Thứ Năm, 21 tháng 7, 2016

Một thoáng mây bay

Một thoáng mây bay 
Everyone has a wildside even a legend.
(Charlie Chaplin)
Hạnh đứng trên đồi cao, đưa mắt nhìn quanh thành phố;mặt hồ nhả hơi thở mờ, đặc quánh. Hạnh tiếp tục đi, cảnh vật còn nằm trong chiêm bao của sương và heo lạnh, hàng cây bên đường gục đầu chờ gió. Đàlạt; lúc nầy đã 8.00giờ sáng mà phố phường còn đang chìm trong giấc ngủ muộn, hàng thông mờ khuất, dưới chân đồi trải dài thảm cỏ xanh, pha lẫn màu đất nâu ẩm mướt tợ như tranh sơn dầu chưa ráo khô.
Hạnh nâng cao cổ áo, thong thả đi về cuối phố, nàng đứng lại nhìn mông lung, khu chợ Hòa Bình còn đương ngủ chưa chịu dậy mặc dầu trời đã tỏa rạng, tiếng động cơ ở xa vãng lại nghe nao lòng, sột sọat trên cành thông những sóc con đuôi đen đang chuyền cành, trườn mình xuống đất kiếm ăn, tiếng chim kêu chìm sâu vào ruộng rẫy, nhấp nhô trên những cánh đồi hoang vắng.
Mặt trời đỏ, quẹt những tia sáng thủy tinh qua màn sương trắng và khói mù, thành phố sáng lên, chóp nhà thờ”con gà” đã nhú lên cao giữa lưng trời,tháp viễn thông hiện rõ dưới ngọn đèn lấp láy chớp với vóc dáng buồn mênh mang. Hạnh vừa đi vừa nhớ quá khứ, nhớ con đường mà nàng đang đi qua đây; giờ đã thay đổi chỉ còn lại dấu yêu mà thôi, chân nàng đạp lên sạn đỏ, xào xạc lá vàng khô cho nàng một cảm giác rờn rợn trong lòng. Hạnh đứng lại; nhắm ghiền đôi mắt trong giây lát, mường tượng về một khung trời xa xưa đã in dấu mối tình đầu của hai đứa; ngày mà Hạnh và Khâm thường hay  hẹn hò nơi đây…
Hai người gặp nhau trong một chuyến bay quân sự Sài Gòn, ĐàLạt vào môt ngày cuối tuần trời mưa. Trong chuyến bay ấy đã tạo cho họ một tình yêu chớm nở và từ đó họ rơi tình.- Tình yêu đến thật bất ngờ! nàng nghĩ. Hạnh buột miệng hỏi:- Anh ở ĐàLạt hay đến thăm ĐàLạt ? –Tôi đến tham quan ĐàLạt trong dịp hè nầy. Bởi ĐàLạt là nơi chốn mà tôi ấp ủ từ lâu, nó đến với tôi trong sách vở, trong câu hò, điệu hát và ĐàLạt cho tôi một người con gái để yêu. Khâm vừa nói vừa cười một cách thích thú. Hạnh hỏi tiếp.- Thiếu nữ nào thế anh? -Người đang đứng trước mặt tôi. Khâm nhìn vào mắt Hạnh. Nàng cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ và nàng tỏ ra kiêu hãnh; nơi Hạnh chào đời ở đây.
Hai người lên xe về thành phố. Khâm rút mình trong  áo ấm, không nói một điều, ngồi êm bên cạnh Hạnh, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn nàng, từ phi cảng về thành phố thì trời chập tối, đèn vàng lấp loá sáng, hơi lạnh phả xuống lòng phố một vài người qua đường khoanh tay trong chiếc áo ấm đan tay. -Bao giờ anh trở lại Sài Gòn? Hạnh hỏi. Khâm không trả lời câu hỏi. -Ngày mai anh đến thăm Hạnh được không? –Em nghĩ không được đâu.- Chúng mình hẹn gặp nhau đi nhé! Giọng nói nàng tha thiết. Hai đứa chia tay chiều hôm ấy.
Qua ngõ ngách của thành phố ĐàLạt, những con đường chật hẹp, lót đá, lên xuống với những con dốc cao thấp, hai bên đường nhỏ, quằn quèo lối đi những căn nhà quét vôi trắng đối mặt nhau trông thân quen; len qua chợ, dẫn đến con hẻm khác ở đó có một quán càphê khá đông khách làm điểm hẹn cho hai đứa. Khâm ngồi nâng cốc chờ đợi, càphê tỏa mùi hương cau thơm nồng nàn, nắng đi vào ô cửa, soi gương mặt Khâm; gương mặt khô cứng thoáng nét buồn vời vợi, chàng dõi mắt ra ngoài con phố, bất giác nhận ra Hạnh từ cuối đường tiến lại gần; nàng mặc chiếc áo lụa vàng anh, tóc vấn cao để lộ vòng cổ màu da trắng sữa, tròn búp, khuôn trang nàng trông tươi mát và thoáng dịu hơn ngày hôm qua Khâm gặp, nhờ viền môi đỏ thắm màu táo chín, tạo cho dung nhan nàng một nét đẹp kiêu sa gái nhà lành, tất cả đã nổi bật giữa khung trời thơ mộng của thành phố sương mờ. Khâm choáng váng trước nhan sắc kiều diễm ấy. –Anh đợi em lâu không? Nàng hỏi. -Lâu hay chưa lâu ĐàLạt vẫn là nơi cho anh nhắm nhía hương sắc ở đây. Người hầu bàn đến gần. -Cho một tách càphê sữa nóng.và một đen không đường. -Sao anh biết ý em? Hạnh nói. -Đàn bà, con gái mỗi khi uống càphê thường có một ít sữa cho dịu chất đậm. Phải thế không Hạnh? Họ nhìn nhau, cười nói như đã quen nhau từ lâu. Khâm nhìn say đắm vào mắt Hạnh như muốn nói điều gì. Buổi gặp gỡ lần nầy như đã trao nhau tự đáy lòng, con tim  thổn thức và đầy hứa hẹn của tình yêu mà chính họ cảm nhận được từ buổi ban đầu khi mới gặp nhau …
Nàng rùng mình; trở lại với hiện thực. Chợ Hòa Bình đã đầy ấp người qua lại, xe cộ ngổn ngang vang lên những tiếng còi nhức óc, đám xe đủ loại đang nằm im phơi nắng bên kia đường, hàng quán mở cửa với tiếng rao hàng xé không gian. Hạnh không nghe, không thấy những xáo động xung quanh, nàng cúi đầu đi chậm như người mất hồn, miên man trong trí tưởng, nàng muốn đuổi ám ảnh đi thật xa để trở về với hiện tại, ám ảnh vây quanh nàng một thời gian khá lâu; từ khi đem lòng yêu thương Khâm cho đến ngày chàng vào quân trường võ bị, hình ảnh đó luôn luôn ám ảnh nàng. Hạnh sợ mất Khâm. Mất Khâm nàng mất tất cả. Đúng vậy! sau 30 tháng 4.
Ba mươi năm sau; ký ức trở về những lúc bất chợt, nàng sợ, nàng quyết tâm kiềm chế lý trí để sống một cách bình thường vô tư bên cạnh chồng và con. Bây giờ sống với Triết; chồng nàng và hai đứa con trưởng thành của họ Nhẫn và Mai. Hạnh kể hết cho Triết nghe cuộc tình của mình với Khâm. Triết khâm phục tình yêu của vợ mình…Thế nhưng; tình yêu lý tưởng mà Hạnh ôm ấp, tưởng sẽ mãi mãi như nàng mong muốn, nào ngờ cuộc đời và định mệnh đã đổi thay nàng cho dầu Khâm đã chết trong trại cải tạo ngoài miền Bắc xa xôi của những năm đầu khi tàn cuộc chiến. Hạnh nuốt những đắng cay, vào đời bằng sự đổi thay của lòng người, một xã hội đầy rẫy mưu toan. Những giọt nước mắt tiếp tục chảy trong tim cho tới ngày nàng quyết định lời cầu hôn của Triết. Giờ đây ”Mái tây hiên nguyệt gát chênh chênh. Rầu rĩ lắm xuân về oanh nhớ”*. Những bài ca xưa cũ, những con đường thường hay đi lại, chiều xuống trên những ngọn đồi, sương giăng mặt hồ hay đêm về trên hè phố …Tất cả đánh thức nàng, dẫu nàng đã xóa bỏ niềm đau bên tình yêu mới.
Ngoài kia hình như có ai đang nhìn nàng? Hạnh nghĩ thầm và giọt nước mắt rơi tự hồi nào trên đôi gò má khô của thời gian.
* thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu
VÕ CÔNG LIÊM 
Theo http://www.art2all.net/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...