Bóng người trên sương mù - Nhất Linh
Ở ngoài, đêm tối
như mực. Trong toa hạng nhì, riêng tôi ngồi đối diện với Trạch, một người bạn
cũ, tình cờ gặp vì cùng đi một chuyến xe. Mười năm trước, bạn tôi còn là một
người cầm lái xe lửa, cũng hàn vi như tôi; bây giờ gặp nhau trong toa hạng
nhì, hai người cùng ngạc nhiên và cùng mừng cho nhau.
Lúc nói chuyện, tôi thấy
bên cạnh bạn có cái hộp khảm rất đẹp, liền cầm lấy xem, rồi tình cờ mở hộp
ra; bạn tôi như có ý không bằng lòng, nhưng vì nể tôi nên không nói gì. Tôi
nhìn vào hộp thấy rất lạ: hộp bịt kín, ở trong có một con bướm rất to, hai
cánh đã xơ xác. Tôi hỏi bạn:
- Con bướm này vùng tôi
thường thấy luôn, quý gì mà anh giữ cẩn thận thế này?
- Vâng, bướm thường, nói
cho đúng thì chính là một con ngài, nhưng đối với tôi...
Vừa nói đến đấy, xe rầm rầm
đi qua một cái cầu sắt. Bạn tôi lắng tai nghe rồi nói:
- Xe đi qua cầu N.G.. Tôi
bắt con bướm chính ở giữa cái cầu này đã mười năm nay...
Thấy bạn có vẻ khác, tôi
đoán có chuyện gì, liền hỏi:
- Con bướm này chắc cũng
có sự tích gì đây?
- Vâng, nhưng sự tích buồn...
chuyện đã ngoài mười năm: mười năm trước độ anh đi Saigon thì tôi còn là anh
cầm lái tầu hỏa. Chính độ ấy tôi chạy con đường này, tình cảnh tôi độ ấy anh
đã rõ.
- Cũng như tình cảnh
tôi...
- Nhưng có một việc tôi
không nói anh hay là độ ấy tôi có lấy một người vợ, nhưng giấu nhà, giấu mọi
người, giấu anh. Chúng tôi sống trong tình cảnh nghèo khổ mà thật lấy làm
sung sướng. Nhưng vì cảnh nghèo, vì nhà tôi không quen chịu được kham khổ nên
người một ngày một yếu dần.
Về sau nhà tôi bị bịnh nặng
mà tôi thì vẫn phải đi làm, không ai trông nom ở nhà. Một đêm nhà tôi yếu quá
ngất người đi mấy lần, mà chính đêm ấy là đêm tôi được ông Chánh cử đi cầm
lái chuyến xe riêng chở quan Toàn Quyền. Thật là một dịp rất hay cho tôi.
Nhưng tôi biết không thể nào đi được, liền vào kêu với ông Chánh, nói là vợ ốm.
Ông Chánh đập bàn đập ghế, gắt:
- Tôi không biết! Một là
mười giờ đêm nay anh phải có mặt ở ga, hai là từ giờ này trở đi anh đừng bước
chân tới đây nữa. Thôi anh ra!
Lời ông Chánh nói quả quyết,
tôi phân vân không biết nghĩ ra sao: lúc về nhà, ngồi ở đầu giường, nhìn đến
vợ mới biết rằng không đi được, dầu có mất việc làm cũng không cần.
Nhà tôi thấy tôi có vẻ lo
nghĩ, hỏi nguyên cớ vì sao, tôi liền đem việc ấy kể lại cho nhà tôi nghe. Nhà
tôi nghe xong, vẻ mặt tươi hẳn lên bảo tôi rằng:
- Thế cậu đi chứ! Việc gì
phải ngần ngừ! Tôi không việc gì đâu, đã thấy đỡ nhiều. Chiều mai về mua cái
gì làm quà cho tôi đấy.
Tôi thấy nhà tôi cười nói
vui vẻ, tôi vững tâm, thay quần áo ra ga. Đến ga đúng mười giờ. Nhưng khi cho
xe chạy rồi, tôi mới thấy lo, tôi mới biết là tôi liều. Lúc đó tôi có cái cảm
giác lạ lắm: hình như tôi đi thế này, lúc về chắc không nhìn thấy mặt vợ tôi
nữa. Tôi cố định trí để cầm máy, nhưng chỉ được một lúc thôi.
Bỗng cả chuyến xe lửa
nghiêng về một bên, rồi lắc lư như muốn đổ. Người "ét" của tôi vội
bỏ cái xẻng xúc than, níu lấy tôi nói:
- Ô hay! hôm nay ông làm
sao thế? Chỗ ấy đường cong nguy hiểm thế mà ông không hãm máy. Ông ngủ à?
Tôi không ngủ nhưng người
tuy ở đây mà trí còn nghĩ đến người vợ nằm đợi chết một thân, một mình trong
gian nhà nhỏ kia. Mắt tôi hoa lên, mồ hôi ra ướt đẫm cả người.
Xe đi vào khe núi, hết cao
lại xuống thấp như có vẻ nhọc nhằn. Tôi thò đầu ra cửa nhìn thẳng trước mặt,
nhưng đêm ấy sương mù đầy trời, không nhìn rõ gì cả, chỉ một màu trắng xóa dưới
ánh hai cái đèn ở đầu toa.
Bỗng tôi thấy... rõ ràng,
tôi thấy in trên sương mù một cái hình người đàn bà mặc áo rộng đứng dang
tay. Tôi dụi mắt tưởng mình trông hoảng, nhưng không, hình người đàn bà vẫn đấy.
Tôi gọi người "ét" lại cửa toa, bảo ông ta nhìn rồi hỏi:
- Bác có thấy gì không?
Vừa nói xong hình người vụt
biến mất. Bác "ét" thò đầu ra và bảo tôi:
- Chỉ thấy sương mù! ông lại
mê ngủ rồi.
Người "ét" cười
ra vẻ không tin, lấy xẻng xúc than cho vào lò, còn tôi vẫn đứng nguyên chỗ cũ
đăm đăm nhìn thẳng trước mặt. Được một lát, hình người đàn bà lại hiện ra, lần
này rõ ràng hơn, hai tay ngăn thẳng như muốn ngăn đường không cho xe chạy lên
nữa.
Tôi gọi người
"ét" nhưng bác ta làm bộ không nghe thấy cứ cắm đầu xúc than cho
vào lò. Tôi biết tôi không mê, tôi biết là cái hình người ấy có thật, mà ai
cũng phải thấy. Tôi đến cầm lấy tay bác "ét" kéo bác ra xem rồi bảo,
cả quyết:
- Nhìn xem!
Bác ta há hốc mồm giương
to đôi mắt, hốt hoảng nói:
- Lạ thật!... ma ông ạ!
Xe tiến đến đâu, cái hình
người lại đến đấy, có lúc mờ, lúc rõ, lơ lửng giữa lưng trời. Rồi cái hình
người ấy vẫy hai tay một cách thong thả, như có ý bảo chúng tôi đừng tiến lên
nữa, có sự gì nguy hiểm.
Tôi bảo bác
"ét":
- Bác này, có sự gì lạ sắp
xảy ra.
- Vâng, sao cái hình lại
như lấy tay làm hiệu bảo ta đứng lại.
Cái hình người trước còn vẫy
tay thong thả, sau vẫy thật nhanh như người tỏ ý thất vọng, vì bảo chúng tôi
mà chúng tôi không nghe.
- Hay ta dừng xe lại xem
sao, chắc là ma!
- Không được, tự nhiên vô
cớ.
Còn tôi lúc bây giờ hai
tai ù như người mất trí khôn: tôi văng vẳng nghe có tiếng người ở thật xa đưa
lại, tiếng một người đàn bà bảo tôi:
Tôi lắng tai, tay nắm chặt
lấy cái "phanh" như định hãm rồi lại không hãm. Một lát, tôi lại
nghe thấy tiếng người đàn bà, rõ hơn lần trước, giục tôi:
- Hãm lại! Hãm ngay lại!
Lúc bấy giờ tôi không biết
gì nữa, nhắm mắt hãm phanh lại thật mạnh. Các toa rùng một cái, bánh xe kêu
rít lên trong đêm thanh vắng. Xe chạy từ từ một quãng rồi đỗ hẳn. Tôi chưa kịp
bước xuống, đã thấy người "xếp tanh" cầm đèn lên hỏi:
- Việc gì thế?
Tôi luống cuống không biết
trả lời làm sao, vì nói thật ai tin mình. Tôi trả lời một cách mập mờ:
- Chắc có sự gì lạ. Để tôi
cầm đèn đi xem đã.
Lúc bấy giờ mấy ông quan hầu
quan Toàn Quyền cũng vừa đến, rồi thấy lạ, đi theo chúng tôi. Vừa đi được một
quãng thì nghe trước mặt có tiếng nước chảy ầm ầm. Tôi định tâm mới nhớ ra rằng
đó là cầu N.G..
Mấy đêm ấy mưa lũ, nước chắc
chảy xiết, nên mới réo to như vậy. Đến bờ sông, giơ đèn lên soi, mấy người đều
kinh hoảng: cái cầu N.G. bị nước nguồn chảy về xoáy gẫy làm đôi.
Một tí nữa, nếu không hãm
kịp thì cả một chuyến xe riêng chở quan Toàn Quyền đâm nhào xuống sông sâu,
chắc không sống sót một ai; tưởng không có cái tai nạn nào ghê gớm hơn, thế
mà chính vì tôi nên mới không có cái tai nạn ấy. Tôi đứng ngẩn người không hiểu
sao cả.
Người "xếp tanh"
mừng cuống quít, hỏi tôi:
- Sao ông biết mà hãm?
- Tôi cũng không hiểu.
Mấy người quan hầu có vẻ mừng
lộ ra mặt, xúm xít quanh tôi hỏi dồn, tôi không biết trả lời ra sao, một lát,
mọi người đứng giãn ra, quan Toàn Quyền đến, ngài không nề tôi là người lao động,
trong lúc mừng quá, ngài giơ tay bắt tay tôi, cái bàn tay đầy bụi than, rồi
ngài tỏ lời khen.
Tôi chắc rồi sau thế nào
cũng được trọng thưởng, nhưng trọng thưởng lúc đó đối với tôi cũng như không.
Tôi chỉ nghĩ đến nhà tôi ở nhà, không biết ra sao. Tôi đi trở lại và thoáng
thấy cái gì bám ở cái đèn để đầu toa, nhìn kỹ thì ra một con bướm thật to, vướng
vào đèn, đương đập cánh để tìm đường thoát. Chính là con bướm trong cái hộp
này đây.
Trông thấy con bướm tôi thốt
nghĩ ra ngay. Chính phải rồi, chính cái hình người đàn bà lúc nãy là cái bóng
con bướm này in lên trên sương mù, đầu con bướm là đầu hình người mà hai cánh
con bướm đập là hai cái tay người vẫy.
Tôi bắt con bướm rồi định
thả cho nó bay đi, sau nghĩ con bướm đã giúp mình được việc, nên giữ lại làm
kỷ niệm. Tôi nhìn vào đồng hồ trong toa, thấy kim chỉ đúng hai giờ đêm...
Hôm sau tôi vừa về tới cổng
nhà thì thằng nhỏ chạy ra báo tin nhà tôi mất, mất vào khoảng một giờ đêm
qua.
Tôi không hay tin nhảm;
tôi chắc đó chỉ là một sự tình cờ, một sự ngẫu nhiên, nhưng tôi vẫn yên trí rằng
linh hồn nhà tôi đã nhập vào con bướm này để phù hộ cho tôi tránh được tai nạn
hôm ấy. Nhưng tránh được tai nạn mà làm gì, tôi thoát được thân tôi mà làm
gì, giầu sang phú quý bây giờ đối với tôi cũng như không, tôi cũng chỉ như
con bướm này, xác đấy mà hồn tận đâu đâu.
Bạn tôi kể xong câu chuyện,
đậy cái hộp khảm lại, rồi lại thẫn thờ nói:
- Bây giờ chỉ còn lại cái
xác bướm không hồn!.
Nhất Linh
Rút từ tập truyện ngắn Anh phải sống ,
Nxb. Đời nay, Hà Nội, 1934
|
|||||||||
Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016
Bóng người trên sương mù - Nhất Linh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Khúc hát Marseilles
Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét