Thứ Hai, 23 tháng 11, 2015

Đức Khổng Tử nói về mình

Đức Khổng Tử nói về mình  
   Mùng 5 tháng 8 Âm lịch là ngày sanh của Đức Khổng Phu Tử. Năm nay nhằm ngày Thứ Năm 17 tháng 9 Dương lịch. Cuộc đời của ông Thánh nầy cũng lắm gian truân chìm nổi cũng như  cuộc đời của bao người khác, Ông mất lúc 73 tuổi, là tuổi thượng thọ lúc bấy giờ, và để lại một câu nói bất hủ thu tóm toàn bộ cuộc đời của ông như sau...
      《論語 · 為政第二》講要.
       子曰:吾,十有五,而志于學,三十而立,四十而不惑,五十而知天命,六十而耳順,七十而從心所欲,不踰矩。
      [ LUẬN NGỮ. VI CHÍNH đệ nhị ] Giảng Yếu.
      @ TỬ viết: Ngô, thập hữu ngũ, nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục, bất du củ.
 CHÚ THÍCH:
       TỬ VIẾT: là Khổng Tử Nói rằng.
       NGÔ: là Đại Danh từ Ngôi thứ Nhất: Tôi, Ta, Tao...
       NHI: là Thì, Là (Verbe Auxilière).
       VU: là Về.. cái gì đó. Ở... việc gì đó.
       LẬP: là Lập Thân, là Đứng vững được trong cuộc sống, là Thành Tài rồi. Có sự nghiệp, có công ăn việc làm rồi.
       BẤT HOẶC: là Không còn Nghi Hoặc, Ngờ Vực gì nữa. Chỉ Kiến thức đã chín chắn, ổn định.
       TRI THIÊN MỆNH: là biết được cái Mệnh Trời, An phận theo cái mình đã có, theo khả năng của mình , mà không đòi hỏi, so bì, bon chen nữa!.
       NHĨ THUẬN: là Lổ Tai Xuôi, có nghĩa là đã biết phân biệt một cách rõ ràng, nghe điều gì đó là biết ngay điều đó tốt hay xấu, thiện hay ác, đúng hay sai....
      TÒNG TÂM SỞ DỤC: TÒNG TÂM là Theo Lòng Mình. SỞ DỤC là Cái mà Mình Muốn. TÒNG TÂM SỞ DỤC là Làm những cái mà lòng mình muốn làm, có nghĩa Muốn gì thì cứ làm nấy !
       BẤT DU CỦ: DU
có bộ TÚC là Cái Chân ở bên Trái, nên Du có nghĩa là TRÈO QUA. Trong TRUYỆN KIỀU giảng tích "TƯỜNG ĐÔNG ong bướm đi về mặc ai" bằng câu "DU đông lân nhi lâu kì xứ nữ", tức là "TRÈO QUA bức tường phía đông để ôm lấy cô gái bên đó". Nhưng...
       ... trong câu nói trên DU có nghĩa là VƯỢT QUA. Còn...
       CỦ
: là Cái Khuôn dùng để kẻ Hình Vuông, là Cái Ê-Ke. Nghĩa bóng là Cái Khuôn Phép. Nên ...
       BẤT DU CỦ là: Không vượt qua cái khuôn phép đúng đắn bình thường trong cuộc sống. Sẵn nhắc lại chữ ...
       QUY
: là Dụng cụ dùng để kẻ đường tròn, là Cái COM-PA đó. Nên...
      Không có QUY thì Kẻ không Tròn, không có CỦ thì Vẽ không Vuông. Nên QUY CỦ là cái khuôn phép mà ta phải tuân theo. NỘI QUY là những điều khoản QUY ĐỊNH của một Tổ chức, Cơ quan... nào đó mà tất cả thành viên trong đó phải tuân hành. Nên câu nói của Đức Khổng Tử...
     Có thể hiểu nghĩa một cách đơn giản như thế nầy:
     Khổng Tử nói rằng: Ta, lúc 15 tuổi, thì chí ở học hành, 30 tuổi thì đã lập thân được, 40 tuổi thì không còn nghi hoặc điều gì nữa, 50 tuổi thì biết đến mạng trời, 60 tuổi thì nghe đã biết điều phải trái, 70 thì có thể làm theo những gì mà trong lòng mình muốn, vì nó không có đi quá lố ngoài khuôn phép nữa .
    Đây là câu nói của Đức Khổng Tử nói về bản thân Ngài, nhưng thường được người đời đem ví với bản thân mình, thậm chí đem... áp dụng chung cho tất cả mọi người, cho nên ta thường nghe nói...
 ... Ba chục tuổi là tuổi Lập Thân, Năm chục tuổi là tuổi Tri Thiên Mệnh... thậm chí nói Tam Thập Nhi Lập là... Đàn Ông con trai tới tuổi ba mươi là phải lấy vợ, phải lập gia đình, thì mới lập thân được, nhưng vì điều nầy cũng hợp lí và thực tế , cho nên mọi người đều noi theo. Tôi còn nhớ một câu Nho mà Ba tôi thường nói khi... ép tôi cưới vợ là:
    Nam đại bất hôn như liệt mã vô cương.
    Có nghĩa:
  Con trai lớn mà không kết hôn thì giống như con ngựa chứng (LIỆT MÃ là con ngựa xấu, ngựa chứng!) mà không có giây cương vậy (sẽ phóng càn, phóng ẩu, phóng... túng, vì không có ai kềm chế, cưới cho con vợ để có người " cằn nhằn " và xì-tóp bớt lại, thì mới TRỤ và mới làm nên sự nghiệp được!). Nên ông bà ta cứ nghĩ...
     TAM THẬP NHI LẬP là 30 tuổi thì phải Lập Gia Đình, không lập gia đình thì... Nó sẽ nổi máu "giang hồ" rồi không làm nên cơm cháo gì cả! .  Còn
  Ngũ Thập Tri Thiên Mệnh, là đến tuổi 50 nên an phận mà không còn muốn bon chen nữa, vì số trời đã định như thế rồi! Sự thật thì ở MỸ hiện nay, tuổi 50 là tuổi đã chín chắn về mọi mặt, kiến thức đã phong phú, kinh nghiệm sống dồi dào, nghề nghiệp đã vững chắc ổn định, tiềm năng về kinh tế cũng đã có cơ sở, credit đầy đủ ... chính là cái tuổi phát triển sự nghiệp tốt nhất của con người.... chớ không phải Tri Thiên Mệnh mà buông xuôi tất cả !!!. Khổng Tử chỉ muốn nói về mình, khi đến 50 tuổi thì biết được mệnh trời, tức là biết được cái hoàn cảnh xã hội chung quanh mình đang sống, biết được cái khả năng và cái tài năng của mình như thế nào, để không đòi hỏi đua đòi những điều quá đáng mà phải biết an phận với cái mà mình đang có trước mắt hợp với sở năng của mình, chớ không phải mê tín buông xuôi cho số phận! . Về ...
   TỨ THẬP NHI BẤT HOẶC: 40 tuổi thì không còn NGHI HOẶC gì nữa, Ý nói, tuổi 40 thì sự hiểu biết đã CHÍNH CHẮN, gặp chuyện gì đó đã biết và dám đưa ra quyết định theo nhận thức của mình, chớ không còn NGHI HOẶC chần chừ không biết phải quyết định như thế nào của tuổi 30 nữa! BẤT HOẶC là thế!
    LỤC THẬP NHI NHĨ THUẬN là : 60 tuổi thì tai đã xuôi, đã thông. Có nghĩa: Khi nghe điều gì đó thì đã biết ngay là điều đó đúng hay sai, phải hay không phải, nên hay không nên nghe theo, cũng có nghĩa là sự nhận xét phán đoán đã nhuần nhuyễn. Trái với NHĨ THUẬN là NHĨ NGHỊCH là Trái Tai Gai Mắt!
    THẤT THẬP NHI TÒNG TÂM SỞ DỤC, BẤT DU CỦ là: 70 tuổi thì có thể làm theo những điều gì mà mình đã nghĩ đã muốn làm, vì những điều đó không có vượt quá qua khuôn phép đâu!  Ý muốn nói, trong phép tu thân thì đến tuổi 70 đã hoàn hảo lắm rồi, có thể làm theo những gì mình muốn mà không sợ quá đáng! Đây là câu nói hướng thiện, luôn luôn theo hướng phấn đấu tốt mà vươn lên, chớ không phải câu nói TỰ HÀO là mình đã HOÀN THIỆN không còn sai sót nữa!  Và cũng không có nghĩa là hễ đến 70 tuổi là làm việc gì cũng đúng cả như người đời thường lầm tưởng!
   Vì là câu nói của ông Thánh, cho nên người đời hay lấy đó làm chuẩn mực để phân định tuổi tác của mọi người, mặc dù cái chuẩn mực đó đã bị lệch nghĩa so với Ý chính của câu nói ở lúc ban đầu, như...
    Tuổi 30 thì gọi là Tuổi NHI LẬP, và hiểu là đã đến tuổi phải Lập Gia Đình, phải Thành Gia Lập Thất, phải Cưới Vợ, phải Ổn Định Sự Nghiệp...
     Tuổi 40 thì gọi là tuổi BẤT HOẶC, và gọi thì gọi thế, nhưng rất nhiều người không hiểu Bất Hoặc là gì, chỉ nghe người ta gọi thì gọi theo mà thôi! Hoặc chỉ hiểu nghĩa lờ mờ, Bất Hoặc là không còn nghi hoặc gì nữa, mà không biết tại sao lại không còn nghi hoặc, và tại sao lại gọi thế ?!.
     Thông dụng nhất là tuổi 50, được gọi là Tuổi TRI THIÊN MỆNH, và thường hay có tâm lí an phận và buông xuôi mà không muốn phấn đấu để vươn lên nữa ! Và cũng thường dùng để tự an ủi khi thất bại hoặc trắc trở về mặt sự nghiệp trong độ tuổi nầy !.
     Sáu mươi tuổi thì gọi là Tuổi Nhĩ Thuận, NHĨ THUẬN là xuôi tai, nhưng lại nghe rất lạ tai, mà không hiểu tại sao gọi thế, cũng như...
    Tuổi 70, thì gọi là Tuổi TÒNG TÂM SỞ DỤC, BẤT DU CỦ! Rất nhiều người không hiểu câu nói nầy có nghĩa gì cả! Khác với dân gian hay gọi 70 tuổi là tuổi CỔ LAI HY, theo Ý của 2 câu thơ trong bài KHÚC GIANG của Thi Thánh ĐỖ PHỦ đời Đường là:
                      Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
                      Nhân sanh thất thập CỔ LAI HY.
                      ....nghe thi vị và hay hơn nhiều!
   Nhưng...
  Vì là câu nói của ông Thánh Khổng nên mọi người đều muốn nhái theo xem có được như... Thánh hay không? Âu cũng là việc tốt mà thôi!
  Theo tài liệu thống kê dân số đời Đường, thì tuổi thọ của con người ta lúc bấy giờ chỉ trên dưới 45 tuổi mà thôi, nên mới bảo là "Thất thập Cổ Lai HY ", chớ bây giờ thì 70 tuổi hễ ra đường là thấy liền ngay mấy cụ...
  Càng ngày tuổi thọ con người càng cao, nên ngày Lễ ÔNG BÀ càng cần thiết và càng có Ý nghĩa hơn lên!.
THU TỊCH: ĐÊM THU 
.....Thu năm nay, tôi lại đi trên con đường vắng nầy nghe từng chiếc lá rơi trên bờ cỏ, những cây liễu xanh đứng buồn như những nàng cung nữ thời xưa, và thấp thoáng trong vườn nhà ai hoa phù dung buổi sáng nở trắng như một tâm hồn con trẻ. Nắng ở đây vẫn là nắng ngày xưa và tâm hồn tôi vẫn là tâm hồn tôi năm trước...
    Đó là đoản văn của Thanh Tịnh nhớ về một buổi sáng mùa Thu, viết theo văn phong của văn học Âu Tây  đầu thế kỷ 20. Bây giờ thì ta hãy đọc bài Đêm Thu của Đỗ Mục làm ở thế kỷ thứ 10 , mang đầy đủ tính chất dân gian và truyèn thống của văn hóa Á Đông....
杜牧《秋夕》
                            THU TỊCH    Đỗ Mục
    銀燭秋光冷畫屏,         Ngân chúc thu quang lãnh họa bình
       輕羅小扇撲流螢。         Khinh la tiểu phiến phốc lưu huỳnh
       天街夜色涼如水,         Thiên giai dạ sắc lương như thủy
       臥看牽牛織女星。         Ngọa khán Khiên ngưu Chức nữ tinh .
 CHÚ THÍCH:
1. Ngân Chúc: Ngân là Bạc, ở đây là màu Bạc, màu trắng bạc. Chúc là đuốc. Hoa Chúc là Đuốc hoa, ở đây Chúc là cây Đèn Cầy, Cây Nến. Ngân chúc : là Cây Đèn sáp màu trắng bạc.
2. Họa Bình: là Bức bình phong có vẽ tranh của các nhà quyền quý thời xưa.
3. Khinh La: Khinh là nhẹ, La là Là, Lụa là, là Vải The. Khinh La: là loại vải the nhẹ để làm quạt. Trong bài "Khinh La Tiểu Phiến": Là chiếc quạt con làm bằng lụa là của các tiểu thơ xưa thường cầm trên tay.
4. Phốc: Là chụp bắt.
5. Lưu Huỳnh: Lưu là Lưu động, là xẹt. Lưu Tinh: là Sao xẹt. Huỳnh: là con Đom đóm.
6. Thiên Giai: Giai là con đường. Thiên Giai: không phải là đường ở trên trời, mà là đường trong kinh thành, trong cung vua.
7. Lương Như Thủy: là Mát như nước.
DỊCH NGHĨA:
Ánh sáng lung linh từ ngọn bạch lạp tỏa ra hòa với hơi thu làm cho tấm bình phong đẹp rực rỡ cũng nhuốm hơi lạnh lẽo, nàng phe phẩy chiếc quạt the để chụp bắt những con đom đóm đang lặp lòe bay lượn trong đêm. Đêm đang xuống trong những con đường của Kinh thành, hơi thu mát lạnh như nước trong đêm thanh vắng lặng, nàng ngữa nhìn sao trời để tìm ngắm hai sao Chức Nữ và Ngưu Lang.
DIỄN NÔM: 
                       Lung linh nến trắng bình phong lạnh,
                       Quạt lụa vờn theo đóm lượn thu.
                       Lấp lánh sao trời trong như nước,
                       Nằm xem sao Chức gặp sao Ngưu .
       Lục bát:
                       Bình phong thu lạnh se se,
                       Quạt là nến trắng lặp lòe đóm bay
                       Trời thu như nước mát thay,
                       Ngưu Lang Chức Nữ đêm nay tương phùng!
                       Đỗ Chiêu Đức. 
    Đêm thu với khí trời trong mát, với đom đóm bay lượn lặp lòe, rồi nằm mà ngắm sao Ngưu Lang Chức Nữ.... Rất bình dị và rất nên thơ! . Có ai ngờ được đây lại là một bài thơ Cung Oán!... Này nhé
 ... Ngọn bạch lạp đặt trên giá bằng bạc, bình phong có tranh họa rực rỡ, rõ ràng là cuộc sống của nhà quyền quý vương hầu, ta càng xác định hơn với từ Thiên Giai: là đường trong Kinh thành, trong Cung Vua, và ai mới rảnh rổi mà nằm ngắm sao trời?. Chỉ có những nàng cung nữ nhàn nhã, tội nghiệp trong lãnh cung mới rảnh rổi như thế mà thôi, và... một điểm tâm lý rất quan trọng nữa là, chỉ có những nàng cung nữ với tình xuân phơi phới, với nhựa sống tràn trề, mà phải giam mình trong chốn lãnh cung cô thân chiếc bóng, mới hâm mộ và ước ao được như Ngưu Lang Chức Nữ, mặc dù mỗi năm chỉ hội ngộ có một lần. Một lần, có còn hơn không!. Một số cung nhân may mắn... suốt đời mới gặp được vua một lần! Lắm cô suôt cả cuộc đời, hết cả thanh xuân, cũng chưa được nhà vua một lần triều kiến... So với Ngưu Lang Chức Nữ thì còn đắng cay chua xót hơn nhiều! Nên chi, mới ngưỡng mộ và ước ao được như Ả Chức và Chàng Ngưu, chớ còn đối với cuộc sống bình thường, thì có ai lại hâm mộ chuyện tình của Ngưu Lang Chức Nữ bao giờ ? ! ... Duy chỉ có nàng cung nữ trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều mới ...
   Mượn điều Thất Tịch mà thề bách niên  ....   mà thôi!
 "Bách niên" mà chỉ gặp nhau vào đêm "Thất Tịch" hằng năm, thì có ai ao ước mà làm gì !!!
  Phải tinh ý lắm, ta mới cảm nhận được cái "Oán" trong bài thơ nầy, vì nó quá nhẹ nhàng và bình dị. Phải chăng cái oán đeo đẳng dai dẵng miên man lâu dần nên đã hòa vào cuộc sống và được chấp nhận như một sự tự nhiên tội nghiệp! Nhưng ... nàng cung nữ của Ôn Như Hầu đã :
 ..... Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!...
 Khi ..... Cái oán đã lên đến cực điểm và trở thành bạo động!        
 Đỗ Chiêu Đức.
Xin góp vần cùng Anh Chiêu Đức 
   ĐÊM THU
(1)
Đêm thu nến chiếu lung linh mành ,
Quạt lụa xua bầy đóm liệng quanh .
Đêm mát sắc trời dường nước lạnh ,
Nằm nhìn Ngưu-Chức khóc thương mang .
              Mailoc
(2)
Nến thu soi bình phong lạnh ngắt,
Quạt lụa mềm xua bắt đóm bay.
Trời trong như nước đêm dài,
Nằm nhìn Ngưu-Chức thương thay cuộc tình.
                  Mailoc 
THƠ MỪNG VU LAN:
                  CÔNG CHA NGHĨA MẸ
                  Dạt dào tựa sóng Thái Bình,
                  Bao la lòng mẹ như tình đại dương.
                  Ngọt ngào luôn tựa suối nguồn,
                  Vi vu an ủi gió luồn bên tai.
                  Vỗ về âu yếm đêm ngày,
                  Dịu dàng tựa ánh trăng ngoài trời cao.
                  Cha thì nghiêm cẩn biết bao,
                  Những lời nghiêm huấn con nào dám sai. *
                  Làm người Hiếu Nghĩa hòa hai,
                  Kính trên Nhường dưới Thảo Ngay mới đành.
                  Lập thân chữ Tín chữ Thành,
                  Chữ Liêm chữ Sĩ chữ Danh sau cùng!
                  Lời cha ghi tạc hung trung, **
                  Tình mẹ luôn vẫn thắm trong lòng này.
                  Công cha nghĩa mẹ cao dày,
                  Sanh thành dưỡng dục mấy ai sánh bằng?
                  Kinh Thi sách có dạy rằng:
                  Hạo thiên võng cực, ví bằng trời cao.
                  Ai ai phụ mẫu cù lao ! ***
                                   Đỗ Chiêu Đức
CHÚ THÍCH:
* NGHIÊM HUẤN: Lời dạy của cha. Trong Truyện Kiều tả lúc Thúc Ông bắt Thúc Sinh phải bỏ cô Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết:
                       Thấy lời NGHIÊM HUẤN rành rành,
                       Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu ...
** HUNG TRUNG: là Trong lồng ngực, là trong cỏi lòng.
***
《詩小雅蓼莪: Bài LẠO NGA, chương TIỂU NHÃ trong KINH THI
蓼蓼者莪,匪莪伊蒿。哀哀父母,生我劬勞。...
Lạo lạo giả nga, Phi nga y cao. Ai ai phụ mẫu, sanh ngã cù lao. Có nghĩa: Cha mẹ mong ta xanh tốt như rau nga  (giống như rau ngỗ của ta ), nhưng ta lại giống như rau cao (giống như rau đắng của ta. Ý  muốn nói là không giống được như cha mẹ mong mõi). Thương thay cha mẹ ta, sanh ra ta thật là vất vả khó nhọc.
父兮生我,母兮鞠我。拊我畜我,長我育我。顧我復我,出入腹我。欲報之德,昊天罔極。
Phụ hề sanh ngã, mẫu hề cúc ngã. Phũ ngã xúc ngã, Trưởng ngã dục ngã. Cố ngã phục ngã, xuất nhập phúc ngã. Dục báo chi đức, hạo thiên võng cực. Có nghĩa:

Cha sanh ra ta, mẹ thì mang nặng ta, vuốt ve ta nâng niu ta, nuôi ta khôn lớn. Chăm sóc chiếu cố ta, ra vào bồng ẵm ta. Muốn báo cái ơn đức đó của cha mẹ. thì như trời cao lồng lộng vô cùng tận. (Ý chỉ không báo nổi ơn của cha mẹ đâu).
 Đỗ Chiêu Đức
Theo http://www.ptgdtd.com/

                      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...