Câu chữ
tự đốt mình trong thơ Lại Hoài Phong
Một bên là lời dân gian, một
bên là sự hiện đại và kiệm lời đến cùng kiệt. Tập thơ Mạch ngầm của Lại Hoài
Phong mở ra rất nhiều sự liên tưởng cho người đọc. Thơ ông là sự trăn trở
nghiêm túc, câu chữ trong thơ được nén, được luyện kỹ càng, mỗi giọt thơ ông được
chưng cất rất công phu. Phàm đã là loại thơ công phu như thế thì ý tứ và ngôn
ngữ biến ảo lắm. Bởi vậy, khi đọc xong bản thảo Mạch ngầm, người viết bài này
xin có vài dòng cảm nhận, ngõ hầu chia sẻ cùng bạn đọc một cách tiếp cận Mạch
ngầm để khai mở thêm những giá trị nghệ thuật trong không gian thơ Lại Hoài
Phong.
Có một nhà phê bình đã nhận
xét: Thơ là Ngôi Lời. Để thơ thật sự thành Ngôi Lời, người làm thơ phải đào
đãi, tuyển lựa câu chữ thật tỉ mỉ, rồi lại phải nhờ năng khiếu trời cho để lắp
đúng vị trí, đặt vào đúng huyệt đạo của câu thơ, có như thế câu thơ mới mở mắt,
mới cất cánh bay được về miền nghệ thuật. Người làm nghệ thuật nghiêm túc không
bao giờ dễ dãi trong cách sử dụng câu chữ. Thơ Lại Hoài Phong, bao trùm lên tất
cả tập thơ Mạch ngầm của ông là sự kiệm lời, có cảm giác mỗi câu, mỗi chữ phải
gồng mình lên dưới sức nặng của ý tưởng:
Thăm thắp đứng nghiêm
Cho đêm
Đi về sáng
(Cột đèn).
Cả bài thơ có chín chữ, mỗi
chữ mang một gương mặt khác nhau để biểu lộ sự đa nghĩa của ý thơ. Bài thơ viết
bằng cái vỏ tự sự, nhưng nội lực của câu chữ gợi cho ta những sự liên tưởng về
phận người, về cốt cách, phẩm chất của người quân tử giữa cái xô bồ, cái ma
quái, đen tối của cuộc người. Ở bài Xưng hô, ta giật mình vì sự sắp đặt tài hoa
của ông:
Bình thường gọi là rau
Đau đầu kêu ngải cứu.
Câu thơ dễ đến mức tối giản,
nhưng nhìn lên cái đầu đề, cái tên của sự việc, ta mới bắt đầu nghi ngờ… Hình
như sự dễ dãi cố tình kia chỉ là cái vỏ, còn “vàng ròng, bạc nén” thì nằm ở mãi
thẳm sâu kia, phải đào xới, phải có “mật đồ” mới mong chạm được ý tưởng người
viết định diễn đạt. Ở bài này một bản chất mà có hai khái niệm khiến ta giật
mình trước cái lối dẫn dụ của tác giả. Đọc bài thơ Xưng hô, bỗng nhớ tới Thường
dân của nhà thơ Nguyễn Long: Đông thì chật, ít thì thưa/ Chẳng bao giờ thấy dư
thừa thường dân/ Quanh năm chân đất đầu trần/ Tác tao sau những vũ vần bão
giông/ Khi là cây mác, cây chông/ Khi là biển cả, khi không là gì. Thơ hay là ở
sức gợi, là ở sự nén của ngôn ngữ. Khi ngôn ngữ được nén tới mức rắn đanh thì tự
nó sẽ bốc cháy và bén thẳng vào sự liên tưởng của các tầng suy nghĩ cao hơn,
sâu hơn nơi bạn đọc:
Nén chữ là cách làm không phải
mới trong thế giới thi ca, nhưng nén chữ một cách tự nhiên, dung dị như Lại
Hoài Phong kể cũng không nhiều lắm trong giới nghệ thuật hôm nay:
Rễ cắm xuống đất
Ngọn cất lên trời
(Nhờ)
Ừ, quen thuộc quá, nhờ rễ cắm
xuống đất hút sữa của đất đấy thì ngọn mới ở ngôi cao vút trên kia. Cái ơn ấy,
cái nguyên lý ấy giản dị vậy thôi mà sao đời khó nhớ đến vậy. Hay là từ sâu thẳm
trong bản chất CON NGƯỜI cứ khi ở ngôi cao là quên ngay lực lượng đã tôn cao
mình? Trời ơi, đóa sen kia có nở đẹp đẽ, có cao sang nhụy vàng, lá xanh, cánh hồng…
là nhờ đâu? Lẽ nào lại quên những cái rễ đang chúi đầu hút sữa của bùn đen? Đọc
thơ Lại Hoài Phong xin cẩn thận với cái đầu đề của bài thơ. Thơ ông, chính cái
đầu đề đã là một câu thơ. Phải giải mã thơ ông từ cái đầu đề của bài thơ thì mới
mở được những tầng nghĩa chồng chéo nhau cài trong mấy chữ ít ỏi của bài thơ:
Càng nện
Càng nổi tiếng
(Trống)
Điều dễ nhận thấy nhất trong
Mạch ngầm là tất cả các bài thơ đều bắt ta phải suy ngẫm, những tứ thơ cứ lởm
chởm ý tưởng, câu chữ cứ sắc lạnh cứa vào vùng liên tưởng của người đọc:
Áo gì cũng thế
Treo lên đinh
Lưng quay lại phía mình
(Nghĩ về áo)
Áo mà chẳng phải áo, nó là
cái vỏ bọc của con người, từ xưa đến nay con người vốn quen gọi nhau bằng cái
áo, cái mác của mình. Câu thơ của Lại Hoài Phong bóc tách rành rẽ cái nguyên lý
ấy. Thơ ông có những bài từ sự chiêm nghiệm, triết lý đã chuyển thành những
khái niệm độc đáo. Những tìm tòi ấy, những vật vã ấy chính là những nét tài hoa
của Lại Hoài Phong. Thơ ông như “Cổ tích vừa đi vừa sàng chuyện”. Cái hay cái lạ
của thơ ông tất thảy đều sinh ra từ truyền thống của thơ Việt. Đọc bài thơ viết
về con sông của ông mà ngỡ như những lời kệ, vừa triết lý vừa đầy chất truyền
thống lại đẫm màu hiện đại:
Đôi bờ xanh
Điều hành hướng nước
(Sông)
Bài thơ giản dị, tròn vành vạnh
như một thực tế mà ngân nga lời dạy của các bậc thánh nhân: Dân là người làm
nên tất cả. Đôi bờ xanh kia là thảo dân dưới mọi thời đại, tương lai một đất nước
sẽ về đâu, tương lai của một dân tộc sẽ tươi sáng hay tăm tối đều tùy thuộc vào
lòng dân cả…
Nguyễn Thế Kiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét