc thông thường ấy. Sau những năm 1983-1986, Thiều tự chia tay với những cái
đã có của mình để bước vào con đường tìm tòi mới! Sự mất ngủ của lửa được giải thưởng của Hội nhà văn Việt
Nam năm 1993 như không chỉ nói hộ bản thân ông mà cho cả thế hệ ông đã tự mình
không lặp lại ánh sáng huy hoàng của giai đoạn thi ca trước, mở ra cánh cửa để
đi tới sự mất ngủ của thi ca trên con đường tìm tòi khám phá vẻ đẹp tâm hồn con
người , khi mà lịch sử có những chấn động dữ dội về niềm tin và cái đích đi tới
của toàn nhân loại.Cuộc
sống đánh vào thơ muôn ngàn lớp sóng và
Thiều đã cùng thế hệ mình không ngần ngại ngã vào lớp sóng ấy. Dù chưa biết cái
gì xẩy ra ở phía trước.
Những
năm cuối cùng của thế kỷ 20 gấp gáp như tràn sang thế kỷ 21, một thời đại đảo
lộn các giá trị; Thức tỉnh các dân tộc nhìn lại chính mình và những giá trị; Nhất
là những giá trị tinh thần đã dày công tạo dựng nên. Quốc gia mà hai lần Hiến
phápViệt Nam trong lời nói đầu gọi là thành trì của cách mạng thế giới đổ sụp
xuống không phương cứu chữa. Quốc gia mà mấy thế kỷ hùng mạnh và tưởng như ổn
định nhất lại rung chuyển bởi khẩu hiệu của một người da đen. Không phải duy
trì trật tự cố hữu cũ mà Hãy bỏ phiếu
cho sự thay đổi. Thế giới phẳng đã lôi kéo những dân tộc bài ngoại ương
ngạnh nhất vào trào lưu văn minh như Các Mác đã từng nói. Một loạt các giá trị
đổ vỡ dưới chân những thành quách cũ. Một làn gió đổi mới tràn trề thổi trên
khắp mặt đất. Giữa lúc đó, nhiều ý kiến cho rằng Thơ đang tự cô lập mình với
thời đại. Rằng chữ trong thơ không cần mang nghĩa. Thơ đang lẩn tránh những vấn
đề nóng hổi của cuộc sống. Tình ý thơ nghèo nàn nông cạn. Tuyệt đối hóa hình
thức, coi đó là ngọn nguồn sáng tạo của thi ca. Rằng Thơ đang khủng hoảng. Tự
đánh mất bản chất sáng tạo của mình bằng cách in ra hàng nghìn tập thơ nhạt
nhẽo, không ai buồn đọc v.v… Nhưng có một thực tế khác mạnh mẽ hơn nhiều đã
hiện diện trên thi đàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời cuộc. Một thế hệ đã
mất ngủ cùng thời đại trên con đường cách tân và đổi mới thi ca.
Nguyễn
Lương Ngọc (1958-2001) với Từ
nước 1991. Ngày sinh lại. 1991. Lời
trong lời 1994. Nhà thơ đã
thỉnh một tiếng chuông vào thơ làm ta tỉnh giấc.ÂÂ Tôi thỉnh một tiếng chuông, kêu một tiếng
chuông. Bên chùa sư nữ thở dài. Người tỉnh
dậy tụng lần tràng hạt. Nghĩ thế nào lại thôiÂÂ . Đồng Đức Bốn (1948-2006) với Con ngựa trắng và rừng cỏ đắng. 1992. Chăn
trâu đốt lửa 1992… Bốn chỉ
chăn trâu trên cánh đồng lục bát cổ xưa mà buộc người đời phải đi theo Đêm sông Cầu mới lạ.ÂÂ Đừng buông
giọt mắt xuống sông. Anh về dẫu chỉ đò không
vẫn chìm và Bốn đã rút trăng buộc lại con đò ấy. Dương Kiều Minh (1960-2012)
với Củi lửa. 1989. Dâng
mẹ. 1990. Những thời
đại thanh xuân. 1991… Tôi vẫn nhớ cái miệng cười tràn đầy hy vọng của Minh
giống như Trăng và nắng vốn là thứ ánh sáng muôn đời lại được nhà thơ thắp lên
cho tên tuổi của riêng mình trong thơ.ÂÂ Trưa ngun ngút nắng đồng bằng. Bậc thềm
giàn giụa trăng mỗi tối.
Một thế hệ nhà thơ đã bước ra ánh sáng, mặc dù thành tựu của họ còn rất khác
nhau. Gộp tất cả họ lại đã là một tiếng nói rất đáng kể trên thi đàn. Inrasara.
Mai Văn Phấn. Vi Thùy Linh. Tuyết Nga. Đặng Huy Giang. Nguyễn Việt Chiến. Trần
Quang Quý. Và những người khác. Vẫn tiếng chuông chùa ấy, hai sợi dây lục bát
ấy, vẫn trăng và nắng ngàn năm ấy nhưng họ đã nghĩ khác, cảm khác, cách nói
khác… trong sự bộn bề lo toan và thôi thúc của những đêm thi ca thắp lửa vì
không ngủ. Nguyễn Quang Thiều là khuôn mặt đáng kể và tiêu biểu nhất của thế hệ
nhà thơ những năm cuối cùng của thế kỷ 20, mặc dù không phải tất cả các sáng
tác của ông đều đã được dư luận đánh giá như nhau. Điều đó cũng là đương nhiên
đối với hiện tượng Nguyễn Quang Thiều.
Đọc thơ
Thiều, người ta chạm phải nỗi trăn trở đến đau đớn của ông trên những vấn đề
thời cuộc và thời đại. Như là một cảm hứng chủ đạo. Vang lên âm thanh thảng
thốt của tiếng chim đêm và ngân lên không dứt tiếng chuông của các giáo đường
khắp mọi nơi về sự vươn tới của sứ mệnh con người.
Trong Lời cầu nguyện của thế hệ Nguyễn Quang Thiều đã nhóm
lửa làm lễ đón bình minh theo cách khác.
Họ chạy
trốn, không, họ chỉ nhóm lửa không giống
và thì
thầm không giống
Không
giống đóng cửa, không giống đốt đèn và
im lặng
ngồi không giống.
Họ đi
ngủ không giống. Nói mê không giống.
Thức
dậy không giống
Họ chạy
trốn, không. Họ chỉ không giống làm
lễ đón
bình minh.
Thế hệ
Thiều, các nhà thơ của thời kỳ đổi mới đâu phải ngoảnh mặt với thời cuộc, đâu
phải dấn thân vào kinh thánh và những lời sấm truyền khó hiểu. Đâu phải đào bới
dục vọng và mê sảng hư vô. Họ khát khao tin yêu và nhận diện con đường của niềm
tin dù chỉ là ánh sáng cuối ngày hắt qua khe cửa.ÂÂ Những u mê trôi kín cả chiều vàng.
Ta khao khát nhìn thấy ta trong vệt sáng cuối ngày hắt qua khe cửa. Có lẽ nào
đó là đường nhân loại. Đó là niềm tin sót lại trên đời. Đọc Châu Thổ,
Thơ tuyển lần thứ nhất của Thiều người đọc như chạm vào lửa nóng những vấn đề
về triết lý nhân sinh mà thời đại đang đặt ra.
Đó là Tiếng chim cuốc trên đường xưa cỏ nát khi muỗi bay như
ném cát vào trong ngõ, cả thế hệ tuổi hai mươi không ngủ bởi những bờ tre gầy
rạc tiếng cuốc gọi quê hương. Đó là những người đàn bà góa bụa trên những con
đường xa tít loang lổ gió sau những năm chiến tranh như thời gian lặng lẽ chảy
vào chiếc bình gốm khổng lồ của lịch sử; Bầu vú của họ trở nên mệt mỏi và lơ
đãng trong tiếng gọi mê mẩn nồng mùi thuốc lào đàn ông và ruộng đồng ngai ngái
mùi châu thổ để người thi sỹ khóc thầm cho Những ví dụ vĩnh viễn ra đi. Đó là sự xám hối của
kẻ xâm lược đã bóp cò hai mươi năm về trước để viên đạn chết người vẫn còn bay
cho đến bây giờ. Đó là bóng ma chiến tranh hăm dọa và bao vây cả những lời
nguyện cầu cho bình yên bên trong thánh đường bao bọc bởi những con đường
chuyên chở vũ khí ở xứ sở cồn cào cát bỏng. Đó là trái đất đang nóng lên từng
độ mà trái tim con người cứ lạnh dần đi và nhân loại đang uống rượu trong bình
đau khổ khi vầng trăng như chiếc khuy đồng, có thể nào sắp dứt ra khỏi áo để
không còn mảnh vải che nhau làm đường chân trời run rẩy nhịp thời gian giữa mặt
đất khổ đau và bầu trời hạnh phúc. Đó là những người
đàn bà gánh nước sông và lũ
trẻ cởi truồng chạy theo mẹ lớn lên để vác cần câu và những cơn mơ biển ra khỏi
nhà lặng lẽ; Con cá thiêng quay mặt vào những trang cổ tích khóc dầm dề kể về
văn hóa cổ xưa không bao giờ mất. Đó là một thời lịch sử biến động và đầy bất
trắc.ÂÂ Những
đền chùa gục ngã trước những pho kinh phản bội bồ đề… Tiếng hề cười băm chả
những u mê. Đó là Nhân chứng
của một cái chết mô tả sự
tràn ngập của lụt lội cùng với sự đổ vỡ từ bên trong và sự phục hồi.
Nhưng
cao hơn tất cả là tiếng nói của sự sống, của một cuộc đổi thay vĩ đại. Đó là Lời trăn trối của tương lai. Trái đất sẽ
kết thúc bằng sự tự bóc vỏ. Những ngọn gió thế kỷ sau ùa về
để lịch sử tìm thấy mảnh gốm vàng cho nhà thơ cắt rốn một cuộc sinh nở tràn đầy
hy vọng. Một cuộc đổi đời đang đến với những
học sinh mới và thầy giáo cũ, với bình
minh đang lên. Đó là nhịp điệu châu thổ mới khi ánh nến của hy vọng đã không thể
tắt qua khổ đau mà được đốt sớm hơn mọi thế kỷ trước. Và ở đấy râm ran tiếng
gọi, tiếng thì thào của đời sống mới, của sự khua
vang bát đĩa, củi khô và ấm đun nước, của âm nhạc tưng bừng mở những mùa hoa nến. Nhà thơ như
cậu bé đi gọi linh hồn của đất. Nhân loại thức dậy và rút những chân
hương ra khỏi ngực mình. Có ai đó đi cùng tôi vào mùa hạ năm ấy đến giáo
đường thánh St. Peter đã nói rằng ông ấy cũng có cảm giác như Thiều ở Thánh đường Thomas More khi mà những người Thiên chúa giáo,
Hồi giáo, Phật giáo cùng cất tiếng nguyện cầu dưới sự chỉ đường duy nhất của
chúa tể nhân loại là chính con người.
Nguyễn
Quang Thiều nằm trong số ít các nhà thơ hiện đại Việt Nam cảm nhận sâu xa quan
niệm vạn vật hữu linh từ trong truyền thống tín ngưỡng dân gian, tôn giáo đến
sáng tạo các hình tượng văn học gắn bó với số phận con người bằng tất cả cung
bậc tình cảm gần gũi nhất. Những sinh vật nhỏ bé và thân thuộc như giun đất,
dế, chó đến con bò, một đám cỏ bạc tóc hay một trái cây lặng lẽ chín trong
vườn…Tất cả đều như run rẩy những âm thanh về số phận con người. Tất cả chúng
cùng với con người đã đứng dưới bầu trời này cầu nguyện cho hạnh phúc an bình
từ rất lâu trước khi các thánh đường được xây cất trên mặt đất. Vâng. Thiều
cũng như thế hệ của ông, các nhà thơ của thời kỳ đổi mới đã trang trọng thắp
lên những cây nến ngà mở đường cho những ước mơ sinh nở và những khát vọng sáng
tạo. Họ đang đi và sẽ còn đi trên con đường cách tân của thi ca Việt Nam.
Bây giờ
là cuối mùa đông của thế kỷ này
Chúng
ta đang đi hết con đường này
Chúng
ta đẹp như ban mai, đầy ước mơ sinh nở
Ý nghĩ
ấy vụt qua, bầu trời chợt mở
Chúng
ta như hai cây nến ngà vừa được thắp lên.
Những
thi phẩm hay nhất trong sự nghiệp của Thiều lại là những bài thơ viết về cố
hương. Số bài đó có thể xếp vào những bài thơ hay của thế kỷ 20 cùng với các
nhà thơ hiện đại khác. Sông Đáy.
Đàn chó của tôi. Bài hát về cố hương. Hồi tưởng tháng tư-mùa hoa Loa kèn. Chiếc
bình gốm… Ở đây, Nguyễn Quang
Thiều đã kết hợp được nhiều thế mạnh của thi sỹ ở sự độc đáo và mới lạ trong
cảm xúc và hình tượng, sự xung mãn và trí tưởng tượng vô cùng mạnh mẽ trên
những chủ đề bình dị nhất. Hồi tưởng
tháng tư và Bài hát về cố hương là điển hình cho những phẩm chất ấy.
Điều này cũng lý giải vì sao hàng trăm bài viết và một số công trình lý luận
dài hơi khi trích dẫn Nguyễn Quang Thiều đều lấy Bài hát về cố hương. Cố hương là đề
tài truyền thống không biết có biết bao nhà thơ từ cổ chí kim đã viết. Đặc biệt
thành tựu là thơ phương Đông. Vậy mà Thiều sản sinh ra một bài thơ hay với cái
kết thật đặc sắc làm cho cái nhỏ bé tầm thường nhất, rất tầm thường, chỉ như
con chó nhỏ mà mang về ý nghĩa sâu xa đâu cần phải lên giọng hô phong hoán vũ. Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ. Để
canh giữ nỗi buồn - báu vật cố hương tôi. Đâu
có phá cách. Đâu có thơ dịch. Con vằn nhà nông xuế xóa ngại nuôi đã ở trong thơ
Ức Trai tự lâu rồi. Cũng như Tháng
mười. Chỉ tháng mười ở vùng
châu thổ sông Hồng, khi lúa đã gặt xong và mùa thu đang đến, mỗi người thành
thị ở xứ Bắc đều có một người nhà quê trong máu thịt bao đời truyền lại. BởiÂÂ Những ngọn
khói trẻ chăn trâu đốt rạ trên cánh đồng sau vụ gặt. Thở vào ta hương vị tháng
mười…
ÂÂ Thơ
hay như người con gái đẹp. Ở đâu, đi đâu cũng lấy được chồng. Dĩ
nhiên là người con gái đang tâm sự thầm với chúng ta ở đây đã lấy được chồng
rồi. Nhưng. Vì sự mất ngủ của thi ca. Thơ Thiều lại bước lên thi đàn với dáng
vẻ mới. Tôi muốn nói tới những bài thơ dài mà chưa bao giờ Thiều gọi là trường
ca cả. Tập Châu Thổ có chừng 6 bài. Nhịp
điệu châu thổ mới. Chuyển dịch màu đen. Hồi tưởng. Nhân chứng của cái chết. Bài
ca chim đêm. Cây ánh sáng. Một
số ý kiến trong hội thảo giữa 2012 cho rằng: đọc thơ Thiều nhưÂÂ đi vào mê
sảng của những ý nghĩ, những điểm chưa nói hết, lập lờ, nhiều bè, nhiều tầng
bậc, tình tiết, thủ pháp lạ hóa và ẩn dụ kép.ÂÂ Thú thật là thấy nặng nề.
Không chỉ trong thơ
dài, cả trong thơ ngắn ngày càng vơi đi chất lãng mạn, hoang dại .v.v…
Những nhận định trên đây có lẽ chủ yếu giành cho thơ dài. Tôi cho rằng đó là
lĩnh vực vẫn còn nhiều thử nghiệm của ông. Hầu như không có cốt truyện là điều
mà nhiều người hay làm và có vẻ để dễ theo dõi hơn; Thơ dài của Thiều là những
bức tranh đa dạng, nhiều màu sắc trên toàn nền màu trầm để mô tả những luận đề
của suy tưởng và những trận bão của cảm xúc. Không phải không có những câu thơ
lấp lánh. Những hình tượng đột xuất và thậm chí cả một bài thơ hay trọn vẹn nằm
trong số những bài hay nhất của Thiều. Ví như Hồi tưởng
tháng tư.
Tuy nhiên với Nhịp điệu châu thổ mới dài 7 chương, Nhân chứng của một cái chết dài 19 khúc… Không phải là điều dễ dàng đối với số đông công chúng đọc thơ hiện nay. Thiều lại hay sử dụng thủ pháp nghệ thuật xếp hàng những hình tượng đa chiều của một hiện tượng, một cảm xúc liền kề nhau. Giống như việc đặt liên tục các luận đề về một sự vật, hiện tượng cạnh nhau có thể gây cho người đọc cơn xốc của cảm xúc.
Tuy nhiên với Nhịp điệu châu thổ mới dài 7 chương, Nhân chứng của một cái chết dài 19 khúc… Không phải là điều dễ dàng đối với số đông công chúng đọc thơ hiện nay. Thiều lại hay sử dụng thủ pháp nghệ thuật xếp hàng những hình tượng đa chiều của một hiện tượng, một cảm xúc liền kề nhau. Giống như việc đặt liên tục các luận đề về một sự vật, hiện tượng cạnh nhau có thể gây cho người đọc cơn xốc của cảm xúc.
Tôi
không hiểu dùng từ luận đề đã chính xác hay chưa, nhưng bằng
cách đó Nguyễn Quang Thiều đã công khai đề xướng một khuynh hướng biểu cảm khác
hẳn, chưa bao giờ có trong truyền thống thơ phương Đông, vốn cổ xúy cho chủ
trương ý tại ngôn ngoại, hàm xúc, triệt để sử dụng những thủ pháp ước lệ, biểu
trưng. Thơ dài của Thiều để cảm xúc trần trụi dâng trào lên… Bắt buộc người ta
không thể ngân nga thư thái được. Rằng hay thì thật là hay. Nhưng tôi đã gặp sự
nhấn mạnh liên tiếp như thế trong tác phẩm triết học của các nhà kinh điển. Thơ
Thiều không phải là tác phẩm triết học, nhưng một số bài thơ dài lẫn ngắn ông
lấy xuất phát điểm từ góc nhìn của nhà triết học. Có người hỏi. Nguyễn Tiên
Điền khi viết truyện Kiều cũng đã từng xuất phát từ luận đề mang tính triết
học? Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh
khéo là ghét nhau? Tôi cho
rằng Nguyễn Du coi thuyết tài mệnh tương đố chỉ là… cái cớ mà thôi. Tư tưởng
sáng tạo nghệ thuật của ông là ở hai câu tiếp theo. Ở đó có sự gắn bó không
chia cắt của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo. Động lực để đi đến
tuyệt tác Đoạn trường tân thanh. Trải qua một
cuộc bể dâu. Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Tôi suy nghĩ điều này trong liên
hệ với một nhận xét đầy hóm hỉnh và kín đáo của nhà thơ Hữu Thỉnh: Thơ Thiều
trước đây hay không giải thích được. Bây giờ hay có thể giải thích được. Nhẹ
nhàng vậy thôi nhưng chạm tới cốt cách của Thơ khác so với các thể loại khác.
Phải chăng đó là tính tự nhiên?
Đọc thơ
dài của Nguyễn Quang Thiều, tôi nghĩ sự mất ngủ vì thi ca của thế hệ ông còn
chưa dứt. Không chỉ 10 năm cuối cùng của thế kỷ 20 mà tràn sang cả thế kỷ mới.
Nhìn lại sự bùng nổ của Phong trào Thơ Mới những năm 30 chỉ diễn ra trong 10
năm nhưng thực ra đã âm ỉ từ 30 năm trước. Cũng như 10 năm thơ chống Mỹ
(1964-1975) rực rỡ là thế cũng được chuẩn bị từ rất lâu trước đó và được kéo dài
khoảng 20 năm sau chiến tranh. Với những thành tựu đã có, thế hệ của Thiều còn
đang phải đi tới giai đoạn nở rộ các tập thơ hay vượt trội với các phong cách
thơ độc đáo, có tầm vóc. Phải chăng là chậm trễ? Không. Không chậm chút nào vì
tất cả những vấn đề rộng lớn làm thành đặc điểm của nền tảng văn hóa và xã hội,
quy mô của những vấn đề về triết lý nhân sinh mà thời đại đang đặt ra cho thế
hệ thi sỹ cùng thời với Nguyễn Quang Thiều? Thế hệ của Thiều sẵn lòng tự mình
làm chân nến chân đèn giống như nhân vật trong truyện nôm khuyết danh thế kỷ 18
để thắp lửa chào đón cuộc lương duyên, chào đón một thời đại mới của thi ca;
Khi mà các thi sỹ của thời đại chúng ta đều phát sáng giống như những chân nến
chân đèn đều thắp lửa cho một cuộc hội ngộ văn chương. Không hiểu lúc đó thi sỹ
Nguyễn Quang Thiều có còn giữ lại chân nến chân đèn nữa hay không, hay là tự
nguyện lau chùi chúng bóng loáng như ông cố đạo năm nào rồi đem hiến vào một
giáo đường nào đó ở xứ đạo nghèo Sơn nam thượng quanh năm gió thổi.
Khuất Bình Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét