Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Thơ giai đoạn, thơ ngàn năm

Thơ giai đoạn, thơ ngàn năm 
Bằng những ví dụ rõ ràng dễ minh chứng (những bài thơ trích dẫn dưới đây), ta thử tìm hiểu tại sao có những thi phẩm quy định do không gian và thời gian mà lại đạt tới ngàn năm, và tại sao có những bài thơ không thoát ra khỏi tính nhất thời, dễ bị xếp vào giai đoạn không còn nữa, nghĩa là không còn tái diễn để cập-nhật-hóa với cảm quan người thưởng thức bây giờ và mai sau. Vấn đề văn chương bất hủ vượt thời gian không gian đã được nói nhiều rồi (ví dụ Nhất Linh với quan điểm tiểu thuyết phiêu lưu tâm lý). Ở đây, xin chỉ nắm bắt vấn đề thật hạn hẹp, tạm nghĩ là đã thấy rõ những yếu tố bất hủ tính của từng bài thơ, vì vậy cũng dễ vạch ra thành bài viết. Qua thơ trích dẫn, ta lần lượt nêu ra đâu là tính giai đoạn được "cập nhật hóa xuyên thời gian" (thành ra lúc nào cũng hợp cảm quan), và đâu là tính phù du đã qua là đã qua luôn. Ta sẽ lấy ví dụ về thơ chiến tranh, bởi vì chiến tranh là sự kiện của một thời và một nơi chốn. Nếu lấy đề tài về tình yêu hay đề tài siêu hình về đời người hữu hạn, sợ e thời nào cũng thế, vì vậy tính bất hủ và phù du phải có những yếu tố khác. Định mệnh và tình yêu vốn đã thường hằng. Thơ vĩnh-cửu-hóa một điều vĩnh cửu ắt phải khác với thơ vĩnh-cửu-hóa một điều thuộc về hạn kỳ. Ðề tài về chiến tranh rõ ràng là có lúc và có nơi:
Thệ tảo Hung Nô bất cố thân
Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần
Khả lân Vô Định Hà biên cốt
Do thị xuân khuê mộng lý nhân.
(Lũng Tây Hành - Trần Đào)
Bài thơ này truyền tụng đã trên một ngàn năm. Sở dĩ như vậy là nhờ bốn yếu tố minh bạch sau đây: Tứ thơ hay, lời thơ đẹp, tính luôn luôn được cập nhật hóa, và chủ nghĩa nhân đạo (ngày nay ta thường nói là Nhân Bản, Nhân Quyền). Thứ nhất, tứ thơ hay của bài thơ, ai cũng nhận ra: Chiến sĩ hy sinh ngoài trận địa đã lâu mà vẫn còn là người hiên ngang trong mộng của các nàng chinh phụ. Thứ nhì, lời thơ đẹp (đẹp theo cái nghĩa làm rung động nghệ thuật trong tâm hồn ta, không nhất thiết phải là mỹ miều hoặc tráng lệ): rõ ràng là câu thứ ba làm ta rung động nghệ thuật, do hình tượng những hài cốt bị lãng quên bên bờ sông Vô Định; một phần nào cũng do âm vang gợi cảm trầm hùng của Hán Tự khi đọc lên; rất đồng dạng với âm vang gầm lên của con sông Mã và ấn tượng rải rác của những nấm mồ biên cương trong thơ Quang Dũng. Thứ ba: tính cập nhật hóa của loại chiến tranh biên giới thường xảy ra với các quốc gia liền sông liền núi. Không phải là loại chiến tranh liên lục địa, xuyên đại dương, chỉ có với các cường quốc hay đế quốc. Mà là loại chiến tranh cục bộ giữa các quốc gia nhỏ, người dân trong đó đã từng chịu đựng và cảm với nó khi có ai nhắc đến trong văn thơ truyện kể. Liên hệ qua lại, họ đã từng đi chinh phạt và đã từng bị xâm lăng. Chiến tranh mở mang bờ cõi hay chiến tranh tự vệ trả đũa, nếu có lời thơ hay, sẽ được cập nhật hóa trong cảm quan của họ. Trái lại, thứ chiến tranh kiểu cường quốc, ta không rung cảm nghệ thuật, vì bi thảm hay vinh quang của nó đều ở ngoài kinh nghiệm cảm thức, ta không có số phận nào trong đó. Và thứ tư: yếu tính đem lại sự bất hủ cho bài thơ "Lũng Tây Hành" ở chủ nghĩa nhân đạo. Nội dung tiềm ẩn của bài thơ là phản tuyên truyền chống lại chiến tranh mở mang bờ cõi, xâm lấn xứ khác, phục vụ cho tham vọng (mà cũng có thể là do lòng ái quốc cực đoan) của một triều đại phong kiến, nhất là khi chiến tranh kéo dài gây điêu linh cho dân chúng. Không còn là người anh hùng khuôn sáo mà xuống cấp thành những hài cốt bị bỏ quên bên bờ sông Vô Định. Chỉ khi chiến tranh tự vệ, vượt biên trả đũa hay chống xâm lăng mới có chính nghĩa. Tính phản tuyên truyền, chống chiến tranh do tham vọng, đã lóng lánh rải rác trong Đường Thi như "Xuất Tái" của Vương Chi Hoán, "Lương Châu Từ" của Vương Hàn, "Binh Xa Hành" và "Thạch Hào Lại" của Đỗ Phủ. Chủ nghĩa nhân đạo của các bài thơ được truyền tụng đã hơn ngàn năm, vì thơ nói lên đúng cảm thán của người dân lành, lòng rung động luôn luôn được cập nhật hóa xuyên qua thời gian nếu chiến tranh và hy sinh uổng phí lại xảy ra nữa.
Bây giờ ta thử đọc bài thơ dưới đây để thấy nó khiếm khuyết hai yếu tính làm nên sự bất hủ cho thơ về chiến tranh, nghĩa là chỉ còn tứ thơ hay và lời thơ đẹp mà thôi. Tính phổ quát của chiến tranh cục bộ liên hệ đến các quốc gia liền sông liền núi không thấy hiện diện, và chủ nghĩa nhân đạo vẫn còn đó nhưng pha trộn với chính sách chỉ đạo của một giai đoạn:
Máy bay anh bốc cháy, hay anh chết
Vì trúng đạn, hay kiệt sức sau khi rớt
Chỉ biết anh chết trong rừng, lẻ loi.
Hai chúng tôi, vợ chồng một gã làm gỗ
Đào cho anh nấm mộ, thắp vài nén nhang
Cầu nguyện cho anh an giấc ngàn thu.
Làm sao biết có cuộc gặp gỡ thế này
Giữa anh và tôi, vốn cách bởi đại dương
Bởi màu da và ngôn ngữ.
Nhưng định mệnh đã buộc ta vào nhau
Và hôm nay, nhờ ân huệ an bài
Cuối cùng anh đã về quê quán.
Tôi tin rằng bầu trời nước Mỹ
Cũng xanh như bầu trời quê hương tôi,
Nơi anh an giấc trong 20 năm.
Có phải là quá muộn để thương nhau?
Giữa ta bây giờ, đại dương như nhỏ lại
Hai lục địa ta gần gũi biết bao.
Tôi mong một cõi trời yên tĩnh cho hồn anh
Cõi nạm ngọc bằng trăng và tinh tú
Chúc anh vĩnh viễn trong lòng đất quê nhà.
Không rõ nguyên tác của Trần Thị Mỹ Nhung, dịch lại từ Anh Ngữ của bài thơ "A Vietnamese bidding farawell to the remains of an American":
Was your plane on fire, or did you die
Of bullet wounds, or fall down exhausted?
Just so you died in the forest, alone.
Only the two of us, a woodcutter and his wife,
Dug this grave for you, burned joss sticks,
Prayed for you to rest in peace.
How could we know there'd be such a meeting,
You and I, once separated by an ocean,
By the color of our skin, by language?
But destiny bound our lives together,
And today, by destiny's grace,
You are finally going home.
I believe your American sky
Is as blue as the sky above this country
Where you've rested twenty years.
Is it too late to love each other?
Between us now, the ocean seems so small.
How close are our two continents.
I wish a tranquil heaven for your soul,
Gemmed with twinkling stars and shining moon.
May you rest forever in the soil of your home.
 (Thơ Trần Thị Mỹ Nhung, Phan Thảo Chi dịch ra Anh Ngữ,
tu chính bởi W.D. Ehrhart, sưu tầm của Giáo sư Arnold R. Isaccs) 

Tứ thơ của bài thơ này cũng rất hay: Lời vĩnh biệt đưa tiễn hài cốt nguòi phi công Mỹ trở về quê quán sau 20 năm an giấc ngàn thu nơi đất Việt. Lời thơ cũng khá đẹp: bầu trời nơi đâu cũng xanh, góc rừng hoang vắng dành cho người từng bay lượn trên bao la, và cõi trời tinh tú cho linh hồn người quá cố. Thật ra cũng chỉ là những nhắc lại, nhiều người đã nói, nhưng trong hoàn cảnh người Mỹ đất Việt, tình người nơi xứ thù địch, trở thành những điều mới. Nhưng đó là cái mới nhất thời, sẽ không còn tái diễn, vì số phận người chiến sĩ phi công một xứ cường quốc không phải là số phận người chiến sĩ chung chung cho những xứ chỉ thường có chiến tranh diện địa. Số phận đó có liên hệ đến đất Việt trong một cuộc chiến tranh đã qua, sẽ không mãi mãi thành nguồn cảm hứng cho thi ca trong văn học Việt Nam. Những người Nhật khi thấy xác tàu chiến của họ chìm mấp mé ở vùng biển Cà Ná hay trên sông Cửu Long đối diện Mỹ Tho, xác phi cơ còn mang dấu cờ Mặt Trời ở gần nhà ga Tháp Chàm (những hình ảnh còn lại của Đệ nhị Thế chiến mà thời thơ ấu người viết bài này đã thấy khi đi ngang qua), chắc họ dễ rung cảm với số phận người chiến sĩ với nhiệm vụ xa ngàn hải lý như ở bài thơ trên. Họ có bà con thân nhân bỏ mình thời Thế Chiến trong những phi vụ xa xôi, sau những chuyến hải hành tác chiến ngoài biển cả, vì vậy sẽ được cập nhật hóa vào cảm quan của họ khi có ai nhắc đến bằng văn thơ. Mẫu người chiến sĩ đó không quen với ta. Nói tóm lại, sự kiện thiếu tính phổ quát, thi ca bị quy định vào giai đoạn. Cái hay quá chặt với thời điểm và nơi chốn không thể là cái hay sẽ được cập nhật hóa như khi đọc thơ Quang Dũng, thơ Trần Hoài Thư, thơ Lâm Hảo Dũng, những thi sĩ quân nhân từng tác chiến ngoài trận địa. Tuy rằng màu cờ, sắc áo, thế đứng chính trị nếu có khác nhau, nhưng mẫu số chung là tính chất biên phòng, biên tái, bộ binh diện địa. Thiếu mẫu số chung thuộc về chiến tranh cục bộ, nên ta thấy xa lạ, hoàn toàn ở ngoài ta. Và chủ nghĩa nhân đạo trong bài thơ của Trần Thị Mỹ Nhung như pha trộn với chính sách của một giai đoạn, chính sách tìm cách xoa dịu hận thù để thiết lập bang giao, bình thường hóa quan hệ, kêu gọi bãi bỏ cấm vận. Có lẽ bài thơ này sáng tác trong thời ông Bill Clinton là Tổng Thống nước Mỹ. Sự kiện dường như không thực sự xảy ra xác đúng như trong bài thơ: thời chiến tranh ở miền Bắc Việt Nam, nơi nào cũng được kiểm soát gọi là tai mắt nhân dân, vậy mà một phi cơ Mỹ bùng cháy rớt xuống lại chỉ có hai vợ chồng người làm gỗ lo liệu và chôn cất ở một góc rừng trong 20 năm. Tính nhân bản tình người khác chủng tộc, màu sắc yên bình tôn giáo, ta thấy thấp thoáng nơi bài thơ, bên cạnh màu sắc chính trị ở trong đó. Chính trị giai đoạn gắn liền với biến cố nhất thời; khó từ giới hạn giai đoạn mà đạt tới nội dung có tính chất ngàn năm của những biến cố thường hằng; một khi không cần đề cập đến sự kiện ngắn hạn ấy nữa là nó đi qua luôn.
Cần bốn yếu tính để bất hủ hóa mà đã mất hai, qua bài thơ trên. Ngoài ra, ta chưa kể đến tính cô đọng ít lời và âm vang trầm hùng của Hán Tự qua bài thơ "Lũng Tây Hành". Nếu kể thêm, gồm sáu yếu tính. Nhưng âm vang của Hán Tự vốn là đặc điểm riêng của ngôn ngữ dân tộc Trung Hoa, không nhất thiết thành tiêu chuẩn để hoài vọng làm được bài thơ vượt thời gian.
  TRẦN VĂN NAM 
Theo http://chimvie3.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...