I. Thu lại đến
Chao ơi thu đã đến rồi sao?
Thu trước vừa qua mới độ nào
(Chế Lan Viên)
Mùa thu lại trở về với giá
heo may se lạnh, với mưa bay nhè nhẹ, với lá vàng rơi lả tả làm lòng người cũng
chùng theo cùng sương giăng lủng thấp, khói tỏa hồ xanh... Không mùa nào làm
cho cõi trần thêm bàng bạc mơ hồ như mùa thu.
Hình như càng lớn tuổi, con
người hay trầm tư chiêm nghiệm về cuộc đời như thị để cố ngộ và đạt được sự an
lạc, sau bao "xuân hạ thu đông" bon chen đuổi bắt những ảo ảnh quyền,
lợi, danh, vọng ... đến mệt nhòai.
Càng để tâm quan sát cảnh sắc
đổi thay của bốn mùa, thăng trầm của nhân thế, mất còn của vật đổi sao dời
không ai không khỏi nhận ra qui luật vô thường của đời sống. Sinh, họai, trụ diệt
cứ thế mà xoay vòng luân hồi mãi mãi. Phải chăng đó cũng là điều mà nhà Phật
luôn nhắc nhở trong 'tứ pháp ấn': Vô thường, Khổ, Không và Vô Ngã; trong đó
lãng đãng 'Duyên Khởi' đan bện trùng trùng. Đó cũng là sự thực của vũ trụ và
nhân thế; nên Tâm Kinh Bát Nhã đã từ lâu nhắc nhở "hành thâm bát nhã ba la
mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách..."
Con người là lọai sinh vật
duy nhất có tư tưởng, trí nhớ và mộng mơ nên vô tình đã tự hành hạ mình và làm
cho cuộc sống thêm phức tạp. René Descartes (1596-1650) một tư tưởng gia Pháp ở
đầu thế kỷ 17 đã thốt lên một câu bất hủ "Je pense, donc je suis!"
(Ta tư duy tức ta hiện hữu - Cogito, ergo sum) trong các tác phẩm triết học của
mình. Con người luôn tự tra vấn, để còn thấy mình hiện hữu, về thân phận, về sự
có mặt tạm bợ của mình trong thế gian này với mục đích gì. Mọi triết lý, tôn
giáo hay học thuật đều do con người bày ra hoặc là để phục vụ hoặc là để khống
chế nhân sinh đang sống; hoặc là giúp cho xã hội nâng cao đạo đức mà sống chung
hòa hợp, hoặc là tạo ra những cộng đồng cuồng tín, cuồng sát bất dung. Ngòai ra
không có ý nghĩa gì khác. Kẻ cai trị hay người bị cai trị, thú săn mồi hay mồi
bị săn một ngày kia cũng cùng biến mất trên cõi đời này trả cấu chất lại cho đất. "Ba
vạn sáu ngàn ngày là mấy. Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười".(Cao Bá
Quát). Vì thế chuyện bản ngã luân chuyển qua đời sau, kiếp trước; hay linh
hồn bất diệt mãi mãi càng ngày là điều khó tin. Tôn giáo nào áp đặt tín điều phục
vụ thần linh siêu nhiên huyền hoặc đều là dối gạt cốt tranh tư lợi.
Duy tuệ thị nghiệp! Tuệ ở
đây không hẳn là mức độ học trình cao thấp qui định qua bằng cấp của học đường
mà là sự bừng sáng của lý trí rốt ráo để nhận ra "thân phận" của mình
và những nghiệp thiện ác do mình tạo tác trong đời đang sống, hòng làm lành
tránh dữ để tâm tư an lạc. Sự giáo dục của học đường cũng là một vốn liếng quan
trọng không kém để đương đầu sinh kế trong một xã hội phồn tạp ngày nay. Và
cũng nhờ khoa học mà ta có thể liên hệ chặt chẻ hơn khi lý giải được những hiện
tượng vật lý trong cõi ta bà để không bị lầm lạc.
Khoa học dĩ nhiên là do con
người sáng tạo từ tiến bộ của tư tưởng cốt để giải thích những hiện tượng tự
nhiên thấy được và không thấy được bằng mắt thường. Con người qua quá trình
quan sát các hiện tượng trong trời đất, thấy rằng chúng tuần hòan lập đi lập lại
nên đặt ra những phép đo đạt tính tóan, lập nên những giả thuyết, định đề và đặt
tên cho các thành tựu theo qui ước để tiện thông tin cho nhau và kiểm nghiệm một
cách khách quan để trao truyền qua các thế hệ.
Nhìn cây cối, hoa lá qua
Xuân Hạ Thu Đông; người xưa Á Đông thường bảo "Xuân tăng, Hạ trưởng, Thu
liễm, Đông tàn". Nó cũng ứng với những thay đổi trong đời mà ngày xưa đức
Khổng Tử luôn nhấn mạnh đến việc giáo dục và kiến văn: "Ngô Thập Hữu Ngũ
Nhi Chí Vu Học (Đến 15 tuổi, ta mới có thể tự-mình chuyên-tâm vào việc học); Tam
Thập Nhi Lập (Đến 30 tuổi thì sức tự lập mới vững-vàng); Tứ Thập Nhi
Bất Hoặc (Đến 40 tuổi mới hết nghi hoặc chuyện đời, có thể hiểu thấu mọi sự
lý trong thiên hạ, phân biệt được việc phải hay trái); Ngũ Thập Nhi Tri
Thiên Mệnh (Đến 50 tuổi có thể thông suốt qui luật của tạo hoá, tức là hiểu
được mệnh của trời); Lục Thập Nhi Nhĩ Thuận (Đến 60 tuổi thì đạt đến
độ hoàn hảo về mặt tri hành nên khi nghe thấy điều gì người ta không cảm thấy
trở ngại); Thất Thập Nhi Tùng Tâm Sở Dục Bất Du Củ (Đến 70 tuổi, con
người sẽ thấu triệt về cách xử thế; làm việc gì cũng chừng mực).
Những phát kiến của khoa học
còn luôn tiến hành liên tục, bởi con người hình như không bao giờ thỏa mãn với
những thành tựu trí tuệ của mình. Sự tich lũy tri thức của các học thuật của
nhân lọai đã giúp cho con người tìm hiểu sâu xa hơn về sự sống từ vũ trụ cho đến
tế bào. Ít ra khoa học ngày nay cũng giúp con người có được nhiều câu trả lời
thỏa đáng cho những điều nan giải đối với các thế hệ xưa ở vài trăm năm trước;
ngay cả đức Khổng tử vốn được thiên hạ tôn xưng là 'vạn thế sư biểu' còn lúng
túng không giải quyết được khi nghe hai đứa bé cãi nhau về việc mặt trời gần
hay xa hơn hai mươi lăm thế kỷ trước.(Chuyện Liệt tử - Cổ học tinh hoa - Nguyễn
Văn Ngọc). Khoa học, vì thế cũng đã làm cho những giá trị tôn giáo, nhất là thần
học của tây phương bị lỗi thời một cách thảm hại.
Châu Âu mãi đến thế kỷ 18 mới
ra khỏi thời đại tăm tối (Dark Age) để đạt đến "thời đại giác ngộ (hay
khai sáng)" (Enlightenment Age) với những khuôn mặt lớn John Locke,
Herbert of Cherbbury, François Voltaire, Thomas Paine ... đã thay thế chuyện
'thiên khải' bằng 'lý trí'; như nhà tríết gia Immanuel Kant nêu châm ngôn
"Dare to know", đã làm một cuộc cách mạng tư tưởng ở Anh và châu Âu.
Không biết đến bao giờ nhân lọai mới có được thời đại thực sự giác ngộ để tự giải
phóng và thời đại của mình?
Hãy nghĩ, vũ trụ đã được
hình thành khỏang 15 tỷ năm trước; mặt trời và quả đất có mặt khỏang gần 5 tỷ
năm trước; và con người ... nhỏ bé đầu tiên, chỉ xuất hiện khỏang 1.5 triệu năm
trước; và chuyện 'sáng thế ký' lại được truyền tụng khỏang hơn hai mươi sáu thế
kỷ trước đây mà thôi. Ai tạo dựng ra ai?.
II. Cuộc cách mạng tư duy
Muốn tra vấn về nguồn gốc sự
sống và con người, không khỏi bắt nguồn từ vũ trụ. Nói về vũ trụ thì những hiểu
bíết hiện nay vẫn chỉ còn nằm trong giới hạn của tương đối. Đa số các nhà thiên
văn và tóan học dùng từ 'vũ trụ' khi nói đến 'vũ trụ quan sát được' vì mọi dữ
kiện quan sát và trình bày là do con người làm nên và truyền lại hiểu biết ấy
cho đồng chũng; như thế có nghĩa là điểm đối chiếu là từ quả đất, cho nên nhiều
nhà thiên văn thường bảo rằng chúng ta ở tại tâm của vũ trụ quan sát được.
Nên phân biệt với cái nhìn của
thần học lỗi thời mà bấy lâu nay nhiều người vẫn bị lầm lạc là 'quả đất là
trung tâm của vũ trụ và mặt trời quay quanh quả đất'. Khái niệm này đã được ghi
trong Cựu Ước, và đến năm 150 có Ptolemy [Claudius Ptolemaeus (83 -161
AD)] đề xướng phụ họa qua tác phẩm Almagest. Chỉ đến giữa thế kỷ 16, Miko³aj
Kopernik (Nicolaus Copernicus), một nhà thiên văn người Ba Lan đã can đảm bác bỏ
thuyết này và quả quyết rằng 'quả đất quay quanh mặt trời' thì ngành thiên văn
mới bắt đầu được khai phóng.
Khi cuốn sách của Copernicus
được xuất bản vào năm 1543, nó phủ nhận chuyện mặt trời quay quanh qủa đất
trong Cựu Ước (Joshua 10:13) một lần nữa đã làm chấn động châu Âu. Để làm dịu sự
phẩn nộ của hàng tăng lữ Ki tô, một giáo sĩ tên Andreas Osiander đã viết trong
lời giới thiệu rằng cuốn sách chỉ nêu ra một giả thuyết toán học, chứ không phải
là sự thật của thực tế.
Câu chuyện về lý thuyết mới
của Copernicus cũng mang nhiều bí ẩn. YÙ tưởng đến với Copernicus không phải từ
việc bản thân quan sát các hành tinh, mà từ đọc sách về hai tác giả Aristarchus
và Philolaus vào thế kỷ thứ 3 TTL bàn về chuyện này. Trong một thủ bản còn lưu
giữ được của ông ta, Copernicus đã viết "Philolaus đã tin chuyện quả
đất quay, và nhiều người khác đã bảo Aristarchus của xứ Samos cũng tin như thế."
Nhưng không hiểu vì lý do gì câu này bị cắt bỏ trong sách được in sau đó. Không
những thế, trong vài luận bản quan trọng Copernicus còn bàn đến các tác phẩm của
nhiều nhà thiên văn Ả Rập như Nasir al-Din Tusi, Mo'ayyeduddin Urdi, Ibn
al-Shatir, Ibn Battuta và Averroes trong khỏang các thế kỷ 13, 14.
Trước đó, đã có nhiều chứng
cớ cho thấy thuyết 'nhật tâm' (heliocentric model) hay 'quả đất quay quanh mặt
trời' đã được nói đến lừ lâu ở Á châu; ví dụ trong nhiều kinh của Vedas bằng tiếng
Sanscrit như Aitareya Brahmana và Shatapatha Brahmanangay trước thế kỷ thứ
7 TTL. Luận bản Vishnu Purana ở thế kỷ thứ 1 cũng đã nói kỹ về khái niệm
này.
Ngòai ra còn có Aristarchus
xứ Samos vào thế kỷ thứ 3 TTL đã phát triển thêm các lý thuyết về chuyển động của
quả đất trên trục của nó do Heraclides Ponticus đề ra trước đó, và cả quyết
thêm là các hành tinh Thủy và Kim tinh cũng quay quanh mặt trời. Tác phẩm này của
ông đã bị thất truyền; về sau chỉ được biết qua sách của sử gia Plutarch, theo
đó thì có một kẻ cùng thời với Aristarchus đã buộc tội ông là nghịch đạo khi 'bắt
quả đất quay. Nhà thiên văn Ấn Aryabhata đã đi trước khám phá của Copernicus 1
thiên niên kỷ, và còn biết thêm là ánh sáng từ mặt trăng và các hành tinh khác
là do phản chiếu lại ánh sáng mặt trời.
III. Nguồn gốc của vũ trụ
Các hiện tượng vật lý nằm
ngoài khoảng vũ trụ quan sát được không có tác động gì đến chúng ta. Vũ trụ
quan sát được, mà ta biết có thể có tác động đến bất kỳ cấu hợp của nó kể cả
con người kể từ Vụ Nổ Lớn (Big Bang) khỏang 14.7 tỷ năm trước.
Vụ nổ ấy đã tạo ra môi trường
khí quark-gluon plasma và những phần-tử và phản-phần-tử cơ bản; tiền thân của vật-chất
và phản-vật-chất hiện hữu trong vũ trụ như ta thấy. Có ba dạng vật chất được biết
đến nhờ những khảo sát của WMAP (Wilkinson Microwave Anisotropy Probe); đó là vật
chất tối lạnh; vật chất tối nóng và vật chất baryon; trong đó dạng vật chất tối
lạnh chiếm 80% tòan thể vũ trụ.
Sau Big Bang vũ trụ đã qua
khỏi thời kỳ hỗn độn tràn đầy khí chất bị nén chặt với năng lượng, áp suất và
nhiệt độ cực lớn; để rồi nguội dần và giãn ra, rồi do hấp lực hơn kém mà thu
hút lẫn nhau tạo nên vô số thiên hà, tinh tú và thiên thể. Vũ trụ đi vào một
qui trình vận hành trật tự hơn; có nghĩa là theo đúng qui luật của vật lý học
chứng minh được. Lạ thay, 6 ngàn năm trước điều này đã được triết học Ấ Đông đề
cập đến trong ý niệm về Vô Cực Nguyên Thủy tiến dần đến Thái Cực, tức là ở trạng
thái của vũ trụ tại thời điểm Big Bang xảy ra. Từ đó sáng tác ra Thái Cực đồ,
hay Âm-Dương đồ (yin-yang) miêu tả quan hệ giữa hai trạng thái của vô thường.
Lý thuyết về Big Bang thành
hình và được đa số nhà khoa học tán đồng vào đầu thế kỷ 20, nhờ những phát hiện
vũ trụ giãn nở của Hubble vào những năm 1920. Qua viễn vọng kính hiện đại trên
đỉnh núi Wilson, sau một thời gian dài quan sát ông nhận thấy các thiên hà đang
dần xa nhau ra; như thế chứng tỏ rằng trong quá khứ xa xôi chúng ở rất gần nhau
và có thể cùng phát xuất từ một vụ nổ lớn. Vụ nổ này đã tạo nên một phông nền bức
xạ vi ba (cosmic microwave background radiation) mà Arno Penzias và Robert W.
Wilson tình cờ phát hiện khi hai ông dùng ăng-ten sừng (Horn Antenna) ở Phòng
thí nghiệm Bell tại New Jersey vào năm 1965. Ta học đươc gì ở đây? Mọi khảo
nghiệm trong "vũ trụ quan sát được" chỉ biết được tại điểm khảo sát
và đi ngược về trước. Điều này có nghĩa là trong tiến trình giãn nở cho đến
nay, vũ trụ đã lưu lại vết tích của quá khứ. Tương tự với cõi nhân sinh, người
ta chỉ biết được hiện tại và dĩ vãng; tương lai là một khỏang không-thời gian
chưa rõ. Ai bảo con người không là một tiểu vũ trụ?
Nhưng thời gian, luôn liên tục,
thực sự có những điểm mốc được gọi tên như thế không? Bởi cái mà ta vừa gọi là
hiện tại đã trở thành quá khứ ngay trong sát na vừa lên tiếng. Do đó nhiều nhà
tư tưởng đã nói "không ai tắm trong cùng một giòng nước hai lần." Mọi
sự mọi vật đều luân hồi và vô thường.
Ban đầu có hai lý thuyết giải
thích nguồn gốc vũ trụ được bàn cãi gay gắt. Đó là mô hình vũ trụ dao động
Milne còn gọi là 'vũ trụ học không chuẩn' (non-standard cosmologies) do
Frederick Fiedman, một nhà thiên văn học Nga gợi ý; rồi đến năm 1931, lại trớ
trêu là do George Lemaitre, một tu sĩ Ca-tô người Bỉ tán đồng đề xướng. Lý thuyết
kia gọi là "mô hình vũ trụ ổn định" (steady state model) do nhà thiên
văn Fred Hoyle nêu ra; và trong một cuộc phỏng vấn trên đài BBC năm 1950 Hoyle
lại chế nhạo lý thuyết của Fiedman và Lemaitre là "ý tưởng nổ"
(this big bang idea!). Ai ngờ câu nói giễu cợt này trở thành tên gọi cho một lý
thuyết đầy thuyết phục và trở nên cơ bản cho ngành vũ trụ học ngày nay vì nó được
đo đạt kiểm chứng bởi những viễn vọng kính không gian. Nhưng Big Bang vẫn là một
lý thuyết, dù thắng thế, nhưng hiện nó đang bị thách thức bởi những lý thuyết mới
là 'các mô hình chọn lựa khác về vũ trụ" (alternative cosmological
models).
Vũ trụ quan sát được chứa
khoảng 100 tỷ thiên hà, trong đó có Dải ngân hà (Milky Way Galaxy); và mỗi
thiên hà lại chứa hằng trăm tỷ ngôi sao. Trong Dải ngân hà (Milky Way Galaxy) lại
có hệ mặt trời; gồm có quả đất và 8 hành tinh khác cùng quay quanh mặt trời. Bốn
hành tinh gần mặt trời nhất theo thứ tự là Thủy Tinh (Mercury), Kim Tinh
(Venus), Quả đất (Earth) và Hỏa Tinh (Mars). Như thế trong hằng hà sa số tinh
tú thì quả đất trông thực nhỏ nhoi và lạc lõng; thế nên cõi nhân sinh lại càng
mong manh, thóang chốc. Nhưng vì cái tự ngã luôn là quan trọng cho nên cái gì từ
"ta" cũng đều... vĩ đại cả; do đó nhà Phật mới dạy giáo lý "vô
ngã" để chế ngự ngã mạn cho thân tâm được an lạc. "Thị chư pháp không
tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm ..." là thế!.
Mặt trời xuất hiện khỏang
4.6 tỷ năm trước. Cấu tạo của mặt trời gồm 4 khối bao quanh nhau mà khối năng
lượng luôn chuyển động phát nhiệt từ 27 triệu độ F. ở trung tâm đến khỏang 10
ngàn độ F. ở bề mặt. Hãy so sánh với thân nhiệt ở người là 98.7 độ F. Khí hậu dễ
chịu là 70 độ F. Đấy là chưa bàn đến những hiện tượng thường xảy ra trên bề mặt
của mặt trời như 'lóe sáng' (flares), 'khí dội lên' (prominences), 'cung từ trường'
(coronal loops), 'chất bắn ra' (coronal mass ejections), 'gió mặt trời' (solar
winds) vv.. luôn ảnh hưởng đến đời sống trên quả đất. Nguồn năng lượng của mặt
trời (lửa) là một trong những duyên tố cơ bản của sự sống, ngòai 'đất, nước và
gió'.
Quả đất là một khối đất đá
văng ra khỏi mặt trời khi hệ thái dương được thiết lập cũng khỏang 4.6 tỷ năm
trước từ một đám bụi vũ trụ hay còn gọi là tinh vân, rồi nguội dần đi. Các định
luật cơ học cho thấy kết quả của các lực hấp dẫn, áp suất khí và lực ly tâm
trong chuyển động quay khiến cho đám bụi bắt đầu trở nên dẹt thành hình một cái
đĩa quay tròn với một chỗ phình lên ở giữa, gọi là đĩa bụi Mặt Trời. Mặt phẳng
trung bình của đĩa bụi này rất gần với mặt phẳng hoàng đạo sau này.
Quả đất vừa quay quanh nó tạo
nên ngày và đêm; rồi cùng các hành tinh khác quay quanh mặt trời tạo nên chu kỳ
của một năm. Do những chuyển động này và cộng thêm từ trường của lõi và lớp khí
quyển bao bọc đã tạo ra trọng lực làm cho mọi vật đều phải bám vào mặt đất. Mọi
sinh vật vì thế mà phải sống thích nghi với hiện tượng tự nhiên ấy.
Quả đất có diện tích khỏang
197 triệu dặm vuông; trên bề mặt chứa 71% nước (trong dó đại dương đã chiếm gần
70%), và 29% đất; nghĩa là bề mặt của đất hiện ra chỉ khỏang 58 triệu dặm
vuông. Qua đó điều lạ kỳ là cơ thể con người cũng chứa khỏang từ 65 đến 70% nước.
Tương tự như cấu tạo của mặt
trời, quả đất gồm 5 phần: ở tâm là một lõi đặt cực nóng, lớp kế bao quanh gọi
là 'lõi ngòai', kế đến là 'lớp chòang dưới' tương đối cứng rồi 'lớp chòang
trên' là một vùng nham thạch nóng lỏng dày khỏang 415 dặm, và ngòai cùng là 'lớp
vỏ' đất đá nguội mà trên đó tất cả các sinh vật chung sống, dày khỏang từ 10 đến
25 dặm. Bao quanh mặt đất là một bầu khí quyển dày khỏang 37 ngàn dặm; trong ấy
chứa 78.1% chất đạm (Nitrogen), 20.9% dưỡng khí (Oxygen) và 1% còn lại gồm hơi
nước và các khí khác.
Năm 1915, nhà địa chất người
Đức tên Alfred Wegener đề xuất thuyết các đại lục di chuyển. Giới khoa học thời
bấy giờ cười chế nhạo; mãi đến khi các tầng kiến tạo (tectonic plates) được
khám phá vào năm 1960, ý này mới được chấp nhận. Theo đó thì qua quá trình kiến
tạo mặt quả đất, các đại lục đã chuyển dịch thay đổi chứ không như bản đồ ngày
nay ta thấy. Giới khoa học địa chất chia các thời kỳ ấy là Thời địa đại
Pangaea, khỏang 250 triệu năm trước, các đại lục nằm gần nhau, sau đó dần cách
xa ra. Khỏang 230 triệu năm trước gọi là Triassic; 200 triệu năm trước gọi là
Jurassic; 100 triệu năm trước gọi là Cretaceous; cho đến nay thì giữa cấc đại lục
là đại dương rộng lớn.
V. Cung Hằng
V. Cung Hằng
Trăng nhập vào dây cung nguyệt
lạnh.
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần
Trăng từ đâu mà ra? Và cuộc
sống sẽ tẻ nhạt biết chừng nào nếu thiếu vắng hằng nga! Biết bao vần thơ tự cổ
chí kim của nhân lọai đã tuôn ra để ca tụng vẻ đẹp tuyệt vời của cảnh sắc trần
thế dưới trăng. Ánh trăng chỉ là sự phản chiếu ánh mặt trời từ mặt trăng xuống
quả đất về đêm. Cũng lạ là ngôn ngữ nhân gian chỉ thấy "mặt" của
trăng đẹp mà chẳng hề gọi là "quả trăng" dù hình thể của nó cũng tròn
như quả đất.
Theo một lý thuyết hiện đang
được nhiều nhà thiên văn học đồng ý là cách nay khoảng 4,5 tỷ năm, có một hành
tinh được đặt tên là Theia có cùng độ xa khỏang 150 triệu km từ mặt trời, tương
tự với khoảng cách của quả đất. Khối lượng của quả đất dần càng lớn nên do sự lắng
đọng của bụi vũ trụ nên sức hấp lực càng tăng làm cho quỉ đạo quay của Theia
dao động đến một lúc va mạnh vào quả đất theo một góc thấp và chéo làm cho quả
đất bị sứt mẻ văng ra một phần nhỏ biến thành mặt trăng, và trở thành hành tinh
của quả đất. Nó tiếp tục quay quanh quả đất và trong khỏang một năm thì hình dạng
của nó dần biến thành hình cầu. Chính sự va chạm này đã làm cho trục của quả đất
bị nghiêng đi 23,5°, và trục quay nghiêng khác nhau đã gây ra bốn mùa khác nhau
trên quả đất. Nó cũng đã làm tốc độ quay của quả đất tăng thêm và khởi động những
kiến tạo địa tầng.
VI. Sự Sống
Các nhà khoa học tin rằng sự
sống, hay ít nhất là các cấu chất hữu cơ, có thể đã đến quả đất từ vũ trụ; tuy
nhiên những cơ cấu làm cho sự sống có thể được phát sinh trên quả đất phải có
nguồn gốc từ quả đất vào khoảng 3 tỷ năm trước. Nhiều người tin rằng những tế
bào ban đầu đó có thể đã tham gia cùng với các chất thoát từ miệng núi lửa dưới
đáy biển. Nhưng trong vô số những tế bào hay những tiền tế bào này chỉ có một số
còn sống sót.
Trong một thời gian khá lâu
sau khi quả đất được thành hình không có một sinh vật nào xuất hiện. Dần dần
khi nhiệt độ đạt đến một khoảng khả dĩ thích hợp cho sự sống thì sinh vật mới bắt
đầu có mặt. Dĩ nhiên còn có vô vàn duyên tố phụ trợ khác (trùng trùng duyên khởi),
mà duyên tố cơ bản là khỏang cách giữa mặt trời và quả đất. Cho đến nay như ta
đã biết là sự sống không thể có mặt trên những hành tinh khác trong thái dương
hệ chỉ vì gần hay xa mặt trời quá (làm ta nghĩ đến Trung Đạo).
Khi mặt trăng được thành lập
đã tạo ra bốn mùa khác nhau trên quả đất; kéo theo những hiện tượng tự nhiên
luôn chuyển đổi như hơi nước, mây, gió, mưa, bảo, sấm, sét, núi lửa, thảo
nguyên, lục địa chuyển dịch, đất trồi, đất sụt, sông ngòi, biển cả, rừng rậm
vv...
Có lẽ các sinh vật chưa có
nhân từ đại dương đã chinh phục mặt đất ngay từ 2,6 tỷ năm trước. Khoảng 1.1 tỷ
năm trước, thực vật, động vật, và các loài nấm đều đã phân chia, dù chúng vẫn tồn
tại như những tế bào đơn độc. Một số sống thành các phức hợp, và dần dần một số
chức năng bắt đầu diễn ra. Khoảng 1 tỷ năm trước, các thực vật đa bào đầu tiên
xuất hiện, có lẽ là tảo xanh. Có thể vào khoảng 900 triệu năm trước, đa bào động
vật xuất hiện. Ban đầu có lẽ là một thứ gì đó tương tự với đa bào của hải miên
ngày nay.
Mọi sinh vật kể cả thực
vật trên quả đất vì thế phải qua một thời gian cả hàng tỷ năm tiến hóa từ những
mầm sống nguyên sơ đơn bào từ biển rồi mốc, meo, nấm, bào tử, ký sinh vv... tự
phân tách mà sinh sôi đưa dần đến nguyên dạng đa bào lưỡng tính rồi thân dạng
phân phái có đực và cái; rồi mới đạt đến con người linh mẫn biết dùng trí khôn
để chế ngự được thiên nhiên mà sinh và lưu tồn hữu hiệu hơn.
Có lẽ tất cả các tế bào ban
đầu đều là tế bào dị dưỡng nghĩa là sử dụng những phân tử hữu cơ trong môi trường
hay từ những tế bào khác như nguồn năng lượng. Dần dần vì nguồn dinh dưỡng sút
giảm, một số tế bào đã phát triển cách hấp thụ ánh sáng mặt trời như một nguồn
năng lượng mới vào khoảng 3 tỷ năm trước.
Quang hợp là một quá trình sử
dụng năng lượng từ ánh sáng mặt trời để biến carbon dioxide và nước vốn rất
phong phú thành những phân tử hữu cơ giàu năng lượng. Khí oxygen theo đó được sản
xuất như một phế phẩm. Đầu tiên nó liên kết với đá vôi, sắt, và những chất
khoáng khác rồi sau khoảng thời gian rất dài đã tích tụ trong khí quyển đã làm
cho khí quyển quả đất trở thành giàu oxygen. Một số oxygen phản ứng để thành
ozone, tạo nên một lớp nằm ở phần trên cùng của khí quyển. Tầng ozone đã trở
thành một lớp chắn an tòan, hấp thụ một lượng lớn bức xạ cực tím mà trước kia
có thể xuyên qua khí quyển. Điều này cho phép các tế bào di chuyển lên bề mặt đại
dương và cuối cùng là đất liền.
Tuy vậy, oxygen cũng là chất
độc cho phần lớn sự sống khác trên quả đất và chúng đã đã biến mất khi lượng
oxygen tăng lên. Các hình thái sự sống thích nghi được đã tồn tại và phát triển,
và một số đã phát triển khả năng sử dụng oxygen để tăng cường sự trao đổi sinh
chất và hấp thụ được nhiều năng lượng hơn từ cùng loại thực phẩm.
Vì một lý do chưa xác định,
trong sự hoạt động hóa học mạnh mẽ thời kỳ đầu ở quả đất, một phân tử nào đó đã
có khả năng tự phân chia thành các bản sao DNA (Desoxyribonucleic Acid) của
chính nó. Bản chất của phân tử này vẫn còn chưa được biết tới, từ đó các chức
năng của nó được truyền lại cho các thế hệ bản sao về sau này; và một khi tồn tại
có khả năng tiến hóa theo luật đào thải.
Giới khoa học chấp nhận lý
thuyết giải thích nguồn gốc sự sống ban sơ như sau: Năng lượng cao từ các núi lửa,
sấm sét, và bức xạ tia cực tím có thể gây những phản ứng hóa học tạo ra nhiều
phân tử phức tạp hơn từ các hợp chất đơn giản như methane và amoniac. Các hợp
chất hữu cơ đơn giản là những nguyên tố căn bản của sự sống. Những phản ứng tiếp
diễn trong một thời gian dài, thường là ngẫu nhiên với trùng trùng duyên khởi,
đến khi nó bất ngờ tạo được một phân tử mới: phân tử tái tạo, RNA (Ribonucleic
Acid) vừa có thể lưu giữ thông tin di truyền vừa làm xúc tác cho các phản ứng.
Nó thúc đẩy các phản ứng hóa học tạo thành bản sao của chính nó, và tiến trình
phát triển thực sự bắt đầu. Sự sống có nguyên liệu tái tạo dần được bao bọc bởi
một màng tế bào để có thể sinh tồn độc lập.
Thời gian những động vật đầu
tiên rời đại dương hiện vẫn chưa được biết chính xác: bằng chứng rõ rệt sớm nhất
là những động vật chân đốt và bò sát trên đất liền khoảng 450 triệu năm trước:
Khoảng 380 tới 375 triệu năm trước những động vật bốn chân đầu tiên xuất hiện từ
loài cá và chúng đã tiến vào đất liền trong những khoảng thời gian ngắn, và vẫn
quay lại đại dương để đẻ trứng. Đây là nguồn gốc của các động vật lưỡng cư. Khoảng
365 triệu năm trước, một giai đoạn tuyệt chủng khác diễn ra, có lẽ là do sự
đóng băng toàn cầu (ice age). Khoảng 360 triệu năm trước, thực vật tiến hóa
thêm hạt, giúp chúng tiến sâu hơn rất nhiều vào đất liền.
Khủng long xuất hiện 350 triệu
năm trước. Mười triệu năm sau đấy, quá trình tiến hóa màng ối đã cho phép trứng
được ấp trên đất liền, đó là một lợi thế tồn tại cho phôi của loài động vật bốn
chân. Điều này dẫn tới sự phân nhánh động vật có màng ối ra khỏi động vật lưỡng
cư. Rồi khỏang 320 triệu năm trước sự phân nhánh giữa Synapsida (gồm các loài động
vật có vú) với Sauropsida (gồm các loài chim và những loài bò sát không bay hay
không phải là động vật có vú) diễn ra. Tất nhiên, những nhóm sinh vật khác tiếp
tục tiến hóa và phân nhánh thành cá, côn trùng, vi khuẩn và các loài khác,
nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin chi tiết như các loài trên.
Khỏang 250 triệu năm trước;
vào thời địa đại Pangaea, nhiều loài khủng long chiếm vai trò thống trị lòai động
vật có xương sống. Vào thời địa đại Jurassic, ranh giới giữa các loài khủng
long bay và không bay là không rõ ràng nhưng Archaeopteryx, được tin là một
trong những con chim đầu tiên, sống vào khoảng 150 triệu năm trước. Các loài động
vật có vú đầu tiên xuất hiện và cơ thể nhỏ giống như chuột chù ngày nay.
Khoảng 132 triệu năm trước,
thực vật hạt kín tiến hóa thành các loài có hoa. Khoảng 65 triệu năm trước, một
thiên thạch có đường kính cở 10 cây số dường như đã đâm vào quả đất ngoài khơi
bán đảo Yucatán, tung một lượng lớn vật chất và hơi nước lên không, che khuất
ánh sáng mặt trời, ngăn cản quang hợp. Đa số các loài động vật lớn, gồm cả những
loài khủng long không bay bị tuyệt chủng. Sau đó các loài động vật có vú nhanh
chóng phân chia, trở nên lớn hơn và chiếm vai trò thống trị trong số các động vật
có xương sống.
Khoảng 63 triệu năm trước, vị
tổ tiên chung của toàn bộ động vật linh trưởng đã có mặt. Khoảng 34 triệu năm
trước, các loài động vật có vú trên mặt đất đã quay trở về biển để trở thành
các loài động vật như Basilosaurus sau này sẽ trở thành các loài cá heo và cá
voi. Con người như hiện đại (homo erectus) chỉ xuất hiện vào khoảng 1.5 triệu
năm trước, sau thời kỳ đóng băng toàn cầu khác.
Trần Trúc-Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét