Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Nguyễn Ngọc Hưng... Neo tâm hồn trong bài thơ Chiếc mỏ neo!

Nguyễn Ngọc Hưng... Neo tâm hồn 
trong bài thơ Chiếc mỏ neo!
Hưng bị bạo bệnh! Hơn ba mươi năm Hưng nương nhờ và sống trong sự cưu mang đùm bọc của gia đình một người bạn nơi phố huyện. Cũng từng bấy nhiêu năm Hưng cách xa cố quận- ngôi làng nhỏ bên bờ sông Vệ, nơi Hưng cất tiếng khóc chào đời và chôn rau cắt rốn ở đó. Làng quê nghèo có hình bóng người mẹ hiền tần tảo, một nắng hai sương rau cháo qua ngày nuôi Hưng lớn khôn mong Hưng thành danh, thành tài để đền đáp công ơn dưỡng dục. Làng quê đó có biết bao nhiêu kỉ niệm thân thương của tuổi thiếu thời mà Hưng dễ gì quên đươc. Nó như là CHIẾC MỎ NEO - neo Hưng về với hình bóng mẹ hiền, với ngôi nhà nhỏ đơn sơ, với vườn rau con gà, con cún mà bây giờ cứ hư ảo, như sương như khói trong tâm trí của Hưng.
Người Xứ Quảng xin giới thiệu với những người yêu thơ xa gần một tuyệt phẩm của thi sĩ Nguyễn Ngọc Hưng
CHIẾC MỎ NEO
Chiếc mỏ neo nằm giữa trái tim làng
Quả bom tấn trục lên cười mộng mị
Khuôn mặt thời gian phô bày han rỉ
Dưới mặt trời bỗng lấp lánh ánh kim
Bao độ cha ông đốt đuốc đi tìm
Lòng bao độ che mù sương ẩn mặt
Những chồi búp xanh xanh như mày mắt
Ngơ ngác hoài câu hát gió mùa thu
Tiếng chim chuyền bụi ớt nghẹn lời ru
Mùa hạn hán, mùa mênh mang nước nổi
Lòng tha thiết đụn rơm vàng tóc rối
Thương bờ dâu xanh rút ruột nuôi làng
Cây cuốc bòn để lại chạc khoai lang
Lưỡi liềm mót lúa rơi chừa gốc rạ
Ao tát cạn vẫn còn đôi tăm cá
Mà ạ ơi không giữ nổi cánh cò
Giáp hạt nào cũng bạc mặt vì lo
Nên lời hứa chân trời luôn nóng bỏng
Người đi xa mang theo ngàn hy vọng
Về một tương lai hạnh phúc đủ đầy
Nước nhớ nguồn, chim nhớ cội thương cây
Người muôn ngả mơ giấc mơ đoàn tụ
Mùi hương khói xui ta về lối cũ
Chiếc mỏ neo còn neo trái tim làng!
NGUYỄN NGỌC HƯNG
Thành thật với Hưng! khi kẻ mê muội Người Xứ Quảng đọc khổ thơ mở đầu của CHIẾC MỎ NEO:
Chiếc mỏ neo nằm giữa trái tim làng
Quả bom tấn trục lên cười mộng mị
Khuôn mặt thời gian phô bày han rỉ
Dưới mặt trời bỗng lấp lánh ánh kim

Mấy câu thơ đó thi sĩ Nguyễn Ngọc Hưng viết quá siêu thực. Đọc không hiểu mô tê gì cả. Người Xứ Quảng bất giác thốt lên: cha này lại chơi trò ma thuật từ ngữ kiểu các vị tiền bối phương tây cha đẻ của trường phái siêu thực như Chateubriand, Lamartine, Musset, Vigny, Hugo hay chí ít như các thi nhân Đinh Hùng. Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử với những bài thơ mộng mị ma quái để đời trong phong trào thơ mới. Hưng diễn tả :Chiếc mỏ neo nằm giữa trái tim làng.Hơi trìu tượng! có thể tiếp cận được hình tượng ngữ nghĩa tình thái. Nhưng đến những câu: Qủa bom tấn trục lên cười mộng mị/ Khuôn mặt thời gian phô bày han rỉ/dưới mặt trời bỗng lấp lánh ánh kim.Vần điệu ngữ nghĩa các câu thơ thiệt hay. Hay gì vậy? Chả hiểu ý tưởng của tác giả. Bó tay !Xin lỗi Hưng nhé! Một suýt nữa Người Xứ Quảng bỏ rơi CHIẾC MỎ NEO vì cái tính hời hợt của mình. Nhưng khi đọc tiếp và đọc hết những khổ thơ còn lại của CHIẾC MỎ NEO, bất giác Người Xứ Quảng thốt lên: Chao ơi! Bài thơ thật xúc động, từ ngữ thật đẹp mà thật giản dị. Bài thơ mang đúng thần thái, cốt cách của thi sĩ Nguyễn Ngọc Hưng không lẫn vào đâu được.
Từ khổ thơ đầu hơi ma mị đó Nguyễn Ngọc Hưng trải lòng mình cho bao nhiêu thế hệ con dân Việt sinh ra từ làng (99% người Việt sinh ra từ lũy tre làng cùng với gốc rạ). Bởi thế dù ai đi đâu về đâu dẫu cho bụi thời gian che lấp phai mờ nhưng vẫn nhớ về nơi mình sinh ra lớn lên. Dẫu có ẩn mặt thì vẫn cứ nhớ xanh mày mắt. Nhớ đến nao lòng ngơ ngác hoài câu hát gió mùa thu. Nỗi niềm của kẻ tha phương được Hưng nói hộ:
Bao độ cha ông đốt đuốc đi tìm
Lòng bao độ che mù sương ẩn mặt
Những chồi búp xanh xanh như mày mắt
Ngơ ngác hoài câu hát gió mùa thu
Nếu đoạn thơ đầu Hưng hơi đánh đố người đọc “ẩn số” ý niệm của bài thơ thì đoạn thơ tiếp theo thì ẩn số đó đã được hé mở. Người đọc đã tiếp cận được ý tưởng của CHIẾC MỎ NEO. Đến khổ thơ sau đây thì như đã bộc bạch, mở toang niềm xúc cảm dồn nén của người thi sĩ THA PHƯƠNG NƠI CHÍNH QUÊ HƯƠNG CỦA MÌNH:
Tiếng chim chuyền bụi ớt nghẹn lời ru
Mùa hạn hán, mùa mênh mang nước nổi
Lòng tha thiết đụn rơm vàng tóc rối
Thương bờ dâu xanh rút ruột nuôi làng
Thi sĩ nhớ cảnh vật quê nhà: Tiếng chim chuyền bụi ớt nghẹn lời ru/ Mùa hạn hán, mùa mênh mang nước nổi
Bồi hồi: Lòng tha thiết đụn rơm vàng tóc rối
Thương: Thương bờ dâu xanh rút ruột nuôi làng
Hưng viết nỗi niềm CHIẾC MỎ NEO cho tất cả mọi người và cho chính hoàn cảnh sống và thân phận nghèo khó của tuổi thơ :
Cây cuốc bòn để lại chạc khoai lang
Lưỡi liềm mót lúa rơi chừa gốc rạ
Ao tát cạn vẫn còn đôi tăm cá
Mà ạ ơi không giữ nổi cánh cò
Dẫu vẫn biết quê hương là núm ruột là “chùm khế ngọt” nhưng vì mưu sinh nên: mà ạ ơi không giữ nổi cánh còThôi thì đành xa làng xa quê lang bạt nơi phương trời, năm tháng qua đi lời hứa ngày trở về vẫn ở nơi chân trời nóng bỏng. Lòng người quê vẫn cứ:
Người đi xa mang theo ngàn hy vọng
Về một tương lai hạnh phúc đủ đầy
Như người Xứ Quảng đã nói ở trên: Hưng bị bạo bệnh, bao năm qua Hưng nằm bất động trong một thư phòng nhỏ. Cái “ăng ten” Hưng thu nhặt âm thanh cuộc đời đó là ô cửa sổ nhỏ, đó là thính giác của đôi tai và chiếc ti vi.Nhưng tâm hồn của Hưng cùng với sự nhạy cảm rất tinh tế của một thi sĩ tài hoa thì Hưng hơn hẳn bao nhiêu người trong đó có cả Người Xứ Quảng vô tâm, vô tính vô tình, suốt ngày rảnh rỗi chém gió vô bổ trên fai-book. Những lời thơ,,câu chữ của Hưng đã động đến nỗi niềm tâm thức của biết bao nhiêu người đang mưu sinh kiếm sống nơi xứ lạ quê người.Họ cần mẫn chịu thương, chịu khó vượt qua dâu bể của cuộc đời; vẫn mang theo ngàn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trở lại quê nhà với một tương lai hạnh phúc đủ đầy
Đoạn kết của bài thơ:
Nước nhớ nguồn, chim nhớ cội thương cây
Người muôn ngả mơ giấc mơ đoàn tụ
Mùi hương khói xui ta về lối cũ
Chiếc mỏ neo còn neo trái tim làng!
Đáp án, đáp số của CHIẾC MỎ NEO là đây.Nếu những câu thơ của khổ thơ đầu hơi đánh đố người đọc ,buộc người đọc phải suy ngẫm, suy luận từng câu chữ thì những câu thơ của khổ thơ kết quá chân thành mộc mạc giản dị :Nước nhớ nguồn, chim nhớ cội thương cây/Người muôn ngả mơ giấc mơ đoàn tụ.
Cũng như Hưng trong bất giác nào đó :Mùi hương khói xui ta về chốn cũ.Câu thơ có hình ảnh thật đắt. Xin hỏi Hưng là khi viết câu thơ này Hưng có liên tưởng đến một câu thơ của Thôi Hiệu đời nhà Đường “Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?/Yên ba giang thượng sử nhân sầu”-có người dịch là :Chiều rồi quê cũnào đâu nhỉ ?Khói sóng trên sông khiến dạ sầu. Còn thi sĩ Huy cận chuyển dịch thành câu thơ để đời :Lòng quê dờn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà
Còn thi sĩ Nguyễn Ngọc Hưng lại trải lòng mình thực hơn để chốt lại cho ý nghĩa bài thơ CHIẾC MỎ NEO
Mùi hương khói xui ta về chốn cũ
Chiếc mỏ neo còn neo trái tim làng
Vĩ thanh :CHIẾC MỎ NEO- một thi phẩm đáng được ghi nhận của thi sĩ Nguyễn Ngọc Hưng xét về mọi góc độ từ nghệ thuật đến nội dung biểu cảm của thi ca đương đại. Nếu trao giải cho CHIẾC MỎ NEO-Người Xứ Quảng đồng ý với cụ Nguyễn Du “Thì treo giải nhất chi nhường cho ai” (Kiều ).
Trong CHIẾC MỎ NEO mà có hình bóng người gái quê thì bài thơ lãng mạn biết mấy. Nguyễn Ngọc Hưng vốn dĩ là đa mang, đa tình mà. Hay chàng chưa kịp yêu thì đã xa làng rồi?.
Quảng Ngãi những ngày cháy nắng 5-2015
 Theo http://daihocquynhon78.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...