Chủ Nhật, 22 tháng 11, 2015

Trên đỉnh âm nhạc Lê Minh Sơn

Trên đỉnh âm nhạc Lê Minh Sơn
Là người yêu nhạc, đặc biệt là nhạc Trịnh, tôi không khỏi tự hỏi nhiều lần từ khi Trịnh Công Sơn vĩnh biệt chúng ta: có vì sao nào mới trên vòm trời nhạc Việt cũng hứa hẹn độc đáo, tầm cỡ và đều đặn như anh không?
Vì sao đó có thể mang tên là Phú Quang chăng? Hay Dương Thụ, tác giả bản "Hoạ mi hót trong mưa" đã từng làm ngây ngất biết bao người thưởng ngoạn [1]?

Hoạ mi hót trong mưa Dương Thụ - Khánh Linh
Hình như là không, mặc dù tài năng không chối cãi của những nhà soạn nhạc đã thành danh này.
Câu hỏi của tôi cứ như chìm trong vô định mãi cho đến gần đây, tình cờ tôi khám phá muộn ra Lê Minh Sơn qua một số những bài hát đặc biệt đáng chú ý do Tùng Dương thể hiện xuất sắc trong album CHẠY TRỐN [2] .
Chạy trốn - Lê Minh Sơn - Tùng Dương
Nghệ thuật là một sự kiếm tìm liên tục bởi kẻ thù của sáng tạo là sự lập lại, là thói quen, là sự dễ dãi. Lê Minh Sơn dường như muốn tránh những đá ngầm ấy ngay từ đầu: trong album CHẠY TRỐN, mỗi bài hát đều được phối âm với một nhạc khí và thể điệu khác nhau, từ đàn bầu cho tới bộ gõ, qua dương cầm, saxo và ghi ta… Anh có vẻ khá kỵ kiểu cho dàn trống rầm rộ thao túng như trong phần đông các bài hát hoà âm theo phong cách tạm gọi là "phòng trà Sài Gòn" dễ làm chói tai người sành điệu, đặc biệt là giới trẻ gốc Việt có trình độ và văn hoá âm nhạc.
Lê Minh Sơn vào Nhạc viện Hà Nội lúc lên 8 và bắt đầu sáng tác từ năm 12 tuổi. Anh viết nhạc thật dễ dàng. Bài hát anh thường ngắn, có lẽ quá ngắn so với thói quen của chúng ta. Nhưng mỗi tác phẩm của anh có thể nói không ngoa là một bài "Haiku" ca nhạc!
Xin hãy lắng nghe anh mô tả tình yêu: 
"Lại bâng khuâng tìm ký ức
Lại lang thang cô độc một mình
Tìm em trong những giấc mơ
Tìm em trong những ý thơ
Em
Nụ hôn thần thánh kéo giãn màn đêm em trao anh
Tình ca ngày ấy anh viết tặng em, sao em quên
Em
Giấc mơ không là thực
Ý thơ không là thực
Em
Vết hôn em là thực
Vết đau anh là thực
Em
Làm nguôi đi cơn khát gọi về".
("Yêu") 
Bài hát Lê Minh Sơn hay phá thể, vượt ngoài khung giai điệu thông thường tân nhạc Việt Nam. Về cấu trúc, nó không theo lối "tam đoạn" 3 phần cổ điển (đầu và cuối nhạc giống nhau, chỉ khúc giữa thay đổi). Về âm điệu, nó không du dương trầm bổng một cách quá an toàn quý phái. Nó không êm tai, láng lỉnh mà - ngược lại - gồ ghề, nồng vị, kích thích, gợi cảm. Ca từ có khi như lời lẩm bẩm của kẻ mộng du, có lúc là tiếng gào của người phẫn nộ. Lời nhạc đôi lúc nghe như thoát từ một đôi môi khờ khạo, ngây ngô nào đó. Nó sờ soạng lục lạo trong ký ức tuổi thơ. Nó cũng mơ tới thiên đường đã mất. Nhưng không theo lối mòn, không vòng vo tam quốc kiểu cách "con nhà lành" mà đi thẳng vào thực chất: cái khao khát rạo rực trong từng mạch máu căng đầy chỉ chực tuôn trào, ôm vồ lấy cuộc sống đang toát vẻ hừng hực nồng nàn...
Ta thử nghe một đoạn khá độc đáo trong bài "Trăng khuyết"
"Cơn đau, cơn đau xé màn đêm
Cơn mê, cơn mê tím mắt ai
Bàn tay gầy, bàn tay hằng đêm
Chờ mong anh về, chờ mong được yêu anh
Anh hôn em vầng trăng đọng lại trên môi
Anh xa em trăng không cười, em nhìn trăng đang khóc
Không còn những nụ hôn
Mà tràn đầy nước mắt
Giận anh, em ném trả vầng trăng lên trời..." 

Trăng khuyết - Lê Minh Sơn - Thanh Lam
Bài hát được mở đầu bằng tiếng đàn bầu đơn độc thánh thót, đặc biệt trên những nốt hoàn toàn khác xa dòng nhạc chủ đạo của tác phẩm; rồi lại kết thúc trong một biển thanh âm hài hoà như thể xuất phát từ một giàn giao hưởng nào đó, ở xa xa phụ hoạ. Những tiếng nhạc vừa đủ đến tai người nghe, thanh tao và tế nhị. Như một sự cẩn trọng tránh "nhét đầy", một sự tôn trọng tuyệt đối cảm quan khách thưởng ngoạn.
Cái chất thơ, cái tâm tình sôi nổi và sức công phá của tuổi trẻ dường như được thăng hoa trọn vẹn qua âm nhạc Lê Minh Sơn mà bài "Lửa mắt em" sau đây là một ví dụ khác, cũng thật giàu hình ảnh: 
"Đốt cháy mùa xuân bằng ngọn lửa
Lửa trong mắt em
Mang đi mùa hạ
Mùa hạ vàng đầy nắng và gió
Gió biển khơi gió đất trời
Gió từ tay mẹ tóc em bay
Tóc bay mùa đông, mùa đông không còn lạnh
Em ôm mùa thu không lá vàng rơi rơi rơi rơi
Em trắng trong chờ đợi
Em tháng năm vời vợi
Em lửa bùng cháy
Em bốn mùa bùng cháy". 
Lê Minh Sơn chọn một thể điệu gần giống nhạc RAP cho tác phẩm này. Anh lại kết hợp tài tình dàn xướng nhạc (vocalise) giọng nữ trộn lẫn với tiếng người đọc lâm râm cực nhỏ và tiếng hú của Tùng Dương vào phần cuối bài hát, tạo một cảm giác tăng nồng độ và cường độ bài hát lên dồn dập, như hình ảnh lửa tình yêu bốn bề rực cháy…
Lê Minh Sơn không chỉ sở trường về hình ảnh tân kỳ. Anh còn cách tân bằng những dòng nhạc vừa sâu lắng lại vừa dễ len vào thân xác, khơi gợi những cảm khoái thật người: 
"Đến bên anh dịu dàng là thế
Mãi trong em huyền thoại là thế
Tình đầu say mê ư?
Miên man miên man cảm giác trong em
Con tim rung lên òa vỡ theo anh
Thét gào"…
("Đến bên em dịu dàng") 

Đến bên anh dịu dàng - Lê Minh Sơn - Tùng Dương
Lê Minh Sơn cũng biết cất lên những lời thật nhẹ nhàng lãng mạn, nhất là khi có mặt vầng trăng, chứng tích của thiên nhiên giữa lòng người, của một quãng đời thơ mộng chưa hẳn đã đi qua: trăng như ám ảnh anh trong nhiều sáng tác ngọt ngào… 
"Vầng trăng e ấp buộc làn tóc mây
Hồn thu se buốt lặng say hương nồng
Mắt người rộng mãi như một dòng sông [3]
Bơi chèo lặng lẽ sâu rộng mắt em
Hát một giấc mơ xưa,
Hát một cánh hoa trôi
Lãng du kiếp người
Em đẹp như vầng trăng
Vầng trăng gọi thu vầng trăng khát
Em đẹp như dòng sông
Dòng sông chờ mong, dòng sông hát
Gọi anh, đợi anh
Hát một giấc mơ xưa hát một cánh hoa
Trôi lãng du kiếp người"
(“Trăng khát”) 

Trăng khát - Lê Minh Sơn 
Hoàng Quyên - Tùng Dương
Lê Minh Sơn tự nhận mình là một "gã nhà quê thứ thiệt", đã sống ở nông thôn từ thuở bé, "biết yêu khi mới học lớp 2, quen nắm tay cô bạn gái chạy dọc chân đê" [4] . Những cảm nhận phong phú anh chất chứa từ những năm tháng ấy đã trở thành chất liệu sáng tạo cho hàng loạt nhiều tác phẩm đậm đà màu sắc dân gian [5] .
Ở đây, chắc không phải vô tình mà đĩa nhạc được kết thúc với bài “Ôi quê tôi”, một bài hát thật tiêu biểu cho tài năng của Lê Minh Sơn và đồng thời đã đưa Tùng Dương đoạt Giải nhất Giọng hát hay Hà Nội năm 2002: 
"Ôi quê tôi vẫn còn mái nhà
Liêu xiêu liêu xiêu, thơm mùi khói chiều
Trong giấc mơ của tôi cánh diều no gió
Đi bên em bên em bắt chim sâu
Ôi quê tôi, vẫn còn cánh đồng
Xanh bao la lưng còng dáng mẹ
Xa xa nương dâu nong tằm ăn rỗi
Gió đông quang gánh rách áo em tôi
Tìm bài hát quê mình là câu ca mẹ
Tìm điệu múa song tình cánh cò lả lơi
Thình thình thình thình trống hội ngoài đình
Tình tình tình tình ánh mắt em đưa
Ô hê hà … Ô hê há
Ánh mắt như dao cau liếc vào mỏm đá
Mài tuổi thơ tôi sắc ngọt
Ánh mắt em lung lay, sóng rượu quê rót đầy chống chếnh thân em
Ô hê hà .. Ô hê há
Ánh mắt em lung lay, sóng rượu quê rót đầy chống chếnh quê tôi … quê tôi… quê tôi." 
Chỉ riêng bài hát này cũng đủ gợi ta viết nhiều trang về nó…
Nhưng ở đây chỉ xin phép lặp lại một hình ảnh đã để lại nhiều xúc động: Gió đông quang gánh rách áo em tôi. Cũng như tiếng Hô hế hà nghe thân thương, dân dã làm sao!
Rồi còn "Ánh mắt như dao cau liếc vào mỏm đá, mài tuổi thơ tôi sắc ngọt": có nhà thơ nào "dám" viết như thế?
Lê Minh Sơn say sưa với dòng nhạc dân gian Việt Nam mà anh cho là "một trong những quốc gia có nền âm nhạc dân gian hay nhất thế giới" [6] .
Anh tuyên bố: "Nhạc của tôi luôn đề cao tính dân gian (bản thân dân gian đã là hiện đại). Tôi đặc biệt chắt lọc ca từ. Tất cả những tác phẩm đều phải nói lên được tính Chân Thiện Mỹ trong cuộc sống. Có những loại nhạc nghe để uống cà phê, nghe để đọc sách, để nói chuyện phiếm, nghe để mà nghe. Với tôi, khi viết mỗi nốt nhạc, mỗi ca từ xong, cảm giác đầu tiên đó là sự hụt hẫng, sự trống trải..."
Điều này giải thích vì sao ta đã được thưởng thức những bài hát đẹp và lạ như đã thấy trên.
Nhưng có được như thế cũng là nhờ tài năng của người diễn đạt, đặc biệt là của Tùng Dương trong CD này.
Tùng Dương rất trẻ (sinh năm 1983, nhỏ hơn Lê Minh Sơn chừng 9 tuổi), đã "lọt vào cặp mắt xanh" của nhạc sĩ tại Nhà hát Tuổi trẻ đặc biệt nhờ giọng ca "đầy nam tính" [7] của anh. Biên độ thang giọng (amplitude) và âm sắc (timbre) của Tùng Dương có vẻ không có gì thật sự vượt hơn những ca sĩ khác, nhưng phong cách hát của anh quả là đầy hấp dẫn và màu sắc. Người ta thường bảo Tùng Dương hát theo phong cách jazz và thuở nhỏ thường thích nghe bài hát nước ngoài do người quen gửi về. Chắc hẳn sự tiếp xúc với dòng nhạc mới phương Tây đã giúp Tùng Dương thêm ý và thể hiện một cách hiện đại ca khúc Lê Minh Sơn.

Trong album CHẠY TRỐN, anh hát mỗi bài một cách.
Qua bản "Chạy trốn" mà tên đã được chọn cho album, anh đã để dấu riêng đặc biệt trên đôi chỗ làm bài hát linh động hẳn lên: 
"Những ngày xưa chạy trốn cùng em
Muốn tìm nhau mà vẫn còn ham vui, chơi ú tim
Ngỡ rằng yêu là mãi gần nhau
Có ngờ đâu ngày ấy chỉ còn trong giấc mơ
Người ơi về ngày dài xa em hơn một mùa
Nhìn con thuyền lặng buông xuôi theo dòng nước đục
Lòng không đành về với anh
Tìm lại ánh trăng khờ dại
Chạy trốn tình đầu
Đẹp mãi tình đầu." 
Tùng Dương dùng giọng "óc" để hát từ ú tim, nghe thật vui tai và dễ thương. Để kết thúc bài ca rất trần trụi (épuré) hầu như chỉ dựa trên âm đọc nhiều hơn là hát này, anh đã "chơi tới cùng" bằng cách không xướng nhạc bình thường mà nhái giọng một trai trẻ tinh nghịch, tạo nên một sắc thái ngây ngô, trơ lạ như chính hình ảnh ánh trăng khờ dại mà LMS đã đặt vào bài.
Trong nhạc phẩm "Yêu", Tùng Dương vào hai câu đầu bằng những nốt cực nhỏ, thì thào như hơi thở kẻ tuyệt vọng, dần dần trở nên dồn dập, thổn thức, như trách móc, như cào cấu, để cuối cùng bùng nổ ở phần chót qua từ cơn khát, tột đỉnh của đòi hỏi và ước muốn. Nhưng anh không kết thúc bài hát bằng câu cuối mà chọn đọc lại, như một lời tụng niệm, câu đầu Lại bâng khuâng tìm ký ức...
Phải chăng chính ở đó có sự gặp gỡ giữa những tâm hồn nghệ sĩ Tùng Dương, Lê Minh Sơn và thơ haiku như đã nêu trên?
Trong "Đến bên anh dịu dàng", "Ôi quê tôi" và "Trăng khuyết", Tùng Dương đã triển khai trọn vẹn giọng hát của mình qua những ca khúc có nền nhạc phong phú, không bị gò bó vào cái khung của loại chỉ mang nhạc điệu tối thiểu như các bài khác. Và cũng chính ở đó mà người không quen nghe nhạc lạ sẽ dễ thưởng thức tài nghệ của anh.
Tùng Dương lột tả tài tình mọi sắc màu của dòng nhạc Lê Minh Sơn. Bằng cảm nhận đã đành. Nhưng anh còn biểu diễn nghệ thuật làm chủ giọng hát tuỳ theo tình huống nhạc phẩm: từ giọng cổ thật gần gũi thiết tha đến những nốt thật cao và giữ dài, tận dụng âm cộng hưởng từ hốc xương mặt; khi kề thật sát khi lại lùi xa máy thu âm, tạo nên những hiệu ứng đa dạng. Điển hình nhất là ở bài "Trăng khuyết": hơi anh lúc đầu run run như người lên cơn sốt nghiện ngập, rồi bỗng chốc lại trở nên cao vút như lồng lộng giữa đồng hoang...
Tùng Dương không phải là người đầu tiên, lại càng không phải là người mới nhất, hát Lê Minh Sơn. Gần đây có Trọng Tấn, người được Thanh Lam cho là "giọng ca nam số 1 của Việt Nam hiện nay" [8] , cũng phát hành cùng với nữ ca sĩ này một số album do Lê Minh Sơn viết [9] . Nhưng theo thiển ý, Trọng Tấn có giọng ca hình như quá trang trọng, quá trong và quý phái đối với nhạc Lê Minh Sơn. Trong thế giới Lê Minh Sơn, tiếng hát Tùng Dương như chuyên chở hình tượng người trai trẻ chịu chơi, hoang phí, nổi loạn. Giọng anh như chất chứa hơi thuốc đam mê, âm ỉ dằn vặt đớn đau và phẫn nộ. Nó không biết suy tính là gì, chỉ tuân theo trực giác và bản năng. Nó vượt qua mức truyền cảm để đạt tới giác cảm (sensualité). Như một chàng trai có vẻ đẹp hoang dã, thậm chí hoang đàng, nhưng lại có ma lực thu hút hấp dẫn. Trong một chừng mực nào đó, qua phong cách hát của Tùng Dương, người ta như thoáng thấy dáng dấp một Jeff Buckley hay cả một Kurt Cobain - ngoại trừ trống và nhạc rock - không chừng...
Lê Minh Sơn đã đem lại cho âm nhạc Việt Nam nhiều cái mới. Anh có những cách tân cả về ngôn ngữ, âm điệu lẫn cấu trúc và thể loại. Anh như đã xoá nhoà được biên giới giữa dòng nhạc dân gian và hiện đại, giữa những cảm hứng lãng mạn, hiện thực và siêu thực. Anh say sưa tìm tòi, mà một trong những sáng tạo gần đây nhất dường như là nhạc Rock pha Tuồng Việt Nam [10] .

Sự khao khát cách tân có lẽ đã thúc đẩy anh luôn tìm những người mới để thể hiện nhạc của mình: từ Ngọc Khuê đến Tùng Dương rồi Thanh Lam và Trọng Tấn. Nhưng sự kiếm tìm đôi khi có thể vấp phải giới hạn là giá trị thẩm mỹ của chính tác phẩm, bởi không phải lúc nào cái lạ cũng đạt tới được sự cân đối hài hoà tự nhiên để tác phẩm toả sáng. Và khả năng cảm nhận của người thưởng ngoạn thường cũng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố xã hội và văn hoá.
Điều đáng nhấn mạnh là Lê Minh Sơn đang rất sung sức, đầy tự tin và lao động cật lực [11] . Khi viết nhạc, anh tỉ mỉ "chăm chút cho từng lời ca, từng nốt nhạc và nâng niu chúng như đứa con của mình" để vinh danh "những xúc cảm thật nhất, những hình ảnh thật nhất đã và đang diễn ra trong cuộc sống". Với anh, sáng tạo nghệ thuật là "chắt từ máu và nước mắt của mình" để "làm những gì người khác chưa làm" và anh quan tâm nhất đến "sự dài hơi, sự trường vốn của người nghệ sĩ" [12] .
Vì thế, chúng ta có thể tin tưởng rằng Lê Minh Sơn sẽ còn có nhiều cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam hiện đại. 
[1] Đặc biệt là khi được trực tiếp xem Hồng Nhung biểu diễn (như trên sân khấu Tiếng Tơ Đồng cách đây vài năm), chứ không nghe trong CD đã phát hành mà chất lượng tiếc thay lại quá kém!)
[2] Việt Tân phát hành tháng 9 năm 2004 tại Việt Nam; CHẠY TRỐN bao gồm 7 nhạc phẩm viết trong giai đoạn 17-21 tuổi, trừ bài chót (sáng tác lúc 24 tuổi)
[3] Có thể có người sẽ thấy thấp thoáng ở đây hồn thơ Huy Cận ("Mắt em là một dòng sông, Thuyền anh bơi lội trong lòng mắt em…")
[4] Theo Lê Minh Sơn thổ lộ qua trao đổi với công chúng trên mạng (http://www/ngoisao.net/News/Hau-truong/2004/11/3B9AF152/)
[5] "Cặp ba lá", "Bên bờ ao nhà mình", "Chuồn chuồn ớt"…
[6] Theo Lê Minh Sơn thổ lộ qua trao đổi với công chúng trên mạng (http://www/ngoisao.net/News/Hau-truong/2004/11/3B9AF152/)
[7] Bài đã dẫn
[8] Phỏng vấn Thanh Lam trên báo Tuổi Trẻ, tháng 7 năm 2005
[9] Thanh Lam - Trọng Tấn, "Nắng lên", "Em và đêm", "Guitar cho em"
[10] Theo Lê Minh Sơn thổ lộ qua trao đổi với công chúng trên mạng (http://www/ngoisao.net/News/Hau-truong/2004/11/3B9AF152/)
[11] "Tôi không hề có những cuộc chơi như bao người khác. Chỉ có làm việc và làm việc: từ 8 giờ sáng đến 1 giờ sáng hôm sau, ngày nào cũng như ngày nào. Nếu tôi có cuộc chơi thì đó chỉ là ngủ. Lúc nào cũng thèm ngủ. Ngày lễ ngày Tết mọi người được đi chơi với nhau, còn tôi phải cắm mặt đi đánh đàn kiếm tiền nuôi gia đình. Có những ngày chỉ được gặp vợ con 15 phút. Tiền tác quyền (nếu có) chẳng bao giờ đủ mua đĩa tặng bạn bè."
(Lê Minh Sơn qua phỏng vấn trên mạng 

http://www.vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2004/08/3B9D5B82/)
[12] Theo Lê Minh Sơn thổ lộ qua trao đổi với công chúng trên mạng (http://www/ngoisao.net/News/Hau-truong/2004/11/3B9AF152/)

Hoạ mi hót trong mưa Dương Thụ - Hồng Nhung
Chạy trốn - Lê Minh Sơn - Tùng Dương
 Bùi Đức Hào
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...