Độc đáo Lễ hội “Cúng rừng” của người Mông, Lào Cai
Lễ cúng rừng của người Mông thường được tổ chức vào đầu năm.
Cũng như nhiều dân tộc khác, dân tộc Mông nói chung và người
Mông Lào Cai nói riêng có một nền văn hóa phong phú đa dạng, được thể hiện
thông qua các lễ hội. Trong số đó, độc đáo và đặc sắc nhất phải kể đến “Lễ hội
cúng rừng” của người Mông xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai.
Được tổ chức vào ngày 06/6 Âm lịch hàng năm, Lễ hội cúng rừng
có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông xã Sín
Chéng. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất, độc đáo và quan trọng nhất trong
năm đối với người Mông nơi đây.
Theo các già làng nơi đây kể lại: lễ hội cúng rừng đã có từ
lâu đời và được gắn liền với triết lý đa thần của cư dân nông nghiệp. Trong đời
sống tâm linh của người Mông luôn tồn tại những truyền thuyết cổ xưa, những câu
chuyện huyền bí kể về sự linh thiêng của những khu rừng cấm, rừng thiêng. Họ luôn
tin rằng trong rừng có “Thần rừng” cai quản và che chở phù hộ cho dân làng
trong cuộc sống hàng ngày, vì vậy, Thần rừng được tôn thờ, sùng kính như đối với
ông bà tổ tiên. Tín ngưỡng thờ “Thần rừng” của người Mông như một sợi dây tâm
linh được truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác. Vì thế hiện nay thôn nào của
xã Sín Chéng cũng có một khu rừng cấm nằm ở địa thế đẹp nhất của thôn, với những
qui định “bất khả xâm phạm”.
Linh thiêng lễ hội cúng rừng
Lễ vật để cúng rừng gồm: 1 con gà trống, 1 con lợn nhỏ, 4
chén rượu, 1 ít mẻ, 1 ít cơm tẻ, hương và giấy bản. Các lễ vật này được bầy
trên một chiếc bàn được làm bằng tre hoặc vầu. Thầy mo tiến hành nghi lễ cúng
“Thần rừng” qua hai lần cúng, cúng khi con vật còn sống và sau khi đã chế biến
chín. Thức ăn chín được đặt trên lá chuối hoặc lá khoai mon rừng và để lên bàn
cúng, cùng với 4 chén rượu và một ít mẻ để vào 2 chiếc lá khoai. Mỗi lần cúng đều
có bài cúng riêng và tương ứng với một thời gian nhất định trong buổi lễ. Trước
khi con vật được đem đi chế biến để cúng lần thứ hai, thầy cúng sẽ cắt tiết gà
rồi lấy lông nhúng vào bát tiết dán lên gốc cây cổ thụ, báo với “Thần rừng” là
dân làng đang dâng lễ vật lên “Thần rừng”, có như vậy mới linh nghiệm và “Thần
rừng” mới chấp nhận.
Điều đặc biệt của lễ hội cúng rừng của người Mông nơi đây là:
ngoài việc cúng “Thần rừng”, đây còn là dịp được xem như một cuộc họp tổng kết
năm của thôn trong công tác bảo vệ rừng, cuộc họp tổng kết này có sự tham gia của
tất cả các chủ hộ trong thôn, cán bộ lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền xã và cán bộ
kiểm lâm. Việc thực hiện các qui ước, hương ước về bảo vệ rừng, tình hình phát
triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, an ninh trật tự thôn bản, các khoản đóng
góp, các khoản được Nhà nước hỗ trợ… đều được đem ra bàn bạc công khai.
Thầy mo làm lễ cúng.
Sau phần lễ, bà con dân bản tập trung ở khu đất trống ở cửa rừng
để nghe cán bộ thôn, cán bộ xã triển khai các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch
phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, vận động nhân dân đoàn kết giúp đỡ nhau
trong lúc hoạn nạn khó khăn, các hộ dân trong thôn không được thả rông gia súc
phá hoại hoa màu, không vi phạm các quy ước, hương ước thôn bản, đặc biệt là
quy ước về bảo vệ và phát triển rừng.
Lễ hội cúng rừng của người Mông nói chung và người Mông xã
Sín Chéng nói riêng còn có một ý nghĩa khác là cầu mong cho một năm mưa thuận
gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, con cháu khỏe mạnh, cuộc sống no ấm,
yên vui.
Ngoài ý nghĩa tâm linh lễ hội cúng rừng còn có vai trò, tác dụng
to lớn trong việc gắn kết cộng đồng các dân tộc, gắn con người với thiên nhiên,
vì vậy đã trải qua nhiều thế hệ, xong lễ hội cúng thần rừng của người Mông vẫn
còn nguyên giá trị và được lưu truyền từ đời nay sang đời khác.
Lễ cúng họ của người Mông là một nét văn hóa
truyền thống đặc
sắc mang tính gắn kết cộng đồng, dòng họ.
Lễ cúng họ của người Mông ở Yên Bái
TH-Cinet-DTV
Lễ cúng họ là một nghi lễ hết sức đặc sắc và độc đáo của người
Mông Si Suối Giàng (Yên Bái).
Trong các sinh hoạt tín ngưỡng của người Mông Si ở xã Suối
Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái), lễ cúng họ thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ
lẫn nhau giữa những người cùng huyết thống.
Lễ được tổ chức thường xuyên hàng năm, tùy thuộc vào mỗi dòng
họ và những điều kiêng kị mà mỗi dòng họ có những ngày tổ chức khác nhau. Địa
điểm tổ chức được thay đổi theo từng năm, mỗi gia đình trong dòng họ sẽ đứng ra
tổ chức nghi lễ một lần theo chu kỳ tuần tự từ nhà này sang nhà khác.
Theo quan niệm của người Mông nơi đây, việc tổ chức lễ cúng họ
luân phiên để mỗi nhà, mỗi gia đình có điều kiện thể hiện tấm lòng thành đối với
tổ tiên, thần linh. Đến lượt nhà nào được vinh dự tổ chức nghi lễ cho cả dòng họ
thì gia đình đó phải tự lo liệu toàn bộ mọi chi phí của buổi lễ từ vật, đồ dâng
cúng và thực phẩm thết đãi cả dòng họ trong ngày hôm đó.
Lễ vật chính trong lễ cúng là thịt lợn. Gia chủ sẽ phải chuẩn
bị một con lợn từ 50 – 70 kg gọi là lợn Zù xu để tổ chức nghi lễ cúng. Ngoài việc
dùng làm lễ vật, lợn Zù xu còn dùng làm thực phẩm trong ngày lễ, một phần trả
công cho thầy cúng và những người giúp việc…
Để trang hoàng cho lễ cúng, gia chủ chôn chính giữa ngôi nhà
một ngọn của cây Zàng. Cành chè của các gia đình trong dòng họ sẽ được treo lên
trên thân cây Zàng. Đồng bào quan niệm, cây Zàng cùng với cây chè vè có tác dụng
trừ ma, do vậy các gia đình đều buộc chung các cành chè vè cùng cây Zàng sẽ tạo
ra sức mạnh tổng hợp xua tan mọi điều xấu xa.
Lễ cúng được tổ chức tại hai nơi. Đầu tiên, thầy cúng với
trang phục truyền thống cầm hương cúng khấn trước cây Zàng đại ý cầu xin thần
linh phù hộ cho dòng họ một năm được mưa thuận gió hòa, gặp nhiều điều may mắn,
tránh được tai ương…
Lễ cúng họ cầu xin thần linh phù hộ cho dòng họ một năm được
mưa thuận gió hòa, gặp nhiều điều may mắn, tránh được tai ương…
Lễ cúng tiếp theo được tiến hành sau khi kết thúc lễ cúng ở
trong nhà, thầy cúng nhổ cây Zàng mang ra cửa chính, đi vòng ra phía sau nhà
theo hướng tay phải, làm nghi thức xua đuổi tà ma cho cả dòng họ. Tất cả anh
em, con cháu đều đi theo sau thầy cúng ra phía sau nhà. Thầy cúng phụ mang theo
một con dao và một cây nỏ, tất cả các dụng cụ sử dụng trong lễ cúng đều dùng
cho nghi thức đuổi ma trừ tà. Cây Zàng sau đó lại được chôn vào chính giữa ngôi
nhà, thầy cúng lại tiếp tục cúng cầu xin thần linh bảo vệ cho dòng họ thoát hẳn
khỏi sự quấy phá của ma tà.
Kết thúc lễ cúng, thầy cúng dùng con dao chặt đôi bó chè vè
và cho anh em, con cháu mang đi vứt thật xa ngôi nhà của gia chủ với quan niệm
vứt bỏ đi những điều không may mắn. Do vậy, người dân tin rằng, ai càng đi xa
thì người đó và gia đình của họ sẽ càng may mắn hơn. Cùng đó, thầy cúng phụ
dùng cây nỏ bắn lên trời 3 mũi tên để xua đuổi tà ma về làm hại các gia đình
cho dù ở dưới đất hay trên không trung.
Các nghi lễ hoàn thành, mọi thành viên trong gia tộc quây quần
ăn uống, trò chuyện. Sau lễ cúng Zù xu là các trò chơi dân gian như đánh quay,
đẩy gậy, bắn nỏ, ném pao… thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, dòng họ.
Khi kết thúc mọi nghi lễ, tất cả dòng họ quây quần vui vẻ bên mâm rượu, ôn lại
truyền thống dòng họ, ông trưởng họ nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến công ơn tổ
tiên, ông bà và quy ước của dòng họ.
Zù xu – lễ cúng họ của người Mông nơi vùng cao Mù Cang Chải là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc mang tính gắn kết cộng đồng, dòng họ, khuyên dạy con người nên sống thiện, sống có ích, tạo nên một cộng đồng tốt đẹp cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.
Zù xu – lễ cúng họ của người Mông nơi vùng cao Mù Cang Chải là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc mang tính gắn kết cộng đồng, dòng họ, khuyên dạy con người nên sống thiện, sống có ích, tạo nên một cộng đồng tốt đẹp cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.
Chọi bò – dân tộc H’Mông.
Hội chọi bò truyền thống của người Mông, Đắk Lắk
Cinet-DTV
Chọi bò là thú chơi không thể thiếu trong đời sống tinh thần
của đồng bào Mông huyện Krông Bông (Đắc Lắk), nó đã trở thành nét văn hóa đặc sắc
trong những ngày đầu xuân của bà con dân tộc nơi đây.
Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, công việc đồng áng đã tạm xong,
người Mông ở các thôn trên địa bàn huyện Krông Bông lại nô nức chuẩn bị lễ hội
xuân. Lễ hội xuân thường diễn ra từ ngày mùng 2 và kéo dài đến mùng 6 tết
Nguyên đán, với nhiều nội dung phong phú như: múa khèn, hát dân ca, thổi ví lè,
thổi lá, ném còn, chọi cù… nhưng độc đáo nhất vẫn là hội chọi bò.
Theo lời kể của bà con nơi đây: hội chọi bò thể hiện cho sức
mạnh, sự dẻo dai, đoàn kết, phát triển của đồng bào Mông; được hình thành từ thập
niên hai mươi của thế kỷ trước và được lưu truyền đến ngày nay. Trước đây, khi
còn ở quê hương cũ, điều kiện kinh tế chưa phát triển, giao thông đi lại khó
khăn, hội chọi bò thường được tổ chức vào dịp Tết cổ truyền của người Mông (khoảng
đầu tháng 12 dương lịch), với quy mô nhỏ trong bản để tạo không khí vui tươi
ngày tết. Những năm gần đây, lễ hội này được tổ chức vào dịp tết Nguyên đán,
song song với các hoạt động vui xuân khác với quy mô tổ chức mở rộng hơn, có sự
tham gia của nhiều thôn, nhiều xã.
Bò mộng khỏe, sừng nhọn, tai to, vó cao…
sẽ được tuyển chọn để
thi đấu.
Để có được những con bò tốt tham gia hội chọi bò, nhiều gia
đình đã cất công đi các nơi chọn mua. Những con bò được chọn phải có thân mình
thon chắc, chân cân đối, trán sần sùi và quan trọng nhất là cặp sừng to, dài,
cong vừa và nhọn về nuôi. Nuôi bò chọi đòi hỏi nhiều công phu: thức ăn phải chọn
loại cỏ thật tốt và non, ngoài ra còn phải cho ăn thêm các loại thức ăn khô,
nhiều tinh bột như ngô, sắn. Bò chọi được nuôi nhốt và không được giao phối với
bò cái, khoảng 2 tháng lại cho bò chọi thử một lần để rèn luyện kỹ thuật chọi.
Trước khi diễn ra lễ hội, công tác bảo đảm an toàn cho người
xem luôn được chú trọng. Bãi chọi thường được chọn là nơi đất trống, thấp,
trũng, có cỏ dày càng tốt. Đến ngày hội, hàng ngàn người dân, du khách thuộc
các dân tộc Mông, Mường,Tày trong những bộ trang phục truyền thống sặc sỡ màu sắc…
ùn ùn đổ về trung tâm hội thi để xem các chú bò tranh tài.
Các dân tộc Mông, Mường,Tày… trong những bộ trang phục truyền
thống sặc sỡ màu sắc…về xem hội thi.
Các cặp bò bốc thăm thi đấu, những con thắng ở vòng loại được
chọn vào vòng chung kết; ở vòng chung kết cũng tiến hành bốc thăm chia bảng, từng
cặp bò thi đấu loại trực tiếp. Bốn con bò chiến thắng cuối cùng sẽ vào bán kết
và chung kết để chọn danh hiệu Nhất, Nhì, Ba. Phần thưởng cho những con thắng
cuộc chính là sự cổ vũ nhiệt tình của người xem.
Hội chọi bò của đồng bào Mông nơi đây xem như một ngày hội của
dân làng, không những ở trong xã mà bà con lân cận khắp nơi từ già đến trẻ dù
mưa hay nắng, đi lại khó khăn cũng đến tận mắt chứng kiến.
Khác với lễ hội chọi trâu khi trâu thắng cuộc sẽ bị giết để tế
thần linh, còn trong hội chọi bò, những chú bò thắng cuộc sẽ không bị giết thịt
mà được gia chủ, người dân trong bản hết sức yêu thương, coi đó là một sự may mắn
mang đến nhiều tài lộc cho dân bản trong năm mới.
Ngôi nhà truyền thống của người Mông.
Ngôi nhà truyền thống – Nét kiến trúc
độc đáo của người Mông,
Hà Giang
TQ-DTV
Hà Giang là mảnh đất hội tụ của đa dạng nền văn hoá. Đó là mảnh
đất của 22 tộc người cư trú và mỗi dân tộc mang đến cho nơi đây một nét văn hoá
độc đáo riêng. Trong số đó đặc sắc nhất phải kể đến văn hóa người Mông. Nhắc đến
văn hóa người Mông là nói đến kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà truyền thống.
Với môi trường sống ở trên các sườn núi cao, khí hậu lạnh khắc
nghiệt, đã ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc nhà ở của người Mông nơi đây. Từ
quan niệm sống, môi trường đã hình thành nên nét độc đáo trong văn hóa kiến
trúc của ngôi nhà trình, tường bằng đất, lợp ngói hay tranh là phù hợp nhất, với
ưu điểm vừa giữ ấm về mùa đông, mát mẻ trong mùa hè và lại có thể chống được kẻ
gian, thú dữ…
Đồng bào dân tộc Mông rất chú trọng việc chọn đất làm nhà.
Sau khi chọn được đất tốt, đất lành, người ta tiến hành san nền, kê móng, trình
tường nhà. Công việc trình tường nhà được bà con dân tộc Mông tiến hành khá
công phu với một số quy định như người lạ không được vào khu vực nhà đang trình
tường, nhất là phụ nữ. Để trình tường nhà, bà con phải làm những chiếc khuôn gỗ
có chiều dài 1,5 m, rộng 0,45 m – 0,5 m. Khi trình tường, người ta đổ đất đầy
khuôn gỗ, dùng những chiếc vồ nền chặt đất. Đất dùng để trình tường phải được
loại bỏ sạch rễ cây, đá to, cỏ rác. Khi tiến hành trình tường, người ta huy động
vài chục thanh niên trai tráng trong làng đến giúp; cứ như vậy khuôn nọ nối tiếp
khuôn kia cho đến khi hoàn thành. Sau khi trình tường xong, gia chủ sẽ tiến
hành chọn ngày tốt, hợp với tuổi chủ nhà mới được vào rừng chặt hạ cây cột cái,
cây đòn nóc.
Kiến trúc ngôi nhà của người Mông tương đối thống nhất theo một
khuôn mẫu, dù to hay nhỏ đều phải có 3 gian 2 cửa (gồm một cửa chính, một cửa
phụ và tối thiểu là 2 cửa sổ). Ngôi nhà có thể có một hoặc 2 chái nhà, nhưng đều
không liên quan trực tiếp đến 3 gian nhà chính. Ba gian nhà chính của người
Mông được sắp xếp như sau: Gian bên trái dùng để đặt bếp nấu nướng và buồng ngủ
của vợ chồng gia chủ; gian bên phải dùng để đặt bếp sưởi và giường khách; gian
giữa thường rộng hơn 2 gian bên và là gian để bàn thờ tổ tiên, đồng thời cũng
là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Phòng ngủ của vợ chồng, con cái được bố
trí riêng. Người Mông thường ngủ bằng phản gỗ hoặc giát bằng tre mai đập giập.
Nhà Trình tường của người Mông.
Cửa chính nhà của ngưòi Mông cũng phải tìm gỗ tốt để làm, nếu
là tre nứa thì phải là thân trúc hoặc mai già. Cửa bao giờ cũng mở vào trong chứ
không mở ra ngoài. Người Mông không sử dụng bản lề, then chốt bằng sắt mà hoàn
toàn bằng gỗ, bởi người Mông coi cửa mở ra đóng vào là lòng bụng con người,
trong khi đó bản lề sắt thép là những vật cứng được ví như dao kiếm. Ngoài cửa
chính, nhà của người Mông còn có cửa phụ, là lối để đưa đồ dùng cho người chết
vào nhà lúc tang ma. Chỉ khi đưa ra nghĩa địa mới đi qua cửa chính.
Một nét độc đáo nữa trong cấu trúc nhà truyền thống của người
Mông là tất cả các ngôi nhà thường được xếp đá xung quanh vô cùng chắc chắn. Để
có được hàng rào đá hoàn chỉnh bao quanh ngôi nhà và mảnh đất rộng chừng 200 –
300 m2, gia chủ cùng với người thân phải mất hàng tháng trời nhặt những mảnh đá
vỡ quanh nhà về xếp thành hàng rào đá. Những viên đá có kích cỡ khác nhau với
nhiều góc cạnh được xếp lèn vào nhau, tạo nên bức tường bao kiên cố, phẳng mà
không cần sử dụng chất kết dính nào. Chiếc cổng gỗ có mái và dán giấy đỏ xen giữa
bờ rào đá trước nhà, được người Mông trang điểm tạo nên vẻ ấm cúng giữa cái lạnh
mùa đông ở Cao nguyên đá.
Cùng với việc làm nhà mới là làm chuồng gia súc. Chuồng gia
súc được làm chếch với cửa chính, tuỳ thuộc vào hướng gió. Để làm chuồng gia
súc, người ta cũng phải xem tuổi gia chủ, tính ngày tháng rồi mới làm. Người
Mông rất yêu quý gia súc, có khi còn làm chuồng gia súc tốt hơn làm nhà ở. Khi
làm chuồng gia súc người HMông đều thắp hương cúng ma chuồng, ma trại phù hộ
cho gia súc hay ăn chóng lớn, dễ nuôi.
Trải qua hàng thế kỷ, người Mông Hà Giang ngày nay vẫn không
ngừng sáng tạo để cải tiến ngôi nhà truyền thống của mình cho phù hợp với điều
kiện tự nhiên, cũng như trong sinh hoạt, lao động sản xuất mà vẫn không quên
gìn giữ những nét đặc trưng truyền thống của dân tộc.
Trang phục dân tộc H’Mông.
Trang phục dân tộc H’Mông
Trang phục dân tộc H’Mông chủ yếu may bằng vải lanh tự dệt. Đậm
đà tính cách tộc người trong tạo hình và trang trí với kỹ thuật đa dạng.
Trang phục nam Hmông độc đáo khác nhiều tộc người trong khu vực;
trang phục nữ khó lẫn lộn với các tộc khác bởi phong cách tạo dáng và trang trí
công phu, kết hợp kỹ thuật nhuộm, vẽ sáp ong, thêu, ghéo, dệt hoa văn với kiểu
váy rộng và đẹp
Trang phục nữ Người H’Mông có nhiều nhóm khác nhau, trang phục
nữ các nhóm cũng có sự khác biệt. Tuy nhiên nhìn chung có thể thấy phụ nữ Hmông
thường mặc áo bốn thân, xẻ ngực không cài nút, gấu áo không khâu hoặc cho vào
trong váy. Ôống tay áo thường trang trí hoa văn những đường vằn ngang từ nách đến
cửa tay, đường viền cổ và nẹp hai thân trước được trang trí viền vải khác màu
(thường là đỏ và hoa văn trên nền chàm).
Phụ nữ Hmông còn dùng loại áo xẻ nách phải trang trí cổ, hai
vai xuống ngực giữa và cửa ống tay áo. Phía sau gáy thường được đính miệng và
trang trí hoa văn dày đặc bằng chỉ ngũ sắc. Váy phụ nữ Hmông là loại váy kín,
nhiều nếp gấp, rộng, khi xòe ra có hình tròn. Váy là một tiêu chuẩn nhiều người
đã dựa vào để phân biệt các nhóm Hmông (Hóa, Xanh, Trắng, Đen… ).
Đó là các loại váy trắng, váy đen, váy in hoa, vẽ sáp ong kết
hợp thêu. Váy được mang trên người với chiếc thắt lưng vải được thêu trang trí ở
đoạn giữa. Khi mặc váy thường mang theo tạp dề.
Tạp dề mang trước bụng phủ xuống chân là giao thoa giữa miếng
vải hình tam giác và chữ nhật; phần trang trí hoa văn là miếng vải hình tam
giác cân phía trên, miếng hình chữ nhật là màu chàm đen, kích thước tùy từng bộ
phận người Hmông.
Trang phục Nữ người H’Mông.
Phụ nữ thường để tóc dài quấn quanh đầu, có một số nhóm đội
khăn quấn thành khối cao trên đầu. Đồ trang sức bao gồm khuyên tai, vòng cổ,
vòng tay, vòng chân, nhẫn.
Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông gồm áo xẻ ngực, váy,
tấm vải che phía trước váy, thắt lưng và xà cạp.
Áo của người phụ nữ (tiếng Mông là so) có cổ phía trước hình
chữ V, được nẹp thêm vải màu tuỳ thích; phía sau là một bức thêu hình chữ nhật
được trang trí hoa văn rất hài hòa, trang nhã và gắn đồng bạc, tạo âm thanh vui
nhộn cho bộ trang phục. Hai ống tay áo thường được thêu hoa văn là những đường
vằn ngang với đủ màu sắc từ nách đến cửa tay. Đây là nơi hoa văn tập trung nhiều
nhất làm nổi bật chiếc áo của người Mông.
Váy phụ nữ Mông (gọi là Ta) là loại váy mở, có nhiều nếp gấp,
rộng, khi xòe ra mềm mại như cánh hoa. Phần cạp váy được khâu xếp lại cho vừa một
vòng bụng và có hai dây để buộc. Trên nền váy chàm, hoa văn được thêu, in và
ghép từng tấm thật ấn tượng và độc đáo. Phần thêu hoa văn được thực hiện ở nửa
dưới của váy.
Hoa văn (tiếng Mông gọi là pàng tau) trong trang phục của người
Mông hoa chủ yếu là hoa văn hình học như hình chữ nhật, hình vuông, hình thoi,
hình xoáy ốc và thỉnh thoảng có những mô típ hoa văn chưa xác định được như thế
này. Những mô típ hoa văn được hình thành trên cơ sở sợi ngang của kỹ thuật dệt
trên khung cửi và sau này được lặp lại trong kỹ thuật thêu. Màu sắc chủ đạo được
thêu trên váy là màu xanh, đỏ, đen, vàng.
Nói đến trang phuc dan toc của phụ nữ Mông không thể thiếu được
“lăng” là chiếc thắt lưng. Trong bộ trang phục của phụ nữ Mông còn có “xế” (tấm
vải che trước váy) và “khử lau” (xà cạp quấn chân). Đồng bào Mông quan niệm,
đeo “xế” và quấn xà cạp là thể hiện sự ý tứ và kín đáo của người phụ nữ. Phụ nữ
Mông thường để tóc dài và quấn vòng quanh đầu rồi đội khăn, tạo nên một sắc
thái độc đáo riêng khó nhầm lẫn với các dân tộc khác.
Trang phục Nam người H’Mông.
Trang phục nam người H’Mông thường mặc áo cánh ngắn ngang hoặc
dưới thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng. Aáo nam có hai loại: năm thân và bốn
thân. Loại bốn thân xẻ ngực, hai túi trên, hai túi dưới. Loại năm thân xẻ nách
phải dài quá mông. Loại bốn thân thường không trang trí loại năm thân được
trang trí những đường vằn ngang trên ống tay. Quần nam giới là loại chân què ống
rất rộng so với các tộc trong khu vực. Đầu thường chít khăn, có nhóm đội mũ
xung quanh có đính những hình tròn bạc chạm khắc hoa văn, có khi mang vòng bạc
cổ, có khi không mang.
Không rực rỡ sắc màu, không nổi bật như trang phục phụ nữ,
trang phục của con trai người Mông rất độc đáo và riêng có, không bị lẫn lộn với
bất cứ dân tộc nào trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Con trai dân tộc Mông mặc quần màu đen, ống rất rộng để có thể
leo đồi, núi và múa khèn dễ dàng. Trong trang phục của nam giới người Mông còn
có chiếc thắt lưng (còn gọi là lăng dua la) với nhiều ý nghĩa khác nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét