Thứ Ba, 19 tháng 7, 2016

Quê người nghe chim hót

Quê người nghe chim hót...
Trời lạ bâng khuâng một cánh chim
Ðường xa nẻo mới chẳng mong tìm
Chuyện xưa nhiều lúc nao nao nhớ
Mong gặp người xưa tỏ nỗi niềm!
B.T.K.
Sáng nay trời nhiều mây và se se lạnh. Nắng chưa lên nhưng tiếng chim trên những vòm cây cao trước nhà đã vang vọng rộn ràng. Ở đây sống giữa phố phường mà vẫn nghe được tiếng chim như đang sống ở một vùng quê trên đất nước nhà. Cali có nhiều loại chim nhưng nhiều và dễ nhận ra nhất là chim quạ. Trên các công viên, trên những khoảnh đất trống, hàng đàn chim quạ quây quần, bay lượn và gọi nhau rộn rã.
Tiếng chim đất khách gợi nhớ quê hương. Tôi vẩn vơ nghĩ về loài chim quạ.
Thủa thiếu thời tôi đã có cái nhìn thiếu thiện cảm, bất công với giống chim này. Tôi cho nó là họ hàng, bè nhóm với lũ diều hâu, chim cắt... Chuyên bắt gà con, chuyên ăn thịt sống. Càng thương mến bầy gà con mới nở đang tung tăng theo mẹ tìm mồi, tôi càng oán giận lũ chim đen rình rập đâu đó thình lình ụp xuống bắt lấy một chú gà con rồi vụt bay đi mất.
Chiều chiều quạ nói với diều
Vườn cau kia rậm lại nhiều gà con
Tôi nghĩ đây là sự thông báo tin tức, sự cấu kết giữa quạ và diều để hãm hại đám gà con
Con quạ đậu nóc chuồng heo
Nó kêu bớ mẹ bánh xèo chín chưa
Câu hát khiến tôi ám ảnh bóng dáng chim quạ rình rập bắt chú gà con mới nở hoặc cắp lén quả trứng gà vụt bay đi. Ở quê ta ổ gà thường lót dưới mái chuồng heo. Quạ còn có tên là ác. Người ta thường nói "giao trứng cho ác" hoặc "gửi gà con cho quạ" thì đó là việc làm không còn gì sai lầm bằng!
Dân gian còn bảo tiếng quạ kêu là báo hiệu điềm gở: Ðau ốm, chết chóc. Ngày xưa ở chòm xóm nào có người qua đới thì thế nào cũng có kẻ nói: "Hèn chi mấy hôm nay quạ kêu dữ quá!" Từ Hán Việt gọi Ô là con quạ, Ô là màu đen. Nói về mặt trời ta có các chữ Kim Ô, Ô Luân. Kim Ô là con quạ vàng. Ô Luân là bánh xe có con quạ, vì tương truyền trong mặt trời có con quạ lửa. Lại có chữ Ô thố để chỉ mặt trời và mặt trăng cũng vì tương truyền trong mặt trời có con quạ lửa và trong mặt trăng có con thỏ ngọc. "Trải bao thỏ lặn, ác tà" là nói tháng ngày đi qua.
Một từ Hán Việt khác cũng có nghĩa là con quạ: Nha hoặc Ô Nha. Con quạ có sắc đen như một chấm mực điểm thêm một nét buồn cho phong cảnh buổi chiều tà:
Ngàn non ngậm kín bóng tà
Lá cây xào xạc, bóng nha điểm sầu
(Hoa Tiên)
Nói về một đám người tụ họp lại một cách lộn xộn như bầy quạ, dễ tan rã nhanh chóng, ta thường dùng các từ như ô hợp, ô tập hay ô tạp. Sau này tôi nghe nói trong muôn loài chỉ có chim quạ là có hiếu với mẹ nhất. Quạ mẹ già nua, đầu rụng sạch lông không còn tự đi kiếm ăn được, các quạ con bay đi tìm và tha mồi về tổ mớm cho mẹ ăn. Từ Hán Việt "Ô bổ" mang ý nghĩa: Quạ con tha mồi về mớm cho quạ mẹ. Trong văn thơ người ta cũng thường mượn hình tượng đó để nói về người con có hiếu, biết phụng dưỡng cha mẹ. Bình Định quê ta còn truyền lại nhiều câu chuyện đời xưa nói về người con định trốn bỏ cha mẹ già ra đi hòng tìm cuộc sống khấm khá hơn nơi đất khách, nhưng đã hối tâm khi chứng kiến cảnh quạ con mớm mồi cho quạ mẹ già nua, yếu đuối.
Từ đó tôi dần dần có thiện cảm với chim quạ. Và, mối cảm tình đầy đặn hơn khi nghe sự tích chim quạ bắc cầu qua sông Ngân để cho Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau trong đêm thất tịch - mồng 7 tháng 7 âm lịch - hàng năm. Người ta gọi Ô kiều (cầu Ô) là cái cầu do chim quạ làm thành.
Lọ là oanh yến hẹn hò
Cầu đông sẵn đó, cầu Ô đó mà
(BCKN)
Có khi còn gọi là cầu Ô thước hoặc nói Ô thước bắc cầu sông Ngân. Ô là chim quạ, Thước là chim khách; hai loại chim này đêm Thất tịch kết cánh làm thành cây cầu cho Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau (Ô thước kiều). Gọi thước là chim khách vì nó thường cất tiếng kêu báo tin khách xa tới hoặc người xa về. "Ngoài rèm thước chẳng mách tin" diễn tả tâm trạng người vợ mong đợi tin tức chồng chinh chiến xa xôi (CPNK). Một người đang cảm thấy trơ trọi, bơ vơ, mong chờ tin tức của người thân nhưng chẳng thấy đã bức rức hờn trách:
Hỏi thăm tin tức bao giờ lại
Con thước qua song lại ỡm ờ
(Q.T.)
Trên kia có nói Ô là con quạ và Ô cũng là màu đen, Và, Nha cũng là con quạ, cũng là màu đen. (Như thuốc phiện thường gọi là Ô hương hay Nha phiến). Các em bé thích Ô mai là quả mơ phơi khô đen lại. Còn người già thì thích ô cốt kê (gà xương đen, thịt đen, lông trắng) hầm với thuốc Bắc ăn rất bổ! Có chữ Ô dưới đây đã một thời gây nhiều tranh cãi và đã đi vào... văn học sử. Ðó là Ô Hạng, nghĩa là Ngõ áo thâm hay Xóm áo đen. Ðời Nam Tấn bên Tàu có họ Vương, họ Tạ là hai họ lớn, tộc thuộc ở vào cả xóm và đều mặc áo thâm là kiểu y phục quí phái thời ấy. Người ta gọi cửa ngõ của xóm này là Ô y hạng. Ở nước ta trong thời Lê mạt, họ Nguyễn làng Tiên điền cũng là một họ đời đời khoa bảng và làm quan to. Khu dinh thự của Xuân Quốc công Nguyễn Nghiễm và con trai là Tham tụng Nguyễn Lệ ngoài cổng cũng đề mấy chữ Ô y hạng. Họ Phan ở làng Ðông thái, tỉnh Hà tĩnh từ ông thủy tổ đời nhà Lê đến Phan Ðình Phùng là 12 đời, đời nào cũng có người đỗ đại khoa, làm quan to cho nên thuở trước người ta đã từng gọi xóm họ Phan là Ô y hạng. Nhiều người trong chúng ta chắc có biết bài thơ "Ðêm thu nghe quạ kêu" của nhà thơ Quách Tấn trong thi phẩm Mùa Cổ Ðiển xuất bản năm 1941, nguyên văn như sau:
Từ Ô y hạng rủ rê sang
Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng
Trời bến Phong kiều sương thấp thoáng
Thu sông Xích bích nguyệt mơ màng
Bồn chồn thương kẻ nương song bạc
Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng
Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi
Tình hoang mang gợi tứ hoang mang
Người đương thời đã nói nhiều về mấy chữ Ô y hạng. Như trên thì tiếng quạ nghe được trong đêm thu là từ Ngõ áo đen (ở Tàu hay ở ta) đưa sang, hay Ô y là áo đen cũng có thể chỉ vào bộ lông con quạ. Trong "Nhà Văn Hiện Ðại", nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan cho rằng nhà thơ đã dùng điển tích quá cầu kỳ, và cũng khí nhạo đời khi bảo bầy quạ xuất xứ từ Ô y hạng, nhất là hai chữ rủ rê có cái ý không hay. Nhiều người cũng cho rằng việc dùng điển như trên là "gượng ép", nhưng nhìn chung toàn cục thì đây là một bài thơ hay. Có người còn bảo đó là "đó là một bài tuyệt tác nhất trong văn chương Việt nam"...
Về sau (1963) tác giả có cho biết về sự ra đời của bài thơ trên, đại ý: Một buổi tối cuối thu Ðinh Mão (1927) trăng mờ mờ, từ bến đò An Thái ven bờ sông Côn trở về nhà, qua một khúc đường vắng, nghe một bầy quạ thình lình cất tiếng kêu, vừa rùng rợn vừa lạnh lùng. Từ đó tiếng quạ ám ảnh nhà thơ... Năm 1939, một đêm trăng nhưng dịu dàng chứ không rùng rợn, não nùng như trước. Ðêm đó tác giả thao thức nhớ lại rất nhiều ký ức. Do chữ quạ mà tác giả liên tưởng đến màu đen, đến chữ Ô và nhớ bài Ô y hạng của Lưu Vũ Tích đời Ðường:
Chu tước kiều biên dã thảo hoa
Ô y hạng khẩu, tịch dương tà...
Rồi nhớ đến bến đò An Thái đã qua năm 1927 mà liên tưởng đến bến Phong kiều của Trương Kế trong bài Phong Kiều Dạ Bạc:
Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô tô thành ngoại Hàn San tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Lại nhớ tới con sông Côn mà liên tưởng đến dòng sông Xích Bích với con thuyền của Tô Ðông Pha, nhớ bài Tiền Xích Bích Phú trong đó có dẫn câu "Nguyệt minh tinh hi, ô thước nam phi" của Tào Tháo. Ðiển này đến điển khác nối nhau đưa nhà thơ vào cõi mộng. Lúc đầu câu 6 được viết: "Thắc thỏm riêng ai quả ấn vàng", và câu 8 là: "Tình lang mang gợi tứ lang mang". Năm 1941, khi sắp in tập Mùa Cổ Ðiển, nhà thơ thấy không vừa ý về hai câu đó nên sửa lại là: "Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng" và Tình hoang mang gợi tứ hoang mang".
Học giả Nguyễn Hiến Lê (trong "Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê") có nhắc lại việc trên và ghi thêm: "Sửa như vậy hay hơn thật, nhưng tôi ngờ không hợp với "tình" ông đêm trăng 1927. Ðêm đó, ông nghĩ nhớ miên man chứ không có nỗi lòng hoang mang". Trước có nhắc đến câu:
Chiều chiều quạ nói với diều
Vườn cau kia rậm lại nhiều gà con
Một bậc trí giả của Bình Định (đã quá cố) bảo câu này là sản phẩm của miền trung Trung phần Việt nam ra đời lúc nhà Tây Sơn dấy nghiệp, ám chỉ việc Nguyễn Hữu Chỉnh mấy lần khuyên Nguyễn Huệ ra lấy Phú xuân và Thăng long. Dùng con quạ để ví với Nguyễn Hữu Chỉnh, con diều để ví với Nguyễn Huệ, và "chiều, vườn cau rậm, nhiều gà con" để cụ thể hóa lời nói của Chỉnh về "Thời, Thế, Cơ". Cũng có thể nói rằng: Buổi chiều trời đã nhá nhem rất hợp với thiên thời. Vườn cau rậm là hợp với địa lợi, và nhiều gà con là hợp với nhân hòa!
Một câu ca dao nữa cũng được bảo là ám chỉ việc Nguyễn Huệ đem Nguyễn Hữu Chỉnh ra Bắc rồi bỏ Chỉnh ở lại Nghệ an khiến Chỉnh lo sợ phải kết vây cánh, chiêu binh mãi mã để thủ thân, rồi gặp được cơ hội kéo quân về Thăng long giúp vua Chiêu Thống, thay chúa Trịnh mà lộng quyền:
Ai đem con sáo sang sông
Ðể cho con sáo sẩy lồng bay xa
Vì sao con sáo sẩy lồng? Vì gặp điều bất trắc nếu không thì lẽ tất nhiên là vô sự. Ðể diễn ý "bất trắc" cổ nhân mượn chữ "sông" cho được kín đáo. Bởi, có sông thì tức có nước, mà có nước là có sóng, sóng nổi lên là vì gió thổi. Sóng gió là phong ba. Tục ngữ có câu: "Phong ba bất trắc". Nếu không đem con sáo sang sông nghĩa là không đem nó vào nơi sóng gió hãi hùng thì chắc chi nó đã sẩy lồng. Và có sẩy lồng cũng không đến nỗi sợ hãi phải bay đi xa. Chữ "sông" tượng trưng cho sự bất trắc và làm nguồn cho sự sẩy lồng, sự bay xa của con sáo...
Chúng tôi ghi lại các ý kiến trên để chúng ta cùng suy gẫm luận cứ sai, đúng như thế nào? Việc "con sáo sẩy lồng" chúng ta có thể nhhiều hay ít đồng thuận với lý giải nêu trên, dĩ nhiên không thể hoàn toàn tin cậy vì có nhiều cách hiểu về câu ca dao đó. Còn việc "quạ nói với diều" thì cái nghĩa rõ rệt nhất là ám chỉ sự cấu kết của bọn xấu để ám hại người lương thiện, kẻ yếu thế mà thôi. Dùng con quạ để ví Nguyễn Hữu Chỉnh cũng tạm được, còn dùng con diều để ví với Nguyễn Huệ thì sao? Chấp nhận được không? Chắc chắn là sự ví von đó có ác ý chứ không phải xuất phát từ những tấm lòng ngưỡng vọng Nguyễn Huệ mà vội bàn xa đến chuyện hợp thiên thời, địa lợi và nhân hoà!
Ở đây, tuy không nhìn thấy bóng dáng những con chim quyên, chim cuốc... ở ngoài trời, nhưng có lẽ trong lòng người Việt ly hương đã nhiều lần nghe văng vẳng tiếng kêu buồn thương, thảm thiết của các giống chim này! Ðỗ vũ, đỗ quyên hay chim cuốc luôn khơi dậy trong ta những nỗi đau và những niềm nhớ khôn nguôi...
Chim quyên xuống đất ăn trùn
Anh hùng lỡ vận... lên nguồn đốt than!
Những hiện tượng này, những nghịch cảnh này ta đã gặp rất là nhiều sau ngày... tan đàn, xẻ nghé! Tôi lại nghĩ về những con chim nhỏ nhắn, hiền hòa: chim sâu, chim én chim nhạn... Khi đặt chân lên vùng rừng núi quận Hoài ân (Bình Định) vào một buổi chiều tà, ta được chim én nhắc nhở chàng Lía, một kiểu Từ Hải Việt nam:
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành
Nhắc đến chim én, chim nhạn, chim cắt... tôi lại nhớ đến câu viết của một nhà văn Tây phương cách đây vài thế kỷ mà ngày trước chúng tôi thường lấy làm quan niệm sống của mình: "Thà làm một con chim nhạn bay là là trên mặt đất còn hơn là làm một con chim cắt bay trên tầm cao quá mức để rồi từ đó bổ xuống làm những việc xấu xa đê hèn". Chim câu, chim sâu và chim quạ vẫn hót, vẫn kêu ở quanh đây, tôi lẩm nhẩm câu "Chim chuyền buội ớt líu lo..." và muốn đổi lại:
"Tiếng chim đất khách líu lo...
Nhớ thương quê cũ, ốm o gầy mòn!"
BÙI THÚC KHÁN
Theo http://www.lebichson.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...