Thứ Năm, 3 tháng 12, 2015

Thanh âm của núi

Thanh âm của núi
Hà Phong
Bài “Tiếng Sáo Xa Lá”, dân ca Mèo.
Vẻ đẹp của màu sắc được cảm nhận bằng mắt, vẻ đẹp của âm thanh cảm nhận bằng tai. U u tiếng gió, rào rào tiếng mưa, trầm hùng tiếng thác đổ… Lời của Khèn ngân rung cõi lòng, dẫn dắt người nghe ngược thời gian về với thuở hồng hoang, kỳ vĩ. Dòng chảy văn hóa của người Mông vẫn ngàn năm mãnh liệt, dù được cất lên lãng đãng trôi trong bình minh sớm, hay thảnh thơi phiêu du dưới ánh chiều tà, đều làm cho người nghe rung cảm, phút chốc muốn hóa thành thi sĩ.
Trong cuộc đời, ai đã một lần lên Tây Bắc để được nghe tiếng Khèn Mông (H’Mông). Để nhớ, để thương, để vấn vương tơ lòng… Âm thanh cây Khèn truyền bảo của người Mông có thể làm đắm say cả những du khách khó tính nhất. Với người Mông, tiếng Khèn là sợi dây tâm linh nối người sống và người đã khuất, là “cây cầu” bắc lời tỏ tình đôi lứa, là những câu chuyện cổ được kể bằng âm thanh.
Đến buổi chợ phiên, Khèn trên vai song hành cùng người xuống chợ, để rồi khi hương rượu ngô nồng mùi men lá mềm môi, Khèn cùng người bắt đầu tấu lên những giai điệu hoang dã, nguyên khôi mà say đắm của núi, của rừng.
Múa khèn. (ảnh Ngô Dư)
Khèn Mông được chế tác bằng gỗ cùng sáu ống trúc lớn, nhỏ, dài, ngắn khác nhau. Sáu ống trúc tượng trưng cho tình anh em tụ hợp. Chúng được xếp khéo léo, song song trên thân Khèn. Nhìn và tưởng tượng thêm một chút thấy chúng như dòng nước đang trôi. Dòng nước đó chở thứ âm thanh huyền diệu, chảy mãi từ nguồn lịch sử cho đến tận bến bờ hiện tại.
Được sinh ra và lớn lên giữa chốn núi rừng nên Khèn đối với tôi không lạ, vậy mà mỗi khi nghe những thanh âm dìu dặt của Khèn, tôi như mụ mị, thả mặc tâm hồn mình lang thang theo tiếng Khèn. Mười lần như một, đeo đẳng trong tôi cảm giác tiếng Khèn như sợi tơ lóng lánh dưới ánh sáng của mặt trời.
Tôi đã từng được ngồi nghe cụ già người Mông kể lại: Ngày xưa, tổ tiên người Mông giỏi lắm, rất nhiều chàng trai vừa biết thổi khèn, vừa múa trên những chiếc cọc dựng sát gần nhau. Ở phía dưới dân làng đốt những đống lửa, ai không khéo, không giỏi, rơi xuống sẽ bị bỏng. Những chàng trai giỏi nhất luôn là mơ ước để các cô gái chọn lấy làm chồng.
Tiếng khèn bản xa. (ảnh Hà Trường)
Những nghệ nhân dân gian thời đó chẳng khác gì võ sư đã đạt đến tuyệt đỉnh Kung fu. Cũng đã có lần tôi thử thổi Khèn, nhưng chỉ bật được ra những âm thanh yếu ớt. Thế mới biết để thổi được Khèn, người ta phải có một làn hơi thật khỏe. Vậy mà đàn ông người Mông đều có thể thổi Khèn một cách nhẹ nhàng, thanh thoát. Phải chăng khí núi đã hun đúc, tạo nên hai lá phổi khỏe mạnh dành tặng cho người Mông?
Xưa, dân tộc Mông vốn sống du cư. Lịch sử trên những nẻo đường thiên lý không ít mồ hôi và nước mắt. Và Khèn chính là người bạn làm vui bên kiếp đời lang bạt. Từng có thời kỳ, số phận người Mông trầm luân giữa bờ mê lú của loài hoa anh túc. Vậy mà tiếng Khèn vẫn không tắt, nó âm ỉ, trường tồn để trở thành báu vật truyền lại cho các thế hệ sau, trở thành một phần văn hóa không thể thiếu của người Mông.
Tiếng Khèn ngấm sâu vào máu thịt người Mông, thân quen như miếng “mèn mén” (bột ngô đồng) mẹ mớm từ lúc mới biết ăn dặm. Con trai 13 tuổi đã có cây Khèn trên vai mỗi khi lên nương, xuống chợ. Âm thanh của Khèn mạnh mẽ như chính cuộc sống người Mông, bởi nếu không kiên cường mạnh mẽ, người Mông xưa kia chắc khó lòng đương đầu nổi với sự khắc nghiệt nơi núi cao, đá dựng.
Cuộc sống người Mông, bước chân ra khỏi cửa là chạm núi, chạm mây, mặt đất lúc nào cũng như nghiêng nghiêng sẵn sàng thử thách. Người và trâu cày nương mà như làm xiếc, chân duỗi, chân quỳ men theo sườn dốc, lưỡi cày len lỏi trong đá, moi lên từng chút đất một. Cây ngô lớn lên từ đất, từ đá được tưới đẫm bởi mồ hôi người Mông, cây nào cũng cứng cáp. Người Mông hầu như gắn số phận mình với rừng, đôi chân quấn xà – cạp tung hoành, tạo nên lối mòn, đến tận cả những đỉnh núi cao, hoang vu nhất. Người Mông bảo: “Không có một ngọn núi nào cao bằng đầu gối”. Tự tin và kiêu hãnh đến thế là cùng.
Yên bình trong thanh âm của núi.
Đã có lần, tôi bắt gặp những nghệ nhân dân gian thổi Khèn nơi đỉnh núi mênh mang lộng gió, tóc bị thổi ngược ra phía sau, bước chân tưng bừng trên bãi cỏ. Hình bóng họ in trên nền trời xanh, hệt một tuyệt tác của thiên nhiên. Núi vút ngàn cao, rừng bao la rộng cũng chẳng thể làm chìm khuất đi tiếng Khèn đầy khát khao, dạt dào sức sống. Khoảnh khắc xuất thần và đáng nhớ ấy trong đời không phải lúc nào cũng dễ gặp.
Và cứ muốn nghe mãi, để được bâng khuâng, mơ màng, hư hư, thực thực trong cõi âm thanh. Nhưng cũng dường như, chỉ có vẻ đẹp yên bình, bát ngát của đất trời mới giúp cho tiếng Khèn mang một ma lực, một mãnh lực vang vọng và nồng nàn đến vậy…”Khắc đi, khắc đến”, câu nói cửa miệng của người Mông giống như lời mời khám phá, hãy mạnh dạn bước chân trên con đường, đến với thanh âm của núi. Đến với tiếng Khèn một ngày, để nhớ tiếng Khèn một đời.
Nét văn hóa độc đáo trong Nghi lễ 
“Sâu khấu” của người Mông, Yên Bái
TH-Cinet-DTV
“Sâu khấu” là Nghi lễ cúng cho cả dòng họ của người Mông xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải, Yên Bái), mang ý nghĩa cầu một năm mới bình an, hạnh phúc, thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người cùng huyết thống.
Cũng như cộng đồng người Mông sống ở miền núi phía bắc, người Mông xã Chế Cu Nha có đời sống văn hoá tín ngưỡng khá phong phú, sự đa dạng ở đây được thể hiện trong từng dòng họ, từng gia đình qua cách thờ cúng, kiêng kỵ và quan niệm khác nhau về thế giới tâm linh. Người Mông rất coi trọng dòng họ bao gồm những người có chung tổ tiên. Vì thế hàng năm bà con đều tổ chức Nghi lễ “Sâu khấu”.
Nghi lễ “Sâu khấu” được tổ chức vào dịp cuối năm, thường diễn ra vào buổi tối, tùy thuộc vào mỗi dòng họ và những điều kiêng kị mà mỗi dòng họ có những ngày tổ chức khác nhau. Địa điểm tổ chức được thay đổi theo từng năm, mỗi gia đình trong dòng họ sẽ đứng ra tổ chức nghi lễ một lần theo chu kỳ tuần tự từ nhà này sang nhà khác.
Theo quan niệm của người Mông, việc tổ chức lễ cúng luân phiên để mỗi nhà, mỗi gia đình có điều kiện thể hiện tấm lòng thành đối với tổ tiên, thần linh. Trước khi diễn ra nghi lễ này, gia chủ tổ chức lễ cúng có trách nhiệm thông báo trước với mọi người trong dòng họ để cùng bàn bạc, phân công, thống nhất về thời gian, địa điểm và kinh phí tổ chức nghi lễ.
Lễ vật chính trong lễ cúng là thịt lợn; gà trống 2 con để làm lễ chính đã được luộc chín, 1 con gà trống còn sống để khi thực hiện nghi lễ; giấy dó được gấp và dán quanh nơi thờ cúng, thể hiện các linh vật trong nghi lễ; chỉ 3 màu gồm: đỏ, vàng và trắng; các ống tre cùng một số lễ vật, biểu tượng khác.
Người Mông, Yên Bái.
Khi mọi việc đã chuẩn bị xong, mâm lễ cúng đã sắp đầy đủ, những người trong dòng họ tề tụ đông đủ cùng tham gia làm lễ cúng. Mọi người lấy tất cả số chỉ ba màu bện chặt vào nhau và nối thành sợi dây dài, những tập giấy đó cắt thành khuôn và gập, sắp xếp theo nghi lễ, tượng trưng cho những linh vật mà người Mông quan niệm để thờ cúng cho may mắn trong năm. Trưởng dòng họ (thầy cúng) với trang phục truyền thống đầu đội mũ làm bằng giấy bìa màu trắng, tay cầm thanh la, sau đó ngồi và bắt đầu làm lễ.
Thầy cúng cầm bó hương khấn cầu các hương hồn của thần núi, thần sông phù hộ cho dòng họ một năm mới mưa thuận gió hòa, gặp nhiều điều may mắn, tránh được tai ương… gọi các vật nuôi như gia súc, gia cầm về chuồng trại, xua đuổi những gì không may mắn của năm cũ, mọi thành viên trong dòng họ quỳ gối chắp tay lạy ba lạy khi có yêu cầu của thầy cúng. Trong quá trình làm lễ, một người đàn ông trong dòng họ được phân công phụ giúp thầy cúng, cầm 2 chân con gà trống, sau đó làm động tác đưa lên đưa xuống tạo hai cánh gà thành hai cánh quạt, quạt vào những tấm giấy dó, nếu những mảnh giấy bay đi thì là điềm lành cho năm tới, nếu những mảnh giấy dó không bay có nghĩa là năm mới sẽ không gặp may mắn.
Tiếp đến, thầy cúng sẽ gặp và làm tư tưởng để động viên mọi người không sợ đen đủi, cứ yên tâm lao động sản xuất, sống đúng đạo lý của người Mông, của dòng họ thì sẽ được thần linh, tổ tiên phù hộ.
Sau khi nghi lễ kết thúc, mọi người trong dòng họ có mặt tại nghi lễ xếp theo một vòng tròn, thầy cúng dùng những sợi chỉ màu đã được bện và nối sẵn, đi theo một vòng tròn những người trong dòng họ, cuộn chỉ đi hết đến người cuối cùng, cũng là đích của gia chủ đó sang năm đến lượt tổ chức nghi lễ. Đây là sợi chỉ ràng buộc của đồng bào Mông, thể hiện sự đoàn kết nội bộ của dòng họ.
Có thể thấy, Nghi lễ “Sâu khấu” dân tộc Mông xã Chế Cu Nha là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc mang tính gắn kết cộng đồng, dòng họ, khuyên dạy con người nên sống thiện, sống có ích, tạo nên một cộng đồng tốt đẹp.
Lễ hội Gầu Tào – nghi thức độc đáo của người Mông
Lê Sơn-Trần Ngọc-Cinet
Dân tộc Mông là dân tộc có một đời sống tinh thần, tâm linh rất phong phú và đa dạng, tạo nên truyền thống văn hóa Mông với rất nhiều nét đặc sắc. Một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống của người Mông chính là lễ hội Gầu Tào.
Nhắc tới truyền thống văn hóa của người Mông, không chỉ nói tới những tập quán canh tác, chăn nuôi, ăn ở… mà còn ở tín ngưỡng, phong tục, tâm linh. Trong đó, tất cả những tín ngưỡng về sinh hoạt vật chất, sinh hoạt tinh thần đều xoay quanh mối quan hệ gia đình, dòng họ, làng bản và những tín ngưỡng đó đều được tái hiện qua lễ hội Gầu Tào.
Lễ hội Gầu Tào là lễ hội lớn nhất, đông người tham gia nhất, được coi là lễ hội tiêu biểu và đặc sắc nhất của người Mông.
“Gầu Tào” với mục đích là cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ ban cho gia đình sự khỏe mạnh, thịnh vượng, cầu phúc, cầu lộc ban cho dân bản, mở hội tạ ơn trời đất, núi sông đã ban cho tài lộc, mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng… Đây cũng là dịp để bà con trong bản tụ họp, vui chơi chuẩn bị bước vào một năm mới, một mùa canh tác mới.
Thời gian mở hội thường trong khoảng từ ngày mồng một đến ngày 15 tháng giêng. Nếu hội tổ chức 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày liền, hội làm gộp một năm sẽ tổ chức 9 ngày. Lễ hội Gầu Tào gồm 2 phần lễ và hội. Hội thường được tổ chức ở tất cả các làng xã, huyện lị và có đồng bào Mông sinh sống, được tổ chức trên một khu đất đồi tương đối bằng phẳng để thuận lợi cho việc đi lại, vui chơi hoặc những nơi có cảnh quan đẹp với đồi núi, cây cổ thụ tạo không khí thiêng liêng. Lễ hội Gầu Tào có thể do một gia đình, một dòng họ hay một làng bản đứng ra tổ chức.
Tại địa điểm được thầy cúng lựa chọn và là nơi dựng cây nêu (là cây mai cao vút ngọn lá và được trang trí thêm các hình nộm, các hoa văn bằng nhiều màu sắc) để thông báo cho bà con nơi đây sắp diễn ra lễ hội Gầu Tào. Đồng thời tại điểm đó được dựng hai cây gỗ to, bóc vỏ, cao chừng 10m, bên trên có xà ngang. Tại điểm ngọn được treo một bầu rượu lộc và buộc một sợi dây thừng to thả xuống làm dây leo cho các chàng trai trong bản thi thố.
Ngay từ cuối tháng chạp, khi được thầy cúng bói xin mở hội. Gia đình mở hội cầu phúc hay cầu mệnh, trong gia đình cử ra một người chặt cây làm cây nêu. Đầu tiên lễ dựng nêu được tổ chức. Nơi trồng cây nêu (cũng là địa điểm mở hội). Cây nêu được chôn nơi cao nhất thường là đỉnh đồi. Khi dựng xong, gia chủ còn làm lễ cúng ở ngay chân cột nêu mời tổ tiên các thần phù hộ cho có con, mọi thành viên đều khỏe mạnh, bằng an kế tục việc làm ăn, làm mặc theo dòng họ. Cây nêu được dựng lên, các làng gần, làng xa biết rằng tết năm nay sẽ mở hội Gầu tào. Mọi người đều hiểu chuẩn bị dự hội.
Sau phần của thầy mo, làm những thủ tục lễ bái, hầu hết là dùng những từ hoa mỹ (pàng lỳ) thanh cao, những câu ví mỹ miều, những câu tục ngữ (lù txà) khoa trương. Mọi người tụ tập đến bãi mở hội. Khắp bãi dựng thêm nhiều lều lợp lá cây cho người già ăn uống chúc tụng. Bãi bằng nhất được dọn ra cho trẻ em đánh quay.
Các nơi khác trong bãi, tổ chức các trò chơi cho ngày hội được quy định trước. Các nơi này mỗi nơi đều có quán xử(chủ sự) quản lý chung. Ngoài ra cần có xừ quan (quản lý) chăm lo việc ăn uống, có hấu pầu tờ (quản củi đuốc), hấu pầu giê (trông nom xay giã dần sàng) cùng với xừ quan.
Kết thúc lễ hội, chủ nhà làm lễ, cây nêu được hạ xuống. Thày mo đốt thẻ giấy, hốt than cho vào gáo nước, vừa đi vừa cầu khấn. Sau mỗi đoạn khấn vái, thày lại hấp một ngụm nước phun ra xung quanh. Mảnh vải đỏ thì mang về treo trong nhà cầu mong sự bình an và thịnh vượng.
Tiếp theo, các chàng trai, cô gái cùng nhau bước vào các tiết mục thi thố đặc sắc. Những tiếng khèn, những tiếng cười reo được vang lên náo nức khắp làng bản, báo hiệu một mùa xuân mới đã về và cũng hứa hẹn một năm mới mùa màng bội thu, một cuộc sống ấm no, sung túc và thịnh vượng.
Một số hình ảnh tại Lễ hội Gầu Tào:
Những nghi lễ chuẩn bị trước khi dựng cây nêu
Thầy mo và gia chủ cùng uống rượu trước khi làm lễ tế thần linh
Thầy mo tế thần linh và chọn phương hướng dựng cây nêu
Cây nêu được dựng


Gia chủ mời rượu cám ơn các thầy mo


Gia chủ hát mừng trước làng bản

Ngô và lúa, tượng trưng cho mong muốn mùa màng bội thu
Và những tiết mục văn nghệ và thi tài đặc sắc tại lễ hội
Theo http://dotchuoinon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...